Franklin thân yêu,
Em không chắc tại sao sự cố nhỏ xảy ra lúc buổi chiều lại khiến em muốn viết cho anh. Kể từ khi chúng ta xa cách, điều em nhớ nhất là trở về nhà để kể những câu chuyện kỳ lạ em gặp trong ngày, giống như cách một con mèo đặt con chuột dưới chân anh. Những thứ lễ vật nhỏ bé, bình dị mà các cặp đôi dành tặng nhau sau khi vật lộn với những khó khăn bên ngoài. Anh vẫn đang ở trong bếp, trét bơ đậu phộng lên thanh Granola mặc dù đã gần đến giờ ăn tối. Không lâu sau khi em đặt túi xuống, một giọt sốt bơ chảy xuống bàn, những câu chuyện nhỏ bắt đầu tuôn trào, thậm chí trước cả khi em càu nhàu rằng tối nay chúng ta sẽ ăn mì Ý nên anh làm ơn đừng ăn hết miếng bánh đó được không.
Những ngày đầu, tất nhiên, những câu chuyện em kể đều là từ những vùng đất xa xôi hẻo lánh, từ Lisbon, từ Katmandu. Nhưng chẳng ai thích nghe mấy câu chuyện đó, thực ra em cũng nhận ra là anh luôn lịch sự nhắc rằng mình thích những giai thoại địa phương hơn mấy câu chuyện nước ngoài, cuộc đụng độ kỳ lạ với người thu phí trên cầu George Washington chẳng hạn. Những kỳ quan từ cõi trần tục giúp anh khẳng định quan điểm rằng tất cả những chuyến đi của em chỉ là một kiểu lừa dối. Món quà mà em mang về - một gói bánh quế nhạt nhẽo của Bỉ, cách diễn đạt của người Anh cho những thứ nhảm nhí - đầy giả tạo với ma thuật của thứ gọi là khoảng cách. Giống như những thứ nhỏ nhặt mà người Nhật thường trao đổi, hết lớp hộp này đến lớp túi kia, thứ sáng bóng trên những món quà từ những vùng đất xa lạ đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Một thành tựu đáng kể hơn nhiều là khi tìm kiếm trong đống rác không thể thay đổi của New York cũ rích nhàm chán hay chớp được một khoảnh khắc đáng nhớ nào đó trong chuyến đi đến Nyack Grand Union.
Đó là nơi mà câu chuyện của em bắt đầu. Dường như cuối cùng thì em cũng hiểu được điều mà anh đã luôn cố dạy em, rằng quê hương mình cũng kỳ lạ và nguy hiểm chẳng kém gì Algeria. Em đang đi qua gian hàng bán chế phẩm từ sữa nhưng em không cần mua nhiều lắm. Dạo này em chẳng ăn mỳ Ý nữa vì trước giờ anh vẫn luôn là người ăn gần hết đĩa. Em rất nhớ anh đã ăn món mỳ ngon lành đến thế nào.
Em vẫn thấy rất khó khăn mỗi khi đi ra ngoài. Anh biết đấy, ở một đất nước “nổi tiếng là không có lịch sử”, như người châu Âu vẫn hay nói, thì em vẫn có thể kiếm tiền từ sự đãng trí nổi tiếng của người Mỹ. Nhưng em lại không may mắn như vậy, không ai trong cái “cộng đồng” này cho thấy dấu hiệu là họ đã quên, tới tận hôm nay, sau một năm tám tháng. Vậy nên em phải cứng rắn khi nhu yếu phẩm cạn dần. À, những nhân viên ở 7-Eleven trên phố Hopewell thì không để ý đến em lắm và em vẫn có thể mua một chai sữa mà chẳng bị ai soi mói. Nhưng ở Grand Union thì họ vẫn luôn nhìn em dò xét.
Em luôn cảm thấy mình phải lén lút ở đó. Và để che giấu, em ép mình phải thật thẳng lưng và cứng đôi vai. Giờ thì em hiểu sao người ta lại hay nói “hãy luôn ngẩng cao đầu”, đôi khi em ngạc nhiên nhận ra biết bao nhiêu thay đổi có thể xảy ra bên trong một con người đang tỏ ra cứng rắn. Khi cố tỏ ra kiêu hãnh như vậy, em nghĩ mình bớt nhục nhã hơn một chút.
Đang băn khoăn không biết nên chọn trứng cỡ vừa hay cỡ lớn, em liếc sang quầy bán sữa chua. Cách vài mét, một người mua hàng khác với mái tóc đen cháy nắng đã chuyển trắng vài phân và đã bị duỗi gần hết chỉ còn lại một chút xoăn ở phần ngọn. Cô ấy mặc một chiếc áo màu tím và chân váy cùng màu hơi lỗi mốt, buộc một chiếc áo quanh eo càng làm nổi bật vòng ba đẫy đà. Bộ trang phục này cần có điểm nhấn hơn, và phần độn vai nhô lên từ vết hằn đã mờ từ chiếc móc áo. Em kết luận rằng đó phải là một món đồ ở dưới đáy tủ, khi mà tất cả những thứ đồ khác đều đã bẩn hoặc bị vứt dưới sàn. Khi người phụ nữ cúi xuống chọn phô-mai, em nhìn thấy nếp gấp của chiếc nọng cằm.
Đừng cố đoán, anh không thể đoán ra đó là ai từ bức chân dung đó đâu. Cô ấy từng có thân hình rất mảnh dẻ và lộng lẫy như những gói bọc quà. Mặc dù có thể sẽ lãng mạn hơn khi hình dung đó là một người đang để tang hốc hác, nhưng em cho rằng người ta có thể đau buồn với sô cô la cũng hiệu quả như với nước máy. Hơn nữa, có những người phụ nữ luôn cố gắng giữ cho bản thân trẻ trung và minh mẫn không hẳn là vì muốn làm hài lòng chồng mà chủ yếu là để theo kịp con gái họ, và nhờ có chúng ta, cô ấy đã mất đi động lực đó.
Đó là Mary Woolford. Không tự hào về chuyện này cho lắm, nhưng em không thể đối diện với cô ấy. Em đã luống cuống. Tay em đổ mồ hôi khi cố gắng mở hộp trứng để kiểm tra xem chúng có còn nguyên hay không. Cố vờ như một người mua hàng bình thường vừa mới nhớ ra đồ cần mua ở dãy bên cạnh và cố để trứng vào phần ghế ngồi cho trẻ em mà không quay đầu lại. Chạy trốn khỏi sự giả vờ này, em bỏ lại xe đẩy bởi bánh xe kêu cót két. Em cảm thấy không thể thở nổi.
Đáng nhẽ em nên chuẩn bị trước, trang bị thật kỹ càng để đề phòng những chuyện như thế này đột nhiên xảy ra. Nhưng chẳng nhẽ đi mua đồ lặt vặt cũng phải mặc quân trang, hơn nữa, Mary có thể làm tổn hại gì em bây giờ? Cô ấy đã cố gắng hết sức rồi, cô ấy đã đưa em ra tòa. Em vẫn không thể khiến tim mình đập bình thường trở lại hay quay lại gian bán sữa mặc dù em vừa nhận ra mình đã để cái túi in hoa mua từ Ai Cập cũng như ví của mình trong xe đẩy.
Đó là lý do duy nhất em không thể rời Grand Union ngay lập tức. Cuối cùng thì em cũng phải quay trở lại với cái túi của mình, tập trung vào măng tây và phô mai Campbell, suy nghĩ vẩn vơ không biết Warhol1 sẽ kinh hãi thế nào khi nhìn thấy những bao bì này.
1 Andy Warhol là họa sĩ người Mỹ gốc Rusyn nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng.
Khi em quay lại thì đã không còn ai ở đó, em chộp lấy cái xe đẩy, bỗng nhiên biến thành người phụ nữ của gia đình luôn bận rộn với công việc nhà. Một vai trò quen thuộc, chắc anh sẽ nghĩ vậy. Lâu lắm rồi em mới có cảm giác như vậy, những người đứng trước em ở quầy thanh toán chắc chẳng nghĩ em là một bà nội trợ bận rộn coi “thời gian là vàng” khi mà họ chỉ thấy sự vội vàng, hoang mang của một kẻ chạy trốn.
Em bắt đầu đặt đồ của mình lên quầy thanh toán, cảm thấy hộp trứng hơi dính nên người thu ngân mở ra kiểm tra. À mà đằng nào thì Mary Woolford cũng đã nhìn thấy em.
“Cả mười hai quả ư?!” Cô gái kêu lên. “ Để tôi lấy cho bà hộp trứng khác.”
Em ngăn cô ta lại. “Không, không! Tôi đang vội, tôi lấy luôn hộp này cũng được.”
“Nhưng mà trứng…”
“Tôi sẽ lấy hộp này!” Ở đất nước này, không có cách nào để khiến người khác hợp tác tốt hơn là tỏ ra mất trí. Sau khi quét mã vạch một bịch giấy Kleenex, cô ta quét mã vạch hộp trứng rồi lấy khăn giấy lau tay một cách vô cùng khó chịu.
“Khatchadourian.” Cô ta đánh vần khi em đưa cô ta thẻ để thanh toán. Cô ta đọc to như thể để tất cả những người đang đứng chờ nghe thấy. Lúc đó đã là chiều muộn, ca mà học sinh làm thêm thường chọn, cô gái khoảng mười bảy tuổi, có thể cũng là một trong số bạn học của Kevin. Dĩ nhiên, có khoảng nửa tá trường trung học ở khu này, và cũng có thể gia đình cô ta mới từ California chuyển đến. Nhưng từ ánh mắt cô ta thì em không nghĩ vậy, cô ta nhìn em chằm chằm. “Một cái tên không phổ biến lắm.”
Em không biết điều gì đã xảy ra với mình, em đã quá mệt mỏi với chuyện này. Không phải em không biết xấu hổ. Em thậm chí đã kiệt sức vì xấu hổ, vấp ngã trên đống trứng vỡ nhầy nhụa. Nhưng thứ cảm xúc đó chẳng đi đến đâu cả. “Tôi là người duy nhất mang họ Khatchadourian ở New York.” Em giật lại thẻ của mình. Cô ta quăng hộp trứng vào túi khiến chúng chảy ra thêm một chút.
Giờ thì em đang ở nhà, mọi chuyện đã qua. Nhưng anh thì không ở đây, nên hãy để em kể cho anh.
Anh chắc sẽ bị sốc. Đặc biệt là vì em đã chọn ở lại Gladstone sau khi tranh cãi về việc chuyển đến vùng ngoại ô từ những ngày đầu. Nhưng em cảm thấy mình nên ở gần Kevin. Hơn nữa, dù em muốn mình trở nên vô danh, không phải em muốn hàng xóm quên em, em có muốn chứ, nhưng em không thể có cơ hội ở thị trấn nào khác. Đây là nơi duy nhất trên thế giới này mà em có thể cảm nhận đầy đủ những ngã rẽ của cuộc đời mình. Chẳng quan trọng việc người khác có thích em hay không, em cần có người hiểu mình.
Sau khi trả hết tiền cho luật sư, em còn lại một chút đủ để mua cho mình một căn nhà nhỏ. Mà căn nhà Tinkertoy2 này cũng khá hợp với tính khí của em. Chắc hẳn anh sẽ phát hoảng khi thấy cái tủ bếp ọp ẹp thách thức phương châm của cha anh “vật chất quyết định tất cả”. Nhưng đó là thứ mà em gần như chẳng quan tâm.
2 Tên một hãng đồ chơi của Mỹ.
Mọi thứ đều bấp bênh. Cầu thang lên tầng hai chẳng có lan can, thêm phần thú vị cho việc em cố gắng trèo lên giường trong cơn chuếnh choáng sau ba ly rượu. Sàn nhà thì kêu cọt kẹt và cửa sổ thì hở, không khí thì mỏng manh như thể mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Đung đưa phía trên những cây mắc áo rỉ sét, sợi dây điện trơ trọi vắt qua trần nhà, những bóng đèn halogen ở tầng dưới nhấp nháy, cái ánh sáng lập lòe cứ bật-tắt lặp đi lặp lại tràn ngập cuộc sống mới của em. Sạc điện thoại của em cũng chẳng hơn gì, sự kết nối không ổn định với thế giới bên ngoài lơ lửng trên hai sợi dây hàn lỏng lẻo, và nó thường bị ngắt. Mặc dù chủ nhà đã hứa với em một chiếc bếp phù hợp hơn, em cũng không phiền lòng với chiếc lò vi sóng đã hỏng đèn báo. Tay nắm cửa trước thi thoảng lại rụng ra. Giờ em đã đi làm trở lại, nhưng tay nắm cửa đôi khi lại trêu em bằng trò đùa của mẹ: không thể ra khỏi nhà.
Em cũng nhận ra rằng giấy dán tường đã giãn hết mức có thể. Bộ tản nhiệt ngắc ngoải những luồng hơi yếu ớt mặc dù đầu tháng Mười một vừa rồi em đã vặn bảng điều chỉnh lên mức cao nhất. Khi tắm, em thường bật hoàn toàn nước nóng nhưng nó cũng chỉ đủ ấm để giúp em khỏi run rẩy. Tủ lạnh luôn chạy ở mức cao nhất và sữa cũng chỉ giữ được ba ngày.
Phần trang trí gợi lên một sự mỉa mai rất phù hợp với căn nhà. Phòng dưới được sơn rất cẩu thả, màu vàng sáng kém sang, những vết chổi sơn thô kệch đôi khi còn để lộ ra nền trắng như thể nó được tô bằng bút sáp. Phòng ngủ trên lầu được lăn sơn màu xanh nước biển một cách nghiệp dư, như những bức tường ở trường tiểu học. Ngôi nhà nhỏ bé run rẩy, cảm giác như nó không thật cho lắm Franklin à. Và cả em cũng vậy.
Tuy vậy, em mong anh đừng thấy tiếc cho em, em không có ý định khiến anh cảm thấy như thế. Em có thể tìm cho mình một nơi nguy nga hơn nếu muốn. Theo một cách nào đó, em lại thích nơi này. Nó không quan trọng, chỉ như một món đồ chơi thôi. Em sống trong căn nhà búp bê. Thậm chí đồ nội thất cũng chẳng vừa vặn. Bàn ăn cao đến tận ngực khiến em cảm thấy nhỏ bé, chiếc bàn nhỏ cạnh giường mà em thường để laptop thì quá thấp để gõ được bàn phím, nó chỉ phù hợp cho bọn trẻ mẫu giáo ăn bánh quy và uống nước ép quả.
Có lẽ bầu không khí xiên xẹo, thiếu trưởng thành này giải thích vì sao ngày hôm qua, trong cuộc bầu cử tổng thống, em đã không bầu cho ai. Chỉ đơn giản là em quên. Mọi thứ xung quanh đều dường như diễn ra ở rất xa. Và bây giờ thay vì đối đầu với sự lạc lõng của em, đất nước dường như tham gia cùng em trong vùng đất mơ hồ. Phiếu bầu đã được kiểm. Nhưng như những câu chuyện của Kafka3, chẳng ai biết ai là người chiến thắng.
3 Kafka là nhân vật chính trong cuốn “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami.
Và em có một tá trứng, hay chính xác hơn là những gì còn lại của chúng. Em đổ chúng vào một cái bát, nhặt những mảnh vỏ. Nếu có anh ở đây, em sẽ khuấy động không khí một chút bằng món frittata4, một ít khoai tây xắt hạt lựu, một ít ngò, và bí mật nhé, một thìa nhỏ đường. Nhưng chỉ có một mình, em đổ đống trứng vào chảo, khuấy, rồi đảo một cách buồn bã. Em sẽ ăn hết chúng cũng theo cách như vậy. Đó là điều mà em đã học được từ những cử chỉ của Mary, theo một khía cạnh nào đó, khá thanh lịch.
4 Frittata là một món ăn của Ý tương tự như trứng tráng, có thêm rau, thịt,…
Ban đầu, thức ăn khiến em buồn nôn. Lúc ghé thăm mẹ ở Racine, món thịt nhồi dolma của bà khiến em phát ốm, mặc dù bà đã dành cả ngày để trần lá nho, cán và cuộn thịt cừu cùng với vỏ bánh thành những miếng gọn gàng. Em bảo mẹ rằng bà có thể cất chúng vào tủ đông. Ở Manhattan, rảo bước qua nhà hàng trên phố 57 để đi làm ở văn phòng luật Harvey, mùi hạt tiêu từ dầu mỡ của món thịt hun khói khiến dạ dày em lộn nhào. Nhưng những cơn buồn nôn đã qua, và em thấy nhớ nó. Khoảng bốn, năm tháng sau, em bắt đầu cảm thấy đói, thực sự đói cồn cào, sự thèm ăn khiến em rất khó chịu. Vậy nên em tiếp tục diễn vai người phụ nữ mất hứng thú ăn uống.
Nhưng sau khoảng một năm, em phải đối mặt với thực tế vai diễn của mình là một sự lãng phí. Em có gày như xác chết cũng chẳng ai quan tâm. Em mong chờ gì chứ? Anh sẽ đến ôm em trong vòng tay to lớn của anh, nhấc bổng em lên và trách móc bằng câu nói mà những phụ nữ phương Tây yêu thích “Có phải em hơi gày quá rồi không?”.
Giờ em ăn bánh sừng bò và uống cà phê mỗi sáng, nhặt hết những mẩu vụn bánh. Món bắp cải xắt nhỏ là thực đơn chủ yếu cho những buổi tối dài đằng đẵng này. Em thậm chí đã từ chối, một, hai lần gì đó, những lời mời đi chơi hiếm hoi rung lên từ điện thoại, thường là từ những người bạn ở nước ngoài nhiều năm chưa gặp lại. Đặc biệt là nếu họ không biết, em luôn có thể kể: nói vô tội thì có vẻ hơi khoe khoang quá, trong khi những người mới biết chuyện bắt đầu với giọng lắp bắp đầy cung kính và lí nhí như ở trong nhà thờ. Tất nhiên em không muốn tường thuật làu làu câu chuyện. Em cũng không thèm muốn sự im lặng thương hại từ bạn bè khi họ không biết nói gì ngoài để em giãi bày tâm sự. Nhưng lý do thực sự khi em báo “bận” để từ chối những lời mời đó là em sợ rằng bọn em sẽ cùng gọi một món sa-lát sau đó thanh toán, buổi tối sẽ kết thúc khi mới khoảng chín giờ, em trở về căn hộ nhỏ của mình và chẳng có gì để xắt.
Thật buồn cười, sau quãng thời gian dài với Wing and a Prayer, tới mỗi nhà hàng khác nhau mỗi tối, nơi mà những người bồi bàn thường nói tiếng Tây Ban Nha hay Thái Lan và phục vụ món seviche5 hoặc thịt chó, em đã trở nên gắn bó với thói quen khủng khiếp này. Thật kinh khủng, em cảm thấy mình giống hệt mẹ. Nhưng em không thể dừng lại với sự liên tiếp chặt chẽ này (một miếng phô mai với sáu hay bảy trái ô liu; ức gà xắt nhỏ, hay trứng ốp la; một món rau; một chiếc bánh quy va-ni; không nhiều hơn nửa chai rượu) như thể em đang bước đi trên dây thăng bằng và chỉ bước trật một chút là em sẽ ngã nhào. Em hẳn đã bỏ hoàn toàn món đậu Hà Lan vì sự chuẩn bị của họ là chưa đủ.
5 Một món sa-lát làm từ cá sống.
Dù sao thì ngay cả khi chúng ta đang xa cách, em biết rằng anh vẫn sẽ lo lắng liệu em có ăn uống đầy đủ hay không. Anh luôn như vậy. Nhờ có sự trả thù yếu ớt của Mary Woolford hồi chiều, em dường như no luôn rồi. Không phải tất cả những trò đùa của hàng xóm đều có thể an ủi.
Hàng lít sơn màu đỏ thẫm vương vãi khắp hiên nhà, chẳng hạn, khi em vẫn còn sống trong cái “trang trại” thời thượng của chúng ta trên đường Palisades Parade (đúng vậy đấy Franklin, dù anh thích hay không cái tên “trang trại” đó). Khắp cửa sổ, cửa ra vào. Họ đến vào buổi đêm, và khi em tỉnh dậy thì sơn đã gần khô rồi. Em nghĩ khi đó, một tháng sau cái ngày... biết gọi cái ngày thứ Năm đó thế nào nhỉ… em chẳng còn sợ hãi, hay tổn thương thêm được nữa. Chắc đó cũng là điều bình thường, khi mà những nỗi đau tự dày vò lẫn nhau, tổng hợp lại, nó khiến ta cảm thấy an toàn.
Khi rẽ từ góc nhà bếp sang phòng khách sáng hôm đó, em nhận ra một điều rằng mình chẳng thể bị tác động bởi những thứ vô nghĩa. Em đã kinh ngạc. Mặt trời đang chiếu qua cửa sổ, hay ít nhất là len lỏi qua những chỗ không bị sơn che phủ. Nắng cũng lọt qua những chỗ sơn mỏng nhất, đổ lên bức tường trắng ngà ánh sáng đỏ như trong một nhà hàng Trung Hoa.
Em đặt ra cho mình một nguyên tắc, điều mà anh thường ngưỡng mộ, để đối mặt với những sợ hãi, mặc dù nó hình thành trong những ngày mà chính nỗi sợ hãi đã khiến em mất phương hướng ở những thành phố nước ngoài, một trò trẻ con. Em sẽ đổi thứ gì để quay lại những ngày mà em không biết chắc điều gì đang chờ đợi (tự nó là một trò trẻ con). Dẫu vậy, thói cũ khó bỏ, vậy nên thay vì quay lại giường và vẽ lên những trang bìa báo, em quyết tâm kiểm tra bên ngoài. Nhưng cửa bị kẹt, bị dính chặt bởi sơn tráng men đỏ thẫm. Không giống như sơn nước, sơn men không hòa tan với nước. Và nó cũng đắt hơn nhiều Franklin à. Ai đó đã thực sự đầu tư nghiêm túc đấy. Dĩ nhiên hàng xóm cũ của chúng ta không có ai thiếu thốn cả, nhưng cũng chẳng có ai trong số họ thực sự giàu có.
Em qua cửa hông để vòng ra phía trước trong chiếc áo choàng bông. Hòa cùng với tác phẩm nghệ thuật của hàng xóm, em cảm thấy mặt mình đúng như danh từ “mặt trơ” mà Thời báo New York đã miêu tả trong phiên tòa. Tờ Bưu điện, ít tử tế hơn, mô tả thái độ của em bằng từ “thách thức”, tờ tạp chí địa phương thậm chí còn đi xa hơn “Bởi sự lạnh lùng tàn nhẫn của Eva Khatchadourian, con trai bà ta chẳng biết làm gì hơn việc phá phách để gây sự chú ý”. (Em nghĩ mình đã sững người trước tòa, nheo mắt lại và cố dùng răng hàm cắn phần má trong, em bấu víu vào câu châm ngôn mạnh mẽ của anh “Đừng bao giờ để họ thấy em sợ”. Nhưng Franklin à, “thách thức” ư? Em chỉ đang cố không khóc mà thôi.)
Hiệu ứng mà đống sơn tạo ra khá là tuyệt vời nếu anh có sở thích giật gân, thứ mà em chắc chắn không có hứng thú. Ngôi nhà trông như vừa bị cắt cổ vậy. Sơn văng tung tóe như những bức tranh Rorschach, màu sơn được chọn rất tỉ mỉ, đậm, rõ, pha chút xanh tím rất thu hút, có lẽ người ta đã tự trộn màu. Em đồ rằng thủ phạm sẽ phải yêu cầu riêng màu này vì không phải chỗ nào cũng bày bán sẵn, cảnh sát có thể lần ra được hắn.
Nhưng em không có ý định quay lại đồn cảnh sát, trừ trường hợp bắt buộc.
Áo kimono của em rất mỏng, cái mà anh tặng em trong dịp kỷ niệm đầu tiên của hai đứa hồi năm 1980 ấy. Một mùa hè đáng nhớ. Đó là chiếc áo choàng duy nhất mà em còn giữ, và em cũng chẳng cần gì hơn. Em đã vứt đi rất nhiều đồ, nhưng không phải những món đồ anh tặng hay để lại. Em thừa nhận rằng những món đồ này khiến em đau đớn. Đó cũng là lý do em giữ chúng. Cách em dằn vặt mình thể hiện ngay ở chiếc tủ quần áo bừa bộn thiếu “lành mạnh”. Em cầu mong nó khác đi. Trái ngược với nỗi đau nhục nhã, ghê tởm Kevin gây ra, nỗi đau của những vệt sơn, của tên tội phạm và của tòa án dân sự khá “lành mạnh”. Sự lành mạnh bị nhiều người coi nhẹ khi đã ở vào tuổi sáu mươi, với em đó là thứ tài sản quý giá mà em trân trọng.
Vấn đề là, nắm trong tay chiếc khăn bông mềm màu xanh và đánh giá tác phẩm hơi cẩu thả mà hàng xóm chúng ta đã miễn phí tài trợ, em thấy hơi lạnh. Lúc đó đang là tháng Năm, nhưng em có thể cảm nhận rõ những cơn gió mạnh. Trước khi tự mình hiểu ra, em đã nghĩ rằng sau ngày tận thế của chính mình kết thúc, những phiền muộn nhỏ nhặt của cuộc sống sẽ theo đó mà biến mất. Nhưng không. Anh vẫn sẽ cảm thấy ớn lạnh, tuyệt vọng khi một gói bưu phẩm bị thất lạc, vẫn cảm thấy khó chịu khi bị tính sai tiền ở Starbucks. Nó kiểu như là, thi thoảng, em khá ngại ngùng khi vẫn cần áo len hay áo cổ lọ, hoặc khi phải tranh cãi về một đô rưỡi tính nhầm. Nhưng kể từ ngày thứ Năm đó, cuộc sống của em đã chìm trong tấm chăn của sự ngần ngại mà em đã chọn những phiền phức nhỏ bé ngẫu nhiên này để thay thế, tượng trưng cho những khuôn phép vẫn còn tồn tại. Ăn mặc hơi phong phanh, cố gắng xoa tay để làm ấm cơ thể trong cái siêu thị Walmart khổng lồ mà em phải rất vất vả mới tìm được chỗ bày bán diêm, em tự đắc với những cảm xúc bình thường nhất.
Quay vào trong nhà bằng cửa hông, em tự hỏi không biết bằng cách nào mà cả đám người có thể gây ra vụ lộn xộn này mà em vẫn ngủ chẳng biết gì. Có lẽ là do đống thuốc ngủ em uống mỗi đêm (làm ơn đừng nói gì Franklin, em biết anh không đồng ý chuyện này) đến khi em nhận ra mình đã lầm. Lúc đó chuyện đã xảy ra được khoảng một tháng, không phải một ngày. Không có những lời chửi bới hay la hét, không có mặt nạ hay súng ngắn. Họ đến trong im lặng. Chỉ có tiếng cành cây gãy, tiếng thịch khẽ khi một xô sơn đổ đầy lên cánh cửa gỗ gụ bóng loáng của chúng ta, tiếng sóng sánh khi sơn đập vào cửa sổ, tiếng lách tách văng tứ tung, chẳng ầm ĩ hơn một cơn mưa nặng hạt. Họ không phải những người bỗng nhiên nổi giận và phun bằng những lọ sơn Day-Glo, họ ụp những thùng sơn chứa đầy căm thù đã được nung nấu, cô đặc lại đến một mức nhất định như loại sốt hảo hạng của Pháp.
Anh chắc chắn sẽ đề nghị thuê người dọn dẹp mớ hỗn độn đó. Anh đã luôn thích sự bóng bẩy của cái gọi là “chuyên nghiệp hóa kiểu Mỹ”, luôn có chuyên gia cho mọi vấn đề, đôi khi anh ghi chú vào những tờ giấy vàng chỉ để cho vui: “Xóa sơn: sơn men đỏ thẫm”. Nhiều bài báo đã nói về việc chúng ta giàu có đến thế nào và Kevin được nuông chiều ra sao. Em không muốn Gladstone hài lòng khi có thể chế nhạo em, “Cô ta chỉ cần thuê thêm một kẻ bợ đỡ để dọn dẹp mớ hỗn độn, như cách cô ta thuê một luật sư danh giá vậy”. Không, em bắt họ hàng ngày phải nhìn em chà bằng tay, thuê một chiếc máy thổi cho những viên gạch. Một tối nọ, em nhìn vào hình phản chiếu của mình trên gương sau một ngày mệt nhọc - quần áo lấm lem, móng tay nham nhở, tóc tai lòa xòa - và thét lên. Em từng có lần trông như vậy trước đây.
Một vài kẽ hở xung quanh cửa có thể vẫn còn sót chút màu hồng ngọc, sâu trong những vết nứt của những viên gạch giả cổ có thể lấp lánh vài giọt sơn đầy căm ghét mà em không thể với tới. Em chẳng biết được. Em đã bán căn nhà. Sau vụ xét xử, em buộc phải làm thế.
Em đã nghĩ rằng việc bán căn nhà sẽ không thuận lợi nếu những người mua mê tín biết được ai từng là chủ sở hữu. Nhưng điều đó chỉ lần nữa chứng minh sự hiểu biết nghèo nàn của em về đất nước của chính mình. Anh từng trách em tò mò thái quá đến “những hố phân ở thế giới thứ ba” trong khi đất nước được cho là đế chế phi thường nhất trong lịch sử nhân loại đang ở ngay trước mắt em. Anh đã đúng, Franklin. Không có nơi nào bằng quê nhà.
Ngay sau khi tài sản được liệt kê, các nhà thầu thi nhau nhảy vào. Không phải vì họ không biết, mà vì họ biết rất rõ. Ngôi nhà cuối cùng được bán giá cao hơn so với giá trị thực, những hơn ba triệu đô-la. Em đã quá ngây thơ khi không biết rằng tài sản càng nổi tiếng càng bán được nhiều tiền. Khi chạm vào những đồ đạc trong phòng ăn nhà ta, em có thể thấy sáng lên trong mắt họ sự thích thú khi mường tượng về khoảnh khắc ở bữa tiệc tân gia.
Keng, keng. Mọi người, chú ý. Tôi có vài điều muốn nói, nhưng trước hết, các bạn sẽ không tin nổi chủ cũ của căn nhà này là ai đâu. Sẵn sàng chưa? Là Eva Khatchadourian... Nghe quen không? Chúng ta đang ở đâu nào? Gladstone! Đúng rồi, Pete, một người khác mang họ Khatchadourian mà các bạn biết ấy? Thôi nào mọi người, hơi chậm đấy.
… Đấy, đúng rồi, “Kevin”. Điên rồ, đúng không? Nhóc Lawrence nhà tôi ở phòng cũ của tên đó. Tối hôm trước, thằng nhóc đòi thức cùng tôi xem Henry: Chân dung của tên sát nhân hàng loạt vì phòng nó bị ám bởi “Kevin sốt cà chua”. Nhưng tôi phải làm nó thất vọng và giải thích với nó rằng “Kevin sốt cà chua” không thể ám phòng nó được vì thằng khốn khiếp vô dụng đó vẫn còn sống và đang ngồi trong nhà tù ở ngoại ô với một đám nhãi khác. Theo tôi thì thằng nhãi đó nên ngồi lên ghế điện... Không, nó không tệ như vụ Columbine. Bao nhiêu nhỉ? Mười? Em yêu? Ờ chín! Bảy học sinh và hai người lớn. Cô giáo bị hạ gục như kiểu người hùng hay nhà vô địch của bọn trẻ ấy. Tôi không hiểu sao họ đổ lỗi cho phim ảnh, nhạc rock. Chúng ta đều lớn lên với nhạc rock mà, phải không? Nhưng chẳng ai đến trường rồi giết người điên cuồng cả. Như Lawrence đây. Thằng bé thích xem những chương trình tivi máu me, và nó chẳng hề sợ sệt. Nhưng khi con thỏ của nó bị xe chẹt, nó đã khóc nguyên cả tuần. Những đứa trẻ biết phân biệt sự khác biệt.
Chúng ta dạy chúng biết điều hay lẽ phải. Nghe có vẻ không công bằng cho lắm, nhưng chúng ta phải đặt dấu chấm hỏi về cha mẹ của nó.