Hãy yêu thương nhau như Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, bằng một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc.
Hãy tử tế với nhau. Thà phạm lỗi với sự hiền hòa còn hơn làm nên điều kỳ diệu bằng lòng nhẫn tâm.
- MẸ TERESA
Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy bởi điểm này: các con có lòng yêu thương nhau.
- CHÚA JESUS NÓI VỚI MÔN ĐỆ (JOHN 13;35)
Chúa Jesus đến thế gian này vì một mục đích: mang cho ta tin mừng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu bạn và Ngài yêu tôi. Nhưng Ngài đã thể hiện tình yêu ấy bằng cách nào? Bằng cách ban tặng chúng ta chính cuộc sống của Ngài.
Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình cảm thật dịu dàng. Tất cả những gì Chúa Jesus đến để dạy cho chúng ta là tình yêu dịu dàng đó của Thiên Chúa. “Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng ta.” (Kinh thánh Cựu ước Isaiah 43;1).
Toàn bộ chân lý sách Phúc âm cực kỳ đơn giản. “Con có yêu ta không? Hãy nghe theo lời răn của ta.” - Ngài bảo. Và lời răn ấy chỉ xoay quanh một điều: hãy yêu thương nhau.
“Ngươi phải yêu mến Chúa - Thiên Chúa của ngươi - bằng cả trái tim, cả linh hồn và trọn vẹn tâm trí ngươi” (Kinh thánh Cựu ước 6;5). Đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa tối cao, và Ngài không thể yêu cầu một điều không thực hiện được. Tình yêu là quả ngọt có quanh năm và trong tầm với của tất cả mọi người. Bất kỳ ai cũng có thể thu hoạch nó và chẳng có giới hạn nào cả.
Mọi người đều có thể đạt được tình yêu đó qua việc tĩnh tâm, qua đời sống cầu nguyện, sự dâng hiến và bằng một cuộc sống nội tâm sâu sắc. Đừng nghĩ rằng một tình yêu phải khác thường mới là chân thực.
Những gì chúng ta cần làm là yêu thương không mệt mỏi. Nhờ đâu ngọn đèn cháy lên? Nhờ những giọt dầu không ngừng đổ vào. Những giọt dầu ấy là gì trong ngọn đèn của chúng ta? Chúng là những điều rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày: chút lòng thành, đôi lời tử tế, một ý nghĩ hướng về người khác, cách chúng ta thinh lặng, cách chúng ta nhìn, nói và hành động. Đừng tìm kiếm Thiên Chúa ở những nơi quá xa xôi. Ngài chẳng có ở đó đâu. Ngài đang ở với bạn đấy. Hãy giữ cho ngọn đèn của bạn luôn thắp sáng và bạn sẽ nhận ra Ngài.
Những lời của Chúa Jesus: “Hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương các con” không chỉ là ánh sáng soi đường cho chúng ta, mà còn là ngọn lửa thiêu cháy lòng ích kỷ vốn ngăn cản sự thánh thiện. Tình yêu mà Thiên Chúa muốn ở chúng ta phải xuất phát từ nội tâm, từ sự hòa hợp của chúng ta với Ngài. Yêu thương đó phải là điều bình thường với chúng ta cũng như sống và thở, ngày này qua ngày khác cho đến lúc ta về cõi vĩnh hằng.
Một ngày nọ, tôi gặp một người đàn ông nằm trong rãnh nước. Cơ thể ông ấy đầy giòi bọ. Tôi mang ông ấy về nhà của chúng tôi. Người đàn ông ấy đã nói gì? Ông ta không nguyền rủa, không than thở hay đổ lỗi ai cả, mà chỉ nói: “Tôi đã sống như một con thú bên đường, nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc!”. Chúng tôi phải mất đến ba giờ mới lau rửa sạch sẽ cho ông ấy. Cuối cùng, người đàn ông nhìn lên chị nữ tu và nói: “Xơ ạ, tôi đang trở về nhà Chúa”. Rồi ông ấy chết. Tôi chưa bao giờ thấy nụ cười nào rạng rỡ đến thế trên khuôn mặt của một con người cùng khổ như ông. Hãy xem tình yêu có thể làm gì! Có lẽ ngay trong khoảnh khắc ấy, vị nữ tu trẻ kia không nghĩ đến đâu, nhưng thực sự chị đã chạm vào cơ thể của Chúa. Chúa Jesus đã đề cập đến điều này trong câu nói của Ngài: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các con đã làm cho chính ta vậy” (Matthew 25;40).
Hãy hiểu sự dịu dàng trong tình yêu của Chúa. Ngài đã nói trong Kinh thánh: “Dù một người mẹ có thể quên đứa con thơ của mình, ta sẽ không bao giờ quên các con. Ta đã ghi khắc các con trong lòng bàn tay ta” (Kinh thánh Cựu ước Isaiah 49; 15-16). Khi bạn cảm thấy cô đơn, khi bạn thấy mình thừa thãi, khi bạn thấy yếu ớt và bị quên lãng, hãy nhớ rằng bạn vẫn là đứa con yêu dấu đối với Chúa. Ngài yêu bạn. Hãy đáp lại tình yêu đó bằng tình yêu đối với người khác, đó là tất cả những gì Chúa Jesus đến để dạy chúng ta.
Tôi nhớ một người mẹ của mười hai đứa con, đứa bé nhất đang ở trong tình trạng thương tật khủng khiếp. Tôi tự nguyện đón nhận bé vào nhà của chúng tôi, nơi có nhiều người khác đồng cảnh ngộ với em. Nhưng khi nghe ý định đó của tôi, người phụ nữ bắt đầu khóc. Bà thổn thức: “Thưa Mẹ, chúng tôi xin Mẹ. Đứa bé này là món quà lớn nhất mà Chúa đã dành cho tôi và gia đình tôi. Tất cả tình yêu của chúng tôi đều dồn vào nó. Cuộc sống của chúng tôi sẽ trống rỗng nếu Mẹ đem nó ra khỏi vòng tay của chúng tôi”. Tình yêu của người mẹ ấy đầy cao cả và dịu dàng. Chúng ta có được một tình yêu thương như thế không? Chúng ta có nhận ra rằng con cái, vợ chồng, cha mẹ, hay anh chị em chúng ta cũng cần đến tình yêu cao cả và dịu dàng ấy, cần đến hơi ấm từ vòng tay yêu thương của chúng ta?
Tôi sẽ không bao giờ quên một ngày nọ ở Venezuela, khi tôi đi thăm một gia đình đã cho tôi một con cừu. Tôi đến để cảm ơn họ, và ở đó tôi nhận ra rằng họ có một đứa con tàn tật nặng. Tôi hỏi người mẹ: “Tên đứa bé là gì vậy?”. Người mẹ đã cho tôi một câu trả lời đẹp nhất: “Chúng tôi gọi nó là ‘Người thầy của tình yêu’, vì nó không ngừng dạy cho chúng tôi cách yêu thương. Mọi thứ chúng tôi làm cho con tôi là tình yêu mà chúng tôi dành cho Chúa thể hiện bằng hành động”.
Chúng ta thật đáng giá trong mắt Thiên Chúa. Tôi không bao giờ thấy mệt mỏi khi nói đi nói lại rằng Chúa yêu thương chúng ta. Ngài đã ban cho bản thân tôi một tình yêu thật dịu dàng. Đó là lý do tại sao tôi có can đảm, niềm vui và lòng tin vững chắc rằng không gì có thể chia cắt chúng ta với tình yêu của Chúa.
Tôi thấy rằng chúng ta thường quá tập trung vào khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống – những gì không tốt. Nếu chúng ta sẵn lòng nhìn thấy những điều tốt đẹp quanh ta, chúng ta sẽ có thể thay đổi gia đình mình, rồi từ đó thay đổi xóm giềng và những người khác trong cộng đồng. Chúng ta có thể mang hòa bình và tình yêu đến cho thế giới vốn đã quá đói khát những điều như vậy.
Nếu chúng ta thực sự muốn chinh phục thế giới, chúng ta sẽ không thể làm điều đó bằng bom đạn hay các vũ khí hủy diệt khác. Chúng ta hãy chinh phục thế giới bằng tình yêu thương. Hãy gửi gắm vào cuộc sống của chúng ta tình yêu và đức hy sinh, chúng ta sẽ làm nên điều kỳ diệu đó.
Chúng ta không cần làm những điều to tát để bày tỏ tình yêu vô bờ bến dành cho Chúa và cho đồng loại của chúng ta. Sự mãnh liệt của tình yêu mà chúng ta đặt vào hành động của mình - dù chỉ là những hành động hết sức nhỏ bé - cũng khiến những hành động ấy trở thành điều đẹp đẽ đối với Chúa.
Chiến tranh và hòa bình bắt đầu dưới mái nhà của mỗi con người. Nếu chúng ta muốn hòa bình cho nhân loại, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc yêu thương những người trong gia đình mình. Đôi khi chúng ta cảm thấy thật khó khăn để nở nụ cười với người khác. Nếu người chồng còn không thể mỉm cười với vợ hay người vợ chẳng bao giờ mỉm cười với chồng mình, thì làm sao chúng ta trao ban nụ cười ấy cho mọi người xung quanh?
Để tình yêu chân thật, tình yêu ấy trên hết phải là tình yêu dành cho đồng loại. Ta phải yêu những người gần gũi nhất với mình, trong gia đình mình. Từ đó, tình yêu mới có thể trải rộng cho bất kỳ ai cần đến ta.
Rất dễ yêu thương những người sống xa ta, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng để yêu thương những người sống ngay bên cạnh mình. Cho bát cơm để thỏa mãn cơn đói của một kẻ khốn cùng bao giờ cũng dễ hơn an ủi một tâm hồn cô đơn và sự thống khổ của ai đó vốn không cảm thấy được yêu thương trong căn nhà của chúng ta.
Tôi muốn bạn đi tìm những người “nghèo đói tình thương” ngay trong chính ngôi nhà của bạn. Xét cho cùng thì tình yêu của bạn bắt đầu từ đó. Tôi muốn bạn là tin mừng cho những người xung quanh. Tôi muốn bạn quan tâm đến xóm giềng của bạn. Hãy tự hỏi xem bạn có biết hết những người hàng xóm của bạn không?
Tình yêu thực sự là tình yêu khiến chúng ta khổ nhọc và đau đớn, nhưng cũng đem đến cho chúng ta niềm vui vô bờ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện với Thiên Chúa và xin Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để yêu thương.
Từ sự viên mãn của trái tim, miệng chúng ta sẽ cất lên tiếng nói. Nếu trái tim bạn đầy ắp tình yêu thương, bạn sẽ nói lời tình yêu. Tôi muốn mọi người đổ đầy trái tim mình một tình yêu cao cả. Đừng tưởng tượng rằng tình yêu phải khác thường mới là chân thật và tha thiết. Không! Những gì chúng ta cần trong tình yêu của chúng ta là khát vọng mãi mãi được yêu thương mọi người.
Một ngày nọ, tôi phát hiện một người phụ nữ đang nóng bừng vì sốt nằm trong đống đổ nát. Trong giờ phút hấp hối, bà không ngừng lặp đi lặp lại: “Chính con trai tôi đã đẩy tôi ra đường. Chính nó đã làm điều đó!”. Tôi đón lấy bà trong vòng tay và mang bà về tu viện. Trên đường đi, tôi cố thuyết phục bà tha thứ cho con trai mình. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu, cuối cùng tôi đã có thể nghe bà nói: “Vâng, tôi tha thứ cho nó”. Bà nói với một tình cảm khoan dung chân thành ngay khi sắp từ giã cõi đời. Người phụ nữ ấy đã không ý thức rằng bà đang đau đớn, đang bị cơn sốt hành hạ và đang lịm dần vào cõi chết. Điều đã làm tan vỡ trái tim bà là con trai bà thiếu tình yêu.
Có hàng ngàn người muốn có những gì chúng tôi có, muốn được vứt bỏ những lo toan thường nhật để sống phục vụ như chúng tôi. Thật may mắn làm sao khi Chúa đã chọn chúng tôi có mặt ở nơi có thể chia sẻ niềm vui được yêu thương người khác. Ngài muốn chúng tôi yêu thương con người, đem trao bản thân mình cho nhau cho đến khi tình yêu ấy cảm nhận được nỗi đau ngay trong lòng mọi người quanh mình. Vấn đề không phải là chúng ta cho bao nhiêu, mà là chúng ta đặt bao nhiêu tình yêu thương trong sự ban tặng của chúng ta.
Theo lời của Đức Giáo Hoàng, mỗi một người trong chúng ta phải “rửa sạch những điều nhơ bẩn, sưởi ấm những kẻ lạnh lùng, truyền sức mạnh cho những người yếu ớt, chiếu sáng những nơi tối tăm”. Chúng ta không được ngại bày tỏ tình yêu của Chúa Jesus, mà hãy yêu thương như Ngài đã yêu thương.
Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có tình yêu; và nơi nào có tình yêu, nơi đó luôn có sự nhiệt tình phục vụ. Khi tất cả chúng ta thấy Chúa trong nhau, chúng ta sẽ yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đó là tất cả những gì Chúa Jesus đến để dạy cho con người: rằng Chúa yêu ta, và Ngài muốn chúng ta yêu nhau như Ngài đã yêu ta vậy.
Chúng ta phải biết rằng chúng ta được tạo ra cho những điều cao cả hơn, chứ không chỉ là để hiện diện trên đời, để học hành lấy bằng cấp, để làm việc này việc kia. Chúng ta được tạo ra để yêu thương và được yêu thương.
Hãy luôn chân thành trong những điều nhỏ nhặt, tầm thường nhất. Với Chúa, không có gì là bé nhỏ cả đâu. Đừng theo đuổi những kỳ công xa vời ngoài tầm với. Đừng cho phép mình ngã lòng vì thất bại. Miễn là bạn cố gắng hết sức, thì bản thân thất bại đó đã là một thành công. Dù không được vinh quang chiến thắng, dù không được tung hô chúc tụng, vẫn hãy vui mừng vì bạn đã dám thử điều mình muốn.
Nếu bạn nản chí, đó là dấu hiệu của sự tự phụ, bởi bạn đã quá đề cao bản thân mình. Thành công sẽ đến với những người biết đứng lên từ thất bại. Cũng đừng bao giờ phiền lòng vì quan điểm của người khác. Hãy khiêm tốn, và bạn sẽ không bao giờ phải lúng túng. Thiên Chúa luôn dõi theo chúng ta, và Ngài sẽ cho bạn lối thoát cho mọi tình huống, nếu bạn để Ngài làm điều ấy cho bạn.
Công việc từ thiện của chúng tôi chẳng gì hơn ngoài dòng chảy tuôn trào của tình yêu chúng tôi dành cho Chúa và cho mọi người.
Lòng từ thiện như một ngọn lửa đang cháy: nhiên liệu càng đến lúc cạn kiệt thì ngọn lửa càng bùng lên mãnh liệt. Cũng giống thế, trái tim của chúng ta khi thoát khỏi mọi nguyên cớ đời thường, sẽ khao khát được tận tâm phụng sự. Tình yêu Thiên Chúa phải là nguồn khởi phát cho sự phục vụ ấy. Công việc càng khó khăn thì tình yêu càng cao cả, vì nó chính là làm cho Chúa dưới hình hài rách rưới của kẻ khốn cùng.
Lòng từ thiện đòi hỏi chúng ta phải hành động. Trên thực tế, có rất nhiều người hay nói đến việc thiện, nhưng lại chẳng bao giờ dành thời gian hay công sức cho những việc ấy. Hãy nhớ rằng yêu thương là yêu cầu lớn nhất mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài đã xếp lời răn yêu thương đồng loại lên vị trí đầu tiên - vị trí quan trọng nhất.
Để có thể yêu thương, chúng ta cần có niềm tin, vì niềm tin là tình yêu bằng hành động, và tình yêu bằng hành động chính là sự phục vụ. Yêu thương cần được nhìn thấy và tiếp xúc. Niềm tin thông qua cầu nguyện hay thông qua hành động đều cao quý như nhau, đều xuất phát từ tình yêu thương chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Đã mấy năm trôi qua, nhưng tôi không quên và sẽ không bao giờ quên một cô gái người Pháp đã đến Calcutta. Ngày đến làm việc với chúng tôi trong căn nhà dành cho những người nghèo đang hấp hối, tinh thần cô thật sự sa sút. Rồi sau mười ngày, cô đến gặp tôi, ôm chầm lấy tôi và nói: “Con đã nhìn thấy Chúa Jesus!”. Tôi hỏi cô thấy Ngài ở đâu. Cô đáp: “Tại căn nhà của những người nghèo đang hấp hối”. “Vậy con đã làm gì sau khi thấy Ngài?” “Con đã đi xưng tội và dự lễ bí tích thánh thể, lần đầu tiên kể từ mười lăm năm qua.” Tôi lại hỏi: “Con còn làm gì khác nữa không?”. “Con gửi cho cha mẹ con một bức điện nói rằng con đã nhìn thấy Chúa Jesus.” Tôi nhìn cô và nói: “Bây giờ, con hãy trở về nhà, đem niềm vui, tình yêu và sự bình yên đến cho cha mẹ con”. Nghe theo lời tôi, cô gái trở về nhà với tinh thần rạng rỡ hân hoan, vì trái tim cô ấy ngập tràn niềm vui. Tại sao vậy? Vì ngay trong sự hy sinh phục vụ, ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình.
Chúa yêu người biết ban tặng sự vui vẻ. Cách tốt nhất để bạn bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và mọi người xung quanh mình, đó là chấp nhận mọi thứ với niềm vui. Một khuôn mặt rạng rỡ niềm vui là kết quả của một trái tim bùng cháy yêu thương. Niềm vui là sức mạnh. Những người nghèo khổ luôn cảm thấy bị hấp dẫn trước Chúa Jesus vì một quyền lực cao quý ngự trị trong Ngài và tuôn chảy từ Ngài – quyền lực của đôi mắt yêu thương, của bàn tay dịu dàng, của lời nói ấm áp.
Đừng để điều gì làm xáo động chúng ta, để rồi lấp đầy chúng ta bằng nỗi sầu muộn và sự nản chí. Những cảm xúc tiêu cực ấy sẽ triệt tiêu mọi niềm vui trong bạn, sẽ tước mất của bạn niềm vui của sự hồi sinh. Niềm vui không đơn giản và dễ dàng lắm đâu, mà thật ra, nó đòi hỏi sự chịu đựng, sự mạnh mẽ, đòi hỏi niềm tin và cả sự trao phó. Có thể chúng ta không đủ giàu có để giúp đỡ cho những người nghèo đói, không đủ tiền bạc hay của cải để hoán đổi cuộc đời của một ai đó, nhưng điều chúng ta luôn có thể làm, đó là trao ban cho người khác nụ cười, niềm vui và sự tận tâm phục vụ.
Trên thế gian này, tất cả mọi người đều đói khát tình yêu thương. Chúng ta có thể thỏa mãn sự đói khát đó bằng cách ban phát niềm vui. Niềm vui là một trong những tấm bùa hộ mệnh tốt nhất chống lại mọi sự cám dỗ. Chúa Jesus chỉ có thể ngự trị trong tâm hồn chúng ta nếu tâm hồn ấy tràn đầy niềm vui.
Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ được phán xét bằng tình yêu.
- THÁNH JOHN THÁNH GIÁ
Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, mà được sống muôn đời.
- CHÚA JESUS NÓI VỚI NICODEMUS ( JOHN 3;16)