Điểm cốt lõi trong bản sắc cũng như trong cách dạy con của người Do Thái là biết nhận ra sự bất công. (Có một chuyện cười rằng: Trong bất kỳ lễ hội nào của người Do Thái cũng đều có một câu tường thuật: “Họ định giết chúng ta nhưng lại bị chúng ta đánh bại, giờ thì chén thôi”). Một trong những yếu tố cấu thành nên tính bộ tộc của người Do Thái là những trải nghiệm trong khoảng thời gian chịu kiếp nô lệ tại Ai Cập. Như tôi đã đề cập ở phần trước, trong tiếng Do Thái, từ Mitzrayim vừa có nghĩa là “Ai Cập”, vừa có nghĩa là “một nơi chật hẹp”. Vì sao đó lại là một nơi chật hẹp? Vì ở đó chúng ta không có quyền tự trị, không được đảm bảo quyền lợi và không có trong tay chút vai trò nào. Pharaoh là một kẻ cai trị bất công. Trong bữa ăn Seder của Lễ Vượt Qua tưởng nhớ khoảng thời gian khi người Do Thái bị đày đọa và cuối cùng được giải thoát khỏi Ai Cập, nhiều người Do Thái tuy đang sống tương đối an nhàn và sung túc vẫn chia sẻ về những bức tường “chật hẹp” đang giam giữ họ ở thời hiện tại: Đó là khi họ không dám đứng lên chống lại bất công, chưa phát huy tốt nhất bản chất con người mình và không tự thúc đẩy mình vượt ra khỏi những vùng an toàn.
Ngày nay tại nhiều giáo đường, chúng tôi vẫn đọc lại “Lời nguyện cầu cho đất nước chúng ta”. Đó là một lời cầu nguyện xin Chúa trời ban phước lành cho chính phủ của chúng ta cũng như cho tất cả những ai đang thực thi quyền lực một cách thỏa đáng và đúng đắn, đồng thời thể hiện niềm mong mỏi tất cả những người nắm quyền hành sẽ vận dụng những hiểu biết sáng suốt của họ về Ngũ Thư để cai trị một cách công tâm, sao cho “hòa bình và yên ổn, hạnh phúc và phồn vinh, công bằng và tự do sẽ mãi mãi trường tồn cùng chúng ta”.
Phản ánh mối lo ngại đối với những quyền hành bất công, lời cầu nguyện được bắt đầu bằng việc cầu xin một tâm trí công bằng và cởi mở, mong muốn rằng mọi công dân thuộc mọi chủng tộc, xuất thân và hệ tư tưởng sẽ “phấn đấu để gây dựng một mối gắn kết chung trong sự hòa thuận chân chính, đẩy lùi lòng thù hận và cố chấp, bảo tồn những tư tưởng và các thể chế tự do vốn là niềm tự hào và niềm vinh quang của đất nước chúng ta”. Lời cầu nguyện cũng công nhận và hoan nghênh mọi đa dạng và khác biệt, đồng thời kêu gọi người dân cùng chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước và kết thúc bằng: “Cầu cho mảnh đất này, dưới sự phù hộ của Người, sẽ mãi mãi là một vùng đất có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, sẽ gắn kết toàn thể nhân loại trong hòa bình và tự do.” Tôi ấn tượng nhất vì lời cầu nguyện này vừa thể hiện tư tưởng về sự phân quyền trên thế giới, lại vừa ngầm khẳng định rằng, lãnh đạo là công việc luôn tồn tại nhiều thiếu sót, bất công và việc đoàn kết nhân loại để xây dựng hòa bình luôn đòi hỏi sự đồng lòng nhất trí. Tôi cảm thấy trong lời cầu nguyện ấy dường như còn đan xen một mối hoài nghi trước quyền thế, nhưng đồng thời cũng chứa đựng niềm hy vọng về sự đại đoàn kết của nhân loại.
Tôi cho rằng yếu tố cốt lõi đưa đến thành công rực rỡ của người Do Thái là khả năng sống “hòa nhập mà không hòa tan”, cùng tâm thế vừa cẩn trọng trước thế lực cai trị thế tục vừa xây dựng một tập thể tử tế, thông tuệ và có trình độ học vấn. Trong bài luận “Concerning the Jews” (Tạm dịch: “Ngẫm về người Do Thái”) viết năm 1896, Mark Twain đã viết: “Nếu những con số thống kê là chính xác, thì người Do Thái chỉ chiếm 1% trong toàn thể nhân loại. Con số ấy chỉ như một vệt khói mơ hồ của một vầng sao xa xăm mất hút trong Dải ngân hà rực rỡ. Cứ theo lệ thường mà xét, thì lẽ ra họ chỉ có một vị trí mờ nhạt. Ấy vậy mà họ lại cứ luôn luôn được nhắc tới. Trên hành tinh này, họ cũng nổi bật như mọi dân tộc hùng mạnh khác và không những thế, nhóm người ít ỏi ấy còn đóng một vai trò to lớn tới mức quái gở trong thương mại. Còn trong văn học, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, tài chính, y tế và học thuật cấp cao, mức độ tỷ lệ nghịch phi lý ấy còn vượt xa hơn nữa. ‘Người Ai Cập, người Babylon và người Ba Tư phát triển, sinh sôi nảy nở trên mặt đất với danh tiếng vang dội lẫy lừng và ánh sáng huy hoàng, nhưng sau đó đã phai mờ nhạt nhòa như những giấc mơ, rồi biến mất. Người Hy Lạp và người La Mã đi theo vết xe đổ đó, họ cũng tạo ra tiếng tăm lừng lẫy, rồi cũng biến mất. Những dân tộc khác cũng đã nổi lên và giơ cao ngọn đuốc vinh quang của họ trong một thời gian, nhưng rồi cũng lụi tàn, và giờ đây hoặc đang ngồi trong ánh chiều chạng vạng hoặc cũng đã biến mất. Người Do Thái đã chứng kiến tất cả, đánh bại tất cả và vẫn luôn giữ vững phong độ của quá khứ. Ở họ không có chút biểu hiện suy tàn nào, không có chút lung lay tuổi tác nào và không có dấu hiệu suy yếu nào của các bộ phận cơ thể; nguồn năng lượng của người Do Thái vẫn nhanh nhạy; cũng như tâm thế xù lông đề phòng vẫn không hề bị cùn đi. Tất cả mọi thứ đều có hồi kết, nhưng người Do Thái thì không. Tất cả lực lượng khác đều đến lúc hết thời, nhưng người Do Thái vẫn trụ vững.’”
Để “trụ vững” như vậy cần tới rất nhiều yếu tố, mà một trong số đó là ý thức cốt lõi về bản thân. Khác hẳn với mọi thứ phù du khác trong thế giới, ý thức ấy giúp người Do Thái phát triển mạnh mẽ trong mọi môi trường và sống hòa đồng với mọi kiểu người. Tôi lớn lên trong một gia đình theo Đảng Bảo Thủ, học trường của người Do Thái chính thống giáo và kết hôn với một người Do Thái theo trường phái tự do. Như bao người Do Thái khác, tôi rất biết dung hòa những khác biệt. Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng thuận trong mọi việc, song chúng tôi biết tìm ra những điểm tương đồng.
Đạo Do Thái vốn đã mang sẵn tính đối thoại, đây cũng là một phẩm chất rất đáng để chúng ta noi gương. Thảo luận là một hoạt động tối quan trọng. Đừng hối thúc con phải mù quáng tuân theo giáo lý hoặc quyền thế. Đừng ngăn cản khi thấy con xới tung mọi thứ. Đừng nài ép con yên vị trong những nơi chật hẹp. Thay vào đó, hãy cằn nhằn khi con chưa biết đấu tranh gay gắt cả trong lĩnh vực tri thức lẫn công bằng xã hội. Hãy tha thiết khuyên con tiếp bước truyền thống cha ông, giống như tiền nhân Jacob của chúng ta từng đấu vật tay đôi với thiên sứ. Và hãy dạy con luôn tôn trọng quan điểm của người khác nhưng không thỏa hiệp. Bạn còn nhớ “Sự cứng đầu tráng lệ” chứ?