Franklin thân yêu,
Em là người duy nhất ở Travel R Us tình nguyện ở lại làm thêm giờ và hoàn thành công việc, nhưng hầu hết các chuyến bay Giáng sinh đã được đặt nên chiều nay bọn em được động viên với một chút phần thưởng là được nghỉ sớm, hôm nay là thứ Sáu. Bắt đầu chuỗi thời gian cô độc khi mới năm giờ chiều đã khiến em phát cuồng.
Chọc vào gà, điền những câu dễ trong trò ô chữ trên Thời báo, em thường có cảm giác khó chịu khi phải chờ đợi điều gì đó. Em không nói đến việc chờ đợi cuộc sống bắt đầu, như một số người vẫn loay hoay ở vạch xuất phát mà không nghe thấy tiếng súng bắt đầu. Không, đó là chờ đợi một điều gì đó cụ thể hơn, như một tiếng gõ cửa, và cảm giác này ngày càng mãnh liệt hơn. Tai em vểnh lên, có gì đó trong em, mỗi tối, mong chờ anh trở về nhà.
Em nhớ đến buổi tối giữa tháng Năm năm 1982, khi sự mong đợi của em rằng anh sẽ bước vào bếp bất cứ lúc nào ít vô lý hơn. Anh đang đi thăm dò vị trí trong một rừng thông phía nam New Jersey cho một quảng cáo xe Ford và đáng ra phải về nhà lúc bảy giờ tối. Em mới trở về sau chuyến đi dài một tháng để cập nhật phần Hy Lạp cho A Wing and a Prayer, tám giờ mà vẫn chưa thấy anh về, em tự nhắc mình rằng máy bay của em đã trễ sáu tiếng và phá hỏng kế hoạch của anh kéo em đi từ JKF20 đến quán cà phê Union Square.
20 Sân bay quốc tế John F. Kennedy
Tuy nhiên, đến chín giờ em bắt đầu cáu kỉnh, chưa kể đói nữa. Em nhai tạm một chiếc bánh hạt hồ trăn từ Athens. Trên tấm khăn trải họa tiết dân tộc, em định thuyết phục anh bằng một chảo moussaka21, nhồi rất nhiều quế vào thịt cừu xay, cuối cùng thì anh cũng thích cà tím mà.
21 Moussaka là món ăn có nguyên liệu cơ bản là cà tím, thường bao gồm thịt xay, phổ biến ở Balkan và Trung Đông. Món ăn có nhiều lớp và được phục vụ nóng.
Đến chín rưỡi, món bánh trứng sữa bắt đầu chuyển nâu và cạnh bánh thì khô dần mặc dù em đã giảm nhiệt độ lò xuống 120 độ. Em lấy khay bánh ra. Vừa giận dữ vừa đau khổ, bị tổn thương lòng tự trọng, em đập vào ngăn kéo khi lấy cuộn giấy nhôm, càu nhàu về những miếng cà tím đã chiên hết cả, và giờ thì chúng trở thành một mớ hỗn độn vừa khô vừa cháy. Em lôi món sa-lát Hy Lạp ra khỏi tủ lạnh và giận dữ chọc thủng những quả ô-liu đen, nhưng rồi lại để chúng héo trên bàn bếp. Em không thể tức giận được nữa. Em thất thần. Em kiểm tra hai chiếc điện thoại vẫn đang chờ đổ chuông. Em cũng kiểm tra để chắc chắn rằng thang máy vẫn hoạt động, mặc dù anh luôn có thể chọn đi thang bộ. Mười phút sau em lại kiểm tra điện thoại.
Đây là lý do vì sao mọi người hút thuốc, em nghĩ.
Mười giờ hai mươi phút thì chuông điện thoại reo, em gần như nhảy lên. Nghe thấy giọng mẹ em, tim em như thắt lại. Em nói nhanh rằng anh đã muộn ba tiếng và em phải chờ điện thoại của anh. Bà đã thông cảm, một tình cảm hiếm hoi từ mẹ em, người thường có xu hướng coi cuộc đời em như một lời buộc tội, như thể lý do duy nhất khiến em mạo hiểm đến các quốc gia khác là để nhắc nhở bà về sự thật là bà chẳng ngày nào rời khỏi cái hiên nhà. Đáng ra em nên nhớ rằng bà cũng từng phải chờ đợi như vậy ở tuổi ba mươi ba, không phải chờ vài giờ, mà là hàng tuần, cho đến khi một chiếc phong bì mỏng từ Sở Chiến tranh lướt qua khe cửa. Thay vào đó em lại thô lỗ đến tàn nhẫn, em cúp máy.
Mười giờ bốn mươi phút. Nam New Jersey không phải nơi nguy hiểm, chỉ toàn gỗ và trang trại, không như Newark. Nhưng có những chiếc xe như tên lửa đang cháy, và những tay tài xế ngu ngốc chết người. Sao anh không gọi?
Đó là trước khi có điện thoại di động nên em không trách anh. Và rồi em nhận ra chuyện này rất phổ biến: Chồng bạn, vợ bạn, con bạn về muộn, rất muộn, và rồi họ cũng về nhà cùng một lời giải thích. Hầu hết là vậy, nhưng cũng có thể họ không bao giờ quay về nhưng vẫn có một lời giải thích, thứ khiến cuộc sống của bạn hoàn toàn bị chia thành hai phần trước và sau khi họ biến mất không một dấu vết. Những giờ tưởng dài như cả đời người bỗng sụp đổ. Vậy nên mặc dù vị mặn chát trong nướu khá quen thuộc, em không thể nhớ được một trường hợp nào tương tự khi đi đi lại lại trong gác xép, tâm trí rối bời: chứng phình động mạch, một nhân viên bưu điện tức giận với chiếc máy tự động trong Burger King.
Mười một giờ. Em bắt đầu cầu nguyện.
Em nốc một ly rượu nho xanh, vị của nó như nước dưa muối vậy. Đó là rượu khi không có anh. Món moussaka thì khô, một đống chết ngắc. Đó là thức ăn khi không có anh. Căn gác xép của chúng ta, chất đầy những chiến lợi phẩm từ khắp nơi như là những chiếc giỏ và đồ chạm khắc, mang một diện mạo rẻ rúng, bừa bãi. Đây là căn nhà khi thiếu vắng bóng anh. Đồ đạc chưa từng bất động đến vậy.
Những thứ anh để lại như đang cười nhạo em: chiếc dây nhảy lủng lẳng trên móc, những chiếc tất bẩn của anh lăn lóc.
Ồ, Franklin, em biết một đứa trẻ không thể thay thế một người chồng, bởi vì em đã thấy anh trai mình oằn lưng trước áp lực để trở thành “người đàn ông của gia đình”. Em đã thấy cái cách mà anh ấy bị tra tấn khi mẹ luôn tìm kiếm những sự giống nhau trên mặt anh ấy với bức ảnh đã bụi mờ. Điều đó thật không công bằng. Giles thậm chí còn chẳng nhớ nổi bố, ông ấy qua đời khi anh ấy mới lên ba. Người bố bằng xương bằng thịt, người từng làm dây súp ra cà vạt đã không còn, mà trở thành một biểu tượng cao lớn, đen tối hiện lên phía trên lò sưởi trong bộ quân phục không quân không tì vết của ông. Một biểu tượng mà một cậu bé không thể nào giống. Đến giờ, Giles đã trở thành một người khác. Mùa xuân năm 1999, khi anh ấy buộc phải đến thăm em và chẳng có gì để nói hay làm, anh ấy đỏ mặt vì bực bội không nói nên lời, bởi vì em đang gợi lại cho anh ấy cảm giác bất công mà anh ấy đã phải chịu đựng suốt thời thơ ấu. Anh ấy thậm chí còn phẫn nộ hơn bởi sự chú ý của công chúng phản chiếu qua con trai chúng ta. Kevin và ngày thứ Năm đó đã khiến anh ấy ra khỏi cái hố của riêng mình, và anh ấy tức giận với em vì bị phơi bày. Giles có một tham vọng duy nhất là không ai có thể hiểu mình, bởi vì anh ấy không muốn bị nhìn ra những thiếu sót.
Em nhớ lại chúng ta đã làm tình đêm hôm trước và có lần em đã lơ đãng trượt chiếc mũ cao su đó quanh cổ tử cung của mình. Em có thể làm gì với cuộn dây nhảy, mấy chiếc tất bẩn? Chẳng phải chỉ nên giữ một kỷ vật đáng giá từ người đàn ông thôi sao, thứ mà vẽ tranh ngày Valentine và học đánh vần Mississippi? Không đứa con nào có thể thay thế anh. Nhưng nếu có lúc em phải nhớ anh, nhớ anh mãi mãi, em muốn có người bên cạnh cùng nhớ về anh, một người nghĩ về anh như một khoảng trống trong đời, cũng như em nghĩ về anh như một khoảng trống trong đời em.
Điện thoại reo lúc gần nửa em, em thấy hơi sợ một chút. Đã đủ muộn để cuộc điện thoại có thể là một tin báo từ cảnh sát, bệnh viện. Chờ đến hồi chuông thứ hai, em cầm ống nghe, cố gắng làm ấm nó như thể đó là chiếc đèn thần sẽ ban cho em điều ước cuối cùng. Mẹ em kể lại hồi năm 1945, bà để chiếc phong bì trên bàn hàng giờ liền, bà pha cho mình một tách trà đen rồi để chúng nguội ngắt. Đang mang thai em từ lần cuối bố về nghỉ phép, bà đi vệ sinh liên tục, đóng cửa nhà tắm và không bật đèn, như một cách trốn chạy. Ngập ngừng, bà kể lại cuộc vật lộn chiều hôm đó: đối mặt với một kẻ thù to lớn và dã man hơn mình nhiều, bà biết mình sẽ thua.
Anh nghe có vẻ mệt mỏi, giọng nói hết hơi đến nỗi em suýt nhầm tưởng đó là mẹ em. Anh xin lỗi vì đã để em lo lắng. Xe của anh bị hỏng giữa đường và anh đã đi bộ mười hai dặm mới tìm được một chiếc điện thoại.
Không có lý do gì để nói dài, nhưng em đau khổ khi phải gác máy. Khi chào tạm biệt nhau, khá xấu hổ nên em chưa bao giờ thừa nhận, nước mắt em tuôn như suối. Nói “em yêu anh” trong tinh thần chờ-tiếng-gõ-cửa đó tạo nên sự đam mê mãnh liệt.
Em đã thở phào nhẹ nhõm. Trong một giờ đồng hồ lái xe đưa anh đến Manhattan, em được trở lại thế giới của mình, lo lắng về những cái xoong, về việc quyến rũ anh bằng những quả cà tím và bắt anh đi giặt đồ. Cũng chính là thế giới mà chúng ta có thể gạt chuyện sinh con sang một đêm khác bởi vì đêm nay đã được lên kế hoạch và bởi vì còn nhiều đêm khác nữa.
Nhưng em không cho phép mình thư giãn ngay, em cố chìm vào sự vô tâm khiến cuộc sống hàng ngày trở nên dễ thở hơn, nếu không có nó, ta sẽ tự nhốt mình trong phòng khách và mãi mãi giống như mẹ em. Thực ra, trong vài giờ có thể em đã được nếm trải cuộc đời sau chiến tranh của mẹ mình, những gì bà thiếu có lẽ không phải là sự can đảm mà là khả năng lừa dối bản thân. Những người cùng thời bà bị sát hại bởi người Thổ Nhĩ Kỳ, chồng bà bị bắn hạ từ trên trời bởi những người dân da vàng bé nhỏ, mẹ em nhìn thấy sự hỗn loạn theo gót bà đến từng bậc cửa, trong khi chúng ta trú ngụ trong một phòng chơi giả tạo mà sự giúp đỡ là một ảo tưởng. Năm 1999, khi em bước vào thế giới của mẹ em, nơi mà điều gì cũng có thể xảy ra và thường xảy ra, thứ mà em và Giles đã luôn xem như chứng loạn thần kinh, em trở nên tử tế với bà hơn.
Anh đã thực sự trở về lần đó. Nhưng khi cúp máy, em như nghe thấy một lời thì thầm: Có thể chưa đến cái ngày mà anh sẽ không về nữa.
Mặc dù em đi thật chậm nhưng thời gian vẫn trôi nhanh điên cuồng. Khi bước vào anh đã quá mệt đến nỗi chẳng nói nổi. Em để anh bỏ qua bữa tối, nhưng không cho anh ngủ. Em đang cảm thấy một ngọn lửa ham muốn bùng cháy bên trong mình, và em đảm bảo với anh đây là một yêu cầu cấp thiết. Em muốn sắp xếp một phương án dự phòng, cho em và cho anh. Em muốn chắc chắn rằng nếu có chuyện gì đó xảy ra với một trong hai ta, sẽ còn lại thứ gì đó khác ngoài tất. Chính đêm đó em muốn một em bé để lấp đầy mọi khoảng trống như là tiền trong những chiếc lọ, như những chai vodka được giấu kín trong phòng những kẻ nghiện rượu yếu đuối.
“Em đang không dùng vòng tránh thai đâu.” Em thì thầm. Anh cựa quậy. “Có nguy hiểm không?”
“Cực kỳ nguy hiểm.” Thực tế thì một người lạ nào đó có thể xuất hiện chín tháng sau. Hoặc cũng có thể chúng ta đã quên khóa cửa nhà.
Sáng hôm sau, khi đang mặc quần áo, anh hỏi. “Tối qua… chỉ là em quên thôi à?” Em lắc đầu, hài lòng với bản thân. “Em có chắc về chuyện này không?”
“Franklin à, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết chắc được. Chúng ta chẳng biết có một đứa trẻ thì sẽ thế nào. Chỉ có một cách duy nhất để biết thôi.”
Anh xốc nách và nâng em lên, em nhận ra cái cách anh nâng em lên giống hệt như khi anh chơi trò “máy bay” với bọn trẻ nhà Brian. “Tuyệt vời!”
Em nghe có vẻ tự tin, nhưng khi anh đặt em xuống, em bắt đầu hoảng loạn. Sự tự mãn chỉ là nhất thời, và em đã ngừng lo lắng về việc anh có còn sống đến hết tuần hay không. Em đã làm gì vậy? Một tháng sau em đến kỳ, em nói với anh rằng em rất thất vọng. Đó là một lời nói dối, em đã thở phào nhẹ nhõm.
Sáu tuần tiếp theo, anh cố gắng mỗi đêm. Anh thích có việc để làm và kéo em theo sự ồn ào nếu-làm-gì-thì-phải-làm-cho-đúng mà anh đã chất đầy giá sách của chúng ta. Về phần em, em không chắc lắm về việc làm tình máy móc này. Em luôn thích sự phù phiếm trong chuyện chăn gối, và em thích nó tục tĩu. Thực tế thì dù Giáo hội Chính thống A-me-ni-a có nhìn vào cũng sẽ vui lòng chấp thuận khiến em chẳng hào hứng chút nào.
Trong khi đó, em bắt đầu nhìn cơ thể mình dưới một con mắt khác. Lần đầu tiên, em cảm nhận những gò đất nhỏ trên ngực mình như núm vú cho trẻ bú. Và không thể phủ nhận sự giống nhau về thể chất giữa núm vú của những con bò hay bầu ngực lủng lẳng của những con chó mới đẻ. Thật buồn cười là ngay cả phụ nữ nhiều khi cũng quên ngực sinh ra để làm gì.
Khe hở giữa hai chân em cũng biến đổi, một cách tàn bạo, một sự tục tĩu, hoặc đạt đến một mức tục tĩu nào đó khác. Các cánh không mở ra một ngõ cụt hẹp nữa mà là một thứ gì đó đang ngoác ra. Đường vào tự nó dẫn đến một nơi khác, một nơi thực sự, không phải chỉ là phần tăm tối trong tâm trí em. Phần thịt xoắn phía trước trở nên khác lạ, nó có sự gợi mở, chút cám dỗ, chút ngọt ngào cho việc mang nặng một đứa trẻ, như chiếc kẹo mút mà em được cho ở phòng khám nha khoa.
Này, mọi thứ khiến em trở nên xinh đẹp là bản chất tự nhiên của việc làm mẹ, và mong muốn của em rằng đàn ông sẽ thấy em trở nên hấp dẫn là kế hoạch để cơ thể tự thay đổi. Em không muốn giả vờ là người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra những con chim và con bướm. Nhưng những điều này thật sự mới mẻ với em. Và nói thẳng thì em cũng không chắc lắm. Em cảm thấy có thể bị phá hủy, vứt bỏ, bị nuốt chửng bởi dự án sinh học to lớn mà em không lựa chọn hay khởi xướng. Nó tạo ra em nhưng cũng nhai em rồi nhổ em ra. Em cảm thấy bị lợi dụng.
Em chắc anh vẫn nhớ lần mình cãi nhau về rượu. Theo anh thì em không nên uống dù chỉ một giọt. Em xao nhãng. Ngay khi em biết mình có thai, em sẽ ngừng uống rượu. Nhưng việc thụ thai có thể mất hàng năm trời, em không thể giết chết niềm vui của mình bằng một cốc sữa mỗi tối được. Nhiều thế hệ phụ nữ đã vui vẻ uống rượu trong thời kỳ mang thai và rồi sao, tất cả những đứa trẻ sinh ra đều thiểu năng hay sao?
Anh giận dỗi. Anh im lặng nếu em rót cho mình ly rượu thứ hai và ánh mắt phản đối của anh phá hỏng niềm vui đúng như ý định của chúng. Anh gầm gừ rằng khi ở chỗ của em anh sẽ không uống nữa, dù có mất nhiều năm nếu cần, em chẳng nghi ngờ gì chuyện đó. Em sẽ để chuyện làm cha mẹ ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, anh sẽ để chuyện làm cha mẹ điều khiển hành vi của chúng ta. Nếu điều đó có vẻ là sự phân biệt tinh tế, nó xảy ra liên tục.
Em chẳng hề trải qua giai đoạn giống mấy đoạn phim sáo rỗng mà người ta phải vào nhà vệ sinh liên tục, nhưng mấy nhà làm phim có vẻ không chấp nhận việc người phụ nữ mang thai không ốm nghén. Mặc dù anh đề nghị hộ tống em mang mẫu nước tiểu đi xét nghiệm, em ngăn anh lại: “Có phải em đi kiểm tra ung thư hay gì đâu mà”. Em nhớ câu nói đó.
Gặp bác sĩ phụ khoa, em giao lọ nước a-ti-sô ngâm của mình, sự bối rối lập tức bao trùm theo bản năng khi trao thứ nước thải có mùi cho người lạ, và đợi trong phòng. Bác sĩ Rhinestein, một phụ nữ trẻ lạnh lùng, với khí chất xa cách rất phù hợp khi cô ấy làm các thí nghiệm dược phẩm trên chuột. Cô ấy kiểm tra khoảng mười phút rồi vươn người qua bàn làm việc để thông báo. “Dương tính.” Cô ấy dõng dạc.
Khi nhìn lên, cô ấy hỏi lại: “Chị ổn chứ? Trông chị hơi nhợt nhạt đấy”.
Em đã lạnh cả người.
“Eva, tôi tưởng chị đang cố gắng mang thai. Đây đáng ra phải là một tin tốt chứ.” Cô ấy nói một cách nghiêm túc với chút trách móc. Em có cảm giác rằng nếu mình không hạnh phúc vì kết quả đó, cô ấy sẽ bế con em cho một ai đó có tư tưởng đúng đắn hơn, người sẽ nhảy lên như vừa trúng một chiếc ô-tô từ chương trình trò chơi truyền hình.
“Bình tĩnh đã.” Có vẻ như em đã bắt đầu lảo đảo.
Rồi em buộc mình phải ngồi thẳng dậy, vì trông cô ấy có vẻ rất chán, bác sĩ Rhinestein đọc qua một danh sách dài những gì em không được làm, những gì em không được ăn hoặc uống cho đến lần khám tiếp theo, chẳng quan tâm đến kế hoạch cập nhật “WEEWAP”, mọi người trong văn phòng gọi đó là phiên bản Tây Âu của chúng ta, nhờ có anh. Lời giới thiệu của em về cách mà ta sẽ bước qua ngưỡng cửa của việc trở thành một người mẹ, bỗng nhiên ta trở thành một thứ tài sản của xã hội, nhộn nhịp gần như của một cái công viên công cộng. Cái cách mà người ta nhẹ nhàng “giờ cô ăn cho hai người đấy, cô gái”, tất cả đều muốn ám chỉ rằng bữa tối không phải chuyện của riêng em nữa. Thật vậy, khi vùng đất tự do ngày càng trở nên bị cưỡng ép, nhiệm vụ duy trì việc “ăn cho hai người” như thể có cả hai trăm triệu người cùng tham gia, bất cứ ai cũng có quyền phản đối việc bạn đang muốn ăn một chiếc bánh vòng phủ mứt mà không phải một bữa ăn với hạt nguyên cám, rau xanh và phải đầy đủ năm nhóm thực phẩm chính. Quyền được điều khiển phụ nữ mang thai chắc chắn sắp được ghi vào Hiến pháp.
Bác sĩ Rhinestein đưa ra một số khuyến nghị về các nhãn hiệu vitamin và cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tiếp tục chơi môn bóng quần.
Em có một buổi chiều để tự triệu hồi bản thân vào một người mẹ rực rỡ trong tương lai. Theo bản năng, em chọn một chiếc váy hè sợi bông trơn màu đơn giản hơn là gợi cảm, sau đó tập hợp các nguyên liệu cho một bữa ăn thật bổ dưỡng (không gì so sánh được với món cá hồi áp chảo, món sa-lát có rau mầm). Trong khi đó, em thử các cách tiếp cận khác nhau cho một thứ cũ rích: nhút nhát, trì hoãn; kinh ngạc, bất ngờ giả tạo; tuôn ra “ôi, em yêu!”. Chẳng cái nào có vẻ phù hợp cả. Khi em đang xoay sở trong căn gác, cố xoáy cái nến mới lên giá, em cố ngân nga để thêm can đảm nhưng không thể nghĩ ra gì khác ngoài những giai điệu từ các vở nhạc kịch tốn kém như là Xin chào, Dolly!
Em ghét nhạc kịch.
Thông thường, khâu hoàn thiện cho một sự kiện trọng đại như thể này là chọn rượu. Em buồn rầu nhìn vào cái giá đầy ắp của chúng ta, chắc rồi sẽ bị phủ bụi.
Khi thang máy dừng ở tầng của chúng ta, em xoay lưng lại và thả lỏng khuôn mặt mình. Chỉ cần nhìn thoáng qua gương mặt đang cố che giấu những cảm xúc lẫn lộn của em, anh đã giúp em làm luôn nhiệm vụ thông báo: “Em có thai rồi!”.
Em nhún vai. “Trông có vẻ là thế đó.”
Anh hôn nhẹ em. “Khi biết tin, em thấy thế nào?” “Em suýt ngất, thật đấy.”
Nhẹ nhàng anh chạm vào tóc em. “Chào mừng đến với cuộc sống mới.”
Vì mẹ em sợ rượu như sợ con phố cạnh nhà, mỗi ly rượu đều mời gọi em bởi vì nó là “trái phép”. Mặc dù em không nghĩ mình có vấn đề, nhưng nốc cạn một hơi thứ màu đỏ sẫm vào mỗi cuối ngày đã trở thành điển hình cho sự trưởng thành của em, đó là cách khoe khoang về Chén Thánh tự do kiểu Mỹ. Nhưng em bắt đầu hiểu ra rằng tất cả sự trưởng thành cũng không khác thời thơ ấu là mấy. Cuối cùng thì cả hai đều phải tuân thủ những quy tắc.
Em rót cho mình một ly nước nam việt quất và nâng ly chúc tụng. “Cho cuộc sống mới.”
Nực cười cái cách chúng ta tự đào cho mình một cái hố bằng chiếc thìa cà phê, thứ nhỏ nhất mà ta có thể tìm được, làm tròn từng chút nhỏ hay cân nhắc lại một cảm xúc để cho đẹp hơn hoặc tôn lên hơn một chút. Em không thấy quá quan trọng việc có một ly rượu cho mình mỗi ngày. Nhưng giống như mọi cuộc hành trình huyền thoại đều bắt đầu từ một bước đơn giản, em bắt đầu có những khó chịu đầu tiên.
Hầu hết những bực bội đều đến từ những thứ nhỏ nhặt. Và vì nó nhỏ nhặt, em thấy mình buộc phải kìm nén. Đó là bản chất của sự khó chịu, sự bất đồng mà ta không thể diễn tả. Chính việc giữ im lặng mà không phàn nàn khiến những cảm xúc trở nên độc hại, như thứ chất độc mà cơ thể không thể tự đào thải. Khó khăn chẳng kém việc cố gắng trưởng thành bằng cách uống nước nam việt quất là việc tỉ mẩn tìm kiếm sự tương đồng giữa nó với vang đỏ Beaujolais, sâu bên trong em vẫn là một đứa con nít. Khi anh bắt đầu nói về việc chọn tên (cho con trai), em vắt óc nghĩ về tất cả những thứ khác: tã lót, những đêm không ngủ, đưa con đến những buổi tập đá bóng. Em thực sự cũng rất mong chờ.
Rất hào hứng, anh tình nguyện cùng em bỏ rượu trong suốt thai kỳ, mặc dù đứa trẻ của chúng ta không đạp nhưng anh cũng kiêng cả ly bia trước bữa ăn của mình. Anh dường như đã tận hưởng cơ hội để chứng minh rượu chẳng là gì với mình. Em đã thấy hơi khó chịu.
Anh luôn thích thú sự hy sinh bản thân. Tuy thật đáng ngưỡng mộ, sự háo hức của anh khi trao cuộc đời mình cho một người khác có lẽ vì thực tế là khi cuộc sống hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay anh, anh chẳng biết phải làm gì với nó cả. Hy sinh bản thân có thể là một lối thoát. Em biết điều đó nghe không tử tế cho lắm. Nhưng em tin là anh có tuyệt vọng như vậy, nếu nó quá trừu tượng thì ngắn gọn lại, đó là việc anh từ bỏ chính bản thân mình. Điều đó trở thành một gánh nặng cho con trai chúng ta.
Anh nhớ tối hôm đó chứ? Chúng ta có quá nhiều điều để nói nhưng chúng ta lại lúng túng, ngập ngừng. Chúng ta không còn là Eva và Franklin nữa mà là Mẹ và Bố. Đó là bữa tối đầu tiên của chúng ta như là một gia đình, khái niệm mà em chưa bao giờ thấy thoải mái. Và em đã nóng nảy, gạt bỏ tất cả những cái tên mà anh đưa ra như là Steve, George, hay Mark với lý do “quá tầm thường”. Anh đã bị tổn thương.
Em không thể nói chuyện với anh. Em cảm thấy bế tắc. Em đã muốn nói: Franklin, em không chắc đây là một ý hay. Anh có biết rằng trong tam cá nguyệt22 thứ ba, thậm chí người ta còn không cho em lên máy bay không? Và em ghét việc “giữ thái độ đúng đắn” này, việc giữ một chế độ ăn tốt, làm một tấm gương tốt và tìm một ngôi trường tốt…
22 Sản khoa hiện đại chia thai kỳ của mẹ bầu thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn tương ứng với một tam cá nguyệt. Tam cá nguyệt thứ ba hay còn gọi là ba tháng cuối thai kỳ.
Đã quá muộn. Chúng ta đáng nhẽ nên ăn mừng và em đáng nhẽ nên tự hào.
Điên cuồng tạo ra khao khát một “bản dự phòng” đã khiến em rơi vào cảnh này. Em lục lại trí nhớ về đêm mà anh bị mắc kẹt trong cánh rừng thông cằn cỗi, có phải điều đó làm em khó chịu không? Nhưng quyết định vội vàng trong đêm tháng Năm đó chỉ như một ảo ảnh. Em đã quyết định từ rất lâu rồi. Từ lúc em bắt đầu đổ anh và không thể rời mắt khỏi nụ cười Mỹ ngây ngô của anh và niềm tin của anh vào những buổi dã ngoại. Mặc dù mệt mỏi, em đã có thể tiếp tục viết về những quốc gia mới, theo thời gian, không thể tránh khỏi việc những thứ như đồ ăn, thức uống, màu sắc, cây cối sẽ chẳng còn tươi mới nữa, mặc dù bản thân chúng vẫn tồn tại. Nếu ánh sáng có mờ nhạt đi, thì đó vẫn là cuộc sống em yêu, cuộc sống mà việc có trẻ con không phù hợp lắm. Thứ duy nhất mà em yêu hơn cả là Franklin Plaskett. Anh rất ít đòi hỏi, chỉ có duy nhất một món đồ đắt tiền anh mong muốn thì nó hoàn toàn nằm trong khả năng của em. Làm sao em có thể từ chối ánh sáng lóe lên trên gương mặt anh khi anh nâng cô bé nhà Brian lên chứ?
Chẳng có chai rượu nào để lai rai, chúng ta đã lên giường, mỗi đứa một bên. Anh lo lắng không biết chúng ta có nên làm tình không, liệu có làm đau em bé hay không. Em thấy hơi giận. Em đã trở thành nạn nhân, như một công chúa, bởi một sinh vật bé như hạt đậu. Em đã muốn làm tình lần đầu tiên trong suốt nhiều tuần.
Cuối cùng chúng ta cũng làm tình bởi vì chúng ta muốn thế và chẳng hại gì đến giống nòi. Anh chấp nhận nhưng nhẹ nhàng đến phát chán.
Mặc dù em mong muốn sự mâu thuẫn trong lòng biến mất, nhưng sự đối nghịch chỉ ngày một rõ ràng hơn, vậy nên ngày càng nhiều bí mật. Cuối cùng thì em cũng có thể trút hết với anh. Em nghĩ sự mâu thuẫn không biến mất bởi nó không phải thứ chúng ta tưởng. Không phải em mâu thuẫn trong việc làm mẹ. Anh muốn có con. Để cân bằng, em không muốn. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng mặc dù chúng ta là cặp đôi tuyệt vời, chúng ta vẫn là hai cá thể khác nhau. Em chưa bao giờ thực sự khiến anh thích món cà tím.