Tóm lược
Qua chương đầu, các bạn đã có được những kiến thức cần thiết về bộ não của mình – cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành trí nhớ. Bạn cũng đã biết được quá trình hình thành trí nhớ của con người thường trải qua bốn giai đoạn chính là thu thập – chọn lọc – lưu trữ – truy hồi.
Ở chương này, tôi sẽ nhấn mạnh vào giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành trí nhớ – thu thập – đặc biệt là thu thập thông tin qua các giác quan, sau đó là điều phối cảm xúc để kích thích trí tưởng tượng, tạo tiền đề giúp những ký ức cảm giác này có thể in sâu hơn vào tâm trí bạn, dễ chuyển hóa từ trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Không những thế, tôi cũng đặt vào chương 2 này một số bài rèn luyện liên quan đến việc vận dụng các giác quan và trí tưởng tượng vào việc ghi nhớ. Và bắt đầu từ chương này về sau, bạn đã chính thức bắt đầu chặng đường tìm hiểu để chinh phục trí nhớ của mình rồi đấy!
Sự chi phối của cảm xúc đối với việc ghi nhớ
Để cải thiện trí nhớ, bạn cần khám phá những cảm xúc của mình đối với những điều cần ghi nhớ. Việc học là một thách thức về mặt cảm xúc, buộc bạn phải chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với các nỗi sợ, vượt qua nghịch cảnh, đương đầu với áp lực – và cách bạn nhìn nhận về những kỹ năng học tập của mình chính là chìa khóa cho mọi vấn đề trên. Nó sẽ quyết định mức độ quyết tâm của bạn, lĩnh vực bạn muốn đầu tư công sức vào, lối tiếp cận nào phù hợp, cách bạn xử lý những khó khăn trở ngại, rằng liệu bạn có thể bền bỉ theo hết khóa học hay không,… và tất nhiên là cả cách bạn sử dụng bộ não của mình.
Những cảm xúc tiêu cực là tác nhân cản trở sự tiến bộ trong học tập; nhưng khi bạn rèn luyện cho bản thân một thái độ tích cực, tất cả sẽ ngay lập tức đâu vào đấy. Bạn cần phải tin tưởng vào trí nhớ của mình, vì niềm tin đó sẽ thay đổi từ tận gốc rễ cách bạn tư duy trong việc học. Dù trước đây bạn có những định kiến nào, điều tuyệt vời nằm ở chỗ bạn hoàn toàn có thể làm chủ niềm tin về trí nhớ của mình.
Đối thoại với cảm xúc
Bây giờ thì bạn cảm thấy thế nào về các kỹ năng ghi nhớ của mình? Qua các trải nghiệm từ đầu quyển sách đến giờ, bạn đã thu gặt được gì? Hãy nhớ tập trung phát triển cái nhìn tích cực về việc học tập bằng việc đặt ra cho bản thân những câu hỏi sau:
• Sự tự tin của bạn về khả năng ghi nhớ mọi thông tin mình tiếp nhận phát triển ra sao qua từng ngày?
• Bạn có tự tin về khả năng tiếp thu của bản thân trong học tập?
• Bạn tin tưởng trí nhớ của mình trong những tình huống buộc phải vận dụng, như phỏng vấn hay diễn thuyết, đến mức độ nào?
• Bạn có vui thích và tận hưởng quá trình sử dụng trí nhớ để học hỏi, mài dũa và vận dụng kiến thức, kỹ năng mà bản thân mong muốn?
• Bạn có đấu tranh nội tâm với những cảm xúc tiêu cực: lo lắng về việc học có vẻ quá thử thách, nhàm chán, mất thời gian, áp lực,…?
Hãy thành thật với chính mình. Bạn đang có những nỗi sợ thất bại và tự ti nào? Có phải là bạn không ngừng hoài nghi rằng mình chưa bao giờ nắm đủ kiến thức và thuộc làu làu những gì mình cần học? Nếu đúng là thế thì rõ ràng, bạn đã tiêu tốn biết bao năng lượng cho những vướng mắc tâm lý này trong khi đáng ra, bạn có thể dành sức để phát triển tiềm năng trí nhớ của mình đấy.
Bạn chính là những gì mình nghĩ
Bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy niềm tin vào trí nhớ của mình chính là những gì bạn nói, với người khác và với cả chính mình.
• Khi bạn học điều gì đó tương đối “khó nuốt” – chẳng hạn một chương dài trong sách, các công thức phức tạp hay một kỹ năng mới – bạn sẽ nói gì với các bạn của mình? Bạn có bày tỏ sự phấn khích về viễn cảnh bạn làm chủ được kiến thức ấy và say sưa trình bày kế hoạch thực hiện của mình, hay bạn sẽ than vãn về những trở ngại và tìm mọi lý do biện hộ (như rằng không có nhiều thời gian, môn học quá khó, quá chán, tôi có trí nhớ thật tệ,…)?
• Tâm thế của bạn thế nào khi bước vào phòng thi?
Tràn trề tự tin vì bạn đã ôn luyện kỹ càng và chắc chắn, hay lo âu vì chưa chuẩn bị kỹ lưỡng?
• Bạn có những phán xét nội tâm nào về trí nhớ của mình? Mỗi ngày có hơn 50.000 suy nghĩ trôi qua tâm trí bạn, và đa số là những điều bạn thường tự lặp đi lặp lại với chính mình. Hãy tập quan sát và lắng nghe chính mình, bạn sẽ phát hiện nhiều điều về cách bạn tự thoại, từ đó tạo ra niềm tin về bản thân mình.
Lối tư duy “người lớn”
Việc ý thức sự thay đổi cách học của bạn qua thời gian cũng hết sức quan trọng. Ở chương 1, chúng ta đã biết về mối liên hệ giữa quá trình trưởng thành về suy nghĩ và sự phát triển hai bán cầu não. Trẻ em có khuynh hướng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mà không biết sợ là gì. Theo bản năng, các bé sẽ khám phá thế giới bằng mọi giác quan rồi kết nối với những gì đã học, các bé sẽ háo hức khám phá đồng thời vui đùa trong quá trình tìm tòi – đây là những biểu hiện rõ nét của lối học sử dụng các kỹ năng của não phải. Trái lại, người lớn thường học dựa trên các kỹ năng của não trái: theo trình tự từng bước, lập ra giả thuyết, và việc học là nhằm hướng tới kết quả sau cùng (như đạt được điểm cao hay bằng cấp,…) chứ không phải hướng đến những kinh nghiệm học tập thông qua quá trình tiếp thu.
Bạn có xác định được sự chuyển biến trong lối tư duy học tập này ở bạn bắt đầu từ lúc nào không?
Trên thực tế, cách học tích cực nhất là sự kết hợp giữa cách học của trẻ em và người lớn, giữa các kỹ năng của cả não trái lẫn não phải. Nếu biết cách bổ sung cho lòng ham học hỏi và trực giác ở trẻ em bằng óc tổ chức và hiệu quả ở người lớn, học đi đôi với hành, kết nối ý tưởng với hình ảnh thực tế, cân bằng giữa sáng tạo và sự định hướng,… thì bạn có thể sẽ tiến rất xa trên bước đường học tập của mình.
Henry Ford đã từng nói: “Bất kể bạn nghĩ mình có khả năng hay không, bạn đều đúng cả”. Bạn có thể chọn lựa, hoặc bạn tự nhủ đầu óc mình thì học cũng chẳng vào nổi vấn đề này đâu, hoặc sẵn sàng mở ra chân trời mới để khai thác hết tiềm năng học tập của trí não trong mọi lĩnh vực. Tất cả là lựa chọn của bạn.
Kẻ thù của trí nhớ
Tâm trạng lo âu, sợ hãi, muộn phiền kéo dài và những suy nghĩ căng thẳng là các yếu tố gây suy yếu khả năng ghi nhớ. Khi tâm trí xao nhãng thì ngay cả phương pháp học tập tối ưu cũng không thể phát huy tác dụng, và thậm chí những chức năng tiếp thu căn bản nhất cũng không vận hành thuận lợi một khi sự cân bằng sinh hóa của bộ não thay đổi. Não bộ đã tiến hóa để đảm bảo sự sinh tồn của chúng ta. Nó sẽ tập trung năng lực để phản ứng tức thời với các nhu cầu tối quan trọng (như quyết định đương đầu hay chạy trốn khỏi nguy hiểm, sau đó là tạm ngắt các quá trình tư duy, ghi nhớ hay tìm kiếm thông tin trong trí nhớ,… những hoạt động bị coi là thứ yếu những lúc bộ não “đánh hơi” thấy tính mạng có thể bị đe dọa). Vì lẽ đó, những dấu hiệu như tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay, thở dốc và cảm giác hoảng sợ là cơ chế tự vệ hoàn toàn tự nhiên khi bạn bị gọi lên trình bày trước lớp hay khi đang đọc một đề thi với những câu hỏi hóc búa – khi đó, tâm trí bạn như muốn “chạy trốn” chứ gần như không thể nhớ nổi những gì bạn đã học trước đó.
Những thần dược sẵn có
Khi bạn thư giãn, chất endorphin được giải phóng vào bộ não, giúp bạn phấn chấn hơn và tiếp thu nhanh hơn. Trong những điều kiện học hào hứng, kích thích suy nghĩ thì lượng dopamine (được biết dưới tên “chất dẫn truyền thần kinh”) được sản sinh và tạo cảm giác thỏa mãn, vui sướng với cách bạn sử dụng trí não của mình. Trong khi đó, acetylcholine cũng xuất hiện nhiều hơn, làm gia tăng hoạt động trao đổi thông tin giữa hai bán cầu não – vốn là nguyên lý cơ bản của mọi chiến lược ghi nhớ trong quyển sách này.
Quan trọng là bạn phải nhớ rằng: Một trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái sẽ giúp trí nhớ tập trung và khai thác tốt cả hai bán cầu não.
Bí mật của trí tưởng tượng
Thật đáng tiếc khi chương trình giáo dục hiện đại thường chỉ đề cao và chú trọng phát triển những kỹ năng của não trái. Điều này vô tình khiến người dạy lẫn người học xem nhẹ trí tưởng tượng trong học tập. Bạn hãy thử nhớ lại thuở ấu thơ – có phải khi đó, óc tưởng tượng của chúng ta góp mặt trong mọi hoạt động, từ chơi đùa, lắng nghe và tiếp nhận thông tin? Ấy vậy mà khi lớn lên, chúng ta lại để cho trí tưởng tượng của mình ngày càng bị lấn át bởi tính “thực tế”, nhất là trong học tập. Cách chúng ta được dạy dỗ, cách tổ chức lớp học và các môn học, cách suy nghĩ và tiếp thu – liệu có yếu tố nào mang tính khuyến khích trí tưởng tượng chăng? Bạn có nhận ra sự khác biệt một trời một vực giữa những quyển giáo trình đại học dày cộm với các quyển sách cho thiếu nhi đầy cuốn hút và kích thích trí tò mò? Bản thân bất cứ môn học nào cũng có thể cực kỳ thú vị, tùy thuộc vào cách chúng ta tiếp cận, có sáng tạo và gây hứng thú hay không; nếu không, việc học của bạn sẽ trở nên hết sức chật vật trong quá trình học hỏi và tiếp thu kiến thức.
Ngược lại, nếu biết ứng dụng khả năng tưởng tượng vào việc học tập, bạn sẽ có thể khai thác triệt để sức mạnh của cả hai bán cầu não: hình ảnh và câu chuyện, ngẫu hứng và logic, ảo mộng và thực tế,… để tạo ra những kết quả xuất sắc. Bí quyết này đã được người Hy Lạp và La Mã cổ đại vận dụng từ lâu để xây dựng văn minh Hy-La cực thịnh thời bấy giờ, và giờ đây bí mật ấy đã có trong tay bạn, chỉ còn chờ được bạn sử dụng!
Trí tưởng tượng giúp kích hoạt trí nhớ của bạn
Có thể bạn không tin điều này, nhưng sự thật là bạn vốn dĩ đã có một trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Hàng đêm bạn đều sáng tạo nên những giấc mơ ngoạn mục, và lúc tỉnh giấc bạn thường sẽ ứng dụng những chi tiết mơ mộng đó để thể hiện khiếu nghệ thuật của mình, tìm ra lời giải thông minh cho những câu đố mẹo, chìm đắm suy tư khi đọc một quyển sách, ngộ ra sự khôi hài trong câu chuyện tiếu lâm hay nhìn thấy trước các viễn cảnh tương lai. Không chỉ thế, với trí tưởng tượng, bạn sẽ có thể mường tượng không khí lớp học chỉ qua lời mô tả của bạn bè, bạn sẽ có thể hình dung được bối cảnh hay hình ảnh người mà mình đang “tám” qua điện thoại, hay phác họa cả một bộ phim trong đầu qua câu chuyện vừa nghe được trên radio,… Và như thế, trí tưởng tượng của bạn hoạt động mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi bạn không hề ý thức về nó. Nhưng hãy nghĩ xem liệu bạn có thể kích hoạt trí tưởng tượng theo ý muốn của mình và áp dụng vào việc học – nhất là những môn vốn dĩ khô khan, khó nuốt? Bạn đã sẵn sàng mở tung cánh cửa sáng tạo của mình chưa?
Dùng mọi giác quan để kích thích trí tưởng tượng của bạn
Như đã trình bày, bạn sẽ có thể ghi nhớ một chi tiết nào đó tốt hơn nếu bạn có được những cảm xúc và cảm giác mạnh mẽ với chi tiết đó. Nếu có thể kết hợp trí tưởng tượng trong việc thu thập các thông tin bộ não thu nhận từ các cơ quan xúc giác, bạn sẽ có thể ghi nhớ rõ ràng hơn, ghi nhớ lâu hơn, cũng như quá trình truy xuất thông tin của bạn rồi sẽ đơn giản hơn. Chẳng hạn như khi bạn có một giấc mơ hết sức sống động hay khi đang đọc một cuốn tiểu thuyết cuốn hút, những hình tượng bạn tạo ra trong tâm trí cũng có thể kích hoạt các cơ quan cảm giác của bạn, tạo nên những biểu tượng âm thanh, mùi vị, hương thơm hay cảm giác gắn liền với những hình tượng đó, khiến những gì liên quan đến giấc mơ hay cuốn tiểu thuyết đó in dấu sâu đậm hơn vào tâm trí bạn. Càng vận dụng trí tưởng tượng để tạo nên những ký ức đa tầng giác quan, bạn càng ghi nhớ chúng lâu hơn. Và phần tiếp theo đây sẽ giúp bạn rèn luyện, vận dụng các giác quan của mình để kích thích trí tưởng tượng.
Rèn luyện – sử dụng các giác quan để ghi nhớ
Thị giác – thấy mới tin
Bài tập đầu tiên sẽ tập trung vào khả năng thị giác.
Hãy ghi nhớ bản danh sách tám nhiệm vụ bạn cần thực hiện trong tuần tới được liệt kê như sau:
• Trả sách cho thư viện
• Dự thi tuyển vào đội bơi lội
• Đăng ký học phần mới
• Tìm chỗ trọ mới
• Mua hộp mực mới cho máy in
• Hỏi thông tin về chính sách cho sinh viên vay
• Đọc chương “các mẫu địa chất phổ biến”
• Mua vé xem kịch
Tất nhiên, bạn có thể ghi nhớ danh sách trên theo cách bình thường: cố gắng học thuộc từng từ từng chữ, rồi sau đó là từng câu, một cách máy móc và vô cùng mất thời gian. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn gợi cho bạn cách dùng trí tưởng tượng của mình để ghi nhớ, để giúp bạn luyện tập kích thích trí tưởng tượng, giúp bạn hình dung các hình ảnh trong tâm trí để gợi nhắc các nội dung “thực tế” mà bạn cần nhớ.
Đầu tiên, hãy nghĩ ra một hình ảnh đại diện cho nhiệm vụ thứ nhất: Trả sách cho thư viện. Đôi khi, ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn là phương án tốt nhất, bạn cũng có thể tìm hình ảnh minh họa trong các quyển sách thiếu nhi hay trên internet – chẳng hạn hình ảnh một chồng sách trên bàn có đóng dấu “mượn từ thư viện”, hình ảnh cánh cửa vào thư viện; hay hình ảnh một bà thủ thư mang nét mặt giận dữ vì bạn lại trả sách trễ,… Hãy chọn ý tưởng gây ấn tượng với bạn nhất và nhắm mắt trong vài giây, hình dung thật chi tiết hình ảnh ấy trong tâm trí.
Tương tự, hãy hình dung các hình ảnh đại diện cho những việc còn lại trong danh sách. Sáng tạo hơn nữa, bạn có thể lựa chọn hình ảnh sao cho khi xâu chuỗi chúng theo đúng thứ tự các việc trong danh sách, bạn có được một câu chuyện nhỏ. Làm như thế, bạn vừa được dịp thỏa sức tưởng tượng lẫn sáng tạo của mình, lại vừa nhớ được một danh sách mà bản thân cần ghi nhớ – quả là tiện cả đôi đường!
Thử một cách tiếp cận khác
Thay vì hình dung một hình ảnh theo lối thông thường bạn vẫn nghĩ đến, hãy thử “biến tấu” và nhìn theo những góc nhìn khác. Ví dụ, thay vì lựa chọn một hình ảnh ấn tượng, mang tính biểu tượng để ghi nhớ như với việc “Trả sách cho thư viện”, bạn có thể chọn cách tiếp cận theo hướng di chuyển của bản thân, chẳng hạn trong khi đến một nơi quen thuộc, bạn thường quan sát một vật từ xa đến cận cảnh, từ bên dưới, từ phía sau – thậm chí có thể là nhìn từ bên trong ra ngoài. Hãy sử dụng não trái để phân tích từng chi tiết, đồng thời tạo ra một bức tranh toàn cảnh bằng não phải để biến hình ảnh một vật quen thuộc thành hình ảnh kích thích trí nhớ của mình.
Thử áp dụng các tiếp cận khác này cho việc “Dự thi tuyển vào đội bơi lội”. Có thể bạn sẽ hình dung mình trong bộ đồ bơi hay cảnh bạn phóng từ tấm ván dậm nhảy xuống làn nước. Từ những ý tưởng cơ bản, hãy bổ sung nhiều chi tiết hơn trong khi tưởng tượng. Tập trung vào màu sắc, hình thù, câu chữ – bất cứ điều gì giúp củng cố hình ảnh trong trí óc bạn.
Tiếp tục quá trình hình dung cho 6 mục còn lại trong danh sách.
Biết “gu” của trí não mình
Hãy nghĩ lại xem trong khi tưởng tượng, não của bạn có thiên hướng liên tưởng đến loại hình ảnh nào – đồ vật, con người, nơi chốn hay các cảnh động trong phim hoạt hình? Hình ảnh nào thường hiện ra trong trí não bạn ngay lập tức, hình ảnh nào bạn khó tưởng tượng ra hơn? Bạn thường tưởng tượng ảnh động hay ảnh tĩnh, hình phóng đại hay thu nhỏ, cảnh nhìn từ khoảng cách xa hay nhìn cận? Hiểu rõ được thói quen tưởng tượng của bản thân, bạn sẽ có thể khai thác hiệu quả khả năng thiên bẩm của trí não cũng như cải thiện các điểm yếu trong thói quen tưởng tượng của mình.
Một khi bạn đã hình dung được hết các hình ảnh “gợi nhớ” cho tất cả các mục trong danh sách trên, kiểm tra lại xem bao nhiêu hình ảnh còn lưu giữ trong trí nhớ của bạn. Bạn có nhớ lại gần đúng theo thứ tự ban đầu không? Có thể bạn sẽ băn khoăn vì có một số điểm khiến bạn hồi tưởng khó khăn hơn những điểm khác, tuy nhiên một khi đã gợi nhớ ra tất cả thì ngay tức khắc bạn sẽ được tận hưởng cảm giác sung sướng: “A, mình biết là mình nhớ đúng hết mà!”. Bạn sẽ có cảm giác “sở hữu” với những thông tin mà bạn đã dùng trí tưởng tượng để ghi nhớ – dẫu tất cả những gì bạn làm chỉ là hình dung những hình ảnh trong đầu mình. Não phải “chế tác” ra hình ảnh, và đến lượt não trái giúp bạn kết nối những hình ảnh đơn lẻ ấy và sắp xếp chúng theo một trật tự trong tâm trí. Đó chính là cốt lõi của phương pháp học toàn diện: sáng tạo rồi bố cục lại các chi tiết để tạo nên một câu chuyện vận dụng khả năng của cả hai bán cầu não nhằm kích thích trí nhớ của bạn.
Bây giờ, bạn hãy thử tham khảo chuỗi sự kiện mẫu có thể giúp bạn ghi nhớ bản danh sách những việc cần làm trên. Hãy lưu ý vì ở mỗi sự kiện sẽ đi kèm với một hình ảnh gắn liền với những việc bạn cần nhớ. Cụ thể:
• Một quyển sách rơi xuống khỏi chồng sách cao ngất ở trong thư viện
• Suýt nữa là nó rơi trúng mô hình hồ bơi đặt ở gần đó
• Nhưng lại được thầy phụ trách việc nhận đăng ký học phần mới chụp lấy
• Thầy ấy chụp sách bằng một tay, tay còn lại đang cầm một trang rao vặt chỗ trọ
• Trang rao vặt vừa được lấy ra từ khay mực cũ của máy in
• Cái máy in thì bị chất đầy những đồng xu và không ngừng in ra tiền giấy
• Nhiều đến nỗi chúng rơi xuống sàn nhà đầy đất cát
• Và bạn phải ngưng máy in lại bằng cách nhét vào khe mực hai tấm vé xem kịch.
Hãy dành ra ít phút sáng tác một câu chuyện có thể giúp bạn nối kết các chi tiết với nhau, miễn là mỗi chi tiết sẽ chứa đựng các hình ảnh gợi nhắc bạn về điều cần nhớ: quyển sách cần phải trả lại, hồ bơi nhắc bạn về đợt thi vào đội tuyển, thầy phụ trách bạn cần gặp để đăng ký lớp,… Một câu chuyện hiệu quả sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ tất cả những việc phải làm, theo cả trình tự xuôi lẫn đảo ngược. Bạn đã quyết định rằng “tôi có thể nhớ được tất cả”, đã kích hoạt trí não của mình và sử dụng trí tưởng tượng để biến các thông tin thành những ký ức đáng nhớ: biến các ý tưởng thành một chuỗi hình ảnh theo thứ tự hợp lý, những điểm quan trọng được gán cho các biểu tượng để nhắc nhở bạn, một số chi tiết phụ có thể được thêm thắt hoặc loại bỏ bớt,… Tư duy bằng hình ảnh là bước đầu tiên cần thiết cho hành trình làm chủ trí nhớ của bạn.
Thính giác – phép màu của âm thanh
Thế giới này sẽ vô cùng tĩnh mịch nếu không có âm thanh. Các giai điệu có quyền năng khiến chúng ta thay đổi tâm trạng, cảnh báo hiểm nguy, đưa chúng ta chìm vào giấc ngủ,… và nhờ vậy mà con người mới có thể nhớ lại những ký ức từ các trải nghiệm âm thanh. Âm thanh giúp củng cố trí nhớ hình ảnh và gia tăng sự sống động cho tất cả thông tin bạn ghi nhớ.
Sau đây là năm nguyên tố hóa học. Hãy lặp lại vài lần và chú ý tới âm thanh tạo ra khi bạn đọc tên chúng bình thường, sau đó hãy thử các cách nhấn giọng khác nhau ở mỗi âm tiết. Bạn có để ý sự khác biệt của những âm thanh trong đầu mình khi làm bài tập này?
• Potassium – kali
• Manganese – mangan
• Zinc – nhôm
• Tungsten – vonfram
• Argon - agon
Bạn có thể nhấn mạnh âm “xì” (ss) khi đọc potaSSium; hay kéo dài âm “I” (ee) trong “manganeeeeeeeeeeeeeese”; nhấn giọng ở âm “Cờ” khi đọc “zinC”; Tungsten có thể phát âm như tiếng chuông “kính keng”,…
Tiếng vọng của trí tưởng tượng
Bạn có thể tái tạo các âm thanh quen thuộc trong tâm trí mình không? Một bài kiểm tra trí nhớ âm thanh đơn giản là thử mường tượng nhạc chuông điện thoại của bạn, giọng nói của người bạn thân hay tiếng kéo cửa ra vào phòng bạn. Hãy để ý các âm thanh xung quanh bạn và suy nghĩ cách tận dụng chúng vào việc tăng cường khả năng ghi nhớ.
Bây giờ trở lại với bài tập danh sách các việc cần làm ở phần “Thị giác” phía trên để xem bạn có thể dùng âm thanh để tăng tính sống động của các hình ảnh như thế nào. Thử “lồng tiếng” cho mỗi ý tưởng bạn đã hình dung – chẳng hạn tiếng sột soạt khi bạn lật các trang sách, tiếng “bõm” của làn nước khi bạn phóng xuống hồ, giọng nói của vị giáo sư bạn yêu quý nhất trong trường,… Càng kết hợp nhiều âm thanh bạn càng củng cố các liên kết trí nhớ và gia tăng sự chính xác lẫn tốc độ trong việc hồi tưởng các ký ức trong trí não mình.
Vị giác – trí nhớ trên đầu lưỡi
Các hương vị luôn là công tắc gợi nhớ tốt nhất cho chúng ta về khoảng thời gian thơ ấu, về những bữa cơm quen thuộc mẹ đã nuôi lớn ta từng ngày. Chỉ cần nghĩ đến tên một món ăn thôi, chẳng hạn từ “chanh” cũng đủ khiến miệng bạn tiết nước bọt, thậm chí khiến răng bạn ê hay khiến bạn bất giác nhăn mặt lại như thể đang “tận hưởng” vị chua của nó. Đó là nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa vị giác và trí nhớ - ngay cả khi hương vị ấy chỉ do bạn tự tưởng tượng ra.
Trong bài tập sau hãy xem bạn có thể dùng vị giác như thế nào để ghi nhớ hiệu quả một danh sách thú vị.
Yêu cầu: Hãy ghi nhớ bảy quốc gia có tổng sản lượng quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới – theo thống kê gần đây nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF):
• Mỹ
• Trung Quốc
• Nhật Bản
• Đức
• Pháp
• Anh
• Brazil
Gợi ý trong trường hợp này là bạn hãy chọn các món ăn gợi nhắc bạn đến mỗi quốc gia này, sau đó mường tượng mùi vị của chúng – trước hết là hình ảnh lần lượt của từng món, rồi từ từ hình dung như một bàn tiệc tự chọn bày ra trước mắt bạn. Có thể bạn sẽ muốn lấy một cái bánh hamburger của Mỹ, với một đĩa cơm chiên Dương Châu của Trung Quốc, ít sushi Nhật Bản, và cả xúc xích Đức, kèm theo một ly vang Pháp, cuối cùng là tráng miệng với bánh pudding của Anh và rượu mía Cachacha của Brazil. Vị của mỗi món ăn có giúp bạn nhớ lại tên của từng món – và liên tưởng đến các quốc gia mà chúng đại diện?
Càng sử dụng được nhiều trải nghiệm vị giác thực tế, đặc biệt là với các vị ưa thích hoặc chúa ghét, thì bạn sẽ càng tạo hiệu quả cho việc ghi nhớ của mình. Hãy lưu ý vấn đề này trong những bài rèn luyện trí nhớ của bạn.
Giờ thì thử kết hợp phần ghi nhớ thông qua vị giác này với phần ghi nhớ thông qua thị giác và thính giác ở trên vào việc ghi nhớ danh sách công việc ở phần “Thị giác – thấy mới tin” nào! Bạn có thử hình dung đến việc gấp một góc làm dấu trang cho cuốn sách thư viện không, bạn có nhớ vị nước hồ bơi là vị đã được khử trùng bằng hóa chất hay món bánh quy ưa thích của thầy phụ trách của bạn? Hãy kiểm chứng lại hiệu quả ghi nhớ sau khi kèm theo các mùi vị.
Xúc giác – chạm vào
Đúng là không dễ dàng để tưởng tượng ra chất liệu của các đồ vật, nhưng nếu bạn tập trung hình dung thì vẫn có thể tạo ra những kinh nghiệm ký ức vô cùng mạnh mẽ – hãy dùng xúc giác, cảm giác khi sờ vào những đồ vật. Những cảm giác bạn có khi chạm vào đồ vật có thể khơi gợi cảm xúc và thay đổi tâm trạng của bạn ngay tức thì: như sàn phòng tắm lạnh cóng vào mùa đông, bề mặt sắc lẹm của lưỡi lam, bộ lông mềm mượt của chú mèo nhà bạn,... Và chính những cảm xúc này sẽ tiếp tục tác động đến trí não bạn và tạo nên những trải nghiệm trí nhớ sâu sắc.
Hãy thử ghi nhớ danh sách các môn thi đấu thể thao sau bằng cách tưởng tượng qua xúc giác. Với mỗi môn, hãy suy nghĩ và chọn ra những chi tiết bạn có thể chạm vào và cố gắng hình dung càng thật càng tốt.
• Phóng lao
• Nhảy xa
• Đẩy tạ
• Nhảy cao
• Nhảy sào
• Ném đĩa
Bạn có thể hình dung phần sắc nhọn của mũi lao, cảm giác thô ráp của vũng cát dành cho nhảy xa, sức nặng của quả tạ,… Với mỗi bộ môn hãy chọn một cảm giác xúc chạm khác nhau, và hãy xem chúng giúp bạn ghi nhớ hiệu quả hơn thế nào.
Sau đó hãy trở lại với bài tập danh sách công việc bằng cách đưa thêm cảm giác xúc chạm vào từng mục. Chẳng hạn bìa sách với các chữ cái được in nổi, sự mát lạnh khi nhúng bàn tay xuống hồ bơi,… và cứ thế tiếp tục củng cố những hình ảnh còn lại.
Khứu giác – mùi hương ấn tượng khó phai
Chúng ta vốn biết các mùi dễ dàng kích thích trí nhớ của mình như thế nào. Mùi thơm đặc trưng của một nhãn hiệu nước hoa nào đó, mùi món ăn thơm phức, mùi hóa chất hay mùi bàn ghế, nước sơn tường của lớp học có thể kích hoạt mọi giác quan và khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt – có thể tích cực hoặc tiêu cực. Khả năng nhận diện nhanh chóng các mùi quen thuộc không chỉ là một cơ chế giúp con người sinh tồn mà còn là một năng lực tự nhiên của não bộ phục vụ đắc lực cho việc học tập.
Vận dụng khả năng tưởng tượng bằng khứu giác, bạn có thể ghi nhớ màu sắc của năm vòng tròn trên lá cờ Olympic, theo đúng thứ tự chúng nối vào nhau từ trái sang phải (không chia hàng) không?
• Xanh dương
• Vàng
• Đen
• Xanh lá cây
• Đỏ
Sau đây là gợi ý cho bạn: Gán cho mỗi màu sắc mùi đặc trưng của một vật nào đó. Chẳng hạn màu xanh khiến nhớ đến mùi sát trùng của chai cồn 90 độ, tiếp đó là mùi thơm nhẹ của quả chuối chín vàng, rồi chuyển sang mùi nhựa đường đen ngòm, hương cỏ xanh mới cắt và cuối cùng là hương thơm của một bông hồng đỏ thắm. Tương tự trải nghiệm ở các bài tập trước, khi tự mình sáng tạo các chi tiết mới cho những thông tin ban đầu, bạn sẽ tự khắc ghi nhớ chúng tốt hơn. Nhưng hãy tiến thêm một bước nữa: vận dụng trí lực từ cả hai bán cầu não để biến năm màu sắc trên thành một câu chuyện dễ ghi nhớ. Nhớ đảm bảo chuỗi hình ảnh ấy phải đủ ấn tượng, liên kết các ý với nhau chặt chẽ và kích thích khứu giác lẫn các giác quan còn lại để tạo nên một ký ức mạnh mẽ trong trí nhớ của bạn.
Mùi gì kế tiếp?
Thử cách hình dung sau: bạn ngửi thấy mùi của chai cồn đổ vào que kem chuối, sau đó được nhúng vào nhựa đường, cuối cùng phơi khô trên cỏ và được trang trí với một cánh hồng. Bức tranh trên có giúp bạn ghi nhớ mọi điều cần nhớ? Thử kiểm nghiệm xem kỹ thuật ghi nhớ lạ kỳ này nếu dùng trong thực tế hiệu quả tới đâu, đặc biệt trong việc học. Những nội dung nào trong môn học của bạn có thể chuyển hóa thành một câu chuyện dễ nhớ qua cách học đầy sáng tạo này? Phương pháp này đương nhiên hoàn toàn khác với lối tiếp cận trước giờ của bạn, bạn cảm giác thế nào khi thử áp dụng? Trẻ con, ngược ngạo, kỳ khôi – có thể, nhưng điều ngốc nghếch mà hiệu quả thì nó chẳng hề ngốc nghếch chút nào.
Cuối cùng quay trở lại bài tập đầu tiên với trí tưởng tượng khứu giác. Bạn đã nhìn, nghe, chạm và nếm – tại sao không đưa thêm mùi vào để giúp các thông tin ấy sống động hơn nữa và kích thích bộ não bạn ghi nhớ? Bạn có hình dung ra mùi hơi ẩm mốc ở các giá sách thư viện, mùi thuốc khử trùng không lẫn vào đâu được ở hồ bơi, mùi kem cạo râu thầy phụ trách thường dùng,…?
Thay cách học, đổi kết quả
Nhìn lại xem bạn đã làm được những gì với bản danh sách ghi nhớ tám việc cần làm ban đầu? Từ một danh mục tám nhiệm vụ mà bình thường vốn dễ quên, bạn đã biết cách chuyển đổi thành những thông tin sống động, đầy tính liên tưởng, đã nối kết được các giác quan và kích thích cảm xúc – đồng thời sắp xếp chúng theo trình tự để dễ dàng lưu giữ hơn trong trí nhớ của mình. Năng lực tưởng tượng cho bạn khả năng làm chủ những thông tin mà bộ não tiếp nhận bằng cách khám phá, cường điệu, điều chỉnh chúng theo cách riêng của bạn. Thử nghĩ xem các bài tập luyện trí nhớ và phương pháp học tích cực này sẽ phát huy trong học tập, cũng như thay đổi cuộc đời bạn như thế nào?
Nhớ những điều đáng nhớ
Khi cảm xúc hay trải nghiệm về một sự kiện càng mạnh, càng sâu sắc thì ký ức được tạo ra từ đó càng chính xác và tồn tại lâu dài.
Chúng ta tiếp nhận một khối lượng khổng lồ thông tin từng giờ từng phút, tuy nhiên não bộ chỉ tiếp thu một cách có chọn lọc. Bộ não có sứ mạng phân loại và tìm ra các dữ kiện nó cho là quan trọng, có thể đem lại lợi ích về lâu dài cho chúng ta. Vì thế bạn cần làm cho những thông tin trở nên thật sự đáng nhớ ngay từ giai đoạn ghi nhận của trí nhớ ngắn hạn, bằng không chúng sẽ bị loại bỏ ngay. Việc ngồi nghe giảng thụ động và đọc đi đọc lại tài liệu một cách máy móc sẽ chẳng bao giờ giúp tạo ra những kiến thức đầy cảm hứng và in sâu vào trí nhớ.
Hời hợt thường chẳng ở lại lâu
Trong việc học tập của bạn hiện tại, lĩnh vực hay môn học nào bạn thường xuyên “học trước quên sau” nhất? Liệu rằng do nội dung nhàm chán, có những khái niệm quá khó hiểu, dễ lẫn lộn với nhau hay do bạn cảm thấy chúng chẳng có giá trị gì mấy trong cuộc sống và thành công của mình? Nếu bạn muốn tiếp thu tốt bài học, liên hệ thực tiễn hay đơn giản là nắm chắc kiến thức để vượt qua kỳ thi, bạn cần một cách tiếp cận mới có nhiều khích lệ và kích thích trí nhớ của bạn hơn.
Cái gì lạ thường gây chú ý
Nhà tâm lý và vật lý người Đức Hedwig von Restorff đã phát hiện ra rằng bất kỳ thông tin nào có tính kỳ quặc, độc đáo và khôi hài khiến nó nổi bật so với các chi tiết khác đều khiến người ta dễ nhớ hơn. Nói cho dễ hiểu là: Cái gì lạ thường gây chú ý.
Vì thế, bạn có thể lợi dụng hiệu ứng von Restorff trong việc học tập của mình. Bạn có thể thêm những chi tiết ngộ nghĩnh vào vở ghi chép của mình, trình bày các thông tin thật “quái”, ghi chú bằng nhiều màu sắc tươi sáng, vẽ nguệch ngoạc thay cho từ ngữ – tất nhiên không cần thiết làm thế mọi lúc mọi nơi, chủ yếu đủ để các ý quan trọng đập vào mắt bạn ngay khi nhìn thấy.
Viết lại quá khứ
Nếu còn đâu đó những kinh nghiệm “đau thương” vẫn đang gặm nhấm sự tự tin và khiến bạn chùn bước trong việc học, các kỹ năng ghi nhớ sẽ có thể giúp bạn thay đổi, hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ chúng hoàn toàn. Những ký ức tiêu cực này còn ám ảnh tâm trí bạn vì chúng lặp lại nhiều lần và thường được cường điệu hóa theo thời gian. Nếu vậy, tại sao không sử dụng ngay chính khả năng tưởng tượng vô hạn của bạn để sáng tạo những niềm tin mới, tích cực hơn theo ý bạn muốn?
Những trải nghiệm tiêu cực ở đây có thể là:
• Đầu óc bạn trống rỗng trong một kỳ thi quan trọng
• Chủ trì một cuộc họp và bất thình lình quên mất tên các vị đại biểu
• Bỏ quên tập hồ sơ ở bến xe
• “Chết trân” trên sân khấu mà không biết phải nói câu gì tiếp theo
• v.v và v.v
Thường thì đi kèm với những tình huống trên là cảm giác căng thẳng, sợ hãi, lúng túng, hốt hoảng,… Mỉa mai thay, tất cả chúng lại là tác nhân kích thích trí nhớ mạnh mẽ nhất. Ngay thời điểm đó, các cảm xúc tiêu cực che lấp đầu óc bạn khỏi những thông tin mà bạn đang cố gắng tìm lại, nhưng sau đấy chính chúng lại làm hằn sâu trải nghiệm thất bại vừa rồi vào tâm trí bạn.
Để lấy lại tự tin, hãy thử áp dụng các bước sau:
• Dùng trí tưởng tượng đưa bản thân bạn trở lại khung cảnh của những sự việc ấy. Nếu từng nghĩ tới chúng nhiều lần trước đây, khung cảnh xuất hiện trong tâm trí bạn hẳn sẽ theo một lối mòn: cảnh bạn đang nhìn trân trân vào tờ đề thi, gương mặt hiện rõ sự phật lòng của vị đại biểu, cảnh chiếc xe buýt dần chạy xa khuất tầm mắt, hay mọi cặp mắt khán giả đổ dồn về bạn,…
• Vẫn giữ “góc quay” ấy, chú ý mọi chi tiết xuất hiện trong đầu bạn – đồng thời thay đổi góc nhìn của bản thân. Tình huống có khác đi không khi bạn nhìn thấy cảnh các sinh viên khác trong phòng thi còn rối bời hơn bạn, hay bạn nhìn vào đôi mắt vị đại biểu bạn quên tên, vốn đang bận tâm nội dung cuộc họp hơn chú ý việc bạn có gọi đúng tên ông ta hay không?
• Hãy xem chuyện gì xảy ra khi bạn thay đổi kích thước những khung cảnh trong trí nhớ: phóng lớn cảnh dòng người chen lấn xô đẩy bạn – chả trách tập hồ sơ bị bỏ quên, hay thu nhỏ “vai” của bạn trong khung cảnh bến xe – lỗi lầm của bạn không nghiêm trọng đến thế đâu.
• “Tua nhanh” tới thời điểm bạn tìm lại được bộ hồ sơ.
• “Mở lớn” âm thanh ồn ào của buổi họp đến nỗi quan khách chẳng thể nhận ra bạn có đọc sai tên khách mời hay không.
Những trải nghiệm tồi tệ thường bị phóng đại lên nhiều lần qua các suy nghĩ tiêu cực, thế nên hãy dùng trí tưởng tượng của bạn để giải phóng bản thân khỏi sự lừa dối này. Lặp lại thường xuyên những “phiên bản mới” này và bạn sẽ tự thay đổi cách bạn nghĩ về trí nhớ của mình.
Bạn là người kiểm soát việc học của chính mình
Xuyên suốt trong lịch sử nhân loại, hầu hết các cá nhân kiệt xuất đều là những người biết tổ chức quá trình học tập hợp lý sao cho phù hợp và truyền động lực cho mình, tạo môi trường cho não hoạt động tốt và định hình mọi nguồn thông tin theo cách dễ được ghi nhớ nhất. Nhờ đó họ khai thác tối đa những năng lực vốn có của bộ não, loại bỏ các tác nhân gây nhiễu và chủ động kiểm soát quá trình tạo nên trí nhớ theo ý muốn.
Hãy vận dụng những nguyên lý ấy vào mọi hoạt động học tập và phát triển của bạn hiện tại: từ lên kế hoạch, học trên lớp, tự nghiên cứu, ghi chú, quan sát các minh họa, tìm kiếm thông tin trên mạng,… thay vì chỉ ngồi một chỗ cố “ấn” thông tin vào đầu.
Giờ là lúc kích hoạt và phát huy hết mọi năng lực phi thường của trí não bạn.
Thay đổi cách tiếp cận
Bộ não của bạn có khuynh hướng tự động tạo sự liên tưởng giữa các thông tin tương đồng nhau, tuy nhiên bạn có thể chủ động điều này một cách có ý thức. Chẳng hạn, bạn có thể tổ chức việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong tiếng Anh bằng cách đối thoại theo cặp thay vì độc thoại một mình; ngoài ra bạn cũng có thể xếp các từ vựng muốn học thành các nhóm chủ đề. Biết tổ chức lại thông tin sẽ giúp quá trình ghi nhớ thú vị hơn và dễ dàng hơn nhiều. Và để định ra cách tổ chức các thông tin trong bộ não của mình một cách hiệu quả, bạn cần nắm rõ cấu trúc đúng của bộ não và tự mình vận dụng được sức mạnh của từng phần trong bộ não, trong đó có não trái/não phải.