Chúa đã không tạo ra sự nghèo khó. Chính chúng ta tạo ra nó.
- MẸ TERESA
Nghèo khó không chỉ là đói ăn, mà còn hơn thế nữa, đó còn là sự khao khát mãnh liệt về phẩm giá con người. Chúng ta cần yêu thương và trở thành người sống vì kẻ khác. Không chỉ chúng ta từ chối người nghèo một chút đồ ăn, mà với suy nghĩ rằng họ không xứng đáng, và với hành động bỏ mặc họ ngoài đường, chúng ta đã từ chối phẩm giá con người của họ - phần phẩm giá mà đáng ra phải được đối xử bình đẳng như với một đứa con của Chúa.
Thế giới ngày nay thật đói khát, không chỉ là đói khát đồ ăn thức uống mà còn đói khát tình yêu, khao khát được cần đến và được thương yêu. Không một đất nước nào mà lại không có người nghèo khó. Ở một số châu lục, sự nghèo khó nghiêng về tinh thần hơn là vật chất. Đó là cảm giác cô đơn, thất vọng, buồn phiền, mất niềm tin vào cuộc sống. Tôi từng thấy ở ngay trung tâm hoa lệ của châu Âu và Mỹ, có những con người đói rách phải ngủ vất vưởng trên tờ báo rách, trên mớ rác rưởi ngoài đường. Dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đó ở London, Madrid, Rome... Thật dễ dàng khi nghĩ đến, khi quan tâm đến những người nghèo ở cách xa ta. Nhưng có lẽ sẽ khó khăn và thách thức hơn nhiều để chuyển sự chú ý đến những người nghèo sống ngay bên cạnh nhà ta.
Khi bắt gặp một người đói khát trên đường phố, chỉ cần cho họ đồ ăn là có thể thỏa mãn cơn đói của họ. Nhưng với một người bị ruồng bỏ, cảm thấy xã hội không cần đến mình, không được yêu thương và luôn khiếp sợ, thì sẽ khó khăn biết nhường nào để xoa dịu những đau đớn đó?
Ở phương Tây, bạn gặp những người nghèo về tinh thần nhiều hơn là người nghèo về vật chất. Thường thì những người dư dả tiền bạc, của cải lại là những người rất nghèo về tinh thần. Tôi thấy thật dễ dàng để cho người đói một chén cơm, cho người vô gia cư một nơi yên ấm, nhưng phải mất nhiều thời gian mới có thể an ủi và làm vơi đi nỗi đắng cay, giận dữ, cô độc do sự túng quẫn về tinh thần.
Từ khắp nơi trên thế giới, nhiều thanh niên đang đổ về Ấn Độ để chăm lo cho những mảnh đời cùng quẫn – những người nghèo khó hơn chúng ta. Họ được dẫn dắt bởi khát vọng được thoát ra khỏi môi trường vật chất. Họ chính là tấm gương sống cho tinh thần nghèo khó mà Chúa Jesus đã dạy ta. Nhưng hiểu được tinh thần của cảnh bần cùng chưa đủ, mà bạn cần phải hiểu chính bản thân sự bần cùng ấy.
Sự giàu có, cả về vật chất lẫn tinh thần, sẽ bóp nghẹt bạn nếu bạn không sử dụng chúng đúng cách. Ngay cả Chúa cũng không thể đặt thêm điều gì vào một trái tim đã đầy ắp. Nỗi khao khát tiền bạc và tất cả mọi thứ mà tiền có thể mang lại: những đồ xa hoa thừa thãi, ăn mặc xa xỉ, vật dụng tiêu dùng,… sẽ tăng lên hàng ngày, vì thứ này lại đòi hỏi thứ khác, dẫn đến cảm giác không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Chúng ta hãy để mình trống rỗng càng nhiều càng tốt để Chúa có thể đổ đầy chúng ta.
Thiên Chúa đem lại cho chúng ta một tấm gương sống: Từ những ngày đầu bước vào cuộc sống con người, Ngài đã được nuôi dưỡng trong sự nghèo khó - cái nghèo khó mà có thể chưa một người nào từng trải qua, bởi một lẽ rất đơn giản: “Sự giàu có tình thương đã khiến Ngài làm cho bản thân mình nên nghèo khó”. Và Chúa Jesus đã trở nên giàu có khi làm cho bản thân Ngài không có gì.
Trên cây thánh giá, Chúa Jesus hoàn toàn không có gì cả. Chính Pilate(*) đã mang cây thánh giá đến cho Ngài, chính bọn lính đã đóng đinh Ngài và đội trên đầu Ngài vương miện vòng gai. Ngài đã phải trần trụi. Khi chết, Ngài được bọc trong một tấm vải bạt mà một người nhân đức đem cho, được chôn trong một ngôi mộ không thuộc về Ngài. Tại sao Ngài làm tất cả những điều đó, khi Ngài vẫn có thể chết như một vị vua? Chúa Jesus chọn sự nghèo khó vì Ngài biết rằng đó chính là cách để biểu lộ tình yêu thương của Ngài.
(*) Pontius Pilate là vị quan tổng trấn đã ra lệnh đóng đinh Chúa Jesus trên cây thánh giá. Theo Kinh thánh thì Pilate muốn thả Chúa Jesus nhưng dưới sức ép của đám thượng tế, ông buộc phải cho hành trình Ngài.
Nghèo khó là tự do. Đó là sự tự do để những gì tôi có được không làm chủ tôi, không khống chế tôi, và để của cải của tôi không cản trở tôi chia sẻ hay cho đi bản thân mình.
Trong lịch sử đã có những trường hợp một số tôn giáo bắt đầu là phục vụ người nghèo, rồi sau đó dần dần hướng tới phục vụ người giàu. Nhưng chúng ta không như vậy. Chúng ta biết rằng để hiểu và giúp đỡ những người thiếu thốn mọi thứ, chúng ta phải sống như họ. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ những người chúng ta giúp đỡ là những người nghèo vì tình thế bắt buộc, còn chúng ta là những người nghèo do lựa chọn.
Cách đây vài tuần, tôi bắt gặp một đứa trẻ lang thang bên đường. Trên khuôn mặt của cô bé, tôi có thể thấy hiện lên vẻ đói khát. Tôi không biết được đã bao nhiêu ngày rồi em không được ăn. Lòng đầy xót thương, tôi cho em một ít bánh mì. Cô bé ấy đón nhận miếng bánh, bẻ từng miếng nhỏ và bắt đầu ăn. Tôi nói với em: “Cứ ăn đi con. Con đang đói mà”. Cô bé nhìn tôi và nói: “Con sợ khi bánh mì hết, con lại bị đói”.
Chúng ta không có quyền phán xét người giàu. Về phần mình, điều chúng ta cần làm không phải là đấu tranh giai cấp mà là hòa hợp giai cấp, trong đó người giàu sẽ cứu vớt người nghèo, và người nghèo sẽ cứu rỗi người giàu.
Với Chúa, sự nghèo khó của chúng ta chính là sự thừa nhận khiêm nhường về lỗi lầm, sự tầm thường, công nhận sự túng thiếu của chúng ta trước Chúa. Sự nghèo khó của chúng ta nên là sự nghèo khó theo chân lý trong sách Phúc âm: dịu dàng, âu yếm, vui mừng, cởi mở, luôn sẵn sàng bày tỏ tình yêu. Nghèo khó là tình yêu trước khi nó là sự hy sinh. Để yêu thương, cần phải ban tặng. Để ban tặng, cần phải từ bỏ lòng ích kỷ.
Nghèo khó là điều cần thiết vì chúng tôi đang làm việc với người nghèo. Khi họ than phiền về miếng ăn, tôi có thể nói với họ rằng chúng tôi cũng ăn như vậy. Khi họ nói: “Ban đêm quá nóng nên chúng tôi không ngủ được”, tôi có thể đáp lại: “Chúng tôi cũng thấy nóng”. Người nghèo phải tự giặt giũ lấy, phải đi chân không, chúng tôi cũng phải vậy. Chúng tôi đi cùng họ và nâng đỡ họ. Trái tim của người nghèo cảm thấy được an ủi, được sẻ chia khi chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi sống giống như họ. Đôi khi họ chỉ có một thùng nước để dùng. Tôi cũng vậy. Cơm ăn, áo mặc, tất cả mọi thứ của chúng tôi đều giống như của người nghèo. Chúng tôi không ăn chay. Sự ăn chay của chúng tôi là ăn những thứ chúng tôi có được.
Cuộc sống của chúng ta, để đơm hoa kết trái, phải ngập tràn hình ảnh của Chúa Jesus. Để có thể mang đến cho mọi người sự an bình, niềm vui và tình yêu của Ngài, tự chúng ta phải có điều đó, vì chúng ta không thể cho đi thứ mà chúng ta không có. Chúng tôi rèn luyện nếp sống thanh bạch khi chúng tôi cố vá áo quần nhanh và đẹp. Mặc quần áo vá không phải là một điều đáng hổ thẹn. Chính Thánh Francis Assisi đã nói rằng khi ngài chết, quần áo của ngài vá víu nhiều đến nỗi vải gốc đã không còn nữa.
Sách Phúc âm nhắc chúng ta nhớ rằng trước khi Chúa Jesus giảng dạy, Ngài cảm thấy xót thương đám đông đã theo sau Ngài. Đôi khi cảm giác đó nhiều đến mức khiến Ngài quên cả ăn uống. Ngài đã đưa lòng trắc ẩn của mình vào thực tế như thế nào? Ngài đã hóa thật nhiều bánh và cá để thỏa mãn cơn đói của họ. Ngài đã cho họ ăn cho tới khi họ không thể ăn thêm được nữa mà bỏ lại cả mười hai thúng thức ăn thừa(*). Rồi Ngài dạy họ. Ngài đã nói với họ về Tin Mừng. Đó cũng là những gì chúng tôi thường làm trong công việc của mình: Trước hết, chúng tôi đáp ứng nhu cầu của cơ thể, nhờ đó chúng tôi có thể mang Chúa đến với người nghèo.
(*) Theo Kinh Thánh, khi Chúa Jesus đi sang bên kia biển hồ Galilee, có đám đông dân chúng đi theo Ngài. Ngài bảo các môn đệ cho dân chúng ăn. Một môn đệ cho Chúa Jesus biết: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng ngần ấy người thì thấm vào đâu". Chúa Jesus bảo môn đệ cho mọi người ngồi trên cỏ. Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi bẻ bánh và cá phát cho dân chúng ăn. Khi mọi người đã no nê. Chúa Jesus truyền cho các môn đệ thu lại phần thức ăn thừa. Số thức ăn thừa đó chất 12 thúng đầy. Dân chúng thấy phép lạ Chúa Jesus làm bèn nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!". Đây là diễn từ về Bánh Hằng Sống trong Kinh thánh Tân ước.
Chúa Jesus cho tôi cơ hội cho Ngài ăn bằng cách cho những người đói khát ăn, cơ hội mặc cho Ngài bằng cách mặc cho những người trần trụi, cơ hội chữa cho Ngài bằng cách chăm sóc những người bệnh, và cơ hội cho Ngài nơi cư trú bằng cách cung cấp chỗ ở cho những người vô gia cư và bị ruồng bỏ.
Tôi vẫn còn nhớ một hôm tôi bắt gặp một người phụ nữ bên đường. Bà trông đói khát đến mức tôi nghĩ rằng bà sắp chết đói. Tôi mang cho bà một dĩa cơm. Bà nhìn chằm chằm vào nó một lúc lâu mà vẫn không chạm tay đến. Tôi cố thuyết phục bà ăn. Rồi bà nói thật giản dị: “Tôi không thể tin được đó là cơm. Đã lâu lắm rồi tôi chẳng có hạt cơm nào trong bụng”. Bà không lên án ai cả. Bà không oán trách người giàu. Bà không thốt lên những lời cay đắng. Chỉ đơn giản là bà ấy không thể tin rằng đó là cơm.
Chúng ta biết nghèo khó nghĩa là gì, và chúng ta luôn sợ hãi nó. Đó là đói ăn, là thiếu mặc, là không có một mái nhà để nương thân. Nhưng còn có một loại nghèo khó ghê gớm hơn vậy nữa. Đó là bị ruồng bỏ, không được yêu thương, bị bỏ bê. Sự nghèo đói ấy là khi không có ai đoái hoài đến bạn.
Chúng ta có biết những người nghèo quanh chúng ta không? Chúng ta có biết người nghèo ngay trong nhà ta, trong gia đình ta? Có thể họ không đói ăn. Có thể con cái, chồng vợ chúng ta không đói, không trần trụi, không bần cùng, nhưng chúng ta có chắc là không ai trong số họ cảm thấy đơn độc và thiếu thốn tình thương? Hãy nghĩ xem giờ này cha mẹ, ông bà bạn đang ở đâu, đang cảm thấy thế nào? Bị ruồng bỏ quả là một sự khốn cùng khủng khiếp.
Có những người cô đơn quanh bạn trong bệnh viện và các trại tâm thần. Có quá nhiều người không nhà cửa! Ở New York, các chị em nữ tu của chúng tôi làm việc giữa những người nghèo đang hấp hối. Thật đau lòng làm sao khi nhìn thấy họ vật vã trong sự cô đơn, khốn đốn trong cảm giác lạnh lẽo! Họ chỉ được nhận biết qua địa chỉ đường phố của họ. Nhưng họ đều đã từng là con cái của ai đó, hoặc đã từng là cha mẹ của ai đó. Đã từng có ai đó yêu thương họ. Họ cũng đã từng yêu thương người khác trong cuộc đời mình. Nhưng giờ đây họ chỉ còn một mình, hoàn toàn cô đơn trong cuộc sống này!
Hãy nhận biết người nghèo nhất trong những người nghèo quanh bạn, nơi xóm giềng, thị trấn, thành phố, và có thể là trong gia đình riêng của bạn. Khi nhận biết họ rồi, bạn sẽ yêu thương họ. Và tình yêu ấy sẽ thúc giục bạn phục vụ họ. Rồi bạn sẽ bắt đầu hành động như Chúa Jesus, sẽ sống trọn vẹn theo sách Phúc âm. Hãy đem bản thân bạn ra phục vụ người nghèo. Hãy mở trái tim để yêu thương họ. Hãy là nhân chứng sống cho lòng nhân từ của Chúa.
Người nghèo không cần lòng trắc ẩn hay sự thương hại của chúng ta. Họ cần chúng ta giúp đỡ.
Người nghèo là những người tuyệt vời. Họ có thể cho chúng ta còn nhiều hơn những gì chúng ta cho họ. Họ có chân giá trị của riêng mình. Thông thường, người nghèo không được biết đến, và vì thế người ta không có cơ hội khám phá ra phẩm giá của họ. Nhưng trên hết, người nghèo có lòng can đảm tuyệt vời để dẫn dắt cuộc sống. Họ bị ép buộc sống như vậy, sự nghèo đói đã được áp đặt lên họ. Chúng ta chọn nghèo khó, còn họ buộc phải chấp nhận nó.
Chúa Jesus đã chọn cách sống trong thân phận một người bị khinh chê, thiếu thốn và nghèo khó trên thế gian này, để những ai sống trong cảnh khốn cùng được trở nên giàu có trong Ngài qua việc sở hữu Nước Trời. Ta hãy hân hoan và vui mừng.
- THÁNH CLARE ASSISI
Giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa các con như một người phục vụ.
- CHÚA JESUS NÓI VỚI MÔN ĐỆ (LUKE 22;27)