Nào, chương sách này đang bàn cách nuôi dạy trẻ sao cho chúng biết tìm tòi những ý kiến đa dạng và không để bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một mô hình vượt trội nào. Vậy thì tôi cũng bổ sung thêm: Bạn cứ thoải mái phản đối tôi và đừng để bị lệ thuộc vào cuốn sách này nhé.
Ann Hulbert từng viết một cuốn sách xuất sắc về nguồn gốc xã hội của các tài liệu nuôi dạy con có tên Raising America (Tạm dịch: Nuôi dạy trẻ Mỹ). Bà đã chỉ ra rằng trong các tài liệu nuôi dạy con luôn tồn tại hai ý kiến trái chiều trước cùng một vấn đề, một thiên về dễ dãi còn một thiên về độc đoán. Đó là chuyện thường tình. Và trong mọi cuộc tranh luận, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những vị chuyên gia giàu trí tưởng tượng cùng những bà mẹ sốt sắng tin rằng, chỉ có một phương cách đúng đắn thần thánh duy nhất để nuôi dạy con. Nhưng không phải vậy, có rất nhiều cách. Ngay lúc này, các thuật ngữ “trực thăng” và “thuận tự nhiên” chính là biểu hiện của sự đa dạng đó. Con người thường có xu hướng bẻ cong các thuật ngữ để phục vụ cho những chỉ trích của họ, chẳng hạn họ sẽ kết tội “cha mẹ thuận tự nhiên” thường xuyên bỏ bê con và không dạy con kỷ luật, còn “cha mẹ trực thăng” thì không bao giờ dạy con các kỹ năng tự lập.
Hãy quên những cái mác đó đi và làm theo cách của bạn. Nhưng hãy biết lập luận để cân nhắc những rủi ro cùng những lợi ích rồi quyết định khi nào cần nới lỏng vòng kiểm soát và khi nào cần siết chặt chúng hơn. (Khi các con tôi còn bé, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy những ông bố bà mẹ cứ van nài đứa con nhỏ chưa đầy ba tuổi hợp tác và đồng thuận với họ. Lúc đó, dường như tôi chỉ muốn nói: “Này, bé thích ở trong thùng cơ!” Trẻ lớn cần học cách tự quyết định và đánh giá rủi ro, nhưng trẻ bé lại giống như những chú cún con vậy, chúng sẽ an tâm hơn khi biết được những giới hạn và quy tắc mà bạn đưa ra. Hãy hình dung bạn phạt chú cún bằng cách nhốt nó vào một cái thùng, nhưng nó lại nhanh chóng cảm thấy dễ chịu và thân thuộc khi ở trong cái thùng đó. Nói vậy thôi chứ tôi không khuyên bạn nhốt con vào thùng theo đúng nghĩa đen đâu đấy nhé)!
Thật tình, bạn đừng bận tâm xem tôi nghĩ gì. Hãy nghe ngóng mọi thông tin trên mạng xã hội bằng cả hai tai và đừng phiền lòng về những bài nghiên cứu đang cố nhổ toẹt vào cách nuôi dạy con của bạn. Bác sĩ Nhi khoa Benjamin Spock đã luôn đúng khi nói: Hãy tin vào bản năng của bạn. Bạn biết nhiều hơn bạn tưởng đấy. Đừng quan tâm tới những nhân vật quyền lực đầy mâu thuẫn mà hãy lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm bên trong con người bạn.
Ngày nay nhiều bà mẹ cho rằng, họ là thế hệ bị chỉ trích trong việc nuôi dạy con nhiều hơn bất cứ thế hệ nào trước đó, song tôi nghĩ điều đó cũng không hẳn đúng. Có lẽ mạng xã hội đã khiến các mẹ cảm thấy bị phán xét nhiều hơn, nhưng tôi cho rằng ở thời nào cũng có những người thích tỏ ra “biết tuốt” và vờ quan tâm để chơi khăm bạn. (Họ tỏ ra là đang lo lắng cho hạnh phúc và sức khỏe của bạn, nhưng thực chất chỉ cố làm bạn thấy kém cỏi để nâng tầm họ lên). Nhưng nếu trước đây những lời hung hăng chỉ nhằm để “trả miếng”, thì ngày nay chúng có xu hướng trở thành đòn tấn công chủ động. Mẹ tôi từng kể rằng, bà đã bị rất nhiều người quở mắng khi quyết đợi đến hai sáu tuổi mới mang bầu tôi theo lối cổ. Kỵ của tôi (tức bà của cha tôi) chỉ trích rằng mẹ đã tước mất của kỵ cơ hội được gặp đứa chút của mình, vì kỵ đâu thể đợi lâu như vậy. (Nhưng điều ấy đã không xảy ra vì kỵ tôi thọ tới một trăm tuổi và mất khi tôi đã vào đại học. Thế là cuối cùng kỵ quay ngoắt sang quở trách mẹ tôi vì đã tước mất của kỵ cơ hội được nhảy ở đám cưới đứa chút của mình). Khi chẳng biết đổ lỗi vào đâu, thì cứ đổ lỗi cho các bà mẹ.
Phương pháp luận của mẹ Do Thái
1. Cho phép con truy vấn bạn và thầy cô giáo bằng một thái độ tôn trọng. Mọi sự thô lỗ đều không thể bào chữa. Truy vấn khác với tỏ ra phách lối. Chẳng ai thích một kẻ khó chịu hay cằn nhằn, cáu kỉnh không màng tới tri thức mà chỉ muốn phá đám. Đó chắc chắn không phải là truy vấn.
2. Bản sắc văn hóa không phải là một tảng đá nguyên khối; hãy dạy con rằng bản sắc văn hóa là muôn màu muôn vẻ. Cá nhân tôi cũng mới chỉ đang bắt đầu khám phá kho truyền thống khổng lồ của người Do Thái. Một đồng nghiệp cùng làm với tôi ở tạp chí Do Thái Tablet từng phải “bó tay” khi biết trước đó tôi chưa bao giờ ăn món làm từ trứng rim trong nước sốt cà chua của người Do Thái Sephardic ở vùng Trung Đông. Gần cơ quan tôi có một chiếc “Xe tải Shuka”, thế là hai chúng tôi đã tới đó để khám phá món ăn chính trong ẩm thực của người Ả-rập gốc Israel ngon hết sảy này. Tôi biết mình còn phải học hỏi nhiều về âm nhạc, lịch sử và nghệ thuật Do Thái. Luôn tìm tòi và học hỏi từ văn hóa dân tộc là một cách để dạy con về sự hiếu học và giúp chúng hiểu rằng thế giới này là muôn hình vạn trạng, còn bạn, trung tâm quyền lực trong cuộc sống của chúng lại không phải là người tường tận mọi điều.
3. Đừng đọc quá nhiều sách làm cha mẹ. (Nhưng đừng bỏ qua cuốn sách hay ho này nhé). Nhìn chung, hãy là một người biết hoài nghi. Trong bất kỳ việc gì, từ nuôi dạy con cái tới đọc sách để giải khuây hay thái hành, tất cả những người nói với bạn rằng chỉ có một cách đúng đắn duy nhất, thì đều là những người không đáng tin cậy. Khi cách nuôi dạy con của bạn bị ai đó nạt nộ trực diện hoặc gián tiếp qua sách vở, hãy ghi nhớ câu này: “Anh (cô) ta đâu phải sếp của mình!”
4. Suy ngẫm về cách cân bằng giữa bản sắc nhóm và sự đa dạng. Bạn cần dạy con về những di sản riêng mà chúng được thừa hưởng, chẳng hạn với người Do Thái thì đó là những thành tựu, sự đồng cảm, những hành động tốt, khiếu hài hước và những phẩm chất của một người tử tế. Song bên cạnh đó, bạn cũng cần cho chúng thấy những tấm gương về đạo đức, chủ nghĩa anh hùng, tư duy độc lập và đứng lên chống lại bất công. Hãy khai thác từ tất cả các nguồn có thể, từ văn học hay các bài học đạo đức... và nhớ luôn làm tấm gương cho trẻ noi theo.