Giáo dục là quá trình tác động có mục đích và có hệ thống. Nếu bạn đột ngột quyết định trở nên “lười biếng” thì đứa trẻ sẽ không thể trở nên tự lập theo đúng thứ tự “một, hai, ba”. Phản ứng sẽ là stress, kháng cự, chống đối hoặc thờ ơ với sáng kiến giáo dục của mẹ.
Dạy trẻ tự lập cần hết sức từ từ, dần dần từng bước một. Bạn có còn nhớ những nguyên tắc mà tôi đã nêu ở bên trên không? Dần dần từng chút một, tự chủ và nhu cầu cá nhân.
Con muốn mang theo đồ chơi đến lớp sao?- Tốt thôi, nhưng con phải tự mình mang lấy.
Hãy lập một danh sách những việc mà con có thể làm không cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Ưu tiên chọn trong danh sách những việc quan trọng hơn và cân nhắc xem những việc đó có phù hợp với lứa tuổi, thể chất và đặc điểm tính cách của con hay không. Bắt đầu từ gạch đầu dòng thứ nhất. Trung bình sẽ mất khoảng ba tuần để một kỹ năng hình thành. Ba tuần đó với bạn cũng chính là ba tuần kiên nhẫn: Kiểm soát; Giúp đỡ, hỗ trợ; Kiểm tra; Khen ngợi, tán thưởng. Sau đó bạn có thể chuyển sang gạch đầu dòng tiếp theo.
Ví dụ, con của bạn đang là học sinh lớp Một, bạn quyết định thằng bé sẽ làm những việc sau đây:
✓ Đánh răng mà không cần nhắc nhở;
✓ Chuẩn bị cặp sách đến trường;
✓ Chuẩn bị đồ đến phòng tập;
✓ Tự làm bài tập về nhà;
✓ Chuẩn bị và thu dọn giường khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy;
✓ Làm sạch giày;
✓ Rửa chén bát;
✓ Dọn dẹp phòng của mình;
✓ Tưới cây;
✓ Vứt rác;
✓ Chuẩn bị đồ ăn cho mình;
✓ Giặt quần áo;
✓ Phơi quần áo sau khi giặt xong;
✓ Cho mèo ăn;
✓ Dọn dẹp chỗ vệ sinh của mèo.
Đây chỉ là một danh sách mẫu. Danh sách của bạn có thể có những việc khác hoàn toàn với những việc có trong danh sách mẫu trên. Hãy tập trung vào nhu cầu và khả năng của con mình.
Lấy một tờ giấy và vẽ ra trên đó một bảng gồm bốn cột.
Cột thứ nhất gồm những gạch đầu dòng theo “chương trình sư phạm” của bạn. Tức là những việc trẻ nên tự làm.
Bây giờ, hãy quyết định mình nên bắt đầu từ đâu và các kỹ năng sẽ được phát triển theo thứ tự nào. Để xác định được thứ tự và tính quan trọng của từng kỹ năng, hãy chấm điểm cho từng kỹ năng vào cột bên cạnh theo hàng tương ứng.
Cột thứ hai
✓ 1 điểm, nếu kỹ năng cần thiết mỗi ngày.
✓ 2 điểm, nếu kỹ năng này cần thiết hai đến ba lần một tuần.
✓ 3 điểm, nếu kỹ năng hữu ích nhưng hiếm khi cần đến.
Cột thứ ba
✓ 1 điểm, nếu trẻ có thể dễ dàng xử lý, chỉ cần biến nó thành thói quen hàng ngày.
✓ 2 điểm nếu trẻ có thể xử lý nhưng cần đến sự trợ giúp của người khác.
✓ 3 điểm nếu trẻ chưa có khả năng thực hiện.
Sau đó, lấy kết quả ở cột thứ hai nhân với cột thứ ba và viết kết quả nhận được vào cột thứ tư.
Sắp xếp các kỹ năng theo thứ tự giá trị của nó ở cột thứ tư từ bé đến lớn.
Chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện các thói quen theo thứ tự từ trên xuống dưới − có nghĩa là từ những việc cần thiết hơn và dễ thực hiện. Kinh nghiệm cho thấy, những việc được liệt kê trong bảng trên cần thời gian nỗ lực giáo dục nửa năm.
Sẽ rất tốt nếu trẻ có một công cụ trực quan để tự mình đánh giá và kiểm soát. Bạn có thể vẽ và trang trí một bảng sao cho hấp dẫn và dán trên tường. Hãy hướng dẫn và đề nghị con đánh dấu vào hành động mà con đã thực hiện.
Bạn cũng có thể dán nó trên cánh cửa tủ lạnh. Mua những chiếc nam châm nhỏ, màu sắc và trẻ sẽ dùng những chiếc nam châm nhỏ đó để đánh dấu những việc mình đã thực hiện. Những thứ có thể tác động vào thị giác không chỉ giúp cho trẻ mà còn giúp cho cả người lớn không cần dùng đến nhật ký cũng có thể lên kế hoạch, xây dựng biểu đồ và sơ đồ cho công việc cũng như cuộc sống của mình.
Trẻ lớp Một thường chưa thể tự mình chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở đến lớp. Do đó, bạn có thể chuẩn bị cho trẻ một danh sách các đồ dùng cần chuẩn bị. Danh sách này có thể do trẻ tự viết hoặc bạn viết thay con. Đánh dấu “+” vào trước những đồ dùng con đã đặt trong cặp. “Cái này đã cất. Cái này cũng cất rồi. Bây giờ mình sẽ cất cái này”. Kỹ năng tự kiểm soát cũng vì thế mà phát triển.
Khi trẻ tự giác “đánh răng mà không cần nhắc nhở” và “chuẩn bị, thu dọn giường trước và sau khi ngủ dậy” mà không cần cha mẹ kiểm soát, chúng ta sẽ tiếp tục sang mục “Cho mèo ăn”. Lũ mèo có vẻ không dễ xử lý đâu! Chúng sẽ không bao giờ để yên nếu bạn quên cho chúng ăn. Chúng sẽ kêu ầm ĩ và bám gót người “quản lý” thực phẩm của chúng. Chính vì thế những người “quản lý” thực phẩm này sẽ có động lực thúc đẩy để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nhân nói về động lực.
Lũ trẻ sẽ dễ dàng nhanh chóng bỏ qua những bảng biểu mà cha mẹ vẽ ra, nếu tự bản thân chúng không có động lực thực hiện. Không thu dọn chăn ga, không dính nam châm vào ô cũng không tích “+” − tất cả giống như nước đổ đầu vịt. Lũ trẻ không có nhu cầu, hứng thú. Chỉ có bố và mẹ mới cần thu dọn chăn ga, còn với chúng: Tại sao lại phải thu dọn khi buổi tối đi ngủ lại phải trải ra? Nếu trong trường hợp như vậy, chúng ta nên làm gì đây?
Dù lý do “siêu củ chuối” nhưng tôi sẽ phải nói: Bởi vì lũ trẻ chẳng đứa nào giống đứa nào. Vì thế nên không có một phương pháp giáo dục phổ cập nào phù hợp với mọi đứa trẻ. Có những phương pháp hiệu quả với những đứa trẻ lớn hơn, nhưng không hiệu quả với những đứa trẻ nhỏ hơn. Và những cột bảng màu sắc kia chỉ đơn giản là công cụ để thực thi tính tự chủ. Tự bản thân những cột bảng này không có giá trị gì cho lắm. Nếu tự bên trong bản thân trẻ có động lực (trẻ muốn làm) hoặc có động cơ để kích thích bản thân theo gợi ý của cha mẹ, chúng sẽ tự mình thu dọn giường mà không cần cha mẹ động đến dù chỉ một ngón tay.
Do đó hãy bắt đầu từ việc hình thành động cơ cá nhân cho trẻ. Hãy cho trẻ biết tại sao cần phải làm việc này cái kia; cha mẹ sẽ thích thú như thế nào khi mọi việc được thực hiện. Đừng quên nghĩ ra một vài câu nói truyền cảm hứng cho lũ trẻ. Tuy nhiên nếu vẫn không hiệu quả, không có tác động với con bất chấp những nỗ lực của cha mẹ, thì lúc đó hãy kết nối các động cơ lại với nhau.
Kích thích là những tác động bên ngoài có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Kích thích tích cực đó là khi trẻ nhận được phần thưởng xứng đáng vì đã hình thành được một thói quen tích cực: đồ chơi, sách, chuyến tham quan địa điểm thú vị... Phần thưởng phải là những gì trẻ thật sự mong muốn và nỗ lực phấn đấu để đạt được và đó chính xác phải là sự động viên, khích lệ bình đẳng theo quan điểm, đánh giá khách quan của cha mẹ.
Một lưu ý quan trọng khác. Khuyến khích không phải vì việc trẻ hoàn thành một hành động nào đó theo kiểu “bạn vì tôi, tôi vì bạn”. Khuyến khích đó là việc thể hiện niềm vui vì một thói quen hữu ích bắt đầu được hình thành.
Kích thích tiêu cực là khi trẻ bị phạt, bị tước đoạt quyền lợi do chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Những “tối hậu thư” phổ biến nhất phải kể đến: “Nếu con không lau sàn, mẹ sẽ không cho phép con đi chơi!”. Dĩ nhiên, sẽ có hiệu quả, nhưng chỉ là hiệu quả nhất thời. Đến một lúc, bạn không thể giữ con ở nhà dù muốn. Các kích thích tiêu cực trước kia đến một lúc nào đó sẽ trở nên vô tác dụng.
“Hãy giúp mẹ lau nhà” sẽ thực sự có hiệu quả và hiệu quả lâu dài nếu việc giáo dục con được xây dựng trên cơ sở động lực và mong muốn được giúp đỡ thay vì chỉ trên cơ sở kích thích. Vì thế, giáo dục, trước hết hãy bắt đầu và tập trung vào việc xây dựng động lực cho trẻ.
Mức độ ưu tiên cũng nên có thứ tự như sau: thái độ quan trọng hơn kỹ năng. Nếu chỉ đơn giản giúp con hình thành một kỹ năng, các ông bố chỉ cần lăm le trong tay một chiếc thắt lưng là đủ: “Bố đã nói bao nhiều lần rằng phải dọn bàn ăn sạch sẽ sau khi ăn! Phải cho ăn năm roi bộ nhớ của con mới chịu hoạt động đây mà!”. Và kỹ năng rất có thể ngay lập tức được hình thành nhưng bạn nghĩ sao khi lũ trẻ lớn lên, đủ sức giữ lấy tay bố hoặc giật lấy chiếc thắt lưng trong tay bố, khi lũ trẻ đủ sức và nhận thức được việc cần đấu tranh để bảo vệ bản thân, để chống lại bạo lực như mình đã từng phải chịu đựng khi còn bé? Lũ trẻ không đứa nào giống nhau nhưng đứa trẻ nào cũng đều sẽ lớn lên?