Tóm lược
Ghi nhớ và vận dụng năng lực của trí não là vấn đề quan trọng và đặc biệt cấp bách với các bạn sinh viên đang cảm thấy việc học của mình không khác gì địa ngục. Tuy nhiên, sẽ là bất cẩn nếu ngay từ đầu, quyển sách nhảy ngay vào phần chỉ dẫn các kỹ năng và phương pháp ghi nhớ cho các bạn, bởi “dục tốc bất đạt” – việc không hiểu rõ được nguồn căn của vấn đề sẽ chỉ khiến bạn thêm sa đà vào những chiến lược học tập sai lầm, và sẽ càng khiến bạn tự ti hơn về khả năng học tập của bản thân. Vì thế, trong chương đầu này, tôi sẽ dẫn dắt và giúp các bạn tìm hiểu sâu về bộ não con người, để từ đó phân tích cho bạn thấy được những vấn đề quan trọng về trí nhớ và cách nó hoạt động. Hơn hết thảy, đây chính là những kiến thức tối quan trọng nếu bạn muốn thành công trong học tập. Hiểu rõ các loại trí nhớ, giải mã bí ẩn về hai bán cầu não và lối tư duy liên hợp,… chính là bước đầu tiên giúp bạn khai phá hết tiềm năng vô tận của bộ não mình.
Sức mạnh của não bộ
Bộ não của bạn chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh được gọi là nơ-ron, mỗi tế bào lại có khoảng 7.000 liên kết với những tế bào xung quanh nó. Một vài vùng não sẽ bị lão hóa và suy giảm chức năng theo năm tháng nhưng bộ não vẫn bảo toàn khoảng hơn 500 ngàn tỷ xi-náp, tức các khớp thần kinh truyền dẫn thông tin giữa các tế bào, nhằm cung cấp mọi nguyên liệu cần thiết cho quá trình sản sinh và lưu giữ ký ức trong suốt đời người. Cơ thể con người là một cỗ máy kỳ diệu, trong đó bộ não là cơ quan phức tạp hơn bất kỳ bộ phận nào khác. Dù chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể con người nhưng bộ não lại tiêu thụ đến 1/5 lượng oxy trong máu. Khối hình dạng như miếng bọt biển nhăn nheo ấy chứa đến hơn 100.000 dặm mạch máu và lượng điện tích nó sử dụng là đủ để thắp sáng một bóng đèn 10 watt.
Bộ não của bạn hoạt động không ngừng nghỉ, không ngừng tiếp nhận và cập nhật những thông tin mới, và thông qua khả năng ghi nhớ mà đối chiếu những thông tin mới này với các kinh nghiệm trong quá khứ, thậm chí là từ đó tạo ra những ký ức về những sự kiện có khả năng xảy ra trong tương lai. Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự ăn mừng vì bản thân có một bộ não quá đỗi tuyệt vời. Bạn đã học hỏi hàng tỷ tỷ thứ, bạn có thể nhớ lại một sự kiện trong tích tắc và liên tục bổ sung vô khối thông tin mới vào một hệ thống lưu trữ siêu tối tân được gọi là trí não.
Mối liên hệ giữa trí não và việc học
Học hỏi là sự phối hợp các kỹ năng trí não khác nhau, bao gồm cả tiếp thu thông tin, tư duy, ghi nhớ, hồi tưởng,… mà bạn phải phối hợp vận dụng trong từng trường hợp cụ thể, trong suốt cả đời người. Từ những kỹ năng bạn thu lượm được khi còn bé như trườn, bò, đi đứng,… cho đến những kỹ năng bạn thu thập qua quá trình trải nghiệm của mình, tất cả đều có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của bạn về thế giới, và về chính bản thân.
Những kiến thức mà bạn sở hữu hiện nay là kết quả của việc học hỏi tự nhiên cũng như tiếp thu có chủ đích trong suốt quá trình trưởng thành. Và càng lớn, bạn càng chủ động hơn trong việc chọn lọc xem mình nên và cần học những gì. Đơn cử việc bạn đang đọc quyển sách này chứng tỏ bạn đã có định hướng và mục tiêu nào đó trong học tập và phát triển của bản thân. Tuy nhiên, cần lưu ý là những kỹ năng học tập hiệu quả nhất đều dựa trên nền tảng khả năng tiếp thu bẩm sinh của trí não, vì thế đừng xem nhẹ quá trình học “theo bản năng” của mình.
Các thử nghiệm khoa học đã cho thấy thai nhi có thể ghi nhớ những chuỗi âm thanh. Chẳng hạn như ngay từ khi còn trong bụng mẹ, các em bé đã biết phản ứng với âm nhạc, và các bé sẽ cử động theo nhịp điệu của âm thanh. Bộ não của chúng ta cực kỳ nhạy trong việc nhận ra quy tắc, nhịp điệu từ các chuỗi thông tin để hình thành trí nhớ. Và đây chỉ là một trong rất nhiều những kỹ năng bẩm sinh của trí não mà chúng ta có thể sử dụng để hỗ trợ việc ghi nhớ.
Trí nhớ là tất cả
Bạn của ngày hôm nay là kết quả tổng hợp tất cả các kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ. Mọi điều bạn nghĩ, nói, hành động đều phụ thuộc vào trí nhớ.
Ở cấp độ cơ bản nhất, về mặt thể lý thì sự sống của bạn được duy trì nhờ các hoạt động mang tính bản năng như sự co bóp của tim, dãn nở buồng phổi hay các phản ứng sinh hóa xảy ra trong cơ thể. Các bộ phận trong cơ thể “nhớ” chức năng của chúng để giúp con người lẫn các loài sinh vật khác duy trì sự sống. Bên cạnh đó là những hoạt động mà bạn phải học cách thực hiện trong quá trình trưởng thành như giữ thăng bằng, đi đứng, sử dụng ngón tay và bàn tay, các kỹ năng, kỹ xảo và vô số hành vi khác,… Quá trình luyện tập đem lại cho bạn sự thuần thục đến độ các kinh nghiệm ấy in sâu vào trí nhớ; và ở mức độ này, bạn có thể tự động vận dụng các kỹ năng này khi gặp tình huống thích hợp, giúp bạn xây dựng hệ thống kiến thức cho bản thân về thế giới xung quanh: từ con người, đồ vật, cho đến những kiến thức phổ thông hay một lĩnh vực chuyên môn nào đó.
Các khu vực đảm nhiệm việc ghi nhớ của bộ não
Trí nhớ của chúng ta được hình thành và lưu trữ trên khắp vùng vỏ não. Ngoài ra, bên dưới lớp vỏ não cũng có một số cơ quan liên quan đến việc ghi nhớ, như:
• Hồi hải mã làm nhiệm vụ trung chuyển các ký ức trong trí nhớ ngắn hạn, lưu vào vùng vỏ não, vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát trí nhớ dài hạn, vốn dĩ cực kỳ cần thiết cho quá trình học tập có chủ đích. Ngoài ra, hoạt động của hồi hải mã còn ảnh hưởng đến khả năng định hướng trong không gian.
• Tiểu não tham gia vào quá trình hình thành trí nhớ quy trình và các kỹ năng phản xạ, tập hợp những hành vi mà con người đã thuần thục.
• Hạch hạnh nhân là trung tâm ghi nhớ và xử lý các cảm xúc, cũng như đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hình thành trí nhớ dài hạn.
Ngoài vỏ não, bộ não của chúng ta có bốn thùy giữ các chức năng riêng biệt đối với trí nhớ. Chẳng hạn, thùy trán đóng vai trò quan trọng đối với việc tiếp thu thông tin trong thời gian ngắn và điều phối các ký ức, tìm kiếm các chi tiết xảy ra trong quá khứ và lập kế hoạch cho tương lai; còn trí nhớ phân đoạn lại phụ thuộc nhiều vào thùy thái dương,…
Phép ghi ảnh toàn ký(*)
(*) Ảnh toàn ký: ảnh chụp trong không gian ba chiều.
Phép ghi ảnh toàn ký thể hiện một ảnh hai chiều, song dưới những điều kiện chiếu sáng và quan sát nhất định thì người xem sẽ nhìn thấy một hình ảnh ba chiều trọn vẹn. Theo lý thuyết này, nếu ảnh ba chiều bị chia nhỏ ra thì mỗi mảnh vẫn chứa đựng hoàn chỉnh hình ảnh nguyên gốc với kích thước nhỏ hơn, và từ một phần toàn ảnh đó người ta có thể khôi phục toàn bộ phiên bản gốc. Đây chính là tiền đề của lý thuyết “bộ não toàn ảnh” mà trong đó, bộ não của bạn là một mạng lưới bố trí thông tin phức tạp phân bổ đều không gian não chứ không phải chỉ riêng ở các khu vực lưu trữ riêng biệt. Khi đó, chúng ta sẽ không tìm kiếm một ký ức bằng cách xác định trước “địa chỉ” cụ thể trong kho trí nhớ rồi đến thẳng đó, mà là từ một chi tiết bất kỳ, ta lần theo các kết nối thần kinh trong trí não để tìm đến nơi lưu giữ ký ức cần tìm.
Trên thực tế, não bộ được thiết kế để tự động loại bỏ bớt các thông tin nó cho là không cần thiết, bằng không não sẽ quá tải trong việc xử lý quá nhiều thông tin mà các giác quan không ngừng gửi về, và có thể gây ảnh hưởng đến chức năng điều khiển các hoạt động sinh tồn khác của cơ thể. Tuy nhiên, như đã tìm hiểu thì vẫn có những chi tiết không những không mất đi mà chúng ta còn có thể nhớ như in qua năm tháng. Từ những chi tiết này, ta sẽ có thể ứng dụng các kỹ thuật ghi nhớ, chẳng hạn như lý thuyết “bộ não toàn ảnh”, để hỗ trợ việc ghi nhớ và mở ra một chân trời học tập hoàn toàn mới.
Trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn
Việc biến một thông tin thành ký ức được lưu giữ trong trí nhớ dài hạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
• Quyết tâm của bạn trong việc học
• Tầm quan trọng của môn học, hay một đề tài nghiên cứu đối với bạn
• Thời gian và tính điều độ trong việc ôn luyện
• Khả năng vận dụng các kiến thức của môn học vào cuộc sống
• Cách bạn giữ cho các kiến thức đã học không bị mai một
Dù vậy, tất cả các nhân tố trên đều trở nên vô nghĩa nếu không vượt qua được “cuộc sát hạch” đầu tiên: trở thành ký ức ngắn hạn, được trí nhớ ngắn hạn lưu giữ.
Trí nhớ ngắn hạn không đơn thuần chỉ là một hình thức lưu trữ ngắn hơn một chút về mặt thời gian đối với trí nhớ dài hạn, mà là cực kỳ chóng vánh. Chỉ trong tích tắc tính từ lúc não tiếp nhận, nếu thông tin không được chuyển đổi thành trí nhớ dài hạn thì nó tự động sẽ bị loại bỏ khỏi đầu óc chúng ta. Chẳng có gì bảo đảm là chỉ cần nhìn qua hay nghe qua là chúng ta sẽ còn nhớ được tất cả thông tin mình đã trải nghiệm, dẫu cho chuyện chỉ mới xảy ra có vài giây trước. Đây quả là sự thật phũ phàng với rất nhiều các cô cậu sinh viên, những người vẫn cứ hì hụi ôn tập theo lối học thụ động để rồi cứ băn khoăn về lý do mình chẳng nhớ được bao nhiêu.
Trí nhớ ngắn hạn
Các giác quan ghi nhận những tác động từ môi trường rồi truyền các tín hiệu đó lên não, ở đó thông tin được lưu giữ tạm thời. Sau đó, một vài chi tiết sẽ được chuyển qua trí nhớ dài hạn. Từ đây về sau, những ký ức đó có thể được hồi tưởng lại, và chúng có thể tồn tại thậm chí suốt đời một người nếu không gặp tác động gì lớn.
Hiểu được cơ chế của việc hình thành trí nhớ ngắn hạn rồi từ đó hình thành tiếp trí nhớ dài hạn, chúng ta mới có thể khai thác hết tiềm năng trí nhớ của mình. Trong chương sau, bạn sẽ hiểu rõ quá trình này hơn ngay từ bước đầu – khi bạn bắt gặp thông tin mà bản thân muốn tìm hiểu và ghi nhớ.
Trí nhớ hình thành như thế nào?
Quá trình hình thành trí nhớ tuy phức tạp nhưng có thể được phân chia thành bốn giai đoạn chính:
• Thu thập: là khả năng tập trung và định hướng, vận dụng chức năng các giác quan của bạn để thu thập thông tin về đối tượng bạn muốn ghi nhớ.
• Chọn lọc: giữ lại những phần quan trọng trong quá trình não bộ sàng lọc xem chi tiết nào sẽ được chuyển thành ký ức dài hạn.
• Lưu trữ: định hình ký ức ấy lại theo một cơ chế hợp lý và vững chắc trong trí nhớ, liên tục củng cố để nó luôn có thể được gợi nhắc và đem ra vận dụng một cách dễ dàng.
• Truy hồi: bất cứ lúc nào cần, bạn có thể hồi tưởng và nhớ lại thông tin.
Khi rèn luyện khả năng ghi nhớ, bạn cũng cần tuân thủ bốn bước dựa theo bốn giai đoạn trên. Nếu ngay trong bước thu thập đầu tiên, bạn đã không thực hiện tốt thì toàn bộ quá trình học tiếp sau đó của bạn sẽ đi vào ngõ cụt. Phần lớn sinh viên lãng phí rất nhiều thời gian và công sức để cố nhồi nhét vào đầu nhưng như thế chỉ khiến trí nhớ bão hòa, rốt cục vẫn là học trước quên sau. Bạn có thể tiếp cận vô số thông tin nhưng làm cách nào để ngăn chặn chúng “du hành” từ lỗ tai này sang lỗ tai kia rồi bay luôn ra khỏi đầu? Với những gì đã biết, chúng ta hiểu rằng vấn đề là phải “chinh phục” được trí nhớ ngắn hạn, phải giữ các thông tin ở trong đầu đủ lâu để được hồi hải mã xử lý và chuyển vào vùng trí nhớ dài hạn ở vỏ não.
Tại sao bạn học đâu quên đó?
Bây giờ chắc bạn đã nhận ra lý do tại sao một số nỗ lực trong học tập của mình lại không mấy hiệu quả. Một trong những trở ngại chính trong việc tiếp thu đến từ các nguồn tài liệu sách vở, do bạn được phát hoặc tự tìm kiếm. Hầu như tất cả đều được biên soạn để bạn đọc vào quên ngay: in giấy trắng đen, trình bày đơn điệu, trang nào cũng giống trang nào, nội dung thì diễn giải theo kiểu trừu tượng, đánh đố, các ý chính không ăn nhập gì với nhau. Nếu bạn chỉ đơn thuần đọc hay nghe một cách thụ động, trí não của bạn cũng tự động thu thập ít nhiều thông tin, nhưng hầu như không đáng kể. Nên nhớ bộ não của bạn không phải là một chiếc máy tính, nhập thông tin vào thôi thì chưa đủ để trí nhớ lưu nó lại.
Bên cạnh đó còn các tác nhân khác như sự xao nhãng, thiếu hứng thú, người học không chịu ôn luyện,… Những điều này cũng ảnh hưởng xấu tới quá trình ghi nhớ, gây ra kết quả không mấy khả quan cho những sĩ tử đang ngày đêm miệt mài đèn sách. Bạn cần ý thức các thử thách trong giai đoạn đầu tiên tạo lập trí nhớ để biết cách đối phó, bằng không dù bạn có cố gắng thế nào thì việc học cũng không mấy tiến bộ.
Hãy đổi chiến thuật học, hay đơn giản hơn là nghỉ giải lao giữa giờ
Việc tổ chức tốt thời gian biểu học tập sẽ giúp bạn loại bỏ các tác nhân làm giảm hiệu quả. Đừng bao giờ cố học liên tục các đề tài tương tự nhau trong suốt một thời gian dài. Luân phiên các môn học hoặc chủ đề khác nhau sẽ giúp trí nhớ minh mẫn hơn và hạn chế sự xao nhãng, chán nản vốn thường xuyên xảy ra trong đầu bạn.
Từ lúc được nhận biết qua các giác quan của bạn cho đến khi được chuyển hóa thành ký ức dài hạn, các thông tin phải vượt qua khá nhiều “cửa ải”. Nhưng đừng vì vậy mà nản chí: nhận biết được các trở ngại, bạn sẽ biết cách hạn chế chúng để hoàn toàn làm chủ quá trình học tập ngay từ bước khởi đầu.
Hiểu được cơ chế hoạt động của trí nhớ, ta sẽ có thể khai thác thế mạnh và hạn chế khiếm khuyết của nó bằng những cách tiếp cận phù hợp. Các sinh viên tài năng đều có những chiến lược học tập khôn ngoan và tạo môi trường tiếp thu tốt nhất cho trí nhớ của mình phát huy.
Sự thật về “não trái” và “não phải”
“Não trái/não phải” là tên gọi tắt của “bán cầu não trái/ bán cầu não phải”, hai phần cấu tạo nên bộ phận vỏ não của não bộ con người. Và khi nhắc đến việc khai thác sức mạnh của bộ não và có liên quan đến sự hiểu biết, ta đang nói về phần “não trái/não phải” này đây.
Nguyên do nằm ở việc vỏ não kiểm soát toàn bộ phần trí nhớ chính cũng như các kỹ năng học tập mà chúng ta vẫn thường vận dụng. Và xét về mặt chức năng, hai phần bán cầu não này đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau, cụ thể như sau:
• Não trái đảm nhiệm các chức năng: Ngôn ngữ – Logic – Số học – Tư duy dạng chuỗi – Hàng lối – Phân tích – Danh sách.
• Não phải đảm nhiệm các chức năng: Nhịp điệu – Không gian – Nhận thức – Kích cỡ – Tưởng tượng – Mơ mộng – Màu sắc – Tính tổng thể – Nhận thức cấu trúc.
Cũng từ đây mà xu hướng phân loại các hoạt động cụ thể của con người gắn với mỗi bên bán cầu não dần phổ biến hơn, chẳng hạn khi nói đến học thuật, trí tuệ và kinh doanh là ta nghĩ ngay đến bán cầu não trái, còn những hoạt động như sáng tạo, nghệ thuật và trực giác lại liên quan đến bán cầu não phải. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề.
Bí ẩn đằng sau những kỹ thuật ghi nhớ siêu việt
Bằng các kỹ thuật chụp ảnh não ngày nay, các nhà thần kinh học đã giải mã được vì sao các kỹ thuật ghi nhớ cổ điển lại hết sức hiệu quả. Đó là do các phương pháp ấy tận dụng được chức năng của cả hai bán cầu não của con người, kết hợp với những bộ phận khác trong não có khả năng hỗ trợ việc ghi nhớ. Vậy tại sao việc kết hợp chức năng của cả hai bán cầu não lại giúp bạn ghi nhớ tốt hơn?
Cuộc nghiên cứu về não trái và não phải
Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, nhà thần kinh học người Mỹ Roger Sperry và các đồng sự đã tiến hành thí nghiệm trên các bệnh nhân có hai phần não bị tách rời. Phần não của các bệnh nhân này đã bị cắt bỏ thể chai (tức các bó mô nối liền hai bán cầu não) trong quá trình điều trị chứng động kinh. Nhờ đó mà ông có điều kiện kiểm tra và xác thực chức năng riêng biệt của từng bán cầu não và xác định tính ưu việt lẫn các nhiệm vụ đặc trưng của mỗi bên – như não trái chịu trách nhiệm về tư duy phân tích,… còn não phải nhận thức về mặt không gian,...
Không những thế, thí nghiệm cũng làm sáng tỏ sự đòi hỏi phải phối hợp đồng thời chức năng của hai phần não. Cụ thể là với việc thể chai bị cắt bỏ, tức quá trình dẫn truyền thông tin giữa hai bán cầu não đã bị cắt đứt, người bệnh tỏ ra lúng túng khi chỉ “được phép” dùng duy nhất một bên bán cầu não của mình để xử lý một thông tin nào đó, bất kể thông tin đó có đúng là “chuyên môn” của phần bán cầu não đó không.
Điều này cho thấy việc một chức năng chuyên biệt, chẳng hạn như tính toán, ngôn ngữ, nhận biết không gian, nhịp điệu,… không chỉ đơn giản được thực thi ở riêng một bán cầu não nào. Trên thực tế, khi một bán cầu não đang thực hiện một chức năng chuyên biệt của nó (như bán cầu não trái đang thực hiện chức năng tính toán) thì phần bán cầu não còn lại cũng đang “âm thầm” hoạt động và hỗ trợ bán cầu não kia. Như vậy, việc thực hiện hoàn chỉnh một hoạt động tư duy (trong đó có việc ghi nhớ) đòi hỏi sự kết hợp các kỹ năng từ cả hai bán cầu não.
Tư duy liên hợp
Để trở thành một người học có khả năng tư duy tốt, bạn cần luyện tập và phát triển đồng thời hai bán cầu não lẫn khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa não trái và não phải. Não trái thiên về việc xử lý chi tiết, nhưng điều này sẽ không mấy hiệu quả nếu thiếu “cái nhìn” tổng thể từ não phải. Não phải có thể ghi nhớ gương mặt, nhưng chúng ta sẽ làm được gì nếu không thể nối kết với khả năng nhận biết các thông tin liên quan đến gương mặt đó như tên, tuổi,…? Mọi chức năng của một bên bán cầu não đều có sự liên đới tới hoạt động của bán cầu não còn lại. Ngay đến những năng khiếu nghệ thuật, vốn dĩ thuộc “địa phận” của não phải, vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các kỹ năng thuộc não trái. Vậy, để “tăng lực” cho trí nhớ nhằm hỗ trợ việc học tập, bạn cần phải kích hoạt khả năng của toàn bộ cả hai bán cầu não của mình.
Đừng ngộ nhận
Hãy loại bỏ thái độ phân biệt hết sức sai lầm rằng một bên bán cầu não này ưu việt hơn bên bán cầu não còn lại, hoặc việc cố tự phong mình là người có “não trái” giỏi giang hay chỉ chuyên về những lĩnh vực của “não phải”. Không loại trừ việc những hoạt động theo thói quen hàng ngày trong cuộc sống (như việc thuận tay trái hay tay phải) sẽ tạo những tác động có phần thiên lệch lên sự hoạt động của hai bán cầu não. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng để giải phóng hết tiềm năng, nhất là trong học tập – chúng ta phải luôn vận dụng cả hai bán cầu não. Ở các phần sau, cuốn sách sẽ giới thiệu đến bạn đọc những bài tập giúp bạn phát triển đồng đều cả hai bên bán cầu não, lẫn khả năng phối hợp của chúng.
Trái-phải hợp sức
Tất cả các phương pháp ghi nhớ hiệu quả nhất đều dựa trên nguyên tắc: phối hợp cả hai bán cầu não. Vậy nếu vận dụng toàn bộ trí não, bạn sẽ làm được gì? Bạn có thể hình dung ra một hình ảnh sống động trong tâm trí để gợi nhắc mình bất cứ điều gì, việc cần làm tiếp theo là khiến cho những dữ kiện ấy đủ ấn tượng để in sâu vào trí nhớ. Trí tưởng tượng không chỉ là thế mạnh của não phải – bạn còn có thể dùng não phải để cường điệu hóa, thêm thắt những chi tiết kích thích các giác quan và đặc biệt là khơi gợi được cảm xúc.
Tiếp đó bạn cần đến não trái để tổ chức các ý tưởng ấy trong kho trí nhớ của mình. Nhờ có khả năng tư duy logic bạn mới xâu chuỗi các hình ảnh thành một bối cảnh hay mạch chuyện – từ đó giúp bạn tiếp thu và ghi nhớ một cách toàn diện nhất.
Và đến lúc cần hồi tưởng lại các dữ kiện đã học, bạn sẽ biết đích xác mình cần lục tìm ở đâu trong trí nhớ của mình. Bạn có thể bắt đầu bằng cách dùng bán cầu não trái để nhớ ra một cách chính xác từng chi tiết rồi sắp xếp lại các chi tiết đó và dần dần tạo thành ý tưởng tổng thể. Và bạn cũng có thể gắn liền dữ kiện với cảm xúc, phát hiện những góc nhìn mới và khám phá nhiều ý nghĩa sâu xa hơn từ các mối liên kết – tất cả chỉ có thể nếu bạn vận dụng cái nhìn toàn cảnh và sáng tạo từ bán cầu não phải.
Các phương thức tiếp thu
Cũng giống như ý niệm “não trái/não phải”, nhiều người có xu hướng chỉ gán duy nhất một “phong cách” tiếp thu nào đó cho bản thân hoặc cho người khác, và chính quan niệm đó đã vô tình tạo nên rào cản cho quá trình học tập của họ. Các phương thức tiếp thu khác nhau nên được xem xét trên mối tương quan với từng giai đoạn phát triển khác nhau của đời người, những dạng tính cách khác nhau, lẫn trong mỗi công việc cụ thể. Và đáng lý ra tất cả các kênh tiếp thu này phải được phối hợp để tạo nên một “vũ khí” học tập lợi hại, chứ không phải bị tách vụn nhau ra và bị đính vào mình những thứ nhãn mác vô bổ như cách hiểu sai lệch của nhiều người.
Ba phương thức tiếp thu phổ biến
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy ba phương thức tiếp thu sau đây là khá phổ biến trong việc học:
Tiếp thu bằng vận động là cách học qua việc thực hành, như cầm, nắm, lắp ghép hay các hoạt động thể chất. Đây là kênh học hỏi điển hình của trẻ nhỏ, vì ban đầu bất cứ đứa trẻ nào cũng phải khám phá thế giới xung quanh qua các xúc giác: sờ nắn (và đôi khi là nhai thử) mọi vật trong tầm với, lắng nghe các bài hát thiếu nhi kèm quan sát các vũ điệu đi cùng bài hát đó,… Theo thời gian, chúng ta dần làm quen với các thiết bị mới, trở thành các nhà thiện nghệ trong các môn thể thao, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật lẫn những kỹ năng thể chất khác – chúng ta không ngừng học hỏi thông qua chính cơ thể của mình.
Tiếp thu bằng âm thanh là cách học qua việc lắng nghe, chẳng hạn như nghe giảng bài, âm nhạc hay giai điệu, hay thông qua chính việc tự thoại và nhẩm đi nhẩm lại trong đầu những nội dung muốn ghi nhớ. Chúng ta thậm chí đã biết dùng kênh tiếp thu này trước khi biết đọc biết viết và vẫn tiếp tục vận dụng trong suốt quá trình học hỏi sau này, như nghe đài phát thanh, trao đổi với bạn bè, nghe giảng trên lớp,...
Tiếp thu bằng hình ảnh dựa trên việc nhìn ngắm, quan sát và đọc. Con người đã biết quan sát rồi bắt chước, sau đó là học tập từ những gì mà thị giác tiếp nhận được, trước cả khi biết sử dụng ngôn ngữ để học hỏi. Khi trưởng thành, kênh tiếp thu này càng thể hiện vai trò ưu việt hơn hẳn các giác quan khác trong học tập.
Bạn ưa thích phương thức nào hơn?
Để thành công trong học tập nói riêng và trong cuộc sống nói chung, bạn cần biết tận dụng tốt cả ba phương thức tiếp thu trên, tuy nhiên bạn tự thấy mình có năng khiếu với phương thức nào hơn – vận động, âm thanh hay hình ảnh? Thí dụ, bạn vừa mua một chiếc máy tính đời mới và bạn sẽ tự mày mò, nhờ người khác hướng dẫn cách dùng hay bạn sẽ tự đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng? Thông thường bạn sẽ kết hợp cả ba – nhưng phương thức nào chiếm tỷ lệ nhiều hơn? Lĩnh vực mà bạn đang học hỏi có đòi hỏi việc đặt trọng tâm vào một phương thức tiếp thu nào đó, hơn hẳn hai phương thức còn lại không? Bạn có bao giờ thử chuyển sang một cách học mới khác với lối thông thường của mình? Trường hợp nào bạn có thể sử dụng đồng thời cả ba phương thức tiếp thu?
Hãy mở lòng, mở tâm trí
Một khi đã thấy được tầm quan trọng của việc phối hợp hai bán cầu não và cân nhắc xem bản thân mình ưa thích phương thức tiếp thu nào hơn, đã đến lúc bạn phải phát triển bản thân nhiều hơn nữa. Chỉ phụ thuộc một cách tiếp cận đơn lẻ đồng nghĩa với việc tự giới hạn bản thân với các cơ hội khám phá và học hỏi khác. Bằng việc phân tích kênh tiếp thu chủ đạo của mình, bạn có thể hoàn thiện nó hơn, sau đó cải thiện thêm các phương thức tiếp thu còn lại và trang bị cho mình những kỹ năng trí nhớ cần thiết để mở khóa tiềm năng thật sự của bộ não. Hãy mở rộng tư duy, sẵn lòng thay đổi và bắt đầu một cuộc “cải tổ” với cách học của mình.
Thật ra bất kể tính cách, sở trường, sở đoản hay kinh nghiệm trước đây thế nào, bạn hoàn toàn có thể học tốt hơn mức hiện tại gấp nhiều lần. Với mọi điều kiện sẵn có, bạn đều có thể biến chúng thành lợi thế trong việc học nếu bạn luyện được cách loại dần khỏi tâm trí những niềm tin sai lầm về khả năng của mình, hay thôi tự dằn vặt về những lần trí nhớ của bạn vận hành không như mong đợi.
Vùng thư giãn
Sự thư thái sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng ghi nhớ. Tin tốt là bạn có thể dùng những kỹ năng ghi nhớ để giúp bản thân thư giãn. Bằng cách hồi tưởng những ký ức tích cực và “nhào nặn” lại bằng trí tưởng tượng, bạn đang mài dũa kỹ năng hình dung, vốn là chìa khóa thành công trong học tập và tạo ra môi trường hoàn hảo cho bộ não hoạt động.
• Chọn một địa điểm thường khiến bạn liên hệ đến sự thư giãn. Có thể là bãi biển, miền đồng quê, hay chỉ là căn phòng trong nhà, nơi cho bạn sự thư thái nhất.
• Dùng trí tưởng tượng đưa bạn đến nơi đó và hình dung thật chi tiết: về khung cảnh, âm thanh, mùi hương, những gì bạn có thể sờ nắm được, hay thậm chí nếm được. Hãy cảm nhận cảm giác thư thái mà bạn đang chìm đắm.
• Tận hưởng hiệu quả thư giãn, từ tâm trí đến toàn bộ cơ thể. Xua tan dần các phiền não bằng sự lan tỏa các hình ảnh và cảm xúc tích cực.
Giờ thì hãy thực tập thường xuyên để hỗ trợ khả năng ghi nhớ của bộ não, cũng như mài sắc thêm khả năng sáng tạo trong học tập để tạo nên kết quả khả quan hơn.
Thần chú cho trí nhớ
Hãy chọn một câu thần chú cho mình: Một câu khẳng định và mang tính tích cực sẽ giúp nâng cao tinh thần và duy trì trạng thái tích cực của tâm trí bạn. Chẳng hạn như: “Mỗi ngày, tôi đều nâng cao năng lực trí nhớ của mình”, hay “Tôi chọn việc học hỏi và tôi sẽ thành công”,… Hãy chọn cách diễn đạt càng mang tính khẳng định càng tốt, bên cạnh đó là những câu tạo cảm giác dễ chịu khi phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Bước quan trọng tiếp theo là gắn nó với một hình ảnh đáng ghi nhớ để gia tăng hiệu quả của câu thần chú và củng cố trí nhớ của bạn. Bạn có thể hình dung hình ảnh một sợi dây điện nối bộ não bạn với một bóng đèn, và mỗi lần tư duy là bạn lại làm bóng đèn ấy sáng trưng lên – hình ảnh này gợi nhắc chính xác cảm xúc hưng phấn mà bạn muốn tạo ra cho quá trình học tập của mình.
Không ngừng “bơm” tự tin cho bản thân
Bên cạnh việc nghiêm túc xem xét những điều khiến bạn lo lắng về trí nhớ của mình, hãy nhớ tự hào về những lần trí nhớ của bạn vận hành xuất sắc. Ngay cả những người vốn tự nhận là đãng trí nhất thế giới, họ vẫn chứng tỏ được khả năng vận dụng các kiến thức của mình vào công việc, giải trí hay xử lý các vấn đề hàng ngày với không chút khó khăn – tất cả là nhờ bộ não phi thường mà mỗi chúng ta đều sở hữu. Ai cũng có lúc thất bại nhưng đừng để những điều đó che lấp sự thật hiển nhiên là trí nhớ của bạn có khả năng tiếp nhận và ghi nhớ vô hạn. Chỉ cần dành ít phút hồi tưởng lại những thông tin bạn đã “thuộc như cháo”, rồi bạn sẽ thấy trí nhớ của mình luôn hoạt động hoàn hảo thế nào.
“Xóa sổ” những suy nghĩ tiêu cực là cách dọn dẹp tâm trí để việc học hiệu quả hơn. Hãy sử dụng những khẳng định tích cực và bạn sẽ huy động được mọi nguồn lực trí nhớ và từng bước “cải tổ” toàn diện bộ não của mình.
Hãy biết trông đợi sự thành công
• Cũng như các ngôi sao thể thao, diễn viên, nghệ sĩ hay chính trị gia thành công, một sinh viên cũng cần không ngừng củng cố sự tự tin vào bản thân. Có vậy bạn mới có thể thể hiện hết tài năng của mình.
• Càng có niềm tin vững chắc rằng mọi nỗ lực của bản thân rồi cũng sẽ có thành tựu, bạn càng có thêm động lực hành động và cố gắng hết mình.
• Nên nhớ rằng bộ não có tính “co dãn”: cách bạn sử dụng trí não sẽ thay đổi cách bộ não hoạt động. Càng được rèn luyện, trí nhớ của bạn càng trở nên sắc bén. Các phương pháp ghi nhớ mà quyển sách này gợi ý sẽ giúp bạn hình thành những khả năng tư duy hoàn toàn mới.
• Liên tục hướng sự tập trung vào mối quan hệ: nỗ lực bạn bỏ ra sẽ gặt hái kết quả tương xứng. Thường xuyên dành thời gian nuôi dưỡng các cảm xúc tích cực – bởi vì chúng là nguồn năng lượng để trí não bạn hoạt động tốt nhất.
Thiết lập mục tiêu
Cân nhắc cẩn thận các mục tiêu bạn đặt ra cho bản thân: đừng quá xa vời, cũng đừng quá dễ đạt được. Bạn đã tìm hiểu về khả năng trí não của mình, hãy đề ra cho mình những mục tiêu đầy thử thách nhưng vẫn có thể đạt được. Dùng các kỹ thuật ghi nhớ để hình dung trước hình ảnh về đích đến mà bạn muốn đạt được. Hình dung bạn giải đáp mọi câu hỏi trong đề thi không chút khó khăn, trả bài thuộc làu hay tự tin thuyết trình lưu loát trước lớp. Lưu giữ những hình ảnh ấy trong tâm trí, mường tượng thật chi tiết nhưng đồng thời vẫn bắt lấy cái nhìn toàn cảnh. Tận dụng những kỹ năng của não trái, suy nghĩ các lý do tại sao các mục tiêu đó quan trọng đối với bạn. Còn não phải là khơi gợi những cảm hứng và sự thỏa mãn gắn với việc đạt được thành tựu của mình. Hãy tự sáng tạo ra các “ký ức thành công” thật sống động, như thể chúng đang thực sự xảy ra để khích lệ tinh thần bản thân và tăng cường sự tập trung vào kế hoạch.
Bằng chứng thành công
Thu thập các “chứng cứ” ghi nhận những thành tựu từ trí nhớ của bạn, dù là những điều nhỏ nhặt hay to lớn. Nếu bạn nhận được lời khen ngợi từ giáo viên hay một lời cám ơn từ những người bạn học, hãy ghi nhận lại vào sổ tay hay lưu thành tập tin trong máy tính. Bạn cũng nên cất giữ cẩn thận các bài kiểm tra đạt điểm cao, bằng khen, ảnh lễ tốt nghiệp,… Hãy thường xuyên bổ sung thêm “chiến tích” và lấy ra xem lại mỗi khi bạn xuống tinh thần.
Aristotle đã nói: “Chúng ta là kết quả của những việc mình làm thường xuyên. Vậy nên sự xuất sắc không chỉ là một hành động, nó là thói quen”. Các thói quen hay lối mòn tư duy là điều không dễ để thay đổi, nhưng chỉ cần một điều chỉnh nhỏ về nhận thức cũng đã có thể giúp bạn sử dụng trí não hiệu quả hơn hẳn. Cùng với việc tập trung vào các khả năng vốn có, những việc như nỗ lực cải thiện những điểm yếu, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ, tìm tòi cách học, ghi nhớ phù hợp với mình,… sẽ dần củng cố sự tự tin ở bạn. Càng tự tin, bạn càng vận dụng trí não tuyệt vời hơn và thu được nhiều thành tựu hơn. Và quy trình sẽ cứ thế lặp đi lặp lại. Từ việc những kỹ năng học tập liên tục được rèn dũa và nâng cao, bạn hình thành nên thói quen và tâm thế đạt đến sự xuất sắc trong mọi lĩnh vực bạn muốn.