Cô trông trẻ Rita tuyệt vời của chúng tôi từng kể cho tôi một câu chuyện thế này: Hồi Maxie lên bốn tuổi, một lần Rita vừa tắm cho con bé vừa nói vài câu trêu chọc. Thế là Maxie tức giận gào lên: “Cô im đi!” Ngay khi những lời đó vừa thốt ra khỏi miệng, khuôn mặt con bé tái nhợt đi. Maxie đã kịp nói: “Cháu xin lỗi. Thỉnh thoảng những lời nói cứ thình lình xuất hiện trong đầu cháu rồi rơi ngay vào miệng cháu như những con ruồi, khiến cháu phải xua chúng ra ngay để không bị nuốt phải.” Đó là một cách hay để giải thích cho việc mình vừa mới nói một điều tệ hại. Nhưng làm sao để có đủ dũng khí nói lời xin lỗi, đó mới là việc khó. Thường thì ai cũng muốn lờ đi sự thất bại đó và coi như nó chưa từng xảy ra, nhưng đó là một hành động thoái thác. Đạo Do Thái rất quan tâm đến những lời xin lỗi. Hai kỳ lễ tối cao của người Do Thái là Rosh Hashanah và Yom Kippur đều hướng tới việc ăn năn và chuộc lỗi. Trong những ngày lễ này, bạn sẽ không chỉ hướng tới đức Chúa trời mà cả những người trần xung quanh bạn để xin lỗi về những việc làm sai trái của mình trong năm qua. Bạn có biết từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã nói thế nào về việc “nói được thì làm được” không? Trong tiếng Hebrew, từ Teshuvah mang nghĩa là “sám hối” và có mối liên quan tới việc bước đi. Theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là “quay trở về”, như quay trở về con đường mà bạn đã đi chệch khỏi đó. Khi thiết lập kỷ luật cho trẻ, điều quan trọng là bạn phải khiến chúng hiểu rằng: Bạn tin là chúng vẫn chưa rời xa con đường đúng đắn; bạn luôn yêu chúng; và bạn tin vào khả năng sửa chữa lỗi lầm của chúng.
Tôi cùng một người bạn của mình là Susan McCarthy từng làm một trang web có tên là SorryWatch (Tạm dịch: Giám sát xin lỗi), tập trung điều tra việc xin lỗi trong các bản tin, trong văn học và văn hóa đa số. Chừng nào có thật nhiều bậc cha mẹ dạy con biết xin lỗi đúng cách và thành tâm để rèn chúng tính kỷ luật thì chừng đó, chúng tôi có thể dừng hoạt động trang web. Xin lỗi là một việc khó khăn, vì thế chúng ta thường khó lòng dành toàn tâm toàn ý cho những lời xin lỗi: Bạn phải khiêm tốn, phải nêu ra hành động sai trái của mình trong khi thực sự bạn chỉ muốn quên nó đi hoặc chỉ bí mật ám chỉ tới nó. Hơn nữa, bạn phải cân nhắc tới cảm xúc của người khác và đặt nó lên cao hơn cảm xúc của bản thân. Để có được một lời xin lỗi đúng đắn, bạn cần thực hiện vô vàn kỷ luật.
Tôi biết có những chuyên gia không tin rằng có thể bắt trẻ phải nói lời xin lỗi khi chúng chưa thành tâm muốn xin lỗi. Tôi không cùng quan điểm với họ. Tôi cho rằng ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, nếu chúng được dạy cách bày tỏ cảm giác của bản thân, được giải thích về tầm quan trọng của việc đó và được nghe phân tích về những tổn thương do lỗi lầm của chúng gây ra, cùng ý nghĩa của việc làm một người tử tế, thì cuối cùng chúng nảy sinh những cảm xúc ăn năn và hối hận. Nói theo lối ẩn dụ thì tư duy xin lỗi cũng là một loại cơ bắp giống như trí tuệ và khả năng tự kiểm soát. Càng lớn, tư duy xin lỗi của trẻ sẽ càng có chiều sâu, chẳng hạn: Có thể đúng con mới là người thiệt thòi, nhưng con vẫn chủ động xin lỗi để giữ gìn không khí hòa hảo trong gia đình, hoặc mở rộng ra là trong cộng đồng, trường học hay trong tình bạn.
Nếu bạn biết mình sai và đã làm một điều tệ hại thì bạn nên xin lỗi dù có được tha thứ hay không. Học giả người Do Thái Maimonides ở thế kỷ 20 đã nói rằng để cầu xin sự tha thứ từ ai đó, hãy tiếp cận họ vào ba lần riêng biệt trước khi từ bỏ. Theo ông, nếu bạn là bên “bị hại” và có người cầu xin bạn sự tha thứ, thì bạn có nghĩa vụ phải thứ tha họ.
Ngấm ngầm tức giận cũng là một trạng thái mà chúng ta rất dễ mắc phải. Song giáo sĩ David Wolpe đã có lần nói: “Lòng hận thù đậu trong tim có khác nào một chú cá mập bị mắc kẹt trên bao lơn.” Còn đây được cho là lời của đức Phật: “Nuôi lòng giận dữ cũng giống như bạn cầm lên tay một viên than nóng và khi ném nó vào người khác, thì bạn mới là người bị bỏng.” Trẻ sẽ tiến xa trên bước đường trưởng thành nếu có đủ can đảm nói lời xin lỗi. Đây cũng chính là mục tiêu của chúng ta khi rèn con tính kỷ luật: Chúng ta muốn các con thấm nhuần những cảm xúc và hành vi tốt đẹp để sau này khi trưởng thành sẽ biết sống có trách nhiệm, biết quan tâm, biết tự điều chỉnh và có khí phách gan góc. Trẻ con thường rất dễ bị bủa vây bởi quyền lợi và lòng oán giận của chính chúng, rất dễ bị mắc kẹt vì ỷ lại vào sự giải cứu của cha mẹ và khó lòng thoát ra khỏi những kỳ vọng dường như bất tận của họ. Trong tiếng Do Thái, từ Mitzrayim có nghĩa là “Ai Cập”, đây là nơi mà nhiều thế hệ dân tộc chúng ta đã phải chịu kiếp nô lệ. Nghĩa đen của từ này là “một nơi chật hẹp”. Trong thời hiện đại, một con người không có khả năng xây dựng cho bản thân nền tảng kỷ luật cũng như không thể tự lực tiến vào thế giới, tức là họ cũng đang sống trong một nơi chật hẹp.
Aristotle đã nói: “Muốn có đức hạnh thì phải rèn luyện.” Muốn trở thành người tốt, chúng ta cần thiết lập kỷ luật cho cả con trẻ lẫn bản thân chúng ta. Cần hiểu rằng lầm lỡ là điều không tránh khỏi, nhưng hãy cứ tiếp tục tạo cơ hội để những lầm lỡ ấy được sửa chữa. Rồi khi đó, chúng ta có thể lựa chọn trừng phạt hay tha thứ.
Phương pháp luận của mẹ Do Thái
1. Lên kế hoạch từ trước; tránh những tình huống khiến bạn phải la mắng hoặc trừng phạt trẻ. Các con tôi đôi lúc rơi vào tình trạng suy sụp tới mức tôi không cách nào cứu vãn được và đành để mặc chúng la hét trong phòng riêng. Nhưng nghĩ lại mới thấy, nếu tôi biết ngăn chặn cảm giác ấy “từ trong trứng nước”, tôi sẽ giúp con tránh được. Ví dụ: Các con tôi và nhiều trẻ khác khi còn bé thường khó thích nghi trong những giai đoạn chuyển đổi. Vậy thì đừng để chúng bị bất ngờ mà hãy cho chúng tập làm quen dần. Cho con biết những việc chúng ta sẽ làm hôm nay, giờ nào sẽ ra khỏi nhà, đâu là giấy nhắc nhở hay lời cảnh báo. Trong tuần đầu tiên đưa con đi nhà trẻ, đừng thả con vào lớp rồi lủi mất mà hãy ôm con thật chặt, nói với con một lời tạm biệt dứt khoát, hứa sẽ đến đón con sớm, rồi rút đi thật nhẹ nhàng. Nếu bạn chuồn ra khỏi cửa như một tên trộm, bạn sẽ khiến con mất lòng tin vào cha mẹ. Kể cả khi trẻ đã thấy thoải mái và hòa nhập vào lớp học, bạn vẫn nên tạm biệt con thật đàng hoàng để chúng không có cảm giác bị cha mẹ phản bội vì đã bỏ chúng lại ở nơi xa lạ. Bằng không, cuộc sống của cả bạn và con sau này đều sẽ không mấy dễ dàng.
2. Hãy khắc ghi một điều: Muốn rèn con kỷ luật, trước hết bạn phải tự “thiết quân luật” chính mình. Khi bạn đã nói: Hành động này sẽ dẫn đến kết quả như vậy, thì nên để mọi việc diễn ra đúng như vậy. Mọi lời răn đe đều phải được thực hiện cho đến cùng. Nếu bạn thông báo: “Mười phút nữa chúng ta sẽ ra khỏi nhà!” thì hãy đặt đồng hồ nhắc nhở để đảm bảo cả nhà ra khỏi nhà sau đúng mười phút. Dù là một lời đe dọa, lời hứa hay lời mua chuộc cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc “đã nói là làm”. Trong sách Talmud có một câu rằng: “Cha (mẹ) không nên hứa cho đứa trẻ thứ gì đó rồi sau đó lại không cho, vì cứ như thế, nó sẽ học được cách nói dối.” Hãy trung thành với lời nói của mình.
3. “Liệu đây đã phải 'trận chiến' mà tôi cần sống mái tới cùng?” Các con tôi càng lớn lên, tôi càng thường xuyên tự nhắc nhở mình lời khuyên này. Tôi thường tưởng tượng cuộc sống của mình giống như một con phố phủ đầy cỏ lăn ở miền Tây xưa kia. Trong tay tôi là một khẩu súng lục, và nguy hiểm thì luôn rình rập sau mọi cánh cửa quán rượu. Tôi nhủ thầm: Mình chỉ còn mỗi chỗ đạn này nên sẽ không được phung phí chỉ vì những mối đe dọa lãng xẹt. Biết đâu sau đó mới là lúc cần thực sự. Vì thế trong các tình huống nuôi dạy con hàng ngày tôi luôn tự hỏi: Liệu trận đấu này có đáng để mình phí sức không? Nếu câu trả lời là không, hãy hạ súng xuống, hít thở vài hơi và cố gắng không can dự vào.
4. Không được xuống nước. Đôi lúc tôi thực sự muốn sống mái một phen với “lũ giặc” nhà mình. Tôi là chàng cao bồi nghĩa hiệp sẽ đuổi mọi xấu xa ra khỏi thị trấn này và cứu dân chúng thoát khỏi tay tên trùm tàn ác. Tôi mới là người tốt còn “lũ giặc” nhà tôi chính là những tên phản diện nhí có vấn đề về thần kinh. Khi bạn đã đưa ra một nguyên tắc hoặc ban hành một phán quyết, thì đừng bao giờ thỏa thuận với những tên khủng bố. Trong nhiệm vụ làm cha mẹ đầy khó khăn này, đừng dỗ nịnh và cầu xin sự hợp tác hay giúp đỡ từ chúng. Trẻ con chẳng bao giờ quan tâm tới những vất vả ấy của chúng ta đâu. Thế nên bạn phải luôn luôn khiến chúng hiểu rõ những giá trị và những kỳ vọng, và hãy thực thi khi cần phải thực thi: không giải thích dài dòng, không khen ngợi quá mức, không tỏ ra quá tâm lý và không cần dỗ dành nịnh nọt. Nếu bạn đã đưa ra nguyên tắc: “Chúng ta không đánh người khác”, thì khi lũ trẻ đánh bạn, đừng hỏi chúng: “Bạn làm gì mà con lại đánh bạn?” mà hãy tuyên bố: “Con không được chơi nữa. Chúng ta đi về nhà.” Thay vì suy sụp rồi suốt ngày dọa dẫm và phạt con nửa vời, bạn chỉ cần đưa ra vài nguyên tắc nhanh và mạnh, nhưng nhớ thực thi chúng thật kiên định và cẩn trọng.
5. Hãy trò chuyện với con về cảm xúc. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ muốn cư xử tốt là vì chúng biết cảm thông với người khác. Khi bạn đánh hoặc cắn một ai đó nghĩa là bạn đã làm họ đau. Khi bạn dùng những từ không đẹp hoặc loại ai đó ra khỏi cuộc chơi, bạn đã làm tổn thương cảm xúc của họ. Vậy làm thế nào để khiến trẻ suy ngẫm về cảm xúc của người khác? Trước tiên, hãy trò chuyện với con về cảm xúc ngay từ nhỏ, như thế chúng sẽ có đủ vốn từ vựng để có thể gọi tên cảm xúc. Khi chúng giận dữ, buồn, hoặc bực bội, hãy đặt tên cho những cảm xúc ấy, rồi cùng con suy ngẫm và thảo luận để tìm ra cách cải thiện tình hình. Khi trẻ lớn hơn, hãy trò chuyện với con về những biện pháp duy trì khả năng tự kiểm soát của riêng bạn. Tôi thường hít thở sâu hoặc soạn một bức thư điện tử với những lời thô tục rồi sau đó tự gửi cho chính mình thay vì gửi cho người mà tôi đang nhắm tới. Hoặc tản bộ. Hoặc vuốt ve chú mèo. Josie thì thả mình vào những bản nhạc yêu thích rồi hát thật hết mình, còn Maxie sẽ lấy một cuốn sách hài yêu thích ra để đọc.
6. Cùng con tìm ra những chiến lược giải quyết mâu thuẫn. Nếu không tập tìm ra hướng giải quyết mâu thuẫn khi ở nhà, thì hậu quả là con bạn rất có thể sẽ bị kỷ luật ở trường. Bạn có thể tưởng tượng ra một cuộc cãi lộn, rồi chơi trò đóng vai để chỉ cho con thấy nhiều cách phản hồi khác nhau, hoặc trò chuyện với con về một tình huống không hay mà bạn xem trên phim, hoặc đọc trong sách rồi cùng thảo luận xem làm thế nào để xử lý tình huống ấy. Còn nếu con bạn là thiên thần khi ở trường và ác quỷ khi ở nhà, thì tôi xin ngả mũ trước bạn. Con bạn rất biết dồn nén cảm xúc và duy trì kiểm soát lúc ở trường rồi xả bỏ chúng lúc về nhà. Như thế hẳn trong cách nuôi dạy con của bạn cũng có cái lý nào đó và xin chúc mừng, bạn có thể thầm đắc thắng vì đã tạo nên những con người biết trình diễn giỏi. Và... có lẽ cuốn sách này cũng không còn phù hợp với bạn nữa rồi...