Trong tiếng Do Thái có thuật ngữ halakha để chỉ một điều luật của người Do Thái. Nghĩa đen của từ này là “cách bước đi”. Đạo Do Thái cho rằng “hành động cao hơn tín ngưỡng”, tức là hành động còn quan trọng hơn niềm tin. Tất cả người Do Thái đều cho rằng đã nói được thì phải làm được, nghĩa là bạn phải làm gương cho con về cách cư xử thay vì chỉ rao giảng suông. Phải làm sao để mỗi khi chúng không giữ lời hứa hay không cư xử tử tế hoặc đúng mực, thì chúng sẽ nhận được những kết cục không tốt để dạy cho chúng nhiều bài học ý nghĩa. Hãy trò chuyện với con về những “cuộc chiến kỷ luật” của chính bạn như tìm hiểu một cuốn sách, tập thể dục hai lần một tuần, học tiếng Tây Ban Nha, điều hành một dự án cho tới khi hoàn thành ở cơ quan, hoặc cố không “sạc” cho người đang làm thủ tục ra khỏi sân bay đằng trước bạn một trận vì họ đang đặt đồ lên băng chuyền một cách vô cùng chậm chạp.
Trong đức tin của người Do Thái, trẻ em dưới mười hai hoặc mười ba tuổi chưa cần phải cư xử như người lớn, nhưng phải có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, luật đã quy định rằng: “Trẻ nhỏ đã qua giai đoạn cần quan sát cha mẹ sẽ được yêu cầu ngồi trong sukkah(1)”. Còn nhà bình luận thì nói: “Những trẻ còn bé mà đã biết cách lắc cành cọ trong lễ Sukkot đúng cách, nên được cha mua cho một cành riêng.” Giáo sĩ Nachman vùng Bratslav (1772 - 1810), một trong những hiền nhân vĩ đại nhất của đạo Do Thái từng nói: “Trong những ngày nhịn ăn, trẻ tám hoặc chín tuổi nên được cho tập nhịn ăn trong một khoảng thời gian giới hạn trong ngày.” Nhịn ăn là một việc khó khăn và đòi hỏi tính kỷ luật. (Cha mẹ cũng cần thảo luận với trẻ về nguyên do vì sao người Do Thái lại nhịn ăn. Nhịn ăn không chỉ là một phần của chế độ ăn, mà còn là để trải nghiệm một chút sự thiếu thốn, để từ đó suy ngẫm về quá khứ của dân tộc và những vấn đề chung của cộng đồng, bởi chúng còn quan trọng hơn cả thân thể của mỗi con người).
(1) Một không gian nhỏ để trú ẩn tạm thời trong suốt mùa lễ Sukkot. Đó có thể là túp lều ngọt ngào bằng gỗ hoặc vải bố được dựng trong sân nhà, có mái làm từ cành cây để qua đó chúng tôi có thể ngắm nhìn các vì sao.
Tất cả những câu nói trên đều bàn tới việc thiết lập những kỳ vọng về phẩm hạnh của một đứa trẻ. Khi bạn làm cho trẻ hiểu rằng bạn trân trọng năng lực của chúng, chúng sẽ cảm thấy mình được cha mẹ coi trọng và đánh giá một cách nghiêm túc. Khi đó, bạn đã tạo được nền tảng để xây dựng cho trẻ ý thức tự kỷ luật và lòng tự tin vững chãi, và sẽ là điểm tựa cho chúng trong suốt cuộc đời. Tin tưởng và khích lệ trẻ cư xử như người lớn tức là bạn đang nói với chúng: “Cha (mẹ) biết rằng con có thể tiến lên phía trước.” Mẹ tôi thực sự là một vị giáo sư xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục Do Thái, nhưng tôi và em trai mình lại hay thích lấy đó làm cớ để trêu ghẹo bà. Chúng tôi thường gọi bà bằng cái tên Nhà giáo dục quan trọng người Do Thái và cố tình phát âm rõ ràng từng tiếng một bằng giọng điệu lịch sự trên mức cần thiết pha thêm chút ngữ điệu Anh. (Khi đọc đến đoạn này, bà đã yêu cầu tôi bỏ đi từ “xuất sắc”, nhưng tôi từ chối vì BÀ ĐÂU PHẢI LÀ SẾP CỦA TÔI). Mẹ tôi từng chỉ ra rằng trong tiếng Hebrew, từ herut, nghĩa là “tự do”, có một mối liên hệ với từ kharoot, nghĩa là “đẽo hoặc khắc trên đá”. Mẹ tôi nói rằng nghĩa của hai từ đó cũng như Mười điều răn đều gắn bó mật thiết với ý niệm cho rằng, bản chất tự nhiên của con người là cần phải bị kiềm tỏa. Tự do mà không có kỷ luật cũng mang tính hủy hoại hệt như kỷ luật mà thiếu tự do. Đức Quốc xã chính là hiện thân của kỷ luật không có tự do, còn Lord of The Files (Tạm dịch: Chúa ruồi) chính là hiện thân của tự do không có kỷ luật.
Chúng ta muốn con mình có thể tự đánh giá những năng lực và hạn chế của bản thân chúng và biết kiên định tập trung vào mục tiêu mà không nản chí. Hiển nhiên, trẻ sẽ phải đụng độ với những chướng ngại vật, đó là quy luật chung. Nhưng chúng sẽ tiếp tục thử cố gắng lần nữa sau mỗi lần đụng độ đó, đó mới là điều chúng ta kỳ vọng. (Đây cũng chính là bản chất của khoa học: Lặp lại các chu trình cho đến khi đạt được các kết quả giả định. Và người Do Thái trong lịch sử vẫn luôn rất giỏi môn khoa học đấy chứ).
Giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Pennsylvania, Angela Duckworth, người từng giành Giải Thiên tài của chương trình MacArthur Fellow, đã thực hiện nghiên cứu về tính gan góc hay tính kiên cường. Theo ông, những người càng gan góc sẽ càng thể hiện tốt hơn ở trường học, có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn, biết tiết kiệm tốt hơn và biết hài lòng về cuộc sống của bản thân hơn. Sự gan góc có mối liên hệ mật thiết với tính kỷ luật bởi vì người gan góc có khả năng tự chủ, linh hoạt, mạnh mẽ, nhanh chóng phục hồi sau thất bại và kiên cường đương đầu với mọi trở ngại.