Trong cuốn sách ở thế kỷ 10 có tên gọi Tana D’Vei Eliyahu có một một câu chuyện dựa trên những bài giảng trong Ngũ Thư về một người đàn ông đưa đứa con trai của mình tới giáo hội. Khi giáo đoàn cất lên “Hallelujah”(1), cậu bé đó đã buông lời cợt nhả. Mọi người xung quanh nói với người cha: “Trông kìa, con anh đang dùng lời cợt nhả để đáp lễ đó.” Ông ta đáp: “Thế tôi biết làm gì với nó đây? Nó mới chỉ là một đứa bé! Cứ để nó tự giải trí chút đi.” Ngày hôm sau, mọi việc tiếp tục tái diễn: Giáo đoàn cất lên “Hallelujah”, cậu bé lại nói những lời suồng sã, giáo đoàn lại phàn nàn về hành vi đó và người cha lại cho qua. Trong toàn bộ lễ Sukkot (mùa lễ thu hoạch kéo dài 8 ngày), đứa bé cứ liên tục ăn nói hỗn hào còn người cha vẫn không hề làm gì để ngăn con lại. Rồi sau đó chuyện gì xảy ra? “Chuyện không có gì đáng kể trong một, hai, hay ba năm sau đó, nhưng cuối cùng người đàn ông chết đi, vợ ông ta cùng một người con trai, đứa cháu trai chết, và cùng một lúc 15 linh hồn rời bỏ căn nhà của ông. Chỉ còn lại hai người con trai, một người vừa mù vừa què, còn một người vừa độc ác vừa ngu dốt.”
(1) Thán từ ca ngợi Đức Chúa Trời, được sử dụng nhiều trong lời cầu nguyện của Do Thái giáo và Ki-tô giáo.
Bạn đã thấy điều gì sẽ xảy ra khi bạn không biết rèn con kỷ cương phép tắc chưa? Cuộc đời bạn sẽ không khác gì một bộ phim kinh dị.
Câu chuyện nhỏ trên đây cho chúng ta thấy rõ những thách thức và ý nghĩa của tính kỷ luật. “Kỷ luật” nghĩa là vừa chỉnh đốn những hành vi sai trái, vừa truyền tải những kỳ vọng về lối cư xử đúng đắn. Người cha ở trên đã không dạy con sửa sai, mà còn tìm cách biện hộ cho những sai trái. Đồng thời, kỷ luật còn mang một ý nghĩa thứ ba: Sự tự điều chỉnh, tự đưa bản thân vào khuôn phép và tự “cai quản”. Đó không phải là sự tác động từ một nhân vật quyền lực nào đó lên bạn, mà là điều đến từ chính bên trong bạn, là nguồn nội lực bạn tự huy động để hoàn thành một mục tiêu. Muốn trở thành một nhà khoa học vĩ đại, một vận động viên, nhạc công, nghệ sĩ hay luật sư, bạn đều cần phải có tính kỷ luật. Nếu con trẻ muốn phấn đấu để đạt được những ước mơ của chúng, người làm cha mẹ cần dạy chúng hiểu rằng đó là công việc mà chúng sẽ phải tự gánh vác mọi trách nhiệm. Từ bao lâu nay, người Do Thái vẫn luôn rèn cho mình tính kỷ luật, vậy nên những đứa trẻ Do Thái vẫn liên tục thành công trong rất nhiều lĩnh vực, cho dù bước đường của chúng có gặp phải những rào cản khổng lồ.
Nhà tâm lý học Deborah Baumrind đã nghiên cứu nhiều kiểu nuôi dạy con khác nhau trong ba thập kỷ. Cô đã dùng cụm từ “cha mẹ quyền uy” để mô tả kiểu cha mẹ nồng ấm nhưng kiên quyết. Các cha mẹ quyền uy luôn vui vẻ thảo luận và tranh luận với con về mọi điều nhưng đồng thời cũng luôn là người nắm giữ quyền lực tối cao trong gia đình. Ngược lại, những “cha mẹ độc đoán” thường kiểm soát con gắt gao và thường xuyên thốt ra câu “Vì sao ư? Vì mẹ bảo con phải làm thế.” Kết cục là gì? Những đứa con hoặc sẽ trở nên chống đối hoặc phụ thuộc quá mức vào cha mẹ. Và cuối cùng là kiểu “cha mẹ dễ dãi”, họ vừa nồng ấm, không kiểm soát con, vừa không đòi hỏi ở con bất cứ điều gì. Kết cục là gì? Đứa trẻ có thể sẽ trở thành một tên oắt con ích kỷ khó chịu. Theo những gì tôi biết, còn có kiểu “cha mẹ không liên quan”, song nếu bạn đang đọc cuốn sách này thì thử nghĩ chút đi, bạn chắc chắn không nằm trong số đó rồi. Nghiên cứu của Baumrind cho thấy trẻ sẽ phát huy năng lực cao nhất khi cha mẹ đặt kỳ vọng lớn vào lối cư xử của trẻ, đồng thời cũng hỗ trợ khi chúng cần đến họ, như thế trẻ vừa học được khả năng tự kiểm soát trong khi vẫn tự biết duy trì động lực cho bản thân. Những vị cha mẹ tuyệt vời đó chính là kiểu cha mẹ quyền uy, hay còn được biết đến dưới cái tên Cha mẹ Do Thái.
Đến thời điểm này, tôi cũng không còn mấy hứng thú khi nghe mọi người bàn tán về Marshmallow Test (Tạm dịch: Bài kiểm tra kẹo bông) nữa. Tuy nhiên, do tính quan trọng của nó nên tôi sẽ tổng hợp nhanh thế này: Nhà tâm lý học Walter Mischel ở Đại học Stanford đã tiến hành một loạt các nghiên cứu, trong đó họ nói với các trẻ bé rằng nếu các bé có thể nhịn không ăn một viên kẹo bông trong vài phút, thì sau đó sẽ được thưởng hai viên kẹo. Kết quả cho thấy, những trẻ có khả năng đợi để được nhận phần thưởng lớn hơn thường có xu hướng đạt được những kết quả tốt hơn cả ở trường học và trong cuộc sống. Các bé sẽ nghĩ ra đủ loại chiến lược đáng yêu để ngăn mình không ngốn ngấu viên kẹo như: tự hô hào động viên, kiên quyết nhìn đi chỗ khác, hát những bài hát để tự đánh lạc hướng bản thân, hoặc tự nhủ rằng viên kẹo đó có độc. Kỷ luật nghĩa là dạy cho trẻ biết tránh những cám dỗ, biết chờ đợi và nỗ lực phấn đấu để hướng tới những phần thưởng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong toàn bộ báo cáo về nghiên cứu kẹo bông của Mischel có một phần chưa được ghi nhận đầy đủ, đó là nếu vì một lý do nào đó, trẻ không tin sẽ nhận được viên kẹo thứ hai như hứa hẹn (chẳng hạn như nếu trước đó chúng từng bị lừa dối bởi các nhà nghiên cứu hoặc phải trải qua những trải nghiệm khó khăn ngay từ khi còn rất nhỏ và mất niềm tin vào người lớn), thì rất nhiều khả năng chúng sẽ tìm đến sự thỏa mãn tức thì mà viên kẹo bông duy nhất nhưng hiện hữu chắc chắn kia mang lại.
Nếu muốn rèn cho con ý thức tự kỷ luật để bước vào thế giới, bạn phải khiến chúng tin rằng cha mẹ sẽ thực hiện những điều chúng đã nói. Điều đó có nghĩa là hãy xử lý đến tận cùng mọi kết quả của việc bạn làm, dẫu chúng có tốt đẹp hay tệ hại, và đừng nói dối con trẻ.
Đặt kỳ vọng nơi con và chịu trách nhiệm đến tận cùng kết quả của những kỳ vọng ấy cũng giống như chơi một trò chơi dài hơi. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Sarah E. Hampson thuộc Đại học Surrey ở Vương quốc Anh và Viện nghiên cứu Oregon ở Mỹ, lòng tận tâm ở trẻ có tác động vô cùng to lớn tới mức độ hạnh phúc trong cuộc sống trưởng thành của chúng về sau: cả sức khỏe, mối quan hệ bạn bè, và những thành công của chúng đều chịu ảnh hưởng bởi yếu tố này. Khi dạy con kỷ luật và ý thức tự kiểm soát, nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho con một tâm thế để bước vào đời. Bởi vì hóa ra, chính lòng tận tâm chứ không phải niềm hạnh phúc của một đứa trẻ, mới là công cụ dự báo chính xác cho sự thành công và những cảm xúc hạnh phúc của nó khi trưởng thành.
Niềm hạnh phúc ấu thơ rất chóng phai nhạt. Vâng, đúng là chúng ta muốn con cái mình được hạnh phúc, nhưng chúng ta cũng muốn chúng có được những công cụ để tự khiến mình hạnh phúc khi không còn cha mẹ ở bên sau này, tức là chúng ta cần tạo cho con ý thức tự kiểm soát. Tự kiểm soát và làm việc chăm chỉ là những đức tính kỷ luật mà chúng ta cần thấm nhuần cho con ở hiện tại, để về sau chúng sẽ được hạnh phúc. Sau khi tìm hiểu nhiều nghiên cứu, Hampson đã nhận thấy những trẻ không có lòng tận tâm lúc còn nhỏ thường sẽ có ít khả năng đạt được thành công cả trong học tập lẫn sự nghiệp, và dễ có hành vi liều lĩnh. Thậm chí có những nghiên cứu còn chỉ ra rằng những hành vi tận tụy có thể làm dịu bớt tác hại của căng thẳng và lo âu. Về bản chất, những người tận tụy là những người biết tự tạo động lực: Họ nỗ lực hết sức vì điều đó mang đến cho họ những cảm xúc tốt về bản thân, chứ không phải phô diễn để nhận phần thưởng như những chú hải cẩu làm xiếc.
Tôi hiểu vì sao chúng ta thường dễ dàng lẩn tránh “thiết quân luật”, sẵn sàng dung thứ cho con và khó lòng từ chối đáp ứng yêu cầu của chúng. Trong số chúng ta có nhiều bà mẹ đi làm kiếm tiền, vì thế chúng ta mang sẵn mặc cảm rằng thời gian mình dành cho gia đình là quá ít. Chính cảm giác ấy khiến chúng ta muốn tránh xung đột và mong muốn được làm bạn với con. Song, công việc của chúng ta là làm cha mẹ, chứ đâu phải làm kẻ đồng lõa. Bạn vẫn có thể tỏ ra vui vẻ và yêu thương mà không để cho con thấy mình là người dễ bị thao túng.