Kể từ khi Tử Hân rời Vân Mộng cốc, những điều Mộ Dung Vô Phong biết được về lộ trình của nhi tử đều chỉ trông vào một phong gia thư cứ đều đặn hai tháng gửi về một lần cùng với một chút tin tức vụn vặt ghi lại một cách qua quýt.
… Cả hai thứ này đều không thể làm chàng cảm thấy yên tâm về đứa con ngang bướng của mình.
Những thông tin nhỏ giọt qua một phen lao tâm khổ tứ phân tích kỹ càng đã dần dần trở nên rõ ràng. Chàng biết nhi tử của mình đang men theo một lộ tuyến kỳ dị đi về hướng tây, đi gần một năm lại bẻ ngoặt lên phương bắc, sau đó quay sang đông, tựa như lấy Vân Mộng cốc làm trung tâm, vẽ nên một vòng tròn lớn trên bản đồ.
Tại sao lại muốn đi như thế, không ai biết được, cũng chẳng hiểu nổi.
Trong thư, Tử Hân khẩn thiết mong phụ mẫu không cần viết thư cho mình nhân bởi chỗ dừng chân của chàng vốn không cố định, chàng không thể nhận được thư hồi âm của cha mẹ. Thư của Tử Hân thì thường rất ngắn, thông báo qua loa vài câu, hỏi han phụ mẫu một chút, tuyệt không vượt quá hai trang giấy. Có lúc chàng sẽ kể một chút những chuyện tai nghe mắt thấy dọc đường chàng đi qua, có điều trong câu chữ lại có phần lơ đãng. Những địa danh được chàng nhắc tới cũng luôn có sự nhầm lẫn lung tung: lúc thì căn bản nó không tồn tại trên bản đồ, lúc thì lại cách rất xa so với lộ tuyến chàng đang đi. Những núi sông từng đi qua trong thư cũng thường lẫn lộn: lúc thì đem hai ngọn núi vốn dĩ không ở cùng một chỗ ra bình luận, lúc thì tên núi ở chỗ nào đó không hợp với tên con sông ở cạnh. Những thứ đồ gửi kèm theo thư lại càng buồn cười hơn: chàng gửi về vô số phương thuốc chữa phong thấp cùng với những loại thuốc lạ lùng cổ quái, đặt trong đủ các chủng các dạng bình lọ. Dưới cái nhìn của Mộ Dung Vô Phong, không những thuốc không đáng thử, mà phương thuốc cũng không rõ là nói đến cái gì.
Y quán, nhà thuốc, hiệu đổi tiền, tiền trang của Vân Mộng cốc trải khắp thiên hạ, nếu cần, Tử Hân có thể tùy thời tới lấy tiền mà chi tiêu dọc đường đi.
Có điều, từ trước tới giờ chàng vốn không muốn và cũng chưa từng làm thế.
Sau khi rời khỏi nhà, Tử Hân không lấy một xu nào từ nhà cả. Đi qua y quán của nhà mình cũng không vào chào hỏi, mọi người cũng chẳng biết chàng từng đi ngang qua đấy.
Trên giang hồ thi thoảng lại truyền tới những tin tức như chàng đói rét cùng quẫn, phải ngủ đầu đường, xó chợ. Loại sinh hoạt này đối với Hà Y thì chỉ xem là quá tầm thường vốn không đáng nói, nhưng Mộ Dung Vô Phong thì lại cứ phiền muộn mãi không thôi. Cứ mỗi khi nghe thấy một tin tức kiểu thế này, tối hôm đó chàng chắc chắn sẽ thức trắng cả đêm, thở vắn than dài. Những người được phái đi bốn phương nghe ngóng tin tức của chàng thì đều không thực sự tìm được Tử Hân, nhưng lại vô số lần đi lướt qua nhau mà không biết, rồi lại đem về những tin tức càng khiến người ta lo lắng hơn. Thì ra lúc Tử Hân thăm khám, thu tiền cực kỳ tùy hứng. Thông thường giá đưa ra rất thấp, nếu bệnh nhân quả thật quá nghèo, ngoài việc không lấy tiền ra, chàng còn tặng thêm tiền thuốc. Những chuyện này thì cũng không đến nỗi khiến chàng phá sản, bởi vì y thuật khá giỏi, chàng không hề thiếu đi cơ hội kiếm tiền. Có điều chàng vung tiền so ra còn phóng khoáng hơn kiếm tiền. Nghe nói chàng từng khám bệnh cho con của một vị phú thương nọ, người ta liền đưa luôn cho chàng một trăm lượng vàng ròng. Vừa cầm vàng bước ra khỏi cửa, khoát tay một cái, lại đã cho hết đám ăn mày đáng thương tụ tập ở đầu phố. Lúc ấm túi, Tử Hân sẽ ở trong khách điếm thượng hạng, ăn thức ăn cầu kỳ, một ngày tắm rửa hai lần, không ngừng mua y phục sạch sẽ mới mẻ mà thay mặc. Tới lúc không một cắc dính thân thì sẽ cuộn mình trong một tấm áo tơi, ngủ vạ vật nơi đồng không mông quạnh.
Còn may Tử Hân rất ít tham gia vào chuyện tranh đấu trong võ lâm, luôn luôn một mực lặng lẽ viễn du xa khỏi vòng xoáy giang hồ. Chỉ biết có một lần trên đường ngao du chàng tình cờ gặp phải “Tam hoa thần kiếm”: Đường Cúc, Đường Nguyên và Đường Du, những nhân vật phong vân nổi tiếng nhất trong thế hệ trẻ của Đường môn bấy giờ. Không biết vì sao đôi bên lại động thủ với nhau, chàng lỡ trúng phải một mũi Thất Tinh tiêu của Đường Nguyên, nếu không phải bên người có thuốc giải tùy thân thì thiếu chút nữa đã mất mạng…
Cái tin này đăng trên Giang hồ khoái báo toàn bộ chẳng quá một đoạn nhỏ nhưng đã đủ khiến cho Mộ Dung Vô Phong đầu to bằng cái đấu, lo lắng không thôi.
Một tháng sau, Mộ Dung Vô Phong gặp được Đường Tiềm, liền hỏi xem “Tam hoa thần kiếm” là những nhân vật thế nào.
Đều là cháu họ của mình, Đường Tiềm không tiện bày tỏ thái độ, chỉ giải thích đơn giản một câu: “Tình hình cụ thể ta cũng không rõ. Có điều ba người này đều có thù giết cha với tôn phu nhân. Còn may bọn chúng không biết Diêu Nhân là Tử Hân, nếu không chỉ sợ Tử Hân sẽ càng gặp nhiều phiền phức hơn nữa”.
Mộ Dung Vô Phong biết kể từ sau khi Đường Tiềm thành hôn với Ngô Du thì đã phải chịu khá nhiều dị nghị trong họ tộc. Ngô Du nguyên là đệ tử của Mộ Dung Vô Phong lại chỉ là chuyện phụ, chủ yếu lại là vì nàng đã là con dâu đích hệ của Đường môn nhưng lại cự tuyệt vào sống trong Đường môn, càng cự tuyệt nghiên cứu điều chế bất cứ loại độc dược nào của họ tộc. Các trưởng lão trong tộc giận dữ cực độ, muốn thi hành gia pháp, vẫn là nhờ Đường Ẩn Tăng nhiều lần khuyên can, lại thêm danh vọng lúc sinh tiền của Đường thị song đao mới miễn cưỡng áp chế lại được. Nhưng cũng bởi thế địa vị của Đường Tiềm trong Đường gia phải chịu đả kích rất lớn, gần như bị xem là gian tế Vân Mộng cốc cài cắm vào Đường môn.
Đường Tiềm không nói, Mộ Dung Vô Phong cũng không tiện truy hỏi, chỉ đành đổi sang một đề tài khác, hỏi: “Sao lại không thấy Đường Hành cùng tới với ngươi?”.
Lúc ấy gió đêm lạnh lẽo ùa tới, Đường Tiềm tay cầm chén trà ấm, từ từ nói: “Đường Hành, tự nhiên cũng vào giang hồ rồi”.
Trên mặt hắn thoáng hiện chút buồn phiền.
“Đứa thứ hai vẫn là thường không chịu yên phận mà”, Mộ Dung Vô Phong khẽ cười, “Đường Phất vẫn cứ là chín chắn hơn nhiều”.
Đường Phất là con trưởng, luôn đi theo phụ thân. Cao to, anh tuấn, trầm mặc. Sau khi Đường Bồng lấy vợ, hai nhà vẫn đi lại cực kỳ thân thiết, có điều khi Đường Tiềm ra ngoài, người đi theo đã đổi thành Đường Phất.
Đường Phất luôn đứng yên lặng sau lưng Đường Tiềm, cứ như một cái bóng.
“Ta không muốn nó cứ luôn theo ta”, Đường Tiềm giải thích, “Nhưng hình như nó rất không yên tâm về ta”.
“Chắc là do mẫu thân nó không yên tâm đấy”, Mộ Dung Vô Phong nói, “Cô ấy không phải người trong giang hồ, không khỏi có chỗ lo lắng với việc trong chốn giang hồ”.
“Thật ra gan cô ấy không nhỏ chút nào đâu”, rốt cuộc Đường Tiềm cũng bật cười thoải mái, đôi mắt sâu thẳm tựa như một vịnh nước yên tĩnh: “Lúc phẫu thuật cho người khác, đưa dao rất dứt khoát đấy”.
… Trước giờ Đường Tiềm chưa từng bỏ qua bất cứ cơ hội nào ca tụng thê tử tuyệt mỹ của mình.
Mộ Dung Vô Phong chăm chú nhìn hắn một lúc, cười gật đầu: “Cô ấy vốn là đại phu giỏi nhất của Vân Mộng cốc”.
Lại yên lặng một hồi, Đường Tiềm đột nhiên hỏi: “Ta rất lo về Đường Hành… Huynh thật sự không có một chút biện pháp nào sao?”.
Mộ Dung Vô Phong hơi nhíu mày: “Ta thấy ít ra nó còn bình thường hơn Tử Hân nhà ta”.
“Thật sao?”, Đường Tiềm nhẹ giọng hỏi. Giọng của hắn hơi run run: “Thế nào là bình thường?”.
Trong ấn tượng của Mộ Dung Vô Phong, Đường Tiềm rất ít khi lo âu như thế.
“Khi một người chính là bản thân mình, hắn chính là bình thường. Nếu huynh chịu suy nghĩ theo cách khác thì sẽ không lo lắng nữa.”
“Đây có xem như mấy câu nói lảng đi của Mộ Dung đại phu không?”, Đường Tiềm xoay xoay cái chén trên tay, trào phúng một câu, “Huynh không trị được cho nó lại quay sang trị cho ta?”.
“Chỉ cần có hiệu quả là được”, Mộ Dung Vô Phong không khỏi cười khổ.
…
Tháng Mười một năm Mật Tý, Mộ Dung Vô Phong nhận được thư của Tử Hân, nói rằng chàng đã tìm được một nơi yên tĩnh để cư trú, quyết định sống ở đấy hai năm, không hỏi sự đời, chuyên tâm tập trung viết sách. Lúc ấy Tử Hân đã rời khỏi Vân Mộng cốc được hai năm có dư. Phu phụ Mộ Dung nghe tin mừng lắm, hỏi thăm người đưa thư mới biết, thư được gửi từ một ngôi “Huyền Thanh quán” ở ngoại thành Sâm Châu.
Trong thư Tử Hân nói, chàng và một vị bằng hữu cùng trú trong quán, chiếu cố lẫn nhau, sinh hoạt ổn định, không cần phải lo lắng.
Chàng còn nói, đạo sĩ trong Huyền Thanh quán, trừ việc tuân thủ thanh quy truyền thống còn tin theo một giới luật kỳ dị: tất cả các đạo sĩ trong quán, bắt đầu từ ngày gia nhập giáo thì phải phát thệ cả đời không nói năng gì nữa, bởi vì họ tin rằng “Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ vô vị” , “Đại đạo vô ngôn, chí ngôn vô văn” .
Xem tới đây Mộ Dung phu phụ bốn mắt nhìn nhau, lòng nóng như lửa đốt, sợ rằng nhi tử mình gia nhập giáo, không dưng biến thành một kẻ câm. Đọc tiếp xuống dưới mới biết: Lúc bắt đầu, chỉ có hai đạo sĩ như thế sống trong quán. Đạo quán trông cũng lụp sụp muốn đổ, cực kỳ tàn tạ. Dần dần, những đạo sĩ thanh tu tới đó càng ngày càng nhiều, trong vòng mấy năm đã có hơn bốn chục người, chỉ trong chốc lát thanh danh đại chấn, hương hỏa thịnh vượng, tiền quyên xa gần cũng cực kỳ rộng rãi. Đạo quán nhờ thế mà ngày càng đàng hoàng tráng lệ, đã xây mấy gian nhà khách để khách hành hương từ xa tới có chỗ trú chân. Tử Hân ngao du tới đây thì chính là ở trong nhà khách đó. Bởi vì ngoài quán khí hậu hay thay đổi, gió mưa bất chợt, đạo nhân thanh tu kham khổ, thường có người ốm đau. Muốn mời đại phu thì phải đi mấy chục dặm đường núi, cực kỳ bất tiện, sau khi Tử Hân tới liền được mời ở lại, ngày thường trừ chuyện khám bệnh bốc thuốc, thời gian còn lại hoàn toàn tự do. Thời tiết nắng đẹp, chàng liền đeo sọt vào sâu trong núi hái thuốc. Gửi kèm theo thư còn có năm cuốn bản thảo viết tay, tên gọi là Giang hồ thái phương lục, là các loại phương thuốc chàng sưu tập được trên đường. Bút tích hỗn loạn, sách đóng qua loa. Không ít chỗ tẩy xóa sửa chữa tới mơ hồ. Mộ Dung Vô Phong đành phải giúp nhi tử chép lại một bản nghiêm chỉnh, sau khi thẩm định cẩn thận mới cho khắc in.
Đây là cuốn sách thứ hai của Mộ Dung Tử Hân lưu truyền trên đời. Cuốn đầu tiên là Vân Mộng cứu kinh chú được in không lâu sau khi chàng rời nhà, sách có ba tập bao gồm năm quyển, mời danh y đất Dương Châu là Đoàn Thạch Nguyên viết lời tựa, có câu: “Trình bày kỹ càng súc tích, dẫn chứng nhiều mà phong phú. Dung hợp nhiều loại, suy rộng mà thông suốt. Tường tận ngọn nguồn, tự thành riêng một nhà”. Vân Mộng cứu kinh của Mộ Dung Vô Phong nổi tiếng thâm ảo khó đọc, bản chú của Tử Hân đưa ra, không những văn chương sáng lạn như dệt gấm thêu hoa, giọng điệu thanh thoát như gõ vàng rung ngọc mà còn phân tích tỉ mỉ độc đáo tựa như con tằm nhả tơ. Chỉ trong một đêm mà đã vang dội, trở thành sách ắt phải đọc của giới hành nghề y.
Nhưng chỉ sau khi cuốn sách được in không tới hai tháng, Mộ Dung Vô Phong đã viết xong một cuốn Vân Mộng cứu kinh toản nghị, tự phát huy thêm quan điểm vốn có của mình, đồng thời có rất nhiều chỗ thể hiện chàng không hề đồng ý với những giải thích của nhi tử mình. Thế là, tất cả mọi người trong giới hành nghề y đều biết cặp cha con này đang có tranh cãi.
Bởi Tử Hân đang lang bạt giang hồ, hành tung bất định, cũng cực ít qua lại với người trong y igới, chàng không hề biết phụ thân mình đã viết một cuốn sách như thế. Đợi đến khi chàng định cư ở Sâm Châu, Mộ Dung Vô Phong lập tức sai người đưa bản Toản nghị tới cho chàng. Sách đưa tới xong thì liền như đá chìm đáy bể, trong những bức thư về sau của Tử Hân không hề nhắc tới, cứ như chàng chưa từng đọc qua cuốn sách ấy vậy.
Mùa thu năm Canh Dần, Hà Y không kìm được bèn để Tạ Đình Vân đi Sâm Châu một chuyến. Lần ấy, dưới sự ép buộc của Hà Y, Mộ Dung Vô Phong đã viết một bức gia thư lời lẽ ôn hòa, có lời khen tặng với cuốn Giang hồ thái phương lục của Tử Hân. Khi Tạ Đình Vân quay lại, có đem về một bản thảo khác của Tử Hân, gọi là Vân Mộng cứu kinh bổ.
Mộ Dung Vô Phong cầm được bản thảo liền đọc thâu đêm, liền ba ngày sau đó thì bâng khuâng ngây ngẩn.
Hà Y thấy chàng đọc xong bản thảo liền bỏ vào ngăn tủ, không nhắc đến nữa, cuối cùng không nhịn được hỏi dò: “Cuốn sách Tử Hân mới viết đó chàng có thích không?”.
Mộ Dung Vô Phong trầm ngâm hồi lâu, thở dài đáp: “Thích. Có điều đấy là một bản bổ sung nguy hiểm”.
Cuốn sách ấy, trừ năm chữ Vân Mộng cứu kinh bổ ở trang đầu ra, cả cuốn sách từ đầu tới cuốn đều không nhắc tới Vân Mộng cứu kinh. Người trong nghề thì lại có thể nhìn ra ý đồ của Tử Hân. Chàng gạt lý luận của phụ thân sang một bên, bắt đầu trường thiên đại luận cách nhìn của bản thân, vừa rất mực uyển chuyển lại mạnh mẽ bức người mà phản bác mấy quan điểm của Mộ Dung Vô Phong.
Được mười ngày, Mộ Dung Vô Phong viết một bức thư hồi âm cho Tử Hân, gửi kèm một thiên lời tựa bản thân viết cho Vân Mộng cứu kinh bổ. Trong thư nói, nếu Tử Hân mong muốn sách này được Vân Mộng cốc ấn hành thì phải đồng ý cho in kèm lời tựa này vào đó.
Nhận thấy thiên lời tựa này đem tất tần tật phản bác của Tử Hân phân tích tỉ mỉ lại rồi lâm li tinh tế mà phê bỏ toàn bộ, Tử Hân lập tức gửi về một phong thư ngắn gọn, không đồng ý đưa lời tựa của phụ thân vào. Lại muốn Mộ Dung Vô Phong ban lại bản thảo gốc:
“… Lý giải khác lối, suy xét bất đồng. Cái thêm bớt của con, không dám cho là xác đáng; lời phụ thân uốn nắn, liệu có quá mức chăng? Lời tựa cao minh uyên bác, con thực tâm lĩnh. Nhưng chỉ ngắn ngủi vài lời thật khó đủ nêu hết, với lại chỗ nghi hoặc còn nhiều, cần phải cân nhắc. Xin cho suy ngẫm rồi lại gửi. Nếu phụ thân không thích sách này, con cũng không có cách nào. Thiên hạ lớn nhường ấy, ắt sẽ có nơi dung nó…”
Bởi vì biết tính tình của Tử Hân trước giờ không có hai chữ “kìm nén”, thư đến tay Mộ Dung Vô Phong rồi cũng không gây ra sóng gió gì. Một tháng sau đó, Mộ Dung Vô Phong y lời ấn hành Vân Mộng cứu kinh bổ, lời tựa của mình thì mở rộng ra thành một cuốn Vân Mộng cứu kinh bổ cảo in đồng thời. Y giới xôn xao, đệ tử các phai đua nhau viết lách, hoặc là phê phán, hoặc là phụ họa, hoặc nêu ra nghị luận mới, tóm lại là ồn ào náo nhiệt một phen. Tất cả văn chương lời bàn đều được đưa vào Vân Mộng cứu kinh bổ tập luận do Mộ Dung Vô Phong chủ biên. Mọi người đều biết trường tranh luận học thuật của đôi phụ tử của Vân Mộng này xem như đã tới hồi cao trào.