“Tôi vẫn nhớ như in bố mẹ đã nuôi dạy mình như thế nào. Hàng núi các nhiệm vụ. Tôi lớn lên ở một làng quê, nơi người ta có rất nhiều việc phải làm. Cả mùa hè, lũ trẻ chúng tôi cùng cha mẹ cắt cỏ, dỡ khoai tây và hái quả mọng1. Với lũ trẻ thành phố, hái quả mọng là một thú vui. Vậy với lũ trẻ ở nông thôn chúng tôi thì sao? Bạn không thể phủi sạch cỏ khô dính trên quần áo, cũng không có chiếc xe đạp nào để di chuyển. Tôi học rất tốt và tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ. Vì thế nên tôi có động lực mạnh mẽ để không phải trở lại ngôi làng của mình. Tôi đã quyết định ở lại thành phố và làm việc chăm chỉ. Bây giờ tôi đã có nhà, có xe. Thỉnh thoảng đưa lũ trẻ về quê, tôi không cho phép chúng làm gì. Quả mọng chỉ việc đưa vào miệng và ăn. Tôi chẳng cần loại mứt nào cả. Tôi cũng nói với ông bà của lũ trẻ nếu họ cần khoai tây, tôi sẽ mua cho thay vì đi đào bới. Nhưng cha mẹ tôi vẫn cứ trồng, họ đã quen và không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ thế nào nếu mất đi những công việc gắn liền với đất đai. Còn lũ trẻ, tôi giải phóng chúng hoàn toàn khỏi lao động. Tôi mua một chiếc máy rửa chén bát chuyên dụng để chúng không phải rửa chén bát. Suốt cả tuổi thơ của mình, tôi đã phải rửa không biết bao nhiêu chén bát. Hãy để lũ trẻ có 1 tuổi thơ hạnh phúc. Tôi đã đạt được nhiều điều trong cuộc sống. Tôi có thể tự biến mình thành công nhân trong ngôi nhà của mình. Tôi làm việc để lũ trẻ có tuổi thơ hạnh phúc”.
1 Ở Nga, vào mùa hè, người ta thường đi hái quả mọng như dâu dại, mâm xôi, anh đào,... để làm mứt ăn kèm với bánh mì hoặc dùng chung với trà.
Người đàn ông mô tả “thời thơ ấu lao động cực nhọc” bên trên đã không nhận thấy mối quan hệ song song giữa “những thiếu thốn” và thành công của anh ấy ở độ tuổi trưởng thành. “Tôi đã đạt được rất nhiều thứ”, bởi vì “tôi đã làm việc chăm chỉ”. Làm việc chăm chỉ chính là kết quả mà anh ấy thu lại được từ thói quen lao động chăm chỉ thủa thơ ấu của mình. Giải phóng lũ trẻ khỏi lao động (ở đây cần phải bổ sung thêm: lao động ở đây là những lao động không liên quan đến việc học tập vì học tập cũng được coi là một loại lao động) có chăng sẽ ngăn cản thành công của trẻ trong cuộc sống sau này? “Lượm đến những quả mọng cuối cùng” có khi nào là bài học phát triển quan trọng cho sự thành công trong sự nghiệp? Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa bạn phải tăng cường độ lao động cho lũ trẻ ở mức tối đa. Ngoại trừ những công việc bất khả thi, trẻ nên tự mình lao động.
Có ý kiến cho rằng, nếu cho trẻ lao động để phát triển tính tự lập là cha mẹ đang tước đi mất tuổi thơ của con. Vâng, trí tưởng tượng của họ sẽ như sau: trẻ bị gắn với những công việc trong sinh hoạt hàng ngày: dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng, đi chợ... Vui chơi và đi dạo ư? Chúng chẳng có thời gian nữa bởi một núi các công việc cứ liên tục.
Đừng đẩy mình đi quá xa với khái niệm tự lập. Tự lập không phải là một nhiệm vụ. Một việc được coi là nhiệm vụ khi chúng ta “cần phải thực hiện” nó. Tự lập đó là khi chúng ta có khả năng và có thể giải quyết được vấn đề. Tôi có thể làm ngay cả khi đó không phải là nhiệm vụ của tôi.
Lý tưởng nhất đó là trong gia đình, lũ trẻ không có quá nhiều nhiệm vụ mà tự bản thân chúng muốn giúp đỡ, giúp đỡ và học được cái gì đó mới mẻ. Khi bạn thực sự mong muốn, bạn sẽ cảm thấy việc tìm hiểu những hoạt động mới dễ chịu và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu đứa trẻ đã biết đọc, điều đó có nghĩa là từ bây giờ nó luôn luôn phải tự đọc sách − một hoạt động nên được duy trì.
Kinh nghiệm mất mát quý giá sẽ dạy não bộ cách tìm ra phương án xử lý.
Nhưng thay vì mẹ đọc, đứa trẻ có thể tự đọc khi nó muốn. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ biết nấu nướng thì điều này không có nghĩa nó sẽ nấu nướng cho cả nhà vào mỗi buổi sáng dù nó muốn hay không muốn. Hãy để trẻ nấu nướng khi nó muốn hoặc khi cần thiết phải tự mình nấu nướng. Định kì một khoảng thời gian nào đó, tôi có thể yêu cầu lũ trẻ nấu bữa tối. Đó là khi tôi bị ốm, bị sốt và phải nằm trên giường. Đó cũng có thể là khi tôi có quá nhiều việc phải làm, khi phải gửi tài liệu đến cho nhà xuất bản đúng hạn.
Bạn có thể nuôi nấng con gái mình như một nàng công chúa với hi vọng cô bé sẽ không bao giờ phải đứng trong gian bếp. Nhà hàng, quán ăn sẽ cung cấp đồ ăn đến tận cửa, có giúp việc làm thay mọi công việc dọn dẹp, nấu nướng trong nhà...
Rất hợp lý nếu ai đó có thời gian rảnh rỗi và tiếp nhận thêm về mình một phần công việc sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng làm theo cách này và không phải gia đình nào cũng quan niệm những công việc trong sinh hoạt hàng ngày là công việc chung của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Tôi biết có những người phụ nữ “lập nên chiến tích” bằng cách nhận hết về mình mọi công việc, không ủy thác dù chỉ một phần nhỏ cho con. Họ nấu nướng ngay cả khi cơ thể mệt mỏi, trong lúc đó thì lũ trẻ đang nghịch máy tính hoặc tám chuyện trên các trang mạng xã hội.
“Tại sao lại làm hỏng tuổi thơ của lũ trẻ chỉ vì việc nấu nướng” − mẹ của cô bé Ira lý luận. Bà đã luôn cố gắng giữ cô bé tránh xa khỏi việc bếp núc. Ira bước chân vào giảng đường đại học và bắt đầu cuộc sống tự lập trong ký túc xá. Bốn cô gái cùng phòng đã phân chia nhau nấu nướng, dọn dẹp. Rồi cũng đến lượt Ira phải chuẩn bị đồ ăn cho cả phòng. Từ đây, cô bé dường như khám phá ra rất nhiều điều mới mẻ. Hóa ra để nấu một nồi cháo, cần phải đổ nước ngập gạo. Mì ống phải luộc bằng nước sôi chứ không phải chỉ ngâm trong nước lạnh. Pelmeni1 gồm một lượng nhỏ thịt và hành, hoặc các loại nhân khác nhau được gói trong bột và được chế biến bằng cách luộc trong nước sôi. Hóa ra món mì ống Hải quan2 không dùng kèm với thịt băm rang khô và nhất định phải có hành đã chiên qua dầu. “Ira, cậu thậm chí còn không biết thái hành! Ira, khoai tây phải được rửa sạch sẽ! Ira, cậu làm nó vụn hết rồi! Hãy tiết kiệm thực phẩm đi nào!” Sự kiên nhẫn của những cô bạn cùng phòng dường như cạn kiệt khi chứng kiến Ira pha trà và nấu súp bằng nước nóng lấy trực tiếp từ vòi3.
1 Một loại bánh bao (kích thước nhỏ hơn rất nhiều bánh bao người Việt Nam ăn hàng ngày)
2 Mì ống hải quan: Món ăn được phục vụ trong các đơn vị Hải quân, sau đó trở nên rất phổ biến ở Nga vì sự đơn giản, nguyên liệu rẻ và thời gian chuẩn bị ngắn.
3 Ở Nga, dù mùa đông hay mùa hè người dân vẫn phải dùng nước nóng. Dù vào mùa hè, nước cũng vẫn rất lạnh. Người Nga chỉ sử dụng nước nóng trực tiếp từ vòi để tắm giặt chứ không sử dụng để nấu nướng và pha trà sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
“Nhưng nước đã nóng sẵn rồi nên sẽ sôi nhanh hơn!” − Ira thanh minh cho hành động của mình. Thế nhưng biện hộ, thanh minh không giúp ích gì được cho Ira. Các cô gái quyết định sẽ không cho Ira ăn chung: “Cậu hãy ăn riêng đi. Chúng tớ sẽ không lãng phí thực phẩm vào tay cậu nữa”. Vài tháng sau đó, Ira chỉ ăn mì ăn liền. Ira chuyển sang phòng khác sống cùng cô bạn của mình. Ở phòng mới (cũng là phòng bốn người), Ira nhận nhiệm vụ dọn dẹp, còn nấu nướng sẽ do ba cô bạn chia nhau làm. Ira không phải là người lau sàn sạch nhất nhưng còn tốt hơn là phải nhịn đói.
Bạn có thể nuôi nấng con gái mình như một nàng công chúa với hi vọng cô bé sẽ không bao giờ phải đứng trong gian bếp. Nhà hàng, quán ăn sẽ cung cấp đồ ăn đến tận cửa, có giúp việc làm thay mọi công việc dọn dẹp, nấu nướng trong nhà... Nhưng bạn làm sao có thể biết điều gì đang chờ đợi con gái mình trong tương lai? Con bé có thể nấu nướng không giỏi nhưng vẫn tốt hơn là hoàn toàn không biết làm gì. Một nàng công chúa không biết nấu nướng, không biết làm việc nhà liệu có chắc tìm được cho mình một chàng hoàng tử? Không chỉ riêng với con gái, các cậu con trai cũng phải ghi nhớ: kỹ năng làm việc nhà rất cần thiết với con trai!
Một người biết làm, thành thạo một việc gì đó sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân hơn một người không biết làm gì, ngay cả khi họ chỉ bắt chước lại hành động của người khác vừa làm ngay trước đó.