K
hổng Tử nói:
“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận và thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ.”*
(Ta mười lăm tuổi chuyên chú học hành, ba mươi tuổi có thể tự lập (tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo điều lễ mà làm), bốn mươi tuổi không còn nghi hoặc (tức có trí đức, nên hiểu rõ ba đức nhân, lễ, nghĩa), năm mươi tuổi biết được mệnh Trời, sáu mươi tuổi biết theo mệnh Trời, bảy mươi tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt ngoài khuôn khổ đạo lý).
* Luận Ngữ, thiên Vi Chính, bài số 4.
Chúng ta đã bắt đầu cuốn sách này bằng vài tuyên bố đanh thép. Chúng ta đã nói rằng tất cả mọi người đều có những giả định về việc mình là ai, về cách xã hội vận hành và về vị trí của chúng ta trong lịch sử thế giới. Chúng ta đã chỉ ra rằng nhiều giả định trong số đó là sai – không chỉ sai về mặt kinh nghiệm mà còn sai một cách nguy hiểm, vì nếu chúng ta sống theo những giả định này, chúng ta sẽ tự giới hạn trải nghiệm và tiềm năng của mình rất nhiều.
Một câu chuyện tiếp nối những giả định đó là: Chúng ta đã thoát khỏi quá khứ hà khắc của một thế giới truyền thống và hiện đang sống trong một thế giới hiện đại, trong đó chúng ta có thể tự do sống cuộc đời mình. Câu chuyện tài tình này có sức lan tỏa và mạnh mẽ đến mức, theo thời gian, chúng ta đã chấp nhận nó là hoàn toàn đúng và tự nhiên. Chúng ta để nó định hướng các giả định và hành động của mình mà không hề nhận ra.
Theo định kiến của chúng ta, xã hội truyền thống là một xã hội mà trong đó một cái tôi ổn định và một thế giới cố kết, vững chắc thì được coi là đúng đắn; trong đó người ta chắc chắn sẽ thịnh đạt nếu tuân theo những quy chuẩn xã hội phổ biến; trong đó sự di động xã hội chỉ ở mức tối thiểu; và trong đó người ta sống trong một thế giới quan hạn hẹp bị phong bế, khước từ những tư tưởng khác.
Nhưng nếu đây thực sự là cách chúng ta định nghĩa về truyền thống, thì chính chúng ta mới là những người đang chấp nhận một thế giới quan truyền thống và đang trở lại với xã hội truyền thống. Dù ở cấp độ cá nhân (cách chúng ta tự hạn chế mình trong các mối tương tác, cách chúng ta giới hạn các quyết định liên quan đến tương lai của mình) hay cấp độ xã hội (sự tập trung của cải trong tay một số ít người, làm giảm đáng kể khả năng di động xã hội), thì chúng ta đều đang trượt dần về một thế giới truyền thống.
Quan niệm của chúng ta về truyền thống và hiện đại đã khiến chúng ta nhìn nhận mọi thứ dưới dạng một dải phổ, với thế giới truyền thống ở một đầu và thế giới hiện đại ở đầu kia. Nhưng có một trục hoàn toàn khác để xem xét mọi thứ, trong đó sự ổn định/xác thực/chân thành nằm đối lập hoàn toàn với thế giới tan vỡ/phân mảnh/lộn xộn như các triết gia của chúng ta đã thấy.
Triết học Trung Quốc như chúng ta đã khám phá trong quyển sách này có thể giúp ta thoát khỏi việc giam hãm mình trong câu chuyện cũ rích ấy, cũng như khỏi những giả định chúng ta tự đặt ra, rằng chúng ta là ai và đang sống trong thế giới nào. Rời khỏi góc nhìn cho rằng hiện đại là cố kết, chân thật và xác thực, chúng ta có thể nhận ra những tư tưởng ấy đã xiềng xích mình như thế nào. Giải quyết lần lượt sự phức tạp và phân mảnh là con đường để chúng ta có thể thoát khỏi vị trí hiện tại của mình. Chỉ khi mở lòng ra với những quan niệm mới mẻ – dù đầy thách thức – chúng ta mới thoát ra khỏi thế giới truyền thống và thật sự hòa mình vào thế giới.
Chúng ta đã trở nên truyền thống như thế nào?
Tại sao ngay từ đầu chúng ta lỡ mất những ý tưởng này?
Chúng ta đã tìm hiểu về Thời đại Trục, thời kỳ mà thử nghiệm tôn giáo và chính trị phát triển khắp lục địa Á - Âu, thời kỳ quý tộc tan vỡ tận gốc rễ. Nhưng rồi các thử nghiệm tôn giáo và chính trị đó đã chấm dứt, ít nhất là ở một số khu vực của lục địa Á - Âu.
Ở phía Tây lục địa Á - Âu, khi Đế chế La Mã sụp đổ, châu Âu trở lại thời kỳ các dòng dõi quý tộc nắm quyền cai trị. Một lần nữa, chế độ này trở thành thứ mà nhiều thế kỷ sau người ta sẽ xem là thế giới truyền thống – nơi mà địa vị xã hội và quyền lực chính trị được xác định duy nhất bằng dòng dõi. Xã hội cha truyền con nối này cuối cùng bị lật đổ vào thế kỷ 19.
Thế giới đó bị chia cắt về mặt chính trị. Tầng lớp quý tộc kiểm soát các vùng lãnh thổ riêng của họ. Mỗi nhà cai trị của một lãnh địa tạo nên những phong tục và điều luật riêng theo ý thích, không hề có sự phối hợp hay thống nhất giữa các vùng. Không có chính quyền chung để tạo ra những luật lệ tổng quát, không có đường sá hay cơ sở hạ tầng công cộng nào được xây dựng để kết nối các lãnh thổ này với nhau. Không chỉ thiếu sự di động xã hội, mà còn thiếu cả các tuyến giao thông khiến cho các hoạt động thương mại không tài nào phát triển được.
Mãi đến hơn một thiên niên kỷ sau, những gì chúng ta xem là thời kỳ hiện đại mới bắt đầu nhen nhóm: đạo Tin Lành xuất hiện và nhấn mạnh vào cá nhân, các thành thị và nền kinh tế thị trường xuất hiện, và cuối cùng tầng lớp trung lưu bắt đầu đòi hỏi quyền lực chính trị của mình.
Tất cả mọi thứ mà chúng ta đã nhắc đến đều có tác động sâu sắc đến cả sự phát triển của châu Âu và cách chúng ta nghĩ về Trung Quốc.
Ở châu Âu, sự giải phóng khỏi một thế giới già cỗi, phân tầng vốn được xây dựng trên cơ sở quyền lợi dòng dõi chỉ là tạm thời, nó nhanh chóng quay trở lại chế độ quý tộc khi Đế chế La Mã sụp đổ. Nhưng ở một số nơi khác trên thế giới, cuộc vượt thoát khỏi quá khứ truyền thống kéo dài hơn.
Trong thời đại của các đế chế thời khởi thủy, đế chế đầu tiên của Trung Quốc, nhà Hán, đã hình thành nên các nhà nước cai trị hiệu quả, sử dụng bộ máy quan lại và luật pháp để cắt bớt luật lệ cha truyền con nối. Sau khi nhà Hán sụp đổ vào thế kỷ 3, các đế chế tiếp theo cũng vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tạo ra bộ máy quan lại nhà nước hiệu quả, giúp Trung Quốc trở nên thịnh vượng.
Chẳng hạn như, đầu thế kỷ 7, trong khi vùng Tây - Bắc ở châu Âu vẫn bị chi phối bởi những lãnh địa phong kiến nhỏ lẻ thì một đế chế mới rộng lớn đã xuất hiện ở Trung Quốc: nhà Đường. Được điều hành bởi một hệ thống quan lại và pháp lý hiệu quả, nhà Đường đã tạo ra một xã hội mang tính quốc tế thịnh vượng và mạnh mẽ, kinh đô của triều đại này rất đông dân, nhiều hàng hóa và có đủ mọi tôn giáo từ khắp Á, Âu.
Vào thế kỷ 12 và 13, các bộ máy quan lại cai trị khổng lồ này ở Trung Quốc đã thực sự trở thành các thể chế trọng nhân tài: mọi vị trí quyền lực, ngoại trừ ngôi vị hoàng đế, chỉ có thể đạt được bằng cách học tập và tham gia khoa cử.
Chế độ khoa cử không nhằm mục đích đánh giá những tài năng bẩm sinh mà người sĩ tử sở hữu hoặc những kỹ năng và khả năng mà anh ta có thể thể hiện. Thay vào đó, trong một khoa thi, các sĩ tử sẽ phải trả lời các câu hỏi về tình huống thực tế mà bất kỳ viên quan nào cũng có thể gặp phải: các tình huống khó xử về đạo đức và mâu thuẫn về lợi ích. Sĩ tử không được đánh giá dựa trên đáp án đúng, vì không có đáp án nào là đúng. Họ sẽ được đánh giá dựa trên triển vọng mà anh ta thể hiện trong việc xem xét bức tranh toàn cảnh và khả năng lèo lái qua các tình huống đạo đức lắt léo. Các kỳ thi đó là để đo lường đức nhân.
Tất nhiên, hệ thống này không tiếp cận toàn diện tới tất cả mọi người. Đầu tiên, khoa cử chỉ dành cho nam giới. Và cũng như những nơi khác trên thế giới vào thời điểm đó, giáo dục không phải là phổ quát. Chỉ các gia đình giàu có mới có thể sắp xếp cho con cái họ học hành để tham gia khoa cử. Nhưng một môn sinh chuẩn bị cho khoa cử thì sẽ được dạy tu dưỡng đạo đức và phải học một loạt giá trị khác với các giá trị của giới thượng lưu quý tộc. Khi đi thi, các bài thi sẽ được giấu tên; nên gia thế của sĩ tử thế nào không hề quan trọng. Và nếu thi đậu, anh ta cũng sẽ được thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác, cách xa quê hương bản quán để công vụ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những mối quan hệ từ nhỏ hay những lợi ích địa phương.
Điều này có nghĩa là quyền lực chính trị không mang tính cha truyền con nối mà được nắm giữ bởi một tầng lớp có học thức.
Khi không còn đặc quyền của giới thượng lưu quý tộc, nhà nước có thể tập trung năng lượng vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng theo cách không thể có trong thế giới phi tập trung, phi kết nối của châu Âu phong kiến. Ở Trung Quốc, đường sá được xây dựng, hệ thống kênh được đào và hệ thống luật pháp phổ quát được phát triển. Tất cả điều này đã giúp kinh tế tăng trưởng mạnh. Và khi kinh tế đã cất cánh, các mạng lưới thương mại khổng lồ bắt đầu phát triển khắp Trung Quốc và vượt ra khỏi biên giới. Những mạng lưới này đóng một vai trò quan trọng trong các hệ thống thương mại đang bắt đầu lan rộng khắp Đông Nam Á, băng qua Ấn Độ Dương và đến Trung Đông từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18. Các mạng lưới thương mại còn kết nối Trung Quốc với khu vực Địa Trung Hải. Ví dụ, thành Venice, nước Ý đã trở nên giàu có đến không ngờ nhờ mua bán hàng hóa theo các mạng lưới này.
Trong khi nền kinh tế hàng hải khổng lồ này đang bắt đầu biến đổi phần lớn lục địa Á - Âu, thì một phần châu Âu vẫn còn “truyền thống”, vẫn tiếp tục bị cai trị bởi các gia tộc quý tộc. Các quốc gia ở phía Tây và Bắc châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh – cách xa các mạng lưới thương mại này và cả của cải mà chúng đang tạo ra – bắt đầu đóng tàu để đi vòng qua cực Nam châu Phi để đến được châu Á, rồi sau đó dong buồm về phía Tây vòng quanh địa cầu. Tuy nhiên, thay vì đến châu Á, họ lại cập bến châu Mỹ. Họ bắt đầu xây dựng một nền kinh tế thuộc địa mới bên kia bờ Đại Tây Dương dựa trên chế độ lao động nô lệ.
Nền kinh tế thuộc địa mới này đã mang lại của cải cho phần phía Tây lục địa Á - Âu. Nhưng chỉ riêng của cải thì không thể tạo ra các quốc gia. Và đó là phần tiếp theo của câu chuyện.
Ngay từ thế kỷ 16, các tu sĩ Dòng Tên đã lên đường du hành đến Trung Quốc. Họ sững sờ trước những điều tận mắt chứng kiến và bắt đầu ghi chép lại trải nghiệm đó. Các bộ máy quan lại được điều hành bởi một tầng lớp thượng lưu có học thức chứ không phải các nhà quý tộc; pháp luật được áp dụng cho tất cả mọi người, dù là nông dân hay quý tộc; người ta phải học hành để tham gia khoa cử; ở đó có sự di động xã hội nhờ chế độ trọng nhân tài. Tất cả những điều này đều chưa từng nghe thấy ở châu Âu.
Hai thế kỷ sau, những ghi chép này đã giúp khai sinh một phong trào toàn diện ở châu Âu gọi là phong trào Khai sáng. Các triết gia như nhà văn Pháp Voltaire (1694 – 1778) đã đọc những ghi chép ấy và tự hỏi phải làm gì để có thể sao chép những gì các giáo sĩ đã mô tả. Họ bắt đầu phát triển những ý tưởng về các thể chế có thể nuôi dưỡng bộ máy quan lại, luật pháp và một tầng lớp tinh hoa được học hành. Các nhà cai trị châu Âu nhận ra rằng những thể chế như vậy là hoàn toàn có thể. Rốt cuộc thì chúng cũng đã tồn tại ở Trung Quốc.
Họ bắt đầu xây dựng các nhà nước hiệu quả, thiết lập các hệ thống pháp lý và xây dựng những quân đội hùng mạnh. Với của cải đến từ nền kinh tế Đại Tây Dương, các quốc gia mới này đã trở nên cực kỳ hùng mạnh và cuối cùng cũng có thể kết nối với các mạng lưới thương mại châu Á. Nhưng bây giờ mục tiêu của họ không còn là tiếp cận mà là chiếm lấy các mạng lưới đó, vì họ đã có được châu Mỹ để làm thuộc địa và tạo ra một đế chế.
Đó cũng là lúc sự xuyên tạc thú vị về cách chúng ta nhìn nhận lịch sử bắt đầu xảy ra. Khi các quốc gia châu Âu này trở nên giàu có, mạnh mẽ hơn và bắt đầu phá vỡ các trật tự quý tộc ngày trước, họ xem chính mình đã tạo nên một sự đoạn tuyệt lịch sử: từ bỏ thế giới truyền thống và khởi đầu một thế giới hiện đại. Thế là họ nghĩ các cương vực châu Á mà họ đang chiếm làm thuộc địa là lạc hậu và truyền thống. Và bây giờ họ phải đi giải phóng các vùng đất đó – bằng cách làm cho nó giống phương Tây hơn.
Các thế hệ các tư tưởng gia phương Tây đã khắc ghi quan điểm này về Trung Quốc như thể bị mắc kẹt trong giai đoạn tiến bộ vượt bậc trước đó. Triết gia Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 – 1831) đã mô tả người Trung Quốc như thể họ bám rễ trong trạng thái hòa hợp vĩnh viễn với tự nhiên. Và ông tin rằng sự tiến bộ chỉ có thể xảy ra khi các quốc gia đạt đến giai đoạn mà ông đã nhìn thấy ở châu Âu: lý tính, tự giác, thoát khỏi thế giới tự nhiên, có khả năng tự ý thức tham gia vào đấu tranh và xung đột giúp họ tiếp tục tiến bộ. Nhà xã hội học và kinh tế học Max Weber (1864 – 1920), cũng là người Đức, đã cố gắng lý giải vì sao chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ xuất hiện ở Trung Quốc theo kiểu nó đã diễn ra ở châu Âu. Ông kết luận rằng Trung Quốc bị hạn chế vì họ thiếu một bộ nguyên tắc siêu hình. Ông cho rằng Khổng giáo và Tin Lành đã đặt ra những nền tảng triết học rất khác nhau, khiến Trung Quốc thì thích nghi với thế giới, trong khi phương Tây lại tìm cách biến đổi thế giới.
Nhưng, không có gì phải nghi ngờ rằng phần lớn những điều châu Âu được thừa hưởng – và dĩ nhiên rồi, cả thế giới thế kỷ 21 của chúng ta cũng vậy – đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Khái niệm về các kỳ thi công bằng (chẳng hạn như Scholastic Aptitude Test, viết tắt là SAT, bài kiểm tra tiêu chuẩn dùng để xét tuyển của các trường đại học Hoa Kỳ) có thể được truy đến tận cùng là bắt nguồn từ Trung Quốc. Pháp luật áp dụng công bằng cho tất cả mọi người tất nhiên cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, và cả bộ máy quan lại do một tầng lớp tinh hoa có học thức điều hành cũng vậy.
Và cũng có một chút sự chia rẽ trong câu chuyện về những gì châu Âu học được từ Trung Quốc. Chỉ có duy nhất một khía cạnh trong số những tư tưởng này tạo ra điều đó, đó chính là tư tưởng của Mặc Tử và những hậu duệ trí thức của ông, những người theo chủ nghĩa pháp trị. Những tư tưởng lan rộng khắp châu Âu mô tả con người là những kẻ lý tính vận hành các hệ thống pháp luật lý tính dựa trên các luật lệ phổ quát. Các kỳ thi của họ chỉ thuần túy đo lường khả năng, chứ không phải nhân cách đạo đức hay việc rèn luyện đạo đức. Những tư tưởng theo kiểu Mặc Tử này được đưa ra khỏi khuôn khổ đạo đức, vốn đã được khắc sâu và được thuần túy xem là quan điểm về cách tạo ra một chính phủ với hệ thống quan lại. Chủ nghĩa pháp trị đã trở thành một phần quan trọng trong sự trỗi dậy của cái mà chúng ta xem là nhà nước lý tính, hiện đại. Nhưng người phương Tây quên mất rằng người ta còn phải rèn luyện đạo đức, lòng nhân ái và tự tu dưỡng.
Vậy là, khi mô phỏng theo các hình thức quản lý nhà nước của châu Á, người châu Âu đã áp dụng rất khác. Ở Trung Quốc, mục tiêu là tách rời sự giàu có khỏi quyền lực chính trị để nhà nước có thể hoạt động như một chế độ trọng nhân tài, do một tầng lớp học thức điều hành. Còn ở phương Tây, chiến lược là phá vỡ các xã hội quý tộc bằng cách cố gắng kết nối của cải với quyền lực chính trị càng nhiều càng tốt. Di động xã hội được xác lập khi người ta có được của cải, từ đó dẫn đến việc trực tiếp tiếp cận quyền lực chính trị. Động lực đứng sau sự di động xã hội ở phương Tây không phải là giáo dục, mà là của cải. Không phải nhà nước, mà là nền kinh tế.
Đây là một cách để hạ bệ thế giới quý tộc, nhưng không phải là cách duy nhất. Và bằng cách nghĩ toàn bộ lịch sử loài người trước đây là “truyền thống”, chúng ta đã tự ngăn cản mình nhìn những tư tưởng khác như là điều gì đó có thể học hỏi.
Chúng ta có thể tạo ra một thời đại mới, nơi mọi loại tư tưởng lại được hồi sinh. Với những khủng hoảng cá nhân và xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, những tư tưởng này có thể là cơ hội tốt nhất chúng ta có.
Chúng ta đã nhìn những tư tưởng châu Á như thế nào?
Một số độc giả đang đọc quyển sách này có thể cảm thấy rằng những tư tưởng châu Á đã có đời sống ở phương Tây. Cách đây vài thập niên, Phật giáo đã cực kỳ phổ biến ở đây, mang theo tất cả các loại tư tưởng lấy cảm hứng từ Phật giáo như: thiền định, chánh niệm, ẩn dật. Nhiều người phương Tây chúng ta từ lâu đã cảm thấy một sự trống rỗng – cảm giác như những lý tưởng lớn của chúng ta khiến chúng ta thất vọng. Chúng ta đã cố công đi tìm những phương pháp khả dĩ khác để giúp mình sống mãn nguyện hơn.
Nhưng có những vấn đề đáng chú ý trong cách Phật giáo được đẽo gọt cho vừa vặn với tư duy và mô hình của phương Tây. Lúc đầu, đạo Phật được viện đến vì có vẻ nó sẽ cung cấp thuốc giải độc cho tham vọng và lòng tham của chúng ta. Phật giáo và phương Đông đã được lãng mạn hóa như là những thái cực đối lập với phương Tây hám lợi, cướp bóc. Nhưng phần lớn triết lý của Phật giáo đã bị hiểu nhầm, đào sâu thêm một số khía cạnh nguy hiểm hơn trong các quan niệm về cái tôi cá nhân của phương Tây.
Lấy chánh niệm làm ví dụ. Nó dựa trên khái niệm tách rời bản thân, nhìn thế giới và từng khoảnh khắc mà không phán xét, để mọi thứ không còn quấy nhiễu bạn nữa. Chánh niệm được thổi phồng lên thành một kỹ thuật danh tiếng để có được bình an và thanh thản trong cuộc sống hối hả của chúng ta. Thậm chí ngày nay nó còn được quảng bá như là một công cụ để đạt được năng suất và hiệu quả bởi các trường phái, tập đoàn kinh doanh và quân đội.
Nhưng chánh niệm vốn hướng tới việc phá vỡ bản ngã. Phật giáo là học thuyết về vô ngã, và các thực hành Phật giáo nói chung được thiết kế để loại bỏ quan niệm rằng có tồn tại bất kỳ kiểu bản ngã cá nhân nào. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh của Phật giáo đã bị loại bỏ, thay vào đó, nó thường bị bóp méo thành một cách nhìn vào bên trong và bám chặt lấy bản ngã. Nó đã trở thành một hình thức tự lực kỳ lạ: học thuyết về vô ngã lại được sử dụng để giúp người ta cảm nhận bản thân họ tốt hơn.
Gần đây, các tư tưởng châu Á khác cũng đã được diễn dịch lại thành các hệ tư tưởng cố kết – Đạo giáo chẳng hạn, hay thậm chí cả Khổng giáo nữa. Chúng đã bị tước đi sức mạnh và bằng cách này hay cách khác, được diễn lại thành những tư tưởng về việc học cách chấp nhận thế giới như nó vốn có và chấp nhận vị trí của bạn trong đó.
Những cách lý giải duy tâm này đối lập với việc người phương Tây nhìn phương Đông là truyền thống và lạc hậu. Trong cách diễn dịch này, châu Á đại diện cho trí tuệ người xưa về một lối sống lý tưởng, hòa hợp và khôn ngoan hơn. Nhưng nếu cảm thấy tốt hơn đồng nghĩa với chấp nhận con người thật của bạn, hòa hợp với thế giới và bình an với điều đó, thì đây là một bước ngắn để khuyến khích mọi người chấp nhận số phận của họ và ủng hộ một thế giới quan truyền thống cho rằng cuộc đời đã được định đoạt trước. Chúng ta trở nên tự mãn và tách biệt, từ bỏ cơ hội tự tu dưỡng.
Chúng ta đã bọc kỹ những quan niệm này trong một thế giới quan mà với nó phương Tây xác định hướng đi của lịch sử và cung cấp lăng kính để nhìn mọi thứ qua đó. Điều này khiến chúng ta không nhìn thấy bản chất thật sự và ngăn ta nhận ra tiềm năng to lớn của chúng. Như các triết gia của chúng ta đã chỉ ra, có nhiều cách khả dĩ khác nhau để phá vỡ một thế giới mà trong đó mọi thứ đã được định đoạt từ khi chúng ta chào đời và hướng đến một thế giới nơi con người có thể phát triển thịnh đạt.
Trái ngược với vô minh và tự mãn không phải là chánh niệm, mà là sự gắn kết. Những tư tưởng chúng ta đã đi qua trong cuốn sách này là vô cùng thực dụng, bắt nguồn từ thế giới hằng ngày và cuộc sống thường nhật của chúng ta. Mỗi tác phẩm triết học trong số đó đều đặt ra câu hỏi đâu là tốt nhất để thoát khỏi sự thụ động và rồi thay đổi thế giới chúng ta đang sống.
Triển vọng của một thế giới phân mảnh
Chúng ta đã biết trước nhiều điều trong số những thứ chúng ta đọc được trong cuốn sách này. Chúng ta vốn đã thực hành các khía cạnh của chúng trong cuộc sống. Các triết gia Trung Quốc giúp chúng ta có thể gọi tên và nhận thức được các động lực và hành vi mà chúng ta có thể đã gạt bỏ vì không thích hợp chỉ bởi chúng không khớp với quan niệm của chúng ta về lực tác động và sự chân thành. Họ cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang chủ động, thì thật ra lại đang bị động; rằng ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang thành thật với bản thân, thì chúng ta chỉ đang tự nhốt mình mà thôi. Họ dạy chúng ta nhận ra thế giới là bất định, và chúng ta phát triển bằng cách sống theo kiểu đóng vai “như thể”, chứ không phải bằng cách tìm kiếm điều xác thực.
Những nhà tư tưởng này có quan điểm khác nhau về việc điều gì tạo nên một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng họ đều được nối kết với nhau bởi tất cả đều phản đối ý tưởng cho rằng có một quá khứ không thể thay đổi ràng buộc chúng ta, một trật tự thống nhất trong vũ trụ mà chúng ta nên tuyệt đối tôn trọng, những luật lệ lý tính mà chúng ta nên tuân thủ, và các học thuyết đạo đức được truyền lại mà chúng ta nên lưu ý.
Thách thức mà các triết gia của chúng ta đưa ra là hãy nghĩ xem cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu bạn giả định rằng tất cả những điều đó đều không đúng.
Những nỗ lực của chúng ta để xây dựng một thế giới cố kết, ổn định, không thất thường tồn tại dưới rất nhiều hình thức. Đối với một số người, nó có thể là tập hợp các quy tắc đạo đức phổ quát, tương tự như các quy tắc của phái Mặc gia. Nó có thể là một bộ luật theo triết học Kant gồm các luật lệ mang tính đạo đức, lý tính mà chúng ta phải tuân thủ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hoặc có thể đó là niềm tin vào một vũ trụ thống nhất mà chúng ta tìm cách hòa hợp. Trong cách diễn dịch mới nhất của chúng ta, chân lý to lớn đó được hiện thân là cái tôi đích thực ở sâu bên trong mà chúng ta phải khám phá ra.
Giờ thì chúng ta đã biết rằng những ý tưởng như thế này cũng từng tồn tại ở Trung Quốc cổ đại dưới dạng này hay dạng khác. Nhưng các triết gia của chúng ta đã nhìn thế giới rất khác biệt. Họ thấy chúng ta như đang sống trong một thế giới phân mảnh và rạn nứt, nơi mọi người luôn luôn đối xử với nhau theo những cách quá đỗi con người. Họ thấy chúng ta vùng vẫy trong những mối quan hệ không hoàn hảo và sự xung đột không ngừng.
Người phương Tây có xu hướng nhìn vào nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc và cho rằng như vậy nghĩa là người Trung Quốc luôn lắng nghe người chết và sống dưới cái bóng của những người đã khuất đó. Những tư tưởng gia như Weber thì lại nhìn nghi lễ này qua lăng kính của sự chân thành. Cách giải thích của ông là những người thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên tin tưởng một cách chân thành rằng thế giới cũng hài hòa như trong nghi lễ đã mô tả.
Nhưng, thực tế những người tham gia nghi lễ thờ cúng tổ tiên hoàn toàn biết rõ rằng nó không phản ánh thực tế. Họ biết rằng họ đang sống trong một thế giới phân mảnh, nhưng đó cũng chính là lý do tại sao họ cần nghi lễ này, nó cho phép họ thoát khỏi cuộc sống thực tế bề bộn và phát huy khả năng tưởng tượng. Nghi lễ này giúp mọi người không chạy theo quá khứ mà cố gắng tạo ra một tương lai khác. Thông qua nghi lễ đóng vai “như thể” ấy, con cháu giải quyết với những linh hồn tổ tiên đã ám ảnh họ và tạo ra một phiên bản mới của quá khứ. Đây là một quá trình luôn diễn tiến. Các bậc tổ tiên không bao giờ có một vị trí cố định hoàn toàn.
Nhưng đây là lý do tại sao nghi lễ phải được lặp đi lặp lại. Chầm chậm, theo thời gian, sẽ có sự tiến triển. Bằng hành động của mình, người sống đang nói rằng: “Đây là cách chúng ta có thể sống cuộc đời của mình nếu biết nhìn về quá khứ theo cách này”. Và khi tái tạo lại quá khứ, họ thực sự bắt đầu sống khác đi.
Chúng ta cũng có thể học hỏi được điều gì đó từ nghi lễ này. Những nỗ lực vá víu lại thế giới rạn nứt của chúng ta chắc chắn là chưa đủ hay thậm chí là sai. Nói một cách ẩn dụ, những hồn ma – hay một cách thực tế, là quá khứ của chúng ta – đã ám ảnh chúng ta ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng nếu chúng ta sống trong một thế giới tan vỡ bị ám ảnh bởi quá khứ – những mối quan hệ trắc trở, những khó khăn trong công việc, những mất mát và nhiều sơ suất không thể tránh khỏi – thì chúng ta cần phải tham gia vào quá trình tương đương với lễ nghi thờ cúng tổ tiên. Chúng ta phải lặp đi lặp lại việc tu dưỡng các cảm xúc của mình với người khác trong nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Khi chúng ta có thể chấp nhận mình đã bị giới hạn bởi quá khứ, bởi các tác động tiêu cực bên trong chúng ta, và bởi sự mong manh của các mối quan hệ con người như thế nào, thì các mối quan hệ của chúng ta sẽ có tiềm năng vô hạn trong việc được điều chỉnh và biến đổi. Quan tâm đến nhau là một việc không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi phải nhận thức, thích nghi và đáp ứng không ngừng. Nhưng nó là một trong những điều quan trọng và xứng đáng nhất mà con người chúng ta làm.
Trong thế giới rạn nứt và phân mảnh này, việc tạo ra trật tự hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta. Chính chúng ta là những người xây dựng và đưa ra mô hình cho thế giới – không phải bằng cách giũ sạch những cảm xúc khó nắm bắt của con người và những thứ lộn xộn đã tạo nên chúng ta, mà bằng cách bắt đầu ngay từ đó. Chúng ta có thể làm điều này thông qua việc tự tu dưỡng mỗi ngày: thông qua các lễ nghi để cải thiện cách chúng ta kết nối với những người xung quanh; tu dưỡng các nguồn năng lượng trong cơ thể để sống với nhiều sinh khí hơn, năng nổ hơn; rèn luyện tâm trí để xử lý các quyết định hằng ngày theo một cách rất khác; và chống lại xu hướng tách rời bản thân với kinh nghiệm, để chúng ta có thể liên tục tiếp nhận những điều mới.
Quá trình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không bao giờ kết thúc, bởi sự nỗ lực để xây dựng các mối quan hệ tốt hơn của chúng ta không bao giờ được hoàn thành. Nhưng khi học cách cải thiện các mối quan hệ của mình, chúng ta cũng sẽ học cách thay đổi các tình huống và nhờ đó sẽ tạo ra vô số thế giới mới. Chúng ta sẽ mở lòng ra cho những tư tưởng triết học có khả năng dẫn chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp.
Nếu thế giới đã bị phân mảnh thì nó sẽ cho chúng ta mọi cơ hội để dựng lên mọi thứ một lần nữa. Bắt đầu với những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ thay đổi được mọi thứ. Nếu có thể bắt đầu ngay bây giờ, thì mọi thứ sẽ tùy thuộc vào chúng ta.