Franklin thân yêu,
Em đang ngồi trong một quán cà phê ở Chatham, đó là lý do mà bức thư này được viết tay. Anh luôn dịch được chữ viết như gà bới của em vì anh đã được luyện tập khi phải đọc đống bưu thiếp em tặng. Cặp đôi bàn bên cạnh đang gặp phải sự cố trì hoãn trong việc nộp đơn xin bỏ phiếu vắng mặt ở hạt Seminole, thứ dường như đang làm héo mòn cả đất nước, những người xung quanh thì đều làm ra vẻ mô phạm. Em bị nhấn chìm trong sự hừng hực của họ như thể đang ngồi trước lò sưởi, sự thờ ơ của em thì lạnh thấu xương.
Quán Bagel có không gian khá ấm cúng, em không nghĩ người phục vụ sẽ thấy phiền khi em đặt cốc cà phê lên miếng lót riêng của mình. Chatham cũng vậy, ấm cúng, cổ điển, quyến rũ theo kiểu Trung Mỹ mà những thị trấn giàu có hơn như Stockbridge hay Lenox phải tốn nhiều tiền mới có được. Những nhà ga xe lửa vẫn hoạt động. Những hiệu sách cũ (đầy các cuốn của Loren Estleman mà anh thường ngấu nghiến), các tiệm bánh với bánh nướng nguyên cám cháy cạnh, những cửa hàng ký gửi đồ từ thiện, một rạp chiếu phim treo biển “nhà hát” theo cách đánh vần rắc rối của người Anh, và một cửa hàng rượu bán không chỉ những chai Taylor cỡ đại cho dân địa phương mà còn có những chai rượu nho California đắt đỏ cho những người ngoài thị trấn. Những cư dân Manhattan sở hữu những ngôi nhà thứ hai giữ cho ngôi làng nhếch nhác này tồn tại trong khi hầu hết các ngành công nghiệp địa phương đã đóng cửa, những người đi nghỉ hè và tất nhiên, những cơ sở cải tạo mới bên ngoài thị trấn.
Em nghĩ về anh suốt quãng đường. Bằng một cách trái ngược, em đã cố tưởng tượng người đàn ông sẽ sống cùng mình đến hết đời trước khi ta gặp nhau. Sự tưởng tượng chắc chắn giống như mấy người bạn trai luôn-dịch-chuyển mà anh thường trêu em. Một vài mối tình bất ngờ của em đã rất ngọt ngào, mặc dù bất cứ khi nào phụ nữ mô tả người đàn ông là “ngọt ngào” thì cuộc hẹn hò sẽ kết thúc bi đát.
Nếu sự bắt cặp bạn đồng hành ở Arles hay Tel Aviv thành công thì chắc em đã ổn định với kiểu người trao đổi chất bằng cách đốt cháy năng lượng từ món đậu gà. Khuỷu tay nhọn, yết hầu nổi bật, cổ tay nhỏ. Một người ăn chay nghiêm túc. Một kiểu người đau khổ đọc Nietzsche và đeo kính, tách mình khỏi thực tại và xem thường những chiếc xe hơi. Một người mê đạp xe và leo đồi. Một người viết chú giải chuyên nghiệp, cũng có thể là một người thích làm chậu cây, với tình yêu dành cho cây cối và thảo mộc, người có khát vọng về một cuộc sống đơn giản với những công việc chân tay và ánh sáng hoàng hôn trên hiên nhà trái ngược với cơn giận dữ của anh ta về cái bình xấu xí mà anh ta vừa ném vào thùng dầu. Một người yếu đuối, ủ rũ. Một người có khiếu hài hước ngầm nhưng thô lỗ, một điệu cười khô khan, ngắt quãng. Mát-xa lưng. Tái chế. Đàn sitar16 với những lời tán tỉnh kiểu Phật giáo là sự thương xót dành cho anh ta.
16 Sitar là một nhạc cụ có dây, có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Vitamin và chơi bài kipbi17, máy lọc nước và phim Pháp. Một người theo chủ nghĩa hòa bình với ba cây đàn ghi-ta nhưng không tivi và những trải nghiệm không mấy tốt đẹp từ những môn thể thao đồng đội hồi nhỏ. Dấu hiệu rụng tóc xuất hiện ở thái dương, một túm tóc đuôi ngựa mềm, đen rủ xuống gáy. Nước da xanh tái, hơi ốm yếu. Dịu dàng, thì thầm những lời gợi dục. Lá bùa khắc gỗ gây tò mò đeo ở cổ không bao giờ được giải thích hoặc cởi ra ngay cả khi đi tắm. Cuốn nhật ký em không bao giờ được đọc. Những chiếc kẹp gỗ dán bên trên được lấy cảm hứng từ thế giới tồi tệ mà chúng ta đang sống. (“Tin giật gân: Cảnh sát tìm thấy vài mảnh cơ thể một người đàn ông bao gồm hai cánh tay và hai chân trong sáu tủ khóa ở một ga tàu ở Tokyo. Sau khi kiểm tra 2500 tủ khóa xu khác, người ta tìm thấy một cặp mông trong túi ni-lông đen.”) Một kẻ nhạo báng sự tách rời giữa chính trị và văn hóa quần chúng. Và hơn tất cả? Với cách phát âm dễ thương, một người nước ngoài.
17 Một trò chơi bài truyền thống dành cho hai đến bốn người, mỗi người nhóm các thẻ kết hợp để giành điểm.
Bọn em sẽ sống trong ở vùng nông thôn Bồ Đào Nha, hoặc một ngôi làng nhỏ ở Trung Mỹ, nơi mà người bán sữa tươi, bơ thô và những quả bí ngô nhiều hạt ngay bên lề đường. Căn nhà nhỏ bằng đá với những cây dây leo ngoằn ngoèo, ô cửa sổ được trang trí bởi đám phong lữ đỏ bao xung quanh, bọn em nướng những chiếc bánh lúa mì dai và bánh cà rốt cho những người hàng xóm chất phác. Một người đàn ông thất học, người bạn đời em mơ ước sẽ luôn tìm kiếm vùng đất cho thú vui điền viên để gieo những hạt giống bất bình của chính mình. Và bao quanh bởi tự nhiên dồi dào, trở nên khổ hạnh đầy hằn học.
Anh đang cười phải không? Bởi sau cùng em đã gặp anh mà. Một người ăn thịt với bờ vai rộng, mái tóc khô vàng và làn da rám nắng. Một sự kết hợp ngon lành. Giọng cười ồn ào, một người luôn chơi trò “cốc cốc”. Bánh mì kẹp xúc xích - thậm chí không phải loại xúc xích Đức bán ở phía tây phố 86 mà là loại thịt ngấy mỡ pha bột nhồi vào lòng lợn có màu hồng khủng khiếp. Bóng chày. Mũ lưỡi chai. Những bộ phim hài và phim bom tấn. Uống nước từ vòi và bụng sáu múi. Một người mua hàng gan dạ và cả tin chỉ cần đọc thông tin trên bao bì để biết chắc rằng sản phẩm đầy chất phụ gia. Một người hâm mộ đường cao tốc với niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có bọn hấp mới đi xe đạp. Làm tình mãnh liệt và những lời nói tục tĩu không phù hợp để làm phim khiêu dâm. Phim phóng tác về những bí ẩn, những thứ kinh dị hay khoa học viễn tưởng, đăng ký theo dõi kênh National Geographic. Tiệc nướng ngoài trời ngày 4 tháng Bảy hoặc những ngày lên kế hoạch đánh golf. Đồ ăn vặt thì đủ loại mùi vị: bánh kẹp, phô-mai, xoắn, zic-zắc - anh có thể cười, nhưng em không ăn chúng - bất cứ thứ gì trông giống đồ chơi hơn là đồ ăn. Bruce Springsteen, những album đầu tay, mở loa lớn hết cỡ với cửa sổ xe hạ thấp hết mức và mái tóc anh đang bay trong gió. Hát theo, lệch tông, sao em có thể chịu đựng một người mù âm nhạc thế nhỉ? Beach Boys, Elvis không bao giờ làm anh chán, phải không, anh đã luôn thích rock&roll cổ điển. Hơi khoa trương, có thể là hơi ngốc, em nhớ có lần anh đã tỏa sáng với mấy bài hát của Pearl Jam, chính là lần mà Kevin bước vào và tắt đi… (em rất tiếc.) Thứ âm nhạc đó thật ồn ào. Anh chẳng bao giờ nghe Elgar hay Leo Kottke mà em thích, mặc dù có lần anh cho Aaron Copeland một ngoại lệ. Anh dụi nhanh mắt, như để gạt bụi, mong rằng em không nhận ra anh khóc khi nghe bản “Thành phố yên lặng” bằng đàn Tanglewood. Và những thú vui bình thường, hiển nhiên: vườn thú Bronx, vườn hoa Botanical, tàu lượn ở Coney Island, chuyến phà Staten Island, tòa nhà Empire State. Anh là người New York duy nhất em quen thực sự đi phà đến thăm tượng Nữ thần Tự do. Anh từng đưa em đi cùng một lần, chúng ta là hai du khách duy nhất trên tàu nói tiếng Anh.
Biểu tượng nghệ thuật - Edward Hopper. Và thưa ngài Franklin, một người đảng Cộng hòa. Một niềm tin vào nền quốc phòng mạnh nhưng bộ máy chính phủ lại nhỏ và thu ít thuế. Về mặt thể chất, anh tự bảo vệ bản thân một cách đáng ngạc nhiên. Có lần anh lo em nghĩ rằng anh quá nặng cân, em đã hơi làm quá mặc dù cân nặng của anh là khá ổn, khoảng bảy mươi bảy cân, luôn vật lộn với hai cân đồ ăn có phô-mai cheddar. Với em thì anh luôn khổng lồ. Mạnh mẽ và rắn rỏi, bờ vai rộng, cổ tay thanh mảnh không liên quan gì ở đây. To lớn như một cây sồi mà em có thể dựa gối vào và nằm đọc sách. Mỗi sáng, em có thể cuộn mình vào khoảng trống giữa những nhánh cây to lớn của anh. Chúng ta thật may mắn khi cùng chia sẻ những gì mình nghĩ mình muốn. Em sẽ mệt mỏi làm sao với đống chậu cây ngớ ngẩn và chế độ ăn kiêng cầu kỳ, em sẽ chán ghét thế nào tiếng rên rỉ của đàn sitar.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là em đã cưới một người Mỹ. Không phải bất kỳ người Mỹ nào, mà là một người sinh ra để làm người Mỹ. Anh là một người yêu nước. Em chưa từng gặp ai như vậy. Ừ thì có những người nhà quê. Những người mù mờ, chẳng đi du lịch bao giờ, kém hiểu biết và luôn xem nước Mỹ là cả thế giới, vì vậy nếu nói bất cứ điều gì chống lại đất nước cũng giống như chống lại vũ trụ hay không khí vậy. Anh thì đã đi một số nơi như là Mexico, chuyến đi thảm hoạ đến Ý với người phụ nữ mắc một đống dị ứng kể cả cà chua và kết luận rằng anh yêu đất nước của mình. Tình yêu mà anh dành cho đất nước rất giản dị, không khoa trương mà chủ yếu là sự chân thành. Em nghĩ và đã nói rằng anh say mê phiên bản nước Mỹ cổ điển, một nước Mỹ đã qua từ lâu hoặc chưa từng tồn tại, rằng anh chỉ mê mẩn một thứ tưởng tượng. Rồi anh nói những gì từng thuộc về nước Mỹ cũng có thể là tưởng tượng, đó là thứ mà hầu hết các quốc gia đều có thể xác nhận, chủ yếu là những quá khứ rời rạc và những đường chia cắt trên bản đồ. Cũng ổn thôi, đó là một ý tưởng hay, anh đã nói vậy. Rồi anh chỉ ra rằng một quốc gia luôn coi trọng trên hết khả năng của người dân để làm khá nhiều những gì họ cần chính là nơi em nên thích. Nhưng không bao giờ đúng như vậy, em sẽ phản đối, rồi anh lại nói tiếp.
Đúng là em đã trở nên hơi bất mãn. Nhưng em cũng phải cảm ơn anh vì đã giới thiệu cho em đất nước của chính mình. Đó chẳng phải là cách mà chúng ta quen nhau sao? Ở AWAP, bọn em đã quyết định chạy những quảng cáo đó trong Mother Jones và Rolling Stone, khi em chưa chắc chắn nên chọn bức ảnh nào thì Young & Rubicam đưa anh đến. Anh xuất hiện trong văn phòng của em với chiếc áo sơ mi thô và quần bò bụi bặm, một sự ngạo mạn đầy sức hút. Em phải cố gắng tỏ ra chuyên nghiệp bởi vì bờ vai anh làm em xao nhãng. Hình như là lúc ở Pháp, thung lũng Rhone. Và em đắn đo về việc mở rộng, đề cử anh, đưa anh đi cùng. Anh cười. “Đừng nực cười thế!”. Anh từ chối. Em không thể tìm cho anh thung lũng Rhone ở Pennsylvania. Nhưng anh thì có thể.
Đến giờ, em vẫn coi nước Mỹ là một nơi để rời đi. Sau khi anh trơ trẽn mời em đi chơi - giám đốc điều hành công ty là đối tác kinh doanh của anh - anh bắt em phải thừa nhận rằng nếu em sinh ra ở một nơi khác, các liên bang của Hoa Kỳ sẽ là nơi đầu tiên em đáp máy bay đến. Bất kể em nghĩ thế nào, đất nước ra quyết định và giật dây, tạo ra những bộ phim, bán Coca-cola và đưa Star Trek thành ngôn ngữ Java. Quan trọng hơn, đó là đất nước cần những mối quan hệ ngay cả khi đó là mối quan hệ thù địch, một đất nước đòi hỏi sự chấp nhận hoặc ít nhất là sự từ chối chứ không có chuyện ngó lơ. Một quốc gia sẽ “viếng thăm” các quốc gia khác mặc kệ họ thích hay không dù bất kể họ ở đâu trên hành tinh này. Được rồi, được rồi. Em sẽ đến Mỹ.
Ờ thì, em đã đến Mỹ. Hồi mới quen, anh có nhớ anh đã ngạc nhiên thế nào không khi em nói mình chưa từng xem một trận bóng chày nào, chưa từng đến vườn quốc gia Grand Canyon hay Yellowstone. Em chế nhạo chúng, nhưng em chưa từng ăn món bánh táo ở McDonald (thú thực là em khá thích). Một ngày nào đó, anh nhận xét, sẽ không còn McDonald nữa. Có rất nhiều bánh táo không có nghĩa là nó không tuyệt vời hay nó không phải là thứ giúp sống qua ngày khi ta chỉ có 99 xu. Đó là chủ đề ưa thích của anh: sự truyền bá, nhân rộng, phổ biến không nhất thiết phải làm giảm giá trị. Anh tận hưởng hiện tại và có ý thức hơn bất kỳ ai em từng gặp rằng tất cả mọi thứ đều là phù du.
Đó cũng là quan điểm của anh về đất nước này: không có gì tồn tại mãi mãi. Từng có một đế chế và không có gì đáng xấu hổ cả. Mọi đế chế đều như vậy. Nhưng anh nói chúng ta may mắn. Chúng ta đã tham gia vào thí nghiệm xã hội hấp dẫn nhất. “Chắc chắn là nó không hoàn hảo,” anh nói thêm với sự hấp tấp giống như khi em mang thai Kevin. “Dĩ nhiên, một số đứa bé có vấn đề mà.” Nhưng anh nói nếu đất nước này sụp đổ khi anh vẫn còn sống, nền kinh tế sụp đổ, bị xâm lược, hoặc suy đồi từ bên trong, anh sẽ khóc mất.
Em tin anh sẽ làm thế. Nhưng em vẫn băn khoăn về lần anh chở em đến học viện Smithsonian, yêu cầu em học thuộc tên các tổng thống theo thứ tự, tra hỏi em về nguyên nhân vụ bạo động Haymarket, nhưng đó không thực sự là tham quan đất nước. Em đã thăm đất nước của anh. Như cách mà anh đã làm, như một đứa trẻ ghép que kem thành một căn nhà gỗ. Đó cũng là một cách tái hiện khá dễ thương. Thậm chí giờ đây, mỗi khi em đọc lướt qua phần mở đầu của Hiến pháp “Chúng ta, mọi người…” em đều thấy rợn tóc gáy. Bởi vì em đã nghe thấy giọng anh trong tuyên ngôn độc lập.
Mỉa mai. Em đã nghĩ về anh và sự mỉa mai. Anh luôn ủng hộ em mỗi khi những người bạn từ châu Âu của em đến thăm và gạt những người Mỹ khác sang một bên vì “không có cảm giác mỉa mai”. Cuối thế kỷ hai mươi, người ta thường châm biếm nước Mỹ, khá là đau lòng. Thực ra em đã chán ghét điều đó mặc dù em không nhận ra cho đến khi mình gặp nhau. Quay trở lại những năm tám mươi, mọi thứ đều theo kiểu “retro”, và có một sự chế nhạo ngầm, sự xa cách của năm chục bữa tối với ghế crom và những cốc bia cỏ cỡ đại. Mỉa mai bao gồm sự học đòi kiểu cách, sự chối bỏ. Chúng ta có những người bạn trang trí căn hộ toàn bằng những thứ đồ màu mè như đồ chơi búp bê, những quảng cáo được rập khuôn cho hiệu ngũ cốc Kellogg từ những năm hai mươi. Những người sở hữu không gì hơn ngoài một trò đùa.
Anh sẽ không sống theo cách đó. Để có cái gọi là “không mỉa mai” thì phải làm như không biết nó là gì, như một kẻ ngốc, không có chút khiếu hài hước nào. Anh hiểu mà. Anh đã cười một chút để giữ lịch sự khi Belmont chọn cái chân đèn hình người cưỡi ngựa bằng gang đen cho tổ ấm của họ. Anh hiểu trò đùa. Anh chỉ không nghĩ nó buồn cười đến thế. Với riêng anh, anh muốn những đồ vật thật sự đẹp chứ không phải chỉ là một trò đùa. Một người đàn ông sáng suốt, anh thật chân thành do anh muốn thế chứ không phải chỉ ở bản năng, tự cho phép mình rất Mỹ, và anh sẽ ôm trọn tất cả những gì tốt đẹp có được. Có được gọi là ngây thơ không khi anh cố tình ngây thơ? Anh sẽ đi dã ngoại. Anh sẽ có một kỳ nghỉ bình thường đến những di tích quốc gia. Anh sẽ hát quốc ca bằng giọng cao nhất trong trận đấu của đội Mets và hết sức nghiêm túc. Nước Mỹ, anh tuyên bố, đang trên đỉnh cao của sự tồn tại. Một đất nước thịnh vượng chưa từng có tiền lệ, nơi mà hầu như mọi người dân đều đủ ăn, đất nước đấu tranh cho công lý và cung cấp hầu như tất cả các trò giải trí và thể thao, mọi tôn giáo, sắc tộc, nghề nghiệp và những mối quan hệ chính trị cần có, với phong cảnh thiên nhiên hoang dã trù phú, với các loại động vật, thực vật và thời tiết phong phú. Nếu không thể có một cuộc sống tốt, giàu có, lộng lẫy ở nơi đây, với một người vợ đẹp và một đứa con trai khỏe mạnh, thì không thể có ở nơi nào khác. Đến giờ em nghĩ anh khá đúng, nhưng không có nghĩa là điều đó không thể có ở nơi khác.
Chín giờ tối (đã về nhà)
Người phục vụ rất dễ tính nhưng quán Bagel đã đến giờ đóng cửa. Thư đánh máy thì không mang dấu ấn cá nhân lắm nhưng em nghĩ là anh sẽ dễ đọc hơn. Em lo là đống chữ viết tay trên kia anh sẽ chỉ đọc qua loa thôi. Em lo rằng ngay khi thấy từ “Chatham”, anh sẽ không nghĩ được gì khác nữa và chẳng để ý đến đoạn em nói về nước Mỹ nữa. Chatham? Em đến Chatham ư?
Vâng. Em có đi. Bất cứ khi nào có thể. May mắn thay, trại cải tạo trẻ vị thành niên Claverack mà mỗi hai tuần em đều đến lại có quy định chặt chẽ về giờ thăm mà em không thể lùi một giờ hay chuyển ngày khác. Em rời khỏi nhà đúng mười một rưỡi bởi vì đó là ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng và em phải đến nơi ngay sau bữa trưa lúc hai giờ. Em không để mình chìm trong nỗi sợ hãi của việc đối mặt với nó, hay chính xác hơn, mong mỏi gặp nó. Em cứ đi thôi.
Anh đừng kinh ngạc. Nó cũng là con trai em, một người mẹ thì nên đi thăm con mình trong tù. Sự thất bại trong việc làm mẹ của em không có điểm dừng, nhưng em vẫn luôn làm theo luật. Có khi chính việc luôn tuân thủ những luật làm cha mẹ không chính thức đó lại là một trong những thất bại của em. Điều đó xuất hiện tại phiên tòa, vụ kiện dân sự. Em đã kinh hoàng khi thấy hình ảnh của mình trên báo. Vince Mancini, luật sư của Mary, buộc tội em trước tòa rằng em đi thăm con trong thời gian hầu tòa chỉ bởi em sợ bị kiện vì những sơ suất của cha mẹ trong nuôi dạy con cái. Em chỉ diễn, ông ta nói vậy, qua cách em hành xử. Dĩ nhiên, vấn đề của luật học là nó không thể bao gồm sự tinh tế. Mancini đã hiểu ra điều gì đó. Có thể có chút diễn kịch trong những lần viếng thăm. Nhưng chúng vẫn tiếp tục ngay cả khi không có ai nhìn, bởi vì nếu em đang cố gắng chứng minh mình là một bà mẹ tốt, em chỉ đang chứng minh cho chính mình.
Chính Kevin cũng đã rất ngạc nhiên trước sự lì lợm của em, sự hài lòng chẳng cần nói ra, ít nhất là trong những ngày đầu. Trở lại năm 1999, ở tuổi mười sáu, nó vẫn ngượng ngùng khi bị bạn bè bắt gặp đi cùng mẹ, thật là vui buồn lẫn lộn khi những sự thật hiển nhiên của tuổi mới lớn vẫn tồn tại qua những rắc rối ở tuổi trưởng thành. Trong những lần thăm tù đầu tiên, nó coi sự xuất hiện của em như một lời buộc tội, vậy nên trước khi em kịp nói gì thì nó đã nổi giận. Có lẽ không hợp lý lắm khi nó lại là người giận dữ với em.
Khi một chiếc xe suýt đâm phải em ở phần băng qua đường, người lái xe đã giận dữ, la hét, chửi rủa em, người suýt bị anh ta tông phải và đã đi đúng phần đường của mình. Điều này như thể một ngòi nổ cá nhân khi xảy ra va chạm với những tài xế nam, những người luôn giận dữ và càng giận hơn khi họ là người sai. Em nghĩ nó giống như tính bắc cầu của cảm xúc: Bạn làm tôi cảm thấy tệ, cảm thấy tệ làm tôi nổi điên, suy ra bạn làm tôi nổi điên. Nếu em quay lại để nắm bắt phần đầu tiên của bằng chứng đó, em có thể sẽ thoáng thấy trong sự phẫn nộ nhất thời của Kevin le lói chút hy vọng. Nhưng rồi, những con giận của nó chỉ làm em hoang mang. Điều đó thật bất công. Phụ nữ thường có xu hướng gây thất vọng hơn, không chỉ khi tham gia giao thông. Nên em tự đổ lỗi cho mình, nó đổ lỗi cho em. Em cảm thấy như bị đánh hội đồng.
Cũng vì thế mà ngày nó mới bị bắt giam, bọn em gần như không nói chuyện. Chỉ đơn giản ngồi trước mặt nó và khiến nó ủ rũ. Nó khiến em chẳng còn năng lượng để khóc, đằng nào thì cũng chẳng hiệu quả. Sau khoảng năm phút, có lẽ em đã hỏi nó về đồ ăn trong trại. Rồi nó tròn mắt nhìn em, bởi trong hoàn cảnh này, câu hỏi đó ngu ngốc đúng như bản chất. Hoặc em có thể hỏi “Họ có đối xử tốt với con không?” mặc dù em không chắc mình hiểu câu hỏi đó hay thậm chí em có thực sự muốn những người quản giáo đối xử “tốt” với nó hay không. Nó sẽ nói kháy rằng họ luôn hôn tạm biệt nó mỗi đêm. Em sẽ nhanh chóng kết thúc mấy câu hỏi của một bà mẹ điển hình, điều đó có lẽ khiến cả hai thấy thoải mái hơn.
Nếu chỉ mất chút thời gian để bỏ qua vai trò của em như một bà mẹ tận tâm, quan tâm xem con trai yêu có ăn đủ rau hay không, chúng ta vẫn phải đấu tranh nhiều hơn với việc không thể hiểu thấu Kevin là một đứa rối loạn nhân cách chống đối xã hội ngoài tầm kiểm soát. Rắc rối là, trong khi trách nhiệm của em là làm một bà mẹ luôn đứng về phía con mình bất kể điều gì xảy ra bị đánh giá là thiếu suy nghĩ, phi lý, mù quáng và ngu ngốc, Kevin được nuôi dưỡng quá nhiều từ chính sự sáo rỗng đó để có thể từ bỏ một cách lặng lẽ. Nó dường như vẫn đang cố chứng tỏ với em rằng mình có thể từng là đứa trẻ vâng lời khi tự rửa đĩa lúc còn ở nhà. Nhưng giờ nó đã là người nổi tiếng xuất hiện trên trang bìa tờ Newsweek, một người có cái tên đáng sợ, Kevin Khatchadourian, hay KK như trên mấy tờ báo lá cải, như Kenneth Kaunda18 ở Zambia đã bịt miệng mọi phóng viên đưa tin, ông ta thậm chí còn có tay trong khi tổ chức chương trình nghị sự quốc gia, làm dấy lên những kêu gọi về sự trừng phạt thân thể, án tử hình trẻ vị thành niên và V-chip. Trong nhà giam, thằng bé muốn em biết rằng nó không phải là tên tội phạm tép riu, vì một tên tội phạm khét tiếng bị nhốt cùng trại với nó đang sợ hãi.
18 Kenneth Kaunda, thường được biết với biệt danh KK, là tổng thống đầu tiên của Zambia, nhiệm kì từ 1964 đến 1991.
Khi thằng bé bắt đầu nói chuyện nhiều hơn, có lần em hỏi nó: “Bọn chúng có để ý đến con không? Những thằng bé khác ấy? Chúng có… chỉ trích con không? Vì những gì con đã làm ấy?”. Đó gần như là tất cả những gì em có thể hỏi, bọn chúng có ngáng chân con ở lối đi hay hất đổ súp của con không. Lúc đầu, như anh thấy đấy, em khá do dự, trù trừ. Nó đã dọa em, đe dọa thể xác ấy, và em đã tuyệt vọng khi cố không chọc tức nó. Có quản ngục đứng ngay gần đó, dĩ nhiên, nhưng ở trường học cũng có nhân viên an ninh, có cảnh sát ở Gladstone, và xem họ đã giúp được gì? Em chẳng thấy an toàn tẹo nào.
Kevin rú lên, tiếng cười giả tạo như bị ép qua khí quản nó. Và nó nói những điều kiểu như: “Bà đùa à? Chúng nó tôn thờ tôi mẹ yêu ạ. Chẳng có thằng nào trong cái ổ tội phạm này không chọn ra năm mươi thằng khốn nạn trong nhóm con mồi của mình trước bữa sáng, trong đầu chúng nó. Chỉ mình tôi có cơ hội để làm điều đó ở đời thực”. Mỗi khi Kevin nói “đời thực”, nó cực kỳ quả quyết như cách mà những người theo đạo nói về thiên đàng hay địa ngục. Như thể nó đang nói với chính mình.
Nó nói sao thì em biết vậy thôi, khác hoàn toàn với suy nghĩ của em rằng nó sẽ bị xa lánh, Kevin đã đạt đến tầm huyền thoại so với những đứa chỉ đơn thuần là trộm xe hoặc chĩa dao vào đối thủ bán ma túy. Em dần tin rằng nó đã đạt được chút thanh thế trong đó, vì chiều nay lúc gặp, cái kiểu ăn mặc lệch lạc của nó bắt đầu tệ hơn.
Nó nói, “Nói cho mẹ biết, tôi đã quá mệt mỏi khi kể đi kể lại mấy câu chuyện đó rồi”. Em có thể suy ra rằng bạn tù của nó đã chán nghe chuyện của nó. Hơn một năm rưỡi là khoảng thời gian dài với trẻ vị thành niên, và Kevin đã là “chuyện hôm qua”. Nó cũng đã đủ lớn để nhận thức sự khác biệt giữa thủ phạm, như người ta hay nói trên những chương trình cảnh sát, và những người đọc báo bình thường là người xem thì có quyền năng xa xỉ trong việc “mệt mỏi vì những câu chuyện kể đi kể lại” và thoải mái sống tiếp. Những thủ phạm thì sẽ mắc kẹt trong buổi tổng duyệt tàn khốc của cùng một câu chuyện cũ. Kevin sẽ leo lên những bậc thang phía điều hòa phòng thể chất của trường Gladstone trong suốt quãng đời còn lại.
Nó đang giận, và em không trách nó vì đã chán cái bi kịch mà nó gây ra, hay ghen tị với những người có thể quên chuyện đó. Hôm nay nó càu nhàu về mấy thằng “nhãi nhép” vừa đến Claverack mới chỉ mười ba tuổi. Kevin còn cho biết thêm, “Chim chúng nó chỉ bằng thanh kẹo Tootsie. Loại kẹo bé tí ấy, bà biết chứ?”. Với sự thích thú, Kevin kể về tội mà mấy thằng nhóc đã phạm phải: Một cặp vợ chồng già trong căn hộ liền kề đã phàn nàn về việc chúng nó bật nhạc Monkees quá to lúc ba giờ sáng. Tuần sau đó, con gái họ phát hiện bố mẹ mình trên giường, bị rạch từ háng cho đến họng.
“Kinh khủng thật!” Em nói. “Mẹ không thể tin nổi vẫn có người nghe Monkees.”
Em khịt mũi một cách khó chịu. Nó tiếp tục giải thích rằng cảnh sát không tìm thấy ruột của họ, đó là chi tiết các phương tiện truyền thông, chưa kể đến nhóm fan hâm mộ của mấy thằng nhóc ở Claverack lập chỉ sau một đêm, đã chộp được.
“Bạn con thật khôn ngoan.” Em nói. “Đoạn ruột bị mất… Có phải con đang cố nói với mẹ rằng để được chú ý trong ngành này, con cần phải thêm nút thắt gì đó?”
Anh có thể kinh hoàng, Franklin, nhưng em đã mất hai năm để tiến xa thế này, những câu chế giễu đen tối, thẳng mặt đã tiến bộ vượt bậc. Nhưng Kevin vẫn không thoải mái với những trò vui của em. Em chiếm trò đùa của nó và khiến nó ghen tị.
“Tôi không nghĩ nó thông minh lắm.” Kevin nói hơi ngắt quãng. “Có khi nó chỉ nhìn xuống đống ruột và nghĩ: Ngon, xúc xích miễn phí!”
Kevin ném vào em một cái nhìn đầy tức giận. Sự điềm tĩnh của em rõ ràng đã khiến nó thất vọng.
“Tất cả mọi người ở đây đều nghĩ thằng ngu đó ghê gớm.” Kevin tiếp tục. “Tất cả chúng nó kiểu ‘Anh bạn, cậu có thể mở nhạc to hết mức cậu thích và bọn tôi chả kêu ca gì đâu’.” Nó nhập vai và giả giọng Mỹ gốc Phi khá thành công. “Nhưng tôi chẳng mấy ấn tượng. Nó chỉ là một thằng nhóc. Nó còn quá nhỏ để biết việc mình đang làm.”
“Con thì không ư?” Em hỏi.
Kevin khoanh tay tỏ vẻ hài lòng, em đã trở lại vai một bà mẹ. “Tôi biết chính xác điều mình làm.” Nó chống khuỷu tay vươn người về phía trước. “Và tôi sẽ làm lại lần nữa.”
“Mẹ có thể hiểu vì sao.” Em nói, nhìn quanh căn phòng không có lấy một chiếc cửa sổ và được ốp gạch màu đỏ son và lục nhạt, không hiểu sao người ta lại trang trí nhà tù như chương trình Romper Room19. “Con cảm thấy vui vì những việc đó.”
19 Một bộ phim truyền hình dành cho trẻ em mẫu giáo của Mỹ được phát sóng từ năm 1953 đến 1994.
“Chỉ là đổi từ hố phân này sang hố phân khác.” Nó vẫy tay phải với hai ngón tay đưa ra để lộ việc nó đã bắt đầu hút thuốc. “Luyện tập chút cũng tốt.”
Chủ đề kết thúc như thường lệ. Em nhận ra rằng tên mười ba tuổi mới nổi đã cướp mất ánh đèn sân khấu Claverack của con trai chúng ta và khiến nó khó chịu. Có vẻ như em và anh không cần phải lo về việc tham vọng của con bị giết chết.
Hôm nay sau khi chia tay con, em nghĩ mình sẽ không kể chuyện này. Nhưng em không muốn giấu anh chuyện gì nên em lại viết cả ra đây.
Người cai ngục với nốt ruồi như vẩy bùn vào mặt nhắc em về thời gian, lần duy nhất mà em và con sử dụng gần hết thời gian một giờ đồng hồ mà không phải chỉ im lặng nhìn chằm chằm đồng hồ. Bọn em đứng ở hai phía bàn, em đang định nói vài câu kết thúc kiểu như “Hẹn gặp con hai tuần tới”, rồi em nhận ra Kevin đang nhìn thẳng vào em, mọi khi nó chỉ lườm. Điều đó làm em sững lại, mất bình tĩnh, và khiến em tự hỏi tại sao mình lại chưa từng muốn nó nhìn thẳng vào mắt em.
Khi em mặc xong áo khoác, nó nói, “Mẹ có thể lừa hàng xóm, lính gác, Giê-su hay bà mẹ già lẩm cẩm của mẹ với cái trò thăm tù tốt đẹp này, nhưng không lừa được tôi đâu. Và đừng có lê cái mông quay lại đây nữa”. Nó nói thêm, “Bởi vì tôi ghét bà”.
Em biết trẻ con thi thoảng vẫn nói ghét bố mẹ suốt với đôi mắt đẫm nước. Nhưng Kevin mười tám tuổi rồi và nó trông chẳng có vẻ gì là sẽ khóc cả.
Em đã nghĩ vài điều để đáp lại nó: Bây giờ mẹ biết con không có ý đó, mặc dù em biết nó thực sự nghiêm túc. Hoặc Dù sao thì mẹ cũng vẫn yêu con, chàng trai, dù con có thích hay không. Nhưng em có linh cảm rằng nếu đi theo kịch bản đó, em sẽ kết thúc trong một căn phòng với ánh sáng nóng nực, bốc mùi như nhà vệ sinh xe buýt vào một buổi chiều tháng Mười hai dễ chịu, đáng yêu lạ thường. Vậy nên thay vào đó, em nói với giọng đều đều. “Thỉnh thoảng mẹ cũng ghét con, Kevin ạ.” Rồi quay gót đi.
Vậy đấy, đó là lí do em cần một ly cà phê để xốc lại tinh thần. Đó là một nỗ lực để chống lại cám dỗ từ những quán bar.
Trên đường về, em suy ngẫm rằng mặc dù em rất muốn thoát khỏi đất nước luôn khuyến khích người dân làm “gần như mọi điều họ muốn”, nhưng moi ruột người già, thật là lý do tuyệt vời để lấy một người Mỹ. Em có nhiều lý do tốt hơn để tìm một người nước ngoài trong quá khứ, nhìn thấu sự kỳ lạ của họ từ những thứ vớ vẩn họ làm với nhau. Hơn nữa, khi bước sang tuổi ba mươi ba, em đã mệt mỏi, chịu đựng sự kiệt quệ dồn nén khi phải đứng cả ngày mà anh chỉ cảm nhận được khi ngồi xuống. Tự em sẽ mãi mãi là một người nước ngoài, say sưa luyện tập các cụm từ tiếng Ý về “một giỏ bánh mì”. Thậm chí khi ở Anh, em phải luôn tự nhắc mình nói “vỉa hè” thay vì “lề đường”. Tự cho mình là một kiểu đại sứ nào đó, em sẽ bất chấp những rào cản định kiến thù địch hàng ngày, chú ý không kiêu ngạo, tự đề cao bản thân, vô học, xấc láo, thô tục hay ồn ào ở nơi công cộng.
Nhưng nếu em có kiêu ngạo như thể cả hành tinh là sân sau nhà mình, thì sự vô sỉ này chính là dấu hiệu cho thấy em là người Mỹ, khái niệm mơ hồ này biến bản thân em trở lại thành một người mang chủ nghĩa quốc tế nồng nhiệt bởi nguồn gốc Racine, Wisconsin khủng khiếp của mình. Ngay cả sự bất cẩn mà với nó em đã từ bỏ vùng ngây thơ của mình cơ bản chỉ là mảnh ghép với những người tò mò, bồn chồn, hung hăng của chúng ta, những người (trừ anh) luôn thoải mái cho rằng nước Mỹ là trường tồn mãi mãi. Họ biết về sự sống, sự đương thời của lịch sử, sự tham lam nhất thời của nó, và thường có xu hướng quay lại với khu vườn tàn lụi của mình để chắc chắn rằng Đan Mạch vẫn còn ở đó. Nhưng với những người trong chúng ta, khái niệm “bị xâm lược” chỉ là điều gì đó ở bên ngoài, đất nước chúng ta có một nền tảng bất khả xâm phạm sẽ luôn nguyên vẹn trường tồn chờ đợi chúng ta trở lại. Thực sự, em đã giải thích triết lý của mình vài lần cho những người nước ngoài để họ dễ hiểu hơn về việc em nhận thức rằng “nước Mỹ không cần tôi”.
Thật đáng xấu hổ khi chọn bạn đời bằng chương trình tivi mà anh ta xem hồi nhỏ, nhưng đó lại chính xác là những gì em đã làm. Em muốn mô tả một người đàn ông nhỏ bé, vô dụng như là “Barney Fife” mà không cần vội vàng nhấn mạnh thêm rằng anh ta là nhân vật trong một chương trình tivi ấm áp và hiếm khi phát sóng tên là Chương trình của Andy Griffith, trong đó ông phó đồn trưởng bất tài luôn gặp những rắc rối kiểu gậy ông đập lưng ông. Em muốn có thể ngân nga bài nhạc nền Những người đi trăng mật mà có anh cùng hòa âm. “Ngọt ngào làm sao!” Em muốn ngưng giả vờ mình là một kẻ có văn hóa lập dị và không có quy tắc, để có cho mình một ngôi nhà và những luật lệ riêng về việc xếp giày dép mà khách khứa phải tuân theo. Anh đã khơi dậy trong em một khái niệm về một tổ ấm.
Tổ ấm chính xác là thứ mà Kevin đã tước đi khỏi em. Hàng xóm giờ để ý em với sự nghi ngờ mà họ thường dành cho dân nhập cư bất hợp pháp. Họ mò mẫm tìm từ ngữ và nói với em bằng sự cân nhắc thái quá, như thể em là người nói tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Và vì em từng đày ải mình đến một lớp học này, người mẹ của “một trong những chàng trai Columbine”, em, cũng vậy, mò mẫm tìm từ ngữ, không biết làm sao để dịch những suy nghĩ trên mây của mình ra ngôn ngữ giảm giá mua hai tính tiền một hay vé đỗ xe. Kevin đã biến em thành người nước ngoài lần nữa, trên chính đất nước mình. Và có lẽ điều này giải thích những chuyến viếng thăm hai tuần một lần vào thứ Bảy, bởi vì chỉ có ở trại cải tạo Claverack em mới không phải dịch ngôn ngữ ngoài hành tinh của mình thành ngôn ngữ ngoại ô trần tục. Chỉ ở trại Claverack bọn em mới có thể nói ẩn dụ mà không cần giải thích, thấu hiểu nhau như là một thứ văn hóa chia sẻ.