Mọi con người đều đến từ bàn tay của Chúa, và tất cả cũng đều biết đôi điều về tình yêu bao la của Ngài. Dù theo tôn giáo nào, chúng ta cũng nên biết rằng nếu ta thực sự muốn yêu thương, trước tiên ta phải biết cách tha thứ.
- MẸ TERESA
… xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.
- CHÚA JESUS, KINH “LẠY CHA” – (MATTHEW 6;12)
Ở New York, chúng tôi mở một ngôi nhà dành cho bệnh nhân AIDS – những người đã trở thành đối tượng bị ruồng bỏ nhiều nhất trong cuộc sống ngày nay. Chỉ cần việc một vài chị em nữ tu chúng tôi bỏ công chăm sóc và đem lại cho họ một mái nhà, cuộc sống của họ đã hoàn toàn khác trước. Đây có lẽ là nơi duy nhất họ cảm thấy được yêu thương, một nơi mà họ trở nên có ý nghĩa với người khác. Điều đó đã thay đổi cuộc sống của họ theo cách họ sẽ ra đi với một cái chết thật đẹp. Không ai trong số họ phải chết trong buồn khổ.
Một ngày nọ, một nữ tu gọi tôi lại bảo rằng có một người đàn ông trẻ đang hấp hối nhưng thật kỳ lạ là anh ta không thể chết. Tôi vội lại gần và hỏi anh ta: “Có điều gì bất ổn chăng?”. Anh trả lời: “Xơ ơi, tôi không thể nào chết được chừng nào tôi còn chưa cầu xin cha tôi tha thứ”. Vị nữ tu vội vã tìm đến nhà cha anh ta ở và gọi ông ấy. Điều kỳ diệu đã xảy khi người cha ôm con trai mình vào lòng và khóc: “Con trai! Con trai yêu quý của cha!”. Người con trai ấy cầu xin cha: “Cha ơi, xin hãy tha thứ cho con!”. Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau thật lâu. Vài giờ sau, người thanh niên từ giã cõi đời.
Khi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ lầm lỗi, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Chúng ta tha thứ để có thể được tha thứ.
Xưng tội là hành động đẹp đẽ của một tình yêu cao cả. Chỉ khi xưng tội, chúng ta mới có thể đến với Chúa như một tội nhân và trở về trong thanh thản và bình an.
Xưng tội - điều này không là gì khác hơn ngoài sự khiêm nhường trong hành động. Chúng ta vẫn thường cho rằng xưng tội thể hiện sự sám hối, nhưng thực sự nó còn cao cả hơn thế - là ơn phước của tình yêu, của sự tha thứ. Khi có một khoảng cách chia lìa tôi với Chúa Jesus, khi sợi dây liên kết thiêng liêng giữa tôi và Ngài bỗng trở nên mong manh vì một lý do nào đó, thì xưng tội trở thành một sự cứu rỗi. Nó hàn gắn tôi với Thiên Chúa, để tôi được trở lại làm con của Ngài.
Để xưng tội, trước hết chúng ta cần phải nhận thức được lỗi lầm của mình. Có rất nhiều người quên đi, hay chẳng bao giờ thừa nhận mình là người có lỗi. Nhưng tiếc thay, cuộc sống của con người chúng ta chẳng bao giờ hoàn mỹ hay toàn vẹn tuyệt đối. Chúng ta phải đến với Chúa để nói rằng chúng ta rất tiếc về những việc có thể đã tổn thương đến Ngài.
Phòng xưng tội không phải là nơi dành cho những cuộc tán gẫu và chuyện trò vô bổ. Chúng ta đến đó để suy ngẫm về lời ăn, tiếng nói của mình, về những lỗi lầm, nỗi đau buồn, sự tha thứ, cách vượt qua cám dỗ, cách rèn luyện đạo đức, và cách gia tăng tình yêu với Chúa.
Sám hối là điều hoàn toàn cần thiết để chúng ta có thể sống tốt hơn. Không gì có sức mạnh lớn hơn để kiềm chế sự đam mê hỗn loạn của một con người và hướng những khao khát tự nhiên đi đúng hướng. Thông qua sự ăn năn sám hối, chúng ta có được niềm vui lớn hơn mọi khoái lạc trên trái đất này.
Sự sám hối của chúng ta là một hành động thể hiện tình yêu hoàn hảo của Chúa, của con người và toàn vũ trụ. Nó đem lại cho chúng ta niềm hân hoan cùng Chúa Jesus, niềm khao khát được lạc mất trong Ngài, để không điều gì còn lại trong chúng ta trừ Chúa với vầng hào quang rực rỡ kéo mọi người về với Chúa Cha.
Một ngày nọ, một nhà báo đã hỏi tôi một câu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng: “Ngay cả Mẹ mà cũng phải đi xưng tội sao?”. Tôi trả lời: “Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội mỗi tuần”. Tỏ ra rất ngạc nhiên, anh ta nói: “Chúa hẳn phải khắt khe lắm bởi đến Mẹ mà cũng phải đi xưng tội”. Tôi hỏi lại: “Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm những điều sai. Vậy anh nghĩ gì nếu một ngày, con anh đến gặp anh và nói: ‘Cha ơi, con xin lỗi’? Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đứa nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? Vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm như vậy. Ngài yêu tôi thật dịu dàng”. Ngay cả khi phạm phải điều lầm lỗi, chúng ta hãy cho phép mình đến gần hơn với Chúa. Chúng ta hãy nói với Ngài: “Con biết lỗi lầm làm con xa Cha, con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con vẫn cầu xin được Cha tha thứ!”.
Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm, hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi. Con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta.
Khiêm nhường - đó là khi ta can đảm nhìn nhận lỗi lầm và đón nhận sự tha thứ của Chúa. Tâm hồn chúng ta phải như một thấu kính pha lê trong suốt để có thể nhìn nhận Chúa qua đó.
Pha lê - trong trẻo và sáng ngời đến nhường ấy - vậy mà đôi khi vẫn bị bụi bám làm cho hoen ố và dơ bẩn. Để gột rửa, chúng ta phải xem xét lương tâm mình nhằm có được một trái tim trong sạch. Chúa sẽ giúp chúng ta gột rửa lớp bụi đó, miễn là chúng ta để cho Ngài làm. Nếu đó là ước nguyện của chúng ta, Chúa sẽ chẳng từ nan.
Một cuộc suy xét lại bản thân mình chính là tấm gương trung thực nhất phản chiếu những lỗi lầm. Nếu chúng ta thực hiện điều này với sự khiêm nhường và lòng thành, chúng ta sẽ nhận ra rằng đôi khi những vật cản khiến ta sẩy chân vấp ngã lại chính là bàn đạp đưa ta tiến lên cao hơn. Nhận thức được lỗi lầm của mình chính là bước đầu tiên trên con đường hoàn thiện bản thân.
Để xưng tội, chúng ta cần nhận rõ mình đã làm sai điều gì. Đó cũng chính là lý do tại sao các vị thánh có thể nói rằng họ là những tội nhân xấu xa. Họ thấy Chúa, và khi nhìn lại mình, họ thấy họ thật khác biệt với sự cao cả không tì vết của Ngài.
Hiểu biết về bản thân sẽ giúp chúng ta cải thiện mình, trong khi lỗi lầm và sự yếu hèn chỉ dẫn đến sự ngã lòng mà thôi. Những người hiểu rõ mình, biết được những điểm yếu, điểm mạnh của mình chính là những người thành thật, sâu sắc và chân thành nhất.
Sự hòa giải bắt đầu bằng bản thân chúng ta. Nó bắt đầu với một trái tim thanh khiết, một trái tim có thể nhìn thấy Chúa nơi kẻ khác.
Trong bản điều lệ của Hội Truyền giáo Bác ái, chúng tôi có một đoạn dành riêng để nói lên sự dịu dàng của Chúa, cũng như nói lên tình bạn và tình yêu chân thành của Ngài. Để làm cho tình yêu ấy sống động hơn, chắc chắn hơn, dịu dàng hơn, Chúa Jesus đem đến cho chúng ta bí tích Thánh thể. Đó là lý do tại sao mọi nhà Truyền giáo Bác ái cần được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh thể để trở thành sứ giả thực sự cho tình yêu của Chúa. Ta phải sống với bí tích Thánh thể và để trái tim cùng cuộc sống đi cùng bí tích Thánh thể. Không nhà Truyền giáo Bác ái nào có thể trao ban Chúa Jesus cho người khác nếu họ không có Ngài trong trái tim mình.
Cuộc sống của chúng ta nối liền với bí tích Thánh thể. Thông qua niềm tin và tình yêu đối với cơ thể Chúa Jesus dưới hình hài chiếc bánh, chúng ta sống lại từng lời của Chúa: “Ta đói và các người đã cho ta ăn. Ta là khách lạ và các người đã tiếp rước, và ta trần truồng các người đã cho ta mặc”.
Bí tích Thánh thể gắn liền với cuộc thương khó của Chúa Jesus. Khi tôi trao bí tích Thánh thể, tôi thực sự cảm nhận rằng hai ngón tay tôi đang giữ mình Chúa. Ngài đã cho phép bẻ vụn bản thân mình ra để nuôi sống những đứa con lạc lối của Ngài.
Bí tích Thánh thể không chỉ có ý nghĩa là sự tiếp nhận, mà nó còn bao hàm cả việc thỏa mãn lòng khát khao của Chúa Jesus. Ngài nói: “Hãy đến với ta”. Ngài khao khát những tâm hồn trong sáng, những ý nghĩ hướng thiện, và Ngài đã làm mọi thứ có thể để chúng ta có được điều đó. Không nơi nào trong sách Phúc âm nói: “Hãy đi đi” mà luôn là: “Hãy đến với ta”. Hãy xin Chúa Jesus ở cùng bạn, làm việc cùng bạn để bạn có thể có Ngài bên cạnh mình hàng ngày.
Không ai có quyền chia rẽ bí tích Thánh thể với những người nghèo khó, những người tội lỗi hay ngược lại. Chúa đã thỏa mãn lòng khao khát của tôi về Ngài, và giờ đây tôi cố thỏa mãn lòng khao khát của Ngài về tâm hồn, về tình yêu.
Bí tích Thánh thể là phép bí tích của lời cầu nguyện, là suối nguồn và đỉnh cao trong cuộc đời của người Kitô hữu. Bí tích Thánh thể của chúng ta sẽ không trọn vẹn nếu không dẫn chúng ta đến việc phụng sự và yêu thương người nghèo.
Ai là người nghèo nhất trong những người nghèo? Khi nghe câu hỏi ấy, chúng ta đều mường tượng ra những người bị từ chối, không được yêu thương, không được chăm sóc, đói ăn, bị quên lãng, trần trụi, không nhà cửa, bị phong cùi, nghiện ngập. Nhưng chúng tôi – các nhà Truyền giáo Bác ái – cũng là người nghèo nhất trong những người nghèo. Để có thể làm việc, để có thể nhìn thấy, để có thể yêu thương, chúng tôi cần sự hòa hợp bí tích Thánh thể.
Khi nhớ ra rằng mỗi sáng tại buổi lễ, tôi đã nắm trong tay mình một phần cơ thể của Chúa, tôi cảm thấy sẵn sàng hơn để từ bỏ mọi thứ có thể làm vấy bẩn sự trong sạch của mình. Tôi thấy từ trong lòng mình tuôn chảy sự chân thành và kính trọng sâu sắc dành cho Thiên Chúa, cho mọi người, và cho cả cuộc đời.
Bí tích Thánh thể là sự hòa hợp mật thiết của Chúa Jesus với tâm hồn và thể xác của chúng ta. Nếu bạn thực sự muốn lớn lên trong tình yêu thương, hãy quay lại lễ bí tích Thánh thể với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy rửa sạch tội lỗi của con và tẩy sạch khỏi con mọi sai lầm”.
Chúa biến chính Ngài trở thành Bánh Hằng Sống. Ngài muốn trao bản thân Ngài cho chúng ta theo một cách rất đặc biệt, một cách đơn giản và rõ ràng, bởi vì thật khó để con người yêu thương Chúa nếu họ không thể nhìn thấy Ngài.
Nếu tội nhân xấu xa nhất trên thế gian này biết sám hối vào khoảnh khắc của cái chết, và trút hơi thở cuối cùng trong một hành động yêu thương, thì cho dù người ấy đã phản bội lòng tin của Cha cũng như đã phạm quá nhiều tội lỗi, thì Thiên Chúa chúng ta vẫn tiếp nhận tội nhân ấy vào lòng nhân từ của Ngài.
- THÁNH THERESE LISIEUX
Vậy, nếu khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.
- CHÚA JESUS, BÀI GIẢNG TRÊN NÚI “ĐỪNG GANH GHÉT” (MATTHEW 5;23-24)