Bốn lớp, mỗi lớp 35 học sinh. Thử tưởng tượng xem có bao nhiêu người lớn đứng đợi đón lũ trẻ ở cổng trường?
Một bà mẹ có sáng kiến, nói lớn:
- Các phụ huynh! Vui lòng đứng sang hai bên! Làm ơn đứng dọc thành một hàng để lũ trẻ có chỗ đi!
Đó là ngày đầu tiên tới trường. Sự lo lắng của cha mẹ dường như tăng đến tột cùng. Cảm tưởng như nếu đứa trẻ không bị chặn lại ở lối đi thì chắc chắn nó sẽ bị lạc.
- Con gái lớn của tôi học tại một ngôi trường. Ở đó, giáo viên luôn luôn dẫn lũ trẻ đã mặc áo khoác chỉnh tề ra ngoài đường phố và trao trả cho từng phụ huynh! − một bà mẹ chia sẻ về ý tưởng của mình.
- Như vậy mới đúng đó! Nếu giáo viên cứ ở lại trong lớp học thì làm sao cô ấy biết lũ trẻ có ra đến cổng trường hay không? Ngộ nhỡ chúng bị lạc ngoài hành lang thì sao? Giả sử cha mẹ chưa kịp đến đón, chúng sẽ đi đâu đây? − một bà mẹ khác sốt sắng nói.
Tôi vẫn nhớ như in khi mình đi học lớp Một. Tôi nhớ về trường học là một tòa nhà lớn, có rất nhiều người. Nhưng không hề phải sợ hãi như các mẹ nói. Tòa nhà chỉ có ba tầng với một vài cầu thang bộ. Lũ trẻ lớp Một cũng có thể nhanh chóng quen. Chẳng lẽ lũ trẻ ngày nay lại ngu ngốc hơn thế hệ trước sao? Không.
Và cuối cùng, những con én đầu tiên xuất hiện, lũ trẻ… Chúng hơi bối rối khi nhìn thấy một hành lang đầy người… Các bậc phụ huynh tích cực tìm con, chộp lấy tay con hoặc túm lấy những chiếc túi chúng đang giữ.
Tôi ngay lập tức hình dung đến khung cảnh chờ hành lý tại sân bay. Một đám đông người vây quanh băng chuyền… Và kia, xuất hiện balo hành lý quen thuộc của tôi rồi…
Bạn có đoán được điều gì xảy ra với chiếc balo của lũ trẻ không? Chúng sẽ được chuyền sang tay người lớn từ vai của trẻ. Mẹ và bà của một cậu bé cầm balo giúp con/cháu mình. Tại sao? Đây là balo của cậu bé, bên trong đó có đồ đạc của cậu bé và cậu bé phải có trách nhiệm với balo của mình. Tại sao bà và mẹ lại thay cậu bé làm việc ấy? Đúng là không có chiếc balo, thằng bé sẽ đi lại dễ dàng hơn. Nhưng chiếc balo cũng sẽ nặng với bà và mẹ. Nếu ngay từ bây giờ thằng bé không thể tự mình mang chiếc balo thì trong tương lai, thằng bé sẽ dần hình thành một hành vi cố định: đùn đẩy trách nhiệm sang cho mẹ.
Các em học sinh lớp Một chưa muốn về nhà ngay. Chúng muốn chạy quanh sân trường và đùa nghịch. Lũ trẻ là vậy! Các bà mẹ đứng đợi trên tay cầm theo chiếc balo của con mình. Chỉ duy nhất một cậu bé chạy nhảy với chiếc balo trên vai. Vâng, đó chính là con trai của tôi. Thằng bé có một “bà mẹ lười” đến mức không muốn cầm cặp cho con. Nhưng thằng bé cuối cùng cũng nhận ra chạy nhảy với chiếc balo trên vai không được thuận tiện lắm. Ồ vâng, chẳng có vấn đề gì cả: thằng bé tháo balo và đặt nó cạnh bồn hoa.
- Ôi không, balo sẽ bẩn hết cho mà xem! − bà mẹ đứng bên phải tôi nói.
- Không có gì. Thằng bé sẽ lau chùi balo của mình khi về nhà − tôi trấn an cô ấy.
- Lũ trẻ sẽ mải chơi và để quên balo! − bà mẹ bên trái lo lắng.
- Uhmm, nếu thằng bé quên, nó sẽ phải quay lại lấy và khi đó nó sẽ không quên nữa.
Thật ra tôi quá lười để quay lại lấy balo cho con mình.
Giữ balo cho con khi chúng chậm rãi đi lại, chân đá qua đá lại những chiếc lá rơi trên sân trường không phải là sự chăm sóc dành cho con. Đó là sự chăm sóc mà các bậc cha mẹ dành cho chính mình. Balo sẽ bị bẩn, bị thất lạc… Trí tưởng tượng đi mới xa làm sao! Bà mẹ bình tĩnh hơn và giữ mọi thứ trong tay của mình. Một tay giữ balo, tay còn lại nắm chặt bàn tay con mình. Nếu chẳng may thằng bé tuột tay và chạy nhảy quanh sân trường, với bà mẹ thì thằng bé có thể liên tục gặp nguy hiểm. “Ở đó có vũng nước! Làm ơn hãy chú ý! Đừng nhảy từ trên bậc xuống! Trên đó rất cao! Đừng chạy ở cầu thang, con sẽ ngã dúi đầu xuống mất thôi! Con đang trèo lên cây ư? Xuống đây ngay lập tức! Chơi thế đủ rồi, về nhà thôi”. Và đứa con cùng mẹ trở về nhà bởi người mẹ đã quá mệt mỏi với những lo lắng của mình. Nhưng làm như vậy có nghĩa bạn đang đóng cánh cửa bước vào cuộc sống của trẻ mất rồi!
Ngay cả khi thằng bé mải chơi và quên mất lời hứa với mẹ, đừng khiến thằng bé xấu hổ, đừng quở trách thằng bé, hãy nhẹ nhàng: “Uhmm, con muốn ăn gì nào” − và yêu cầu con đặt nước lên bếp.
Trên đường trở về nhà, phía trước chúng tôi là hai mẹ con. Người con trai đã có dáng dấp đang ở độ tuổi dậy thì. Hai tay bà mẹ xách hai túi thức ăn có vẻ rất nặng. Một tay vẫn không quên kẹp chặt túi xách, nhưng túi đồ quá nặng khiến chiếc túi xách như sắp rơi ra khỏi tay.
- Mẹ đưa túi thức ăn đây con xách cho.
Cậu con trai vươn tay định nắm lấy, nhưng bà mẹ nhanh chóng lánh sang phía khác:
- Thôi nào, mẹ sẽ xách. Trong đó có trứng. Con sẽ đánh vỡ hết. Cần phải cầm thật cẩn thận!
Dĩ nhiên, bà mẹ không để cho con xách thay mình túi đồ.
Việc bảo vệ những quả trứng để chúng không bị vỡ với bà mẹ quan trọng hơn sự tự trọng của một chàng trai mới lớn.
Vâng, giả sử trứng bị vỡ? Một vài quả trứng bị vỡ khủng khiếp lắm sao? Hai mẹ con hoàn toàn có thể tiếp tục đi về nhà dù trong túi chẳng còn quả trứng nào lành lặn. Hoặc bà mẹ có thể cho cậu con trai cơ hội chuộc lỗi bằng cách sai cậu quay lại cửa hàng và mua những quả trưng mới. Ngoài ra còn có một cách khác: Bà mẹ lấy chiếc hộp đựng trứng ra và cầm ở tay, còn túi đồ đưa cho con trai xách.
Ở đó có vũng nước! Làm ơn hãy chú ý! Đừng nhảy từ trên bậc xuống! Trên đó rất cao! Đừng chạy ở cầu thang, con sẽ ngã dúi đầu xuống mất thôi!
Tôi đoán là sẽ có người đặt ra câu hỏi: “Trẻ ở độ tuổi nào nên xách đồ nặng?” Câu trả lời là: không quy định chính xác độ tuổi nào. Vấn đề không nằm ở sức khỏe thể chất mà nằm ở khả năng nhận thức: nếu thấy mẹ xách nặng, cần phải ngay lập tức giúp đỡ mẹ. “Cần” đó là khi bạn bị ép buộc làm những điều mình không muốn. Các ông bố bà mẹ có muốn một trợ thủ đắc lực không? Hãy hình thành cho trẻ thói quen giúp đỡ người khác. Thậm chí một đứa trẻ 2 tuổi đã có thể xách đồ giúp cha mẹ ra khỏi cửa hàng. Dĩ nhiên, đồ không quá nặng nhưng trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của mình: không có mình mẹ sẽ không thể xách nổi hết chỗ đồ này mất thôi!
Hãy chia đồ thành hai túi: một chiếc túi to và một chiếc túi nhỏ hơn. Hãy để bánh mì, bơ… vào chiếc túi nhỏ hơn, đưa cho trẻ và đừng quên nhắn nhủ: “Con phụ trách chiếc túi này nhé. Sẽ rất khó khăn cho mẹ nếu phải xách cả hai chiếc túi cùng một lúc. Hãy giúp mẹ nhé”. Ồ, đừng quên việc giáo dục và luyện tập phải diễn ra liên tục. Những việc “vụn vặt” này sẽ hình thành nên giáo dục cho con trẻ.
✓ Con muốn mang đồ chơi tới trường sao? − Tốt thôi, nhưng con sẽ phải tự mình mang.
✓ Con muốn mang theo xe scooter đi dạo sao? − Tốt thôi, nhưng con sẽ phải tự mình mang.
✓ Con muốn trượt từ trên dốc xuống sao? − Tốt thôi, nhưng con phải tự mình mang ván trượt lên đó.
Các cha mẹ cần chú ý: Hãy nói không với chủ nghĩa cuồng tín1. Nếu dốc quá cao, hãy giúp đỡ con.
1 Chủ nghĩa cuồng tín là sự theo đuổi hoặc bảo vệ điều gì đó theo một cách cực đoan và đam mê quá mức bình thường. Người cuồng tín thể hiện những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt và ít khoan dung/nhân nhượng với những quan điểm, ý kiến trái chiều.