Có một câu nói rằng: Cứ hai người Do Thái thì sẽ có ba giáo đường. Câu nói này bắt nguồn từ một câu chuyện cười cổ xưa về một người Do Thái bị đắm tàu và trôi dạt vào một hòn đảo hoang trong nhiều năm. Cuối cùng, khi các nhân viên cứu hộ tìm được tới nơi, họ vô cùng sửng sốt khi thấy người đàn ông này đã xây được một căn nhà nhỏ vô cùng tiện nghi với bể chứa nước cùng hệ thống lọc, máy gọt vỏ dừa tự động và khu nhà phụ. Họ hỏi anh ta: “Thế còn hai tòa nhà ở đằng kia thì để làm gì?” Người đàn ông vừa đáp vừa chỉ tay về phía tòa nhà bên trái: “À, tòa kia là giáo đường của tôi!”. “Thế tòa còn lại?” “À, đó là tòa giáo đường tôi sẽ không bao giờ đặt chân tới! Xùy!”
Tương tự, trong đời thực cũng có một câu chuyện như sau: Ở thành Rome, vào năm 1555, Giáo hoàng Paul IV đã ban lệnh chỉ cho phép người Do Thái trong thành phố được xây một giáo đường. Dù là người Do Thái thời xưa hay hiện tại thì đều cảm thấy hãi hùng với các mệnh lệnh như nhau. Chúng ta là cộng đồng không bao giờ có thể đồng thuận bầu ra người làm món thịt bò ướp hun khói ngon nhất, và chắc chắn cũng không thể nhất trí chọn ra cách thờ cúng tốt nhất. Vì thế, thay vì cùng liên kết để đi đến một thỏa hiệp thống nhất về thần học, thì những người Do Thái thành Rome khi đó đã dựng lên sáu khu vực thờ cúng khác nhau bên trong cùng một giáo đường. Sự “cứng đầu tráng lệ” ấy, theo lời của nhà văn Stephen Marche, là yếu tố không thể thiếu trong tính cách người Do Thái. Người Do Thái thành Rome đã ứng xử trước một thế lực quyền thế tôn giáo theo cách hệt như khi ta đi mua đồ ăn đường phố: Nếu không thích món ở quầy này, bạn chỉ cần chuyển sang quầy khác.
Đạo Do Thái là một đức tin không thuận theo bất kỳ một thể chế quyền lực trung tâm nào. Chúng ta không hề có giáo hoàng. Từ “rabbi” (giáo sĩ) có nghĩa là người truyền giảng chứ không phải nhà lãnh đạo. Chúng ta có vô số những đoạn cầu nguyện mà nếu không có đủ một minyan, tức tối thiểu một số người tham gia, thì thậm chí còn không được phép đọc. (Trong đó gồm có bảy lời chúc phúc truyền thống cho các cặp vợ chồng trong ngày cưới, lời cầu nguyện cho người chết, lời cầu nguyện để an ủi một người có tang, và các bài đọc sách Ngũ Thư). Người Do Thái có một câu nói rằng: “Nayn rabonim kenen keyn minyen nit makhn ober tsen shusters yo”, tức là: Chín vị giáo sĩ không thể tạo nên một minyan, nhưng mười người thợ đóng giày thì có thể. Nói cách khác, yếu tố đóng vai trò tối quan trọng ở đây là sự hiện diện của cộng đồng chứ không phải quyền lực của một quan chức thống lĩnh hoặc một quan điểm đơn lẻ nào.
Tới đây, có lẽ bạn đã hiểu điểm khác biệt giữa người Do Thái và các nhóm văn hóa với tôn giáo khác. Họ quan niệm rằng mỗi cá nhân sẽ có một câu trả lời riêng cho cùng một câu hỏi tại sao. Một số người Do Thái chính thống giáo vẫn khăng khăng cho rằng đã là người Do Thái thì phải mang một số tính cách nhất định, song nếu chiểu theo lịch sử của cả cộng đồng Do Thái, có thể thấy đây cũng là một nội dung từng được thảo luận và tranh cãi. Về quan điểm này, tôi cho rằng chính lối tư duy nghi vấn, cách suy nghĩ độc lập và thái độ khách quan, cởi mở trước những ý kiến trái chiều mới là điều quan trọng làm nên thành công của người Do Thái trong suốt những năm qua.
Dù là thợ đóng giày hay giáo sĩ thì đều sẽ có những nét tương đồng với lịch sử và văn hóa của người Do Thái. Vậy muốn nuôi dạy con tốt, bạn hãy nỗ lực tìm hiểu đôi điều về nguồn cội của mình. Nếu bạn là người Do Thái nhưng không có kiến thức nền vững chắc về đạo Do Thái, tôi khuyên bạn tìm hiểu trang web Học về người Do Thái (Tạm dịch: My Jewish Learning), xem loạt phim truyền hình The Story of the Jews (Tạm dịch: Câu chuyện về người Do Thái) của Simon Schama, mua một vài album của Klezmatics và Matisyahu, dự lễ hội múa của người Do Thái Sephardic và cùng cả gia đình đi tìm công thức hummus ngon nhất thế giới. Còn nếu bạn không phải người Do Thái, tôi khuyên bạn tự tìm hiểu lai lịch của bản thân để biết nguồn gốc những niềm tự hào, những thông tin và các giá trị cốt lõi của dân tộc mình. Nền tảng kiến thức ấy sẽ giúp bạn dễ dàng thư giãn, đem đến cho bạn khoảng lặng để nghỉ ngơi và tái tạo. Bất kể bạn theo tôn giáo nào, hãy khám phá truyền thống gia đình và chọn ra những điều mà bạn thấy hiệu quả với mình nhất. Cá nhân tôi là một người hay gây rắc rối, nên tôi thích nghe kể về những người nổi loạn và những người nhạo báng quyền thế trong lịch sử của các gia đình khác.
Hãy dạy trẻ biết truy vấn những mô hình có sẵn, tận hưởng quá trình học hỏi, và nắm được giá trị của việc thảo luận lẫn tranh biện. Như vậy, các kỹ năng lập luận, tư duy, phát triển và thử nghiệm của chúng sẽ được phát triển độc lập, chúng sẽ biết cách đối phó với nỗi thất vọng mỗi lần phạm sai lầm. Tôi rất thích nhân vật cô Frizzle trong loạt phim hoạt hình The Magical School Bus (Tạm dịch: Chiếc xe buýt trường học thần kỳ). Phương châm của cô là: “Nắm lấy cơ hội, cứ phạm sai lầm, tha hồ ‘đập phá’!” Hãy nhớ lại lời của nhà khoa học đoạt giải Nobel Isidor Rabi: “Hôm nay con có đặt được câu hỏi hay nào không?” Hãy thường xuyên đặt cho con các câu hỏi và lắng nghe chúng trả lời. Đừng buông tha khi chúng chỉ đưa ra những lý lẽ đơn giản, mà hãy nhẹ nhàng chỉ ra những thiếu sót và mâu thuẫn trong lập luận của chúng. Bạn cũng có thể hỏi xin ý kiến lũ trẻ về những câu hỏi đang làm bạn “đau đầu”. Hãy khuyến khích những cuộc tranh luận dân sự và thôi thúc con quan sát thế giới bằng con mắt thật sắc sảo.
Trong một bài báo trên tạp chí Wired (Tạm dịch: Kết nối mạng) cách đây vài năm, người đứng đầu Phòng thí nghiệm công nghệ MIT (một người ngoại Do Thái) là Joi Ito đã vạch ra những kỹ năng cần thiết để con người có thể tồn tại trong một thế giới đang biến đổi chóng mặt. Những kỹ năng này gồm có tính bền bỉ (giúp bạn có thể chống chịu với khó khăn và lấy lại phong độ sau thất bại), chấp nhận rủi ro thay vì chỉ chăm chăm tìm sự an toàn, trông cậy vào la bàn thay cho bản đồ, nuôi dưỡng sự bất tuân thủ thay vì phục tùng và chú trọng vào học hỏi chứ không phải giáo dục. Nói cách khác, đừng tin tưởng mù quáng vào những người chịu trách nhiệm. Thay vào đó, hãy xây dựng niềm tin hợp lý và thực chất vào những giá trị của bản thân. Niềm tin ấy có được là nhờ biết học cách nghe theo tiếng nói từ sâu thẳm bên trong bạn chứ không phải theo dàn đồng ca hoặc chì chiết, hoặc đều đều, hoặc cự tuyệt đang vang lên xung quanh bạn.