“T
ích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dư. Bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư? Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ. Thử chi vị vật hóa.”*
* Sách Trang Tử, phần Nội Thiên , chương Tề Vật Luận, bài 15.
(Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó là gọi là “vật hóa”.)**
** Bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Trong câu chuyện nổi tiếng về bướm vừa kể, Trang Tử, một triết gia Trung Quốc từ cuối thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, muốn đưa chúng ta thoát ra khỏi cách nhìn thế giới thông thường. Tất cả chúng ta đều đeo những tấm che mắt ngăn trở chúng ta trải nghiệm hoàn toàn và gắn kết với thế giới, Trang Tử cho rằng giới hạn lớn nhất trong số đó là quan điểm nhân sinh hạn chế của chúng ta. Sẽ ra sao nếu bạn không đơn thuần là một con người mà thật ra là một con bướm mơ thấy mình là một con người? Nếu chúng ta có thể vượt qua bản chất loài người của mình và biết rằng nhìn thế giới từ mọi lập trường nghĩa là thế nào thì chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống đầy đủ và thuận tự nhiên hơn.
Chúng ta đã biết cảm giác trải nghiệm thế giới đầy đủ và thuận tự nhiên là thế nào. Nó xảy ra khi chúng ta trải nghiệm “dòng chảy”: trạng thái đắm chìm trong một hoạt động khiến chúng ta lạc lối trong niềm vui với những gì chúng ta đang làm, dù đó là đá bóng, vẽ tranh hay đọc sách. Nhưng chúng ta có xu hướng nghĩ về những khoảnh khắc này trong phạm vi giới hạn, dành riêng cho những hoạt động nhất định. Chúng ta có xu hướng nghĩ về dòng chảy như là một cái gì đó xảy ra trong những thời điểm cụ thể khi các điều kiện phù hợp được sắp xếp đúng vị trí.
Chúng ta có xu hướng không nghĩ đến việc có thể rèn luyện bản thân để có được kiểu cảm giác phấn khích tự sinh giống như vậy về mọi thứ trong đời sống của mình. Nhưng Trang Tử nhìn mọi thứ rất khác. Ông dạy rằng nếu chúng ta học được cách nhìn thế giới từ mọi góc nhìn và hiểu được sự biến đổi của sự vật, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về vạn vật trong vũ trụ. Khi chúng ta bắt đầu thoát ra khỏi cách trải nghiệm thực tế kiểu thông thường, chúng ta sẽ biết được cảm giác thuận tự nhiên trong từng khoảnh khắc của cuộc sống thường ngày là thế nào.
Đạo như dòng chảy bất tận và sự biến đổi
Cũng như Lão Tử, Trang Tử được coi là một triết gia Đạo giáo, và sách Trang Tử – một tác phẩm được cho là tập hợp những lời dạy của ông – là một bản văn của Đạo giáo. Nhưng Trang Tử hẳn sẽ chống lại sự dính dáng với bất kỳ một trường phái tư tưởng nào. Lý do duy nhất mà hai tác phẩm và hai nhà tư tưởng rất khác nhau này được gộp vào cùng một loại là vì họ nhấn mạnh về Đạo.
Nhưng với mỗi triết gia, Đạo mang một ý nghĩa khác. Đối với Trang Tử, Đạo không phải là trở nên tĩnh và lặng, hay về việc nhận thức được thế giới hoàn toàn không phân biệt. Bạn không bao giờ có thể trở thành Đạo, giống như bạn không bao giờ có thể trở thành mặt đất, nơi mà từ đó mọi thứ mọc lên. Thay vào đó, đối với Trang Tử, Đạo là về việc bao quát hoàn toàn mọi thứ trong dòng chảy không dứt và sự biến đổi của nó.
Sách Trang Tử nhiều lần nhấn mạnh cách mọi thứ trên thế giới biến thành những thứ khác trong một vũ điệu liên miên không dứt của những chuyển động và các mối quan hệ, dòng chảy và sự thay đổi. Theo thời gian, mọi thứ tự nhiên trở thành một phần của cái gì đó khác. Quá trình thay đổi và chuyển động này lúc nào cũng diễn ra.
Cỏ mọc lên, rồi khi chết, nó phân hủy, khí của nó được chuyển sang cho những thứ khác. Giun và bọ trong cỏ bị chim ăn, đến lượt lũ chim ăn giun bọ này lại bị động vật hoặc những con chim lớn hơn ăn thịt. Những con thú lớn đó rồi cũng chết theo thời gian, chúng phân rã, trở thành một phần của trái đất, và biến thành đất, cỏ và các yếu tố khác. Mọi thứ chầm chậm trở thành những thứ khác trong một chu kỳ thay đổi và biến đổi vô tận.
Cỏ không có dự định trở thành thứ gì khác khi chết đi. Sự biến đổi tự nhiên mà xảy ra. Mùa trong năm cũng không có dự định thay đổi. Sự thay đổi ấy đơn giản là xảy ra thôi.
Chim bay là nhờ vốn trời cho của chúng: đôi cánh. Chúng chao liệng nhờ vào sự thay đổi của gió và địa thế dưới chân chúng. Chúng thuận theo Đạo một cách tự nhiên.
Cá bơi. Chúng cũng được trời phú cho những vốn tự nhiên: mang và vây, đuôi. Chúng dùng những thứ này để di chuyển theo dòng hải lưu. Chúng cũng thuận theo Đạo một cách tự nhiên. Chúng không dừng lại để suy nghĩ xem: Rồi giờ mình nên rẽ theo hướng này bởi vì dòng hải lưu đang di chuyển theo hướng này, và giờ mình nên di chuyển theo hướng kia, bởi vì mình phải tránh tảng đá đó. Chúng chỉ việc bơi thôi.
Trang Tử đề cập đến các thuật ngữ âm và dương, hay tối và sáng, mềm và cứng, yếu và mạnh. Ông lập luận rằng Đạo là một quá trình tương tác liên tục giữa hai yếu tố có vẻ đối lập nhưng thực ra lại bổ sung cho nhau này. Chúng phải xoay tròn liên tục để cân bằng cho nhau. Vào mùa đông thì âm, yếu tố lạnh và tối, chiếm ưu thế. Rồi vạn vật thay đổi sang hè, mùa của dương, của nhiệt và ánh sáng.
Sự tương tác liên tục và không thể tránh khỏi của năng lượng âm và dương không chỉ tạo ra sự thay đổi theo mùa, mà còn đặc trưng cho tất cả các biến đổi mà chúng ta có thể thấy trong toàn vũ trụ.
Những người không thuận theo Đạo
Chỉ có một ngoại lệ, Trang Tử chỉ ra, trong thế giới đầy biến động này; chỉ một thứ trong toàn bộ vũ trụ không thuận một cách tự nhiên theo Đạo. Đó chính là chúng ta: con người. Chỉ riêng chúng ta không thuận một cách tự nhiên theo Đạo. Thực tế, chúng ta đã dành cả cuộc đời để chiến đấu chống lại dòng chảy và sự biến đổi. Chúng ta tuyên bố rằng quan điểm của mình là đúng (và của người khác thì hiển nhiên là sai); chúng ta cố hết sức để vượt qua thành tích của một đối thủ; chúng ta mắc kẹt trong một công việc cùng túng bởi vì chúng ta sợ thay đổi. Trong quá trình đó, chúng ta phá vỡ và ngăn cản sự tương tác của âm và dương. Đó là do vốn tự nhiên của chúng ta: tâm trí con người.
Thay vì vậy, chúng ta nên làm gì? Con người thuận một cách tự nhiên theo Đạo thật sự nghĩa là gì?
Chúng ta thường nghe từ thuận tự nhiên, và chúng ta nghĩ mình biết nó có nghĩa là gì. Rốt cuộc thì chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tôn sùng sự tự nhiên mà. Chúng ta thấy chán nản một cách dễ hiểu. Chúng ta thấy quá nhiều quy tắc ngột ngạt. Chúng ta ngưỡng mộ người tự do về tư tưởng, những người dám khác biệt, những thiên tài đơn độc dám bỏ ngang đại học để khởi nghiệp. Chúng ta đánh đồng tính thuận tự nhiên với việc khẳng định bản thân, tăng thêm hạnh phúc và thỏa mãn cá nhân.
Vì vậy, bạn có thể nghĩ: Được rồi, mình sẽ chỉ thuận theo tự nhiên và làm bất cứ điều gì mình thích. Bạn có thể dừng công việc đang làm và bay nhảy; bạn có thể bỏ việc, vội vàng gom góp tiền tiết kiệm rồi làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Đó có phải là thuận tự nhiên không? Sự thật là không, đối với Trang Tử là không. Quan điểm về thuận tự nhiên của chúng ta gần như trái ngược với Trang Tử. Tự nhiên đối với ông không phải là làm bất cứ điều gì chúng ta muốn vào bất cứ lúc nào tùy thích.
Những gì chúng ta nghĩ về thuận tự nhiên là tự do thể hiện ý muốn của mình, và không có cách nào chúng ta có thể lúc nào cũng sống theo kiểu đó. Thế nên chúng ta mới lượn lờ khắp nơi, chúng ta mua sắm một cách bốc đồng, chúng ta chọn một sở thích mới. Chúng ta thường để dành tính thuận tự nhiên cho những kỳ nghỉ cuối tuần, còn trong tuần thì cứ sống đều đều như nhau.
Nhưng thuận tự nhiên thật sự đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ và hành động trong thế giới này, để mở lòng ra với dòng chảy bất tận và sự biến đổi không ngừng. Nó đòi hỏi chúng ta hình dung ra thứ gọi là thuận tự nhiên nhờ rèn luyện – nghe có vẻ tréo ngoe, nhưng, như chúng ta sẽ biết, thật ra không phải vậy.
Xem xét một trong những truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất của Trang Tử: câu chuyện về một đầu bếp thường dân, một người đồ tể. Ban đầu, cách người đầu bếp này làm việc là cầm con dao lên và chặt đứt miếng thịt trước mặt. Đó chỉ là một công việc tẻ nhạt. Nhưng theo thời gian, càng làm, anh ta hiểu rõ hơn công việc mình làm. Anh ta nhận thấy rằng thay vì chống lại tất cả các cơ và gân khác nhau trong một súc thịt, anh ta có thể tìm ra mọi cách để lách vào các kẽ trong mỗi miếng thịt. Mỗi miếng mỗi khác nhưng tất cả chúng đều có các đường, khớp và quỹ đạo – những chỗ dễ cắt hơn một cách tự nhiên. Với sự thành thục và kỹ năng rèn luyện được, anh ta có thể cảm nhận được những mẫu hình phổ quát này trong bất kỳ miếng thịt nào. Anh ta cắt theo một nhịp điệu hoàn hảo, như thể đang nhảy múa; những miếng thịt rời ra dễ dàng dưới lưỡi dao của anh ta.
Nhưng để làm được điều này, người đầu bếp không thể suy nghĩ quá nhiều hay phân tích công việc kỹ lưỡng, vì mỗi miếng thịt mỗi khác. Theo Trang Tử, anh ta phải “coi trọng Đạo” thì kỹ nghệ mới tiến được như vậy. Anh ta phải khai thác được những phẩm chất thần thánh của mình, những phẩm chất cho phép chúng ta cộng hưởng hoàn hảo với thế giới bằng cách kết nối với nó. Khi người đầu bếp sử dụng tinh thần thay vì trí óc hữu ý, anh ta mới cảm nhận được Đạo. Và chỉ khi đó anh ta mới có thể cảm nhận được những thay đổi khác nhau trong miếng thịt.
“Một người đồ tể giỏi một năm mới làm cùn một con dao, vì chỉ cắt thịt mà thôi. Một đồ tể tầm thường cứ mỗi tháng là cùn một con dao vì phải chặt vào xương. Con dao này đây, thần dùng đã mười chín năm rồi, đã mổ mấy nghìn con bò mà lưỡi còn bén như mới mài. Khớp xương nào cũng có kẽ, mà lưỡi dao thì mỏng. Biết đưa những lưỡi thật mỏng ấy vào những kẽ ấy thì thấy dễ dàng như đưa vào chỗ không. Vì vậy, dùng mười chín năm rồi mà lưỡi dao của thần vẫn bén như mới mài.”***
*** Sách Trang Tử, phần Nội Thiên, chương Dưỡng Sinh Chủ, bài số 2, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Người đầu bếp ấy đã hiểu được tính thuận tự nhiên nhờ rèn luyện.
Lưu ý rằng anh ta không đạt được tính thuận tự nhiên bằng cách quẳng con dao đi rồi nhảy nhót trên đường phố. Anh ta không chỉ cắt thịt vào các ngày trong tuần mà cả cuối tuần. Anh ta đạt được tính thuận tự nhiên nhờ hành động cắt thịt kém cỏi hết lần này đến lần khác cho đến khi có thể thực hiện trôi chảy quá trình. Và anh không thụ động. Anh ta xuôi theo hình mẫu siêu phàm của Đạo, nhưng anh ta cũng tạo ra một điều gì đó mới mẻ mỗi khi cắt một súc thịt. Bằng cách đó, anh tìm thấy sự hài lòng và tự nhiên trong hoạt động đơn giản làm nên cuộc sống hằng ngày của mình.
Vào cuối câu chuyện của Trang Tử, một vị vua quan sát được người đầu bếp thường dân kia làm việc, đã cảm thán: “Lời tên đầu bếp đó thật hay, nghe rồi ta hiểu được phép dưỡng sinh”.
Chúng ta đã biết làm thế nào để trở nên tự nhiên
Một đầu bếp có kinh nghiệm có thể làm ra những bữa ăn công phu mà không cần công thức nấu nướng, chỉ cần sử dụng kinh nghiệm, sự rèn luyện và cảm giác của mình để biết chính xác cần bao nhiêu muối hay tiêu để mang lại một món ăn tuyệt vời, hoặc chính xác cần ninh món risotto kem bao lâu thì vừa. Đây là thuận tự nhiên nhờ rèn luyện. Một giáo viên kỳ cựu có thể nhận biết được khi nào thì lớp học của anh ta bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát và nhanh chóng hiểu rằng cần làm gì để khiến cho cả lớp trật tự trở lại. Kinh nghiệm nhiều năm đã rèn luyện cho anh ta khả năng phản ứng một cách tự nhiên đúng cách vào đúng thời điểm.
Chúng ta biết rằng học bất kỳ một kỹ năng phức tạp nào – dù là ngoại ngữ, nhạc cụ, đạp xe hay bơi lội – cũng đều đòi hỏi một giai đoạn ban đầu là rèn luyện một cách chủ tâm và có ý thức. Nếu đã từng học đàn piano, bạn hẳn còn nhớ ban đầu nó khó khăn thế nào, mấy ngón tay của bạn vụng về ra sao trên các phím đàn, bối rối như thế nào khi phải nhớ ngón nào bấm phím nào, khó khăn làm sao để di chuyển các ngón độc lập với nhau trong khi tay bạn thì phải lướt lên lướt xuống phím đàn. Lúc đầu bạn chẳng làm nên trò trống gì và tiếng đàn nghe cũng không hay gì cả. Thực tế, nếu bạn bắt đầu nện lên các phím kiểu “thuận tự nhiên”, thì chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm chẳng mấy dễ chịu cho bất cứ ai đang ở trong phòng lúc ấy.
Nhưng dần dần, theo thời gian, bạn bắt đầu nắm bắt được để kết hợp các nốt với nhau thành những giai điệu nghe có vẻ mạch lạc. Rồi chẳng mấy chốc bạn có thể chơi cùng lúc cả tay trái và tay phải, chơi hợp âm, đệm kiểu rải hợp âm, và chơi được các bản nâng cao hơn. Và đó là lúc niềm vui thực sự bắt đầu. Bạn có thể chơi các bản nhạc trong trí nhớ, thậm chí ngẫu hứng sáng tác những bài mới nữa. Ngồi vào đàn trở thành một hoạt động vui thú vì bạn có được sự phấn khích và sống động thông qua việc chơi nhạc. Những gì bạn đã làm khi bắt đầu chơi theo cách tự do và thuận tự nhiên này chính là đi theo Đạo.
Hãy nghĩ xem một nghệ sĩ piano đang trình tấu sẽ gắn kết âm nhạc của cô ấy với khán giả như thế nào. Hãy xem niềm vui đến từ việc cảm thụ chính xác cái cách cô ấy chạm vào các phím để tạo ra những thanh âm sẽ cộng hưởng giữa cô ấy, âm nhạc và khán giả. Thông qua khả năng cảm nhận và hồi đáp với thế giới bằng kỹ năng tuyệt vời, nghệ sĩ piano đang đi theo Đạo. Rèn luyện một cách chú tâm là cách cô ấy đạt đến sự tự do đầy vui thú này. Đó cũng là cách rèn luyện giúp chúng ta điều khiển một chiếc xe hơi chạy qua con đường đông đúc xe cộ, đánh quả bóng tennis bay qua lưới hay làm một bài thuyết trình đầy tính thuyết phục cho công việc. Chúng ta chỉ đơn giản là “biết” điều gì ta cảm thấy đúng mà không cần suy nghĩ về nó. Năng lực không cần cố gắng này được chúng ta phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ đời thường đến tinh tế, đó là những ví dụ về tính thuận tự nhiên nhờ rèn luyện.
Điểm quan trọng là nếu khắc ghi những lời dạy của Trang Tử, chúng ta không chỉ trở thành những tay vợt, nhân viên hay đầu bếp giỏi. Chúng ta còn thay đổi luôn toàn bộ cách tiếp cận cuộc sống. Nghệ sĩ piano của chúng ta không chỉ tự rèn luyện để chơi piano; cô ấy còn rèn luyện toàn bộ cách sống của mình ở thế giới này.
Trí tưởng tượng và sáng tạo
Chúng ta thường chỉ nghĩ về việc rèn luyện để trở nên thành thạo đến một hạn định trong các kỹ năng cụ thể mà chúng ta đang tìm cách trau dồi. Làm thế nào dành trọn thời gian để thành thạo piano hay tennis có thể giúp rèn luyện toàn bộ cách sống của bạn trong đời này?
Nó xuất phát từ việc công nhận việc rèn luyện không chỉ dành riêng cho những kỹ năng trong tầm tay, mà rèn luyện còn là để chúng ta phá vỡ những quan điểm hạn hẹp ta thậm chí còn không nhận ra là chúng đã thống trị cuộc sống của mình. Khi làm như vậy, chúng ta cũng đạt được một thứ khác: đi đến một trạng thái thúc đẩy trí tưởng tượng và sáng tạo thực sự. Dù chúng ta có thể không nghĩ đến việc trở nên điêu luyện trong một lĩnh vực nào đó là có liên quan đến những điều này, nhưng đối với Trang Tử, trí tưởng tượng và sáng tạo bắt nguồn trực tiếp từ trạng thái liên tục trôi [theo Đạo] một cách tự nhiên.
Chúng ta thường nghĩ về sự sáng tạo như thể nó phát ra từ một nguồn duy nhất, một Đấng Tạo hóa vĩ đại. Nhưng Trang Tử hẳn sẽ thấy một khái niệm như vậy là cực kỳ hạn chế. Thay vào đó, ông sẽ nói rằng chúng ta nên nghĩ về sự sáng tạo như thể nó xuất hiện khi chúng ta vượt qua khỏi những giới hạn của một “bản ngã” vĩ đại đơn nhất và tự mở lòng ra cho vũ trụ lớn hơn. Ông muốn chúng ta nhớ rằng mỗi bộ óc sáng tạo mà chúng ta tôn sùng – Shakespeare, Picasso, Steve Jobs – đều có được nguồn cảm hứng nhờ mở lòng ra với thế giới, với các nữ thần thi ca và với sự tò mò vô biên về tất cả những gì tồn tại. Họ đã mở lòng ra với cả một dòng sông sáng tạo, với cái mà Trang Tử gọi là Đạo.
Tính thuận tự nhiên nhờ rèn luyện có nghĩa là giải phóng cái tôi của một tâm trí có ý thức bằng sự xác định việc bị giới hạn vào một bản ngã đơn nhất. Tâm trí của chúng ta cản trở chúng ta, khiến chúng ta phải chiến đấu chống lại chúng hơn là xuôi theo Đạo. Tuy nhiên, trong nhiều thời điểm trong đời, chúng ta hẳn đã trải nghiệm cảm giác đi theo Đạo là thế nào. Hãy nghĩ về một cuộc gặp gỡ với những người bạn thân, chúng ta có thể ăn uống và trò chuyện trông dễ dàng và vui vẻ đến thế nào khi mọi người càng lúc càng trở nên đồng điệu với nhau hơn trong suốt buổi tối. Bạn không cần phải thầm nghĩ: “Giờ mình nên pha trò chút; rồi trong năm phút nữa, mình nghĩ mình sẽ kể mọi người nghe câu chuyện về kỳ nghỉ vừa rồi của mình”. Cuộc trò chuyện đơn giản tự nó diễn ra thôi.
Hoặc hãy nghĩ về một trận bóng rổ của khu phố bạn. Bạn không sử dụng đầu óc đầy ý thức để tính toán chính xác những gì cần làm, đưa ra chiến lược phải xoay 45 độ theo hướng này hay bây giờ thì phải đứng cách lưới đúng ba bước. Thay vào đó, bạn liên tục trôi theo một ý thức ngày càng cao hơn về việc bạn nhận thức được toàn bộ không gian, những người chơi khác và tất cả những gì bạn phải làm trong suốt trận đấu. Cảm nhận về bức tranh toàn cảnh này chính là nguồn gốc năng lực của bạn.
Ngay cả việc đọc sách Trang Tử cũng cho phép chúng ta bước vào một thế giới đóng vai “như thể” mở rộng, giúp chúng ta mở lòng ra với trí tưởng tượng. Dòng chảy và sự biến đổi được thể hiện bằng những câu chuyện hoang đường và hoàn toàn không chắc chắn từ đầu tới cuối quyển sách. Chúng ta nghe kể về những sinh vật hư cấu; chúng ta đọc những câu chuyện, như câu chuyện hóa bướm, ngụ ý kể cho chúng ta rằng thế giới này trông như thế nào qua đôi mắt của một con côn trùng. Chúng ta còn gặp trong đó những câu chuyện lịch sử, như chuyện về Khổng Tử, nói những điều rõ ràng không phải thuộc về Khổng giáo. Có rất nhiều cú ngoặt bất ngờ, những cách chơi chữ và những bài thơ không theo một quy luật logic hay kiến thức nào cả. Sách Trang Tử được soạn ra nhằm giũ sạch quan điểm của chúng ta, khiến chúng ta phải suy nghĩ khác về một thực tại ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bắt gặp nó.
Tất nhiên, chúng ta là con người; theo nghĩa đen, chúng ta không thể hóa thành một con bướm và chẳng ai nghĩ mình sẽ hóa thành bướm. Nhưng bằng cách đưa ra câu chuyện này, Trang Tử đã gợi lên một câu hỏi đóng vai “như thể”: Sẽ thế nào nếu tôi nhìn thế giới như thể tôi là một con bướm đang mơ thấy mình là một con người? Vào đúng lúc đó, thực tế ngừng lại và chúng ta bước vào một vũ trụ thay thế, nơi chúng ta mở rộng năng lực tưởng tượng ra tất cả các kiểu khả năng “như thể” theo nghĩa rộng nhất. Toàn bộ vũ trụ mở ra cho chúng ta; một thế giới mà trong đó mọi thứ đang trôi chảy theo mọi thứ khác.
Không có gì trong số đó tuân theo tập tục thông thường. Trang Tử không nói chúng ta nên làm gì sau khi có được điểm nhìn khác biệt này; những gì xuất phát từ điểm nhìn đó là tùy thuộc vào chúng ta. Mấu chốt là phá vỡ được quan điểm cũ.
Trí tưởng tượng và sự sáng tạo thực sự không bắt nguồn từ tư duy vượt ra ngoài giới hạn hay cho phép bản thân buông thả, giống như tính thuận tự nhiên thực sự không bắt nguồn từ vui vẻ xả láng cuối tuần trong khi bạn vẫn phải tiếp tục duy trì một công việc tẻ nhạt. Chúng không xuất phát từ những khoảnh khắc đột phá lớn nổ ra giữa một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường. Chúng chính là một phần trong cách chúng ta sống mỗi ngày; từng khoảnh khắc đều có thể mang tính sáng tạo và tự nhiên khi chúng ta biết trải nghiệm toàn bộ thế giới như là một nơi cởi mở và chan hòa. Mà điều đó chỉ có được bằng cách không ngừng trau dồi khả năng tưởng tượng vượt ra khỏi trải nghiệm của chính chúng ta.
Tu dưỡng tính cởi mở
Khi đến thăm một bảo tàng, chúng ta biết rằng nếu muốn trải nghiệm phong phú hơn, chúng ta có thể thuê một hướng dẫn viên, hoặc người nào có thể giúp chúng ta trải nghiệm mọi thứ qua đôi mắt chuyên gia của họ. Người đó có thể chỉ ra các mô-típ lặp lại hoặc quy tắc sử dụng màu sắc nhất định của một nghệ sĩ, những điều mà chúng ta sẽ không để ý đến. Chúng ta biết rằng nếu muốn, chúng ta có thể trau dồi độ thông thạo về bia thủ công, hoặc bóng đá chuyên nghiệp, hay nhiếp ảnh kỹ thuật số – bất kỳ sở thích nào nâng cao giá trị của chúng ta và đưa sự gắn bó của chúng ta với tất cả những thứ này lên một tầm cao mới. Những lăng kính học thức của chúng ta có thể thêm vào thế giới của chúng ta những lớp lang mới. Chúng ta có thể bước vào một tiệm bán rượu, rồi “nhìn thấy” và hiểu những điều mà trước đây chúng ta không thể; biết được sự khác biệt giữa Cabernet sauvignon và Syrah**** trở thành một điều gì đó thật vui sướng, thú vị. Chúng ta có thể hiểu các tài liệu tham khảo về một ngôi nhà theo phong cách Nghệ thuật Thủ công giúp chúng ta hiểu rõ hơn bối cảnh trong một cuốn tiểu thuyết đang đọc. Chúng ta không buộc phải biết bất cứ điều gì trong số này để sống trên đời, nhưng kinh nghiệm của chúng ta về thế giới sẽ tăng lên khi làm vậy. Thực tế mà chúng ta trải nghiệm sẽ khác với thực tế mà những người không tu dưỡng các sở thích đó trải nghiệm. Nhưng chúng ta thường xuyên nghĩ đến việc áp dụng thận trọng các nguyên tắc tu dưỡng này vào các khía cạnh tầm thường khác trong cuộc sống để chúng cũng được trải nghiệm sâu sắc hơn như thế nào?
**** Cabernet sauvignon và Syrah là tên hai loại nho để làm rượu nổi tiếng.
Charles-Pierre Baudelaire, nhà thơ người Pháp thế kỷ 19, nổi tiếng với khái niệm flâneur: một người tản bộ trên đường phố quan sát và tiếp nhận tất cả những gì anh ta nhìn thấy với một sự cởi mở tuyệt vời. Nếu bạn đi dạo với một đứa trẻ còn chập chững, hay chú chó cưng, hoặc với bà mình, bạn sẽ nhận thấy rằng họ trải nghiệm cuộc đi dạo ấy rất khác với bạn. Đứa trẻ sẽ dừng lại và chăm chú quan sát từng tảng đá, từng con bọ; chú chó lại rẽ ngang rẽ dọc trong một thế giới đầy những mùi hương rung động; bà của bạn có thể là một người làm vườn tâm huyết, sẽ gọi tên từng loại hoa và cây cối mà bà nhìn thấy trên đường. Đi dạo với một người có góc nhìn khác về thế giới cho phép bạn bước ra khỏi những khuôn mẫu bình thường và nhìn thế giới không chỉ khác đi mà còn cởi mở đến lạ thường. Thông qua cặp mắt của người đồng hành ấy, một cuộc dạo bộ bình thường cũng trở nên thấm đẫm chiều sâu và sự tươi mới. Bạn đọc quang cảnh xung quanh theo cách khác; bạn nhìn ra được những chiều kích mới.
Chúng ta chỉ tập trung vào những thứ dựa theo các khuôn mẫu theo thói quen của sự chú ý. Trên đường đi làm buổi sáng, chúng ta có thể chú ý nhiều hơn một chút đến kênh radio, biển báo thoát hiểm và lối vào bãi đậu xe, nhưng lại bỏ lỡ những thứ khác, chẳng hạn như cảnh tượng hùng vĩ của một đàn vịt trời bay về phương Nam. Khi đi bộ đến phòng tập gym cách vài dãy nhà, chúng ta có thể chỉ bận tâm đến những gì chúng ta muốn đạt được trong một giờ tập luyện sắp tới, đến mức không nhận ra mùi thức ăn ngon lành bốc ra từ một nhà hàng gần đó. Thói quen của chúng ta giới hạn những gì chúng ta có thể nhìn thấy, tiếp cận, cảm nhận và biết.
Nhưng tất cả chúng ta đều có thể ý thức được hơn về khuynh hướng tự giới hạn bản thân này. Việc nhìn thế giới qua con mắt của người khác giúp chúng ta được giải phóng và trải nghiệm ngay cả những khía cạnh có vẻ trần tục nhất của thế giới theo các cách phong phú hơn. Ngay cả một chuyến đi đến cửa hàng tạp hóa cũng không còn là một công việc chán phèo nếu chúng ta đi cùng một cô bạn sành ăn, người mà mục đích tới trái đất là để nghĩ xem cô sẽ nấu món gì với tất cả các nguyên liệu mà cô ấy nhìn thấy. Cũng cái cửa hàng ấy, với chúng ta thì thật buồn tẻ, nhưng giờ lại bừng bừng sức sống vì sự phấn khích mà cô ấy thể hiện khi thấy các món hàng mà chúng ta không hề để ý tới.
Lăng kính đó là thứ chúng ta có thể trau dồi và đạt được. Một khi đã hiểu được cách nhìn thế giới rộng mở hơn khi ở cùng một người có khả năng khuếch đại trải nghiệm của chính chúng ta, thì chúng ta có thể phát triển một cách đánh giá nhiều sắc thái hơn về thế giới ngay cả khi chúng ta chỉ có một mình. Ta có thể liên tục tự hỏi một người khác sẽ nhìn thế giới này như thế nào và luôn luôn hiểu rằng quan điểm của chúng ta về thế giới không phải là quan điểm duy nhất trên đời. Như Trang Tử đã chỉ cho chúng ta, chính nguyên tắc nhìn mọi thứ khác đi, hay nguyên tắc thay đổi góc nhìn, sẽ cho phép chúng ta trải nghiệm cuộc sống với một sự mới mẻ và mãnh liệt hơn.
Thay đổi góc nhìn
“Cố chấp tin vào một điều mà không biết rằng điều ấy cũng y hệt các điều khác, như vậy là có tinh thần ‘sáng ba’. Câu chuyện ‘sáng ba’ như thế này:
Xưa có một ông già nuôi khỉ, bảo chúng: ‘Ta cho các ngươi sáng ba trái, chiều bốn trái. Các ngươi có chịu không?’ Lũ khỉ bất bình. Ông già bèn bảo: ‘Thế thì sáng bốn trái, chiều ba trái. Chịu không?’ Lũ khỉ đều vui mừng.
Sự thật có gì thay đổi đâu mà lần trước chúng nổi giận, lần sau thì mừng. Ông già nuôi khỉ đã khéo thuận theo bản tính của loài khỉ. Cho nên thánh nhân dung hòa, coi thị (đúng) và phi (sai) là một, mà theo luật quân bình tự nhiên, như vậy gọi là lưỡng hành.”*****
***** Sách Trang Tử, phần Nội Thiên, chương Tề Vật Luận, bài số 5, tham khảo bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Lưỡng hành (兩行) ở đây có nghĩa là cả hai hướng đều dùng được, miễn là biết thích nghi, có thái độ tùy theo hoàn cảnh.
Bây giờ bạn hẳn đã hiểu cách tâm trí có ý thức của chúng ta ngáng chân chúng ta bằng cách bám vào các kiểu phân loại vô dụng, thất thường và gây xao lãng, như ví dụ về bầy khỉ đã cho thấy. Chẳng có sự khác nhau về tổng thể giữa “ba trái buổi sáng, bốn trái buổi tối” hay ngược lại, trừ cách chúng ta nhìn nhận nó.
Một sự thay đổi căn bản về góc nhìn cho phép chúng ta nhìn thế giới theo cách mà Trang Tử chủ trương. Đây là lý do tại sao nó thường xuyên đảo ngược những hiểu biết thông thường. Trong một câu chuyện kể rằng có một người đàn ông bị tật nguyền nặng nề, cả đời phải đi xin ăn. Người ta nghĩ ông ta thật thảm hại, nhưng ông ta đã sống rất thọ, trong khi những thanh niên xung quanh bị bắt lính. Vậy ai mới là người may mắn ở đây?
Tâm trí có ý thức của chúng ta có xu hướng tập trung vào những gì “nên như vậy” – tức là những gì có vẻ đúng. Chúng ta nghĩ rằng mình biết cái gì là đẹp đẽ, cái gì là to lớn, cái gì là có đạo đức, cái gì là hữu ích. Tuy nhiên, chúng ta có thực sự hiểu được những lời nói và giá trị mà chúng ta phụ thuộc vào đó thật ra thất thường đến mức nào không?
“Một người nằm chỗ ẩm thấp (trong bùn) mà đau lưng tê liệt nửa người, nhưng một con lươn thì có sao không? Một người ngồi trên ngọn cây thì run rẩy sợ sệt, nhưng con khỉ có vậy không? Chỗ ở của người và hai con vật ấy, chỗ nào là lý tưởng (chính xứ)? Người ta ăn thịt dê, bò, chó, lợn, hươu nai ăn cỏ, rết thích ăn rắn con, cú mèo và quạ thích ăn chuột. Khẩu vị của bốn loài đó, khẩu vị nào là lý tưởng (chính vị)? Khỉ làm bạn với vượn, hươu chơi thân với nai, lươn bầu bạn cùng cá, nàng Mao Tường và nàng Lệ Cơ được mọi người khen là đẹp, vậy mà thấy họ thì cá lặn sâu, chim bay cao, hươu nai chạy dài. Cái đẹp theo bốn loài đó, cái đẹp nào là lý tưởng (chính sắc)?”******
****** Sách Trang Tử, phần Nội Thiên, chương Tề Vật Luận, bài 10, tham khảo bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Vấn đề không đơn giản là chúng ta có góc nhìn. Bởi, xét cho cùng thì cá, chim hay hươu cũng có. Vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng ta cho rằng góc nhìn của chúng ta mới là phổ quát, và chúng ta đóng chặt tâm trí của mình. Chúng ta đưa ra những sự phân biệt cứng nhắc, những sự phân loại và giá trị kiên định thái quá.
Nhưng cái gì trong những thể loại đó là có vẻ rõ ràng, và cái gì trong những giá trị đó có vẻ mang tính phổ quát, không thể lay chuyển được? Có phải giết người lúc nào cũng là sai? Còn cướp ngân hàng thì sao? Hãy tưởng tượng một tên cướp tự rèn luyện để cạy khóa một cách hoàn hảo, đột nhập vào ngân hàng không gây ra một tiếng động, ăn cắp tiền rồi tẩu thoát mà không hề bị phát hiện. Nếu Trang Tử chối bỏ các phạm trù đạo đức rõ ràng, vậy thì dựa trên cơ sở nào ông có thể nói điều này là sai? Rốt cuộc, chẳng phải tên cướp đó là một ví dụ hoàn hảo về việc sự tự nhiên nhờ rèn luyện sao?
Nhưng Trang Tử sẽ nói rằng ngay từ đầu chính những sự phân biệt cứng nhắc sẽ dẫn đến những tình huống như vậy. Nếu bạn thực sự tự rèn luyện bản thân để tuân theo Đạo, bạn sẽ không trở thành kẻ cướp. Bạn sẽ không giết bất cứ ai. Một tên cướp đã suy nghĩ theo kiểu phân biệt ngay từ đầu: đồ của mình, đồ của chúng nó, mình muốn cái này, mình sẽ lấy cái kia. Một kẻ giết người sẽ làm gián đoạn dòng chảy biến đổi của vạn vật bằng cách kết thúc một mạng sống trước thời hạn. Đối với Trang Tử, lập luận chống lại việc cướp bóc hay giết chóc không xuất phát từ thực tế rằng chúng là những hành vi vô luân, mà xuất phát từ chỗ chúng phát sinh từ việc tạo ra những sự phân biệt cứng nhắc.
Các ví dụ Trang Tử đưa ra trải dài từ trần tục đến cao sang, nhưng tất cả chúng đều gắn chặt với đời sống. Bạn có thể gắn liền với cuộc sống bằng cách mở lòng ra để thấy ủi đồ không phải là một công việc mệt mỏi mà là một bài tập để tu dưỡng tính thuận tự nhiên nhờ rèn luyện; nhức đầu sổ mũi không bất tiện mà là một cơ hội để được nằm trên chiếc giường ấm áp đọc tiểu thuyết; một lễ đính hôn bị hủy bỏ không phải nỗi đau cào xé mà là cơ hội để có một tương lai mới. Sách Trang Tử kể về những người có quan điểm hoàn toàn cởi mở. Nhờ gắn liền với đời sống, họ đã có được sự cộng hưởng thực sự với Đạo. Nói một cách ẩn dụ, đó là những gì mà Trang Tử gọi là “con người đích thực” (chí nhân) mà “đồng cỏ có cháy cũng không làm cho họ thấy nóng, sông rạch đóng băng cũng không làm cho họ thấy lạnh”.
Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào khi những điều nhỏ nhặt và những điều lớn lao giống hệt nhau không ngừng quấy rầy chúng ta, thay vì tạo thành một cuộc sống đầy thú vị; thành những điều chúng ta thấy hứng thú và muốn gắn bó. Hãy tưởng tượng bạn nhìn thấy sự vật từ mọi góc nhìn, nhờ đó có thể hiểu rằng mọi thứ xảy ra đều là một phần thuộc quá trình của dòng chảy và biến đổi. Quay lại với ẩn dụ của Trang Tử, với sự thay đổi về góc nhìn như vậy, chúng ta sẽ trở thành con người đích thực (chí nhân): có thể đi qua sông rạch đóng băng mà không thấy lạnh, đi xuyên qua đồng cỏ cháy mà không thấy nóng.
Sự phân biệt cuối cùng
Nếu chúng ta thực sự trở nên có khả năng nhìn mọi thứ từ một góc nhìn không giới hạn, thì hẳn chúng ta sẽ tán tụng tất cả các khía cạnh của đời sống này, bao gồm cả sự phân biệt cuối cùng: tính khả tử. Suy cho cùng, cái chết chỉ là một trong những chu kỳ bất tận của Đạo mà thôi.
Trang Tử hiểu nỗi sợ đối với cái chết. Ông biết rằng người ta sợ hãi hồi kết của sự tồn tại của họ trong tư cách một sinh vật có tri giác. Nhưng với ông, nghĩ về cái chết theo cách này là tạo ra một sự phân biệt sai lầm.
Một vài trong số những sự phân biệt mà chúng ta nhận thức là sự thật không thể chối cãi. Bạn là bạn, một con người đang đọc cuốn sách này, chứ không phải cái bàn trước mặt hay cái ghế đang ngồi. Nhưng những sự phân biệt này chỉ là tạm thời. Chừng nào bạn còn nghĩ về bản thân một cách cứng nhắc – là một con người tại một thời điểm nhất định – thì bạn còn có nguy cơ không thấy mình là một phần của thế giới rộng lớn. Khi bạn chết, bạn sẽ trở thành một phần của thế giới tự nhiên rộng lớn ấy. Điều này không có gì phải sợ:
“Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử lại điếu, thấy Trang Tử ngồi xoạc chân ra, gõ nhịp vào một cái vò mà hát, bèn bảo: ‘Ông sống với người ta, cùng nuôi con, cùng già đi. Người ta chết không khóc cũng đã đủ tệ rồi, nay lại còn gõ chậu mà hát, chẳng quá lắm sao?’. Trang Tử trả lời: ‘Không phải vậy. Lúc bà ấy mới mất, tôi làm sao không đau buồn? Nhưng xét lại từ đầu, bà ấy vốn là không có sinh mệnh. Chẳng những là không có sinh mệnh, mà còn vốn là không hình hài. Chẳng những là không hình hài, mà còn vốn là không có khí. Từ chỗ hỗn mang hư không biến ra thành khí, khí biến ra thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh, bây giờ sinh lại biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn vận hành đâu. Nay bà ấy yên nghỉ trong ngôi nhà lớn (cự thất, chỉ trời đất) mà tôi còn ồn ào khóc lóc thì tôi không hiểu lẽ sống chết (mệnh) rồi. Vì vậy mà tôi không khóc.”*******
******* Sách Trang Tử, phần Ngoại Thiên, chương Chí Lạc, bài 2.
Trang Tử không nói rằng chết là một điều gì đó để mong đợi hay vội vàng tìm đến; trái lại, sống là phải sống hết mình. Ông cũng không nói rằng ông không đau buồn trước cái chết của vợ; nỗi đau của ông đã đến, theo lẽ tự nhiên. Chúng ta đau buồn khi ai đó chết đi là vì chúng ta yêu họ và nhớ thương họ.
Thật sự, nếu chúng ta nghĩ về cái chết thuần túy từ góc nhìn của một con người thì nó thật đáng sợ. Nó là sự hủy diệt một phần của chúng ta, hoặc một người ta thương yêu, đó là con người. Nhưng khi chúng ta nhìn cái chết từ góc nhìn rộng nhất có thể, chúng ta đau buồn, song cũng thấy rằng hình dạng con người của chúng ta là một khoảnh khắc tuyệt vời nhưng chỉ mang tính tạm thời trong tất cả những sự biến đổi tạo nên Đạo. Chúng ta hiểu rằng người ấy luôn là một phần của Đạo và vẫn là một phần của Đạo. Người ấy sẽ trở thành một phần của cỏ, một phần của cây, của một con chim đang bay vút trên bầu trời. Nếu chúng ta hiểu rằng những gì là chúng ta cũng luôn là một phần của dòng chảy và sự biến đổi trong vũ trụ, và sẽ luôn là như vậy, thì chúng ta không cần sợ hãi đối với cái chết nữa; chúng ta trở nên tự do để ôm trọn cuộc sống. Chúng ta gạt bỏ sự phân biệt cuối cùng làm hạn chế trải nghiệm của chúng ta về thế giới.
Thông qua tất cả các truyện ngụ ngôn và giai thoại trong Trang Tử, chúng ta sẽ được xem xét việc giải phóng khỏi quan điểm con người cá nhân hạn chế là thế nào. Ở mức độ ẩn dụ, điều này có nghĩa là nhìn thế giới như một con bướm, một con chim, một con hổ. Ở cấp độ trực quan hơn, điều này có nghĩa là hiểu thế giới từ góc nhìn của một người khác. Nếu bạn là phụ nữ, hãy hình dung bạn nhìn thế giới như là một người đàn ông. Hoặc hãy thử nhìn thế giới từ góc độ của một người già dù bạn vẫn đang còn trẻ. Hoặc đặt mình vào vị trí bần hàn của một nghệ sĩ nghèo khó, dẫu bạn là một luật sư giàu có. Hãy tưởng tượng việc nhìn thế giới qua con mắt của một đồng minh – hoặc một kẻ thù. Khi mở ra khả năng của tất cả các quan điểm, chúng ta có thể nhìn toàn bộ vũ trụ từ vị trí rộng lớn nhất có thể, đó là cách chúng ta bắt đầu hiểu được sự biến đổi vô tận của vạn vật.
Đây là tầm nhìn mà Trang Tử đề xuất: góc nhìn không giới hạn và tính thuận tự nhiên nhờ rèn luyện. Khả năng vượt trên con người xuất phát ngay từ thực tế rằng chúng ta là con người. Chúng ta có thể nắm bắt vũ trụ nhiều hơn bất kỳ sinh vật nào khác trên trái đất nhờ khả năng vô hạn của trí tưởng tượng. Chỉ chúng ta mới có thể bước vào thế giới “như thể” vô tận để nhìn vũ trụ này thông qua phối cảnh của một vũ trụ khác. Chúng ta chỉ đến được đó nếu luôn giữ cho mình cởi mở với mọi thứ, chuyển dịch một cách tự nhiên theo Đạo, và trở thành một phần tích cực trong sự biến đổi của vạn vật.