Lời cầu nguyện có trong vạn vật và trong mọi hành động.
- Mẹ Teresa
Sao các con lại ngủ? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện...
Chúa Jesus nói với môn đệ (Luke 22;46)
Tôi không nghĩ rằng có ai đó lại cần sự giúp đỡ và ban ơn của Chúa nhiều như tôi. Trước Ngài, tôi luôn cảm thấy mình thật bé nhỏ và yếu ớt. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Chúa lại dùng đến tôi. Bởi vì tôi không thể dựa vào sức mạnh của chính mình, nên tôi dựa vào Ngài suốt hai mươi bốn giờ trong ngày. Nếu ngày dài hơn thế, tôi cũng sẽ cần Ngài thêm bằng ấy thời gian. Tất cả chúng ta phải liên kết với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện.
Bí quyết của tôi rất đơn giản: tôi cầu nguyện. Thông qua lời cầu nguyện, tôi trở thành một người yêu mến Chúa Jesus. Tôi nhận ra rằng cầu nguyện với Chúa là yêu mến Ngài.
Trong thực tế, chỉ có một lời cầu nguyện chân thật, chỉ có một lời cầu nguyện quan trọng: chính bản thân Chúa Jesus. Chỉ có một tiếng nói cất lên trên mặt đất: tiếng nói của Chúa Jesus. Lời nguyện cầu hoàn hảo không cần phải dài dòng, mà phải có niềm ước vọng mãnh liệt dâng trái tim mình lên Chúa.
Hãy yêu mến việc cầu nguyện. Hãy cảm nhận nhu cầu cầu nguyện nhiều lần trong ngày. Lời cầu nguyện sẽ giúp mở rộng trái tim cho đến khi nó có thể chứa trọn món quà của Chúa, đó là chính bản thân Ngài. Hãy không ngừng tìm kiếm, rồi trái tim của bạn sẽ đủ lớn để đón lấy Thiên Chúa và giữ Ngài như của riêng mình.
Rất nhiều khi những lời cầu nguyện của chúng ta rơi vào im lặng. Chúng ta không thể liên kết với Thiên Chúa vì cầu nguyện không đúng cách. Điều này khiến ta chán nản và muốn từ bỏ. Nhưng có một sự thật là, nếu bạn muốn cầu nguyện tốt hơn, bạn phải cầu nguyện nhiều hơn. Thiên Chúa cho phép thất bại song Ngài không chấp nhận sự nản chí. Ngài muốn chúng ta trong sáng như con trẻ, khiêm nhường hơn và biết ơn hơn trong lời cầu nguyện, để nhớ rằng tất cả chúng ta đều thuộc về cơ thể thần bí của Ngài.
Chúng ta cần giúp nhau trong những lời cầu nguyện. Chúng ta hãy giải thoát tâm trí. Đừng cầu nguyện dài dòng, hãy thì thầm cùng Thiên Chúa những câu ngắn nhưng tràn đầy tâm tình và yêu thương. Chúng ta hãy cầu nguyện thay cho những người không cầu nguyện. Hãy nhớ rằng, nếu chúng ta muốn yêu thương, chúng ta phải biết cách cầu nguyện!
Lời cầu nguyện đến từ tâm trí và trái tim được gọi là những lời cầu nguyện tâm linh. Đừng bao giờ quên rằng chúng ta hướng đến sự hoàn hảo và nên nhắm đến mục đích đó không ngừng. Việc rèn luyện cầu nguyện tâm linh hàng ngày là điều cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Bởi vì đó là hơi thở cuộc sống đối với tâm hồn chúng ta, và không thể có lòng mộ đạo mà không có nó.
Thánh John Vianney đã nói: “Khi cầu nguyện tâm linh, hãy nhắm mắt, ngậm miệng và mở rộng trái tim”. Khi cất lên lời cầu nguyện, chúng ta nói với Chúa. Còn khi cầu nguyện tâm linh, Ngài nói với chúng ta. Đó là lúc Chúa đổ đầy bản thân Ngài vào trong ta.
Lời cầu nguyện của chúng ta nên được cất lên từ trái tim rực lửa yêu thương. Khi cầu nguyện, hãy nói với Chúa bằng niềm tin và sự tôn kính lớn lao. Đừng tụt lại sau hay vượt lên trước, đừng la hét hay câm lặng, mà hãy tận tâm với một tình yêu ngọt ngào, với sự giản dị tự nhiên, không màu mè giả tạo. Hãy ngợi ca và chúc tụng Thiên Chúa bằng cả trái tim và tâm hồn của bạn.
Hãy để tình yêu của Chúa chiếm hữu trọn vẹn trái tim bạn dù chỉ một lần, và hãy để trái tim ấy không ngừng tăng thêm tình yêu cao cả của Ngài bằng một cuộc sống chừng mực tương xứng. Hãy để trái tim ấy biết khiêm nhường đón nhận mọi thử thách, mọi khó khăn xảy đến với tâm tình phó thác, với quyết tâm vững chắc giữ vững bản thân để không bao giờ chủ ý phạm lỗi lầm. Nếu vấp ngã, hãy biết đứng lên trở lại. Một trái tim như vậy sẽ luôn luôn cầu nguyện.
Hãy chân thành khi cầu nguyện. Sự chân thành là hiện thân của lòng khiêm nhường, và bạn chỉ có được lòng khiêm nhường khi chấp nhận địa vị khiêm tốn. Tất cả những gì bạn đã được đọc, được nghe nói về lòng khiêm nhường không đủ để dạy bạn đức tính đó. Bạn chỉ học được nó khi chịu chấp nhận vị thế bé mọn. Sự khiêm nhường cao quý nhất là khi ta nhận thức rằng mình không là gì cả. Ta chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi giữa thế giới rộng lớn này, một hạt bụi được Thiên Chúa gìn giữ bằng tình yêu.
Thật khó cầu nguyện cho hợp ý Chúa nếu bạn không biết cách. Phương cách đầu tiên, đó là sự im lặng. Chúng ta không thể trực tiếp đặt bản thân mình vào sự hiện diện của Chúa nếu chúng ta không thể rèn luyện sự tĩnh lặng nội tâm và bên ngoài.
Tĩnh lặng nội tâm rất khó, nhưng chúng ta phải cố gắng. Trong thinh lặng, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn sinh lực mới và sự hòa hợp thực sự. Nhờ đó, sức mạnh của Chúa mới thấm nhuần trong tâm trí của chúng ta, trở thành sức mạnh để chúng ta có thể làm tốt mọi việc. Sự thinh lặng sẽ hợp nhất suy nghĩ của chúng ta với suy nghĩ của Chúa, hòa hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa. Sự hòa hợp chính là quả ngọt của cầu nguyện, sự khiêm nhường và tình yêu.
Sự tĩnh lặng cho chúng ta cách nhìn mới về mọi thứ. Chúng ta cần tĩnh lặng để có thể chạm đến những thứ thuộc về phần hồn. Khi lắng nghe lời của Chúa trong sự yên lặng của trái tim, thì ta sẽ ngập đầy ơn thánh. Nếu thực sự muốn gần gũi Thiên Chúa, chúng ta phải sẵn sàng cầu nguyện ngay bây giờ.
Đây là những gì chúng ta phải học ngay từ đầu: lắng nghe tiếng nói của Chúa trong tim mình, để rồi trong sự tĩnh lặng của tâm hồn ta, Chúa cất lên tiếng nói. Và rồi, từ sự viên mãn của trái tim đó, miệng ta cũng sẽ cất lên lời ca. Đây là sự liên kết thần diệu của Thiên Chúa với các con chiên của Ngài. Nhưng hãy nhớ rằng trước khi nói, chúng ta cần phải biết lắng nghe.
Trong mọi thời đại và ở mọi tôn giáo, sự thiền định và khổ hạnh đều nhằm tìm kiếm Thượng Đế. Thượng Đế không ở trong chốn giàu sang, cũng không ở trong nơi phồn hoa, đô hội. Ngài tồn tại trong tĩnh lặng và hiu quạnh của hoang mạc, rừng núi. Bản thân Chúa Jesus cũng vậy. Ngài đã trải qua bốn mươi ngày ở chốn hoang mạc khô cằn, sống hàng giờ cùng Chúa Cha(*) trong bóng đêm tĩnh lặng.
(*) Chúa Cha là Thiên Chúa - Đấng sáng tạo vũ trụ và nhân loại. Chúa Con là Đức Jesus - Đấng cứu độ. Theo màu nhiệm Ba ngôi của giáo hội Công giáo, Thiên Chúa hiện hữu trong ba Ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần.
Chúng ta cũng được ơn gọi để trong thời điểm nào đó, cũng rút lui vào chốn riêng tư và tĩnh lặng sâu sắc cùng Thiên Chúa. Khi đó, ta hoàn toàn thoát khỏi mọi thứ, để trú ngụ một cách yêu thương trong sự hiện diện của Ngài – trong yên lặng, trống rỗng, trông chờ và bất động.
Chúng ta không thể tìm thấy Chúa trong ồn ào và lo lắng. Thiên nhiên, như hoa lá cỏ cây đều lớn lên trong tĩnh lặng. Sao, trăng và mặt trời cũng di chuyển trong tĩnh lặng. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta nói, mà là những gì Chúa nói với chúng ta, những gì Ngài bảo người khác thông qua chúng ta. Trong yên lặng, Ngài lắng nghe chúng ta. Trong yên lặng, Ngài cất tiếng nói với tâm hồn chúng ta. Trong yên lặng, chúng ta được ban đặc ân lắng nghe tiếng nói của Ngài.
Yên lặng đôi mắt
Yên lặng đôi tai
Yên lặng không nói
Yên lặng tinh thần
... trong sự yên lặng của trái tim
Chúa sẽ cất lên tiếng nói.
Sự tĩnh lặng của trái tim là điều cần thiết để bạn có thể nghe được Chúa và nhìn thấy Chúa khắp mọi nơi – khi đau khổ hay hạnh phúc, khi đón tiếp một người cần đến bạn giữa đêm khuya, cả trong tiếng chim hót, trong hoa cỏ và muông thú.
Tôi luôn quan tâm sâu sắc đến sự tĩnh lặng của trái tim mình, để trong sự yên lặng ấy tôi nghe được lời an ủi của Chúa và từ sự viên mãn của trái tim, tôi an ủi Chúa Jesus trong hình hài đau khổ của những người nghèo.
Lời cầu nguyện thật sự chính là mối dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa - một mối dây vững chắc, cần thiết như cành nho gắn vào thân nho - một hình ảnh mà Chúa Jesus đã đưa ra trong sách Phúc âm của Thánh John. Chúng ta cần cầu nguyện. Chúng ta cần sự hòa hợp ấy để có thể sinh ra hoa trái tốt lành. Hoa quả ấy là những gì chúng ta tạo ra bằng chính đôi bàn tay mình, dù đó là cơm ăn, áo mặc, tiền của hay bất cứ thứ gì khác. Tất cả những điều đó là quả ngọt có được nhờ sự hòa hợp của chúng ta cùng với Chúa. Chúng ta cần một cuộc sống cầu nguyện, nghèo khó và hiến dâng để sinh quả ngọt yêu thương.
Dâng hiến và cầu nguyện bổ sung cho nhau. Không có cầu nguyện mà không dâng hiến, và cũng không có dâng hiến mà không cầu nguyện. Chúa Jesus đã trải qua cuộc đời ở thế gian này với sự hòa hợp thân thiết cùng Thiên Chúa Cha. Chúng ta cũng cần làm như vậy. Hãy sánh bước bên Ngài. Chúng ta cần cho Chúa Jesus cơ hội tận dụng chúng ta, biến chúng ta trở thành lời lẽ, thành công cụ yêu thương trong tay Ngài. Ngài muốn chúng ta làm như vậy để chia sẻ cơm ăn áo mặc của Ngài trong cõi nhân gian.
Nếu chúng ta không chiếu tỏa ánh sáng của Chúa quanh mình, bóng đêm sẽ ngập tràn trên thế gian này.
Chúng ta được ơn gọi yêu thương thế giới. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới nhiều đến mức Ngài đã gửi Jesus xuống trần gian. Còn ngày nay, Ngài yêu thương thế giới đến mức Ngài cho bạn và tôi trở thành tình yêu của Ngài, trở thành lòng thương xót của Ngài, sự hiện diện của Ngài, thông qua cuộc sống cầu nguyện, sự hiến dâng và hy sinh. Đáp trả lại tất cả những ơn gọi này, Thiên Chúa chỉ yêu cầu ở bạn sự tĩnh tâm. Bằng việc tĩnh tâm, một tâm hồn nhận được ơn huệ từ trái tim của Chúa để đem phân phát cho đời. Chúng ta phải gắn cuộc sống mình với Thiên Chúa hằng sống. Nếu không sống trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta không thể tiếp tục công việc.
Tĩnh tâm là gì? Tĩnh tâm là để sống lại cuộc sống của Chúa Jesus như Ngài đã từng sống. Đó là những gì tôi hiểu. Là để yêu Jesus, để sống cuộc sống của Ngài trong ta, để sống cuộc sống của ta trong cuộc sống của Ngài. Đó chính là tĩnh tâm. Chúng ta phải có một trái tim trong sạch - không vướng bận ghen tuông, giận dữ, không chút bất đồng, và đặc biệt là không khắc nghiệt với mọi người xung quanh. Đối với tôi, tĩnh tâm không phải là khóa mình ở chỗ tối, mà là cho phép Chúa Jesus sống cuộc thương khó của Ngài, tình yêu của Ngài, sự khiêm nhường của Ngài trong ta, cầu nguyện cùng ta, ở bên ta và thánh hóa qua ta.
Đừng lãng phí thời gian cho việc tìm kiếm những trải nghiệm phi thường trong cuộc sống tĩnh tâm của mình, mà thay vào đó, hãy sống bằng một đức tin trong sáng, luôn cẩn trọng và sẵn sàng trước sự xuất hiện của Chúa bằng cách chu toàn bổn phận hàng ngày với tình yêu và lòng thánh thiện vô biên.
Cầu nguyện là cuộc sống hòa hợp thực sự giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện cũng cần thiết như không khí, như máu trong cơ thể chúng ta, như bất kỳ thứ gì giữ cho chúng ta nhận thức được hồng ân của Thiên Chúa. Cầu nguyện nhiều chưa đủ, mà phải cầu nguyện nhiệt tình với sự tha thiết và tình yêu thương vô biên. Chúng ta nên thực hiện mọi nỗ lực để bước đi trong sự hiện diện của Chúa, để thấy Chúa trong mỗi người chúng ta gặp, để sống đời cầu nguyện mỗi ngày.
Hiểu biết về bản thân mình giúp chúng ta có thể quỳ gối cầu nguyện, và điều đó rất cần thiết cho tình yêu. Hiểu biết về Chúa tạo ra tình yêu, và hiểu biết về bản thân tạo ra sự khiêm nhường. Như Thánh Augustine đã nói: “Hãy đổ đầy bản thân mình trước, rồi khi đó mới có thể ban tặng cho người khác”.
Hiểu biết về bản thân cũng là bùa hộ mệnh để chống lại sự kiêu hãnh, đặc biệt là khi bạn bị cám dỗ trong cuộc sống. Sai lầm lớn nhất là chúng ta nghĩ mình quá mạnh để có thể sa vào cám dỗ. Thiên Chúa cho phép sự cám dỗ. Điều duy nhất chúng ta phải làm là từ chối hoặc khuất phục cám dỗ ấy.
Để có thể kết sinh hoa trái, lời cầu nguyện cần phải bắt nguồn từ trái tim và có thể chạm đến trái tim Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta nói “Lạy Cha”, Chúa sẽ nhìn vào đôi bàn tay của Ngài - nơi Ngài đã chạm khắc tên của chúng ta - và Ngài thấy chúng ta ở đó. Sự dịu dàng và cao cả của tình yêu Thiên Chúa thật tuyệt vời xiết bao!
Nếu chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha” và sống với lời cầu nguyện đó, chúng ta sẽ trở nên thánh thiện. Nếu tôi tha thứ, tôi có thể thánh thiện và có thể cầu nguyện. Lời cầu nguyện xuất phát từ một trái tim khiêm tốn sẽ chỉ dẫn cho chúng ta biết cách yêu thương Thiên Chúa, yêu thương bản thân, yêu thương đồng loại. Một đứa trẻ không khó khăn gì khi diễn đạt trí óc non nớt của mình bằng vài lời đơn giản nhưng lại thật nhiều ý nghĩa. Chúa Jesus đã nói với Nicodemus: “Hãy như trẻ nhỏ”. Vì thế, hãy cầu nguyện âu yếm như trẻ nhỏ, với một khát vọng thiết tha để yêu thương thật nhiều những người đã không được yêu thương.
Tất cả những lời lẽ đều vô nghĩa nếu chúng không xuất phát từ chính tâm hồn của chúng ta. Với những lời lẽ không mang lại ánh sáng của Chúa thì sẽ làm tăng thêm bóng đêm. Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta cần cầu xin ánh sáng để biết được ý nguyện của Chúa, cầu xin tình yêu để chấp nhận ý nguyện đó, và cầu xin con đường để thực hiện ý nguyện của Ngài.
Theo tôi, cầu nguyện là hướng trái tim về Thiên Chúa, là một tiếng kêu của tình yêu và lòng tri ân xuất phát từ tột đỉnh niềm vui hay đáy sâu tuyệt vọng. Đó là sức mạnh lớn lao và siêu nhiên, mở rộng trái tim chúng ta và liên kết chúng ta mật thiết với Chúa Jesus.
- THÁNH THERESE LISIEUX
Thầy nói với các con: tất cả những gì các con cầu xin, các con cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.
- CHÚA JESUS NÓI VỚI MÔN ĐỆ (MARK 11;24)