C
húng ta thường nghe rằng tự chấp nhận là chìa khóa cho sự phát triển cá nhân: hãy yêu bản thân mình. Hãy bình an với con người của bạn trong thời điểm này. Điều này dẫn đến việc chúng ta không chỉ chấp nhận bản thân mà còn chấp nhận cả cuộc sống của mình nữa; chỉ có như vậy, chúng ta mới có được sự thanh thản trong chừng mực nào đó.
Nhưng một trong những triết gia của chúng ta sẽ lo ngại về mức độ chấp nhận bản thân này. Một học giả Khổng giáo sinh năm 310 trước Công nguyên, Tuân Tử, không tin rằng chúng ta nên chấp nhận bản thân như chúng ta vốn là. Thay vào đó, ông lập luận rằng chúng ta không bao giờ nên chấp nhận một cách mãn nguyện những gì chúng ta nghĩ là thiên tính bẩm sinh đối với mình.
Phải, bất cứ ai cũng sẽ vội vã giải cứu một đứa trẻ khỏi một cái giếng, nhưng Tuân Tử không muốn chúng ta quên đi những động lực ít mang tính vị tha hơn của mình trong từng khoảnh khắc mỗi ngày. Những khao khát và ham muốn tồi tệ nhất của chúng ta cũng là một phần trong cái bẩm sinh đó.
Chúng ta sẽ thấy máu nóng bốc lên khi đang ở giữa đám kẹt xe mà ai đó dám bóp còi hối thúc chúng ta di chuyển. Chúng ta bàn tán về nỗi bất hạnh của một người bạn, tiết lộ những bí mật mà cô ấy đã chia sẻ một cách riêng tư. Chúng ta lo lắng suốt nhiều ngày vì một lời chỉ trích của ai đó; chúng ta sa đà vào mua sắm online để dập tắt những lo âu của mình. Hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu chúng ta luôn cho phép những mặt tệ hại nhất, kém thuần hóa nhất của mình xuất hiện liên tục – nếu chúng ta chấp nhận bản chất “đích thực” của mình trong từng khoảnh khắc. Như Tuân Tử đã viết:
“Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã. Kim nhân chi tính, sinh nhi hữu hiếu lợi yên, thuận thị, cố tranh đoạt sinh, nhi từ nhượng vong yên. Sinh nhi hữu tật ác yên...”*
(Bản chất con người là ác, còn thiện là do con người làm ra. Tính của con người là sinh ra đã thích lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau, không nhường nhịn gì cả. Sinh ra là đố kỵ...)
* Sách Tuân Tử, chương Tính Ác.
Đối với Tuân Tử, quan niệm cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” rất nguy hiểm. Và ông không chỉ đề cập đến bản chất con người. Ông còn nói đến giả định của chúng ta về thế giới nói chung.
Áp đặt khuôn mẫu lên thế giới
Hãy xem câu chuyện sau đây, một câu chuyện giống như nhiều câu chuyện đóng vai “như thể” mà Tuân Tử đã kể:
Thuở xa xưa, có lúc trời mưa, có lúc không. Không ai biết là khi nào. Có lúc trời lạnh, có lúc trời nóng. Khi trời lạnh, con người, không có quần áo để mặc, có nguy cơ bị cóng đến chết. Khi trời không mưa, cây không mọc. Khi trời mưa xuống, cây trái lớn nhanh, con người có thể ăn để nuôi thân, nhưng thường thì cây cỏ có chất độc và làm cho họ phát bệnh.
Dần dần con người bắt đầu hiểu rằng những điều này không phải là ngẫu nhiên. Họ bắt đầu nhận ra khi nào trời mưa và khi nào thì không; khi nào trời lạnh và khi nào trời ấm. Họ bắt đầu nhận ra những loại cây nào có thể ăn, và loại nào có độc. Họ bắt đầu thuần hóa cây cối. Họ sẽ trồng chúng theo sự thay đổi của thời tiết, và gọi chúng là mùa. Quá trình tiếp tục khi họ phát quang nhiều đất hơn để trồng trọt, động vật đã thuần hóa giúp cho quá trình này, người ta đuổi những con vật mà họ không thể thuần hóa được.
Cuối cùng, những gì từng có vẻ như là sự hỗn loạn không thể đoán trước của các hiện tượng tự nhiên – mưa gió, lạnh, nóng, ăn được và có độc ngẫu nhiên – đã biến thành một hệ thống hài hòa. Thứ mọc lên từ đất giờ đã tương liên với các mẫu hình lớn hơn của trời. Nhưng điều này không phải là đương nhiên. Con người đã thuần hóa thế giới. Con người đã làm như thế để những hiện tượng khác biệt này trở thành một tập hợp các quá trình hài hòa.**
** Sách Tuân Tử, chương Thiên Luận.
Câu chuyện về sự phát minh nông nghiệp này nhắc nhở chúng ta rằng thế giới mà chúng ta biết đến được xây dựng bởi con người, con người tiếp nhận những yếu tố trong tự nhiên và tái cấu trúc, gia công lại và thuần hóa chúng để phục vụ nhu cầu của con người.
Nói cách khác, chính loài người đã đưa ra khuôn mẫu cho thế giới. Tuân Tử nhắc nhở rằng tuy chúng ta được sinh ra trong thế giới này, nhưng các khuôn mẫu mà chúng ta thấy mình đang tồn trong đó lại do chúng ta tạo ra:
Trời và đất sinh ra ta. Ta sinh ra khuôn mẫu cho trời và đất. Ta tạo thành một bộ ba cùng với trời và đất, là tổng của vạn vật, là phụ mẫu của con người. Không có chúng ta, trời và đất sẽ không có khuôn mẫu.***
*** Sách Tuân Tử, chương Vương Chế (chế độ của Thánh Vương).
Ông nghĩ rằng bất kỳ sự trung thành nào với tự nhiên, dù đó là với bản chất con người hay với tự nhiên ngoài kia, bất kỳ sự chấp nhận nào đối với thế giới “như nó là”, là hạn chế và hủy hoại mang tính cố nhiên. Ông đề nghị chúng ta suy ngẫm xem mình sẽ sống khác thế nào nếu hiểu được rằng thế giới vốn đã là sự sáng tạo của chúng ta. Nếu chúng ta đã tạo ra thế giới mà mình đang trải nghiệm đây, thì không nên tự hỏi làm thế nào để tìm thấy vị trí thích hợp của mình trong đó. Hãy hỏi liệu chúng ta đã xây dựng nó tốt hay chưa.
Thời đại Tuân Tử
Tuân Tử sống sau Khổng Tử khoảng hai trăm năm mươi năm, là một mắt xích quan trọng trong hành trình khám phá triết học Trung Quốc của chúng ta bởi cách ông tổng hợp các trước tác của tất cả các nhà tư tưởng đi trước.
Tuân Tử là một vị thầy rất được kính trọng và là học giả Khổng giáo hàng đầu sống vào cuối thời Chiến Quốc, thời đại với những sự kiện đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của ông. Vào thời điểm này, một vài nhà nước đã quân sự hóa cao độ và có sức chi phối cao, và rõ ràng rằng bất cứ ai nắm quyền lực đều tạo nên một thế giới mà trong đó những tư tưởng của Mạnh Tử là chưa đủ.
Bầu không khí chính trị mới đã ảnh hưởng đến giới trí thức. Chứng kiến sự bừa bãi và hỗn loạn của thời đại, các nhà tư tưởng như Tuân Tử đã đi tìm không chỉ một giải pháp thống nhất cho hoàn cảnh chính trị đương thời, mà còn cả một xu hướng tổng hợp sẽ thống nhất các dòng tư tưởng triết học khác nhau từ các thời đại trước thành một tổng thể cố kết. Ngay khi mô tả loài người là sự đan kết có hiệu lực các yếu tố tự nhiên một cách ngẫu nhiên với nhau để tạo nên thế giới, ông đã đưa ra khuôn mẫu cho nhiều tư tưởng và quan niệm về sức sống suốt ba thế kỷ trước đó.
Khi phát triển triết lý của mình, Tuân Tử tin rằng các nhà tư tưởng trước ông thực sự đã nắm bắt được các quan niệm cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như, Mạnh Tử đã đúng khi tập trung vào việc tự tu dưỡng bản thân, và tư tưởng về việc chúng ta kết nối với vạn vật như thế nào do Lão Tử nghĩ ra là rất quan trọng. Nhưng ông cũng lập luận rằng mỗi nhà tư tưởng trong số này đều có những điểm mù. Mỗi người hiểu được một điều quan trọng, nhưng không ai thấy được bức tranh tổng thể.
Chính xác là không ai ngoài Khổng Tử. Tuân Tử tin rằng chỉ riêng Khổng Tử là hiểu được thực tiễn quan trọng nhất, cơ bản nhất: đó là rèn luyện theo lễ nghi để trở thành một người tốt hơn.
Nhưng với lễ nghi, Tuân Tử sẽ làm điều gì đó rất khác. Đối với Khổng Tử, lễ nghi là một phương tiện xây dựng những khoảnh khắc “như thể” thu nhỏ, để không ngừng tạo ra những gói trật tự trong các mối quan hệ giữa con người. Tuân Tử đã mở rộng khái niệm này để, thay vì chỉ xây dựng những gói khoảnh khắc “như thể”, chúng ta có thể tạo ra những thế giới “như thể” rộng lớn. Ông tin rằng lễ nghi có chức năng biến đổi bản chất của chúng ta khi, và chỉ khi nào, chúng ta công nhận nó là do con người tạo ra (ngụy****). Tuân Tử thúc đẩy chúng ta áp dụng chính cái ý thức về ngụy – vai trò tạo tác của con người, vào thế giới to lớn. Đây là cách để lễ nghi không chỉ giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn mà còn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
**** Chữ “ngụy” (偽) được Tuân Tử dùng để chỉ những gì “do người làm ra”, như Lễ, Nghĩa.
Tầm quan trọng của ngụy
Trong các trang viết của mình, Tuân Tử thường so sánh bản chất của con người với một khúc gỗ cong queo, phải uốn cho thẳng bằng sức mạnh từ bên ngoài. Nhưng không giống như các triết gia bàn luận về bản chất con người khác (như Kant, người mà nhiều thế kỷ sau sẽ tuyên bố: “Từ khúc gỗ cong queo của loài người, không thể đẽo gọt ra cái gì thẳng thớm cả.”), Tuân Tử tin rằng khúc gỗ cong queo của bản chất con người có thể uốn thẳng được. Điều đó đòi hỏi “ngụy”, hay vai trò tạo tác của con người, từ việc xuất hiện lễ nghi.
Nhưng vai trò ngụy tạo đó phải được sử dụng đúng cách. Chúng ta có xu hướng không tin tưởng những người giả tạo hoặc không tự nhiên. Tuy nhiên, Tuân Tử nhắc nhở ta rằng mỗi người chúng ta đều được xây dựng mà thành. Ngay cả khi chúng ta nghĩ mình rất tự nhiên và “thật”, thì trở thành như thế là một lựa chọn, và do đó nó cũng là một dạng ngụy. Đối với Tuân Tử, ngụy là một điều tốt, miễn là chúng ta nhận thức được mình đang làm điều đó, để từ đó có thể làm cho tốt.
Ngụy giúp chúng ta tách bạch được bản chất tự nhiên và cảm xúc bất kham. Một đứa trẻ chập chững sẽ ầm ĩ nổi giận khi nó mệt, đói, và không được cho chơi món đồ chơi yêu thích ngay khi nó muốn. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta có thể tự chủ hơn. Khi chúng ta ngủ không đủ giấc, đang đói rã ruột và mọi người đều đã dọn dẹp đồ đạc, sắp rời khỏi sở làm sau một ngày dài, nếu một đồng nghiệp xin thêm mười phút để thảo luận về một vấn đề của cô ấy đang gặp với sếp, chúng ta sẽ không nương theo những cảm xúc “tự nhiên” và ném cốc cà phê của mình về phía cô ta một cách cáu gắt, và nói tất nhiên không được. Chúng ta hành động “như thể”. Chúng ta nói với cô rằng tất nhiên chúng ta sẽ dành thời gian cho cô, rằng đó là vinh hạnh của chúng ta – và khi giúp được cô, chúng ta thấy mình vui thú với sự tương tác, chúng ta cảm thấy mình tốt đẹp hơn vì đã dành thời gian hỗ trợ đồng nghiệp, và chúng ta quên mất rằng mình đã mệt và đói. Khi chúng ta kết thúc ngày làm việc muộn hơn mười lăm phút so với dự tính, tinh thần chúng ta tốt hơn so với nếu ta chịu thua con người “tự nhiên” thực sự của mình.
Tính là cái trời sinh ra vốn đã thế, không thể học, cũng không thể làm ra được. Phần tính mà... cộng hưởng và hồi đáp một cách tự nhiên và không có sự cản trở cũng được gọi là tính. Những sự thích, ghét, mừng, giận, buồn, vui của tính thì gọi là cảm xúc.
Khi những cảm xúc là như vậy, và tâm trí tác động [ngụy] lên chúng rồi lựa chọn, thì gọi là suy nghĩ. Khi tâm trí suy nghĩ và có thể tác động [ngụy] lên những suy nghĩ và hành động của nó, thì gọi là ngụy.*****
***** Sách Tuân Tử, chương Tính Ác.
Tuân Tử lập luận rằng chúng ta nên ý thức tác động lên tính của mình để hiệu chỉnh và chỉ dẫn cho các cảm xúc và những cơn bốc đồng của bản thân. Thông qua các cấu trúc nhân tạo như lễ nghi, chúng ta có thể áp đặt các khuôn mẫu lên tính của mình giống như nông nghiệp đã tạo ra khuôn mẫu cho thế giới xung quanh ta vậy. Chúng ta có thể kiểm soát sự bốc đồng của mình để không nổi giận như một đứa trẻ và làm như vậy là chúng ta đang giúp định hình phản ứng của chúng ta với mọi thứ.
Nhưng có một nghịch lý, nếu các nhà hiền triết là con người, với tính ác cố nhiên, làm sao họ có thể nảy ra ý tưởng tạo nên các lễ nghi đầu tiên? Làm thế nào họ có thể vượt qua những cơn bốc đồng hỗn loạn của một con người đáng ngờ để ý thức được rằng mình phải hành động tốt hơn?
Trong một câu chuyện “như thể” khác, Tuân Tử yêu cầu chúng ta thử hình dung xem những nhà hiền triết đưa ra những ý tưởng cách tân giúp chúng ta sống tốt với nhau bằng cách nào. Ông so sánh sự cách tân này với việc làm ra những chiếc ấm:
Tất cả các lễ nghi và phép tắc là do các hiền giả đặt ra [ngụy]. Giống như một thợ gốm nhào đất sét nặn thành cái bình; các bình gốm là tạo tác [ngụy] của người thợ gốm, không phải tính người ấy biết nhào đất sét làm đồ dùng.... Các hiền giả đã tích lũy những mối quan tâm và suy nghĩ để làm nên một hành động tạo tác [tích ngụy] và tiền lệ; nhờ đó họ tạo nên các lễ nghi và phép tắc, sinh ra các luật lệ và quy chuẩn.******
****** Sách Tuân Tử, chương Tính Ác.
Người ta có thể cho rằng Tuân Tử đang so sánh việc tạo ra các quy chuẩn, luật lệ và lễ nghi của con người với việc sáng tạo ra nghề gốm – hai ý tưởng tổng quát đã làm biến đổi những gì con người có thể làm. Nhưng thật ra là ngược lại, ông đã so sánh việc sáng tạo ra xã hội loài người với công việc tẻ nhạt đều đều là học cách làm một cái bình. Ông đang nêu bật ý tưởng rằng lễ nghi không phải đơn thuần là tình cờ xuất hiện, nó là một nỗ lực có chủ đích, do con người tạo ra. Việc các nhà hiền triết tạo ra lễ nghi cũng giống như công việc thực tế mà một thợ gốm làm để tự luyện cách làm ra một cái bình, bằng cách làm việc với đất sét và cảm nhận nó, hình dung xem nó sẽ có hình thù thế nào. Các nhà hiền triết đã áp dụng ngụy vào bản tính của họ và mài giũa các giác quan của họ để nhận thức xem các tương tác của con người có thể thay đổi như thế nào và để hình dung xem loại tương tác đóng vai “như thể” nào có thể giúp họ sống tốt với nhau. Theo thời gian, họ đã có thể tạo ra các lễ nghi chính xác như một thợ gốm học cách làm ra một chiếc bình. Trong suy nghĩ của Tuân Tử, sự trỗi dậy của văn hóa con người và các lễ nghi xã hội không phải là một cách tân to tát gì mà nó được tạo tác thông qua công việc thủ công hằng ngày, được sinh ra từ ngụy.
Tính là cơ sở, là khởi nguyên, là vật chất; ngụy là khuôn mẫu, là nguyên tắc, là nguồn gốc của sự dư dật và thừa thãi. Nếu không có tính thì sẽ không có gì để ngụy làm tăng thêm. Nhưng nếu không có ngụy thì tính cũng không thể tự tô điểm cho mình… Khi tính và ngụy kết hợp, vạn vật dưới trời được sắp đặt có thứ tự.
Bản chất của chúng ta, do thiên phú, chờ đợi sự bố trí khuôn mẫu của hoạt động con người. Kết quả là một điều tốt đẹp: nhân tính được nâng lên đến một mức độ không tưởng tượng được.
Hiểm họa của việc cho rằng thế giới nên thuận tự nhiên
Mượn sức xe ngựa mà đi, chân người không cần nhanh lẹ cũng có thể đi ngàn dặm. Mượn sức thuyền chèo mà vượt, người không cần bơi giỏi cũng có thể băng qua sông nước. Người quân tử sinh ra chẳng phải khác người, chỉ là giỏi ở chỗ biết mượn sức vật.*******
******* Sách Tuân Tử, chương Khuyến Học.
Nhiều người lo lắng về tác động của “sự tiến bộ” nhân loại lên địa cầu và khí hậu. Chúng ta tranh luận về vấn đề đạo đức của việc trồng các loại cây biến đổi gien hay nghiên cứu tế bào gốc, băn khoăn về độc tố trong các loại túi nhựa hay sử dụng nước có chứa fluoride. Chúng ta nhìn bọn trẻ con dán mắt vào các thiết bị điện tử và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với cái thời mà tuổi thơ còn được dành để chơi ở sân sau. Nhiều người phản ứng trước sự công kích dữ dội đối với những tiến bộ công nghệ bằng cách lãng mạn hóa sự tự nhiên, mong ước quay lại khoảng thời gian trước khi hành động của con người dường như đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Những mối quan tâm đó cũng có thể hiểu được trong thời đại kết nối và kỹ thuật quá mức này. Nhưng có phải lúc nào tự nhiên cũng tốt hơn?
Không có gì ngạc nhiên khi Tuân Tử không đồng ý điều này. Thời của ông, người ta cũng khao khát về một thế giới tự nhiên hơn. Nhưng Tuân Tử có nhiều điều để nói về hiểm họa của việc sùng bái tự nhiên một cách mù quáng.
Tuân Tử xem khả năng tạo ra một thế giới nhân tạo của con người là một điều tốt. Rốt cuộc thì thế giới ở trạng thái tự nhiên cũng đầy đấu tranh. Cá bơi và chim bay, đúng là những hành động này xảy ra thuận theo Đạo, nhưng cũng có những loài cá (như cá hồi) vật lộn để bơi ngược dòng trở về nơi chúng chào đời mà sinh sản. Cũng có những loài chim như chim săn mồi, lao xuống để chộp lấy những con thú bé nhỏ đang sợ hãi. Tất cả những sinh vật này đang sống hoàn toàn thuận tự nhiên. Và chúng ta, nếu giữ lại trạng thái tự nhiên thì cũng sẽ sống hoàn toàn theo cách ấy. Nhưng chúng ta không nên muốn giống như tự nhiên, không ngừng tự sinh tự diệt và không ngừng đấu tranh để tồn tại. Chúng ta là sinh vật duy nhất trong số tất cả những sinh vật đang sống này có khả năng xây dựng nên những thế giới mà trong đó chúng ta có thể biến đổi chính mình để vượt thoát khỏi trạng thái tự nhiên. Xu hướng tiềm thức phân biệt chúng ta với phần còn lại của thế giới là một vốn quý, nó cho phép chúng ta tạo nên đạo đức, lễ nghi và sự phát kiến ở con người.
Hiểm họa của suy nghĩ thế giới nên thuận tự nhiên là nó ngăn cản chúng ta nhận ra những điều tuyệt vời mà mình có khả năng tạo ra, và nó phủ nhận trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới xung quanh. Tuân Tử muốn chúng ta khai thác tâm trí để cải thiện bản thể tự nhiên, thế giới tự nhiên của chúng ta, và trở thành con người tốt nhất trong khả năng của mình.
Nhớ lại câu chuyện người đầu bếp thường dân của Trang Tử, người mà cuối cùng đã có thể cảm nhận rõ các khuôn mẫu trong miếng thịt đến nỗi con dao của anh có thể đi vào miếng thịt một cách trơn tru và anh chẳng bao giờ phải mài dao cả. Trong khi Trang Tử cho rằng những khuôn mẫu như vậy đang tồn tại sẵn trong tự nhiên, thì Tuân Tử sẽ phủ nhận quan điểm cho rằng có bất cứ điều gì trong câu chuyện ấy là tự nhiên. Ông sẽ muốn chúng ta nhớ rằng con bò bị giết thịt đã được thuần hóa; con dao là do người làm ra. Sự thật hiển nhiên là nghề giết thịt của tay đầu bếp cũng là ngụy tác, một nghề nghiệp do con người sáng tạo nên. Toàn bộ tình huống đó là một công trình xã hội. Các khuôn mẫu trong đó là kết quả của sự can thiệp của con người, và đó là cái mà chúng ta nên tập trung vào. Chúng ta thuần hóa, tổ chức, và đặt ra khuôn mẫu cho tự nhiên. Chúng ta làm vậy bằng cách nào là tùy thuộc vào chúng ta.
Chẳng có gì là tự nhiên
Trong những câu chuyện của Tuân Tử về việc kiến tạo nên nền văn minh nhân loại, ông đã nhắc nhở chúng ta rằng những nỗ lực của con người là để xây dựng nên những thứ “có tính tự nhiên” và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Bằng việc đặt ra khuôn mẫu cho thế giới, chúng ta đã bỏ lại đằng sau một kỷ nguyên mà con người sẽ chết cóng vào mùa đông vì không có quần áo, phải sống trong hang động và trên cây vì không có nơi trú ẩn, và thỉnh thoảng phải hái lượm để có cái mà ăn, nhưng đôi khi còn có khả năng chết vì ăn phải quả độc. Với những cách tân trang phục, nơi trú ẩn và nông nghiệp, chúng ta đã thuần hóa thế giới tự nhiên và biến đổi nó vì sự phồn thịnh của mình.
Tất nhiên, sự can thiệp của con người cũng có thể gây ra nhiều sự phân nhánh nguy hiểm. Tuy nhiên, Tuân Tử sẽ không kéo lùi sự can thiệp mà ông khuyến khích chúng ta ý thức được rằng chính chúng ta đã tạo ra thế giới mình đang sống và nhận ra mình sai chỗ nào để có thể cải thiện chúng, can thiệp tốt hơn, đổi mới tốt hơn, sáng tạo tốt hơn.
Chúng ta đã áp đặt “khuôn mẫu và trật tự” lên thế giới của chúng ta. Một số trong những công trình này hiển hiện rõ ràng trước chúng ta, một số khác thì không.
Đây là một ví dụ. Chúng ta thường dùng từ “tự nhiên” khi nói về việc sinh nở. Thông thường những người đề xướng sẽ nói rằng sinh con tự nhiên là sinh con theo cách mà thiên nhiên đã định: không thuốc men, không can thiệp, đôi khi còn không sinh trong bệnh viện nữa. Đây được xem là cách mà phụ nữ sinh con trước khi có sự can thiệp của y tế. Điều ngụ ý ở đây là tự nhiên tốt hơn cho cả mẹ và con.
Nhưng thực ra, điều mà chúng ta nghĩ là sinh con tự nhiên trong thời hiện đại tự nó đã chứa đầy sự can thiệp. Một trong những sự kiện mang tính cách mạng nhất trong số này là rửa tay trước khi đỡ đẻ. Ngày xưa tỷ lệ sản phụ tử vong sau khi sinh là rất cao, một trong những nguyên nhân hàng đầu là sốt hậu sản do điều kiện vệ sinh kém. Giữa thế kỷ 19, một bác sĩ người Hungary tên là Ignaz Semmelweis nhận thấy rằng phụ nữ sinh con ở bệnh viện có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với những người sinh tại nhà, nơi mà cơ thể ít phải đấu tranh với các mầm bệnh ngoại lai hơn, nên ông đã bắt tay vào một nghiên cứu quy mô lớn để điều tra nguyên nhân. Ông đã bị chế giễu khi đưa ra kết luận rằng rửa tay bằng thuốc khử trùng có thể làm giảm đáng kể những ca tử vong này (Một bác sĩ đã phản ứng rằng: “Bác sĩ là các quý ông, và tay của các quý ông thì luôn sạch.”). Trong khi bệnh viện mà Semmelweis làm việc chấp nhận những đề xuất của ông và giảm được tỷ lệ sản phụ tử vong đến 90%, thì ở những nơi khác ý kiến này lại bị xem thường. Semmelweis, suy sụp vì những lời chỉ trích và tự hồ nghi chính ý tưởng của mình, đã chết trong một nhà thương điên ở tuổi bốn mươi bảy. Mãi cho đến khi nhà vi trùng học người Pháp Louis Pasteur chứng minh được sự tồn tại của vi trùng vài thập niên sau đó, các bác sĩ mới bắt đầu rửa tay như là một thủ tục trước khi đi đỡ đẻ.
Ngày nay, rửa tay được coi là một biện pháp phòng ngừa cần thiết và hoàn toàn tự nhiên, nhưng đó là một khám phá của nhân loại mà phải mất nhiều thập niên mới được chấp nhận. Và Tuân Tử sẽ muốn chúng ta nhớ rằng nhu cầu của việc này là kết quả từ sự đổi mới trong việc sinh con tại bệnh viện, bản thân điều này là một phản ứng với những thay đổi như tăng dân số, nhưng cũng là nguyên nhân của một hiểm họa mới: phơi nhiễm với những vi trùng ngoại lai. Bất kỳ sự cách tân nào cũng dẫn đến những vấn đề mới cần phải được giải quyết. Nhưng Tuân Tử không cho rằng giải pháp là quay trở lại thời điểm trước khi đổi mới. Ông nhắc chúng ta nhớ rằng ta có thể dựa vào các phát kiến để tạo nên những tiến bộ hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề do sự đổi mới trước đó gây nên.
Và đây là một vấn đề khác. Chúng ta lo ngại sự gia tăng tràn lan của cây trồng biến đổi gien, thậm chí yêu cầu phải dán nhãn các loại thực phẩm biến đổi gien. Những sự biến đổi di truyền như vậy làm tăng nỗi sợ của con người rằng mình đã đùa giỡn với Thiên Chúa và thao túng trật tự tự nhiên. Nhưng trên thực tế, hầu hết các loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ ngày nay đều đã được biến đổi suốt nhiều thiên niên kỷ. Nếu không đi sâu vào rừng để hái lượm nấm hoặc quả dại, thì bạn sẽ khó lòng tìm được loại thức ăn nào không phải là sản phẩm của một kiểu thuần hóa nào đó của con người. Phương pháp biến đổi gien hiện tại chỉ đơn giản là cho phép chúng ta biến đổi cây trồng nhanh hơn chúng ta có thể làm từ trước đến nay.
Tất nhiên, không phải tất cả các loại thực phẩm biến đổi gien đều được biến đổi theo hướng tốt. Tuy nhiên, Tuân Tử sẽ nói rằng chúng ta không nên đánh giá thực phẩm của mình theo tiêu chí nó “tự nhiên” đến mức nào. Câu hỏi thực sự nên là: Trong từng trường hợp, chúng ta có đang sử dụng ngụy tác một cách khôn ngoan và đúng đắn không?
Khát khao của chúng ta về một thế giới tự nhiên cũng nảy sinh trong các cuộc thảo luận về rừng mưa Amazon. Chúng ta cảnh báo – với lý do chính đáng – về sự hủy hoại rừng hiện nay. Nhưng những lo ngại đó thường được tuyên bố với giọng tuyệt vọng rằng chúng ta đang phá hủy một trong những phần tự nhiên cuối cùng còn sót lại của trái đất. Trên thực tế, khảo cổ học đã chứng minh một cách thuyết phục rằng phần lớn rừng mưa Amazon là sản phẩm thuần hóa của người bản địa. Bảo tồn nguyên trạng rừng mưa sẽ không đưa nó trở lại trạng thái tự nhiên; mà sẽ là bảo tồn một kiểu thuần hóa khác của con người. Các cuộc tranh luận về việc bảo tồn rừng mưa rất quan trọng và có ý nghĩa sâu rộng, nhưng chúng sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta bỏ câu hỏi “tự nhiên” là gì ra khỏi bàn đàm phán.
Chúng ta đã tạo ra thế giới mình đang sống và chúng ta có thể quyết định chuyển nó theo một hướng khác. Các chủ đề như cách nào là hiệu quả nhất để bảo tồn rừng Amazon, hoặc có nên theo đuổi nhân bản vô tính hay thực phẩm biến đổi gien hay không, rất khó có thể được thảo luận một cách khôn ngoan khi chúng ta dính vào những cuộc tranh luận rằng cái gì là tự nhiên và cái gì là ngụy tác. Những cuộc tranh luận lầm lạc này ngăn cản chúng ta đối phó với các vấn đề thực sự trước mắt. Nếu chúng ta tôn sùng tự nhiên, chúng ta sẽ từ bỏ sức mạnh biến đổi thế giới của con người, và không nhận thức được rằng giống như cách chúng ta gây nên các vấn đề cho thế giới, thì chúng ta cũng thường xuyên cải tạo những gì đang tồn tại trong tự nhiên vậy.
Nếu không nhìn thấy những khía cạnh tích cực trong việc con người tác động đến thế giới, chúng ta sẽ tự trói tay và che mắt mình trước sự tinh vi của các vấn đề như bảo vệ môi trường và nghiên cứu tế bào gốc. Chúng ta chỉ nên hỏi: Mình đã làm tốt những điều này chưa? Nếu chưa thì mình có thể cải thiện những gì?
Giống như những người lãng mạn hóa tự nhiên, có những người tôn sùng công nghệ và nghĩ rằng lúc nào mới hơn và lớn hơn cũng đều tốt hơn. Nhưng giống như tự nhiên không phải là thứ có thể chấp nhận một cách mù quáng, sự tạo tác của con người (ngụy) cũng vậy. Đúng là những tiến bộ công nghệ đã dẫn đến nhiều phát minh mới giúp cuộc sống thoải mái hơn. Nhưng Tuân Tử hẳn sẽ nói rằng cả hai phe – những người lãng mạn hóa công nghệ và những người bài xích nó – đều hiểu nhầm về cách mà chúng ta nên tiếp cận ngụy. Liên tục đổi mới công nghệ không phải là vấn đề; vấn đề là chúng ta làm gì với nó và xây dựng nó như thế nào trong từng tình huống cụ thể.
Chúng ta đã tạo ra một thế giới xây dựng nhân tạo, một thế giới có vô số vấn đề nghiêm trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ sức mạnh biến đổi nó theo hướng tốt hơn. Thay vào đó, nếu hiểu được những gì mình đã làm, chúng ta có thể thay đổi tương lai, bắt đầu từ bây giờ.
Dựng xây một thế giới
Nước và lửa có khí mà không có sinh (sự sống), cỏ và cây có sinh mà không có tri giác, cầm thú có tri giác mà không có nghĩa. Con người có đủ khí, sinh, tri giác, nghĩa, nên con người quý hơn vạn vật nhiều.********
******** Sách Tuân Tử, chương Vương Chế.
Tuân Tử tin rằng trong tất cả các sinh vật của vũ trụ này, chỉ riêng chúng ta là có thể vượt xa khả năng của mình và tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho chính chúng ta.
Khi nói vậy, ông đang dựa trên các khái niệm của những nhà tư tưởng đi trước. Nhưng những ý tưởng của ông cũng phản ánh rất nhiều về thời đại hỗn loạn mà ông sống, thời đại mà các cường quốc đã tạo nên các thể chế quan liêu khổng lồ và tập hợp được xung lượng chưa từng có trong các chiến dịch của họ để tìm ra một triều đại mới thống nhất Trung Quốc.
Nhiều người kêu gọi giảm bớt sức mạnh của các cường quốc này và quay về một thời kỳ đạo đức hơn. Nhưng đối với Tuân Tử, rõ ràng sẽ không có việc quay về quá khứ và hình thù của triều đại sắp tới sẽ rất khác so với những triều đại trước đó. Với ông, con đường tiến bộ không nằm ở việc từ chối các thể chế quốc gia hùng mạnh, dù chúng có nhiều khía cạnh đáng lo. Thay vào đó, mọi người cần cố gắng với những gì mình đang có. Họ cần học cách tận dụng tốt các thể chế; học cách điều chỉnh lại những gì đã tồn tại để xây dựng một nhà nước có thể di động xã hội, và tạo ra một thế giới do giới tinh hoa tri thức cai trị. Theo Tuân Tử, xây dựng một chế độ thực tài như vậy chính là cách khôn ngoan nhất để con người có thể áp đặt khuôn mẫu cho thế giới.
Khi đưa ra khuôn mẫu triết lý cho thế giới, Tuân Tử đã nắm bắt được những ý tưởng có sẵn ngoài kia. Ông đồng tình với quan niệm tạo ra các thế giới của Lão Tử, tuy nhiên ông lại nhận thấy mối hiểm nguy trong ý niệm tạo ra một thế giới có vẻ tự nhiên nhưng thật ra không phải vậy. Thử nghĩ về một nhà lãnh đạo giáo phái rù quến các tín đồ tin theo quan điểm tai hại của ông ta; hay nghĩ về Hitler, người đã từng bước tạo ra một thế giới trông có vẻ tự nhiên, cuối cùng lại kết thúc trong sự hủy diệt tàn ác.
Tuân Tử hiểu được lời kêu gọi tu dưỡng của Nội nghiệp. Nhưng việc tu dưỡng thiên tính để cộng hưởng với thế giới xung quanh có thể dễ dàng đưa chúng ta vượt khỏi nhân tính của mình, vốn là điều ông cho rằng sẽ ban cho chúng ta khả năng tạo ra một thế giới tốt hơn. Chúng ta không nên khao khát được trở thành thánh linh cộng hưởng mà nên cố gắng xử lý những thứ lộn xộn thuộc về chính con người mình.
Ở một cấp độ lịch sử rộng lớn, Tuân Tử đã gắn kết các tư tưởng của hai thế kỷ trước đó lại với nhau. Chúng ta cũng có thể làm như vậy trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể cân nhắc việc cư xử theo kiểu Lão Tử hơn trong một số hoàn cảnh, theo kiểu Trang Tử hay Khổng Tử nhiều hơn ở những hoàn cảnh khác. Cũng như Tuân Tử, chúng ta có thể thấy được các nhà tư tưởng đã nêu lên được những điều quan trọng như thế nào, đồng thời cũng nhận ra những hạn chế và điểm yếu trong mỗi tư tưởng của họ.
Chúng ta luôn tạo ra chính mình, luôn tạo ra thế giới; chúng ta và thế giới chúng ta đang sống là những sản phẩm của ngụy tác. Chính việc tự tu dưỡng giúp chúng ta vượt ra khỏi những định nghĩa mình đã tự áp đặt cho bản thân nhưng vẫn hoàn toàn giữ được nhân tính. Một khi hiểu được ý nghĩa của việc sáng tạo một cách khôn ngoan, chúng ta vẫn có thể mở lòng cho tất cả các khả năng trước mắt. Một khi nhận ra cách chúng ta định hình môi trường xung quanh, chúng ta mới có thể đảm nhận vai trò là những sinh vật duy nhất trong vũ trụ có thể áp đặt khuôn mẫu và trật tự cho thế giới này. Tự nhiên bên ngoài cũng giống như tự nhiên bên trong, nó là thứ luôn được tác động, thay đổi và cải thiện. Chính chúng ta đã xây dựng thế giới này; vì thế, chúng ta có thể thay đổi nó.