Franklin thân mến,
Anh biết đấy, em chỉ đang cố tỏ ra lịch sự. Khi mấy người đồng nghiệp... ừ bất ngờ chưa, em đã xin được việc làm ở công ty du lịch Nyack, cũng khá là may mắn... mấy người đồng nghiệp cứ phát điên lên vì kết quả phiếu bầu của Pat Buchanan ở Palm Beach, em đã cực kỳ kiên nhẫn để họ kết thúc màn ca thán. Tự nhiên em trở thành của hiếm vì ở đây chẳng ai để người khác nói hết câu. Nếu không khí cả nước bỗng dưng bừng lên như một lễ hội, kiểu lễ hội để người ta ra sức bày tỏ quan điểm ấy, em thấy mình không được mời đến “bữa tiệc” đó. Em chẳng quan tâm ai sẽ trở thành tổng thống.
Tuy vậy, chỉ là nếu thôi, em có thể tưởng tượng tuần vừa rồi khá là sống động đấy. Em chắc sẽ bầu cho Gore, anh thì về phe Bush. Chúng ta sẽ có những buổi tranh luận làm nóng trước cuộc bầu cử, và điều này... ôi... điều này thật tuyệt vời! Tiếng đấm tay ầm ĩ và tiếng sập cửa chói tai, em thì thuộc làu những trích dẫn từ tờ Thời báo New York, anh sẽ cao giọng nhấn mạnh mấy cái bình luận trên Tạp chí phố Wall và cố cười gượng để kết thúc cuộc tranh luận. Ôi em nhớ những cuộc tranh cãi vớ vẩn ấy biết bao!
Em đã không thành thật trong bức thư trước khi nói rằng mình đã kể hết mọi chuyện với anh. Thật ra, điều thôi thúc em viết cho anh chính là một đống bí mật nhỏ mà em đã giữ bấy lâu nay.
Đừng nghĩ rằng em cảm thấy dễ chịu khi giữ những bí mật đó. Em bị mắc kẹt với chúng trong suốt thời gian dài và em không muốn gì hơn ngoài việc trút bầu tâm sự với anh. Nhưng Franklin à, anh đã không muốn nghe. Em chắc rằng giờ vẫn vậy. Có lẽ lúc đó em nên cố gắng hơn để bắt anh lắng nghe em, nhưng dường như chúng ta đã quá khác biệt. Các cặp vợ chồng cãi nhau khi họ bất đồng về những thứ vô hình, trừu tượng, những ranh giới không rõ ràng như là một câu chuyện trong quá khứ hay mối ác cảm mơ hồ và những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Có lẽ khi họ làm lành, sự ngăn cách vô hình ấy có thể dễ dàng tan biến. Em ghen tị khi thấy họ nói, Nghe này, không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, chúng ta có thể vượt qua nó. Nhưng trong trường hợp của chúng ta, thứ ngăn cách hai ta lại quá hữu hình, và nếu nó không ở đó thì nó có thể tự đi vào nếu muốn.
Con trai chúng ta. Nó không chỉ gây ra một chuyện đó mà là cả một câu chuyện dài. Em sẽ lùi thời gian về thật lâu. Đã có nhiều những cảnh báo trước đó mà anh không hề hay biết.
Chúng ta từng có những gì? Chúng ta đã rất hạnh phúc. Tại sao, sao lúc đó ta lại phải đánh cược tất cả những điều tốt đẹp mình đang có để đổi lấy một đứa trẻ? Dĩ nhiên là anh sẽ thấy câu hỏi đó thật xúc phạm. Những người vô sinh được quyền tỏ ra gay gắt với em nhưng anh thì không bởi vì anh chẳng hề ở trong cái thế giới mà em đã phải dành tất cả thời gian của mình với một đứa trẻ. Nhưng sự ngoan cố, muốn thách thức bản thân đã làm em quyết tâm mở chiếc hộp Pandora6 đó. Em biết mình là kiểu phụ nữ có khả năng, nghe hơi điên rồ một chút, thương cảm với những khiếm khuyết của người khác. Nhưng Kevin, nó chẳng thèm quan tâm đến sự tồn tại của người khác, phải không?
6 Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora là chiếc hộp chứa đựng mọi điều xấu xa trên thế giới.
Em xin lỗi, nhưng anh không thể mong em không nói đến chuyện xảy ra vào ngày thứ Năm đó, em còn không biết gọi đó là cái gì nữa. Vụ việc đã bị truyền thông nói giảm một cách đáng xấu hổ. Cái ngày mà con trai chúng ta được biết đến như một tên sát nhân hàng loạt nghe quá dài phải không? Mọi người không còn nhắc đến nó ư? Nhưng em sẽ nhắc đấy. Mỗi ngày, em thức dậy với điều đó và đi ngủ với điều đó thay vì với một ông chồng.
Em đã phải suy nghĩ rất nhiều, cố hồi tưởng lại những ngày tháng của năm 1982, khi mà chúng ta chính thức đưa ra “quyết định” quan trọng đó. Chúng ta vẫn đang sống trong căn gác xép của em ở Tribeca, hàng xóm của chúng ta là những cặp đôi đồng tính, những nghệ sĩ tự do mà anh phàn nàn là “chỉ biết tự nuông chiều bản thân” và những cặp đôi không vướng bận thường ăn tối ở Tex-mex rồi lang thang ở Limelight đến tận ba giờ sáng. Trẻ con ở đấy hiếm như loài cú đốm hay là động vật sắp tuyệt chủng ấy, điều đó đã khiến chúng ta phải thực sự cân nhắc về việc có con. Chúng ta thậm chí còn tự đặt ra một hạn chót cho việc đó là vào sinh nhật lần thứ ba mươi bảy của em vào tháng Tám, chúng ta không muốn vẫn sống cùng một đứa con khi bước sang tuổi sáu mươi.
Tuổi sáu mươi! Ngày đó tuổi tác cũng mơ hồ như những đứa trẻ vậy. Giờ thì em chỉ muốn nhảy lên xe buýt và đến sống ở một vùng đất mới trong năm năm nữa. Vào năm 1999, em đã thực hiện một bước nhảy vọt theo thời gian, mặc dù em không nhận thấy dấu hiệu tuổi tác khi soi gương. Khi em phải đi làm mới bằng lái xe hồi tháng Một vừa rồi, người tiếp nhận hồ sơ chẳng hề ngạc nhiên khi thấy em đã năm mươi tư tuổi, anh nhớ không, trước đây lúc nào trông em cũng trẻ hơn mười tuổi ấy. Thực tế, sau hôm thứ Năm, em đã có một cuộc đụng độ thực sự xấu hổ với người bán vé tàu điện ngầm ở Manhattan khi anh ta bảo rằng em có thể đăng ký mua vé ưu đãi dành cho người trên sáu mươi lăm tuổi.
Anh phải đồng ý với em rằng sinh con chính là “việc quan trọng duy nhất” mà chúng ta cùng nhau quyết định. Tuy nhiên những quyết định khi ấy chẳng có vẻ gì là chắc chắn. Mỗi khi một trong hai ta đặt ra câu hỏi về việc làm cha mẹ, em lại cảm thấy mình như một cô bé bảy tuổi đang băn khoăn về con búp bê Thumbelina ướt sũng đêm Giáng sinh.
Em vẫn nhớ những cuộc cãi vã diễn ra ngày càng nhiều và căng thẳng hơn. Một trong số ít những lần không khí trở nên tươi sáng hơn có lẽ là hôm Chủ nhật sau bữa trưa cùng Brian và Louise ở Riverside Drive. Họ không còn đi ăn tối nữa, kết quả tất nhiên của việc “phân công lao động” trong gia đình: một người thì chơi trò “người lớn” với ô-liu đen và rượu vang đỏ Cabernet, người còn lại thì vật lộn, tắm rửa và ru ngủ hai cô con gái hiếu động. Em từng rất thích cuộc sống về đêm, khi mọi thứ đều trở nên hoang dã hơn, mặc dù đó không phải là phẩm chất mà em sẽ liên kết với người viết kịch bản HBO ấm áp, điềm đạm, người tự làm mỳ Ý và trồng rau mùi trên ban công cửa sổ.
Giọng em đầy kinh ngạc: “Và anh ta từng là một con nghiện cô-ca-in đấy.”
“Em có vẻ đăm chiêu nhỉ,” anh chỉ ra.
“Ồ, em chắc là giờ anh ta hạnh phúc hơn.”
Em không chắc lắm. Ngày đó em vẫn nghi ngờ những thứ được cho là “lành mạnh”. Chúng ta thực sự đã có khoảng thời gian rất tuyệt vời bên nhau, điều mà sau đó để lại trong lòng em một khoảng trống không thể lấp đầy. Em đã có lúc mê mẩn bộ bàn ăn bằng gỗ sồi trong những buổi bán hàng ở ngoại ô, còn anh thì vùi đầu vào bộ Búp bê Bắp cải với sự kiên nhẫn khiến em phát điên. Chúng ta luôn hào hứng với việc sáng tạo ra những món sa-lát mới, vào đầu những năm tám mươi thì phô-mai dê và cà chua phơi khô vẫn chưa phổ biến lắm.
Nhiều năm trước khi chúng ta đồng ý rằng anh và Brian sẽ không thể thống nhất với nhau về Tổng thống Ronald Reagan; với anh, ông ta là biểu tượng cho sự hài hước và đã có những giải pháp tài chính vực dậy niềm tự hào của đất nước, với Brian thì ông ta lại là một kẻ ngu ngốc sẽ làm đất nước phá sản khi giảm thuế cho người giàu. Vậy nên chúng ta thường chỉ bàn đến những chủ đề không gây tranh cãi, còn “Ebony và Ivory” thì uốn éo ở sân sau và khiến em thực sự khó chịu khi chúng cứ hát ngày càng to và lặp đi lặp lại một bài không biết chán. Anh phàn nàn về việc đội Knicks không chơi trong vòng loại trực tiếp còn Brian khá giỏi trong việc giả vờ quan tâm đến thể thao. Chúng ta cùng thất vọng khi chương trình Gia đình là tất cả sắp sửa phát sóng mùa cuối, nhưng rồi lại cùng đồng ý rằng chương trình đó nên đi đến một hồi kết nhất định. Chỉ có một điều chúng ta đã không thể thống nhất chiều hôm đó là về số phận của M*A*S*H7. Brian tôn sùng Alan Alda8 còn anh thì nghiêm khắc chỉ trích ông ta là “kẻ tỏ ra cao đạo”.
7 Một bộ phim truyền hình hài kịch chiến tranh của Mỹ được phát sóng trên CBS.
8 Alan Alda là người đóng vai Hawkeye Pierce trong loạt phim M*A*S*H.
Brian có một điểm yếu khi nhắc đến Israel, em đã có thể đưa ra những bằng chứng về vụ “Judeo-Nazis” và điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến. Vậy nên thay vào đó em hỏi anh ta về chủ đề của bản thảo nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời thích đáng bởi cô con gái lớn của họ bị dính kẹo cao su lên mái tóc vàng như búp bê Barbie. Họ đã thực sự rất mất thời gian để giải quyết việc đó, Brian cuối cùng kết thúc bằng việc cắt đám tóc rối bằng một con dao găm, Louise thì có vẻ hơi buồn. Nhưng chỉ vậy thôi, không ai uống quá nhiều hay cảm thấy bị xúc phạm. Căn nhà của họ thì đẹp, đồ ăn thì ngon, các cô bé thì ngoan. Đều tốt cả!
Em thất vọng với chính mình khi mà một bữa trưa dễ chịu với những con người dễ chịu vẫn là chưa đủ để khiến em hài lòng. Tại sao em lại muốn những cuộc tranh cãi? Chẳng phải sự đáng yêu của hai cô bé là đủ rồi sao, có gì to tát khi chúng liên tục gây rắc rối khiến em không thể suy nghĩ được điều gì suốt cả buổi chiều? Chẳng phải em đã lấy người đàn ông em yêu ư? Tại sao lại có điều gì đó xấu xa trong em thèm muốn bàn tay của Brian luồn xuống váy mình khi giúp anh ta vào bếp lấy hộp kem Häagen-Dazs. Nghĩ lại, em đã đúng khi tự trừng phạt mình. Chỉ vài năm sau em đã phải trả tiền để có một buổi tụ tập gia đình bình thường mà điều tệ nhất là chẳng có đứa trẻ nào bị dính kẹo cao su vào tóc cả.
Anh đã hùng hồn tuyên bố ở sảnh: “Thật tuyệt! Hai đứa trẻ thật tuyệt. Chúng ta cũng nên sớm sinh con nếu tìm được một cô trông trẻ.”
Em chẳng muốn nói gì thêm. Anh không có thời gian cho thói kén ăn của em khi em kêu ca về bữa trưa có phần nhạt nhẽo, không phải anh cũng cảm thấy như vậy sao, cũng chẳng quan trọng, có gì đó thật chán ngắt, vô vị khi Brian cư xử mất kiểm soát về lịch chiếu Bố là tất cả (cuối cùng em cũng có thể thú nhận điều đó bên cốc rượu pha vội trong phòng dành cho khách ở bữa tiệc trước khi anh và em gặp nhau). Em khá chắc anh cũng có cảm nhận giống em rằng việc tỏ ra chúng ta đã có một buổi gặp gỡ thành công khá chán và ngớ ngẩn, nhưng thay vì làm điều mà ta thực sự muốn, chúng ta sẽ không hít một chút cô-ca-in, anh đã từ chối. Đó là những con người dễ mến đã đối xử tốt với chúng ta, vậy nên chúng ta đã có một khoảng thời gian “tốt đẹp”.
Anh coi sự chuộc lỗi là một hành động của ý chí. Anh chê bai những người (người như em) khó chiều, bởi việc không thể cảm nhận được những điều tốt đẹp đơn giản trong cuộc sống thể hiện họ là những kẻ yếu đuối. Anh luôn ghét những người kén ăn, người rối loạn lo lâu, những kẻ hợm hĩnh chê bai Lối sống sai lầm9 khi nó trở nên nổi tiếng. Đồ ăn ngon, đĩa đẹp, thìa đẹp, em còn có thể muốn gì nữa chứ? Thêm nữa, cuộc sống tốt đẹp chẳng tự nhiên gõ cửa. Niềm vui là một loại công việc. Vậy nên nếu anh cứ máy móc tin rằng chúng ta đã có khoảng thời gian vui vẻ với Brian và Louise, trên lý thuyết, thì được thôi, chúng ta đã rất vui. Thực tế thì điều sau cùng còn lại là buổi chiều mệt mỏi vì anh đã nhiệt tình quá mức cần thiết.
9 Tên một bộ phim hài kịch Mỹ được sản xuất năm 1983.
Khi chúng ta đi qua cánh cửa xoay bước vào Riverside Drive, em nghĩ rằng sự thất vọng của mình là vô lý. Nhưng rồi những suy nghĩ đó đã quay lại ám ảnh em, em đã không lường trước được khả năng kiểm soát sự quá trớn, sự vô lý của anh và cất chúng vào một chiếc hộp ngăn nắp. Giống như người ta cố nhồi nhét đống gỗ mục vào chiếc va-li Samsonite vậy. Giống như việc nhầm lẫn giữa điều vốn có và điều nên có, anh luôn có chiều hướng nhầm lẫn giữa những thứ mình đang có và những thứ mình mong muốn, đôi khi nó dẫn đến những hậu quả kinh khủng.
Em đề nghị chúng ta đi bộ về nhà. Trên đường đến Wing and a Prayer, em muốn ngắm nhìn thiên nhiên.
“Phải sáu, bảy dặm từ đây đến Tribeca!” Anh phản đối.
“Anh có thể bắt taxi để nhảy dây 7500 lần trước trận đấu của Knicks nhưng lại không thể đi bộ vài dặm để đến nơi mình cần đến.” “Ừ thì chuyện gì đi chuyện đấy.” Cách anh đặt ra giới hạn cho những bài thể dục hay cách anh gấp quần áo cực kỳ cẩn thận rất đáng yêu. Nhưng khi chúng ta nghiêm túc hơn, Franklin, em đã bớt bị say mê vì sự ngăn nắp đã dần biến mất và thay bằng sự cẩu thả.
Em chuẩn bị đến Thuỵ Điển ba ngày sau đó nên khi em nói rằng sẽ tự đi bộ một mình, anh đã tham lam muốn đồng hành cùng em. Chúng ta dạo chơi trên con đường mòn đến công viên Riverside, nơi những cây bạch quả đang nở hoa, những bụi cỏ rải rác xô nhau như người tập thái cực quyền. Em háo hức khi được xa lánh bạn bè đến mức vấp ngã.
“Em say rồi.”
“Có hai ly thôi mà.” “Mới có trưa thôi đấy.”
“Đáng nhẽ em nên uống hẳn ba ly.” Em hơi gắt gỏng. Anh luôn kiềm chế sự giải trí ngoại trừ tivi. Đôi khi em ước anh thả lỏng hơn, chẳng hạn như khi chúng ta còn hẹn hò, anh sẽ xuất hiện trước cửa nhà em với hai chai vang Pinot, một xách sáu chai bia St. Pauli Girl, một cái nhìn mời gọi đến nỗi chúng ta không thể giữ mình đến tận khi ăn tối xong.
“Bọn nhóc nhà Brian”, anh nói, “chúng có làm cho em cũng muốn có con không?”.
“Ừm... cũng có thể. Chúng dễ thương. Nhưng thưa ngài Bunnykins, tôi sẽ không là người ‘xoa dịu con thú dữ’ khi bọn trẻ đòi ăn bánh hay đòi uống năm nghìn cốc nước đâu nhé.”
Em biết cuộc nói chuyện của chúng ta đã bắt đầu một trò chơi mà anh không thực sự toàn tâm toàn ý. Một trong hai ta luôn bị cuốn vào vai trò của một phụ huynh nhàm chán. Lần gần nhất em đã hoàn toàn làm hỏng nòi giống của chúng ta khi nuôi dạy nên một đứa trẻ ồn ào, bừa bộn và vô ơn. Lần này em cá rằng mình sẽ liều lĩnh hơn: “Ít nhất nếu có thai, em sẽ quyết định khác đi”.
“Đương nhiên rồi. Vậy là em sẽ sinh con.” Anh nói cộc lốc.
Em kéo anh vào con đường đi xuống bờ sông. “Em thích nghĩ về việc lật cuộc sống sang một trang mới.”
“Thật là khó hiểu.”
“Ừ thì chúng ta đang hạnh phúc mà, phải không?”
“Chắc chắn rồi.” Anh trả lời một cách thận trọng. “Anh nghĩ vậy.” Với anh, sự đồng lòng của chúng ta chẳng hề được xem xét kỹ lưỡng, nếu ví nó như một con chim nhút nhát, dễ hoảng sợ, chỉ cần một trong chúng ta thốt lên “Nhìn con thiên nga tuyệt đẹp kìa!” thì nó sẽ bay đi mất.
“Có vẻ như chúng ta quá hạnh phúc.”
“Ừ anh đang định bàn với em về chuyện đó. Có lẽ chúng ta nên cãi nhau nhiều hơn một chút.”
“Thôi đi. Em đang nói đến chuyện của chúng ta. Mấy câu chuyện cổ tích lúc nào chẳng kết thúc bằng: và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau.”
“Giúp anh một việc nhé. Thử làm anh bớt hứng thú với chuyện đó xem.”
Anh biết rõ là em đang định nói gì mà. Không phải cái hạnh phúc đó là ngu ngốc, chỉ có điều những câu chuyện đó chưa thực sự đầy đủ. Một trong những trò tiêu khiển khi chúng ta về già sẽ là kể lại không chỉ cho người khác mà còn là cho chính chúng ta những câu chuyện thời trẻ. Em nên biết rằng mình luôn bay bổng với những câu chuyện của bản thân, và chúng bám đuổi em dai dẳng. Giờ thì em muốn nói với những người không có hoặc có rất ít những câu chuyện để kể lại rằng họ thật sự may mắn khủng khiếp.
Chúng ta chậm rãi đi qua sân tennis dưới ánh nắng gay gắt của tháng Tư, dừng lại ngắm nhìn một cú đánh trái tay mạnh mẽ dưới lớp áo gió màu xanh lá. “Có vẻ như mọi chuyện đã được giải quyết.”
Em thở dài. “Wing and a Prayer đã thành công còn sự nghiệp của em thì chết ngắc. Em luôn có thể kiếm được nhiều tiền nhưng em chỉ suốt ngày mua sắm ba lăng nhăng. Em chẳng biết phải làm gì với số tiền ấy Franklin à. Tiền làm em phiền lòng, và nó bắt đầu thay đổi cách sống của chúng ta theo cái hướng em chẳng thích chút nào. Nhiều người không có con vì họ không thể có đủ tiền để lo cho nó. Em sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi tìm được thứ gì đó thiết thực hơn để tiêu tiền vào đó.”
“Anh không thiết thực sao?” “Anh thì cần bao nhiêu cơ chứ.” “Một sợi dây nhảy mới thì sao?” “Mười đô.”
“Ừm”, anh thừa nhận, “ít nhất thì một đứa trẻ có thể giải quyết câu hỏi lớn đó”.
Có thể em đã hơi gắt gỏng. “Câu hỏi lớn nào?”
“Em biết đấy.” Anh nói khẽ, kéo dài giọng. “Ý nghĩa của sự hiện sinh.”
Em chẳng thể hiểu nổi tại sao nhưng câu hỏi lớn của anh chẳng hề làm em lay chuyển. Em thích suy nghĩ về một cuộc sống luôn thay đổi. “Em có thể lang thang đến một đất nước mới…”
“Còn nước nào mà em chưa đi đâu? Em đi ra nước ngoài như người ta đi siêu thị.”
“Nga.” Em nhắc. “Nhưng em sẽ không đi, em không muốn đánh cược mạng sống với Aeroflot10. Vả lại gần đây… em cảm thấy nơi nào cũng như nhau. Mỗi quốc gia đều có những món ăn khác nhau nhưng đồ ăn vẫn chỉ là đồ ăn. Anh hiểu ý em chứ?”
10 Một hãng hàng không của Nga.
“Em gọi đó là gì? Phải rồi! Vô nghĩa.”
Thấy không, hồi đó anh có thói quen luôn vờ không hiểu gì khi em bắt đầu nói về những thứ phức tạp. Dần dà, trò giả ngốc của anh trở thành những câu trêu đùa ẩn ý rằng anh bất lực với việc hiểu những gì em nói không phải vì nó khó hiểu mà vì nó đã quá rõ ràng đến mức anh không muốn chấp nhận.
Cho phép em giải thích rõ hơn: Mỗi quốc gia đều có thời tiết khác nhau, nhưng tất cả đều chỉ là một kiểu khí hậu nào đó, một kiểu kiến trúc nào đó, và việc ợ trên bàn ăn được xem là cử chỉ đáng khen hoặc thô lỗ. Em đã bắt đầu để ý xem ở Ma-rốc người ta để giày dép ngoài cửa hay đi cả vào trong nhà, văn hóa mỗi nơi mỗi khác. Có vẻ có khá nhiều rắc rối khi đi đây đi đó - kiểm tra hành lý, làm quen với múi giờ khác - chỉ để mắc kẹt với sự liên tục của những đôi giày cho hợp thời tiết, bản thân sự liên tục cũng chính là một kiểu địa điểm nào đó, vì thế nên em cứ như hạ cánh ở cùng một nơi. Mặc dù em hay khoa trương về sự toàn cầu hóa - giờ em có thể mua đôi bốt ngắn cổ màu nâu sô-cô-la yêu thích ngay tại Banana Republic ở Thái Lan - nhưng có những thứ không thay đổi, đó là thế giới trong tâm trí em, những gì em nghĩ, những gì em nói và những gì em cảm nhận. Cách duy nhất khiến tâm trí em thay đổi là đến một đất nước khác chứ không phải chỉ là một sân bay khác.
“Làm mẹ.” Em ngừng lại khi đang đi bộ trong công viên. “Giờ, đó thực sự là một đất nước khác.”
Hiếm hoi lắm mới thấy em có vẻ như thực sự muốn làm điều đó, và anh lo lắng. “Em có thể hài lòng với những gì mình đã đạt được. Anh thì thấy thỏa mãn khi tự mình tìm được vị trí quảng cáo cho khách hàng trên đại lộ Madison.”
“Được rồi!” Em ngắt lời, dựa vào hàng rào nhà Hudson và đưa hai tay lên ôm lấy mặt anh. “Chuyện gì có thể xảy ra chứ? Với anh, sự nghiệp của anh, chúng ta còn mong đợi gì hơn nào?”
Anh lắc đầu. Anh dường như nhận ra rằng em không cố công kích những thành tựu của anh hay hạ thấp tầm quan trọng của công việc của anh. “Em có thể tìm một bộ phim hay thay vào đó.”
“Nhưng anh luôn nói đó là cùng một công việc, anh tìm một bức tranh, một người khác vẽ cho nó một câu chuyện hay, rồi quảng cáo và bán giá cao hơn.”
“Cưới một Quý Cô Tiền Đầy Túi thì có vấn đề gì chứ?”
“Với anh thì có đấy.” Việc thừa nhận em kiếm nhiều tiền hơn anh cũng có giới hạn.
“Anh cũng đang cân nhắc việc chúng ta làm gì đó cùng nhau.” “Rồi sao? Em sẽ đuổi việc tất cả rồi bắt đầu mở một nhà hàng riêng sao?”
Anh cười. “Chẳng mấy ai làm được.”
“Đúng vậy. Anh quá thực tế. Nên có lẽ anh sẽ làm gì đó khác, còn em vẫn sẽ làm theo kế hoạch. Em đang nói về địa thế. Một địa thế đầy cảm xúc và tính tự sự. Chúng ta sống ở Hà Lan. Và thỉnh thoảng em lại khao khát đến Nepal.”
Vì người New York rất dễ bị tác động, anh có thể bị tổn thương khi em không quan tâm đến những tham vọng của anh. Nhưng có một điều anh luôn chắc chắn đó là về chính bản thân anh, và anh không bao giờ cảm thấy bị xúc phạm. Anh rất tham vọng về cuộc sống, giống như khi anh dậy rất sớm chẳng vì mục đích gì. Giống như hầu hết những người chưa tìm ra đam mê của bản thân, anh đặt công việc bên cạnh mình. Công việc có thể chiếm nguyên ngày của anh nhưng không thể lấp đầy trái tim anh. Em thích điều đó ở anh cực kỳ nhiều.
Chúng ta đi tiếp, em đung đưa tay anh. “Bố mẹ chúng ta rồi sẽ sớm qua đời.” Em nói tiếp. “Thực tế thì từng người mà chúng ta quen biết rồi sẽ ném sợi dây sinh tử của họ xuống giếng. Chúng ta sẽ già đi, một lúc nào đó những người bạn chúng ta mất đi sẽ nhiều hơn những người bạn chúng ta mới quen. Chắc chắn là chúng ta vẫn sẽ đi du lịch, kéo theo những va-li có bánh xe. Chúng ta sẽ ăn nhiều đồ ăn hơn, nốc nhiều rượu hơn và quan hệ nhiều hơn. Nhưng... đừng hiểu sai ý em... em lo rằng mọi chuyện khi đó sẽ khá là mệt mỏi.”
“Một trong hai ta có thể bị ung thư tuyến tụy.” Anh nói một cách thoải mái.
“Vâng. Hoặc lái chiếc xe bán tải của anh đâm vào máy trộn xi măng, câu chuyện sẽ ly kỳ hơn. Nhưng ý của em là vậy. Tất cả những gì sắp xảy ra mà em có thể nghĩ đến đều tồi tệ. Không, không phải như tấm bưu thiếp đầy trìu mến từ Pháp đâu.”
Anh hôn lên tóc em. “Khá là thiếu lành mạnh cho một ngày đẹp trời như thế này đấy.”
Anh ôm sát vai em đi được vài bước, sải chân của chúng ta không đều lắm nên em cố giữ nhịp bằng cách móc ngón tay vào đỉa quần anh. “Anh biết lối nói trại đó, cô ấy đang mong chờ? Nó có khả năng. Sự ra đời của những đứa trẻ, miễn là nó mạnh khỏe, là một điều tốt, to lớn, một sự kiện tốt, quan trọng. Và từ đó trở đi, mọi điều tốt đẹp xảy đến với chúng cũng sẽ tốt đẹp với anh. Dĩ nhiên cả những điều xấu nữa.” Em nói thêm. “Nhưng dẫu sao, anh biết đấy, những bước đi đầu tiên, lần cảm nắng đầu tiên, lần hẹn hò đầu tiên, về nhất trong cuộc đua nhảy bao bố. Trẻ con, chúng tốt nghiệp, kết hôn, có những đứa con của riêng chúng. Như kiểu chúng ta làm mọi thứ hai lần ấy. Kể cả khi con chúng ta có vấn đề. Ít ra cũng không phải cùng những vấn đề mà ta đã gặp.”
Đủ rồi. Tường thuật lại cuộc nói chuyện này khiến tim em tan nát.
Nhìn lại, có thể khi em nói mình muốn có thêm nhiều “câu chuyện” để kể lại, thực tế em đang ám chỉ rằng mình muốn có thêm một người khác để yêu. Chúng ta chưa bao giờ thực sự cởi mở, chúng ta quá ngại ngùng. Em luôn lo lắng rằng mình có thể hàm ý rằng anh là chưa đủ với em. Giờ đây, khi chúng ta chia cắt, em ước mình đã đủ dũng cảm để vượt qua sự rụt rè của bản thân và nói cho anh biết thường xuyên hơn rằng yêu anh chính là điều phi thường nhất trong cuộc đời em. Kể cả những thứ giản dị, nhỏ bé khi yêu anh. Mỗi ngày không có anh ở bên, em cố tìm lại khuôn ngực rộng lớn, ấm áp của anh, những đụn cơ bắp rắn rỏi nhờ một trăm lần chống đẩy mỗi ngày. Em có thể dụi đầu mình vào hõm xương quai xanh của anh vào mỗi buổi sáng trong lành, những ngày mà em không phải đi đâu. Đôi lúc, em nghe thấy tiếng anh gọi em từ một ngóc ngách nào đó “Ee... va” thi thoảng gắt gỏng, cụt lủn, ra lệnh, gọi em đi theo anh bởi vì em là của anh, như một chú cún, Franklin! Nhưng em đã là của anh và em không hối hận. Em muốn anh khẳng định điều đó: “Eeeee-VAA!” luôn nhấn mạnh vào âm tiết thứ hai, có những tối em gần như không thể trả lời vì cổ họng đang sưng lên. Em sẽ phải ngừng thái táo cho món bánh táo bởi vì em có thể mường tượng được những gì sắp xảy ra. Chiếc bàn bếp lung lay và nếu em tiếp tục cắt, em sẽ bị cắt vào tay. Anh luôn hét ầm lên mỗi lần em tự làm mình bị thương, điều đó làm anh nổi điên. Và khi anh bắt đầu nguôi giận thì em lại lặp lại chuyện đó.
Em chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xem thường anh. Chúng ta gặp nhau hơi muộn cho điều đó. Lúc đó em đã gần ba mươi ba, cuộc sống trước khi có anh quá khắc nghiệt và em thực sự rất cần tìm một phép màu trong những mối quan hệ. Nhưng sau khi em đã sống sót quá lâu với mớ cảm xúc hỗn độn của chính mình, anh nuông chiều em với những bó hoa bất ngờ không nhân dịp gì cả, những dòng nhắn đính trên tủ lạnh luôn kết thúc bằng “XXXX, Franklin”. Anh khiến em trở nên tham lam. Như một kẻ nghiện ngập luôn thèm muốn nhiều hơn. Và em đã tò mò, em tự hỏi không biết sẽ thế nào khi nghe những giọng nói ríu rít gọi “Mẹ ơi!”. Anh chính là người bắt đầu, như kiểu khi ai đó tặng ta một con voi bằng gỗ mun, ta bỗng dưng muốn sưu tập chúng.
Tái bút: (Ba giờ bốn mươi phút sáng)
Em đã cố gắng ngừng dùng thuốc ngủ, chỉ vì anh không muốn em dùng chúng. Nhưng không có những viên thuốc em cứ trở mình trằn trọc. Ngày mai em sẽ trở nên vô dụng tại Travel R Us, nhưng em muốn nhớ thêm những kỉ niệm khác từ hồi đó.
Nhớ hôm chúng ta ăn những con cua vỏ mềm cùng Eileen và Belmont trong căn gác xép của em không? Đêm đó thật bừa bãi. Anh thậm chí đã không thể đứng vững vì rượu brandy mâm xôi lúc hai giờ sáng. Không cần phải chuẩn bị những bộ quần áo ngu ngốc, không phải đến trường vào sáng hôm sau, chúng ta ăn trái cây và kem, nốc cả đống rượu mâm xôi, hò hét cùng nhau. Đó sẽ là câu chuyện không hồi kết về thời thiếu niên trác táng nếu chúng ta không có con ở tuổi trung niên.
Chúng ta thường hay nói về cha mẹ mình, chủ yếu là về những rắc rối họ gây ra. Không hẳn là một cuộc thi nhưng chẳng phải chúng ta đã cố chứng minh cha mẹ mình mới là những người điên nhất sao? Khá bất lợi cho anh vì việc cha mẹ anh không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khắc kỷ New England thực sự khó nhại lại. Ngược lại, cách mà mẹ em luôn lên kế hoạch khéo léo để khỏi phải ra khỏi nhà rất buồn cười, em thậm chí cố giải thích mấy câu đùa giữa em và anh trai Giles của em. “Tiện thật” - đó là câu cửa miệng trong gia đình em thay cho “Họ giao hàng đến rồi”. Hồi đó (trước khi anh ấy không cho bọn trẻ đến gần em nữa), em chỉ cần nói “Tiện thật!” là anh ấy cười lăn lộn. Sau đó mỗi lần em nói “Tiện thật” với Eileen và Belmont, họ cũng bật cười.
Không ai trong chúng ta có thể cạnh tranh được với đội hài kịch đa sắc tộc của những người quan hệ bừa bãi. Mẹ Eileen bị tâm thần phân liệt, bố cô ấy thì là một kẻ chơi bài lừa đảo chuyên nghiệp; mẹ Belmont thì là một gái điếm kiểu mẫu luôn ăn mặc như Bette Davis trong phim Điều gì xảy ra với bé Jane? còn bố anh ta là một tay trống hơi nổi tiếng chơi nhạc cùng Dizzy Gillespie. Em có cảm giác họ từng kể chuyện này rồi, nhưng họ kể rất hay, và sau rất nhiều ly vang trắng để tiêu bớt bữa cua hoành tráng vừa xong, em cười đến chảy cả nước mắt. Có lần em định cố hướng cuộc trò chuyện đến câu chuyện kỳ quái mà chúng ta đang băn khoăn, nhưng Eileen và Belmont nhiều hơn chúng ta ít nhất mười tuổi, và em không chắc có phải họ chọn không sinh con hay có một lý do không may nào khác, nhưng đề cập đến vấn đề đó có vẻ không hay.
Họ ở lại đến tận bốn giờ sáng. Đừng hiểu nhầm, em thực sự đã có khoảng thời gian vui vẻ. Đó là một trong những buổi tối hiếm hoi em chứng minh được giá trị của sự nhộn nhịp khi chạy đến chợ cá và cắt đống trái cây đó, thậm chí kể cả việc dọn dẹp bếp, quét bột mì còn vương vãi hay bị dính vỏ xoài cũng rất đáng. Nhưng đêm đó có thể hơi quá một chút, hoặc hơi nặng nề một chút bởi chúng ta đã uống quá nhiều. Em đã chóng mặt đến mức chân thì run và khó khăn lắm mới có thể tập trung giữ ly rượu trên tay mà không làm rơi. Nhưng không phải vì thế mà em buồn đâu.
“Yên tĩnh quá!” Anh nói khi đang xếp đĩa chồng lên nhau. “Nghe nhạc không?”
Em ăn nốt chiếc càng cua bị rơi ra khỏi chảo. “Chúng ta đã nói chuyện chắc phải bốn, năm tiếng về cha mẹ mình nhỉ.” “Nếu em thấy tội lỗi vì nói xấu mẹ mình, em có thể chờ để xưng tội vào năm 2025, đó là hoạt động ưa thích của em phải không?”
“Em biết đó là gì. Cũng chính là điều làm em phiền lòng.”
“Bà ấy không thể nghe thấy em, và không ai cho rằng em nghĩ bà ấy buồn cười có nghĩa là em không thấy bà ấy đáng thương hay là em không yêu thương bà ấy.” Anh nói thêm. “Theo cách của em.”
“Nhưng khi bà ấy chết, chúng ta không... em sẽ không thể tiếp tục sống mà không cảm thấy mình là đứa con ngỗ nghịch.”
“Vậy cứ làm chỗ dựa cho người phụ nữ tội nghiệp đó khi em còn có thể.”
“Nhưng chúng ta có nên nói về bố mẹ mình hàng giờ liền như vậy, ở tuổi này?”
“Có vấn đề gì chứ? Em chẳng cười chảy cả nước mắt còn gì.” “Em nghĩ đến cảnh cả bốn chúng ta, khi đã tám mươi tuổi, với những vết loét ở gan, vẫn ngồi uống và nói những câu chuyện như
vậy. Có thể sẽ nhuốm màu tiếc nuối vì họ đã chết, nhưng vẫn tiếp tục nói về các ông bố, bà mẹ kỳ cục. Không phải thế nghe hơi thảm hại sao?”
“Em nên giận dữ với El Salvador ấy.” “Không phải thế…”
“… Hoặc chỉ trích văn hóa các nước: người Bỉ thô lỗ, người Thái không chấp nhận ôm ấp nơi công cộng, người Đức bị ám ảnh bởi những trò hề.”
Những câu móc mỉa có hơi ác ý hơn. Tấm bằng nhân chủng học mà em khó khăn lắm mới có được nhắc nhở rằng trong khi em có những chuyến phiêu lưu ở nước ngoài thì anh vẫn quanh quẩn ở ngoại ô New Jersey tìm một cái ga-ra lộn xộn cho Black and Decker. Xin lỗi vì câu chuyện về những chuyến đi của em làm anh chán, nhưng anh cũng chỉ toàn trêu chọc em. Đã muộn và em cũng không có tâm trạng tranh luận.
“Đừng ngốc thế. Em cũng giống mọi người, thích nói về người khác, không phải các dân tộc. Những người em biết, những người gần với em, những người làm em phát điên. Nhưng em có cảm giác đang lợi dụng gia đình mình. Bố em bị giết trước khi em được sinh ra, chỉ có mẹ và anh trai nên cảm giác khá thiếu thốn. Thật lòng Franklin, em nghĩ ta nên có con chỉ để có chủ đề khác mà nói đến.”
“Ồ!” Anh thả chảo rau chân vịt vào bồn rửa. “Điều đó thật phù phiếm.”
Em giữ tay anh. “Không hề. Những gì chúng ta nói chính là những gì chúng ta nghĩ, là cuộc đời của chính chúng ta. Em không chắc mình muốn khả năng chăm sóc gia đình bị phí hoài. Có gì đó mông lung về việc không có con, Franklin. Như thể anh không tin vào con người. Nếu mọi người làm như chúng ta, loài người sẽ tuyệt chủng trong vòng một trăm năm nữa.”
“Thôi đi.” Anh chế giễu. “Chẳng ai sinh con chỉ để duy trì nòi giống.”
“Có thể không sáng suốt lắm nhưng chúng ta chỉ mới có thể tự quyết định không trở thành nữ tu từ năm 1960. Thêm nữa, sau đêm như đêm nay, có lẽ khá công bằng khi có những đứa trẻ trưởng thành dành hàng giờ với bạn bè để nói xấu em.”
Chúng ta thật là phòng thủ quá mức! Một viễn cảnh được xem xét kỹ lưỡng đã hoàn toàn hấp dẫn em. Mẹ đẹp đúng không? Mẹ dũng cảm phải không? Ôi, bà ấy đã đến những đất nước đáng sợ đó một mình. Hình ảnh những đứa con của mình suy ngẫm lúc đêm khuya về mẹ của chúng thật mơ hồ với sự đáng yêu đến mức hoàn toàn biến mất trong sự bới móc dã man của em về mẹ của chính mình. Thử xem, Chẳng phải mẹ hơi tự phụ sao? Mũi bà ấy hơi to nhỉ? Chẳng phải những hướng dẫn du lịch mà bà ấy nghiền ngẫm chán ngắt sao? Tệ hơn nữa, sự cụ thể của việc bới móc từ con cái được tạo điều kiện bởi sự gần gũi, sự tin tưởng, việc sẵn sàng tiết lộ, và do đó sự phản bội được nhân đôi.
Suy đi tính lại, thèm muốn “có chủ đề khác để nói chuyện” chẳng hề phù phiếm. Thực tế, em có lẽ là người đầu tiên bị cuốn vào ý tưởng mang thai qua viễn cảnh đầy cám dỗ giống như phần xem trước của một bộ phim: trước cửa là cậu bạn trai đầu tiên của con gái em (thú thực là em luôn nghĩ rằng mình sẽ có một cô con gái), cố xua tan sự ngượng ngùng bằng mấy câu bông đùa và cố đánh giá cậu ta - ăn chơi, thô lỗ - cho đến khi cậu ta rời đi. Em khao khát được thức khuya cùng Eileen và Belmont một lần để nói về cuộc đời vẫn còn rộng mở của những người trẻ - những người tạo ra những câu chuyện mới khiến em cũng có những suy nghĩ mới, và chất liệu của chúng chẳng hề sờn đi dù có kể đi kể lại, đủ thật để không bị bỡn cợt.
Ôi nhưng những thứ đó chẳng bao giờ thực sự lay động em, một khi thấy được chủ đề mới đáng mong đợi, em sẽ phải nói thôi. Em chẳng thể nào thấy trước sự trớ trêu đau đớn của O.Henry, khi loé lên tia sáng của những chủ đề trò chuyện mới, em sẽ mất đi người mà mình muốn chia sẻ nhất.