Có một câu hỏi cho bạn: Vì sao người Do Thái hầu như gồm toàn các doanh nhân, giám đốc ngân hàng, nhà tài phiệt, luật sư, bác sĩ, nhà văn, thương nhân và học giả sống ở thành thị? Vì sao lại có ít người Do Thái làm nông tới vậy? Vì sao cộng đồng chúng ta tản đi khắp quả địa cầu, ấy thế mà bằng cách nào đó toàn “đậu” lại ở các thành phố và làm việc trong những lĩnh vực giàu tính sáng tạo, khoa học và liên quan tới tiền bạc?
Bởi vì cuộc đời đã dạy chúng ta không nên đặt niềm tin vào chính quyền! Sau khi bị người La Mã hất cẳng khỏi lãnh thổ Israel vào năm 70 sau Công nguyên (SCN), chúng ta đã lang thang khắp nơi qua nhiều thế kỷ. Trong lịch sử, đã có những lúc chúng ta đã không được phép sở hữu đất đai, không được gia nhập các phường hội thủ công và thương nhân, rồi bị đẩy vào hoạt động cho vay tiền tệ (vì những người theo đạo Ki-tô từng bị cấm cho vay lãi nên “cơ hội” đã rơi vào tay người Do Thái). Tuy nhiên trong một cuốn sách mới đây, hai nhà kinh tế học, một ở Israel và một ở đại học Princeton đã lập luận rằng, khi người Do Thái nhận ra tình thế không nhà cửa và không nơi thờ cúng của mình (vì công trình từng là biểu tượng cho tinh thần dân tộc của họ đã bị người La Mã phá hủy), họ liền quyết định dùng sự hiếu học và trình độ học vấn làm nền tảng để xây dựng nên bản sắc riêng.
Còn trong cuốn Số ít được lựa chọn: Giáo dục đã hình thành nên lịch sử Do Thái như thế nào (70 - 1492)(1), Maristella Botticini và Zvi Eckstein đã lập luận rằng, một khi Ngôi đền vốn là trung tâm thể hiện bản sắc của người Do Thái bị mất đi, thì bức tranh phản ánh danh tính, văn hóa, tôn giáo... của chúng ta cũng biến đổi liên tục. Chúng ta đã tự tái tạo hình ảnh của mình. Từ một giáo phái lấy các nghi lễ hiến tế làm nền tảng đã trở thành một cộng đồng lấy học vấn và nghiên cứu Ngũ Thư làm trung tâm. Về cơ bản, sau khi mất đi những thiết lập vật chất - thứ mà chúng ta từng cho là biểu tượng của dân tộc mình, thì chính sự phân quyền đã cứu vớt chúng ta.
(1) Thai Ha Books đã xuất bản cuốn sách này vào năm 2014.
Trong quá trình lang thang khắp nơi trên thế giới, chúng ta làm mọi việc để kiếm sống, nhưng đồng thời vẫn tập trung phát triển học vấn, thứ đã trở thành bản sắc cốt lõi của dân tộc. Theo Botticini và Eckstein, từ năm 750 - 900 SCN, gần như tất cả người Do Thái ở vùng Lưỡng Hà và Ba Tư (tức là 75% số dân Do Thái trên toàn thế giới) đã từ bỏ nông nghiệp, chuyển vào các trung tâm thành thị và gia nhập các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao. Cho tới những năm thuộc thế kỷ XIV, cộng đồng chúng ta hầu như đã phủ khắp thế giới và đã trở thành một Dân tộc yêu sách vở.
Vào thời đó, tỷ lệ người mù chữ chiếm phần lớn dân số thế giới. Vì thế, khả năng đọc và viết hợp đồng, thư kinh doanh và khả năng coi giữ sổ sách kế toán đã mang lại lợi thế cho người Do Thái. Đó là những kỹ năng mà chúng ta luôn có thể mang theo bên mình. Sau khi bị hất cẳng ra khỏi mảnh đất quê hương, người Do Thái cũng đã tự phát triển sách Talmud và các thể chế riêng như các tòa án thuộc giáo đoàn và responsa, văn bản ghi lại những nghị quyết và nguyên tắc cốt lõi của các học giả pháp luật người Do Thái, từ đó bồi đắp thêm cho hệ giá trị của toàn cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới. Khi biết rằng không thể trông cậy vào sự bảo vệ và che chở từ phía chính quyền nơi mình cư trú, chúng ta đã tạo nên một kết cấu quyền lực dân chủ xuyên quốc gia lấy đạo đức cộng đồng làm nền tảng.
Trước một tương lai vô định, thì tri thức chính là loại tiền tệ tốt nhất mà bạn có. Trong một thế giới luôn khiến bạn phải hồ nghi, thì giá trị bất biến đáng tin cậy nhất chính là bộ não của bạn, chứ không phải những nhà lãnh đạo chính trị, hệ thống tư pháp, hay tổ chức dân sự của một đất nước nào đó. Vậy thì bài học cho các ông bố bà mẹ hiện đại là gì? Hãy chú trọng hỗ trợ con phát triển những niềm đam mê và các kỹ năng sẽ trường tồn mãi mãi, chứ đừng chỉ quan tâm vào điểm số và kết quả kiểm tra tạm thời. Tri thức thực sự và các kỹ năng tư duy phản biện luôn bền vững hơn mọi trào lưu giáo dục.