Muốn rèn cho trẻ tính kỷ luật, bạn cần tránh những tình huống căng thẳng. Chẳng hạn, đừng dẫn trẻ đi mua sắm với cái bụng đói nếu không muốn chúng nổi cơn tam bành. Bạn cũng có thể hứa mua cho con một thứ gì đó ở quầy tính tiền và nhắc lại nhiều lần điều đó trong lúc chọn đồ, đồng thời trò chuyện nhiều và nhẹ nhàng với con để đánh lạc hướng. Một cách nữa là lôi kéo trẻ cùng tham gia lựa đồ, hoặc cùng con tranh luận xem sản phẩm nào có mẫu mã đẹp nhất. Để dập tắt những cơn cáu giận từ trong trứng nước, hãy cho con nhập cuộc cùng bạn và liên tục yêu cầu chúng cung cấp thông tin. Giờ thì bạn đã hiểu cách làm rồi nhé.
Trong nhiều năm rèn tính kỷ luật cho Maxie, thách thức lớn nhất đối với tôi là, cứ đến 7 giờ tối, con bé lại cứ như biến hình thành người sói vậy. Đứa con ngọt ngào, vui vẻ và dễ tính của tôi bỗng đổi tính, điên loạn và như đang mọc ra những chiếc răng nanh nhọn hoắt. Mãi tới khi cháu gần sáu tuổi, tôi mới tìm ra được cách xử lý: Chúng tôi phải hoàn thành mọi việc trước 7 giờ tối. Dưới đây là cuộc đối thoại giữa hai mẹ con tôi vào lúc 7 giờ 05 phút tối, trong một ngày trước sinh nhật thứ sáu của cháu hai tháng:
TÔI: Max, đi lấy bộ đồ bơi rồi cho vào ba lô để chuẩn bị cho ngày mai đi con.
MAXIE: Mẹ làm đi, con kiệt sức rồi.
TÔI: Gì cơ? Mẹ nghe chưa rõ? Đây là việc của con. Mẹ con ta có thể nghỉ ngơi, âu yếm nhau và cùng đọc sách sau khi con đã cất bộ đồ bơi vào ba lô.
MAXIE: THÔI ĐƯỢC! Con sẽ làm nhưng CHỈ LẦN NÀY THÔI ĐẤY và KHÔNG BAO GIỜ LÀM LẠI NỮA ĐÂU! Con không muốn cứ suốt ngày phải LÀM ĐỦ THỨ VIỆC trong cái nhà này nữa!
Rồi con bé đi lấy bộ đồ bơi. Nhưng lúc đó tôi không hề phản ứng lại kiểu: “Đừng có dùng cái giọng đó để nói với mẹ.” Con bé đã thực hiện điều tôi muốn nó làm; thế là đủ. Sau cùng, tôi cũng tìm ra giải pháp là yêu cầu con sửa soạn ba lô trước khi ăn tối. Tôi chấp nhận thà mất thời gian hơn chứ nhất định không làm thay con việc đó.
Tự lập + Kỷ luật = Trưởng thành.
Muốn thiết lập kỷ luật một cách hiệu quả nhất, bạn phải cân nhắc đến những khuynh hướng và cảm xúc của con mình. Con có cư xử khó chịu mỗi khi bụng đói không? Con có mắc chứng “sợ không gian hẹp” mỗi khi ở quá gần những trẻ khác không? Con có giỏi trong lĩnh vực cụ thể nào đó như nghệ thuật, toán, các trò chơi cần trí tưởng tượng, hoặc làm lãnh đạo không? Khi Maxie còn bé, cháu rất dễ bị mất tập trung. Cô giáo mầm non của cháu đã cho tôi biết rằng nhai kẹo cao su có thể giúp trẻ tập trung hơn. Giải pháp này đã thực sự giúp con bé chú ý lắng nghe cô giáo, không còn nằm ườn ra lớp, làm các bạn khác khó chịu và cũng không còn bị cô phạt nữa. Thật tuyệt vời. Nhưng ở trường học Do Thái, một giáo viên không biết điều trên đã công khai trách mắng khiến cháu rất xấu hổ. Về đến nhà thấy cháu khóc, tôi đã phải tìm một loạt các bài nghiên cứu rồi đưa cho vị giáo viên nọ. Tôi không la mắng cô ấy và cũng không lôi Maxie ra khỏi lớp của cô.
Nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cố gắng kiểm soát hành vi thay vì hỗ trợ trẻ tự kiểm soát hành vi sẽ làm thui chột khả năng phát triển ý thức về năng lực và quyền tự trị của bản thân chúng. Khi đó, trẻ sẽ không còn mong muốn sửa đổi hành vi để tự cải thiện bản thân, và nếu chúng có cư xử tốt thì cũng chỉ là để làm hài lòng người khác chứ không phải để chủ động xây dựng nền tảng đạo đức cho mình. Trong truyền thống của người Do Thái có một khái niệm cốt lõi, derech eretz, có nghĩa là sự tôn trọng và phép lịch sự thông thường. Khi chúng ta tỏ ra tôn trọng trẻ, chúng cũng sẽ tôn trọng lại chúng ta. Theo nghĩa đen, derech eretz có nghĩa là “phong cách của xứ sở”. Dùng nhân phẩm và lòng từ bi để đối đãi với người khác là những giá trị thiết yếu trong cuộc sống của người Do Thái.