Tôi không ít lần bắt gặp những ý kiến cho rằng, việc phát triển tính tự lập chỉ cần thiết cho những cậu bé. Lý do là vì những cậu bé khi lớn lên sẽ trở thành trụ cột, người đứng đầu trong gia đình và chịu trách nhiệm về gia đình. Những cô gái cần phải nhẹ nhàng và biết vâng lời. Sức mạnh của những cô gái nằm ở sự yếu đuối. Đưa ra quyết định là việc của đàn ông, phụ nữ chỉ việc tuân theo. Do đó, tính tự lập của các cô gái bị hạn chế bởi việc phát triển các kỹ năng hàng ngày: nấu nước, giặt giũ. Các cô gái được dạy nói câu nói thần kỳ: “Vâng, anh yêu, sẽ như anh nói”. Tư duy, ý chí độc lập, khả năng tự đưa ra quyết định, khả năng tự cung tự cấp ở các cô gái sẽ gây cản trở cho việc kết hôn sau này. Lý tưởng nhất, việc kết hôn của con gái sẽ do cha mẹ quyết định.
Thật khó có thể đồng ý với quan điểm này. Không thể phủ nhận rằng ở các gia đình có người vợ là một phụ nữ biết nghe lời, thì tỷ lệ ly hôn thấp hơn và gia đình có xu hướng bền vững. Nhưng điều đó có khẳng định rằng họ − những người vợ trong các gia đình như vậy sẽ hạnh phúc hơn hay không? Có sự khác biệt giữa hai trạng thái: trạng thái trong mối quan hệ do chính mình lựa chọn và biết chắc rằng bạn sẽ cảm thấy thoải mái ở mối quan hệ này và trạng thái trong mối quan hệ với ai chỉ vì bạn sợ cô đơn và sợ phải ở một mình: “Tôi không thể một mình xoay xở được”.
Nếu xem xét tính tự lập rộng hơn một kỹ năng, thì đó chính là khả năng tự cung tự cấp và tính toàn diện. Một người phát triển toàn diện thích xây dựng mối quan hệ với những người phát triển toàn diện khác. Họ tham gia vào các mối quan hệ với mong muốn được chia sẻ và cùng nhau làm phong phú thêm thế giới bên trong bản thân mỗi người. Những người thiếu tự lập tham gia vào các mối quan hệ với mong muốn lấy đi từ người khác, bởi họ luôn luôn cảm thấy bản thân bị thiếu hụt. Những người như vậy đặt mình ở vị trí của một đứa trẻ luôn luôn nói: “Cho tôi”. Mối quan hệ như vậy chứa đầy những lời phàn nàn và oán thán. Đó là mối quan hệ giữa hai đứa trẻ to xác với những cuộc cãi vã liên tục theo kịch bản: “Nếu cậu không đưa tớ chiếc xe, tớ sẽ không chơi với cậu nữa”. Đó cũng có thể là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái theo kiểu: “Nếu con cư xử tốt, mẹ sẽ mua cho con đồ chơi mới”. Dù những người tham gia vào mối quan hệ này đều nhận được lợi ích cá nhân đúng với mục đích của mình, tôi cũng không cho rằng đây là những mối quan hệ hài hòa.
Trước khi xây dựng mối quan hệ với ai đó, bạn cần phải xây dựng mối quan hệ với chính mình. Hiểu chính bản thân mình và trả lời các câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi như thế nào? Tôi muốn gì từ mối quan hệ này? Tôi cần một đối tác như thế nào? Tôi có thể cho anh ta cái gì?
Một cô gái biết nghe lời sẽ không thể làm được như trên. Người khác đã quyết định thay cho cô gái: cô ấy là ai, cô ấy nên như thế nào, vai trò của cô ấy trong mối quan hệ này là gì và đối tác nào cô ấy cần. Chắc chắn cô gái vẫn có cơ hội xây dựng các mối quan hệ khác nhau. Nhưng liệu có cơ hội hạnh phúc hay không?
Một cô gái độc lập hoàn toàn có thể nói: “Vâng, anh yêu, sẽ như anh nói” − bởi vì bản thân cô ấy cũng nghĩ như vậy, chứ không phải câu nói đó nằm sẵn trong từ điển đối đáp của cô ấy.