* Trong chương này, tác giả đề cập đến “Nội Nghiệp” và “Ngũ Hành”, đây vốn là hai chương trong sách Quản Tử (管子). Sách Quản Tử được đặt theo tên của Quản Tử, tức Quản Trọng, một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu. Về sách Quản Tử, không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy do chính Quản Trọng viết, mà chủ yếu là một tập hợp những tư tưởng của Quản Trọng cùng những người theo phái Pháp Gia cùng thời. Sách Quản Tử có tất cả 86 chương, trong đó có 10 chương đã thất lạc.
Hãy nghĩ về một người đầy năng lượng và lôi cuốn nhất mà bạn biết. Bạn đã bao giờ nghĩ đó là một người “đầy tinh thần” chưa? Bạn đã bao giờ nhận thấy việc ở cạnh cô ấy giúp bạn vực dậy tinh thần như thế nào và làm cho bạn cùng những người xung quanh cô tràn đầy năng lượng ra sao chưa?
Hoặc nhớ xem khi hoàn toàn kiệt sức, bạn đã nói mình “cạn kiệt năng lượng” như thế nào. Giọng bạn uể oải còn tâm trí thì đờ đẫn. Tất cả những gì bạn muốn làm là leo lên giường đánh một giấc.
Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng một số người sẽ giống như người bạn của bạn, lúc nào cũng đầy tinh thần và năng lượng cực cao. Hay chúng ta cho rằng sau một ngày mệt mỏi thì cạn kiệt năng lượng cũng là chuyện thường, nhưng rồi ngày mai khi thức giấc ta sẽ lấy lại phong độ thôi.
Nhưng chúng ta sẽ sống khác đi như thế nào nếu nghĩ mình có thể trở nên đầy tinh thần bằng cách tự đào luyện bản thân, đồng thời cũng nhận thức được rằng chính chúng ta chịu trách nhiệm cho việc thiếu năng lượng và mất sức sống của mình? Nội nghiệp, một tập hợp những khổ thơ khuyết danh về tự thần hóa từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, tập trung vào chính câu hỏi này. Nó đặt ra câu hỏi: Cảm giác giàu sức sống hơn thật ra như thế nào, và phải làm gì để thật sự có được cảm giác đó?
Như một vị thần
Vì Đức Chúa Trời biết rằng chính cái ngày các ngươi ăn trái cây đó thì mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ giống Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh, Sáng thế ký 3: 5 (phiên bản King James)
Rất nhiều giả định của chúng ta về sức sống và quyền lực của con người là dựa vào những quan niệm lâu đời về thần thánh. Từ khởi thủy của nhân loại, con người đã noi theo những gì họ cho là thần thánh để học cách sống và trở thành một người có địa vị cao.
Những niềm tin phổ biến nhất về quyền lực được mô phỏng theo các vị thần và các đấng sáng tạo toàn năng, giống như Thiên của phái Mặc gia: một đấng tạo ra thế giới, có quyền năng dời non lấp biển và có chuẩn mực đúng sai rõ ràng.
Khi chúng ta nghĩ rằng hành động nghĩa là đứng lên bảo vệ bản thân hoặc chiếm lấy thứ gì chúng ta muốn, và khi chúng ta nghĩ rằng quyền lực nghĩa là tạo ra, kiểm soát hoặc sở hữu mọi thứ, thì chúng ta đang vô tình đi theo di sản của những quan niệm về thần thánh như trên. Chúng ta thấy mình như đang thể hiện quyền lực của bản thân theo những cách tương tự: chúng ta có thể nhấc một tảng đá, mua một ngôi nhà, giành chiến thắng trong một cuộc đua. Bằng những cách như vậy, chúng ta cũng có thể tạo ra sự thay đổi và thể hiện ý chí của mình; thậm chí chúng ta có thể thay đổi quang cảnh trái đất nếu muốn.
Đây vốn là cách mà lâu nay mọi người vẫn nghĩ về quyền lực. Tuy nhiên, bên cạnh những động cơ ban đầu để con người bắt chước thần thánh thì xu hướng tu dưỡng tính thần thánh bên trong ngày càng tăng. Các phong trào tôn giáo của Thời đại Trục đã bác bỏ tập tục cũ sử dụng các thầy tế để làm trung gian giữa con người và thần linh như ở Thời đồ Đồng, thay vào đó các phong trào này tuyên bố rằng tất cả con người đều sở hữu một tiềm năng thần thánh. Ở Hy Lạp cổ đại, nhiều nhân vật như Empedocles (một nhà thơ và nhà triết học trước Socrates) và Plato đã tu dưỡng những khía cạnh thần thánh này trong chính bản thân họ. Plato đã nói về trạng thái “xuất thần nhập định” (divine ecstasy), thậm chí Aristotle còn đề cập rằng sự tu dưỡng này có thể đưa đến “trí tuệ thần thánh” (divine understanding) siêu việt hơn con người như thế nào. Các phong trào tương tự cũng đã khởi sinh ở Ấn Độ: Áo Nghĩa Thư (Upanishad), một tập hợp các bài viết tôn giáo, kêu gọi con người giao tiếp trực tiếp với thần thánh bằng các bài tập tu như thở và thiền định.
Vài thế kỷ sau, một số phong trào Kitô giáo sơ khai đã nhấn mạnh khả năng khám phá thiên tính bên trong con người chúng ta. Giáo hội sơ khai gọi những phong trào Ngộ đạo này là dị giáo và khăng khăng chia rẽ hoàn toàn Thiên Chúa với nhân loại; rốt cuộc thì, Chúa đuổi Adam và Eva ra khỏi Thiên đàng vì ăn một quả táo mà con quỷ bảo ăn vào sẽ khiến họ trở nên giống Chúa. Lệnh huấn thị này – rằng con người không được cố gắng trở nên giống thần thánh – là vô cùng mạnh mẽ, bởi vì mong muốn trở nên như thần thánh đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử nhân loại.
Nhưng cuộc Cải cách Tin Lành thế kỷ 16 đã làm sống lại khái niệm trong mỗi người đều có một chút thần thánh, rằng người ta được quyền tiếp cận trực tiếp với Thiên Chúa mà không cần vai trò trung gian của một tu sĩ nào cả. Tiềm năng thần thánh của con người càng trở nên quan trọng hơn vào cuối thế kỷ 19 và 20. Nhà triết học người Đức thế kỷ 19, Friedrich Wilhelm Nietzsche, khẳng định rằng: “Chúa đã chết”, và rằng con người có thể dùng địa vị của Chúa để buộc thế giới hiện đại tập trung vào tiềm năng cá nhân và có quyền áp đặt ý chí của mình lên thế giới. Adolf Hitler và Benito Mussolini còn tiến xa hơn một bước, hai người này tự coi mình là một Übermensch, hay “siêu nhân” theo chủ nghĩa Nietzsche, là đấng sáng tạo ra một trật tự thế giới mới.
Ngày nay, hay ngay cả trong một thời đại thế tục hơn nữa, vẫn có sự hồi sinh mối quan tâm đến việc tự thần hóa – dù có thể chúng ta không gọi nó bằng cái tên này – có nguồn gốc sâu xa từ các truyền thống Ngộ đạo thuở xưa. Chúng ta thấy mọi người xung quanh cư xử như những vị thần, dù là họ đang tìm kiếm ánh sáng thần thánh (hay con người đích thực) bên trong hay đang hành động như những chủ nhân của vũ trụ. Chúng ta có thể tranh luận xem ai trong số chúng ta nên cố gắng ở chừng mực nào để làm như vậy, và tỏ ra khinh thị những người có vẻ quá khát khao quyền lực hoặc tự yêu bản thân thái quá. Nhưng chúng ta thường không đặt ra vấn đề về cái tôi giả định ẩn bên dưới, rằng chúng ta trở nên thần thánh bằng cách khẳng định bản thân. Hầu hết chúng ta đều liên kết với sức mạnh dâng trào mà mình cảm thấy được khi sống theo cách này với cảm giác về sức sống và sinh khí.
Đây còn không phải là mô hình duy nhất của tính thần thánh, chưa kể đến sức sống. Sách Nội nghiệp cũng kêu gọi con người hãy trở nên thần thánh hơn. Nó lập luận rằng con người có thể, và nên thay đổi thế giới bằng cách tu dưỡng bản thân để có được những phẩm chất thần thánh. Nhưng các tác giả của Nội nghiệp muốn tránh nhấn mạnh vào ý chí, và vì vậy họ đã không định nghĩa thần linh như những nhân vật nắm quyền kiểm soát thế giới hoặc khẳng định bản thân vượt trội hơn mọi người. Thay vào đó, họ mô tả đó là những con người cực kỳ tinh tế, lôi cuốn và hòa hợp, biến đổi thế giới thông qua sự kết nối trọn vẹn của họ với vạn vật.
Đây là một mô hình hành động khác cho con người có thể khiến chúng ta suy nghĩ khác về cách mình nên sống. Khi chúng ta nhận thức lại về hành động và sức mạnh sinh ra từ sự kết nối thay vì thống trị, chúng ta trở nên thần thánh hơn ở một khía cạnh thiết yếu: chúng ta sẽ trở nên tràn trề sinh khí.
Năng lượng của sức sống
Bình thường, chúng ta vẫn làm rất nhiều việc để khiến bản thân cảm thấy nhiều sức sống hơn. Đơn giản nhất là hít một hơi thật sâu. Ngày nay, hít thở sâu được xem là một phương pháp Tây y điều trị lo lắng và căng thẳng, nhưng thật ra nó bắt nguồn từ nhiều truyền thống cổ xưa. Nội nghiệp dạy rằng thở sâu tốt hơn thở nhẹ; chúng ta hít vào năng lượng giúp chúng ta xoa dịu bản thân, làm dịu đi những cảm xúc tiêu cực và thả lỏng cơ thể.
Hãy hình dung tác động của việc tiếp nhận loại năng lượng đó thông qua những hơi thở sâu giúp bản thân bình tĩnh mọi lúc mọi nơi, chứ không chỉ vài khoảnh khắc đơn lẻ nào đó trong một lớp yoga hoặc khi thiền định. Chúng ta sẽ không bị cạn kiệt năng lượng nếu thực hành điều này một cách thường xuyên.
Hoặc, một ví dụ khác là tập thể dục. Khi bạn chạy bộ vào sáng thứ Bảy, bạn đang dồn năng lượng; trên thực tế, bạn đang tiếp thêm năng lượng cho chính mình. Chắc chắn rồi, chân bạn nặng như đeo đá, bạn đổ mồ hôi đầm đìa. Nhưng hẳn là bạn cũng cảm thấy ngây ngất – bạn thấy hưng phấn trong trạng thái “runner’s high”*. Thuật ngữ khoa học này nói đến một luồng hóa chất trong não gọi là endorphin, Nội nghiệp xem nó là các năng lượng tinh luyện hay thần thánh chảy qua người bạn. Khi bạn có cảm giác tràn đầy năng lượng như vậy, bạn sẽ thấy mọi thứ sống động hơn, bạn cảm nhận mọi thứ một cách nhiệt tình hơn, và những bức tường ngăn cách bạn với thế giới cũng biến mất.
* “Runner’s high“ là trạng thái cực kỳ hưng phấn mà người chạy bộ đường dài có thể đạt được sau quãng chạy dài khoảng hơn 40 km. Trạng thái này được cho là do các chất dẫn thần kinh được tiết ra sau quãng chạy dài.
Có thể so sánh cảm giác hồ hởi sau khi vận động đó với cảm giác phấn khích khi có sự sáng tạo đột phá trong công việc. Luồng hóa chất trong não cũng giống như khi bạn chạy, nó là một cơn trào dâng năng lượng hạnh phúc và sinh khí lan khắp cơ thể bạn. Hoặc, có thể nghĩ đến cảm giác hòa hợp lạ thường với những người lạ xung quanh khi bạn đang tham dự một buổi hòa nhạc hay một sự kiện thể thao. Bạn cảm thấy năng lượng của đám đông đang rộn ràng chảy qua người, nó cuốn bạn đi.
Những loại năng lượng này giống hệt nhau, chúng đều là năng lượng làm tăng sinh khí trong bạn. Gương mặt bạn đầy cảm xúc không chỉ vì bạn vừa mới chạy xong mà vì bạn cảm thấy sức sống tràn đầy hơn. Bạn hài lòng không chỉ vì vừa nảy ra một ý tưởng tuyệt vời cho phần thuyết trình ngày mai ở sở làm mà cũng còn vì bạn cảm nhận được sức sống tràn đầy hơn. Một cuộc trò chuyện đầy thấu hiểu với một người bạn không chỉ khiến bạn thấy mình được tương thông hơn; mà nó còn làm cho bạn cảm thấy đầy sức sống hơn. Dù việc bạn đang làm liên quan đến thể chất, tinh thần hay xã hội, thì sự phấn khích và cảm giác hòa hợp với thế giới này cũng đều là những cảm xúc vật lý rất giống nhau. Nội nghiệp cho rằng tất cả mọi thứ chúng ta trải nghiệm đều xuất phát từ những năng lượng gọi là khí (气) và rằng năng lượng thanh tao nhất trong số những năng lượng mang lại cho chúng ta cảm giác hồ hởi, sinh động này là năng lượng của thần thánh.
Nếu chúng ta nhìn thế giới như là một tập hợp khí
Phàm vật chi tinh, thử tắc vi sinh, hạ sinh ngũ cốc, thượng vi liệt tinh. Lưu ô thiên địa chi môn, vị chi quỷ thần, tàng ô hung trung, vị chi thánh nhân.**
(Tinh linh của vạn vật, đấy chính là sự sống, dưới sinh ra ngũ cốc, trên là trận đồ sao. Trôi nổi giữa cổng trời và đất, gọi là quỷ thần, cất giữ trong lồng ngực, gọi là thánh nhân.)
** Sách Quản Tử, phần Nội Nghiệp, bài số 1.
Khái niệm năng lượng thần thánh hầu như không có gì lạ trong thời cổ đại. Trên thực tế, nó là quan niệm của toàn bộ lục địa Á – Âu. Ở Ấn Độ có khái niệmprana, hay “hơi thở”; ở Hy Lạp có pneuma, hay “hơi thở của sự sống”, “linh hồn”, “tinh thần”. Tất cả đều mô tả cảm nhận về một lực sống vô hình, không thể tả bằng lời chảy lan khắp vũ trụ và chịu trách nhiệm cho chính nguồn gốc của sự sống.
Ngày nay, nhiều người sẽ hoài nghi việc cảm nhận về sinh khí xuất phát từ các năng lượng thần thánh. Nhưng khí là một phép ẩn dụ hữu ích cho những gì nó đảm nhiệm để khiến chúng ta cảm thấy giàu sức sống hơn, chúng ta có thể học hỏi từ nó ngay cả khi không tin là nó có thật. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nghĩ về những năng lượng này theo cách thức “như thể”. Hành động và sống như thể chúng ta đang tu dưỡng khí nghĩa là gì? Và nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta sống khác đi ra sao? Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta sống như thể khuôn khổ này thực sự tồn tại?
Chúng ta nhìn chung thường có một thế giới quan nhị nguyên: thần thánh đối lập với loài người, vật chất đối lập với năng lượng, tâm trí đối lập với thân thể, chúng ta nghĩ về những điều này như những thứ riêng biệt. Nhưng Nội nghiệp lại chứa đựng một thế giới quan nhất nguyên, dạy rằng mỗi một nguyên tố trên thế giới này và trong con người đều tạo thành từ cùng một thứ, đó là khí. Tất cả mọi thứ, dù là trí óc, cơ thể, vật chất hay tinh thần, dù là đất, con người, động vật hay không khí, đều được cấu tạo từ cùng bản chất này.
Nhưng dù khí tồn tại trong mọi thứ thì vẫn có vô vàn cấp độ khí. Đá, bùn, đất và các phần vô tri khác của vũ trụ được tạo thành từ một loại khí thấp kém, chúng ta có thể gọi là “ố khí”.
Khi khí trở nên tinh tế hơn, nó trở thành “tinh khí”. Điều làm cho tinh khí khác biệt với tất cả những thứ khác là nó chỉ tồn tại trong những thứ có sự sống. Nó là một năng lượng mang lại sự sống được tìm thấy trong thực vật và động vật.
Và cuối cùng, khi khí ở dạng thanh tao và tinh tế nhất, nó sẽ trở thành thần khí. Loại khí này có năng lượng cao đến mức nó thực sự tác động đến mọi thứ xung quanh. Khí này chính là bản thân tinh thần. Tinh thần vượt trên cả một loại năng lượng mang lại sự sống; nó mang lại cho sinh vật sống ý thức.
Một cái cây có khí mang lại sự sống, hay tính sống, nhưng nó không bao giờ có thể là thần thánh; nó không bao giờ có thể có tinh thần. Nó không bao giờ có thể suy nghĩ và vận hành thế giới. Nó chỉ đơn thuần tồn tại trong thế giới. Thế nhưng, tinh thần là thần khí, hoàn toàn sinh động và đầy khí lực. Chúng hoàn toàn rõ ràng và nhìn thế giới với một ý thức hoàn hảo. Có thể nhìn thế giới một cách trọn vẹn là điều cho phép chúng hành động trong thế giới theo những hướng có tác dụng biến đổi.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta được cấu thành từ loại năng lượng nào?
Con người chúng ta là sự kết hợp giữa ố khí của đất bên dưới và thần khí của trời bên trên. Chúng ta có khí ít tinh tế hơn, bao gồm cả cơ thể của chúng ta, nhưng giống như cây cối, chúng ta sống, vì vậy chúng ta cũng có tinh khí. Và thậm chí chúng ta còn chứa đựng trong mình một chút thần linh. Tuy nhiên, không như cây cối, chúng ta có ý thức và mỗi chúng ta có thể tạo ra một số thay đổi trên thế giới. Chúng ta có thể bắt được thứ gì đó và di chuyển nó trong không gian, như ném một trái banh, hay mở cửa. Chúng ta cũng sở hữu khả năng giống như của thần linh vậy.
Giảm bớt sự phụ thuộc vào những thứ bên ngoài
Thần minh chi cực, chiếu hồ tri vạn vật, trung nghĩa thủ bất thắc. Bất dĩ vật loạn quan, bất dĩ quan loạn tâm.***
(Tột bậc của thánh thần, soi sáng hiểu được vạn vật, trong ý nghĩa giữ cho đừng quá mức. Không để vật làm rối loạn giác quan, không để giác quan làm rối loạn tâm trí.)
*** Sách Quản Tử, phần Nội Nghiệp, bài số 4.
Năng lượng của đất đá, cây cối và thần linh là bất biến. Con người khác với tất cả những thứ này ở chỗ sự kết hợp lẫn lộn năng lượng liên tục biến đổi này nằm bên trong chúng ta. Theo thời gian, chúng ta có thể trở nên cạn kiệt năng lượng và giống với đất hơn, hoặc chúng ta có thể giữ vững tinh thần và trở nên giống thần linh hơn.
Thật khó có thể luôn giữ vững tinh thần của chúng ta. Thứ điển hình hơn chúng ta thường dành nhiều ngày liền để làm lại là những điều khiến chúng ta cạn kiệt: Chúng ta tức giận vì cãi nhau với em gái về mấy chuyện hậu cần cho một buổi đoàn tụ gia đình. Chúng ta chán nản vì đi lại giao tế mỗi ngày và căng thẳng vì các deadline sắp tới. Chúng ta ghen tị với một người bạn, bực bội với người bạn đời của mình, lo lắng về tương lai. Mỗi khi thấy mình đang bị những cảm xúc tiêu cực hoặc cực đoan chi phối, nghĩa là chúng ta đang cho phép những thứ bên ngoài làm cạn kiệt năng lượng của mình, cho phép những sự kiện này áp đặt quá nhiều sức mạnh lên chúng ta. Mỗi khi làm công việc hằng ngày, lê bước qua các hoạt động mà ngày nào cũng lặp lại, chúng ta lại tự hủy hoại năng lượng của mình. Tinh thần của chúng ta đang bị rút cạn, và chúng ta trút vào bản thân những khí xấu. Điều này khiến chúng ta sống một cách thê thảm và mất cân bằng đến mức cảm thấy kiệt sức. Chúng ta dần mất sức sống và mất cả sự gắn bó tuyệt đối với sự sống. Nếu tiếp tục sống như thế, tinh thần của chúng ta cũng sẽ suy sụp từ sớm trước khi cuộc sống thể xác của chúng ta kết thúc.
Chúng ta đã đề cập đến những loại hoạt động hằng ngày giúp chúng ta cảm thấy giàu sức sống hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên bắt đầu chạy bộ nhiều hơn bất cứ khi nào có thời gian rảnh hoặc tìm kiếm những người bạn thú vị nhất để giúp chúng ta luôn cảm thấy vui vẻ. Các hoạt động và sự kiện bên ngoài có thể khiến chúng ta cảm thấy ham chơi và hào hứng, chúng cũng có thể kéo chúng ta xuống theo cách tương tự. Mỗi ngày chúng ta đều cảm thấy bị các sự kiện xung quanh vùi dập: Ăn trưa với một người bạn? Chúng ta cảm thấy vui vẻ. Ai đó làm ta mất mặt ở chỗ làm? Ta thấy chán nản. Chạy bộ trong một buổi sáng thời tiết hoàn hảo? Chúng ta thấy ngất ngây. Bị trật mắt cá chân? Ta đau đớn. Những thái cực cảm xúc này chính xác là những gì mà Nội nghiệp nói rằng sẽ khiến chúng ta hao mòn sinh khí, kiệt sức, và cạn kiệt tinh thần.
Tất nhiên, ai cũng biết rằng những sự kiện buồn sẽ gây nên cảm xúc tiêu cực và làm chúng ta kiệt quệ. Nhưng ngay cả những sự kiện thú vị và vui vẻ cũng không tốt cho chúng ta nếu chúng ta phải phụ thuộc vào đó để cảm nhận được luồng năng lượng.
Các sự kiện gây kích hoạt cảm xúc dù thuộc bất kỳ loại nào – khiến chúng ta choáng váng, ghen tức hay điên tiết – thì cũng đều là ngoại thân. Cảm xúc của chúng ta đến và đi theo những thứ xảy ra xung quanh, và bất kỳ cảm giác sống động nào chúng ta có thể trải qua đều không là bất biến. Nhưng những ngoại cảnh này không phải là thứ làm chúng ta nhảy từ hạnh phúc sang buồn bã và ngược lại. Điều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta chính là nuôi dưỡng sự cân bằng và kiên định, hay sự ổn định bên trong. Đó mới là nền tảng để chúng ta không bị tổn thương trước những việc không thể tránh khỏi xảy ra mỗi ngày.
Nuôi dưỡng sự cân bằng và ngăn nắp
Bất hỷ bất nộ, bình chính thiện hung.****
(Không vui không giận, là cân bằng và ngăn nắp ngự trong lồng ngực.)
**** Sách Quản Tử, phần Nội Nghiệp , bài 7.
Nội nghiệp cho rằng thế giới trải nghiệm của chúng ta bao gồm những thứ riêng biệt thường ít tương tác với nhau. Chúng gồm có con người và các mối quan hệ mong manh, không hoàn hảo. Nhưng tác phẩm cổ này cũng mô tả một Đạo ẩn bên dưới, trong đó mọi thứ được kết nối. Càng nhiều thứ rời rạc của thế giới tương tác tốt, cộng hưởng với nhau, thì chúng càng gần hơn với Đạo. Chúng ta đến gần hơn với Đạo và gia tăng các cảm giác về sự sống khi nuôi dưỡng được khả năng cân bằng. Càng ổn định, chúng ta càng có khả năng điều chỉnh và nắm giữ những khí tốt.
Giống như những tác phẩm chúng ta đã bàn luận từ đầu sách đến giờ, Nội nghiệp dễ dàng chuyển từ những ý tưởng lớn lao, siêu việt sang những vấn đề mà chúng ta sẽ coi là trần tục quá mức. Nhưng chính những thứ cụ thể, bình thường ấy lại là phương tiện thiết yếu để điều luyện khí. Vì tất cả các bộ phận của chúng ta, cơ thể và tâm trí, đều được tạo thành từ khí, việc điều luyện cơ thể sẽ giúp điều luyện tâm trí và ngược lại. Tất cả mọi thứ chúng ta làm để điều luyện một trong những phạm vi này sẽ biến đổi toàn bộ con người chúng ta sang một vị thế cân bằng và ổn định hơn.
Đó là lý do tại sao nhiều đoạn trong Nội nghiệp khuyến khích chúng ta đặt toàn bộ sự chú ý, theo nghĩa đen, vào cơ thể chúng ta: từ việc phải đứng thẳng, dáng điệu đúng, để khí có thể lưu thông xuyên suốt; thường xuyên tập thở sâu, để hơi thở cân bằng, đi sâu vào ngực chúng ta; ăn uống thường xuyên nhưng điều độ, để giữ cho khí không thay đổi. Chúng ta có thể nghĩ rằng đứng thẳng hay nằm dài trên trường kỷ, không chú ý đến việc hít thở, hoặc có bỏ bữa trưa vài ngày liên tiếp thì cũng chẳng quan trọng gì. Nhưng những gì chúng ta nghĩ về việc điều luyện thể chất sẽ chịu trách nhiệm cho việc nuôi dưỡng sự ổn định cảm xúc.
Đồng thời, chúng ta cũng không nên tập trung quá mức vào riêng vấn đề sức khỏe thể chất, chẳng hạn như cứ bị ám ảnh bởi các món sinh tố rau xanh và chế độ ăn thuần chay làm ảnh hưởng đến việc nhớ phải hít thở sâu một cách thường xuyên. Chúng ta nên chú tâm duy trì tất cả các lĩnh vực này một cách cân bằng. Sự ngăn nắp mà phương pháp này mang lại cho cơ thể vật chất của chúng ta cho phép chúng ta có thể tiếp nhận một dạng khí cao hơn.
Cân bằng các lĩnh vực khác nhau cũng giúp hỗ trợ cảm xúc. Nhiều người đi tìm sự thanh bình bằng cách tạm lánh khỏi thế giới, tránh bị những kiểu vướng mắc khác nhau gây nên cảm giác khó chịu. Thế là chúng ta nghỉ giải lao, xem phim, đi nghỉ mát hoặc lui về sống ẩn dật. Đó là cách chúng ta cố gắng lấy lại cân bằng. Nhưng chúng ta luôn luôn có thể trải nghiệm sự cân bằng – trong khi vẫn hoàn toàn ở trong thế giới – bằng cách điều chỉnh những ham muốn bốc đồng của mình và thận trọng với những thăng trầm đi kèm với tức giận quá mức hay thậm chí là vui sướng quá mức.
Nhiều người nghĩ rằng hòa hợp là một hành động nhất thời, chẳng hạn như đưa những người đang bất đồng về cách giải quyết một vấn đề đi đến một sự đồng thuận. Nhưng Ngũ hành, một trước tác khác về việc tu dưỡng từ thế kỷ 4 trước Công nguyên, đã mở rộng các bài học trong Nội nghiệp bằng cách dạy rằng không chỉ chúng ta làm cho các yếu tố riêng rẽ, rời rạc trở nên hài hòa từ bên trong mà còn phải làm điều này liên tục.
Theo Ngũ hành, mỗi người trong chúng ta đều có năm đức tính tiềm năng cần được tu dưỡng: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Mỗi đức tính trong số này giúp chúng ta tinh luyện những khía cạnh tốt hơn của bản thân. Nhưng chúng sẽ trở thành một vấn đề cần phải bàn nếu chúng ta cố gắng phát triển một đức tính theo cách có thể gây hại cho người khác. Đó là khi bạn quá dư thừa đức nhân, khao khát đức lễ quá mức, gắn bó với đức nghĩa và phụ thuộc quá nhiều vào đức trí. Nếu chúng ta luôn gắn kết với người khác bằng cách thể hiện đức nhân, chúng ta sẽ dễ tỏ ra lố bịch trong một số tình huống. Nếu chúng ta quá quan tâm đến nghĩa, chúng ta có thể trở nên quá trang trọng và xa cách. Nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào việc thu thập tri thức, chúng ta có thể trở nên quá lãnh đạm. Và tập trung quá nhiều vào lễ có thể khiến chúng ta quá thiên về quy tắc và ngăn chúng ta nhìn thấy được toàn cảnh.
Không một đức tính nào là một chuẩn mực tuyệt đối cho con người vươn tới. Thay vào đó, chúng ta phải không ngừng tu dưỡng bản thân để những đức tính này điều chỉnh lẫn nhau. Nếu bạn có xu hướng tập trung quá nhiều vào việc cư xử sao cho thích đáng với đồng nghiệp, bạn có thể lựa chọn thả lỏng hơn và tỏ ra ấm áp hơn một chút. Nếu bạn thường xuyên nghiên cứu toàn diện các thương vụ mới, bạn có thể kiềm chế xu hướng đó bằng cách tiến hành thương vụ tiếp theo một cách thận trọng mà không cần đọc mọi đánh giá của khách hàng ngoài kia. Chúng ta dành thời gian để luân chuyển các đức tính của mình với nhau và nhận ra mối quan hệ đan cài, thay đổi vô hạn giữa chúng, cũng như cách chúng làm nảy sinh nhiều khuynh hướng cảm xúc. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chúng ta chỉ có thể đạt được sự bất biến bằng cách liên tục giữ vững các phần luôn di động này. Đây là cách để chúng ta có được một vị thế ổn định hơn, không bị dao động về mặt cảm xúc, như vậy tinh thần sẽ lưu chuyển xuyên suốt bên trong chúng ta.
Điều chỉnh phản ứng với thế giới
Ở Trung Quốc cổ đại, một người muốn trở thành người có học thức thì trước hết phải học thuộc lòng một tập thơ có tên là Kinh Thi. Nó trở thành một phần sở học của người có giáo dục. Người ta học thuộc các bài thơ để trong bất kỳ tình huống nào – mùa xuân trôi qua, trong một cuộc tranh luận về hành xử, niềm vui khi có tình yêu mới, một người bạn qua đời – họ đều có thể trích dẫn những đoạn thơ mà những người xung quanh, vốn cũng đã thuộc các bài thơ ấy, sẽ hiểu.
Nhưng trọng điểm không phải là chỉ học thuộc các bài thơ và ngâm nga chúng một cách thụ động. Bạn còn phải tích cực rút ra tri thức từ các bài thơ, cách đọc tình huống của đời sống thực tế và tái tạo cả hai theo những cách sáng tạo. Khi học cách đánh giá các tình huống, rồi sau đó trích dẫn một câu thơ từ bối cảnh chung, hay đưa ra một lời ám chỉ phản trực quan, bạn sẽ gợi lên những phản ứng cảm xúc nhất định từ bản thân và người nghe, thay đổi tâm trạng của họ và nhờ đó chuyển đổi tình huống theo một hướng khác. Thơ ca trở thành một phương tiện quan trọng nữa để điều chỉnh phản ứng của ai đó với thế giới, bởi người ta được rèn luyện để cảm nhận được họ có thể sử dụng thơ ca để tác động đến người nghe tốt hơn như thế nào.
Âm nhạc cũng có tác dụng tương tự. Thông thường, âm nhạc được chơi và biểu diễn (như opera hay nhạc kịch), tái hiện những câu chuyện xúc động từ thời cổ đại. Người ta đã xem những buổi biểu diễn này từ khi còn nhỏ, và vốn âm nhạc ấy đã trở thành một phần trong kết cấu cuộc sống của họ. Ví dụ, nếu họ thấy mình cần phải dũng cảm đương đầu với một người nào đó, họ có thể nhớ đến cảm xúc khi nghe một vở nhạc Vũ*****, một tác phẩm nổi tiếng về một người đàn ông đạo đức dũng cảm chống lại sự chuyên quyền độc đoán của triều đại nhà Thương để trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Chu. Một vở nhạc như vậy truyền tải sự nhạy cảm cho họ; nó trở thành một phần của bản thân họ.
***** Ở đây tác giả không nói rõ đang đề cập đến một khúc hát về Chu Vũ Vương (vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Chu) hay đang nói đến Nhạc Vũ, một phần của Vũ Đạo Trung Quốc (nghệ thuật ca múa Trung Hoa cổ đại). Vũ Đạo Trung Quốc vốn được chia thành Vu Vũ, là các bài múa tôn giáo dùng trong cúng bái, và Nhạc Vũ là các bài ca múa phục vụ cho tầng lớp quý tộc và cả bình dân.
Âm nhạc và thơ ca là những phần quan trọng nếu muốn trở thành một người có học bởi vì chúng nuôi dưỡng một độ nhạy bình tĩnh nhất định:
Để không còn tức giận, không gì tốt hơn thơ;
Để lo lắng trôi xa, không gì tốt hơn nhạc.
Chúng giúp nuôi dưỡng khí bằng cách cho phép người ta nhận được từ chúng cảm giác nhạy bén, gắn kết hơn và cộng hưởng hơn với toàn bộ trải nghiệm chung của loài người. Chúng có thể tạo nên sự rõ ràng đến mức bất ngờ và đi đến chỗ thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa khi là một con người.
Chúng ta nuôi dưỡng khí của mình theo những cách tương tự khi biết kinh ngạc trước một bức tranh trong viện bảo tàng hay xúc động mạnh khi nghe một bản nhạc hay. Bất cứ điều gì gây sợ hãi cũng giúp điều chỉnh khí bằng cách luyện cho các giác quan phản ứng sâu sắc hơn với thế giới xung quanh. Khi nhận thức rõ hơn về thế giới ở tất cả các chiều kích của nó, chúng ta sẽ cởi mở hơn với tất cả những gì mình có thể cảm nhận thế giới và sẽ có khả năng phản ứng tốt hơn với nó.
Nghe một bản nhạc khiến chúng ta cảm động sẽ giúp tinh luyện trải nghiệm của chúng ta về cảm xúc con người. Chúng ta sẽ được tiếp nhận tất cả những trải nghiệm cuộc sống giúp nhà soạn nhạc làm nên bản nhạc ấy; cảm xúc của nhà soạn nhạc sẽ lưu lại một phần trong chúng ta. Chúng ta học được ý nghĩa của việc cảm nhận những cảm xúc đó mà không bị dao động. Chẳng hạn như, chúng ta có thể nghe các bài hát trong suốt sự nghiệp của Bob Dylan và cảm nhận được vòng cung một cuộc đời, vừa vĩ đại vừa cảm động. Khi phải đối mặt với việc mất đi một người thân thiết, nỗi tuyệt vọng của một người thân, niềm vui khi bước sang một chương mới trong đời, chúng ta có thể có một phản ứng sâu sắc hơn nếu từng lắng nghe những gì âm nhạc nói với chúng ta. Âm nhạc khơi sâu thêm cảm giác kết nối với tính nhân văn chung của chúng ta.
Thơ ca và văn chương có hiệu quả giống nhau, cho phép chúng ta phản ứng với thế giới theo những cách thức phong phú hơn. Với thơ ca, những cảm xúc nhất định sẽ xuất hiện khi chúng ta nghe những từ ngữ được đọc theo một nhịp điệu và trong những bối cảnh nhất định. Với văn chương, chúng ta được đưa qua những lát cắt thời gian rộng lớn hoặc trải nghiệm từ nhiều khía cạnh khác nhau mà chúng ta không bao giờ có thể trải nghiệm trong cuộc sống thực. Kiến thức chúng ta có được giúp chúng ta tiếp cận theo một cách khác để gắn kết với thế giới vì nó cho phép chúng ta bước ra ngoài cuộc sống của chính mình để liên kết và đồng cảm tốt hơn với suối nguồn dào dạt kinh nghiệm của con người.
Điều này giúp điều luyện khí như thế nào? Âm nhạc, thơ ca, hội họa và văn chương bao gồm các yếu tố riêng biệt như từ ngữ, nốt nhạc, âm thanh, nhịp điệu và màu sắc. Càng đắm chìm vào chúng, chúng ta càng hiểu những thứ rời rạc cộng hưởng với nhau như thế nào, giống như khí cộng hưởng với khí. Chúng đại diện cho cách mà khí liên kết không ngừng với mọi dạng thức khí khác quanh nó – để tốt hơn hay tệ hơn.
Với hầu hết chúng ta thì sẽ là tệ hơn. Hầu hết mọi người tương tác với nhau ở mức độ chưa được tinh luyện; khí cấp thấp của chúng ta đâm sầm vào khí của những người khác. Khi sự tức giận hoặc phẫn uất bị kìm nén bên trong, khi chúng trở thành chế độ mặc định ngày qua ngày của chúng ta, chúng sẽ có xu hướng khơi gợi những năng lượng tiêu cực tương tự từ người khác. Những cảm xúc tồi tệ nhất của chúng ta sẽ làm lộ rõ những cảm xúc tồi tệ nhất của người khác, thúc đẩy một chuỗi các sự kiện tiêu cực.
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó làm xước xe của bạn trong bãi đậu xe, và bạn, vốn sẵn căng thẳng vì một buổi sáng đầy sóng gió, đã xỉ vả họ, khiến họ nổi điên vì chính bạn đậu xe quá tệ nên họ mới không thể tránh va vào xe của bạn. Trải nghiệm này sẽ khiến cả hai đều cảm thấy giận dữ. Nhưng nếu bạn không ngừng trau dồi bản thân để điều chỉnh khí của mình, bạn sẽ biến đổi mọi thứ tốt hơn. Bạn sẽ phản ứng với kịch bản ở bãi đậu xe bằng thái độ uyển chuyển và cảm thông, người kia nhiều khả năng sẽ hồi đáp với sự ăn năn hối lỗi và lịch sự, rồi cả hai bạn có thể rời khỏi đó với cảm giác thiện chí thay vì tức giận. Các bạn sẽ là hai con người tách biệt từng va chạm nhẹ với nhau và phản ứng với nhau bằng cách tốt nhất.
Tập trung khí như thể bạn là một bậc thánh thần
“Hóa bất dịch khí, biến bất dịch trí, duy chấp nhất chi quân tử năng vi thử hô.”******
(Biến hóa nhưng không thay đổi khí, biến đổi nhưng không thay đổi trí, chỉ có người quân tử mới làm được như vậy.)
****** Sách Quản Tử, phần Nội Nghiệp, bài số 4.
Khi bạn không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm xung quanh, khi các giác quan của bạn được điều luyện, và cơ thể bạn thẳng thớm và khỏe mạnh, bạn sẽ có được một trái tim điềm tĩnh. Đây là những gì cho phép toàn bộ con người bạn trở thành nơi chứa đựng tính, hay tinh thần:
“Định tâm tại trung, nhĩ mục thông minh, tứ chi kiên cố, khả dĩ vi tính xá.”*******
(Tâm trí ổn định tại thâm tâm, tai mắt tinh nhạy, tứ chi khỏe mạnh, đó mới là nơi tinh linh có thể trú ngụ.)
******* Sách Quản Tử, phần Nội Nghiệp, bài số 3.
Khí trở nên quá tinh tế và tập trung trong bạn đến nỗi bạn giống như một tinh thần được tạo nên từ khí của trật tự tối cao; loại khí cho phép một cuộc đời trường thọ và đầy sức sống. Vậy là bạn đã học được cách tập trung khí như thể bạn là một bậc thánh thần.
Nietzsche đã từng viết: “Nếu các giác quan của chúng ta đủ tốt, chúng ta sẽ nhận thấy vách đá đang ngủ say kia giống như là một khối hỗn độn đang nhảy múa”. Chúng ta sẽ nhìn ra cốt lõi của mọi thứ. Mặc dù ông quan niệm thần thánh là một thực thể đơn lẻ có ý chí quyền lực, nhưng tuyên bố vừa nêu lại có dấu vết của cách hiểu rằng thần linh có thể xuất hiện từ một nơi khác. Có một cách khác để sống và tác động đến thế giới: thông qua quan điểm rõ ràng tuyệt đối và sự nối kết của bạn với mọi thứ; với khả năng lôi cuốn hơn là thông qua sự áp chế của bạn.
Người có sức lôi cuốn không được sinh ra với khả năng biến đổi; họ được sinh ra với tiềm năng như vậy. Khi tiềm năng đó được phát huy, người có sức thuyết phục sẽ có khả năng thu hút người khác đến với mình bằng sức mạnh toát ra từ năng lượng của họ. Khi chúng ta ở cùng với một người tràn đầy năng lượng theo một cách tích cực và thú vị – một người chỉ bằng sự hiện diện của mình đã có thể tạo bầu không khí cho tất cả, người có niềm say mê với cuộc sống – chúng ta sẽ bị họ lôi cuốn. Năng lượng của họ mang tính lây lan. Sự lôi cuốn đó xuất phát từ tinh thần. Họ lôi cuốn bởi vì họ rất sống động và cộng hưởng với những người xung quanh. Khí đã được tinh luyện của họ gợi lên những điều tốt đẹp nhất của người khác và làm bật ra tinh thần của những người đó.
Nhưng trong khi Nội nghiệp gần như hoàn toàn nói về tu dưỡng, thì nó không nói về tự tu dưỡng. Một người có sức lôi cuốn sẽ không thể lôi cuốn chỉ vì bản thân họ có một tính cách quyến rũ, độc đáo. Họ không tự tu dưỡng bản thân. Họ đang tu dưỡng năng lượng; họ đang tu dưỡng khí. Họ lôi cuốn và tràn đầy sức sống bởi vì khí được tinh luyện cao độ bên trong họ đồng nhất với khí được tinh luyện cao độ tồn tại xung quanh. Nó có thể cộng hưởng với khí đó đến mức họ có thể thay đổi mọi thứ.
Chúng ta cũng có thể hình thành các mạng lưới kết nối và quan hệ với mọi người xung quanh bằng cách tu dưỡng tinh thần. Mọi người xung quanh có thể bị thu hút về phía chúng ta và được ta vun đắp thêm bởi cách chúng ta truyền năng lượng cho họ. Khi đã được biết đến là kiểu người như vậy, các mối quan hệ và sự kết nối của chúng ta sẽ phát triển. Chúng ta phát triển hơn nữa khả năng hồi đáp tốt nhất với mọi người. Nếu gặp ai đó đang bùng nổ vì ghen tị hay tức giận, hoặc ai đó đang mang gánh nặng của buồn khổ hay lo âu, chúng ta có thể không hồi đáp với những năng lượng đó mà với những khía cạnh khác của người đó, gợi ra những năng lượng lành mạnh hơn của họ. Và khi sức lôi cuốn của chúng ta tăng lên, thì giống như một tinh thần, chúng ta có thể kéo mọi thứ lại với nhau, hòa hợp mọi thứ và thay đổi mọi loại tình huống. Nội nghiệp nói rằng sự kết nối đầy năng lượng này với tất cả mọi thứ chính là Đạo.
Đây là một khái niệm khác về lực và sức sống. Các vị thần hoạt động bằng cách cộng hưởng với thế giới, chứ không phải bằng cách áp đặt ý chí lên nó. Các vị không tác động đến thế giới bằng cách làm những điều mà chúng ta có xu hướng nghĩ là tích cực và mạnh mẽ, mà bằng cách nhìn mọi thứ với sự rõ ràng rành mạch, hành xử một cách hoàn hảo mà không rơi vào những kiểu phản ứng khuôn mẫu, và thông qua những thay đổi nhỏ, họ cộng hưởng với mọi thứ xung quanh. Những quan niệm về năng lượng như vậy mang lại cho chúng ta một cách nghĩ về việc chuyển từ một thế giới với vô vàn những thứ rời rạc sang một thế giới mà trong đó mọi thứ hài hòa hơn bao giờ hết. Càng có nhiều khí cộng hưởng, chúng ta càng có thể làm những gì mà các thần linh có thể làm, ngay cả trong thế giới lộn xộn, tạp nham nơi trần thế.
Khổng Tử và Mạnh Tử xây dựng học thuyết dựa trên cách mà con người có thể sống trọn vẹn nhất có thể. Tác giả của Nội nghiệp nói rằng chúng ta có thể thần thánh hóa bản thân và đó chính là cách để sống tốt.
Nhưng bây giờ đến một triết gia khác, Trang Tử, người mà thay vì cố gắng thần thánh hóa loài người, đã kêu gọi họ vượt khỏi cõi người hoàn toàn.