Franklin thân yêu,
Lễ hội ở Florida11 này không có dấu hiệu dừng lại. Văn phòng náo loạn về việc một số quan chức nhà nước trang điểm quá đậm, một số người đồng nghiệp nhiệt tình thái quá dự đoán một cuộc “khủng hoảng hiến pháp”. Mặc dù không để ý chi tiết, nhưng em khá nghi ngờ điều đó. Điều làm em ấn tượng là những người đứng than thở tại quầy đồ ăn tối ngay trước khi họ ăn trong im lặng không phải vì họ thấy thiếu an toàn mà là ngược lại. Chỉ một quốc gia bất khả xâm phạm mới có thể coi hỗn loạn chính trị như một trò giải trí.
11 Trong cuộc đua vào vị trí tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, Al Gore đã miễn cưỡng thừa nhận thất bại trước George W. Bush sau nhiều tuần lễ tranh cãi pháp lý về việc đếm lại phiếu bầu ở bang Florida. Gore giành được đa số phiếu phổ thông nhưng lại thua số phiếu của cử tri đoàn.
Nhưng vì đã đến gần với sự hủy diệt (em biết anh rất mệt mỏi khi nghe điều này), một số ít người Mỹ gốc A-me-ni-a có thể đồng cảm với cảm giác an toàn thiển cận. Những con số trong đời em đều liên quan đến khải huyền. Em sinh vào tháng Tám năm 1945, khi dấu vết của hai đám mây hình nấm độc đã cảnh báo chúng ta về con đường xuống địa ngục. Bản thân Kevin được sinh ra trong thời gian đếm ngược đầy lo lắng sang năm 1984, nhiều sợ hãi, anh sẽ nhớ lại thôi. Mặc dù em chế giễu những người xem trọng tiểu thuyết độc đoán của George Orwell12, nhưng những con số đó thực sự đã mở ra một kỷ nguyên chuyên chế với em. Ngày thứ Năm đó là vào năm 1999, năm mà người ta tranh cãi về ngày tận thế sắp diễn ra. Và chẳng phải là thế sao.
12 George Orwell là một trong những tác giả người Anh được hâm mộ nhất ở thế kỷ 20 với nhiều tác phẩm như 1984, Trại súc vật….
Trong bức thư trước, em đã lục lọi tâm trí của mình để nhớ về sự dè dặt ban đầu khi chuẩn bị cho việc làm mẹ. Em nhớ lại những nỗi sợ hãi xáo trộn, mặc dù tất cả đều chẳng đúng chút nào. Em từng liệt kê ra những thất bại trong việc làm cha mẹ, và “con trai có thể trở thành kẻ giết người hàng loạt” chưa bao giờ xuất hiện trong danh sách. Thay vào đó, nó trông như thế này:
1. Tranh cãi
2. Ít thời gian cho riêng hai ta (Gần như không có ấy chứ.)
3. Những người khác (Buổi họp phụ huynh, giáo viên ba-lê, những đứa bạn khó chịu của bọn trẻ và những vị phụ huynh khó chịu của chúng.)
4. Biến thành một con bò (Em từng rất gày và em thích thế. Chị dâu em bị phồng tĩnh mạch ở chân trong thời gian mang thai và sau đó vẫn còn nguyên, và viễn cảnh một tế bào đang phân nhánh bên trong dạ con khiến em hoang mang hơn mình nghĩ. Vậy nên em đã không nói ra. Em thật hão huyền, hoặc từng như thế. Và một trong những tính cách của em là giả vờ mình không như vậy.)
5. Lòng vị tha gượng ép: buộc phải đưa ra những quyết định phù hợp nhất với lợi ích của người khác.
6. Hạn chế những chuyến du lịch. (Hạn chế chứ không phải dừng hẳn.)
7. Buồn chán đến phát điên. (Em nhận thấy mấy đứa bé ngốc nghếch khủng khiếp, ngay từ những ngày đầu em cũng đã đồng ý với bản thân về điều này.)
8. Đời sống xã hội nhạt nhẽo. (Em chưa bao giờ có thể trò chuyện đàng hoàng với một đứa bé năm tuổi.)
9. Đánh mất địa vị xã hội. (Em từng là một doanh nhân được coi trọng. Nhưng khi em phải trông nom một đứa trẻ mới chập chững, mọi người đàn ông em quen biết, kể cả phụ nữ nữa, thật đáng thất vọng, sẽ coi nhẹ em.)
10. Chi trả mọi thứ. (Làm cha mẹ là trả một món nợ. Ai lại muốn làm vậy khi mà mình có thể trốn được? Rõ ràng, những người không sinh con đã thoát được. Hơn nữa, có gì tốt khi trả nợ sai người? Chỉ có những người mẹ dị thường nhất mới cảm thấy được đền đáp cho những rắc rối của mình khi cuộc đời con gái của họ cũng trở nên gớm ghiếc không kém gì họ.)
Đó, tất cả những điều mà em có thể nhớ được, cũng là những ngộ nhận ngây thơ ngốc nghếch mà em cân nhắc và cố gắng không làm ô uế bởi những gì thực sự đã xảy ra. Rõ ràng, những lý do gây nên sự khô khan là những sự bất tiện nhỏ nhặt và những hy sinh không đáng kể. Chúng thật ích kỷ, xấu tính và nhỏ nhen. Vậy nên người soạn ra cái danh sách đó mà vẫn chọn giữ một cuộc sống không gia đình gọn gàng, ngột ngạt, tĩnh lặng, chết chóc, thiếu sức sống không chỉ thiển cận mà còn là một kẻ cực kỳ tồi tệ.
Tuy nhiên sau khi xem xét danh sách đó, em nhận ra rằng, mặc dù khá tồi tệ nhưng đặt ra những băn khoăn khi trở thành cha mẹ là điều cần thiết. Sau cùng thì giờ những đứa trẻ đó cũng không sống dựa vào cha mẹ hay nuôi dưỡng chúng ta khi chúng ta trở nên lú lẫn, chẳng có lý do hợp lý nào để có chúng. Thật đáng ngạc nhiên với sự ra đời của những biện pháp tránh thai hết sức hiệu quả, người ta vẫn chọn sinh con. Trái lại, tình yêu, những câu chuyện, sự thỏa mãn, niềm tin vào những thứ con người - những động cơ hiện đại như là linh hoạt, to lớn, luân chuyển và một chút lạc quan, rộng lượng, thậm chí là sâu sắc, nhưng không có cơ sở.
Trong nhiều năm, em chờ đợi sự thôi thúc mà mình luôn được nghe, những kẻ lạ mặt chuốc thuốc mê và bắt cóc những phụ nữ không có con và không có khả năng tự vệ ở công viên. Em muốn chìm trong sự chi phối của hooc-môn, thức dậy và vòng tay qua cổ anh, đưa tay xuống dưới và cầu mong rằng khi bông hoa đen đó bung nở sau mắt em, anh sẽ để em lại với một đứa trẻ. (Với một đứa trẻ: Thật là một cách diễn đạt đáng yêu và ấm áp, một cách nhìn nhận xưa cũ nhưng dịu dàng rằng trong chín tháng ta luôn có một người bạn đồng hành ở bất cứ đâu. Mang thai thì khác, nặng nề và phát tướng luôn là những thứ văng vẳng bên tai. “Con có thai rồi.” Theo bản năng, em có thể tưởng tượng ngay khung cảnh cô con gái mười sáu tuổi bên bàn ăn tối - xanh xao, yếu ớt cùng với tên bạn trai vô lại - buộc phải thú nhận với gia đình nỗi sợ hãi sâu thẳm của mẹ nó.)
Bất kể thứ gì gây kích động cũng không tác động được đến em, và điều đó khiến em cảm thấy như mình bị lừa. Em có sự thôi thúc muốn làm mẹ vào khoảng năm ba nhăm tuổi, em đã lo lắng không biết mình có vấn đề gì, có thiếu đi thứ gì đó không. Khi sinh Kevin năm ba mươi bảy tuổi, em bắt đầu cảm thấy đau khổ về mọi thứ, bởi không thể chỉ đơn giản chấp nhận nhược điểm này, em đã phóng đại một sự cố, có lẽ chỉ là một thiếu sót thể chất, thành lỗ hổng tầm vóc Shakespeare.
Rồi điều gì đã kéo em vượt ra khỏi rào chắn đó? Anh, ban đầu là vậy. Nếu như chúng ta hạnh phúc, anh đã không như vậy, không hẳn, đáng lẽ em nên nhận ra điều đó. Có một khoảng trống trong cuộc đời anh mà em không thể bù đắp. Anh có một công việc phù hợp. Len vào những chuồng ngựa và kho vũ khí chưa được khám phá, tìm kiếm một cánh đồng được quây hàng rào gỗ, một hầm ủ rượu cherry và những con bò đen-trắng (Kraft - hãng phô- mai luôn được làm từ “sữa thật”), anh tự xây ngôi nhà của mình, tự tạo ra những viễn cảnh cho mình. Anh thích việc thăm dò địa điểm nhưng không thực sự đam mê nó. Đam mê của anh dành cho con người, Franklin. Vậy nên khi em thấy anh chơi đùa cùng đám nhóc nhà Brian, cù chúng bằng con khỉ bông và thích thú mấy hình xăm dán, em dậy lên khao khát mang đến cho anh một cơ hội cho sự nhiệt tình mà em từng có ở A Wing and a Prayer, hay như anh gọi, AWAP.
Em nhớ khi anh muốn thể hiện gì đó, chần chừ không giống anh cho lắm; “cảm tính” không nằm trong từ điển của anh. Anh luôn không thoải mái với những từ hoa mỹ để nói về cảm xúc, điều đó chẳng liên quan đến sự khó chịu về cảm xúc thực sự. Anh sợ rằng xem xét quá nhiều sẽ làm hỏng cảm xúc, như một người có ý tốt nhưng lại chạm vào con thằn lằn một cách thô bạo bằng bàn tay to và vụng về.
Chúng ta đang nằm trên giường, vẫn là dưới cái mái vòm trong căn gác xép ở Tribeca. Chiếc cầu thang máy vận hành bằng tay ọp ẹp suốt ngày hỏng. Giống như một cái hang, không có bụi, không khác mấy so với những căn nhà hộp văn minh, căn gác xép luôn nhắc em về chỗ trốn bí mật mà em và anh trai đã dựng nên từ những tấm tôn hồi ở Racine. Chúng mình đã làm tình, và em thiếp đi. Mười tiếng sau em có chuyến bay đến Madrid và em đã quên đặt chuông báo thức. Khi chỉnh đồng hồ, em thấy anh đang nằm, mắt mở to.
“Có chuyện gì thế?”
Anh thở dài. “Anh không biết em đã làm thế nào.” Khi em nép mình lại để đắm chìm trong khúc khải hoàn ca cho sự can đảm và ưa phiêu lưu tuyệt vời của mình, anh có thể đã cảm nhận được sai lầm của em, anh giục: “Đi đi, đi lâu vào, để mặc anh”.
“Nhưng em không muốn.” “Anh nghi ngờ điều đó đấy.”
“Franklin, em không trù tính việc công ty lớn mạnh nhanh như vậy. Đừng quên, đó là từ trước khi em quen anh.”
“Ồ, anh khó mà quên được chuyện đó.” “Đây là công việc của em mà.”
“Nhưng không nhất thiết phải như vậy.” Em ngồi dậy. “Có phải anh…”
“Không.” Anh nhẹ nhàng đẩy em nằm xuống giường, đây không phải điều anh lên kế hoạch trước nhưng em nghĩ rằng anh có tính toán. Anh lăn người, đặt hai khuỷu tay vào sát thân người em rồi cúi xuống chạm trán mình vào trán em. “Anh không định tách em khỏi công việc, anh biết nó có ý nghĩa thế nào với em. Đó là vấn đề. Mặt khác, anh cũng không thể làm điều đó. Anh không thể thức dậy vào sáng mai để bay tới Madrid và cố gắng ngăn cản em gặp anh ở sân bay ba tuần sau đó. Có thể một, hai lần. Nhưng không thể lặp đi lặp lại mãi được.”
“Anh có thể, nếu buộc phải làm thế.”
“Eva. Em biết và anh biết. Em không cần làm vậy.”
Em vặn người. Anh đang rất gần, em cảm thấy ngột ngạt ở giữa hai khuỷu tay anh. “Chúng ta đều đã trải qua điều này.”
“Không thường xuyên lắm. Hướng dẫn du lịch của em là một cuộc chạy trốn thành công. Em có thể thuê mấy đứa sinh viên làm công việc tìm kiếm xung quanh mấy cái nhà trọ mà em đã thuê.
Chẳng phải chúng đã làm phần lớn những nghiên cứu của em sao?” Em bất mãn, em đã trải qua điều này. “Nếu em không kiểm tra thường xuyên, chúng sẽ gian lận. Chúng sẽ nói rằng chúng đã xác nhận danh sách vẫn ổn, và em không cần bận tâm. Sau đó hoá ra B&B13 đã thay đổi, đầy chấy rận hoặc bị chuyển đến một địa điểm mới. Em phải nghe lời phàn nàn từ một nhóm người đi xe đạp xuyên quốc gia, họ đã đạp xe cả trăm dặm để tìm một văn phòng bảo hiểm thay vì một chiếc giường đắt tiền. Họ rất tức giận, và điều đó dễ hiểu thôi. Nếu không có bà chủ trông coi, một vài đứa sẽ bị đá đít. Tài sản quý giá nhất của AWAP chính là danh tiếng.”
13 Một dịch vụ cung cấp chỗ nghỉ qua đêm và bữa ăn sáng.
“Em có thể thuê ai đó để kiểm tra. Em đi Madrid là vì em muốn đi. Cũng không có gì khủng khiếp ngoại trừ việc anh sẽ không và không thể theo cùng em. Em có biết khi em đi rồi anh sẽ nghĩ về em suốt không? Anh cứ nghĩ xem em đang ăn gì, em đang gặp gỡ những ai…”
“Nhưng em cũng nghĩ về anh mà.”
Anh cười, anh không muốn cãi nhau. Anh thả em ra, lăn người lại và nằm xuống. “Không đâu, Eva à. Em chỉ nghĩ xem món falafel14 có còn cho lần tới hay không hoặc phải mô tả màu trời thế nào thôi. Cũng tốt. Nhưng trong trường hợp đó, những gì em cảm nhận về anh không giống như anh cảm nhận về em.”
14 Falafel là một trong những món ăn truyền thống vùng Trung Đông, món bánh làm từ đậu gà được viên tròn và rán ngập dầu.
“Anh thực sự đang nói rằng em không yêu anh nhiều bằng anh yêu em à?”
“Em không yêu anh như cách anh yêu em. Không phải chuyện nhiều hay ít. Có điều gì đó… em vẫn giữ cho riêng mình.” Anh vuốt ve. “Có lẽ anh ghen tị với điều đó. Nó như kiểu một cái bình dự trữ hay gì đó. Em bước ra ngoài, đi vòng quanh châu Âu, Malaysia, và khi cái bình cạn dần, em quay về.”
Điều anh mô tả có thể đúng, nhưng đó là em trước khi quen anh. Em từng là một cô gái nhỏ có năng lực, giống như mấy chiếc bàn chải du lịch có thể đặt gọn trong hộp. Em biết mình thường có xu hướng lãng mạn hóa thái quá những ngày đầu, đặc biệt là khi em như có lửa cháy trong lòng. Lúc đó em chỉ là một đứa trẻ. Em đã có những ý tưởng sơ khai cho Wing and a Prayer trong chuyến đi châu Âu đầu tiên, lần đó em mang theo quá ít tiền mặt. Ý tưởng về một cuốn sách du lịch tự do cho em chí hướng khi ngồi nhâm nhi thật lâu tách cà phê, từ đó em đi mọi nơi với cuốn sổ tay rách nát, ghi chép đánh giá từng phòng: có nước nóng hay không, nhân viên có nói tiếng Anh hay có đủ nhà vệ sinh hay không.
Giờ AWAP đã có nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng vào giữa những năm sáu mươi nó thực sự gây ảnh hưởng trên The Blue Guide, họ chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng trung niên và trung lưu. Năm 1966, khi cuốn Tây Âu ở Wing and a Prayer được tái bản gần như chỉ sau một đêm, em nhận ra rằng mình đã làm được điều gì đó. Em luôn tỏ ra mình sắc sảo, nhưng hai ta đều biết, em đã may mắn. Em không lường trước được cơn sốt du lịch ba-lô, em không đủ khả năng như nhà nhân chủng học nghiệp dư để cân nhắc về độ tuổi bùng nổ của những đứa trẻ năng động, nhưng em luôn lạc quan rằng những chuyến đi có thể kéo dài hết mức. Bọn trẻ có thể đi xa đến Ý chỉ với vài trăm đô-la và rồi mong chờ những lời khuyên cho chuyến đi mà bố chẳng hề muốn chúng bắt đầu. Em chủ yếu lí luận rằng người khám phá tiếp sau em sẽ sợ hãi như em từng sợ, lo lắng về việc bị bắt cóc, nếu em sẵn sàng bị ngộ độc thực phẩm thì trước hết em cũng muốn chắc chắn rằng ít nhất những người mới đi du lịch không gặp phải cú sốc đó ngay ngày đầu tiên. Không phải em muốn thể hiện mình rộng lượng, em viết sách hướng dẫn cũng là để cho bản thân.
Anh liếc mắt. Lý thuyết này đã cũ rích, có thể điều không thể tránh khỏi là những ấn tượng đầu tiên của anh về một người lại trở thành điều làm anh khó chịu. Chịu đựng em đi.
Anh biết rằng em luôn sợ viễn cảnh mình sẽ dần trở nên giống mẹ mình. Khá buồn cười, em và Giles đến ba mươi tuổi mới biết đến “hội chứng sợ không gian rộng”, và bọn em luôn bị rối bởi cái định nghĩa phức tạp của nó, em đã tìm kiếm không chỉ một lần: “sợ những không gian rộng lớn hoặc những nơi công cộng”. Nhưng em thấy nó chẳng phù hợp với mô tả về mẹ em. Bà không sợ sân vận động, bà chỉ sợ ra khỏi nhà. Và em nghĩ là bà sợ không gian hẹp cũng như sợ không gian rộng nếu không gian hẹp đó không phải là số 137 Đại lộ Enderby ở Racine, Wisconsin. Và hình như không có từ nào để diễn tả điều đó cả (hội chứng thích ở nhà?), ít nhất khi em giải thích mẹ mình mắc chứng “sợ không gian rộng” với mọi người, họ dường như cũng hiểu những gì bà ấy cần.
Chúa ơi, thật mỉa mai, em đã nghe câu đó quá nhiều lần. Sau khi cô đã đi ngần ấy nơi ư? Mọi người dường như hào hứng với sự đối lập rõ ràng đó.
Nhưng để em nói thẳng. Em quá giống mẹ. Có thể bởi vì khi còn nhỏ em đã luôn phải lo việc vặt trong nhà và điều đó khiến em nản chí. Em đã ra ngoài để tìm miếng đệm cao su cho bồn rửa khi mới tám tuổi. Bằng việc biến em thành phái viên của bà khi em còn quá nhỏ, mẹ cố tái tạo trong em nỗi thống khổ không tương xứng với sự ảnh hưởng nhỏ bé của thế giới bên ngoài mà bà cảm thấy ở tuổi ba mươi hai.
Em không thể nhớ nổi một chuyến đi nào mà em không sợ hãi hay tuyệt vọng muốn thoát ra, thật trái ngược vì em thực sự muốn đi. Em đã nhiều lần bị ép đi với những hứa hẹn: vé đã đặt, taxi đã đặt, phòng khách sạn đã được xác nhận, chỉ cần em xách đồ lên và em luôn có thể nói với bạn bè về chuyến đi trước những lời chia tay hoa mỹ. Ngay cả trên máy bay, em cũng cảm thấy toàn thân thoải mái khi máy bay xuyên vào tầng khí quyển đến vô tận. Hạ cánh rất khó chịu, vật lộn tìm đến chiếc giường trong đêm đầu tiên, mặc dù bản thân chiếc giường - đặc biệt giống chiếc ở đại lộ Enderby - thì khá tuyệt vời. Cuối cùng, em tự thả mình xuống đệm. Cả đời mình, em đã tự làm mọi thứ. Em chưa bao giờ đến Madrid, Franklin à, chẳng thèm ăn paella15, và mọi nghiên cứu mà anh nghĩ rằng em dùng như cái cớ để bỏ qua sự gắn kết yên bình của gia đình thực ra lại là chiếc găng tay mà em đặt xuống rồi lại buộc bản thân phải nhặt lên. Nếu mỗi khi trở về em thấy vui vì chuyến đi, em đã không bao giờ vui vẻ lúc bắt đầu.
15 Paella là một món cơm thập cẩm rất đặc trưng của Tây Ban Nha.
Nhiều năm qua đi, những ác cảm cũng bớt dần, vượt qua những phiền toái đơn thuần cũng không quá khó. Khi em đã quen với việc vượt qua thử thách của chính bản thân - để thể hiện mình độc lập, có năng lực, uyển chuyển và trưởng thành - dần dần những lo lắng chuyển thành: điều duy nhất em sợ hơn một chuyến đi Malaysia là phải ở nhà.
Em không chỉ sợ trở thành mẹ mình mà là sợ trở thành mẹ nói chung. Em sợ trở thành một nơi neo đậu cố định, chỉ có thể làm bệ phóng cho những nhà thám hiểm trẻ tuổi với những chuyến đi mà em ghen tị, và tương lai của chúng thì vẫn rộng mở. Em sợ trở thành nhân vật kiểu mẫu đằng sau khung cửa - nhếch nhác, hơi mập mạp - người vẫy tay chào tạm biệt và hôn gió khi những chiếc ba-lô được nhét vào cốp xe, người dụi mắt bằng viền chiếc tạp dề trong cơn xúc động, người quay lại để khóa chốt cửa và rửa mặc dù có quá ít bát đĩa trong bồn trong sự yên lặng khó thở như thể trần nhà đang rơi xuống. Hơn cả việc đi, em ngày càng cảm thấy kinh hoàng với việc bị bỏ lại. Em đã bao nhiêu lần làm vậy với anh, bỏ lại anh với đám vụn bánh mì từ bữa ăn chia tay rồi lao ra chiếc taxi đang chờ. Không thể tin là em chưa từng nói xin lỗi vì đã bỏ rơi anh hay cảm ơn anh vì đã hạn chế những lời trách móc chính đáng khi bị bỏ lại thường xuyên như vậy.
Franklin, em hoàn toàn hoảng loạn khi có con. Trước khi mang thai, em nghĩ về việc nuôi con như thế này: đọc sách về đoàn xe lửa với những nụ cười trước khi đi ngủ, đút bột vào cái mồm ngậm chặt. Tất cả dường như là hình ảnh về người khác. Em sợ đối mặt với những thứ có thể khơi dậy bản ngã khép kín, cứng rắn, sự ích kỷ, sự thiếu rộng lượng, sức mạnh hắc ám của những phẫn nộ trong em. Mặc dù bị hấp dẫn bởi việc “lật sang một trang mới”, em ê chề bởi viễn cảnh biến thành một kẻ vô vọng trong câu chuyện của một người khác. Và em tin sự khủng bố này là điều cần thiết để đánh gục em, như cách mà một vách đá hấp dẫn người ta nhảy xuống. Sự khó khăn, sự kém hấp dẫn của nhiệm vụ đó cuối cùng lại là thứ thu hút em.