✓ Con muốn gì?
✓ Tại sao con muốn nó?
✓ Hãy tưởng tượng con đã nhận được thứ con muốn. Con sẽ làm gì với nó? Mức độ hài lòng của con về nó như thế nào? Con có chắc chắn rằng mình muốn nó không?
✓ Theo con nghĩ, tại sao con lại không có được nó?
✓ Điều gì có thể làm thay đổi tình hình?
✓ Con sẽ làm gì?
✓ Còn gì nữa không?
✓ Những hậu quả nào có thể xảy ra với con và người khác?
✓ Con thấy điều gì ở đây với con là khó khăn nhất?
✓ Ai có thể giúp con và giúp bằng cách nào?
✓ Ai và điều gì có thể cản trở, làm phiền con? Con có thể bằng cách nào đó dự đoán trước được không?
✓ Con có lời khuyên nào cho người khác nếu người đó ở vị trí của con?
✓ Hãy tưởng tượng con có một cuộc đối thoại với một nhà thông thái mà con quen. Nhà thông thái đó sẽ khuyên con nên làm gì?
✓ Mẹ không biết nên làm gì tiếp theo. Con có ý tưởng, gợi ý nào không?
✓ Nếu có ai đó nói và hành động như vậy con có thông cảm và đưa ra gợi ý, ý tưởng nào cho họ không? Sau đó con sẽ làm gì tiếp theo?
✓ Con sẽ được gì và mất gì nếu làm như vậy?
✓ Con cần biết thêm kỹ năng nào để giải quyết việc này? Con có thể học được kỹ năng này ở đâu?
✓ Con cần tới những kiến thức nào? Con có thể học được những kiến thức đó ở đâu?
✓ Khi nào con bắt tay thực hiện việc này?
✓ Con có chắc chắn mình sẽ đạt được mục tiêu với việc này không?
✓ Những khó khăn và trở ngại nào con có thể gặp phải?
✓ Con sẽ làm gì trong tình huống đó?
Ví dụ về việc sử dụng các câu hỏi (Cuộc trò chuyện giữa mẹ và con trai)
- Con muốn một bộ điều khiển trò chơi. Để làm gì?
- Con sẽ dùng nó để chơi game. Nó rất thú vị. Tất cả bạn bè của con đều có một bộ điều khiển như thế.
- Thế tại sao con vẫn chưa có?
- Vì mẹ không mua cho con!
- Thế tại sao mẹ lại không mua?
- Tại vì mẹ không có tiền.
- Không có đồng nào sao?
- Có chứ… Nhưng mẹ sẽ không dành nó để mua bộ điều khiển đâu.
- Tại sao?
- Tại vì mẹ sẽ dùng tiền để mua sắm những đồ dùng khác.
- Liệu có thể là những đồ dùng nào?
- Có thể là những đồ dùng nào đó cần thiết hơn.
- Vậy làm sao để thay đổi tình hình đây nhỉ?
- Chúng ta, có thể nào, chi tiêu ít hơn được không mẹ?
- Vậy con sẵn sàng từ bỏ thứ gì để có được bộ điều khiển đây?
- Đi xem phim và ăn kẹo ạ.
- Con thử tính xem liệu bằng cách này con sẽ tiết kiệm được bao nhiêu một tháng?
- Khoảng 1.000 rub1 ạ.
1 1 rub = 398 VNĐ
- Vậy với mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 1.000 rub thì bao lâu con sẽ mua được bộ điều khiển?
- Một năm rưỡi ạ.
- Con có thể đợi một năm rưỡi nữa được không? Con chắc là mình đã sẵn sàng trải qua một năm rưỡi không đi xem phim và không ăn kẹo chứ?
- Không ạ.
- Có ý tưởng nào khác không?
- Mẹ cần phải kiếm thêm nhiều tiền ạ.
- Tuyệt vời. Con có thể chỉ cho mẹ làm thế nào mẹ có thể kiếm được nhiều tiền hơn không?
- Làm việc chăm chỉ hơn.
- Mẹ lấy đâu ra thời gian cho việc đó đây?
- Mẹ đừng làm một cái gì đó.
- Ví dụ? Không ngủ, không ăn, không nghỉ ngơi? Mẹ không thể làm vậy được. Thời gian của mẹ còn đang dành vào việc gì nữa nhỉ?
- Mẹ còn dành thời gian đi chợ, nấu nướng, rửa bát.
- Còn gì nữa không?
- Cả hút bụi nữa ạ.
- Trong những việc đó việc gì mẹ có thể không cần làm được nhỉ? Ai sẽ làm giúp mẹ những việc đó được đây?
- Con có thể hút bụi và rửa chén bát ạ.
- Tuyệt! Mẹ đã định mua một chiếc máy rửa chén bát. Nó có giá ngang ngửa bộ điều khiển trò chơi của con. Nhưng nếu con nhận nhiệm vụ rửa chén bát thì mẹ không cần một chiếc máy rửa chén bát nào nữa. Con sẵn sàng rửa chén bát hàng ngày nếu chúng ta mua một bộ điều khiển trò chơi chứ?
- Tất nhiên rồi ạ!
- Vậy con sẵn sàng rửa chén bát một năm rưỡi cho đến khi mẹ kiếm đủ tiền mua một chiếc máy rửa chén bát phải không?
- Con sẵn sàng.
- Nếu con không thực hiện thỏa thuận thì sao đây? Nếu mẹ mua bộ điều khiển trò chơi cho con nhưng con rũ bỏ nhiệm vụ rửa chén bát thì sao?
- Vậy mẹ có thể thu lại bộ điều khiển trò chơi.
- Nếu chỉ sau hai ngày con đã chán nó và dừng luôn việc rửa chén bát thì sao? Lúc đó mẹ chẳng còn tiền để mua máy rửa chén bát, cũng chẳng có chiếc chén bát sạch nào nữa. Mẹ sẽ cảm thấy thế nào đây? Nếu con là mẹ con sẽ thấy thế nào?
Khi nhà giáo dục bên trong tôi gặp gỡ người huấn luyện viên, nhà giáo dục bên trong tôi đã phải thốt lên: “Tuyệt vời!”
- Mình đã bị lừa.
- Vậy con có tiếp tục tin người đã lừa dối con không?
- Không ạ.
- Con sẽ đồng ý làm cái gì khác cho người đó chứ?
- Không ạ.
- Con còn có nguyện vọng hay mong muốn khác ngoài bộ điều khiển trò chơi chứ?
- Tất nhiên ạ.
- Vậy là con đã hiểu rằng nếu con vi phạm thỏa thuận, mẹ sẽ không thực hiện những mong muốn khác của con chứ?
- Con hiểu.
- Liệu điều gì có thể cản trở con thực hiện thỏa thuận này?
- Con có thể cảm thấy mệt mỏi.
- Con có đề xuất nào giải quyết vấn đề này không?
- Vậy con có thể không phải rửa bát vào Chủ nhật được không mẹ.
- Tốt thôi. Vậy con có thể tập luyện và tự đánh giá xem liệu con có thể rửa chén bát hàng ngày được không? Nhỡ đâu sau một tuần rửa chén bát con quyết định rằng bộ điều khiển không đáng giá đến mức con phải rửa chén bát mỗi ngày trong suốt một năm rưỡi thì sao?
- Con sẽ thử.
Thằng bé đã nhất trí thử nghiệm. Sau một tuần tự thằng bé đã đồng ý rằng, máy rửa chén bát cần thiết hơn bộ điều khiển trò chơi. Và thằng bé vẫn có thể sống cuộc sống thiếu món đồ chơi đắt đỏ đấy thêm một thời gian nữa, nhưng rửa bát hàng ngày thì thằng bé thực sự không muốn.
Có thể ngay từ đầu tôi chỉ cần nói ngắn gọn: “Không! Mẹ cần phải mua máy rửa chén bát trước”. Nhưng điều đó sẽ không cứu tôi khỏi sự bất mãn và điệp khúc rên rỉ hàng ngày: “Mẹ, mua cho con đi mà…”
* * *
Tôi đã đăng tải cuộc đối thoại này lên blog cá nhân. Nó nhanh chóng được lan truyền trên Internet và nhận được hàng trăm chỉ trích mà không để ý đến quyền tác giả.
“Một đứa trẻ sẽ không thể chịu đựng một cuộc đối thoại như vậy”.
“Một cuộc đối thoại thiếu tính khả thi. Tôi cá là tác giả chưa bao giờ thấy trẻ con!”
“Một đứa trẻ bình thường sẽ chán nản và bỏ đi ngay sau câu hỏi thứ hai!”
“Ôi, câu trả lời có thể sẽ khác. Thực tế là không phải lúc nào cũng có thể quyết định như vậy đâu!”
“Làm lũ trẻ hại não như vậy để làm gì! Tại sao không đơn giản mua cho chúng cái chúng muốn?”
Vậy con có thể tập luyện và tự đánh giá xem liệu con có thể rửa chén bát hàng ngày không?
Để làm gì? Trẻ sẽ nhận được kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Tất nhiên, những câu trả lời có thể khác. Và thỏa thuận cuối cùng cũng có thể khác, nhưng quan trọng là thỏa thuận đó phù hợp với cả hai bên. Trong tình huống này không có giải pháp nào mang tính phổ quát. Nhưng những cuộc đối thoại như vậy nhất định phải có. Giảm thiểu ghi chú và hướng dẫn, tăng cường đưa ra câu hỏi. Thường thì trẻ không chỉ học cách trả lời khi nghe câu hỏi, mà còn học được cách tự đặt câu hỏi cho mình và tìm kiếm câu trả lời. Đây là kỹ năng quan trọng đối với một người trưởng thành. Và để một đứa trẻ 11 tuổi có thể tham gia cuộc hội thoại “thiếu tính khả thi” như vậy, bạn cần phải nói chuyện với con. Nhưng không phải đặt câu hỏi cho con khi con 11 tuổi và phải sớm hơn như vậy nhiều.
Một vài ví dụ về các cuộc hội thoại với trẻ 4 tuổi.
- Mẹ, giày của con đâu rồi?
- Nó có thể ở đâu chứ?
- Con không biết.
- Chúng thường được đặt ở đâu?
- Trên bậc cửa. Nhưng con không nhìn thấy nó.
- Nếu con quan sát kỹ hơn thì sao?
- Ôi, nó đây rồi.
* * *
Tình huống khi rời khỏi cửa hàng.
- Mẹ, mở cho con chai nước hoa quả.
- Mẹ không thể. Cả hai tay mẹ đang bận giữ đồ mất rồi. Làm thế nào để tay mẹ rảnh đây?
- Mẹ đặt túi xuống đi.
- Không được. Nó sẽ bị bẩn mất. Con có ý tưởng nào khác không?
- Vậy con sẽ giữ túi cho mẹ, còn mẹ sẽ ở chai nước hoa quả cho con.
- Đồng ý!
* * *
Tình huống trong bếp.
- Mẹ! Hôm nay chúng ta đừng làm một chiếc bánh bông lan bình thường. Hãy làm bánh bông lan socola đi!
- Được thôi. Nhưng làm bánh bông lan socola như thế nào?
- Thay vì bơ bình thường chúng ta sẽ thay bằng bơ socola!
* * *
Tình huống khi rời khởi trường mẫu giáo.
- Con muốn Matvey đến nhà mình chơi!
- Làm thế nào để Marvey biết mong muốn của con?
- Cần phải nói cho cậu ấy ạ!
- Bạn ấy có thể tự đến nhà chúng ta được chứ?
- Không. Mẹ hoặc bố sẽ đưa bạn ấy đến chứ ạ.
- Làm thế nào để bố hoặc mẹ bạn ấy tìm được nhà chúng ta?
- Cần phải nói cho bố mẹ bạn ấy địa chỉ nhà của chúng ta!
- Vậy làm thế nào để nói cho bố mẹ bạn ấy biết địa chỉ nhà chúng ta?
- Mẹ có thể gọi điện và thông báo cho bố mẹ bạn ấy qua điện thoại ạ.
- Nhưng mẹ không có số của bố mẹ Matvey. Con có ý tưởng nào để biết được số điện thoại của bố mẹ bạn ấy không?
- Vậy ngày mai mẹ sẽ đi đến trường cùng con sớm hơn một chút. Chúng ta sẽ đợi bố mẹ Matvey đưa bạn ấy đến trường. Mẹ sẽ gặp và nói chuyện với bố mẹ bạn ấy ạ.
✓ Không phải lúc nào bạn cũng cần đưa ra cho trẻ những chỉ dẫn cụ thể và những cách giải quyết. Thay vào đó, đặt nhiều câu hỏi cho con trả lời, não bộ của trẻ sẽ phát triển theo hướng tìm ra các giải pháp.