Tháng Giêng, mặt trời ở Doanh Thất . Gió đông tan giá, côn trùng rậm rịch thức giấc đông.
Tháng này, khí trời giáng xuống, khí đất thăng lên, trời đất hòa đồng, cây cỏ sinh sôi.
…
Nắng xuân bên ngoài không chiếu vào phòng.
Đây là một căn phòng trong phòng là phòng, phòng lồng trong phòng.
Hắn quỳ dưới cạnh bộ xương trắng đó, đã quỳ trọn ba canh giờ.
Dầu đèn đã cháy hết, khói đen bốc lên đã nhuộm thanh xà trên đầu thàng ra màu đen.
Trong không khí có mùi khói khiến người nghẹt thở.
Nặng nề.
Mồ hồi từ trán hắn nhỏ xuống.
Lưng hắn bị thương nặng, đau tới mức gần như không vươn được lưng cho thẳng.
Nhưng bộ xương trắng đó đứng im ắng, hốc mắt trống rỗng chằm chằm dán vào hắn, cho dù đã cúi đầu, hắn cũng vẫn có thể cảm nhận được loại áp lực đáng sợ đó.
Trong đầu hắn, bộ xương bóng loáng này đã khôi phục lại máu thịt, khôi phục lại dáng vẻ mũ giày tể chình, y phục thung dung ngày trước.
Hắn thống khổ nhắm mắt lại.
So với lúc người còn sống, hắn muốn nhìn thấy không phải là bóng hình đó mà là bộ xương khô trước mặt không chút biểu tình nào này.
… “Con phải biết ‘ngoại thị ’ không hề đáng sợ, đáng sợ chính là ‘nội thị ’.”
Hắn còn nhớ lời của ông ta.
… “Một ngày con có được nội thị, bất kể ngoại thị có là thế nào đều không quan trọng.”
Bây giờ, nội thị ngày ngày giày vò hắn.
Hắn cắn răng, vươn thẳng lưng, đưa cánh tay run rẩy châm nén hương vòng trên lư hương.
Ngoài nội, sơn tuyền bắt đầu chảy, thỏ chạy cáo lùa. Tre non mới nhú, khe nước đầy tràn.
Thân hình hắn cao lớn, hắc y bó sát thân, mặt và tay đều có vết sẹo đáng sợ nhưng những thứ ấy không hề ảnh hưởng tới nét anh tuấn của hắn.
Trầm mặc rất lâu, hắn đột nhiên nói với bộ xương trắng: “Phụ thân, con bị thương rồi”.
Không thể có tiếng hồi đáp.
Sau đó, hình như muốn tự thuyết phục bản thân, hắn lại bổ sung thêm một câu: “Nhưng xin yên tâm, con vẫn đủ sức để có thể kết thúc tất cả, để người được yên nghỉ nơi cửu tuyền”.
Nói xong câu này, hắn rút chủy thủ ra, vạch một đường nhỏ trong lòng bàn tay, dùng máu của mình tưới tắt ám hương.
Mùi máu tươi cháy, hắn đã quen từ lâu.
Hắn chống thiết kiếm xuống đất, miễn cưỡng đứng thẳng dậy, cảm thấy vết thương trên lưng lại bắt đầu vỡ ra, máu tươi lại thấm ướt lưng áo.
Nhưng hắn vẫn cố sức đẩy mở hai cánh cửa, sải bước đi ra ngoài.
Ánh mặt trời chói lọi khiến người ta hơi chói mắt.
…
Đông Đường trấn.
Chàng đơn độc chen lách giữa một đám hàng rong.
Không khí khô ráo, bụi đất bốc mù, con đường dưới ánh nắng sáng rõ là bắt mắt. Không xa có âm thanh “kẽo kẹt kẽo kẹt” vọng tới nhưng là tiếng cột cờ lắc lư của mấy lá cờ hiệu bạc màu của quán rượu đang phần phật bay trong gió. Bất kể là bảng hiệu hay là người đi đường rõ ràng đều có chút uể oải. Chàng mặc một bộ trường bào màu xám tối, sau lưng đã bị mồ hôi của con ngựa làm cho ướt đẫm, phát ra một mùi không dễ ngửi cho lắm. Sau khi đứng vững, kéo mũ ra, trên đỉnh đầu phảng phất như đột nhiên có một vòng xoáy, phấn hoa đầy trời và một cơn gió lùa ập thẳng tới trước mặt, còn chưa kịp rút khăn tay ra chàng đã hắt hơi liền ba cái, không sao nhịn được. Chàng vội vàng moi một viên thuốc trong người ra, bỏ vào miệng ngậm.
Trên con phố lớn thế này, trừ phi anh sùi bọt mép ngất tại chỗ, nếu không, cho dù là ho khạc, nhổ đờm hay là hắt hơi thì đều bị coi là chuyện tầm thường chẳng ai quan tâm. Chẳng ai quen biết anh, cho nên chẳng ai thèm để ý tới anh, dù anh có làm gì đi nữa.
Người xung quanh rõ ràng đang quan tâm đến chuyện khác:
“… Ngươi phải hiểu, hôm đó ta tới nhà họ Vương mướn một con ngựa tốt, giá hai lượng. Phải nuôi ăn hai mươi ngày cho tới lúc trả, riêng tiền cỏ đã mất thêm một lượng sáu tiền… Lại còn là hàng xóm nữa chứ, đúng là quá xấu tính đi!”
“Thế thì có sao? Ngươi chưa xem giá cả hôm nay đi. Một cân thịt heo mà đòi một hào tám; một cân thịt trâu một hào ba; lần trước ta mời khách mua một con ngan sống, đã mất một tiền tám hào… Đắt như thế, đúng là không để người ta sống nữa rồi.”
“Ừ thì đã thế rồi, nhưng tại sao đến một thùng phân giá cũng phình ra? Hôm rồi định mua một thùng, tháng trước hỏi vẫn là năm hào, hôm qua hỏi, đã thành tám hào rồi, ta nghĩ mãi, không mua nữa. Thùng cũ kia vẫn dùng nốt hẵng hay.”
“Đấy chẳng phải vì người trở nên quá đông sao…”
Mạch suy nghĩ của chàng càng lúc càng xa vời.
Trước khi đi một ngày, phu thân gọi chàng vào thư phòng của người, khuyên nhủ một lần nữa: “Ta biết, con luôn không thích nơi này, từng cãi vã với không ít lão tiên sinh”.
Chàng không nói gì, xem như thừa nhận.
“Có điều, bên ngoài rất loạn, thân thể con cũng không được tốt. Ta và mẹ con đều rất lo lắng, không thể an tâm được.”
Chàng lại tiếp tục im lặng.
“Thế này đi, chúng ta còn không ít các y quán phân tán ở các nơi. Nếu con quả thật muốn ra ngoài, có thể tùy ý chọn một cái, tới đó ở vài tháng một năm rồi về cũng được.”
“Không”, chàng không chút động lòng đáp.
Trong thoáng chốc, phụ thân có chút thất hồn lạc phách, giọng lại mềm đi: “Tử Hân, con nghe ta lời đi”.
… Trong ký ức của chàng, phụ thân gần như chưa từng nói với chàng hai chữ “nghe lời”, bởi thế tạo thành một sự thật là chàng và Tử Duyệt tỷ tỷ của mình trước giờ chẳng nghe lời mấy người.
“Cha, con sẽ thường xuyên viết thư về nhà mà”, sợ rằng phụ thân mà nói thêm vài câu thì mình sẽ mềm lòng, chàng vội vàng kết thúc cuộc nói chuyện, quay người bước về phía cửa.
Lúc sắp ra tới cửa, phụ thân chợt hỏi: “Tử Hân, rốt cuộc con muốn cái gì?”.
Dừng bước, nghĩ một chút, chàng lắc đầu đáp: “Con không muốn gì hết.”.
… Bao nhiêu năm sau này, mỗi khi nhớ tới lần nói chuyện với phụ thân khi đó, chàng đều tự hỏi bản thân, rốt cuộc chàng muốn đạt được cái gì trên đời này.
Chàng phát hiện đây là một vấn đề rất khó trả lời, lúc đó chàng hoàn toàn không có đáp án.
Có lẽ, chàng cần phải phủ định một cái gì đó thì mới có thể cảm thấy mình đã trưởng thành.
Bởi thế, chàng muốn có một thế giới, một con đường, một cuộc sống khác.
Một đám bé gái bảy, tám tuổi đang tụ tập chơi ở bên đường. Bọn chúng ném qua ném lại một cái túi thơm chứa tiền đồng, lần lượt tranh cướp, vui vẻ đuổi nhau dưới bóng liễu, hưng phấn náo nhiệt, đến nỗi mồ hôi đầy đầu. Lại có một đám con trai đang đào hố bắt dế mèn dưới đất. Có mấy đứa còn mặc quần thủng đít, mông vểnh rõ cao, trên mông còn có mấy cái bớt có thể thấy được rõ ràng.
Lần đầu tiên chàng gặp Đường Hành, thằng nhóc Đường Hành cũng đang mặc một cái quần thủng đít rộng thùng thình. Đường Hành còn nói đừng thấy nó còn nhỏ, thật ra nó cực kỳ ham học hỏi. Sau đó còn chỉ chỉ cái mông bóng loáng của mình, nói là ở đấy có hai vết bớt màu tím. Quả nhiên, mỗi khi đám trẻ con quần nhau thành một đống, chàng luôn có thể từ giữa nhung nhúc những mông là mông, nhanh chóng tìm ra Đường Hành, lôi nó ra khỏi đám ấy.
Nhưng mà sở trường nhất của Đường Hành không phải là đánh nhau mà là giả chết.
“Tử Hân ca ca, huynh chơi với đệ đi!”, vừa mới biết nhau chưa tới hai ngày, một sớm Đường Hành liền trèo lên đầu giường chàng, đưa ngón tay vạch mí mắt chàng, năn nỉ nói.
“Đệ muốn chơi cái gì?”, chàng dụi đôi mắt còn ngái ngủ hỏi.
“Đệ biết giả chết, huynh có biết không?”
Kế đó Đường Hành liền ở trên giường biểu diễn các kiểu chết: có trúng thương gục ngã, chết ngay tức thì; có toàn thân co giật, nôn máu ồng ộc; có trúng độc phát tác, mặt mũi nhăn nhó; có toàn thân trúng tên, ngửa mặt rống lớn; có tẩu hỏa nhập ma, lắc như rang đậu; có cưỡi ngựa trúng đao, ngã gục xuống đất; có giữa đường gặp phục kích, không địch nổi mà bỏ mạng; có bị tra tấn mà mắng chửi, đại nghĩa lẫm liệt; có dũng cảm đoạt binh khí, đồng quy vu tận… tóm lại là khiến Tử Hân há hốc mồm cứng đơ lưỡi, mắt hoa cả lên, không thể không thừa nhận kỹ thuật diễn suất của thằng nhóc bốn tuổi này quả là hạng nhất trong thiên hạ.
Cuối cùng, Đường Hành mồ hôi nhễ nhại hỏi: ”Có vui không?”.
“Vui lắm.”
“Đệ dạy huynh nhé. Xong rồi bọn mình cùng giả chết, cũng coi như có bạn.”
“Sao đệ cứ thích giả chết vậy?”
“Ca ca đệ thích đệ như thế, nếu không huynh ấy không chơi với đệ.”
Cũng là lần đầu tiên gặp mặt thì bị đối phương đánh một trận nên thân, nên ấn tượng của Tử Hân đối với Đường Phất còn xa mới mời bằng Lưu Tuấn.
Đường Phất cao lớn, lúc đi đứng ngực vươn rõ cao, không biết cưỡi ngựa nhưng lại thích xỏ một đôi giày đi ngựa vừa đen lại vừa sáng, khi bước đi trên sàn gỗ phát ra tiếng đang đang nghe rất oai. Nghe bảo nó vốn là vua của lũ trẻ trên con phố ở nhà mình, thủ hạ có mười mấy đứa lâu la, bọn chúng hoàn toàn nghe theo lời nó chỉ huy. Bởi thế Đường Phất không thèm chơi với tiểu đệ đệ nhỏ hơn mình bốn tuổi Đường Hành này. Mỗi lần ra ngoài nó lại không thể không mang theo Đường Hành nhưng cảm thấy đứa nhóc này chẳng có tác dụng gì, cho nên mỗi lần chơi đánh nhau, nhiệm vụ của Đường Hành toàn là giả chết… Lúc bắt đầu nó chỉ giả vờ đại khái thôi, còn kiêm cả các vai bưng trà rót nước, chạy cờ, ai ngờ càng về sau kinh nghiệm càng nhiều, giả chết giống tới kinh người, bọn nhỏ xung quanh không sao bắt chước làm được, từ đấy giả chết mới thành nhiệm vụ chuyên môn của nó.
Ngày hôm lần đầu tiên Tử Hân gặp Đường Phất thì đã cùng giả chết với Đường Hành ba lần rồi. Thật ra, Tử Hân vốn có thể diễn những vai hay ho hơn, ví dụ như sát thủ hắc đạo ngoan cố kháng cự. Không ngờ Đường Phất cho rằng Tử Hân vừa gầy vừa thọt, không xứng làm đối thủ của nó, mà kỹ thuật giả chết thì lại còn xa mới bằng Đường Hành, thế là chỉ thị Tử Hân làm thủ hạ của Đường Hành, đầu tiên là làm cường đạo chặn đường cướp bóc, sau đó hai người sẽ quỳ dưới đại đao của nó cầu xin tha thứ rồi cùng cũng bị nó vung đao chém chết. Kiểu trò chơi thế này cực kỳ đơn giản, nếu như người tham gia quá ít thì không có tình tiết gì đáng nói. Tử Hân “chết” ba lần thì đã thấy chán rồi, nhưng Đường Phất thì lại đang hứng trí hừng hực, sảng khoái không biết mệt. Vai của nó không phải là “hoàng thượng” thì là “nguyên soái”, lúc thì là “đại hiệp”. Trái ngược với nó, Đường Hành, Tử Hân ắt chỉ có thể chọn làm một trong các vai “phản thần”, “nghịch tặc” hoặc “ác đồ”. Chơi hết ba lượt xong, Tử Hân đột nhiên nói với Đường Phất: “Lần này đổi lại được không? Ta với Đường Hành là nguyên soái, ngươi làm ác tặc nhé?”, khuôn mặt Đường Phất lật tức sầm xuống, nói rằng trước giờ nó không diễn kẻ xấu. Tử Hân lập tức nổi giận dung đùng: “Ta cũng không phải kẻ xấu, sao lần nào ta cũng phải diễn người xấu?”, Đường Phất khoanh tay trước ngực, ánh mắt cực kỳ khinh bỉ nhìn nó nói: “Ngươi là thằng què, thằng què tức là kẻ xấu”.
Tử Hân một quyền vung tới, trúng ngay quai hàm Đường Phất. Đường Phất một cước đạp văng trượng của Tử Hân, đánh cho một trận tơi bời rồi nghênh ngang bỏ đi. Đường Hành chạy đi nhặt trượng cho Tử Hân rồi rút khăn tay lau máu mũi hộ, nhỏ giọng nói: “Tử Hân ca ca, đừng giận ca ca đệ, được không? Đây là… đây là bao hạt dẻ đường. Đệ không ăn nữa, cho huynh hết đấy! Huynh nguôi giận đi, được không?”.
Tử Hân bưng mũi, tức anh ách ngồi dậy nói: “Tại sao ta không được giận nó?”.
“Huynh mà không nghe lời ca ca đệ, huynh ấy lại sẽ đánh huynh đấy”, cứ như sợ Đường Phất vẫn còn đứng sau lưng mình, Đường Hành thì thầm hỏi: “Huynh sẽ không đi mách cha đệ chứ?”.
“Không đâu.”
“Nếu như huynh mách cha mẹ huynh, bọn họ sẽ đi mách cha đệ đấy.”
Nhìn bộ dạng cực kỳ lo lắng của Đường Hành, Tử Hân thở dài một tiếng, nói: “Ta sẽ không nói ra đâu”.
Thật ra, đám trẻ con trong Vân Mộng cốc cũng có quy tắc giống như thế. Bị đứa khác đánh rồi lại ôm mặt về khóc lóc mách với cha mẹ sẽ bị coi là đứa nhát gan bị ghét bỏ. Cho nên, lúc Tử Hân mũi sứt mặt sưng về tới nhà, đây sớm đã không còn là lần đầu tiên nó bị sưng mặt như vậy rồi. Phụ thân thấy không hề trách cứ gì, cũng không hỏi là ai đánh, chỉ bôi chút thuốc giảm đau cho rồi nói: “Đi chơi đi”.
Sợ bị truy hỏi, Tử Hân quay đầu đi về phòng, giữa đường vừa hay gặp đúng Tử Duyệt.
Là vua của lũ trẻ con ở Vân Mộng cốc, Tử Duyệt biết rõ ràng chuyện đánh nhau giữa bọn trẻ con. Bởi vì là đệ đệ của Tử Duyệt, chẳng có đứa nào trong đám trẻ con ở Vân Mộng cốc dám chủ động tìm Tử Hân gây sự đánh nhau. Đương nhiên, lúc bọn khác đánh nhau nó mò tới tự mình nhảy vào tham gia náo nhiệt mà ăn đòn thì không tính. Tử Duyệt thấy mặt mũi đệ đệ mình sưng vù như đầu heo, liền bấm tay tính xem hôm nay Tử Hân có thể đã đi những chỗ nào rồi đem tất cả nhớ hết vào lòng. Kế đó mặt không đổi sắc, chỉ nói chuyện với Tử Hân về cách vẽ bản đồ cho tới kế hoạch leo núi tiếp theo, tới hôm sau thì dẫn theo một đám trẻ con tìm Đường Phất tính toán sổ sách.
Vì vấn đề mặt mũi thể diện, lúc bắt đầu Đường Phất còn không chịu động thủ với đám trẻ con vắt mũi chưa sạch mặc quần thủng đít này. Huống chi còn có mấy đứa dùng tiếng địa phương chửi bới, khiến nó nghe không hiểu cũng không biết đường nào mà lần. Sau đó, Tử Duyệt hô lớn một tiếng: “Oánh nó!”, đám trẻ kia ồ ạt kéo lên, trong đó có mấy đứa nhìn qua thì tưởng là khờ khạo, thật ra đều từng luyện qua mấy ngày quyền cước rồi. Đường Phất chẳng phí chút sức nào đã đánh đổ ba đứa đầu hung hăng lao tới, ai ngờ bọn phía sau lớp lớp nhào tới, cuối cùng đánh nó thành ra muôn tía ngàn hồng, mấy ngày hôm sau vẫn nửa người nửa ngợm chẳng nhận ra nổi. Đường Hành ở một bên lo tới mức khóc rống lên, định chạy về nhà gọi cha. Tử Duyệt bèn kéo nó lại, dịu dàng dụ khị: “Đường Hành ngoan đừng khóc, ngày mai tỷ tỷ sẽ đưa đệ đi leo núi cùng tỷ tỷ nha, trên núi có rất nhiều thứ hay ho nhé, đệ sẽ rất thích đó. Trong phòng tỷ tỷ còn có mấy cái bánh hoa quế mới hấp, đệ có muốn ăn không? Tới đây, bọn mình đi lấy đi”, nói rồi dụ dỗ lừa gạt thằng bé, lôi nó tới phòng mình, cho nó mấy cái bánh ngọt, chẳng phí bao nhiêu thời gian đã dỗ được nó hồi tâm chuyển ý.
Cứ như thế, Tử Duyệt đã chia rẽ thành công huynh đệ Đường gia.
Lúc Tử Duyệt gặp Lưu Tuấn cũng định dùng cách ấy thu phục nhưng rồi phát hiện Lưu Tuấn so với Đường Phất còn khó đối phó hơn nhiều. Cùng là một lũ trẻ con xông vào nó, Lưu Tuấn nhanh tay nhanh mắt, tránh khỏi một bước, túm lấy bím tóc của Tử Duyệt. Chỉ nhẹ nhàng kéo một cái, cô bé liền kêu ré lên, đám trẻ con lập tức sợ hãi lùi lại ba bước. Tử Duyệt lập tức tỏ ra muốn đình chiến, còn nói đội leo núi của mình vừa hay còn thiếu một người có kinh nghiệm đi núi phong phú như Lưu Tuấn, hỏi Lưu Tuấn có muốn tham gia với bọn chúng hay không? Lưu Tuấn tỏ ra không thích thú lắm, cuối cùng dưới sự năn nỉ của đám trẻ mới miễn cưỡng đồng ý, nhưng lại không biết bản thân đã cứ thế rơi vào thòng lọng của Tử Duyệt, bất tri bất giác Lưu Tuấn trở thành thủ hạ số một của Tử Duyệt.
Thân cận với bằng hữu của mình, nhưng lại càng thân cận với địch nhân của mình hơn.
Đấy trước giờ vẫn là chiến thuật của Tử Duyệt.
…
Thiếu niên đứng giữa đám đông đang mải nghĩ ngợi lan man về chuyện cũ của mình, chợt nghe ở xa có người mất kiên nhẫn thét bảo:
“Này! Tiểu tử nhà ngươi đứng đấy làm cái gì hả? Đây là chỗ người ta làm ăn buôn bán, mỗi một vị trí đều phải trả tiền đấy. Này! Nói ngươi đấy! Thằng thọt kia!”
Chàng đưa mắt nhìn, thấy một người to béo cổ thô mặt đỏ, nồng nặc mùi rượu đang bước về phía mình, chàng bực tức nhìn chằm chằm vào hắn, nói: “Tên ta…”.
“Thèm vào ngươi gọi là cái gì thì có gì quan trọng! Ngươi trả tiền chưa? Ta là A Tam thu tiền, là lang đầu ở đây. Nếu ngươi định bày sạp ở đây thì phải trả tiền, hiểu chưa?”
Thiếu niên dáng vẻ bỡ ngỡ không hiểu, thắc mắc: “Lang đầu?”.
“Chính là người quản tô thuế của các cửa tiệm nơi này”, một người đang bán anh đào bên cạnh nhỏ giọng giải thích.
“Kỳ lạ, ngươi là người thôn nào? A Tam ta xuống nam ngược bắc, khẩu âm này ta đúng thật là chưa từng nghe qua. Quá kỳ lạ rồi!”
Cái khẩu âm quê mùa của chính tay A Tam này, thiếu niên cố lắm mới nghe được, không ngờ thì ra lời của mình, đối phương cũng không nghe hiểu lắm, không khỏi ngẩn ra tại chỗ, định nói tiếng quan thoại, lại cảm thấy quá nghiêm chỉnh. Nói không ổn mà không nói cũng không được.
“Tam ca còn bảo là mình có kiến thức, đây rõ ràng là khẩu âm người Mông Cổ ở quan ngoại, lần trước có một vị tới mua thuốc chuột, khẩu âm giống y hệt với vị tiểu ca này, xem ra vị này đây chính là người từ quan ngoại tới rồi.”
Đã có người đáp hộ, thiếu niên dứt khoát ngậm miệng lại.
Ở trong chợ chính là có chỗ tốt này, anh vĩnh viễn không cảm thấy cô độc. Người quan tâm tới anh vĩnh viễn rất nhiều. Có lúc sự nhiệt tình của người khác thậm chí còn khiến anh nghẹt thở.
A Tam cười ha ha, cảm thấy câu trả lời này cực kỳ vừa ý, ánh mắt vừa đảo liền đảo tới con ngựa, nói tiếp: “Con ngựa của lão đệ cũng thật là thần tuấn, nếu chịu bán giá hai chục lạng, chỗ sạp này là của ngươi. Tiền thuê tháng đầu tiên cũng không cần giao ra nữa”.
Thiếu niên đáp: “Ngựa này tôi không bán”.
“Đúng thế đúng thế, Tam ca cũng chẳng phải không thấy chân người ta không được tốt, thế mà còn đòi ngựa của người ta…”, ngấm ngầm, rì rầm có người xì xèo nói vào một câu, hai câu.
A Tam hung dữ quét mắt qua một lượt, chỉ thấy bảy tám người co đầu rụt cổ quay người bỏ đi ngay, tìm cũng không ra mục tiêu vừa nói.
Thiếu niên kéo mũ trên đầu xuống, cười nói: “Tam ca không biết quý tính là gì? Tiền sạp tôi tạm thời chưa có. Ngựa này cũng không định bán. Có điều, tôi thấy cái răng nanh này của Tam ca không tốt lắm, chỉ sợ đã hành Tam ca lâu ngày rồi. Hay là tôi giúp Tam ca nhổ nó xuống, rồi bôi thuốc, giảm sưng giúp huynh nhé. Phí khám này tôi không thu nữa, Tam ca để tôi dựng sạp ở đây ba ngày, thế nào?”.
Tuy đã là hoàng hôn, sắc trời vẫn chưa tối lắm. Thiếu niên người cao, tóc dài hơi xoăn, dưới vầng trán cao ngạo là đôi mắt lấp lánh như ánh sao. Hắn vốn ngậm miệng không nói, bộ dạng như đang khốn khổ suy tư, không khỏi khiến người ta ấn tượng hắn đang buồn bực. Ai ngờ lúc hắn mở miệng cười một cái, thái độ mềm mỏng, lại gọi thêm một tiếng “Tam ca” nhịp nhàng, khiến A Tam ngớ ra nhìn hắn, không làm sao cứng rắn được nữa.
Một câu này hỏi đúng chỗ hiểm, A Tam không nén được hừm một tiếng, khẩu khí cuối cùng cũng mềm lại: “Xin hỏi vị tiểu ca này kiếm ăn bằng nghề gì?”.
“Chút chút nghề vặt, lang trung giang hồ.”
“Nhìn một cái là thấy ngươi giống kẻ lăn lộn trong giang hồ rồi.”
Kể cả tối ngày mong mỏi được lăn lộn giang hồ nhưng nghe thấy người khác nói thế, trong lòng chàng vẫn cảm thấy có chút khó chịu không hiểu được.
“Ngươi không muốn thuê một gian à? Tiền thuê một quý chỉ có sáu mươi lượng. Cửa tiệm cũng có không ít: tiệm lớn mỗi quý bốn mươi lăm lượng, tiệm vừa ba mươi sáu lượng, tiệm nhỏ ba mươi lượng…”
“Tôi tạm thời chưa có tiền”, thiếu niên trả lời rất thẳng thắn.
“Được rồi, trông ngươi như thế cũng không giống là kẻ chuyên đi lừa gạt người khác. Ngươi thật sự biết nhổ răng hả?... Ta muốn nói, ngươi thật sự nhổ nổi cái răng này của ta à?”, A Tam chăm chú nhìn ngón tay dài thon thon, nhợt nhạt của thiếu niên.
“Nhổ nổi, tất nhiên là làm được”, thiếu niên nhạt giọng nói, rồi từ trên lưng ngựa lấy xuống một bọc đồ bằng vải lụa Hàng Châu tinh tế, rút ra một cái tráp dụng cụ mạ vàng, rồi lấy ra một cái kìm chế tạo cực kỳ tinh xảo.
Người xung quanh nghển cổ nhìn vào, đánh giá kỹ càng túi đồ của thiếu niên là biết ngay đây là bộ dụng cụ giá thượng hạng tuyệt không tầm thường rồi, đều cảm than thốt lên: “Ái dà, món này là hàng xịn, hang xịn rồi. Tôi nghĩ không biết ngoài nhổ răng ra, nó còn có thể nhổ cái gì nữa nha”.
Chàng mượn người bán hang bên cạnh một cốc nước, rửa tay thật kỹ, nhét một ít bông vào trong miệng A Tam, nhẹ giọng nói: “Huynh chớ có nhìn ta, được chưa?”.
A Tam gật gật đầu, hắn chưa gì đã lo lắng tới mức mồ hôi tứa ra đầy đầu rồi.
Thiếu niên kẹp chiếc răng nanh, cười nói: “Tôi còn phải đợi một chút nữa, đợi dược tính phát huy công hiệu rồi mới nhổ được, nếu không huynh sẽ thấy đau đấy”.
Nghe câu này, A Tam thở phào một cái, chẳng ngờ thiếu niên cổ tay đột nhiên vặn một cái rất gọn lẹ, đã nhẹ nhàng vô thanh vô tức nhổ cái răng nanh ra tới gốc.
Người xung quanh đều nhìn tới trợn mắt kinh ngạc vô cùng.
A Tam “úi” một tiếng, ôm lấy quai hàm một lúc rồi vỗ vỗ vai thiếu niên, nói: “Tay nghề khá lắm! Ngươi cứ ở đây mở sạp đi, tiền thuê tháng này ta sẽ thay ngươi trả”.
“Vậy phải đa tạ Tam ca rồi. Tam ca quý tính là gì?”
“Ta tên là Diêu Nhân. Ngươi thì sao?”
“Thật là khéo”, thiếu niên vuốt mái tóc dài bị gió thổi lệch sang bên, trên khuôn mặt trắng trẻo thanh tú thoáng hiện nét cười thần bí, nói: “Tiểu đệ cũng tên Diêu Nhân”.
“Tốt! Tốt! Có duyên! Mấy ngày nữa ta mời ngươi đi uống rượu”, Diêu Nhân hưng phấn cao giọng sang sảng nói, chẳng mảy may ý thức được đại danh của mình đã bị thiếu niên này bất động thanh sắc trộm dùng mất rồi… Thật ra cũng không nói là dùng trộm, trấn này vốn họ Diêu là chủ yếu, cái tên gọi là “Diêu Nhân” cũng đã có bảy, tám vị như vậy. Thêm một kẻ này nữa cũng chẳng tính là lạ gì.
“Đa tạ, tôi không uống rượu”, thiếu niên lựa lời cảm tạ, hiểu rõ những kiêng kỵ về đường ăn uống của mình sớm muộn gì cũng gây ra phiền phức, không khỏi cảm thấy xấu hổ một trận. Đáng tiếc câu này còn chưa kịp lọt vào tai Diêu Nhân, thì hắn đã sải bước đi mất rồi.
Trông bóng lưng Diêu Nhân, thiếu niên quay đầu lại, trên người chẳng có đồng nào, đói khát sắp không chịu nổi, nhưng vẫn đứng ngớ ra như một con ngan ngốc nghếch giữa các sạp hàng. Hồi lâu, lão hán bán anh đào bên cạnh cuối cùng lên tiếng hỏi: “Diêu Nhân, ngươi thật sự định tới đây mở sạp hành nghề hả?”.
Thiếu niên hơi sững ra, nhất thời chưa nghĩ ra đấy là tên của mình, sau ý thức được rồi gật đầu mạnh một cái, đáp: “Đúng thế, lão bá”.
“Thế thì sao ngươi không rao to lên? Cho dù ngươi rất biết nhổ răng thì cũng phải cố sức rao lên thì mới có người để ý tới ngươi chứ. Huống chi đây là ngày đầu tiên ngươi tới đây, chẳng quen biết ai, cũng chẳng ai biết ngươi tới đây làm cái gì. Không rao lên sao có khách hàng được?”
“Cháu đói quá, không có sức rao”, chàng thật thà đáp lại.
“Đây có nửa bát anh đào, là ta bán thừa lại, ngươi ăn trước đi.”
“Thật xin lỗi, cháu… không ăn được anh đào.”
“Kể cả ngươi đói chết cũng không ăn à?”, cảm thấy thiếu niên thật không biết cân nhắc, lão hán lập tức cảm thấy không vui.
Thiếu niên ngượng ngùng cười, không đáp lại.
“Tùy ngươi thôi, xem hôm nay ngươi có kiếm được đồng nào không. Giờ là cuối ngày rồi, chợ phiên này đã bắt đầu giải tán rồi đấy”, lão hán đứng dậy, lục đục sửa soạn thu dọn thùng gánh chuẩn bị ra về.
Thiếu niên nhướng mày, còn đang nghĩ xem mình nên dừng chân ở chỗ nào thì nghe thấy người trung niên mặt vuông mũi dài, bán hạt dẻ đường gần đó vỗ vỗ tay mình, thô giọng hỏi han:
“Ngươi có muốn ăn lạc không? Chỗ ta còn nửa túi đây, là do vợ ta muối đó… trông ngươi mặt mũi trắng trẻo, cũng không giống người từng nếm trải khổ sơ, sao tự nhiên lại rơi vào nơi này? Cha mẹ ngươi chết hết rồi à?”, mặc kệ chàng có muốn hay không, cứ dúi bọc giấy tới.
“Oa! Lạc muối? Đây là món tỷ tỷ tôi thích ăn nhất đấy, lúc tỷ ấy buồn bực hay giận dỗi, lần nào cũng ăn đầy một bát lạc đấy. Ngửi mùi thật thơm nha! Ướp với hồi và thảo quả đúng không? Mẫu thân tôi đặc biệt thích hồi. Đa tạ đại thúc, đa tạ đại thúc!”, thiếu niên tràn đầy cảm kích nói một thôi một hồi, ngừng một lát, lại bẽn lẽn lắc đầu: “Không được, tôi không ăn được lạc. Rất xin lỗi, đa tạ đại thúc”.
“Đến lạc cũng không ăn, ngươi có bệnh à?”
“Việc này… khụ khụ… tôi… tóm lại…”
“Chỗ ta còn một cái bánh nướng đây, bánh nướng thì ngươi ăn được chứ?”
“Xin hỏi bên trên có cho hành với vừng không?”
“Nói thừa, không có hai thứ ấy thì còn nướng bánh thế nào nữa?”
“Thật xin lỗi…”
“Lão đệ, cái bệnh phiền phức này của ngươi từ đâu ra vậy? Có từ trong bụng mẹ à?”
“Hẳn là đại thúc cũng nhìn ra rồi, trời sinh tôi khiếm khuyết.”
“À!”, đám tiểu thương bu đầu vào bàn bạc một trận, đều dùng ánh mắt ngạc nhiên nhìn chàng, thảo luận một hồi, cuối cùng nói: “Tiểu tử, ngươi hẳn phải ăn được màn thầu chứ?”.
“… Tôi không có tiền.”
Ba người móc trong người ra một đồng tiền, đưa vào tay một người khác, tới sạp bên cạnh mua một cái màn thầu:
“Cầm lấy đi, một cái màn thầu này ba văn tiền, xem như là các đại thúc mời ngươi. Tuổi còn nhỏ thế, cái này không ăn cái kia không ăn, khó nuôi như vậy thì ngươi làm sao mà lớn được chứ?”
Cái màn thầu ấy trắng phau phau, nóng hôi hổi, cầm vào tay còn hơi bỏng, vỏ bánh mỏng căng phồng muốn nứt, lớp vỏ không nhăn nheo chút nào. Thiếu niên trong lòng nóng lên, xúc động run giọng nói: “Đa tạ các vị đại thúc!”, nói xong cúi gằm đầu xuống, bửa từng miếng từng miếng nhỏ đưa vào miệng, nhai nuốt một cách từ tốn nhỏ nhẹ ăn cái màn thầu.
“Chậc chậc, ngươi ăn màn thầu như thế à?... Thật là quá tao nhã rồi! Đây là lần đầu tiên ta thấy có người ăn màn thầu như thế đấy, để về nhà ta cũng phải dạy con gái nhà ta như thế. Xin hỏi bánh nướng cuốn hành tây phải ăn thế nào?”
“Tôi chưa từng ăn món đó”, thiếu niên khách khí đáp.
“Nếu ngươi ăn món ấy, chắc sẽ không giống như thổi loa chứ, đúng không?”
“Tôi nghĩ chắc là không.”
Đám tiểu thương cười phá lên vui vẻ.
Cái màn thầu kia to suýt soát một cái gối, mọi người đã tản ra, đám đông tụ tập quanh chàng đã tan hết rồi mà chàng vẫn chưa ăn xong hết cái màn thầu. Dần dần, ánh đèn trên con phố dài le lói, người trên đường qua lại thưa thớt hẳn. Chàng đứng ngơ ngác trên đường một mình một lúc, trời bỗng nhiên đổ cơn mưa to.
Giờ chàng mới nghĩ tới, bản thân mình vốn không có một xu dính túi, tất nhiên đến một chỗ dừng chân đêm nay cũng không có. Tử Hân hốt hoảng kéo một người qua đường lại hỏi thăm mới biết trên sườn núi đông của trấn có một ngôi miếu bỏ hoang, trước là nơi đám ăn mày thường ngủ lại.
“Chỗ đó tạm thời có thể tránh gió tránh mưa, chỉ là không được sạch sẽ cho lắm đâu. Tiểu ca à, nếu ngươi có chỗ nào khác thì chớ nên tới đó ngủ qua đêm. Nghe nói… chỗ đó có quỷ đấy.”
…
Ngôi miếu đó quả nhiên trông tàn tạ vô cùng.
Trên cửa sổ giấy ngang ngang dọc dọc là nhớt của ốc sên dính lại. Cửa lớn khép hờ, vẹo hẳn sang một bên trông thật thảm hại. Trước cửa cỏ rậm lấp lối, mấy tảng đá vỡ lác đác khắp nơi, một cây cổ thụ bị cây leo bám chặt tới mức cành cây vặn vẹo uốn khúc, chìa nanh giơ vuốt ra trông thật đe dọa. Sau lưng sơn miếu là một khoảng chân núi càng hoang vu lạnh lẽo hơn, nhấp nhô liên miên, xa không thấy tận cùng. Sương mù trắng xóa lại như sóng biển trào dâng mãnh liệt từ trên đỉnh tràn xuống, từ trên nóc sơn miếu tán ra tứ phương, ở giữa hình thành một vòng xoáy rất lớn. Ở phía xa sấm giật ầm ầm, chớp xé thiên không, vòng xoáy kia từ từ cuộn tròn, dưới ánh điện chớp, bốc lên một luồng ánh đỏ đáng ngờ.
Tiếng mưa, tiếng sấm chớp vang vọng trong đêm lại càng tăng thêm sự yên tĩnh kỳ dị của tòa sơn miếu đổ nát. Chàng đi tới cửa, thấy nước mưa men theo hiên trước nhỏ xuống, rơi trên ngói lớp ngói lưu li vỡ nát. Bên trái cửa có một vại nước sứt miệng, tiếng nước nhỏ vào đó vọng ra thứ âm thanh lạ lùng. Tiếng mưa lúc thưa lúc mau, tựa như ẩn hàm một dạng tiết tấu dụ lòng người. Chàng lắng nghe hồi lâu, tâm tư bay bổng tận nơi nào.
Cho đến khi chàng hoàn hồn lại mới phát hiện bên trong cửa sổ hắt ra có ánh lửa le lói.
Trong miếu có người.
Chàng dắt ngựa, đẩy cửa tiến vào.
Lần đầu tiên Tử Hân gặp Trúc Ân chính là ở tại nơi này.