Tôn trọng cha mẹ là một giá trị rất được coi trọng trong Ngũ Thư và là nội dung của một trong Mười Điều răn. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ rằng sự tôn trọng là một quyền lợi mà chúng ta đương nhiên được hưởng. Cuốn Đạo đức của những người cha là một phần của bộ luật truyền miệng Do Thái được biên soạn lần đầu tiên vào thế kỷ 2 TCN với nỗ lực lưu giữ những giá trị Do Thái. Trong đó có đoạn viết: “Ai là người đáng được kính trọng? Chính là người biết kính trọng người khác.”
Có lẽ tôi không cần nói nhiều thì bạn cũng hiểu, cố gắng dùng vũ lực để ép con phải tôn trọng chắc chắn không thể hiệu quả bằng những chiến lược về kỷ luật? Giống như phần Baba Batra trong sách Talmud có nói: “Nếu phải đánh trẻ, hãy đánh chúng chỉ bằng một sợi dây giày.” (Nhưng chớ có vung vẩy vào mặt trẻ). Đòn roi không phải là cách đúng đắn để bày tỏ sự quan tâm. Tuy thế, từng có vài lần tôi đã phát vào mông một đứa trẻ trong cơn giận dữ. Sau đó tôi rất hối hận và đã cùng thảo luận về việc này với “nạn nhân”.
Đòn roi không phải là một lối hành xử lịch sự, và những lời mắng mỏ lỗ mãng cũng vậy. Hãy làm tấm gương cho trẻ noi theo. Như tiến sĩ Carla Naumberg bạn tôi đã từng lưu ý trong một bài báo về việc nuôi dạy con một cách có ý thức: “Chắc đã có người từng nghe nói tới lệnh cấm Lashon Hara, mà đa số vẫn hiểu là cấm ‘tán chuyện’. Vậy những ông bố bà mẹ đang muốn tìm cách nào đó thật hữu hiệu và gần gũi để vừa trò chuyện vừa truyền đạt thông tin cho con, các vị hãy ghi nhớ cụm từ sh’mirat ha’lashon, tức là ‘canh giữ cái lưỡi’”
“Canh giữ cái lưỡi” không chỉ có nghĩa là tránh tán chuyện lan man mà còn phải luôn cẩn trọng về những lời nói của bạn, luôn nói những lời tử tế về mọi người vào mọi lúc bởi sẽ có những lúc trẻ tình cờ nghe thấy. Chẳng hạn, dù chồng bạn có quên báo trước là không về nhà ăn tối khiến mẹ con bạn phải đợi cơm và lũ trẻ kêu gào ầm ĩ vì đói, đã thế lại không trả lời tin nhắn của bạn, thì cũng đừng cay nghiệt chỉ trích anh ta qua điện thoại; đừng ác khẩu bình phẩm về cơ thể bạn hoặc cơ thể người khác. Có một câu chuyện cười của những năm 1950 như thế này: Một cậu bé khoe với mẹ rằng cậu biết nghĩa của từ alta kocker. (Từ này ám chỉ những người già lập bập và chậm chạp). Bà mẹ do dự hỏi: “Thế theo con nó có nghĩa là gì?” Và cậu bé trả lời: “Là một tài xế chậm chạp ạ!” Một cách khác để bày tỏ thái độ tôn trọng con là không xâm phạm không gian riêng tư của con (không đọc nhật ký của con, gõ cửa trước khi bước vào nhà tắm) và không can thiệp vào những chiến lược hoàn thành công việc của riêng chúng. Đề tài nghiên cứu tiến sĩ của chồng tôi là về giả thuyết và nghiên cứu truyền thông, nên anh rất quan tâm tới vấn đề quyền riêng tư, vì thế các con tôi thường phải nghe những bài diễn thuyết về việc không được đưa quá nhiều thông tin lên mạng. Cả hai con gái của tôi đều thích nhắn tin với bạn và thường xuyên nhắn tin “điên cuồng”, rồi có một blog riêng trên trang Tumblr(1), nhưng vợ chồng tôi khá tự tin về khả năng quản lý những tương tác trên mạng xã hội của các con mình. Muốn trẻ có thể tự lựa chọn, bạn phải trao cho chúng những công cụ.
(1) Một trang web pha trộn giữa văn hóa đại chúng và kiểu văn khoa trương sặc mùi chủ nghĩa nữ quyền giao thoa.
Giống như tất cả chúng ta, trẻ cũng sẽ có lúc sai lầm. Vậy câu hỏi cần đặt ra là: “Làm thế nào để giúp con đi đúng hướng?” Tôi sẽ không bao giờ quên cái lần đã gào vào mặt Jossie hồi con bé lên ba: “Con chỉ làm đời mẹ thêm khổ sở chứ nào có sung sướng gì. Giờ con vừa lòng chưa?” Những lời nói đó thật tệ hại, nhưng khuôn mặt tôi lúc ấy trông còn tệ hại hơn. Tôi đang bừng bừng tức giận, giọng nói thì trầm đục chết chóc, đã vậy tôi còn dí sát mặt mình vào mặt con bé. Khuôn mặt bé bỏng của Josie nhăn lại và những giọt nước mắt thầm lặng lăn tròn trên đôi má nhỏ bé phúng phính, còn tôi thì cảm thấy căm thù bản thân tới tột độ. Đối với tôi, đó là một thất bại về kỷ luật. Tôi đã mất kiểm soát. Mặc dù sau đó tôi đã xin lỗi con và được cháu tha thứ, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên cảm giác tồi tệ đó.
Giờ đây khi đã lớn hơn, các con tôi đều hiểu rõ bản tính nóng nảy của bố mẹ chúng. Dù luôn nỗ lực hết mình để kiểm soát lời nói nhưng đôi khi chúng tôi vẫn thiếu kiềm chế, và hai cháu hiểu điều đó. Khi còn nhỏ, cả hai cháu đều yêu thích truyện tranh Harriet, You’ll Drive Me Wild! (Tạm dịch: Harriet, con làm mẹ phát điên mất!) của Mem Fox. Truyện kể về một cô bé cứ luôn làm hỏng mọi thứ dù là cố tình hay vô ý. Cô làm đổ cốc nước ép, bôi sơn ra khắp thảm trải nhà, trượt ra khỏi ghế khi ngồi ở bàn ăn rồi ngã chổng kềnh, kéo theo cả tấm khăn trải bàn. Bà mẹ trong câu chuyện trở nên mất kiểm soát hoàn toàn và la mắng con. Cô bé Harriet khóc. Nhưng sau đó bà mẹ lấy lại được bình tĩnh và xin lỗi con, rồi hai mẹ con ôm nhau hòa giải và cùng dọn dẹp. Đó là một cuốn sách vừa dễ thương vừa thực tế: Không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Các bà mẹ có thể có những lúc bùng nổ, nhưng họ vẫn luôn yêu thương con. Chúng ta cũng chỉ là con người, không hoàn hảo và cũng “tốt vừa đủ”.
Hồi Josie ba tuổi, trong một chuyến đi thăm mẹ chồng tôi ở Milwaukee, cả gia đình tôi được mời tới một bữa tiệc đính hôn tại nhà của bạn bà. Tất cả bọn trẻ được cho xuống chơi dưới khu tầng hầm rất rộng theo kiểu nhà ở ngoại ô, và Josie liên tục chạy lên mách rằng có hai cậu trai lớn tuổi khoảng lên năm và bảy đang trêu chọc cháu. Chúng gọi cháu là “em yêu” và dọa sẽ đánh cháu nếu cháu không chịu dọn phòng cho chúng. Cháu nói với chúng: “Nếu anh không cư xử tử tế, em sẽ không kết bạn với anh nữa” nhưng lại bị đáp trả: “Chúng tao KHÔNG THÈM làm bạn với mày!” Câu nói đó đã làm cháu bị sốc. Quả là ở trường mầm non chưa từng hướng dẫn cháu đối phó với tình huống này. Họ chỉ dạy rằng, dọa nghỉ chơi chính là cách trừng phạt nặng nhất. Vậy là cháu liên tục hỏi chúng tôi cách đối phó. Chồng tôi nói với con: “Con cứ kệ chúng đi. Ra chỗ khác mà chơi.” Nhưng mọi việc không diễn ra đơn giản như vậy. Rồi đột nhiên tôi thấy Josie cầm một cây gậy bóng chày ngoại cỡ, vừa gầm lên vừa đuổi theo hai cậu trai đó rồi hạ gục một đứa.
Sau đó, chúng tôi đã cùng trò chuyện với con về những biện pháp kiểm soát cơn nóng giận và làm cách nào để không đánh người khác dù họ có nói gì. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng trong thâm tâm tôi thấy thật hả hê. Rồi tôi lại nghe lén con bé kể lại chuyện với bà ngoại qua điện thoại: “Ba nói khi có ai trêu con thì con nên bỏ đi. Con cũng đã bỏ đi rồi. Nhưng mà con lại cầm gậy quay lại.” Ấy thế mà tôi đã cố để không phá lên cười đấy, bạn thấy sự nghiệp dạy con bất tận của tôi có đáng được thưởng không nào?
Kỷ luật không chỉ là kiểm soát cơn giận đang bốc lên đùng đùng mà còn là trung thành với lời cam kết đó. Dù không được nhận vai diễn mong đợi, chúng ta vẫn sẽ không từ bỏ vở kịch bởi còn có những người khác đang trông cậy vào chúng ta. Chẳng hạn như nếu chị con có cắn mất quá nửa chiếc bánh quy, thì con phải vui vẻ nhận phần bé còn lại và không được rên rỉ suốt ngày về việc đó. Hoặc mặc dù tất cả các bạn khác đang được đi dự tiệc, nhưng nhà ta thì sẽ tới nhà bà ngoại ăn tối. Cuộc đời vốn vẫn bất công thế mà.
Giờ đây, tôi không còn phạt con thường xuyên nữa. Thay vào đó, tôi trò chuyện với chúng về cảm giác thất vọng của mình: về bản thân tôi, về chính các con, về các quan chức đắc cử, về tin tức hằng ngày, về những người nổi tiếng và về những cuốn sách. Bạn có thể tận dụng vô số cơ hội để dạy con và làm cho chúng hiểu những suy nghĩ của bạn về tầm quan trọng của kỷ luật, về việc cân nhắc lời nói và hành động thay vì lười suy nghĩ. Chẳng hạn, tôi vẫn hay chỉ cho con thấy các nhà hài kịch rất lười nghĩ, bởi họ cứ mãi lấy cân nặng và vẻ bề ngoài của các chính trị gia để làm trò cười, trong khi còn nhiều vấn đề quan trọng và thiết thực hơn nhiều để khai thác. Hoặc tôi trò chuyện với con về lý do tại sao tôi lại tức giận với chính mình khi không hoàn thành một dự án đúng hạn, hay khi quên thực hiện lời hứa với chồng. Cách đây không lâu, Josie kể với tôi rằng, có lần cháu từng thất vọng khi tôi không cho phép cháu tham gia một bài kiểm tra được tiêu chuẩn hoá mà cháu muốn. Vì khi đó cháu đã lớn nên hai mẹ con tôi liền đi sâu phân tích về kỷ luật với những câu hỏi như: Những kỳ vọng của trẻ đối với một xã hội văn minh là gì? Làm thế nào để chúng ta thực hiện những việc tuy khó khăn nhưng đúng đắn?