Nuôi dưỡng sự hiếu kỳ của trẻ là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thành công của các bậc cha mẹ Do Thái. Trong thời đại mà mọi thứ luôn biến đổi nhanh chóng, tính hiếu kỳ sẽ là một động lực bổ ích. Muốn thành công trên đất Mỹ, một đất nước thuộc Tân Thế giới, nơi gia phả và truyền thống vẫn bị xếp sau tính độc lập và tư duy nhạy bén, trẻ phải biết cởi mở đón nhận và chấp nhận nhiều đáp án khác nhau cũng như tính khác biệt.
Hãy hướng trẻ tập trung vào quá trình thực hiện chứ không phải kết quả. Đáp án hay con đường đi tới đáp án đều quan trọng như nhau. Khi nghiên cứu khoa học, bạn sẽ muốn đạt được những kết quả trùng lặp. Nhưng nếu phải diễn một vở kịch, bạn chắc chắn không muốn lặp lại lối diễn của bất kỳ tiền nhân nào mặc dù anh ta có từng đoạt giải Oscar. Bạn sẽ muốn tự tìm hiểu suy nghĩ của nhân vật để tạo nên sản phẩm mang dấu ấn riêng. Có hề gì nếu bạn lóng ngóng khi bắt tay vào những thử thách mới. Tôi còn lo rằng trẻ con ngày nay chỉ muốn tỏ ra thật hoàn hảo, chứ chẳng bao giờ thích là những người đi tiên phong và bộc lộ những ngờ nghệch của bản thân. Nhưng sách Talmud nói: “Hãy luyện cho cái lưỡi của bạn biết nói câu ‘Tôi không biết.’” Đó chẳng phải là cách tốt nhất để học hỏi hay sao? Còn giả vờ mình biết mới là thái độ tồi tệ. Thái độ vờ vịt sẽ gây ra một hiệu ứng domino: lòng tự trọng sa sút, gian dối ở trường học, và luôn có cảm giác mình chỉ là “kẻ mạo danh” - một cái vỏ rỗng tuếch không có tâm hồn. Những kẻ vờ vịt sẽ luôn bị coi thường. Quyền lực là thứ phải nỗ lực phấn đấu mới có được, và chúng ta chỉ nên tôn trọng những người đạt tới chúng một cách đường hoàng.
Muốn dạy trẻ cảnh giác trước quyền lực và biết cách đạt được quyền lực một cách chính đáng, hãy để chúng được tôi luyện trước những thử thách và khuyến khích chúng biết ủng hộ mọi tài năng, năng lực và cả những khó khăn muôn hình muôn vẻ ở xung quanh. Chẳng có ai là toàn tài. Đừng cư xử tệ với những người kém hơn mình và cũng đừng thần tượng hóa quá mức những người giỏi hơn. Nỗ lực cũng quan trọng không kém tài năng. Hãy tôn trọng những người đang nỗ lực hết mình ấy.
Cách dạy con kiểu Do Thái lý tưởng nhất là nuôi dưỡng cho trẻ cả tính sáng tạo và tinh thần tranh biện. Chính những phẩm chất ấy đã giúp dân tộc chúng ta thành công trong các môi trường sống khác nhau. Ngay cả những nền văn hóa không coi trọng lối tư duy phá cách cũng phải công nhận điều đó. Trong cuốn hồi ký của một cựu quan chức cấp cao Trung Quốc Ngô Quan Chính đã cho rằng: “Khả năng dám nói lên sự thật trước cường quyền” và “cảm giác thoải mái biểu đạt những quan điểm khác nhau” chính là nguyên nhân dẫn đến thành công của người Do Thái.
Người lớn cần phải dừng việc coi con trẻ như những cái bình để họ rót đầy kiến thức đã có sẵn, mà hãy biến chúng thành người luôn mang trong mình tinh thần hiếu học, chủ động cả trong sự nghiệp lẫn học tập, luôn phấn khích và nhiệt huyết trước các ý tưởng. Muốn vậy thì hãy khuyến khích chúng biết nghi ngờ những kiến thức truyền thống và thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao”. Tất nhiên chúng ta cũng muốn con có thành tích tốt ở trường, song nếu nhìn lại lịch sử, bạn sẽ thấy người Do Thái chỉ chú trọng dạy trẻ cách đặt câu hỏi, cách tư duy, tranh luận và bảo vệ lập trường (bởi chúng ta từng không thể tới trường hoặc theo đuổi bằng cấp trong những lĩnh vực phù hợp với nguyện vọng của mình). Học vẹt có thể sẽ giúp bạn được điểm A nhưng sẽ không thể giúp bạn tiếp cận các môn học với một tư duy phản biện hoặc phá vỡ lối mòn.
Kiến thức luôn đến từ những cách rất bất ngờ. Vì thế bạn nhất thiết phải mở rộng cho trẻ phạm vi đọc và khám phá, thay vì chỉ mãi bám vào những cuốn sách theo quy chuẩn hoặc phông kiến thức truyền thống. Cuốn Ethics of Our Fathers (Tạm dịch: Đạo đức của những người cha) có nói: “Ai mới là người thông thái? Chính những người biết học hỏi từ mọi người xung quanh.” Sách giáo khoa cũng chỉ là một trong nhiều nguồn cung cấp kiến thức, còn trải nghiệm và bạn đồng môn cũng quan trọng không kém gì các giáo viên.
Chúng ta muốn con cái mình tự khám phá và tìm được một sự nghiệp mà chúng thấy thỏa nguyện và giàu ý nghĩa. Chúng ta coi mỗi đứa trẻ như một cá nhân với những tài năng và đam mê riêng. Khác với khuôn mẫu Mẹ hổ, chúng ta khuyến khích con thử sức ở mọi hoạt động và để chúng tự xác định những sở thích riêng của bản thân; khuyến khích chúng chơi đùa chứ không coi đó như những trò vô bổ làm sao nhãng học tập; tin rằng trẻ nên được học hỏi từ bạn bè và cũng có lúc cần được nghỉ ngơi thư giãn. Chúng ta không thần thánh hóa giáo viên để rồi coi họ như người thống trị lớp học hoặc là cội nguồn của mọi tri thức; khuyến khích trẻ giữ đúng phép lịch sự trong lớp nhưng đồng thời cũng khích lệ chúng thường xuyên đặt câu hỏi và biết phản ứng khi thấy câu trả lời chưa thỏa đáng. (Khi tôi học trung học, có một vị giáo viên cứ khăng khăng rằng từ manumission có nghĩa là “đấm một ai đó”. Ông nói từ này được ghép từ hai từ: manu trong tiếng Latinh, nghĩa là “bàn tay”, còn missio nghĩa là “gửi đi”, vậy hai từ gộp lại mang nghĩa: đưa bàn tay ra để tác động tới khuôn mặt của một ai đó! Tôi đã bị đánh sai từ này trong bài kiểm tra từ vựng, vậy là tôi liền đưa cuốn từ điển ra và chỉ từ đó cho thầy giáo, trong đó định nghĩa là “hành động thả tự do cho nô lệ của chủ nô”. Ông đã trả lời thế này: “Tôi nói nó có nghĩa là gì thì nó sẽ có nghĩa là như vậy.” Tuy đáp án của tôi không được khen ngợi nhưng từ đó tôi luôn ghi nhớ một bài học: Những nhân vật nắm quyền không hề biết mọi sự, và đôi lúc quyền lực đã bị họ sử dụng một cách không thỏa đáng).