Một “bà mẹ lười” sẽ quá lười biếng với việc nấu nướng những món ăn cầu kỳ, phức tạp. Bữa tối sẽ không có thịt băm bọc phô-mát và nấm chiên, không có khoai tây nghiền nhân thịt băm mà chỉ có khoai tây hầm với thịt. Món ăn càng đơn giản thì cơ thể càng ít phải chuyển động trong gian bếp và sẽ có nhiều thời gian cho việc khác. Chẳng hạn như: trò chuyện với con. Và một ưu điểm nữa mà những món ăn đơn giản mang lại đó là: lũ trẻ sẽ dễ dàng học được cách nấu. Dĩ nhiên mọi nỗ lực của lũ trẻ đều chưa thể đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của mẹ − những người đầu bếp thiên tài. Dù bạn có cố gắng thuyết phục con tin vào điều ngược lại: “Con có thể làm tốt hơn mẹ”, bạn vẫn cần phải giữ những quan điểm khách quan. Để làm được như vậy không có nghĩa người mẹ phải khẩn trương quên đi việc mình biết nấu ăn. Mẹ có thể thay thế, đan xen những món ăn phức tạp và đơn giản với nhau. Hôm nay có mì ống với phô-mát, kiều mạch luộc hay một thứ gì đó đơn giản hơn mà trẻ có thể tự chuẩn bị. Những cơ sở này sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng nấu nướng phức tạp hơn trong tương lai. Khi mẹ nấu cháo, con có thể trang trí thêm cho món cháo bằng cách thêm chuối, táo hay các loại hạt khác vào nấu cùng.
Được khen ngợi và thưởng thức hương vị của món ăn sẽ truyền cảm hứng và cổ động trẻ tiếp tục thử sức với các “thí nghiệm” ẩm thực lý thú.
Ở nhà, tôi với lũ trẻ thường xuyên có những “thí nghiệm” ẩm thực kể từ khi Sasha học được cách cầm dao. Tôi và Arseny đã cùng nhau giúp đỡ Sasha làm món salad Vinaigre. Đó là một giờ học rất thú vị: xắt cà rốt và củ cải đường thành những khối ô vuông nhỏ. Nếu cha mẹ nào cảm thấy chưa yên tâm để con sử dụng dao thì một bí quyết nhỏ đó là hãy luộc chín củ quả. Rau củ quả chín sẽ dễ dàng được cắt bằng một con dao nhựa an toàn.
Khi nấu nướng, Sasha đề nghị:
- Hãy làm món Vinaigre với kẹo đi mẹ!
Trên bàn ăn có một hũ kẹo với những viên kẹo được bọc cẩn thận trong những chiếc vỏ phát sáng. Tôi chưa kịp nói không thì Sasha đã kéo hũ kẹo lại và bắt đầu bóc vỏ.
Tôi tự nhủ: “Hãy giải thích cho thằng bé vì sao không thể” − “Không!” − “Nó sẽ không phải là một món ăn ngon đâu!” − “Con thử món này rồi sao?” − “Mẹ biết chắc sẽ không ngon đâu” − “Nhưng Sasha thì chưa biết. Thằng bé không có định kiến như tôi. Và thằng bé muốn thử” − “Món salad sẽ hỏng mất thôi!”.
Sasha đã nói với tôi rằng đây là món Vinaigre ngon nhất trên đời mà con từng được thử. Thằng bé thèm thuồng nhìn những viên kẹo còn lại trên đĩa của mọi người. Thằng bé còn xin tôi một vài viên kẹo trên đĩa của mẹ. Vì lý do nào đó mà những viên kẹo đã mất đi hình dáng vuông vức ban đầu. Có thể do tác động của dầu thực vật chăng?
Sasha lại tiếp tục hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ đã bao giờ nếm thử món kẹo chiên chưa?
Và chúng tôi đã đồng ý tiến hành thí nghiệm ẩm thực mới: chiên kẹo. Tôi nhớ mình có một chiếc chảo cũ có thể vứt đi trong trường hợp không thể rửa sạch được.
Sau đó chúng tôi còn có thêm những thí nghiệm dũng cảm với đồ uống. Tất cả các chất lỏng được trộn lẫn. Trà trộn với nước hoa quả - uhmm cũng không tồi. Nước hoa quả trộn với sữa chua… Thật may mắn tôi vẫn còn sống sót sau khi nếm thử.
Nếu trẻ tự mình nghĩ ra những món ăn mới không theo những công thức chế biến có sẵn cũng là một biểu hiện của tính tự lập. Một lần nọ, cậu bé Kolya 10 tuổi quyết định làm một chiếc bánh chuối. Cậu bé tự nghĩ ra công thức mà không hề biết rằng món bánh chuối này có công thức chế biến. Cậu bé làm theo những gì mẹ làm chỉ có điều mẹ chưa bao giờ nghĩ sẽ đặt chuối lên trên thay cho khoai tây như Kolya. Kolya đi tới cửa hàng, mua bột ủ sẵn và chuối. Cậu bé lăn bột như mẹ vẫn thường làm, cắt chuối thành từng miếng và rải đều lên trên mặt bánh như mẹ rải khoai tây. Cậu bé rải thêm đường lên trên rồi phủ một lớp bột mỏng và vỗ dẹt viền bánh lại như mẹ làm. Cậu bé đặt bánh vào lò nướng và đợi cho đến khi lớp bánh bên trên chuyển sang màu nâu nhạt. Cậu bé đã được mẹ dạy cách sử dụng lò nướng trước đó.
Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về thí nghiệm ẩm thực mới: chiên kẹo.
Người mẹ trở về nhà khi ngày làm việc kết thúc và một bất ngờ đang chờ đón cô ấy. Cô ấy đang ăn kiêng và rất mệt mỏi sau một ngày làm việc. Chiếc bánh không thực sự hợp khẩu vị lắm, nhưng cô ấy thực sự rất vui mừng vì con trai đã chủ động và có thể tự làm mọi thứ. Cô đã chụp lại chiếc bánh và đăng tải lên các trang mạng xã hội với hastag “bất ngờ từ con trai” và “cậu trai tuyệt vời nhất của tôi”. Suốt một tuần sau đó, người mẹ không ngừng kể cho bạn bè, người thân về thú vui ẩm thực của con trai. Cậu bé Kolya đã nhận được không ít lời khen ngợi. Kolya đã quyết định sẽ thử nướng pizza làm bằng bột Pelmeni. Vỏ bánh sẽ thật mỏng vì mẹ thích ăn pizza đế mỏng. Chiếc pizza nhìn bên ngoài có vẻ rất ngon miệng và nó đã được giới thiệu trên trang cá nhân của mẹ Kolya.
Nhưng thực tế để nhai miếng pizza mới khó khăn làm sao: nó quá cứng và khô. Tuy nhiên, cậu bé Kolya đã không phải nghe lời chỉ trích nào. Người mẹ có thể cảnh báo trước đó: “Không nên dùng bột làm pelmeni để làm đế pizza. Tốt hơn hết con nên sử dụng bột nhào sẵn dành riêng để làm đế cho pizza”. Nhưng mẹ đã không làm vậy. Tại sao? Khi đứa trẻ thử nghiệm, trẻ sẽ có cơ hội so sánh kết quả thử nghiệm của mình với hình dung về chiếc bánh pizza truyền thống và hiểu ra rằng, mình sẽ cần phải thay đổi gì đó trong công thức và kỹ thuật để có một chiếc pizza hoàn hảo hơn về hình dáng và hương vị.
Chỉ trích và những giáo huấn không đúng cách có thể dễ dàng làm trẻ nản lòng và không muốn bắt tay vào hành động. Học qua thử thách và sai lầm là con đường đáng tin cậy hơn đưa chúng ta đến thành công.
Nếu trẻ không muốn học cách tự làm gì đó bằng tay, ví dụ như nấu nướng thì sao? Điều này cũng hoàn toàn bình thường. Có người thích dành thời gian trong gian bếp, nấu nướng một món ăn nào đó, nhưng có người thì không. Bên cạnh sở thích, còn có nhu cầu, tình huống và yêu cầu giúp đỡ. Dĩ nhiên bạn không thể làm gì được lúc này nếu thiếu kỹ năng nấu nướng. Nói rộng ra, nếu thiếu các kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày, chỉ việc dùng búa đóng một chiếc đinh vào tường cũng có thể gây ra hậu quả khủng khiếp. Làm chủ các kỹ năng là ranh giới giữa “tôi muốn” và “tôi có thể”: “Tôi không muốn, nhưng nếu cần thì tôi vẫn có thể làm được”.
- Hôm nay mẹ phải trực nên sẽ về nhà muộn đấy − “bà mẹ lười” nói với con đang là một cậu học sinh − Làm ơn hãy thay mẹ chuẩn bị bữa tối. Hãy cẩn thận và khi mẹ về nhà, mọi thứ đã sẵn sàng và chúng ta chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Con thích nấu gì nào? Cháo, mì ống hay khoai tây nghiền đây?
Sau khi kết thúc bữa tối, nhất định không được quên cảm ơn và khen ngợi con:
- Mẹ thực sự cảm ơn con vì bữa tối! Con rất đáng được khen ngợi!
Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng yêu cầu này trong bất kỳ trường hợp nào vì sẽ trở thành thói quen và làm mất dần mọi hứng thú của trẻ.
Nhưng nếu mẹ yêu cầu chuẩn bị đồ ăn, thằng bé nhận lời, nói rằng sẽ chuẩn bị mì ống nhưng kết quả khi bữa tối đã đến, chẳng có món nào được dọn ra trên bàn thì sao?
Trước tiên, hãy đảm bảo không nặng lời, quát mắng gì trong tình huống này. Hỏi con chuyện gì đã xảy ra, lý do là gì, con có gặp phải khó khăn gì không. Ngay cả khi thằng bé mải chơi và quên mất lời hứa chuẩn bị mì ống cho bữa tối giúp mẹ, đừng khiến thằng bé xấu hổ, đừng quở trách thằng bé, hãy nhẹ nhàng: “Uhmm, con muốn ăn gì nào” − và yêu cầu con đặt nước lên bếp, “trong lúc mẹ thay quần áo, nếu nước sôi, con hãy cho mì vào nồi”. Hãy nói với con: “Cảm ơn con, hai người làm sẽ nhanh hơn một mình mẹ làm đúng không?”
Nếu trẻ không muốn học cách làm một việc nào đó trong sinh hoạt hàng ngày…
Có thể một vài độc giả đọc đến đây sẽ thắc mắc: Tại sao lại không quở trách con? Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể. Nhưng để làm gì đây? Nếu bạn làm như vậy trong trẻ sẽ xuất hiện những cảm xúc tiêu cực rằng, mình đã không hoàn thành yêu cầu và nhiệm vụ mẹ giao phó. Lần tới, con sẽ cảm thấy yêu cầu của mẹ trở thành gánh nặng và không thấy tự hào vì lời khen của mẹ. Qua kết quả công việc tốt đẹp, cảm xúc và những lời khen ngợi tích cực, trẻ sẽ thay đổi cảm xúc từ tiêu cực sang trung tính và thậm chí còn có thể đánh thức sở thích nấu ăn trong mình.