H
ãy tưởng tượng bạn đang băng qua một khu rừng. Đó là một chiều hè rực rỡ, mặt trời chiếu xuyên qua đám lá non rung rinh. Phía xa xa, bạn thấy một cây sồi vĩ đại, sừng sững cao vượt lên trên những cây khác. Nó cao đến nỗi bạn gần như không nhìn thấy được phần ngọn. Cách đó vài mét là một cây non nhỏ xíu, mọc dưới bóng râm của cây lớn. Sự chênh lệch đó khiến bạn thấy cây lớn là mạnh mẽ, vững chắc, uy quyền và cây non thì yếu ớt và dễ bị tổn thương.
Nhưng khi một cơn bão ập đến, mặt đất rừng sẽ tràn ngập những cành gãy từ cây lớn. Cây sồi lớn có thể không chịu được gió, mưa và sấm chớp của một cơn bão dữ dội. Cuối cùng, nó đổ nhào xuống đất, nhưng cái cây con kia thì còn nguyên. Tại sao? Cây con ấy đã uốn mình và nghiêng theo chiều gió; nó dẻo dai và mềm mại, và sẽ lại đứng thẳng khi cơn bão tan. Chính điểm yếu của nó là thứ đã cho phép nó phát triển và chiếm ưu thế.
Chúng ta được dạy, và vì thế tin rằng để có uy thế, chúng ta phải mạnh mẽ và quyền lực như cây sồi cao trong rừng kia. Chúng ta phải khẳng định bản thân một cách thuyết phục, thậm chí uốn cong người khác theo ý muốn của mình.
Nhưng có một công thức khác để gây ảnh hưởng tồn tại trong các văn bản triết học Trung Quốc như sách Lão Tử, còn được gọi là Đạo đức kinh. Nó bắt nguồn từ việc đánh giá cao sức mạnh của sự mềm yếu (nhu) bề ngoài, hiểu được những cạm bẫy của sự khác biệt và nhìn nhận thế giới này là mối tương quan với nhau. Thay vì nghĩ rằng sức mạnh đến từ sự mạnh mẽ vượt trội (cương), chúng ta có thể hiểu rằng sức mạnh đích thực đến từ việc hiểu được những kết nối giữa các sự vật, hoàn cảnh và con người khác nhau. Những điều này xuất phát từ việc hiểu được cái mà Lão Tử gọi là Đạo. Cái cây con trong ví dụ ở trên thắng thế là vì nó gần với Đạo.
Nhưng một cây con thì rốt cuộc cũng chỉ là một cây con. Nó đong đưa theo gió và lớn lên một cách vô thức. Còn con người chúng ta thì có thể làm nhiều hơn thế. Chúng ta không chỉ có khả năng hiểu được những kết nối mà còn có thể tạo nên những kết nối mới để sinh ra những thực tế và thế giới hoàn toàn mới. Trở thành kiến trúc sư của những thế giới này chính là cách chúng ta trở nên mạnh mẽ.
Lão Tử và Đạo
Lão Tử, nhà tư tưởng Trung Quốc được cho là đã viết sách Lão Tử, là một nhân vật bí ẩn. Chúng ta không biết ông sống vào thời gian nào, thậm chí người ta còn tranh cãi về việc Lão Tử có phải là tên của một con người có thật hay không. Lão Tử trong tiếng Trung đơn giản có nghĩa là “vị thầy già”, một từ chung chung có thể dùng để chỉ bất cứ ai. Nhưng trong các thời đại sau này, người ta đã cố gắng xác định tác giả của văn bản đầy sức thuyết phục này. Cuối cùng, ông được mô tả là một nhà hiền triết vĩ đại sống trước cả Khổng Tử; một số câu chuyện hoang đường nhất còn kể rằng ông sống đến ba trăm tuổi, có người thậm chí còn tuyên bố là cuối đời ông đã du hành sang Ấn Độ, nơi mà ông được gọi là Đức Phật. Lão Tử cũng được biết đến như là người sáng lập ra một trường phái tư tưởng, sau đó đã trở thành một phong trào tôn giáo toàn diện, gọi là Đạo giáo. Một truyền thuyết còn mô tả Lão Tử giống như là một vị thần thực sự, một vị thần tạo ra vũ trụ, và những lời mặc khải của ông về sau được tập hợp thành sách Lão Tử.
Nhưng Lão Tử không phải là người sáng lập Đạo giáo. Thuật ngữ Đạo giáo mãi vài thế kỷ sau khi sách Lão Tử được viết mới xuất hiện. Lý do khiến người đời sau xem Lão Tử là người sáng lập ra Đạo giáo là vì cuốn sách của ông thường xuyên đề cập về Đạo.
Hầu hết chúng ta, nếu từng nghe nói về Đạo, đều có những khái niệm mơ hồ về nó. Hãy nghĩ về một bức tranh thủy mặc Trung Quốc: cọ và mực khéo léo họa nên hình ảnh những ngọn núi phủ sương mờ ảo với cây cối và thỉnh thoảng có cả con người, quá bé nhỏ nên gần như không thể nhìn thấy – một lãng khách tìm được niềm khuây khỏa trong sự bao la của thế giới tự nhiên. Ở phương Tây, chúng ta có xu hướng diễn giải những bức tranh này là đại diện cho việc con người tìm cách rời bỏ xã hội và tìm kiếm sự hài hòa trong thiên nhiên. Những bức tranh này dường như đang mô tả một thế giới bất biến, nơi con người phải điều chỉnh bản thân để đạt được sự tĩnh tại và thanh bình nội tâm.
Đây là cách mà Đạo thường được nhìn nhận: như một tư tưởng “thoát tục”; sự hoàn hảo tự nhiên tồn tại bên ngoài chúng ta; và cùng với nó, chúng ta cần quay lại với sự hòa hợp. Đối với nhiều người, sách Lão Tử dường như là tiếng vọng của “thời đại hoàng kim” thực tế pha lẫn huyền thoại, thời mà cuộc sống trong sạch và đơn giản hơn, con người thì giống như những lãng khách trong bức tranh thủy mặc ấy: đồng điệu với thế giới tự nhiên, có thể hiểu được bản chất của mọi thứ, và gần gũi với Đạo.
Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ bắt nguồn từ thế kỷ 19, khi phương Tây tuyên bố rằng mình mới là hiện đại và phương Đông chỉ là cái nền của nó. Cách hiểu này liên quan nhiều đến sự lãng mạn hóa của thời đại chúng ta đối với những gì chúng ta coi là quan niệm truyền thống của Trung Quốc về sự hài hòa và tĩnh tại, hơn là liên quan đến nội dung sách Lão Tử.
Sách Lão Tử không bảo rằng chúng ta chỉ nên theo một khuôn mẫu hài hòa là phải “thoát tục” ở đâu đó, và rằng chúng ta có thể đạt được điều đó tốt hơn bằng cách làm một chuyến du hành hay quay trở về những con đường nguyên thủy xa xưa. Nó không nói rằng chúng ta nên cố gắng chấp nhận và tĩnh tại. Nó dạy chúng ta một quan niệm rất khác, rằng Đạo là thứ mà chúng ta có thể chủ động tự tạo ra, ở đây và ngay lúc này. Mỗi chúng ta đều có tiềm năng tác động và gây ảnh hưởng trong việc biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống. Chúng ta có thể tái tạo Đạo.
Tái tạo Đạo
Đối với Lão Tử, Đạo là trạng thái nguyên sơ, không mô tả được và không phân biệt được, có trước mọi thứ. Nó là:
“Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh.” *
(Có một vật hỗn độn sinh ra trước cả trời đất.) **
* Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 25.
** Những phần dịch Đạo Đức Kinh trong cuốn sách này có tham khảo từ quyển Lão Tử - Đạo Đức Kinh của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Chính là từ đó mà mọi thứ trong vũ trụ sinh ra và đó là nơi mọi thứ trong vũ trụ quay trở lại.
Và nó tồn tại ở nhiều cấp độ. Ở cấp độ trần tục, Đạo gần giống với mặt đất. Hãy nghĩ về một ngọn cỏ mọc lên từ đất. Khi nó lớn lên, nó trở nên khác biệt và dễ nhận ra hơn, rồi càng cao thêm, nó lại càng trở nên xa cách với Đạo hơn. Đây là lý do tại sao một cây non sẽ gần với Đạo hơn là cây sồi trưởng thành. Nhưng khi tất cả những thứ mọc lên từ đất chết đi, chúng sẽ lại quay về đất, hay Đạo:
“Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục.
Phù vật vân vân, các quy kỳ căn.”***
([Xem] vạn vật sinh trưởng, ta thấy được quy luật phản phục [vạn vật sinh ra từ vô rồi trở về vô].
Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng [tức Đạo].)
*** Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 16.
Ở cấp độ mang tính vũ trụ hơn, Đạo gần giống với những gì các nhà vật lý hiện đại sẽ nói là đã tồn tại trước Vụ Nổ Lớn (Big Bang), trước khi các vì sao và các thiên hà xuất hiện, và vũ trụ trở nên khác biệt. Chỉ sau Vụ Nổ Lớn, vũ trụ mới trở thành một hệ các yếu tố khác nhau, được chi phối bởi các quy luật không gian, thời gian và quan hệ nhân quả. Đây là những quy luật xuất hiện tự nhiên với chúng ta, chúng ta không thể thay đổi hoặc kiểm soát. Đây là một vũ trụ mà chúng ta đơn giản là phải sống trong đó. Đến một lúc nào đó, lý thuyết này trình bày tiếp, tất cả những thứ khác nhau này lại trở về với hư vô một lần nữa.
Nhưng ở cấp độ vĩ đại nhất, sách Lão Tử tập trung vào nơi mà mọi thứ, ở mọi thời điểm, ra đời trước khi chúng trở nên khác biệt. Tác phẩm này so sánh Đạo với một người mẹ sinh ra “vạn vật” – nghĩa là tất cả mọi thứ trong vũ trụ. Mọi thứ trong vũ trụ ban đầu khi mới chào đời đều mềm mại và dễ uốn nắn. Vạn vật đó, khi mới xuất hiện, cũng hệt như trẻ nhỏ. Giống như một cây con hoặc một ngọn cỏ, chúng mềm mại và dễ uốn nắn bởi vì chúng vẫn rất gần với Đạo. Nhưng khi thời gian trôi qua, chúng trở nên cứng nhắc và khác biệt khỏi những thứ khác.
Chúng ta càng thấy thế giới này có tính khác biệt là chúng ta càng rời xa Đạo. Chúng ta càng thấy thế giới này liên kết với nhau, chúng ta càng gần với Đạo. Chúng ta có được sức mạnh nhờ trở nên gần gũi hơn với Đạo, bởi vì chúng ta có thể khai thác sức mạnh của sự mềm dẻo.
Chúng ta không thể tạo ra các quy luật tự nhiên mới cho vũ trụ. Nhưng Đạo không chỉ là về những điều xảy ra ở cấp độ vũ trụ. Ở mức độ trần tục nhất trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, các tình huống mới vẫn liên tục xuất hiện và mỗi người giống như một thế giới thu nhỏ sinh ra từ Đạo. Nếu chúng ta hiểu được quá trình của những thứ sinh ra từ Đạo, thì thay vì chỉ đơn giản là sống trong tất cả những tình huống và thế giới này, chúng ta có thể có được sức mạnh để thay đổi chúng. Trong những thế giới mang tính xã hội của mình, chúng ta có thể tạo nên những tương tác, hoàn cảnh và hiểu biết mới.
Khi hiểu được cách làm điều đó, chúng ta có thể vượt khỏi vai trò một đứa con; chúng ta có thể trở thành người mẹ. Chúng ta sinh ra những hiện thực mới:
“Thiên hạ hữu thủy, dĩ vi thiên hạ mẫu.
Ký đắc kỳ mẫu, dĩ tri kỳ tử, ký tri kỳ tử, phúc thủ kỳ mẫu, một thân bất đãi.”****
(Vạn vật đều có một nguồn gốc [Đạo], nguồn gốc đó là mẹ của vạn vật. Nắm được mẹ [hiểu được Đạo], là có thể biết được con [vạn vật], biết được con, có thể quay lại giữ được mẹ, thì suốt đời không gặp nguy gì nữa.)
**** Đạo Đức Kinh, thiên Hạ, bài 52.
Thay vì chỉ đơn thuần là một trong vạn vật trôi nổi trong vũ trụ này, một khi hiểu được cách thế giới vận hành, chúng ta sẽ thực sự luôn luôn có được sức mạnh để tái tạo Đạo trong từng khoảnh khắc.
Những phân biệt giả trá
Để tái tạo Đạo trong tất cả các tình huống của cuộc sống, chúng ta phải nhận ra rằng cấp bậc những sự phân biệt tràn ngập trong trải nghiệm của chúng ta thực ra là không có thật. Chẳng hạn như, nhiều người quen thuộc với các triết thuyết châu Á hiểu rằng họ đang ủng hộ một kiểu ẩn cư hay sống tách biệt; rằng để đạt được sự giác ngộ huyền bí thì chúng ta cần phải bỏ lại cuộc sống bình thường và lên núi ẩn tu. Chỉ khi thoát khỏi cuộc sống trần tục, chúng ta mới có thể trở thành nhất thể với Đạo khi suy ngẫm về con đường đi đến hạnh phúc nội tâm và hiểu được bản thân. Có thể bạn có một người bạn đã từng tham gia một khóa thiền tịnh ngôn Vipassana mười ngày*****. Có thể từ lâu bạn đã muốn thoát khỏi cuộc sống của mình và làm một chuyến đi bộ dài ngày trên đường mòn Appalachian******. Có thể bạn mong chờ một chuyến đi dạo dài trên bãi biển hoặc lớp yoga hàng tuần của bạn. Nhưng những ai lên núi tĩnh tâm và thiền định thì, rồi cuối cùng cũng phải trở về với cuộc sống bình thường, bỏ lại phía sau cảm giác thoảng qua về sự kết nối sâu sắc hơn với thế giới.
***** Một loại thiền của Phật giáo Nguyên thủy, mỗi khóa diễn ra trong mười ngày với nội quy chủ yếu là hoàn toàn giữ im lặng và hành thiền ít nhất tám tiếng mỗi ngày.
****** Là con đường nằm trên dãy núi Appalachian của Mỹ, dài hơn 3.500 km.
Hầu hết chúng ta sống ở những địa hạt khác biệt đến đối lập – làm việc và giải trí, nghề nghiệp và đời sống riêng, huyền bí và thực tế, ngày thường và cuối tuần – đến mức chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy cuộc sống của mình bị phân chia. Một chuyến dạo chơi trong rừng cuối tuần cho cảm giác hoàn toàn tách biệt với công việc văn phòng vào sáng thứ Hai. Mặc dù kỳ nghỉ cuối tuần làm chúng ta thấy mình trẻ lại, thậm chí hiệu quả của nó còn kéo dài được một thời gian, nhưng chúng lại tồn tại ở một địa hạt nằm bên ngoài cuộc sống thực tế của những ngày làm việc của chúng ta.
Nhưng bằng việc phân chia cuộc đời và tin rằng những khía cạnh trong đời sống không liên quan đến nhau, chúng ta đã tự hạn chế những gì mình có khả năng làm được. Sách Lão Tử nói rằng không chỉ sự giác ngộ huyền bí và cuộc sống hàng ngày của chúng ta có liên quan với nhau, mà khi tách biệt chúng ra như vậy, thì về cơ bản chúng ta đã hiểu sai hết cả hai.
Dù chúng ta nghĩ một chuyến đi dạo trong rừng làm trẻ người ra vào dịp cuối tuần chính là cách tái kết nối với thế giới và với chính mình, nhưng thái độ này lại dẫn chúng ta đến chỗ xa cách hơn với cả hai. Chúng ta cần nghĩ về cuộc sống thường ngày theo cách khác đi. Đạo không phải là thứ mà chúng ta có thể đạt được khi đi dạo trong rừng vào cuối tuần. Nó là thứ mà chúng ta phải tích cực tạo nên thông qua những mối tương tác hằng ngày.
Chúng ta còn nhiều sự phân biệt nữa trong các địa hạt khác của đời sống. Các tham vọng và mục tiêu thường khiến chúng ta cạnh tranh với những người xung quanh, chia rẽ chúng ta khỏi họ. Hoặc chúng ta có thể có những niềm tin mạnh mẽ về đạo đức; chúng ta chắc chắn là mình tuyệt đối đúng trong những quan điểm về tôn giáo có trật tự hay thử nghiệm được chuẩn hóa, phá thai hay trợ tử là việc chúng ta khó chấp nhận hơn so với những người khác, dựng lên những bức tường không thể vượt qua giữa chúng ta và họ.
Nhắc lại lần nữa, tạo ra những phân biệt dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là đi ngược với Đạo. Như sách Lão Tử đã dạy, có những mối nguy trong sự phân biệt, dù những sự phân biệt ấy hiện thân bằng đạo đức và lẽ phải:
“Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa. Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy.”*******
(Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân và nghĩa. Trí xảo xuất hiện rồi mới có trá nguy.)********
******* Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 18.
******** Ý nói: Đạo lớn thì tự nhiên, vô tâm, coi vạn vật như nhau; nhân nghĩa thì hữu tâm, yêu vạn vật mà có sự suy tính, phân biệt.
Sách Lão Tử kiên quyết trong việc bác bỏ tất cả sự phân biệt đến nỗi ngay cả các giáo lý Khổng giáo kinh điển – nhân, trí – cũng bị coi là thứ nguy hiểm vì cách chúng ngay lập tức gợi lên sự phân biệt trong chừng mực nào đấy. Khát khao đức nhân có nghĩa là thừa nhận ngay khả năng cái đối nghịch của nó cũng đang tồn tại trên thế giới này. Kiểu suy nghĩ này dẫn chúng ta rời xa Đạo, một trạng thái trong đó mọi thứ đều liên quan với nhau, không có sự phân biệt.
Thậm chí chúng ta có xu hướng đọc sách Lão Tử theo một cách phân biệt và tách rời. Cuốn sách này cực kỳ phổ biến, nó là một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất trên thế giới, và người ta gần như lúc nào cũng đọc nó theo nhiều cách khác nhau: như một tác phẩm vĩ đại của triết học thần bí, như một tác phẩm về đường lối chính trị dạy cho chúng ta các bí mật của những nhà lãnh đạo vĩ đại, như một bản tuyên ngôn về nghệ thuật quân sự, hay một hướng dẫn kinh doanh. Mặc dù mỗi cách hiểu này đều chính xác theo một nghĩa nào đó, nhưng tất cả đều bị giới hạn. Nếu bạn đọc văn bản này như là một tác phẩm vĩ đại của triết học huyền bí, bạn sẽ chỉ tập trung vào những đoạn nghe có vẻ huyền bí về Đạo mà bỏ qua những đoạn hướng dẫn trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Nếu bạn đọc cuốn sách này như một chỉ dẫn để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại, bạn sẽ bỏ qua những đoạn như “Cốc thần bất tử” (Thần hang bất tử********) vì chúng quá khó hiểu và không liên quan gì. Suy cho cùng, chẳng phải trở thành một nhà hiền triết thần bí hoàn toàn không tương hợp với việc trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại sao?
******** Đạo Đức Kinh nói rằng Thần hang tượng trưng cho đạo, thể của nó là hư vô nên gọi là hang, dụng của nó là vô cùng nên gọi là thần, vô sinh hữu, hữu sinh vạn vật, nên gọi là Mẹ nhiệm màu.
Nhưng đọc sách Lão Tử như một cuốn sách hướng dẫn về thuật lãnh đạo hay một tác phẩm thần bí là chỉ nhìn thấy được một phần của toàn cảnh. Một nhà hiền triết thần bí và một nhà lãnh đạo thực ra không phải là hai điều tách biệt. Nhà hiền triết thần bí cũng là một nhà lãnh đạo hiệu quả; nhà lãnh đạo hiệu quả cũng là một nhà hiền triết thần bí. Nếu không đọc các đoạn có vẻ tách biệt này theo kiểu chúng có liên quan với nhau, thì chúng ta đang bỏ lỡ một phần cốt yếu trong lập luận của sách Lão Tử: rằng chúng ta đọc hiệu quả nhất khi chúng ta cố gắng không nhìn cuốn sách này, bản thân chúng ta và thế giới như là những thứ tách biệt và khác nhau.
Chúng ta có thể cố gắng nắm bắt bằng kinh nghiệm ý tưởng về sự kết nối, nhưng chính xác thì làm thế nào để tránh được những phân chia không có thật trong thực tế? Hãy xem xét những ví dụ cực kỳ đời thường mà trong đó, chúng ta đang hành động theo kiểu Lão Tử mà không hề nhận ra.
Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc với một cấp trên khó tính, một người đòi hỏi khắt khe và hay thay đổi. Ông ta dường như có những kỳ vọng vô lý về bạn, nhưng lại không đưa ra hướng dẫn rõ ràng hoặc sự phản hồi mà bạn cần. Nhưng nếu bắt đầu cố gắng tìm ra những gì ẩn sau lối cư xử ông ta dành cho bạn, bạn có thể nghĩ ra cách để thay đổi toàn bộ mối quan hệ theo một chiều hướng khác. Chẳng hạn như, ngay cả khi người sếp tỏ ra kiêu ngạo hay hạ thấp bạn, bạn cũng có thể thấy điều đó là do ông ấy cảm thấy bất an. Bằng việc lặng lẽ quan sát bức tranh toàn diện hơn, bạn có thể xét đến khả năng liệu có điều gì đó ở bạn đã gợi lên sự bất an đó hay không: có thể bạn có một kỹ năng khiến ông ấy cảm thấy bị cạnh tranh, hoặc một điểm yếu mà ông ấy cảm thấy có thể khai thác được. Liệu có điều gì bạn đang làm lại vô tình nuôi dưỡng động cơ đó của ông ấy không, và bạn có thể làm gì để thay đổi? Bạn có thể nhận thấy ông ấy đặc biệt hằn học hay tỏ ra khó chịu sau khi bạn thực hiện một bài thuyết trình tuyệt vời – ngay cả khi đó là một trong những nhiệm vụ ông ấy giao cho bạn. Nhưng tất nhiên lùi bước lại để ông ấy không cảm thấy bị đe dọa không phải là câu trả lời. Nếu muốn tiếp tục làm việc tốt mà không bị cuốn vào sự cạnh tranh với ông ấy, trước khi thực hiện bài thuyết trình tiếp theo, bạn có thể thử hỏi xin lời khuyên từ ông ấy về một khía cạnh nhỏ nào đó trong bài, để ông ấy thấy bạn là một người muốn học hỏi vốn kinh nghiệm dày dặn hơn từ ông. Những điều như thế sẽ giúp bạn thay đổi mối quan hệ một cách chậm rãi và thong thả theo thời gian, khiến người sếp không cảm thấy mình là một ông già có nguy cơ bị một tay cấp dưới sắc sảo và đầy triển vọng hất cẳng, mà như một người cố vấn lão luyện giúp cho một đồng nghiệp phát triển và thành công.
Hoặc giả sử bạn đang trong vai trò cha mẹ và ba đứa con của bạn vừa từ trường trở về trong một ngày tuyết rơi. Hai đứa trong số chúng đang cãi nhau và bầu không khí trong phòng khách nhà bạn cực kỳ căng thẳng. Bạn xen vào cuộc tranh cãi và buộc chúng cư xử đàng hoàng. Bạn có thể đưa ra một kiểu hối lộ nào đó hoặc cố làm chúng phân tâm, hay đơn giản là bắt chúng đi về phòng. Nhưng thay vì phản ứng trực tiếp với cuộc cãi vã – một chiến lược sẽ ngay lập tức tạo ra sự cách biệt trong chừng mực nào đấy và gây ra chia rẽ – bạn có thể giải quyết chuyện này hiệu quả hơn nếu cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra giữa hai đứa, rồi thay đổi thái độ trong phòng để xoay chuyển những gì đang xảy ra. Điều này có nghĩa là nhìn qua những cảm xúc hiện tại (nổi quạu và cáu kỉnh) để hiểu những cảm xúc đã gây nên chuyện nằm ẩn bên dưới: có thể con gái bạn làm vậy vì nhớ bạn bè ở trường, hay con trai bạn cảm thấy bị bỏ rơi vì sáng đó bạn đã tỏ ra thờ ơ. Bạn hít một hơi thật sâu rồi dùng thái độ bình tĩnh, giọng nói nhẹ nhàng và ngôn ngữ cơ thể trấn an để tạo ra một bầu không khí khác. Khi bạn đặt mình xuống ngang bằng với các con và thực sự nắm bắt được điều chúng đang cảm thấy, bạn sẽ dễ dàng hiểu mình nên làm gì để gợi lên khía cạnh khác của một đứa trẻ, rồi chính điều đó sẽ thay đổi động cơ của mối bất hòa giữa nó với các anh em. Bạn trở nên có khả năng giải quyết toàn bộ bối cảnh đằng sau tình huống ấy.
Hoặc có thể bạn có một đứa con tuổi thiếu niên đang khước từ mọi sự bảo ban của bạn. Bạn tự hỏi làm sao để tác động đến cuộc đời con mình nhiều hơn mà không có vẻ hống hách, bởi vì tỏ ra hống hách sẽ chỉ khiến con xa cách bạn hơn. Nếu con bạn cảm nhận được sự kết nối thay vì sự bất hòa giữa hai người với nhau, nó sẽ đáp lại bạn nhiều hơn. Khi ý thức được sự cần thiết phải dần dần xây dựng kết nối lâu dài để có thể tạo nên bất kỳ ảnh hưởng nào, bạn sẽ bắt đầu nhận ra mình có thể làm gì: nhắn tin cho con trai thường xuyên hơn; thỉnh thoảng trò chuyện không phán xét về loại nhạc nó say mê; hoặc dành thời gian thường xuyên làm điều mà nó thực sự thích. Như vậy, bạn đang giới thiệu những lễ nghi mới theo ý nghĩa Khổng giáo: những lễ nghi “như thể” làm thay đổi động cơ không lành mạnh này, tạo cơ hội cho bạn và con trai có được một mối quan hệ khác đi. Khi làm như vậy, bạn đang tạo một hiện trạng mới cho các mối tương tác của mình. Những gì bạn đang làm là theo đường lối Lão Tử, mà trong đó không ai nhận ra bạn đã làm gì. Sự đổ vỡ sẽ lại liền một mảnh.
Khi mục đích của bạn là kết nối lại những sự việc, cảm xúc và con người khác hẳn nhau thay vì trực tiếp giải quyết vấn đề công khai, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được cách thay đổi môi trường và mối quan hệ trong cả hiện tại và về lâu dài. Bạn hiểu rõ hơn những gì có thể làm để tạo nên mối quan hệ dễ dàng với vị sếp tính cách thất thường của mình, tạo nên những mối liên kết giữa mấy đứa con hay gây gổ, hoặc bắt đầu tiếp cận đứa con trai tuổi thiếu niên đang xa cách bạn. Nếu bạn tiếp cận tất cả các tình huống này bằng cách suy nghĩ trước hết về một mưu kế để giải quyết vấn đề trực tiếp, thì bạn sẽ lỡ mất câu trả lời. Hành động của bạn – đối đầu, dỗ ngọt, mua chuộc, la mắng, phỉnh phờ, tỏ ra hống hách hoặc xâm phạm – sẽ tạo ra sự phân biệt giữa bạn và người mà bạn đang đối phó, đưa bạn vào một cuộc đấu tranh giành quyền lực gây chia rẽ sâu sắc.
Tất nhiên, tất cả điều này là lẽ thường. Chúng ta biết rằng việc đối đầu trực tiếp với những người khó tính hiếm khi dẫn đến mối quan hệ tốt đẹp hơn với họ. Chúng ta biết rằng phương pháp dạy con hợp lý là phải bình tĩnh, giúp mọi người bình tĩnh và không để cho sự căng thẳng của bạn làm tăng thêm sự căng thẳng vốn có. Nhưng lý do khiến phương pháp của Lão Tử có hiệu quả không chỉ là vì bạn ít ra mặt công khai hơn hay vì mọi người đều giữ được bình tĩnh. Nó hiệu quả bởi vì bạn đang tích cực kết nối lại những con người, những sự việc khác biệt theo một cách thức mới. Những kết nối khác biệt mà bạn xây dựng được ấy sẽ tạo ra một môi trường khác hẳn. Bạn đang xoa dịu những khác biệt đã gây chia rẽ bạn với người khác.
Một số yếu tố nhất định sẽ chi phối cách người ta hành động trong một tình huống cụ thể. Hiểu được chúng sẽ đem đến cho bạn một mức độ ảnh hưởng nhất định bằng cách nắm bắt được toàn bộ tình huống, nhưng bạn sẽ có được nhiều sức mạnh hơn nữa nếu là người bắt đầu tạo ra các tình huống mới hoàn toàn. Những người khác sau đó sẽ hành động theo kịch bản bạn đã tạo ra mà không hề hay biết bạn đã tạo ra nó.
Hãy nhớ rằng đối với Lão Tử, mọi thứ đều bắt nguồn từ Đạo. Khi giúp sức tạo nên những kết quả nhất định xung quanh mình, bạn không còn là người chỉ đơn thuần tuân theo Đạo. Khi thiết lập lại thái độ trong một bầu không khí nào đó và điều chỉnh lại các mối quan hệ trong cuộc sống của mình, bạn thực sự trở thành Đạo.
Sức mạnh nằm ở “nhu”
“Nhu nhược thắng cương cường.”********
(Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh.)
******** Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 36.
Khi chúng ta nhất quyết nhìn nhận thế giới là một tập hợp của những thứ phân biệt rõ ràng (căn phòng này, con chó kia, cái cốc của tôi, cuốn sách của bạn, bạn, tôi, họ), thì nghĩa là chúng ta tự khiến bản thân xa rời Đạo. Ngược lại, nếu chúng ta cảm nhận được mọi thứ có mối liên hệ với nhau và nhận ra rằng mọi thứ chúng ta làm sẽ ngay lập tức tác động đến người khác, thì chúng ta sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn. Một khi hiểu được mọi thứ kết nối với nhau ra sao và thấy rõ nghịch lý là trong sự mềm yếu (nhu) có nhiều sức mạnh hơn, thì chúng ta sẽ hiểu được cách tạo nên sự ảnh hưởng.
Điều này có thể khiến bạn thấy rối rắm; nhưng rốt cuộc, nền văn hóa của chúng ta vẫn coi trọng sức mạnh và tham vọng. Không có gì ngạc nhiên khi cuối cùng chúng ta vẫn tin rằng ở một mức độ nào đó, cách hiệu quả nhất để “vượt trội” là vượt qua người phía trước. Nếu không có ít nhất một vài sự cạnh tranh thì chúng ta sẽ lo lắng mình bị tụt hậu.
Ở đây, một lần nữa chúng ta có xu hướng rơi vào một sự phân rẽ giả trá: tham vọng đối đầu với thụ động, ý chí và sức mạnh đối đầu với sự yếu đuối. Trên thực tế, mặc dù nhiều người đọc sách Lão Tử nghĩ rằng cuốn sách ấy bảo chúng ta nên thoát khỏi mọi tham vọng, thụ động và yếu đuối, nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Sách Lão Tử rất ủng hộ việc thực hiện thay đổi, nhưng nó đưa ra một cách khác để hoàn thành việc đó. Cách đặc trưng mà chúng ta dùng để biểu lộ tham vọng của mình thường là áp đặt ý chí của chúng ta. Việc này dẫn chúng ta đến chỗ đi quá xa, tập trung vào mục tiêu sai lầm và tạo điều kiện cho sự sụp đổ của chính chúng ta. Quan điểm về tham vọng và cách chúng ta theo đuổi tham vọng thật ra chính là sự hủy hoại của ta.
Khi bạn gây ầm ĩ, khi bạn đang cố gắng giành lấy quyền lực bằng cách áp đặt ý chí của mình lên người khác, bạn không hẳn sẽ thất bại. Bạn có thể thành công, thậm chí thành công trong một thời gian dài. Nhưng mức độ thành công của bạn chỉ dựa trên thực lực bên ngoài vượt trội hơn mọi người để họ chịu khuất phục bạn. Nhưng rồi cuối cùng, họ sẽ vô cùng oán hận và sẽ tìm cách phá vỡ quyền lực của bạn. Có lẽ điều quan trọng nhất là chỉ cần một ai đó hiểu được bản chất thực sự của quyền lực là đã đủ để lật đổ bạn. Chỉ cần một Mohandas Gandhi là đủ để kết liễu Đế quốc Anh, vào năm 1947.
Vào năm 1955, Rosa Parks********, người phụ nữ bốn mươi hai tuổi sống ở Montgomery, Alabama, vào cuối một ngày dài làm việc tại một cửa hàng bách hóa, đã từ chối nhường ghế trên xe buýt cho một hành khách người da trắng. Parks nhớ lại rằng một quyết tâm bất thần ập tới bao trùm lấy bà “như một tấm chăn ấm vào một đêm mùa đông lạnh giá”, và bà đã chọn chính thời điểm đó để từ chối rời ghế ngồi của mình. Con người này không chỉ hiểu đúng thời điểm để hành động, bà còn hiểu được một phản ứng thầm lặng hiệu quả hơn một phản ứng gây hấn như thế nào. Chiến lược của bà – ngồi im tại chỗ – đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động cộng đồng tập trung lại sau bà trong một phong trào đòi quyền bình đẳng.
******** Rosa Parks (1913 – 2005) là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, được Quốc hội Mỹ tôn vinh là “mẹ đẻ” của phong trào nhân quyền hiện đại.
Nghĩ xem ai là người gây ảnh hưởng nhất tại nơi làm việc: Một kẻ bắt nạt luôn cố lấy thịt đè người, cố lấn át người khác, hay một người có khả năng dung hòa cảm xúc của mọi người, dung hòa cách họ tiếp nhận mọi thứ, sử dụng sự hài hước và tiếng cười để kết nối, và là người luôn luôn cảm nhận được bầu không khí của văn phòng. Nhớ lại xem trong số các giáo viên từng dạy bạn ngày xưa, ai là người có ảnh hưởng nhất với lớp – giáo viên thường hay quát tháo và đe dọa học sinh, hay người giáo viên giữ cho lớp học luôn hòa thuận bằng cách sử dụng sự trầm lặng và các chiến lược nhỏ một cách khôn ngoan (như thu hút sự chú ý của một lớp học đang bị phân tâm bằng giọng nói điềm tĩnh, trầm, chậm và nhẹ nhàng)? Tất nhiên, đến cuối cùng chúng ta cũng hiểu ai là người có nhiều ảnh hưởng nhất. Nhưng liệu chúng ta có thường xuyên áp dụng những nguyên tắc này vào hành vi của chính mình hay không?
Quyền lực thật sự không dựa vào sức mạnh và sự thống trị. Sức mạnh và sự thống trị khiến chúng ta không có khả năng liên kết với người khác, cũng như những sự việc xung quanh. Ngay khi chúng ta nhìn thế giới như là một tập hợp các cán cân quyền lực công khai, thì lập tức chúng ta đã phân biệt mình với người khác – dù là thông qua việc thể hiện ý chí, cạnh tranh hay tách biệt – thì chúng ta cũng đã để lạc mất Đạo.
Chúng ta có thể thấy hiệu lực của điều này ở nhiều cấp độ. Giả sử bạn đang bị ai đó cố tình tấn công. Bạn nghĩ rằng mình biết phản ứng đúng: đánh trả hắn mạnh hơn hắn đánh bạn. Nhưng nếu hiểu Đạo một cách đúng đắn, bạn sẽ làm ngược lại. Bạn biết rằng người tấn công bạn chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ bị quá sức. Hy vọng tốt nhất của bạn là cố gắng thầm lặng đánh giá về người đó và đoán chính xác thời điểm hắn ta bị quá sức. Đó là thời điểm bạn bắt đầu di chuyển và tấn công, bằng cách khai thác điểm yếu của đối thủ; cái đà từ sự quá sức của hắn sẽ là những gì giúp bạn hạ gục hắn. Khái niệm này là cơ sở của judo và các loại võ thuật khác. Theo cách nói của Lão Tử, bạn đã “lấy nhu chế cương”.
Bất kỳ ai cố gắng thống trị bạn thì cũng đang tạo ra sự cách biệt và đi ngược lại với Đạo. Trái lại, nhu, thuật ngữ mà Lão Tử dùng, lại dựa trên sự kết nối, cảm nhận và sử dụng các yếu tố khác nhau: chính nó mới là cái chứa sức mạnh.
“Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ. Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã, bất khả chấp dã. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi.”********
(Muốn trị thiên hạ mà vì mình, làm theo ý mình thì ta biết là không thể được. Thiên hạ là thiêng liêng, không thể làm theo ý mình, không thể cố chấp. Vì mình, làm theo ý mình thì thiên hạ hỏng, cố chấp thì mất thiên hạ.)
******** Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 29.
Đầu thế kỷ 19, Napoléon của nước Pháp đã xây dựng một đội quân hùng cường nhất từng có trên thế giới và là đế chế mạnh nhất châu Âu kể từ thời La Mã. Đầy tham vọng và khao khát quyền lực, vị hoàng đế này quyết định xâm chiếm nước Nga.
Lúc bấy giờ, các tướng lĩnh của Nga chưa từng đọc sách Lão Tử, nhưng họ hiểu rõ các nguyên tắc đằng sau quan điểm về sức mạnh (cương) và sự mềm yếu (nhu). Khi Napoléon sang xâm chiếm đất nước của họ, họ đã không cố chống lại quyền lực bằng quyền lực và sức mạnh bằng sức mạnh. Họ lui quân. Quân Pháp càng tiến sâu, người Nga càng lui quân xa hơn. Quân Pháp hành quân ngày càng sâu vào lãnh thổ Nga. Dần dần các đường tiếp tế từ nước Pháp ngày càng ít ỏi. Quân đội Pháp đã đến được ngoại ô Moscow. Lúc này, các tướng lĩnh Nga lại lui quân một lần nữa, rời bỏ thành phố, đốt cháy các cơ sở quan trọng và mang theo tất cả lương thực. Vào tháng Chín năm 1812, Napoléon chiếm được Moscow và tuyên bố mình là người thống trị Đế quốc Nga – là hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Ông đã gửi cho Sa hoàng Alexander I của Nga một bản điều kiện về việc đầu hàng. Sa hoàng chẳng thương thuyết gì cả.
Rồi mùa đông bắt đầu. Trong thành phố không còn chút lương thực nào và lực lượng tiếp tế lương thực và các nhu yếu phẩm khác không thể vượt qua nổi mùa đông khắc nghiệt của nước Nga. Đội quân vĩ đại nhất từng có ở châu Âu bắt đầu chết đói. Nhận thấy thảm kịch sắp xảy ra trước mắt, Napoléon không còn cách nào khác ngoài rút lui. Thời tiết ngày càng tồi tệ. Khi tàn quân trở về được lãnh thổ Pháp, đội quân nửa triệu người chỉ còn lại vài ngàn. Đó cũng là dấu chấm hết cho đế chế Pháp.
“Bất đạo tảo dĩ.”********
(Không hợp với Đạo thì chết sớm.)
******** Đạo Đức Kinh , thiên Thượng, bài 30.
Một thế giới có vẻ tự nhiên
Giả sử bạn đã trải qua một ngày thực sự tồi tệ và đang cảm thấy căng thẳng cực độ. Bạn đã ngủ không thẳng giấc đêm qua vì phải chuẩn bị hai bài thuyết trình và lúc mười giờ đêm thì con gái bạn nhớ ra nó cần vài dụng cụ để làm một bài tập ở trường hôm sau. Sau khi làm việc cả ngày dài thì bạn còn phải họp, còn bây giờ là ba giờ, bạn chưa ăn gì ngoài sô cô la, và còn một cuộc họp sắp diễn ra mà bạn đã đồng ý từ ba tuần trước, lúc bạn cứ nghĩ mình sẽ có thời gian dành cho nó. Thực tế, bạn còn tự nguyện làm người điều phối cuộc họp ấy nữa. Chỉ cần nghĩ đến thêm một bổn phận nữa, bạn đã muốn phát cáu lên.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây? Bạn có thể xông vào cuộc họp, phiền muộn, căng thẳng, tức giận với cuộc sống “nồi áp suất” của mình và chỉ muốn họp mau mau cho xong. Những người tham dự cuộc họp sẽ bắt đầu khiến bạn thêm căng thẳng, tức giận và kiệt sức. Những cảm xúc ấy của bạn cũng sẽ khơi lên sự căng thẳng, giận dữ và kiệt sức trong chính những người đó. Có thể khi bạn bắt đầu đưa ra các đề xuất thì những người khác sẽ phản đối bởi vì lúc này trong phòng là một bầu không khí tranh cãi. Những xung đột nho nhỏ bắt đầu xuất hiện dù chẳng liên quan mấy đến nội dung đề xuất của bạn. Toàn bộ cuộc họp sẽ trở thành một khung cảnh khó chịu của sự đối đầu, và bạn sẽ thấy còn tệ hơn trước.
Tất cả chúng ta hẳn đều có lúc từng ngồi trong các cuộc họp kiểu như thế, nơi những dòng chảy phẫn nộ cứ âm ỉ và cảm giác tồi tệ cuối cùng sẽ phá hoại mọi thứ. Trên thực tế, hầu hết chúng ta hẳn đều có trải nghiệm này trong cuộc sống nói chung. Nó xảy ra khi chúng ta thấy mình tách biệt với những người khác và để cho nỗi bất hạnh của chúng ta ngấm vào trải nghiệm của họ mà thậm chí không hề nhận ra.
Sách Lão Tử thật ra nói khá cụ thể về người sẽ có ảnh hưởng lớn nhất trong bất kỳ tình huống nào: đó là những người thực thành triết lý vô vi********, nghĩa là bề ngoài thì không di chuyển hay hành động gì cả nhưng thật sự lại rất, rất mạnh. Hãy nhớ các tướng lĩnh Nga đã dẫn dụ Napoléon ngày càng dấn sâu hơn vào cái bẫy của họ như thế nào. Những người thực hành triết lý vô vi có vẻ không hề hành động, nhưng thật ra, họ lại đang thật sự dẫn dắt mọi thứ.
******** Triết lý vô vi là một trong những triết lý chủ đạo của Lão Tử. Triết lý này được lĩnh hội theo nhiều nghĩa khác nhau tùy vào lĩnh vực, nhà Nho hiểu theo đạo Nho, Pháp gia như Hàn Phi hiểu theo Pháp, Binh pháp gia hiểu theo binh pháp, phái tu tiên hiểu theo đạo trường sinh, Phật gia hiểu theo Phật học. Về cơ bản, vô vi không phải là không làm gì, mà là không làm thái quá, phải thuận tự nhiên mà làm, không can thiệp vào vạn vật, tự nhiên.
Sau đây là một kịch bản thay thế, một kịch bản khác hòa hợp với Đạo hơn. Quay trở lại cuộc họp mà bạn đã tình nguyện làm người điều phối. Tình huống cũng tương tự, bạn đã có một ngày khó khăn, điên cuồng và cuộc họp này là một nghĩa vụ nữa chồng chất lên hàng đống nghĩa vụ khác.
Bạn vội chạy đến cửa phòng họp. Nhưng lần này, trước khi bước vào, bạn dừng lại, hít thở sâu và bình tĩnh lại. Bạn lắng mình xuống, giảm mức độ căng thẳng và tức giận, rồi bước vào một nơi mà bạn có thể nhìn mọi thứ mà không phân biệt. Khi bạn làm cho bản thân mình lắng lại, bạn đã đến gần hơn với Đạo.
Chỉ sau khi đã có được cảm giác tĩnh lặng, bạn mới bước vào phòng. Bạn ngay lập tức cảm nhận được căn phòng và tất cả những người ngồi đó với tất cả sự phức tạp của họ. Bạn có thể cảm nhận rằng có một số người đang căng thẳng, một số thì thảnh thơi và số khác rất hào hứng khi ở đó. Công việc của bạn lúc này là giúp tất cả những người khác nhau ấy có được sự hòa hợp để cuộc họp diễn ra hiệu quả. Không nói một lời, chỉ với một cái liếc mắt, bạn đã lặng lẽ đo lường được những người xung quanh.
Khi ngồi xuống, bạn không gào lên: “Rồi, nghe đây này. Đây là việc chúng ta sẽ làm!”. Không đâu, bạn chỉ đơn giản là im lặng ngồi xuống, lan tỏa sự bình tĩnh.
Tất nhiên, bạn có một nghị trình, một loạt những mục tiêu. Bạn biết bạn muốn mọi chuyện diễn ra thế nào. Nhưng thay vì tuyên bố địa vị của mình một cách công khai và mạnh mẽ, bạn sẽ gợi lên những phản hồi từ nhóm của mình. Bạn nêu vài câu hỏi, đưa ra một vài luận điểm và bằng một chất giọng đầy cảm tình, từ ngữ mà bạn chọn và cách bạn nhìn mọi người, bạn sẽ tạo ra một tâm trạng giúp lái mọi người đi theo con đường bạn muốn. Khi những người tham gia cuộc họp bắt đầu trò chuyện, cái cách bạn phản hồi họ với sự bình tĩnh, đầy thích thú và cởi mở sẽ đem đến những suy nghĩ khác. Mọi người bắt đầu hiểu nhau rõ hơn. Họ bắt đầu thảo luận các ý tưởng với nhau và lên những kế hoạch mà bạn có thể giúp định hình bằng cách khuyến khích hoặc không khuyến khích thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ: mỉm cười, cau mày, gật đầu.
Đừng nhầm lẫn, bạn vẫn đang thực hiện trách nhiệm của mình. Nhưng vì cách bạn ngồi và giao tiếp bằng mắt với mọi người, cách bạn thể hiện sự phấn khích với các ý tưởng bằng giọng điệu lôi cuốn, đồng nghiệp của bạn đã không ý thức được bạn đang dẫn dắt chương trình họp ở mức độ nào. Dần dần một sự đồng lòng hình thành khi mọi người kết nối với nhau thông qua một loạt kế hoạch nhất định.
Khi cuộc họp kết thúc, những người tham gia có thể sẽ nghĩ: Chà, buổi họp này suôn sẻ thật; giống như là nó tự vận hành trơn tru luôn. Nhưng trên thực tế, chính bạn đã vận hành cuộc họp đó. Bạn thay đổi hoàn toàn tâm trạng trong căn phòng bằng hành động, những hành động thể hiện nguyên tắc không hành động – vô vi của bạn. Một cách nhẹ nhàng và tinh tế, bạn đã tạo ra một thế giới mà trong đó mọi người được kết nối, cảm thấy hào hứng với ý tưởng của họ, cho đến khi những gì xuất hiện vào phút cuối chắc chắn là tốt hơn những gì bất kỳ ai trong số họ có thể nghĩ ra trước đó, và khác với những gì bất kỳ ai trong số họ nghĩ mình sẽ muốn làm khi bước vào căn phòng đó. Bạn dẫn dắt bằng cách nương theo. Và như thế, bạn chính là Đạo.
Khi bạn trở thành một nhà hiền triết, bạn không chỉ cảm nhận rõ mọi người. Mà nhờ sự mềm dẻo của mình trong mọi lần gặp gỡ, dù với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, bạn sẽ tạo ra một thế giới quanh mình. Bạn có thể thay đổi cách người khác suy nghĩ và cảm nhận bằng thế giới nhỏ bé mà bạn đã tạo ra ấy.
Sự ảnh hưởng đích thực không thể có được bằng sức mạnh hoặc ý chí. Nó phải xuất phát từ việc tạo ra một thế giới cho ta cảm giác tự nhiên đến mức không ai buồn thắc mắc về nó. Đó mới là cách một nhà hiền triết theo thuyết Lão Tử tạo nên tầm ảnh hưởng to lớn.
Những người theo triết lý sống như Lão Tử là những người mang tố chất lãnh đạo
“Vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.”********
(Làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm nên sự nghiệp mới còn mãi.)
******** Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 2.
Sức mạnh bền bỉ của sách Lão Tử nằm ở tiềm năng giúp người ta trở nên có sức ảnh hưởng ngày một nhiều hơn bằng sự mềm mại chứ không phải bằng sự cứng rắn; bằng sự kết nối chứ không phải thống trị. Nhưng điều khiến một người có sức ảnh hưởng lớn theo nghĩa của Lão Tử là khả năng tạo ra một thế giới cho cảm giác tự nhiên đến mức chúng ta không thể hình dung là nó đã từng khác, dù nó chỉ mới được tạo ra. Sức mạnh và sự ảnh hưởng, do đó, không đến từ hành động trực tiếp hoặc chiến lược công khai mà từ việc đặt nền tảng để một thực tế rất khác xảy ra. Đây là cách người ta có thể định hình mọi thứ ở quy mô nhỏ và cũng có thể là cách để người ta tác động đến những thay đổi có thể biến đổi toàn bộ thế giới. Hãy cùng lướt qua một vài nhân vật lịch sử để minh họa cho điều này.
Ở nước Mỹ, chúng ta dạy trẻ con rằng đất nước chúng ta cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, như trong Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời kỳ giữa thế kỷ 19, ý tưởng này hầu như không được chấp nhận ở Hoa Kỳ. Văn kiện được coi là tuyên bố khai sinh ra nước Mỹ lúc đó không phải là Tuyên ngôn Độc lập, mà là Hiến pháp Hoa Kỳ, bản Hiến pháp công nhận chế độ nô lệ. Chính trong Diễn văn Gettysburg, Abraham Lincoln mới đưa ra lập luận rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Động thái này của Tổng thống Lincoln là để ngầm tuyên bố rằng Tuyên ngôn Độc lập mới là văn kiện khai sinh ra nước Mỹ, và nước chúng ta là một đất nước cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Khi vị Tổng thống đưa ra lập luận này vào năm 1863, nó đã gây bùng nổ. Báo chí đã hoài nghi: nước Mỹ không cung hiến cho niềm xác tín nào như vậy, Tuyên ngôn Độc lập cũng không phải là văn kiện khai sinh ra nước Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm của Lincoln không chỉ giành thắng lợi trong cuộc tranh cãi, mà còn được chấp nhận là tri thức của toàn nước Mỹ. Ngày nay, chúng ta thường tin rằng Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện khai sinh Hoa Kỳ và khái niệm tất cả mọi người đều bình đẳng là nguyên tắc nền tảng của đất nước chúng ta ngay từ đầu.
Khái niệm này đã trở thành nền tảng cho nhiều sự phát triển sau này. Ví dụ, một thế kỷ sau bài phát biểu của Lincoln, Martin Luther King Jr. đã lập luận rằng khi nói đến vấn đề chủng tộc, người Mỹ đã không sống theo các giá trị tự xưng của chính họ rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Ông có thể đã đưa ra lập luận này chỉ vì khái niệm bình đẳng được thừa nhận là tri thức chung. Và khái niệm này chỉ được thừa nhận sau hành động của Lincoln.
Còn quan điểm về vai trò của chính phủ đối với đời sống người Mỹ thì sao? Chúng ta thường tranh luận rất sôi nổi về việc chính phủ nên tham gia đến mức nào để đảm bảo sự thịnh vượng về kinh tế, nhưng rất ít người Mỹ cho rằng vai trò của chính phủ nên vượt quá các tham số nhất định.
Giữa cuộc Đại suy thoái, Franklin D. Roosevelt quyết định rằng Hoa Kỳ cần một chính phủ mở rộng hơn để xây dựng lại nền kinh tế và giúp đỡ những người gặp khó khăn. Khi ông đề xuất các cải cách, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tranh cãi rằng một tầm nhìn như vậy là phá vỡ những gì được cho phép trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau nhiều chiến thuật chính trị, những cải cách của Roosevelt, mà chúng ta gọi là Chính sách Kinh tế mới, đã được thực hiện. Những cải cách đó dẫn đến việc lập nên một chính phủ liên bang mới đồ sộ hơn, để điều tiết nền kinh tế, kiểm soát lĩnh vực tài chính, cung cấp hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi dưới hình thức an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và người khó khăn thông qua hệ thống phúc lợi.
Để có ngân quỹ cho những cải cách này, Tổng thống Roosevelt đã thiết lập một hệ thống thuế có mức lũy tiến hơn bao giờ hết, trong đó mức thuế cao nhất nằm ở bách phân vị thứ 90. Tầm nhìn cấp tiến về nghệ thuật quản lý nhà nước này thành công đến nỗi cuối cùng nó đã trở thành tri thức chung ở Mỹ. Mô hình một nhà nước điều tiết kiểm soát lĩnh vực tài chính, điều tiết thương mại của người Mỹ, ngăn chặn sự độc quyền và duy trì một hệ thống thuế suất lũy tiến cao đã được tiếp nối trong nhiều thập niên. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều ủng hộ nó. Việc cắt giảm thuế đáng kể duy nhất nhiều thập niên sau mới xảy ra, giảm xuống bách phân vị thứ 70, do những người của Đảng Dân chủ, John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, thiết lập.
Nhà nước điều tiết này đã xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng công cộng khổng lồ và hệ thống giáo dục rộng lớn, tạo đà cho nước Mỹ tiến vào thời kỳ mở rộng kinh tế lâu dài nhất trong lịch sử. Mô hình này thành công đến nỗi các quốc gia khác xem Hoa Kỳ như là một hình mẫu hướng dẫn cho các hệ thống chính trị và kinh tế của chính họ. Tất cả điều này đã trở thành tri thức chung về cách điều hành một nhà nước sao cho hiệu quả.
Nhưng chúng ta không còn sống trong một thế giới như vậy nữa. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi bất cứ ai ở Mỹ lại phải trả thuế ở tỷ lệ 90%. Chúng ta xem là hiển nhiên rằng chính phủ chỉ nên đóng một vai trò hạn chế trong việc điều tiết nền kinh tế và kiểm soát lĩnh vực tài chính, bởi vì chúng ta tin rằng những động thái này sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự thay đổi đó xảy ra khi nào? Trong thập niên 1980.
Năm 1980, Ronald Reagan được bầu làm tổng thống với một tầm nhìn hoàn toàn khác về nước Mỹ, trong đó những cải cách của Chính sách Kinh tế mới được mô tả không phải là giải cứu nền kinh tế Hoa Kỳ mà là trì kéo nó. Reagan và các thành viên cùng Đảng Cộng hòa với ông chủ trương hạn chế sự điều tiết của chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng công cộng, với mức thuế suất thấp hơn để kích thích kinh tế phát triển. Mặc dù quan điểm này đã gây tranh cãi dữ dội khi Reagan đắc cử nhiệm kỳ đầu, nhưng nó đã trở thành tri thức chung vào những năm 1990. Thật vậy, vào những năm 1990 trong nhiệm kỳ tổng thống của Bill Clinton, chính sách này được gọi là Đồng thuận Washington, được chấp nhận hoàn toàn bởi cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Một lần nữa, quan điểm mà nay đã được coi là cách thức tự nhiên để điều hành một nền kinh tế này, được xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới với tư cách là phương thức thích hợp duy nhất để hiểu hành vi kinh tế và chính trị. Do đó, người ta không thể tưởng tượng nổi có ai lại phải chịu mức thuế lên tới 90%, mặc dù có thời đây từng được coi là những mức thuế hoàn toàn chấp nhận được và thậm chí rất cần thiết để điều hành một nhà nước.
Vậy thì, thế giới mà chúng ta công nhận xuất hiện khi nào? Chính xác thì những thay đổi này xảy ra như thế nào?
Trong ba trường hợp ở đây, Lincoln, Franklin D. Roosevelt và Reagan đã thể hiện hoàn hảo các khía cạnh của triết lý của Lão Tử. Cả ba vị đều có thể biến các lập trường mới mẻ và gây tranh cãi dữ dội thành ra có vẻ hoàn toàn tự nhiên. Theo lời của Lão Tử:
“Đạo thường vô vi nhi vô bất vi, hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa.”********
(Đạo vĩnh cửu thì không làm gì [vô vi] nhưng không việc gì là không làm [vô bất vi], bậc vua chúa mà giữ được Đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa.)
******** Đạo Đức Kinh, thiên Thượng, bài 37.
Abraham Lincoln đã không công khai tranh cãi rằng Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng hơn Hiến pháp Hoa Kỳ để làm văn kiện khai sinh đất nước. Ông đã không mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách nói rằng dù Hiến pháp mới là văn kiện khai sinh ra nước Mỹ, nhưng hãy để Tuyên ngôn Độc lập thế chỗ. Thay vào đó, ông đã viết nên một trong những bài phát biểu hùng hồn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với câu mở đầu nổi tiếng: “Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng”, Lincoln đã viết lại lịch sử, ám chỉ về một quá khứ chưa từng tồn tại. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những không phải là văn kiện khai sinh nước Mỹ, mà vị tổng thống này còn diễn giải lại ý “mọi người sinh ra đều bình đẳng” nghĩa là gồm cả nô lệ, mặc dù nhiều người cha lập quốc (cả Thomas Jefferson là người soạn thảo bản Hiến pháp này) tất nhiên đều là các chủ nô, định nghĩa “người” trong câu nói ấy chỉ dành cho người da trắng. Câu nói của Lincoln sai ở cả hai vế. Nhưng bằng cách đặt ra một quan điểm thuyết phục và khó quên như vậy, ông đã gieo mầm cho điều sẽ trở thành tri thức chung. Ngày nay, người ta thuộc lòng toàn bộ bài diễn văn Gettysburg, nó đã trở thành một phần của thuật hùng biện chuẩn ở Hoa Kỳ nói chung.
Franklin D. Roosevelt đã không tỏ ra mình là một nhà cách mạng cấp tiến, đấu tranh với các thể chế và quan niệm bảo thủ để cứu người Mỹ trong thời điểm cực kỳ khốn đốn. Thay vào đó, ông làm cho bản thân dần được yêu mến bởi những người Mỹ bình thường nhất với hình mẫu một người ông tâm đầu ý hợp, đã giúp họ vượt qua thời kỳ Đại suy thoái khó khăn bằng những gợi ý thiết thực qua “những buổi trò chuyện thân mật với tổng thống” trên đài phát thanh. Do đó, ông đã tạo nên, không phải một viễn tượng mới đánh dấu một bước ngoặt nền tảng trong lịch sử quốc gia, mà là hình ảnh một người láng giềng hay lo lắng khuyên nhủ để giúp đỡ hàng xóm (Ông còn sử dụng chiến lược này suốt nhiều năm sau đó như là một động thái nhằm lôi kéo một nước Mỹ vốn dứt khoát theo chủ nghĩa biệt lập đối với chiến tranh – sau khi đã cam kết không tham gia vào cuộc xung đột dữ dội ở châu Âu – bằng cách nhẹ nhàng so sánh việc Mỹ cung cấp vũ khí cho đồng minh Anh quốc cũng giống như chúng ta cho ông hàng xóm mượn vòi nước tưới vườn thôi).
Tổng thống Reagan cũng thể hiện mình là một người vui vẻ, hóm hỉnh và tốt bụng, đang cố gắng giúp người Mỹ trở lại thời kỳ tự do cá nhân huy hoàng ngày xưa. Trong sự nghiệp chính trị trước đó, khi còn là thống đốc bang California, ông là một người hay kích động. Tuy nhiên, khi đã là tổng thống, ông đã trưng ra một hình tượng nhẹ nhàng hơn, một người có thể nói về quá khứ và hiện tại của nước Mỹ. Ông đã xây dựng hình ảnh bản thân là một tay cao bồi rặt Mỹ, nhắc đến nghề nghiệp của mình với vai trò diễn viên và là nhà lãnh đạo oai nghiêm. Ông đã kết hợp điều đó với vẻ ngoài của một ông bố vui vẻ, hiểu lý lẽ. Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với Tổng thống Jimmy Carter năm 1980, một cuộc tranh luận đã trở thành bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Reagan, khi phản ứng với luận điểm của Carter, ông không bác bỏ trực tiếp mà chỉ đơn giản là phất phất tay và cười khúc khích: “Anh lại thế nữa rồi”.
Reagan trở thành tổng thống đầu tiên giơ tay chào quân đội bất cứ khi nào bước ra khỏi chiếc trực thăng dành cho tổng thống. Trong mắt công chúng, động thái này đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng cho một tổng tư lệnh, mặc dù Hiến pháp yêu cầu tổng thống phải là thường dân, và các quy tắc quân sự quy định rằng một thường dân không bao giờ nên chào quân đội. Nhưng chuyện đó quan trọng gì. Kiểu chào này thể hiện sự tôn trọng của Reagan dành cho quân đội – ngay tại thời điểm đất nước đang tự thấy mình yếu ớt. Về sau, người ta không thể hình dung nổi có một tổng thống Mỹ nào lại không chào như vậy.
Các tổng thống vừa kể đều rút kinh nghiệm từ những tầm nhìn Mỹ trước đó, chẳng hạn như nhà hùng biện vĩ đại gợi lên những khía cạnh tốt đẹp hơn trong con người chúng ta, hay một ông già hàng xóm biết quan tâm như một người ông trong gia đình. Họ ám chỉ những truyền thống, chẳng hạn như Reagan bóng gió về một tay cao bồi đang trên đường tiến về định mệnh vinh quang của chính mình. Họ đan kết tất cả những điều này vào một tầm nhìn mới mẻ mà cuối cùng đã mở ra một thực tại mới.
Thế giới ngày nay chúng ta xem là hiển nhiên không phải là thế giới trước đây đã tồn tại. Cả ba vị tổng thống vừa kể đều là những nhà hiền triết theo thuyết Lão Tử hoàn hảo, họ đã tạo ra một trật tự mới mẻ hoàn toàn mà những người sống trong đó chấp nhận là hoàn toàn tự nhiên.
Cả ba đều là tổng thống, có đủ uy quyền để bắt đầu. Người ta có thể cho rằng chính điều đó đã mang lại một lợi thế gắn liền với thành công của họ. Tuy nhiên, theo quan điểm của một người theo thuyết Lão Tử, khi bạn đã có một địa vị đầy sức mạnh, thì rất dễ bị cám dỗ sa vào việc lấy mạnh hiếp yếu. Nhưng Lincoln, Roosevelt và Reagan đều sử dụng sự mềm mỏng để tạo ra thế giới của họ một cách hiệu quả, giống như cách của Rosa Parks và Gandhi, hay một nhân viên văn phòng có thể sử dụng để đối phó với một ông sếp khó tính. Bằng cách sử dụng các chiến lược ít công khai hơn, họ đã làm được nhiều điều hơn họ có thể làm nếu trực tiếp thể hiện ý chí của mình. Lập luận của Lão Tử là bạn luôn có thể “thắng cương” bằng cách “dùng nhu”. Nếu bạn đang có một vị thế mạnh mẽ, hãy sử dụng sự mềm mỏng, nếu bạn đang có một vị thế yếu, cũng hãy sử dụng sự mềm mỏng. Hãy sử dụng sự mềm mỏng dù vị trí khởi đầu của bạn có thế nào đi nữa, đó chính là cách để xoay chuyển tình thế đi theo hướng tốt hơn.
Truyền thuyết cho rằng Lão Tử không chỉ là một nhà hiền triết mà còn là một vị thần đã tạo ra Đạo không đến nỗi huyễn tưởng như nó có vẻ. Đạo không tồn tại ở dạng một trật tự tự nhiên, không thay đổi mà chúng ta phải tìm ra để sống hòa hợp với nó. Thay vào đó, như Lão Tử đã chỉ cho chúng ta, chúng ta phải tạo ra Đạo bằng cách tích cực đan kết mọi thứ xung quanh mình. Mỗi người trong chúng ta đều có tiềm năng trở thành một Lão Tử, tức là trở thành một nhà hiền triết, và tạo ra thế giới mới.