Từ geek (người lập dị) bắt nguồn từ từ gecko, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ngốc nghếch”. Trong thế kỷ 18 và 19, “geek” là một nhân vật kỳ quặc trong các buổi biểu diễn xiếc vì anh ta ăn sống đầu con gà. Ngược lại, từ nerd (cũng mang nghĩa tương tự) lại là một từ có nguồn gốc hiện đại được tiến sĩ Seuss phát minh để sử dụng cho cuốn sách If I Ran the Zoo (Tạm dịch: Nếu tôi điều hành sở thú) của ông vào năm 1950.
Ngày nay, ý niệm về sự lập dị đang được cải tiến và phục hồi lại. (Nói về sự cải tiến trong nghĩa của từ, thì sự biến đổi về nghĩa của từ “geek” vẫn chưa là gì so với từ “queer”. Đầu tiên từ này được dùng để tỏ ý khinh miệt khi ám chỉ những người đồng tính, rồi sau đó lại biến thành một từ chỉ sự tự hào về nhân dạng của bản thân.) Xin được trích một câu của Jim MacQuarrie, họa sĩ truyện tranh, nhà thiết kế, nhà văn, huấn luyện viên bắn cung và cộng tác viên của trang blog GeekDad (Tạm dịch: Người cha lập dị): “Người lập dị nghĩa là luôn tập trung vào tâm huyết của bản thân, mà không cần lo lắng xem mọi người xung quanh đánh giá thế nào về chúng. Nếu bạn thích một thứ gì đó đến độ chỉ cần nghe thấy ai đó nhắc tới nó bằng giọng điệu xem thường là toàn bộ thực thể của bạn đã rực sáng như chiếc đèn halogen. Nếu bạn lập tức cảm thấy muốn làm bạn với một người nào đó chỉ vì nghe thấy họ trìu mến nhắc đến cuốn sách hay trò chơi mà bạn yêu thích của mình; hay từng bật nảy khỏi chiếc ghế vì quá phấn khích với những gì vừa học được tới độ muốn bùng nổ, thì khi đó bạn chính là một người lập dị.” Người “lập dị” tức là tự tìm tòi và khám phá niềm đam mê của riêng mình và cho phép chúng ám ảnh, ngay cả khi sự ám ảnh ấy bị người khác đánh giá chẳng mấy hay ho. Bạn biết gì không? “Hay ho” chỉ là một lời nói dối. Khi cứ phải cố tỏ ra hay ho, bạn sẽ luôn phải chạy theo một điều gì đó, tâm bạn sẽ mãi mãi bất định, và bạn vĩnh viễn phải sống trong trạng thái sợ lỡ mất điều hay. Trong lịch sử, người Do Thái vẫn bị coi là tẻ nhạt. Chúng ta là những schmuck, nebbish, nudnik, schmoe, schmendrik, schlemiel, schlemazl. Tất cả những từ Do Thái này đều có nghĩa là “chán phèo”... dù cũng giống như các từ “nerd” và “geek”, sắc thái chính xác của từng từ có khác nhau một chút. Ấy vậy nhưng chính sự chán phèo ấy lại là đức tính vô cùng hữu dụng với chúng ta. Các bà mẹ Do Thái từ trước tới nay vẫn luôn khích lệ những sở thích của con cái họ, mà không cần quan tâm xem chúng có được những người xung quanh để mắt đến hay không. Sự phổ biến và đồng nhất không phải là mối bận tâm của chúng ta. Thế mạnh của chúng ta nằm ở việc truyền cho con niềm cảm hứng đối với tri thức.
Chúng ta muốn trẻ cần cù và nỗ lực khi tìm hiểu những sở thích của bản thân. Trẻ phải luôn hiếu kỳ và suy ngẫm, luôn tìm kiếm những thử thách và thực hiện công việc vì lợi ích từ bản thân công việc ấy, chứ không phải để khoe tài giỏi, đó là những kỳ vọng mà chúng ta cần truyền đạt tới chúng. Vậy thì đừng làm hộ con bài tập về nhà, đừng viết hộ chúng những bài luận đại học và để chúng tự làm và tự gánh chịu mọi hậu quả. Như Ralph Waldo Emerson từng nói: “Tính cách quan trọng hơn trí tuệ.” Tôi sắp đưa ra một lời khuyên có thể làm bạn sốc đây: Hãy giúp con tìm kiếm đam mê và nên tập trung giúp con nuôi dưỡng niềm đam mê ấy, chứ đừng quan tâm tới bài tập về nhà hoặc điểm kiểm tra của chúng. Tôi tin rằng, tính kỷ luật mà tôi đã phân tích ở phần trước khi được vận dụng vào những công việc mà đứa trẻ thực sự quan tâm sẽ tạo cho trẻ lòng tự trọng. Nội dung này sẽ được trình bày ở phần sau.
Từ lâu người Do Thái vẫn nổi tiếng là thông minh, nhưng tôi cho rằng tinh thần nỗ lực làm việc mới là tố chất thực sự của chúng ta. Trong cuốn sách Jewish Jocks (Tạm dịch: Những tay thể thao cừ khôi người Do Thái) mà tôi đồng biên tập với Marc Tracy (một đồng nghiệp cũ của tôi ở tờ Tablet) có một nhận định rất lý thú, đó là ngay cả trong quãng thời gian người Do Thái chơi thể thao chuyên nghiệp, họ luôn được coi là bộ não của toàn đội. Liệu họ có thực sự thông minh hơn những người khác không? Ai mà biết được. Nhưng họ thực sự đã luyện tập cật lực và xây dựng chiến thuật khi chơi. Các vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp người Do Thái hối hả chạy chen vào giữa, rồi vượt qua đối thủ thật chính xác, sau đó thực hiện những cú ném ngoài không chệch đi đâu được. So với các vận động viên khác, họ thường có thể hình thấp bé hơn, nên sẽ chẳng thể làm nên trò trống nếu cứ cố chen vào giữa đám khuỷu tay và vai kia. Còn các vận động viên bóng đá người Do Thái là những bậc thầy trong lối tư duy giả định. Cầu thủ Sid Luckman, một người con của Brooklyn, một tiền vệ ngôi sao của đội Chicago Bears những năm 1940, đã từ chối vô khối học bổng vận động viên để theo học tại Đại học Columbia và tự chi trả toàn bộ học phí cho đến khi được đội Chicago Bears trả hộ với danh nghĩa được cử đi học. Ông được biết đến với cái tên “tiền vệ tạo hình chữ T vĩ đại đầu tiên” và từng dành hàng giờ mỗi đêm để ghi nhớ lối chơi và các tình huống. Chiến thuật tạo hình chữ T của ông đã khiến cục diện trận đấu thay đổi hoàn toàn. Hiện nay ông vẫn sở hữu rất nhiều kỷ lục của đội Bears.
Còn với các bà mẹ Do Thái, bí mật nằm ở chỗ họ đã khuyến khích con phát triển những nét tính cách vẫn được cha ông chúng ta ca ngợi qua bao thế hệ: đạo đức, nỗ lực lao động, trung thực và cống hiến cho cộng đồng. Tức là trong công cuộc làm cha mẹ, thay vì “bốc” con lên tận mây xanh, hãy tập trung hỗ trợ con nuôi dưỡng cảm xúc tích cực về bản thân bằng cách khích lệ con biết cố gắng hết mình và giúp con tương trợ mọi người xung quanh. Đừng khen con thông minh mà hãy giúp con xác định và phát triển những sở thích đặc biệt, đó mới là cách giúp con cảm nhận rõ về trí tuệ của bản thân.
Như tôi đã nói ở phần trước, chúng ta lúc nào cũng quá lo lắng không biết liệu con mình có cảm thấy hạnh phúc hay không. Hãy dừng ngay kiểu nói và thậm chí cả lối nghĩ: “Điều quan trọng nhất là ngay lúc này chúng đang hạnh phúc”. Nếu cứ quá bận tâm về việc phải khiến con hạnh phúc trong từng giây từng phút, chúng ta sẽ không dành đủ tâm sức cho việc hỗ trợ con phát triển những kỹ năng, để có một cuộc sống viên mãn trong suốt phần đời còn lại.