Chúa trời tạo nên thế giới to lớn từ vô vàn thế giới nhỏ bé.
- Tục ngữ Do Thái
Năm lên sáu tuổi, có lần Josie đã chọc cười tôi bằng những mẩu chuyện về một bạn học cùng lớp không biết cư xử. Tôi nói với con: “Mẹ vẫn muốn con cư xử tử tế với bạn ấy cho dù bạn ấy có xấu thế nào đi nữa. Mẹ muốn con hãy hòa nhã”. Con bé gườm gườm nhìn tôi: “Thế nếu bạn ấy ném đá vào con thì sao ạ?”
Trong trường hợp này, Josie chính là đại diện cho tính cách của người Do Thái. Nhìn chung, cộng đồng chúng ta vẫn luôn phải nơm nớp lo sợ bị người khác “ném đá”.
Công bằng mà nói, từ hàng nghìn năm qua, người Do Thái luôn có lý do chính đáng để dè chừng đám đông và các thế lực lãnh đạo cả trong giới chính trị thế tục lẫn trong nhà thờ. Bị bức hại và bị trục xuất đâu phải là việc gì dễ chịu. Nhưng ngay cả giữa cộng đồng Do Thái với nhau, chúng ta cũng vẫn luôn giữ tâm thế hồ nghi trước quyền lực. Và tôi sẽ tranh biện rằng, chính chủ nghĩa hoài nghi này đóng một vai trò quan trọng giúp người Do Thái thành công đến vậy.
Chúng ta là một dân tộc chỉ thích những ý kiến trái chiều, thích truy vấn, lảm nhảm, thách thức và đấu khẩu. Bộ trích yếu luật Do Thái là sách Talmud dường như chỉ toàn những cuộc đấu khẩu. Mỗi trang sách có một ô chữ lớn ở chính giữa, còn phần khung chữ bao xung quanh thì chủ yếu là những câu như: “Chờ đã, anh nghĩ cái gì cơ?” hay: “Không, Rabbi Avika, anh mới là người phải câm miệng!” được viết bằng nhiều giọng điệu; và trong phần chữ nhỏ là một tràng những câu tranh luận, đấu khẩu, xung đột và cao giọng dạy đời.
Phong cách nói chuyện suồng sã này thực ra lại dạy trẻ những bài học tuyệt vời và đến nay vẫn được các bậc cha mẹ Do Thái sử dụng. Kiểu tranh luận sôi nổi đó sẽ khiến chúng bị lôi cuốn và nhanh chóng hiểu rằng, khi nói chuyện phải thật tập trung chú ý để bắt kịp mạch chuyện. Hơn nữa, chúng còn được chứng kiến người lớn bàn luận hăng say và khích tướng lẫn nhau, rồi sẽ hiểu rằng mọi quan điểm có luận cứ vững vàng đều mang sức nặng ngang nhau. Và bài học cuối cùng là: Sự mạnh dạn và biết coi trọng khả năng ứng khẩu nhanh nhạy có thể góp phần dẫn tới thành công cả trong học tập và cuộc sống sau này.
Tất nhiên, không phải ai cũng thích cách nói chuyện đó của chúng ta. Nhà ngôn ngữ học Deborah Tannen đã viết rằng, có lẽ chính những mô hình ngôn ngữ học phổ biến của người Do Thái lại là nguyên nhân chính khiến họ bị đóng khung trong khuôn mẫu tiêu cực. Chẳng hạn như trong một cuộc thảo luận, một chủ đề sẽ được giới thiệu đi giới thiệu lại một cách lì lợm cho tới khi mọi người thực sự quan tâm tới nó. Tannen cũng lưu ý rằng, so với các nhóm dân tộc khác, người Do Thái có khuynh hướng nói nhanh hơn, ít dừng lại khi nói chuyện hơn, ngắt lời người khác thường xuyên hơn và thích “thảo luận tập thể một cách hăng say và chồng chéo”. Phong cách khôi hài này có thể khiến những người anglo-saxon da trắng điềm đạm theo đạo Tin lành cảm thấy khó chịu. Hơn thế nữa, theo một cuộc điều tra tại Mỹ tiến hành với 30.053 người gồm cả người Do Thái và ngoại Do Thái do Sarah Bunin Bener và Steven M. Cohen tại trường Cao đẳng Cộng đồng Do Thái (Hebrew Union College) thực hiện, có 47% số người Do Thái thuật lại rằng, dù ít dù nhiều họ đã từng bị người khác nhận xét là có phong cách nói chuyện “quá hung hăng”, trong khi con số này ở những người ngoại Do Thái chỉ là 36%.
Còn phụ nữ Do Thái thì có kiểu nói chuyện “mồm năm miệng mười”, buồn vui lẫn lộn. Một mặt, họ vừa trở thành tâm điểm cho những cuốn sách và những tiết mục hài kịch trịch thượng của đàn ông Do Thái. Mặt khác, họ lại vừa khẳng định mình có sự nghiệp riêng đầy ấn tượng, vừa tạo nên những đứa trẻ tử tế, sáng tạo và độc lập. Trong cuốn Lean in (Tạm dịch: Dấn thân), rất nhiều kiểu hành vi vẫn luôn khiến phụ nữ Do Thái bị chỉ trích lại được Sheryl Sandberg lên tiếng ủng hộ. Cô viết rằng phụ nữ thường có khuynh hướng tỏ ra khiêm nhường thái quá… song đây chính xác lại không phải nét tính cách khiến phụ nữ Do Thái bị lên án. Cũng theo cô, phụ nữ thường có xu hướng thụ động và do đó tự gây khó khăn cho sự nghiệp của bản thân, nhưng đây cũng không phải nguyên nhân phổ biến khiến phụ nữ Do Thái bị chỉ trích. Phụ nữ Do Thái chưa bao giờ có những siêu năng lực như sùng bái nữ tính chân chính, phục tùng hoặc “chỉ thích ở nhà nội trợ” mà luôn luôn phải vật lộn để cân bằng giữa gia đình và công việc, bởi vì xuyên suốt chiều dài lịch sử, chúng ta vẫn là lực lượng kiếm sống chủ chốt của gia đình. Và trải qua thời gian, chính tính quyết đoán và kỷ luật mới là những tố chất khả dụng với chúng ta. Những tố chất ấy không những giúp chúng ta nuôi dạy con cái nên người, mà còn là vũ khí đắc lực giúp chúng ta tồn tại trong một thế giới luôn coi thường những cô gái tử tế nhưng thụ động. Phụ nữ Do Thái không tin rằng họ sẽ tự động được trao quyền lực từ những người đang nắm giữ chúng. Lịch sử đã chứng minh, muốn không bị trắng tay, chúng ta buộc phải “xù lông nhím”.
Vậy tất cả những điều trên có ý nghĩa gì với bạn, những người cha người mẹ thời hiện đại? Hãy hít thở thật sâu và chuẩn bị tâm lý nhé, tôi sắp khuyên bạn hai điều, đó là (1) hãy tranh luận với con và (2) khích lệ con luôn dè chừng trước những gì được thiết lập sẵn.