H
ãy tưởng tượng bạn đang cố gắng lập ra một kế hoạch khởi động cuộc đời mình. Có thể bạn là một thanh niên tốt nghiệp đại học đầy tham vọng vừa mới gia nhập lực lượng lao động, hoặc bạn đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên về cả đời sống cá nhân lẫn nghề nghiệp. Hoặc có thể bạn đang cố gắng quyết định có nên kết hôn với bạn gái của mình hay không, hoặc bạn và người bạn đời của mình muốn xây dựng một gia đình nhưng không biết chắc phải xoay xở thế nào với nghề nghiệp có những đòi hỏi khắt khe của cả hai. Và sau đó hãy hình dung rằng bạn bắt tay vào kế hoạch của mình, để rồi chỉ vấp phải hết thất bại này đến trở ngại khác. Bạn gửi hàng tá hồ sơ xin việc nhưng chẳng ích gì. Bạn gái của bạn quyết định rằng rốt cuộc thì cô ấy không muốn kết hôn, và chia tay với bạn. Bạn và người bạn đời sinh một đứa con có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được tập trung chăm sóc toàn thời gian. Thế là dù bạn có lên kế hoạch gì đi nữa, bạn cũng đang phải đối mặt với những kết quả không mong đợi, và kế hoạch của bạn đổ bể.
Một trong những triết gia của chúng ta đã trải nghiệm một điều giống hệt trong cuộc đời của chính ông. Cuối thế kỷ 4 trước Công nguyên, thời kỳ xung đột liên miên mà ngày nay gọi là thời Chiến Quốc, Mạnh Tử, một nhà Nho, đã quyết định rằng đó chính là thời điểm để lập nên một triều đại mới dựa trên triết thuyết Khổng giáo. Dẫu đã có tuổi, ông vẫn bắt đầu đi hết nước chư hầu này sang nước chư hầu khác để nói chuyện với các nhà cai trị những đất nước đó, hy vọng thuyết phục được một trong số họ trọng dụng ông làm quân sư, lắng nghe những triết lý của ông và áp dụng vào thực tế.
Sau nhiều năm, vua nước Tề đã phong cho Mạnh Tử làm khách khanh* và cho nhiều học trò theo học ông. Tất cả mọi thứ mà vị triết gia già này đã dâng hiến cả đời mình dường như sắp trở thành hiện thực: Ông sẽ là triết gia đứng sau một vị minh quân và giúp vị vua ấy mở ra một thời đại mới mẻ, thái bình.
* Người tài được mời ở lại nhà quý tộc môn hào để giúp việc, làm cố vấn.
Nhưng ngay sau đó, ông nhận ra vua nước Tề không quan tâm đến việc học hỏi các triết thuyết của mình. Khi vị vua này tiến hành một cuộc chiến chống lại một quốc gia láng giềng sau khi tung tin rằng chính Mạnh Tử đã thúc giục mình làm như vậy, Mạnh Tử đã tuyệt vọng nhận ra rằng công việc của ông thế là đi đời. Vua Tề đã sử dụng ông làm bình phong để khiến hành động xâm lăng của mình có vẻ đạo đức chứ không hề có ý định lắng nghe ông. Đã quá trễ để đi tìm một nơi khác. Mạnh Tử sẽ không bao giờ trở thành triết gia đứng sau một bậc quân vương xứng đáng. Vì thế ông đành rời nước Tề trở về cố xứ.
Mạnh Tử phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan cực hạn của con người: Một thất bại cực kỳ đáng thất vọng phá hỏng các kế hoạch mà ông đã cẩn thận đề ra. Ông mắng nhiếc số phận. Ông trách móc ông Trời.
Nhưng trải nghiệm đó đã góp phần lớn trong việc định hình triết lý của ông. Mạnh Tử sẽ lập luận rằng chính những điều chúng ta tin là đúng khi lên kế hoạch cho đời mình, trớ trêu thay, cũng là những điều đã giới hạn chúng ta.
Cách chúng ta sống và đưa ra quyết định phụ thuộc vào việc chúng ta tin rằng mình đang sống trong một thế giới nhất quán và ổn định, hay một thế giới – mà như Mạnh Tử đã dạy – không thể đoán trước và thất thường. Nhưng làm sao chúng ta có thể sống một cuộc đời tốt đẹp nếu chúng ta từ bỏ những quan niệm cho rằng thế giới có trật tự và công bằng, rằng vạch lộ trình cuộc sống là cách để đạt được thành công? Làm sao chúng ta dám lập kế hoạch hay quyết định bất cứ điều gì, nếu chúng ta đang sống trong một thế giới thất thường?
Thế giới nhất quán và thế giới thất thường
Khi lập kế hoạch cho tương lai, chúng ta có xu hướng giả định rằng tương lai là điều có thể tiên lượng. Tất nhiên, chúng ta vẫn đãi bôi nói rằng cuộc sống có thể thay đổi trong tích tắc và rằng không có gì là chắc chắn. Nhưng chúng ta vẫn thường bị bất ngờ khi mọi thứ không diễn ra theo cách chúng ta mong đợi. Và đó là bởi khi nghĩ về việc sẽ sống cuộc đời mình như thế nào, chúng ta có xu hướng hành xử như thể có những yếu tố ổn định nhất định mà chúng ta có thể trông chờ trong một thế giới nhất quán, và giả định này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của chúng ta.
Mặc Tử, một trong những người cùng thời với Mạnh Tử, đã thấu suốt thế giới quan này. Một người đàn ông có xuất thân hèn mọn đã tự tạo dựng thành công trong đời, cuối cùng ông đã thành lập được một cộng đồng tôn giáo kết nối chặt chẽ, và các tác phẩm triết học của ông đã phác họa được tầm nhìn về một xã hội công bằng mà bất cứ ai làm việc chăm chỉ sẽ phát triển phồn vinh.
Mặc Tử đồng tình với tư tưởng Khổng giáo rằng xã hội đã không thể giúp con người thịnh vượng. Ông rất tin rằng mọi người nên được khuyến khích để cải thiện đạo đức. Nhưng không giống như các nhà Nho (người theo Khổng giáo), Mặc Tử và các môn đồ (người theo phái Mặc gia) không tin rằng các lễ nghi là công cụ giúp mọi người trở thành người tốt. Thay vào đó, họ gạt bỏ chúng bởi cho rằng chúng vô nghĩa và giáo điều, một sự lãng phí thời gian khiến người ta không thể tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Và cái mà họ nghĩ thực sự quan trọng là niềm tin chân thành. Trong trường hợp này là tin vào Thượng đế, Trời, hay Thiên đế, vị thần mà họ tin là đã tạo ra thế giới này.
Đối với Mặc Tử và các môn đồ, Trời là một vị thần đức hạnh đã đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng lẽ đúng sai. Con người phải tuân theo những chỉ dẫn này để sống tốt. Nếu làm vậy, họ sẽ được tưởng thưởng; còn nếu không, họ sẽ bị trừng phạt. Mặc Tử tin rằng vì con người trong thời đại của ông đã không tuân theo các chỉ dẫn này, và đó là lý do dẫn đến sự vô đạo đức, suy đồi xã hội và nhiễu loạn chính trị. Những người theo phái Mặc gia đã mường tượng về một xã hội được xây dựng lại dựa trên quy tắc đạo đức của Trời. Mặc Tử cho rằng nếu con người được dạy tin vào một loại quy tắc đạo đức công bằng làm nền tảng của vũ trụ, thì họ sẽ buộc phải cư xử có đạo đức, nhờ đó xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Với việc nhấn mạnh vào niềm tin chân thành, việc nghi ngờ các nghi lễ, và nhấn mạnh về một thế giới nhất quán và có thể tiên lượng do một vị thần tốt lành sáng tạo nên, những người phái Mặc gia, theo nhiều cách, khá giống với những người Tin Lành thời kỳ đầu.
Các tư tưởng Tin Lành đã giúp định hình phần lớn những gì chúng ta xem là hiển nhiên trong thế giới hiện đại. Chúng ta có thể tin hoặc không tin vào Chúa, nhưng chúng ta vẫn tin vào một khuôn khổ cơ bản giống nhau. Chúng ta là những người ổn định sống trong một thế giới ổn định. Chúng ta nên hành động như những con người lựa chọn bằng lý trí, biết tính toán cái gì có lợi và cái gì gây hại cho mình. Nếu chúng ta nhìn vào nội tâm, khám phá được mình là ai, vạch ra một kế hoạch để có thể phát triển, rồi sau đó làm việc chăm chỉ để hoàn thành kế hoạch đó, thì chúng ta sẽ phồn vinh và phát triển như mong muốn. Nói tóm lại, chúng ta là những người theo phái Mặc gia.
Hơn nữa, trong khi Khổng giáo nghĩ về đức nhân như là một thứ không thể mô tả vắn tắt mà là điều bạn phải hiểu mỗi lần mỗi khác, tùy theo từng tình huống mà bản thân đang gặp phải, thì quan niệm của Mặc Tử lại rất rõ ràng: đức nhân luôn là bất cứ điều gì có lợi cho số đông. Ông tuyên bố rằng người ta cảm thấy thế nào về những người thân thiết nhất của họ là không quan trọng, bởi không có mức độ trong tình yêu. Đúng hơn là, mọi người nên cố gắng quan tâm đến tất cả mọi người như nhau. Bốn thế kỷ sau, Chúa Jesus đã rao giảng những đức tính tương tự về việc yêu thương tha nhân, yêu thương kẻ thù, và chìa luôn má bên kia**. Và trong thời đại của chúng ta, chúng ta được khuyến khích quyên góp từ thiện, làm những công việc tình nguyện, chăm sóc cho những người kém may mắn.
** Trong Kinh Thánh Phúc Âm, phần “Bài giảng trên núi” được ghi lại trong sách Matthew có câu: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”. (Mt 5, 38-39)
Tuy nhiên, Mặc Tử nhận ra rằng người ta không cố nhiên cư xử đạo đức, và rằng những cảm xúc và ham muốn ích kỷ luôn cản trở họ. Ông tin rằng xã hội nên được thiết lập để thúc đẩy con người hướng tới hành vi đúng đắn. Những sự khích lệ này bao gồm tưởng thưởng (thành công, tiền bạc, danh tiếng) khi người ta làm những việc họ nên làm, và trừng phạt (thất bại, giáng chức, nộp phạt) khi họ không làm vậy. Nếu người ta tin rằng họ đang sống trong một thế giới có những quan niệm rõ ràng về đúng và sai, nơi mà làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp và những hành vi xấu sẽ bị trừng phạt, họ sẽ bị thuyết phục để không làm theo những cảm xúc tầm thường mà cố gắng trở thành người tốt. Mạnh Tử đã chắc chắn rằng một khi hệ thống đúng đắn này được đưa vào thực thi, kết quả sẽ là một xã hội mà trong đó mọi người đều có lợi; một thế giới của cái mà ông gọi là “kiêm ái***”.
*** Thuyết Kiêm ái (兼愛) của Mặc Tử: yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt địa vị cao thấp, thân sơ, giàu nghèo, và yêu mọi người như yêu mình.
Mạnh Tử bất đồng một cách căng thẳng với Mặc Tử về tất cả những điều này. Thoạt nhìn, lập trường của ông có thể có vẻ khó hiểu: Có gì đáng để phản đối về một thế giới công bằng, nơi mà làm việc chăm chỉ sẽ mang lại sự thịnh vượng, nơi có những tiêu chuẩn đáng tin cậy về đúng và sai, nơi mọi người đều được quan tâm một cách công bằng?
Nhưng Mạnh Tử lại thấu suốt một thế giới quan rất khác, bắt nguồn từ tư tưởng Khổng giáo. Ông nhìn nhận thế giới này là một nơi thất thường. Làm việc chăm chỉ không nhất thiết sẽ dẫn đến sự thịnh vượng. Những hành vi xấu không nhất thiết sẽ bị trừng phạt. Không có sự đảm bảo cho bất cứ điều gì; không có sự nhất quán ổn định và bao quát khắp thế giới để người ta có thể trông đợi. Thay vào đó, Mạnh Tử tin rằng thế giới này bị phân mảnh, hỗn loạn không ngừng và cần được tác động liên tục. Và chỉ khi hiểu rằng không có gì ổn định, chúng ta mới có thể đưa ra quyết định và sống cuộc sống của mình theo cách cởi mở nhất.
Đây là một ý tưởng gây bất an, và chúng tôi biết rằng ngay cả Mạnh Tử cũng phải đấu tranh để chấp nhận nó. Trên thực tế, ông là triết gia mà cuộc đời và tính cách được hậu thế biết đến nhiều nhất. Sách Mạnh Tử, tập hợp những giáo lý của ông được các đệ tử biên soạn sau khi ông qua đời, có rất nhiều câu chuyện, mẩu đối thoại và giai thoại chi tiết, mô tả toàn diện con người ông. Đây chính là chỗ làm cho cuốn sách trở nên hấp dẫn. Nó truyền đạt ý nghĩa của việc làm một con người có thể mắc sai lầm, với tất cả sự phức tạp của nó. Mạnh Tử không phải là Đức Phật thanh thản, không phải là Đức Chúa vị tha. Ông cũng không hề là một người khôn ngoan, nhân từ và điềm tĩnh, ông chỉ tình cờ là một người tài giỏi, lanh lợi, mạnh mẽ, kiêu ngạo và phức tạp, một người đàn ông đã đấu tranh để đạt được đức nhân và đôi khi vẫn không thể sống theo triết lý của chính mình.
Khi đưa ra quan điểm về thế giới như là một quá trình đan kết lại với nhau không ngừng nghỉ bằng hành động của con người, Mạnh Tử nhận thấy những tư tưởng của Mặc Tử đặc biệt nguy hiểm. Ông tin rằng những tư tưởng của Mặc Tử sẽ không dẫn đến một thế giới kiêm ái và hòa hợp xã hội. Thay vào đó, chúng sẽ dẫn đến một thế giới gần với phản xạ có điều kiện, nơi mọi người đã được quy định làm những gì họ phải làm để có được phần thưởng và tránh bị trừng phạt. Thực tế, đó sẽ là một thế giới nơi mọi người được đào tạo để suy nghĩ về hành động của mình thuần túy chỉ vì lợi ích: Tôi phải làm gì để có được điều mình muốn?
Trên thực tế, Mạnh Tử tin rằng người ta chỉ có thể trở nên đạo đức khi họ không nghĩ rằng có tồn tại bất kỳ hệ thống khen thưởng và trừng phạt cố kết nào. Xét cho cùng, nếu bạn tin rằng có một hệ thống như vậy tồn tại, bạn sẽ không phấn đấu để trở thành một người tốt hơn; bạn sẽ chỉ hành động để giành lợi ích cho bản thân. Trớ trêu thay, tầm nhìn xã hội bao quát của Mặc Tử về cách tạo ra một thế giới kiêm ái hoàn hảo lại dẫn đến một thế giới đầy những kẻ tìm kiếm lợi ích cá nhân.
Mạnh Tử sợ rằng những nỗ lực định hình hành vi của con người theo kiểu tính toán như vậy sẽ dẫn đến kết cuộc chia rẽ tư duy nhận thức ra khỏi khía cạnh cảm xúc của chúng ta. Trên thực tế, làm thế nào chúng ta có thể yêu thương một đứa trẻ xa lạ như chính con cái mình? Tất nhiên, loại bỏ cảm xúc ra khỏi sự công bằng hoàn toàn là quan điểm của Mặc Tử: Lý trí sẽ cho ta quyết định một cách hợp lý rằng cái gì là tốt và cái gì không mà không hề có những ý thích bất chợt và ham muốn nào chen vào. Nhưng Mạnh Tử tin rằng cái tạo nên sự khác biệt ở những người tốt là họ không bao giờ rời xa khía cạnh cảm xúc của mình; thay vào đó, họ gìn giữ và cần mẫn tu dưỡng những phản ứng cảm xúc của bản thân. Và đó là cách giúp họ biết được đâu là điều đúng đắn để làm, quyết định đúng đắn cần đưa ra – trong mọi tình huống.
Sự khác biệt về triết lý giữa Mặc Tử và Mạnh Tử đại diện cho sự khác biệt giữa những người nghĩ rằng thế giới này là cố kết với những người nghĩ rằng nó thất thường. Một bên là một thế giới mà trong đó hành động của bạn được định hình bởi một niềm tin vào các quy tắc được áp dụng phổ quát; một bên là một thế giới mà bạn không bao giờ có thể trông mong, một thế giới mà bạn phải liên tục xây mới bằng cách tu dưỡng bản thân và các mối quan hệ của mình bằng những hành động nhỏ nhặt.
Chúng ta đưa ra quyết định như thế nào?
Thậm chí ngày nay, dù chúng ta hầu như không nhận ra, nhưng các quyết định của chúng ta được định hình bằng cách chúng ta nhìn thế giới là cố kết hay thất thường. Hầu hết chúng ta nghĩ như Mặc Tử, rằng thế giới này cố kết. Chúng ta biết rất rõ rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng theo đúng kế hoạch, nhưng chúng ta cũng có xu hướng cho rằng thế giới vận hành theo một cách tổng quát như sau: Nếu bạn học hành chăm chỉ, bạn sẽ có thành tích tốt ở trường; nếu bạn có nền tảng giáo dục tốt, bạn sẽ kiếm được một công việc yêu thích; nếu bạn kết hôn với tình yêu của đời mình, bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi.
Thông thường, chúng ta dựa vào hai mô hình dân gian để đưa ra quyết định, cả hai đều bắt nguồn từ suy nghĩ rằng có một sự ổn định nào đó trên thế giới này.
Đó là mô hình “lựa chọn lý tính”: Chúng ta là những sinh vật lý tính có khả năng đưa ra quyết định mang tính logic. Chúng ta tiến hành vô số nghiên cứu, rồi lập danh sách các ưu và nhược điểm, cân nhắc rủi ro và lợi ích để đạt được kết quả tốt nhất có thể. Chúng ta suy nghĩ kỹ càng xem nên học lớp nào, có nên học cao học hay chấp nhận lời mời làm việc ở một thành phố xa xôi hay không.
Hoặc, chúng ta ủng hộ mô hình “trực giác”: Chúng ta quyết định dựa trên trực giác về những gì mình cảm thấy “đúng”. Chúng ta quyết định nơi để ăn tối, nơi để du lịch vào kỳ nghỉ sắp tới, hoặc đặt chiếc sofa nào cho phòng khách nhà mình.
Cuối cùng, hầu hết chúng ta sử dụng một kiểu kết hợp nào đó của cả hai mô hình này. Chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng rồi lại làm theo những gì mình cảm thấy đúng.
Trung thành với tư tưởng thế giới này thất thường, Mạnh Tử sẽ xem cả hai mô hình quyết định đó đều là sai lầm. Nếu chúng ta tin rằng mình có thể quyết định chỉ bằng cách tính toán, chúng ta sẽ nghĩ rằng mình thực sự quyết định một cách lý tính, nhưng những quyết định đó lại bị trật đường ray vì các yếu tố vô thức. Như đã biết, nhiều nghiên cứu về việc đưa ra quyết định đã kết luận rằng cảm xúc thường trấn áp tư duy lý tính.
Nhưng điều đó chắc chắn không có nghĩa là thay vào đó chúng ta nên dựa vào bản năng, vốn thường chỉ là biểu hiện của những ham muốn không được rèn luyện hay thậm chí ích kỷ, chứ không dựa trên ý thức về điều thực sự đúng đắn nên làm.
Có một cách tiếp cận thứ ba. Chúng ta có thể liên tục mài giũa cảm xúc của mình để nó hoạt động đồng bộ với trí óc, để đưa ra những quyết định mở mang tương lai thay vì khép chặt nó lại. Chúng ta không sống trong một thế giới bất biến, và đó là lý do tại sao loại bỏ các cảm xúc là điều cuối cùng ta nên làm, chính cảm xúc là thứ cho phép chúng ta nắm bắt mọi sắc thái của một tình huống và lèo lái vượt qua nó từ bất kỳ điểm xuất phát nào.
Bạn sẽ không thể hàn gắn một mối quan hệ trục trặc với em gái mình bằng cách ngồi xuống để có một cuộc nói chuyện chân tình mang tính đột phá. Thay vào đó, sự hàn gắn ấy sẽ chỉ xảy ra thông qua những quyết định rất nhỏ của bạn trong cách cư xử và phản ứng mỗi khi hai người nói chuyện, ngay cả khi cô em khiến bạn tức muốn điên. Suy xét chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chuyển sang tập trung vào việc xem xét những tương tác hằng ngày giữa bạn và cô em, đồng thời nhận ra tất cả các chi tiết nhỏ nhặt (bao gồm phản ứng của cô ấy với cách cư xử của bạn) ảnh hưởng đến những tương tác đó. Cũng như thế giới này không ổn định, những tương tác này cũng không cố định. Nếu hiểu được điều đó, bạn có thể hành động đồng thời để thay đổi tình huống và mối quan hệ ấy bằng cách mài giũa các cảm xúc của mình để phản ứng tốt hơn, nhờ đó tạo nên một quỹ đạo tốt hơn.
Những quỹ đạo có thể xảy ra này tồn tại khắp nơi quanh chúng ta. Khi bạn lần lữa không gọi cho một người bạn ở xa bởi vì bạn đang chờ đến buổi họp mặt hằng năm để gặp nhau, là bạn đang chủ động lựa chọn không nuôi dưỡng tình bạn của hai người. Sự bê trễ của bạn là một lựa chọn chủ động mà sẽ xếp đặt mọi thứ lên một con đường nhất định. Nếu bạn trai của bạn đang tính đến chuyện chia tay, và bạn cứ nhay đi nhay lại một cách lo lắng rằng hai bạn đang làm hỏng mọi thứ, thay vì chờ đợi một chút để xem thời gian có thể thay đổi và làm dịu cảm xúc của cả hai như thế nào, chính bạn lại đang hấp tấp thúc đẩy một sự kết thúc mà có thể đã không xảy ra. Giả sử bạn đến một cửa hàng có dịch vụ chăm sóc khách hàng thật kém, bạn yêu cầu được nói chuyện với quản lý, nếu bạn lên tiếng than phiền một cách bình tĩnh và lịch sự, bạn sẽ khơi gợi được cuộc trò chuyện giữa cả hai thay vì bít lối nó bằng cách tức giận và to tiếng, thì có thể kết quả sẽ tốt hơn.
Còn nhớ vấn đề lưỡng nan về cách nào là tốt nhất để giúp đỡ một người bạn gặp khó khăn không? Thông thường, chúng ta phản ứng dựa trên những gì chúng ta nghĩ mình có thể làm để giúp người bạn đó trong tình huống cụ thể đó. Bằng việc thừa nhận tính đặc thù của tình huống, chúng ta thực sự đang hành xử theo cách của Khổng giáo. Hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ hiểu ra được phải trước hết suy nghĩ đến lợi ích lý tính và các quy chuẩn có thể áp dụng phổ biến trong tình huống này.
Tuy nhiên, bởi vì chúng ta thường nghĩ bản thân luôn cư xử một cách ổn định và chắc chắn, nên ta tự giam hãm mình với những vai trò nhất định trong quá khứ. Ví dụ, nếu bạn nghĩ mình là kiểu người dễ đồng tình, bạn có thể không thoải mái khi trở thành kiểu can thiệp trực tiếp, dù bạn có thể thấy rằng đó là điều mà người bạn của bạn thực sự cần vào lúc đó, chỉ bởi vì đó không phải là con người bạn. Nó nằm ngoài khuôn mẫu cư xử thường ngày của bạn. Bạn có thể nghĩ: Ừ thì, một người bạn khác có thể hối thúc cô ấy đến gặp bác sĩ/gọi luật sư/đối chất với người khai vấn của cô ấy. Còn mình thì sẽ chỉ lắng nghe thôi.
Nhưng việc tự định nghĩa bản thân “Tôi là như thế” sẽ giới hạn độ tinh nhạy của bạn với toàn bộ tình huống, giới hạn độ phóng khoáng trong phản ứng mà bạn có thể trao đi cũng như đức nhân mà bạn có thể thể hiện.
Để có cảm tưởng về toàn bộ bối cảnh trước khi đưa ra quyết định trong một thế giới thay đổi bất tận, bạn cần rèn luyện cảm xúc của mình. Bạn cần học cách suy nghĩ về các quyết định dưới dạng một bản thể phức tạp, một thế giới phức tạp và các quỹ đạo phức tạp có thể diễn tiến đa chiều.
Mạnh Tử tin rằng cách duy nhất để tu dưỡng một nhận thức đầy đủ về sự phức tạp của các tình huống là tu dưỡng khả năng thấu hiểu các hành động của chúng ta có thể dẫn đến các quỹ đạo tích cực như thế nào. Và ông tin rằng tất cả chúng ta bẩm sinh đều có tiềm năng làm như vậy: một tiềm năng đi đến đức nhân.
Nhân chi sơ tính bản thiện
Hãy hình dung bạn đang dạo bước qua một bãi cỏ có mấy đứa trẻ đang chơi đùa. Đột nhiên, bạn nghe thấy một tiếng kêu thét. Một cậu bé đã biến mất khỏi tầm mắt, nó bị trượt chân rơi xuống cái giếng bỏ hoang. Lúc này nó đang cố bám víu lơ lửng ở thành giếng, cố hết sức để không rơi xuống đáy.
Không chút do dự, chẳng cần suy nghĩ một khắc nào, bạn chạy đến giải cứu đứa trẻ. Bạn với tay vào giếng và đưa nó ra khỏi đó an toàn.
Mạnh Tử đã sử dụng truyện ngụ ngôn về đứa trẻ rơi xuống giếng để nhấn mạnh rằng tất cả con người đều có tiềm năng trở thành người tốt như nhau. Ông lập luận rằng chúng ta biết điều này bởi vì không một ai ở bất cứ nơi nào lại không lập tức chạy đến cứu đứa trẻ đó. Lý do người ta làm vậy không phải là để được vinh danh, được tặng thưởng, hay được cha mẹ đứa trẻ ngợi khen và tỏ lòng biết ơn. Đó là một phản ứng tự nhiên mà con người ở bất kỳ nơi đâu cũng đều có, nó nảy sinh từ mong muốn thuần túy giản đơn là cứu đứa trẻ đó.
Nếu có thể phát triển bản năng này, chúng ta sẽ biết phải làm gì và quyết định thế nào trong mọi tình huống. Tuy nhiên, thật khó để sống trọn với tiềm năng trở thành người tốt của mình. Chúng ta ngồi lê đôi mách chuyện nhà hàng xóm, chúng ta ghen tỵ với bạn bè, chúng ta la mắng con cái. Hết lần này đến lần khác, chúng ta để những mặt xấu nhất của mình hiện ra. Nếu ai cũng sẽ chạy đến cứu một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm, thì tại sao, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta lại thường xuyên làm tổn thương những người xung quanh? Tại sao chúng ta không làm nhiều hơn để nuôi dưỡng bản tính thiện của mình?
Mạnh Tử đã nhận thấy tất cả những đánh đố này, điều đó cho ông niềm tin rằng mỗi con người bẩm sinh đều có năng lực tự nhiên cho tính thiện. Ông đã viết:
“Nhân tính chi thiện dã, du thủy chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thủy vô hữu bất hạ.”****
(Bản tính con người vốn hướng về điều thiện, cũng như tính nước luôn chảy xuống thấp vậy. Nước không bao giờ không chảy xuống dưới, bản tính con người không bao giờ không hướng về thiện.)*****
**** Sách Mạnh Tử, chương 11, bài số 2.
***** Những phần dịch, chú giải về sách Mạnh Tử sử dụng trong cuốn sách này có tham khảo từ sách Tứ Thư Bình Giải của tác giả, nhà nghiên cứu Lý Minh Tuấn. Trân trọng cảm ơn tác giả vì những đóng góp cho văn hóa nước nhà.
Nhưng tính thiện này chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng. Bản tính con người vốn thiện, nhưng nó có thể bị tiêu biến, có thể bị biến dạng hoặc bị thay đổi bởi những gì nó gặp phải. Như Mạnh Tử đã nói:
“Kim phù thủy, bác nhi dược chi, khả sử quá tảng; kích nhi hành chi, khả sử tại sơn. Thị khởi thủy chi tính tai? Kỳ thế, tắc nhiên dã. Nhân chi khả sử vi bất thiện, kỳ tính diệc do thị dã.”******
(Đối với nước, đánh vào thì có thể nhảy lên trên, chặn dòng thì có thể khiến nó dâng tới núi. Bản tính nước liệu có phải thế chăng? Do tình thế, nó phải như vậy. Con người có thể bị khiến trở thành bất thiện, tính người cũng như vậy thôi.)
****** Sách Mạnh Tử, chương 11, bài số 2.
Mạnh Tử muốn mọi người thấu hiểu một cách ruột gan về cảm giác của thiện lương để hiểu làm thế nào trở thành người tốt. Cảm giác là người tốt sẽ như thế nào? Bạn phải làm gì mỗi ngày để có được cảm giác đó?
Để trả lời những câu hỏi này, Mạnh Tử đã dạy rằng chúng ta nên nghĩ về tính thiện của mình như những nụ mầm nhỏ. Tất cả nụ mầm có tiềm năng phát triển thành cái gì đó lớn hơn. Nhưng chúng phải được chăm bón đúng cách trong một môi trường nuôi dưỡng đầy đủ để đạt được tiềm năng đó. Tương tự như vậy, mỗi chúng ta đều có tính thiện phôi thai bên trong mình. Vì vậy, Mạnh Tử kết luận rằng mỗi người chào đời đều bình đẳng, được phú cho tiềm năng trở thành nhà hiền triết: khả năng tạo ra một môi trường mà trong đó mọi người đều hưng vượng.
Nhưng chúng ta có xu hướng bỏ bê các nụ mầm của mình, quên tưới tắm hay chăm dưỡng chúng, còn không thì lại quá ép uổng: chúng ta tóm lấy chúng và cố lôi kéo để chúng mọc lên. Chúng ta không chỉ phá vỡ bản tính thiện của mình mà còn trở nên khốn khổ, dễ bị chi phối bởi những bản năng xấu xa nhất của mình: ghen tuông, giận dữ và oán hận. Khi làm thế, chúng ta đã gây hại nhân tính của chính mình và làm hại những người xung quanh chúng ta. Với việc buông lỏng những mặt tồi tệ nhất trong con người mình, chúng ta khiến người khác cũng bộc lộ những điều tồi tệ bên trong họ và khiến họ cũng giết chết nụ mầm của chính mình. Hầu hết chúng ta không đạt được tiềm năng của mình, nhưng đây không phải là điều nên xảy ra.
Nếu tính thiện thực sự có thể quan sát được hữu hình như những nụ mầm thực sự, thì nó chẳng phải là thứ gì đó trừu tượng như thuyết kiêm ái của Mặc gia hay lòng yêu thương tất cả chúng sinh của Phật giáo; tính thiện của Mạnh Tử không liên kết với bất kỳ kiểu học thuyết nào đòi hỏi chúng ta phải yêu thương những người lạ chưa từng gặp giống như yêu thương những người bạn tri âm tri kỷ của mình. Đúng hơn, tính thiện là thứ chúng ta có thể cảm nhận và nuôi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày với chính những người ở bên cạnh ta.
Nếu để ý, chúng ta có thể thấy bất cứ khi nào chúng ta thực hiện một hành động tử tế, dù nhỏ đến đâu – như nói chuyện với ai đó một cách ấm áp, giữ cửa giúp cho người lạ, giúp hàng xóm xúc tuyết khỏi chiếc xe nhà họ sau cơn bão tuyết – chúng ta có thể sẽ trải nghiệm một cảm giác thể chất, như hơi ấm. Cảm giác cụ thể đó chính là nụ mầm của tính thiện mà Mạnh Tử nói đến đang nảy nở bên trong, được nuôi dưỡng bởi hành động rộng lượng và kết nối với người khác của chúng ta.
Khi bạn chú ý đến cảm giác thể chất đó, nuôi dưỡng những mặt tốt đẹp hơn của bản thân và nhận thấy tác động của nó lên chính bạn và người khác, bạn sẽ có động lực để tiếp tục. Như vậy, bạn sẽ không phát triển tính thiện của mình một cách chung chung: Bạn đang học qua từng bước của quy trình gieo các điều kiện cần thiết để nó có thể lớn nhanh. Bạn khởi đầu như một người nông dân đơn độc, gieo trồng những nụ mầm trên cánh đồng nhỏ bé của bạn, nhưng hiệu quả lại tỏa ra bên ngoài. Những người nhận thành quả từ tính thiện của chúng ta sẽ có cảm hứng để hành động tốt hơn và tiếp tục trồng những nụ mầm tính thiện của chính họ. Những khoảnh khắc thiện lương được bồi đắp cho đến khi lấp kín một ngày, rồi cuối cùng là suốt một đời.
Tâm - Trí như một
Tính thiện liên quan đến việc đưa ra quyết định hợp lý như thế nào?
Chúng ta sẽ phát huy được tiềm năng to lớn của bản tính người khi hoàn thiện các phản ứng cảm xúc của mình. Không ngừng trau dồi bản thân thông qua những mối tương tác giữa chúng ta với người khác và không ngừng nỗ lực nuôi dưỡng những nụ mầm của tính thiện, đó là những thứ sẽ dẫn dắt chúng ta cuối cùng hiểu được cách đưa ra quyết định hợp đạo đức trong bất kỳ tình huống nào.
Mặc dù một số nhà tư tưởng như Mặc Tử tin vào việc phân biệt rõ ràng giữa các năng lực lý tính và cảm xúc, và phân chia giữa trí óc và trái tim càng nhiều càng tốt, nhưng trong tiếng Hán, từ dùng để chỉ trí óc và trái tim thực ra là một: tâm (心). Tâm - trí là chỗ của cảm xúc, cũng như trung tâm của lý trí. Nó có thể cân nhắc, suy ngẫm, chiêm nghiệm, cảm nhận tình yêu, niềm vui và thù hận. Mạnh Tử đã dạy rằng điều phân biệt giữa những người trở nên vĩ đại với những người không vĩ đại là khả năng tuân theo tâm - trí của họ thay vì mù quáng làm theo cảm giác hoặc theo hiểu biết. Tu dưỡng tâm - trí là điều sẽ nuôi lớn khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn.
Hãy nghĩ về những lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt trong suốt cuộc đời, từ tầm thường đến quan trọng: nấu món gì cho bữa tối; đi đâu chơi trong kỳ nghỉ sắp đến; có nên đổi việc hay có nên đưa đơn ly hôn không. Không thể chỉ dùng lý trí suy nghĩ về mọi thứ mà cho ra được những quyết định khôn ngoan. Chúng phải xuất phát từ một sự thấu hiểu hoàn toàn về những gì tâm - trí chúng ta biết là đúng đắn. Quyết định hợp lý chỉ có được khi trái tim và trí óc cùng phối hợp.
Khi thụ động để cho cảm giác dắt mũi mình, chúng ta sẽ đưa ra quyết định thiếu khôn ngoan và mất kiểm soát. Dù đó là một việc gì đó nhỏ nhặt, như ăn quá nhiều khi không đói, hoặc một việc quan trọng, như mắng mỏ một người bạn vì nghĩ mình bị coi thường, cảm giác thường khiến chúng ta phản ứng thiếu khôn ngoan tại thời điểm ấy.
Nhưng nếu tu dưỡng tâm - trí, chúng ta sẽ có thể phản ứng với mọi thứ ở một vị thế ổn định hơn nhiều. Khi không bị xao nhãng bởi những cơn bốc đồng và những biến động cảm xúc, chúng ta có thể tập trung vào toàn cảnh và sẽ biết phải làm gì. Chúng ta sẽ biết được phản ứng nào sẽ làm bộc lộ điểm tốt nhất trong chúng ta và những người xung quanh.
Quay trở lại câu chuyện về đứa trẻ rơi xuống giếng. Câu chuyện ngụ ngôn này, tất nhiên, chỉ là một khoảnh khắc khủng hoảng hiếm gặp thôi. Còn hầu hết các quyết định mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống đều không rõ ràng như thế. Bản tính hướng thiện tiềm tàng sẽ không thể ngay lập tức cho chúng ta biết phải làm gì. Tất nhiên, nó sẽ nói với chúng ta rằng ta cần cứu cậu bé kia. Nhưng, chính xác thì bạn phải làm gì để giúp đỡ hiệu quả nhất cho một đứa em họ đang gặp khủng hoảng cá nhân? Nên nhận công việc nào để có được tương lai tốt nhất? Bạn có nên chuyển nhà để ở gần cha mẹ già?
Phương pháp hợp nhất hai mặt hiểu biết và cảm xúc của Mạnh Tử sẽ lưu ý đến các phản ứng cảm xúc của bạn, sau đó cố gắng thay đổi chúng cho tốt hơn. Hãy sử dụng trí óc để nuôi dưỡng cảm xúc. Quan tâm đến những tác nhân kích hoạt cảm xúc và phản ứng của bạn mỗi ngày. Bạn nhận thức thế giới thông qua các thói quen cố hữu và các lề lối cứng nhắc nào? Có phải việc người bạn đời chỉ trích cách bạn nhồi chén đĩa vào máy rửa chén đã gợi lại trong bạn những ký ức thời thơ ấu, khi bạn không ngừng bị khiến cho cảm thấy mình là đứa ngớ ngẩn? Bạn có xu hướng thỏa hiệp với bạn bè thay vì tỏ ra quyết đoán vì bạn cảm thấy không đáng để thể hiện một quan điểm mạnh mẽ không?
Khi nhận thức được tất cả những tác nhân và khuôn mẫu đã định hình cảm xúc của bạn suốt cả ngày, bạn có thể tiến hành cải thiện cách phản ứng của mình. Nhưng cần lưu ý rằng chú ý đến phản ứng cảm xúc không giống như “chánh niệm”, khái niệm phổ biến phỏng theo quan niệm của Phật giáo về sự suy xét độc lập và không phán xét. Cũng không phải về chuyện quan sát cảm xúc của bạn, chấp nhận chúng, rồi buông bỏ chúng để bạn có thể đạt được một kiểu bình an riêng tư nào đó. Bởi vì dù cho bạn đã đạt được cảm giác bình an, thì nó cũng sẽ biến mất ngay khi bạn bắt đầu gia nhập thế giới trở lại. Và cũng không phải về cảm giác từ bi cho tất cả chúng sinh một cách trừu tượng. Tu dưỡng tâm - trí là một hành động hướng ngoại không nhằm mục đích đưa chúng ta xa rời thế giới mà nhằm khiến chúng ta gắn kết sâu hơn vào thế giới để có thể cải thiện bản thân và những người xung quanh thông qua mọi mối tương tác. Chúng ta đang nói đến sự chú tâm không phải theo nghĩa chánh niệm mà theo nghĩa Khổng giáo.
Các sự kiện ngoại tại kích hoạt các phản ứng cảm xúc của chúng ta mỗi ngày, như niềm vui trào dâng khi con bạn tự động lẫm chẫm mang đến tặng bạn một bó hoa nó vừa hái dành riêng cho bạn, nỗi đau xoẹt qua khi bắt gặp bạn trai cũ trên phố, cơn giật mình khi sếp gửi cho bạn một email nhắc nhở deadline sắp tới. Tất cả các phản ứng của chúng ta được tích lũy lại. Cuộc sống trở thành một loạt các phản ứng khuôn mẫu không được huấn luyện – những khuôn mẫu thường đưa đến kết quả tiêu cực. Thực tế, rất nhiều quyết định mà chúng ta có khuynh hướng cho là quyết định có ý thức lại chỉ là sự phát lại những khuôn mẫu cũ. Nhưng nếu nuôi dưỡng cảm xúc, theo thời gian và bằng kinh nghiệm, chúng ta có thể học cách cảm nhận tâm tính của người khác chính xác hơn, đánh giá được điều gì đang thực sự xảy ra trong một tình huống cụ thể và tìm cách thay đổi kết quả cho phù hợp – dù là chúng ta đang đối phó với trận xung đột với người hàng xóm, một người bạn đang phải vật lộn với chứng trầm cảm, hay một đứa trẻ bị tụt hậu ở trường. Chúng ta có thể tự rèn luyện bản thân để nhận thức được những rắc rối này và biết mình có thể làm gì để thay đổi chúng.
Hãy tưởng tượng bạn có một người đồng nghiệp cứ không ngừng khiến bạn phân tâm mỗi khi bạn đang cố theo kịp deadline. Rắc rối thường xuyên này khiến bạn định hình một suy nghĩ rằng cô ấy là một kẻ hay gây xao lãng và phiền phức. Bạn có thể cảm thấy muốn tỏ ra lạnh nhạt với cô. Hoặc bạn có thể nhượng bộ và tán dóc chút đỉnh, nhưng sau đó lại thấy khó chịu với chính mình vì đã để cô ấy làm mất quá nhiều thời gian của bạn. Hoặc bạn có thể nổi khùng với cô, tức giận vì cô không nhận ra bạn đang bận rộn như thế nào. Hoặc bạn có thể trút giận lên mấy người bạn cứ xúi giục bạn tỏ rõ chính kiến và dứt khoát bảo cô rằng lúc này bạn không thể chuyện trò gì đâu. Nhưng thay vì dán nhãn cho cô ấy là một kẻ phiền phức và sử dụng các chiến lược chung chung nhằm vào một đồng nghiệp phiền phức, khó chịu nào đó, phản ứng cởi mở nhất xuất hiện khi bạn bắt đầu nhận ra đồng nghiệp của mình là một cá nhân với một tập hợp phức tạp của sự nhạy cảm, thói quen, khuôn mẫu cư xử, cảm xúc và hành vi. Một số khía cạnh nhất định của cô ấy đang được thể hiện ra trong tình huống này vì những lý do nhất định, và bạn cũng vậy. Bạn có thể muốn giải quyết vấn đề trực tiếp, nói thẳng với cô ấy rằng hai bạn cần thảo luận về một rắc rối để khiến cô ấy nhận ra tình trạng của bạn. Nhưng chiến lược hiệu quả hơn sẽ là bạn hiểu rằng những thứ khác nhau mà bạn làm có thể chuyển hướng tình huống thành những kiểu khác nhau như thế nào theo thời gian. Một khi bạn nhìn cô ấy như là một con người đa diện và vô cùng phức tạp, thay vì một người nhất quán luôn theo kiểu cô ấy vẫn tỏ ra, góc nhìn của bạn sẽ được mở rộng để thấy được nhiều việc khác nhau mà bạn có thể thử để thay đổi tình huống; những việc nho nhỏ bạn có thể làm để giúp bộc lộ ra những khía cạnh khác của đồng nghiệp đó, cũng như chính bản thân bạn. Có phải cô ấy tìm đến trò chuyện khi đang cô đơn? Có cách nào khác để giải quyết mong muốn tương tác của cô ấy không? Hoặc có thể cô ấy liên tục xuất hiện khi cô cảm thấy bất an và bất định; định vị trạng thái chính là điểm bạn có thể khởi đầu.
Đây là một tình huống khác: Giả sử ai đó nổi giận với bạn. Có thể một sự phẫn uất kìm nén đã lâu giữa bạn và anh trai cuối cùng cũng bùng nổ dữ dội. Một phản ứng tế nhị từ phía bạn cũng sẽ không thể tự động bộc lộ khi bạn đang ở trong cơn giận của chính mình. Phản ứng tự động cũng sẽ không phải là xoa dịu anh bạn, phớt lờ, hoặc đơn giản là tránh nói chuyện. Đúng hơn là, một phản ứng tế nhị sẽ bắt đầu bằng việc dành một khoảng thời gian để cố gắng thấu hiểu toàn bộ cảm xúc và phẫn hận ẩn sau hành vi của anh bạn. Tất nhiên, phải có chất xúc tác tức thời, nhưng tình trạng hiện tại của mối quan hệ anh em bạn hẳn đã được tạo thành bởi nhiều năm phản ứng theo khuôn mẫu từ cả hai phía. Nếu bạn bắt đầu bằng cách thử suy ngẫm xem nguyên nhân gây tức giận là gì và cố nắm bắt tất cả những điều có thể thực hiện để thay đổi tình huống thì chắc chắn bạn sẽ gỡ được khỏi đầu óc mình suy nghĩ mà bạn đã mặc định về anh mình. Những cách tiếp cận mới sẽ đến với bạn. Những cử chỉ nho nhỏ (đơn giản như chấp nhận cơn giận, thừa nhận vai trò của bạn trong cơn giận đó, hoặc quyết định thận trọng rằng sẽ chờ đến lúc cả hai đều nguội rồi mới nói chuyện), chính vì chúng khác thường và hướng đến việc thay đổi động lực bên dưới cơn giận thay vì nổi nóng ngay với vấn đề trước mắt, sẽ có khả năng phá vỡ động lực nằm bên dưới đó.
Không có tư tưởng nào trong số này là mới với chúng ta cả. Chúng ta thừa biết đây chính là những cách phản ứng tối ưu. Tuy nhiên, khi đối mặt với các tình huống đầy thách thức xảy ra giữa các cá nhân, thường thì phản ứng ban đầu sẽ thiếu tinh tế. Hầu hết chúng ta thường bị vùi dập bởi những cảm xúc nhất thời và mong muốn một giải pháp chóng vánh. Cách tiếp cận khác biệt này chắc chắn sẽ không nhanh chóng dàn xếp được sự việc; không một cách phản ứng nào trong số này có thể thay đổi mọi thứ ngay lập tức. Nhưng bạn sẽ tích lũy được kinh nghiệm khi nghĩ về mọi thứ trong phạm vi toàn cảnh; kết quả sẽ có giá trị lâu dài. Khi bạn đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện bản thân để tiếp cận các tình huống với quan điểm rộng mở nhất và hiểu được làm thế nào để thay đổi một kết quả, bạn đang không ngừng tu dưỡng bản tính thiện của mình. Vấn đề không phải là gạt bỏ đi cảm xúc, bởi điều đó sẽ khiến chúng ta mất đi khả năng cảm nhận bối cảnh chung của một tình huống. Vấn đề là phải cải thiện những cảm xúc đó để trực giác đưa ra được những cách phản ứng tốt hơn.
Nuôi dưỡng tâm - trí có nghĩa là vậy. Nó cho phép bạn trở nên phản ứng dễ dàng hơn với thế giới, những mặt tốt đẹp của bạn không bị sứt mẻ, và tầm nhìn của bạn còn nguyên vẹn. Điều mà Mạnh Tử gọi là “tòng quyền”******* là khả năng đưa ra những quyết định hợp đạo đức theo bản năng mà vẫn cân nhắc cẩn thận từng tình huống với tất cả sự phức tạp của nó. Rèn luyện tâm - trí nghĩa là mài giũa khả năng đánh giá của chúng ta: nhìn thấy bức tranh lớn hơn, hiểu được những gì thực sự ẩn đằng sau hành vi của một người và nhớ được rằng những cảm xúc khác nhau (như lo lắng, sợ hãi và vui thích) sẽ làm lộ ra những mặt khác của những người mà chúng ta vẫn nghĩ là cứng nhắc. Cảm thức đâu là điều đúng cần làm trở thành một hình thức phức tạp hơn, một hình thức bản năng phát triển sẽ buộc bạn phải cứu đứa trẻ rơi xuống giếng. Cũng như bạn chẳng cần tự hỏi bản thân phải làm gì khi có một đứa bé đang gặp nguy hiểm, bạn sẽ chẳng cần tự hỏi mình phải làm thế nào để vượt qua những thứ gặp phải mỗi ngày nếu bạn biết nuôi dưỡng tâm - trí.
******* Theo Mạnh Tử, những lúc bình thường, người ta phải “chấp kinh”, nghĩa là phải giữ lễ, tuân theo đạo lý truyền thống, khi gặp tình huống biến động thì phải “tòng quyền”, nghĩa là tự mình linh động xử lý sự việc (ngộ biến tòng quyền).
Đặt nền tảng để mọi thứ có thể phát triển
Khi nói đến những quyết định lớn hơn trong đời – chọn ngành học đại học, có nên chuyển nghề, nên kết hôn với ai – chúng ta thường mắc sai lầm. Ngay cả khi đã sử dụng tâm trí – của mình để “tòng quyền” và nhận ra những hành động nhỏ bé của chúng ta sẽ liên tục tạo nên những thay đổi nhỏ trong thế giới như thế nào, thì chúng ta vẫn nghĩ thế giới này nhất quán, và do đó chúng ta vẫn nhất định nghĩ rằng có những thứ ổn định: tôi, điểm mạnh và điểm yếu của tôi, những thứ tôi thích và không thích, thế giới này sẽ chỉ như vậy suốt nhiều thập niên và vị thế của tôi trong đó cũng vậy.
Do đó, không chỉ các phản ứng ngắn hạn của chúng ta mà cả các kế hoạch dài hạn trong đời cũng thường dựa trên một ảo tưởng về sự ổn định. Chúng ta hoạch định những gì có thể làm một cách cụ thể để đạt được mục tiêu của mình. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng quyết định nên chọn nghề gì, bạn có thể suy nghĩ xem mình phù hợp với điều gì nhất: bạn tìm hiểu xem bạn là kiểu người thế nào, điểm mạnh của bạn nằm ở đâu, tập trung vào các lớp học và theo đuổi mục tiêu dựa trên đánh giá đó, rồi cuối cùng là dấn thân vào một con đường sự nghiệp dựa trên định nghĩa cố định về con người mà bạn tin chính là mình.
Nhưng hãy nhớ rằng con người mà bạn nghĩ là bạn, đặc biệt là những gì bạn nghĩ chính là “bạn” khi đưa ra quyết định nào đó, thường chỉ là một tập hợp các khuôn mẫu bạn đã rơi vào. Cũng như bạn có thể trở thành một người bi quan đơn giản chỉ vì bạn nghĩ mình là người bi quan, bạn có thể đưa ra những quyết định định hình nên con người bạn, chỉ vì bạn nghĩ những quyết định đó cho thấy bạn là ai. Nhưng khi bạn làm như vậy, bạn đã tự đóng khung mình ngay cả trước khi bạn bắt đầu trở thành người đó.
Khi chúng ta dùng lý trí để đưa ra những quyết định lớn trong đời dựa trên quan niệm cho rằng thế giới này nhất quán, chúng ta có một vị thế rõ ràng, những khả năng rõ ràng, một bản thân ổn định, những cảm xúc không thay đổi và một thế giới không thay đổi. Nhưng những điều này hoàn toàn không phải đã được quy định trước. Với việc thực hiện các kế hoạch cụ thể, xác định, bạn thật sự đang thiếu thực tế, bởi vì bạn đang thực hiện những kế hoạch này cho một bản thân trừu tượng: một bản thân tương lai mà bạn tưởng tượng ra dựa trên con người bạn nghĩ là mình bây giờ, mặc dù bạn, thế giới và hoàn cảnh của bạn sẽ thay đổi. Bạn tự loại mình ra khỏi đống hổ lốn phức tạp của thực tế, dù nó là cơ sở để bạn có thể phát triển như một con người. Bạn tự trừ khử khả năng phát triển như một con người của mình bởi vì bạn đang giới hạn sự phát triển đó thành cái có lợi nhất cho con người mà bạn ngẫu nhiên đang là ngay lúc này, chứ không phải con người mà bạn sẽ trở thành.
Thay vào đó, nếu bạn luôn luôn nghĩ rằng thế giới này là bất ổn, bạn có thể bắt đầu nghĩ về tất cả các quyết định và phản ứng của mình dựa trên nhận thức về sự phức tạp, không ngừng thay đổi của thế giới và dựa trên bản thân phức tạp, không ngừng biến đổi của bạn. Bạn có thể rèn luyện để trí óc của mình luôn cởi mở và xem tất cả những thứ phức tạp đó là của con người bạn. Chúng ta đạt được kết quả tốt nhất khi chúng ta nghĩ về mọi thứ dưới dạng những quỹ đạo dài hạn. Các quyết định bao quát nhất chỉ có được khi bạn đặt nền tảng để mọi thứ có thể phát triển.
Xét câu chuyện ghi lại trong sách Mạnh Tử kể về các vị minh quân thời cổ đã khai mở nền văn minh. Đó là thời mà “tất cả mọi thứ dưới trời chưa được sắp đặt, khắp nơi chìm trong nước, và ngũ cốc chưa được trồng”.
Một bậc minh vương là Vũ được phái đến để đưa thế giới này vào trật tự. Ông đào đất để dẫn nước tưới cho cây trồng:
“Vũ sơ cửu hà, thược Tế. Đạp nhi chú chư hải, quyết Nhữ, Hán, bài Hoài, Tứ nhi chú chi Giang. Nhiên hậu, trung quốc khả đắc nhi thực dã.”********
******** Sách Mạnh Tử, chương 5, bài số 4.
(Ông Vũ đào khoét chín con sông, khơi sông Tế, sông Đạp cho chảy vào biển; vét sông Nhữ, sông Hán, bới sông Hoài, sông Tứ cho chảy vào sông Giang.) Bạch Khuê viết: “Đan chi trị thủy dã, dũ ư Vũ”.
Mạnh Tử viết: “Tử Quá hỹ. Vũ chi trị thủy, thủy chi đạo dã. Thị cố Vũ dĩ tứ hải vi hác. Kim ngô tử dĩ lân quốc vi hác. Thủy nghịch hành, vị chi giáng thủy. Giáng thủy giả, hồng thủy dã. Nhân nhân chi sở ố dã. Ngô tử quá hỹ”.********
******** Sách Mạnh Tử, chương 12, bài 11.
(Bạch Khuê nói: “Phương pháp trị thủy của tôi còn vượt trội hơn ông Vũ”.
Mạnh Tử nói: “Lầm mất rồi. Phương pháp trị thủy của ông Vũ là dựa vào hướng nước chảy. Vậy nên ông Vũ lấy biển làm chỗ chứa. Nay ông lại lấy nước láng giềng làm chỗ chứa. Nước chảy ngược gọi là nước chảy tràn. Nước chảy tràn là nước lụt. Người có nhân đều ghét nước lụt. Ông lầm mất rồi”.)
Khi dời nước, vua Vũ chẳng hề can thiệp vào dòng chảy. Vua Vũ đã thay đổi tận gốc môi trường bằng cách đào kênh mương, nhưng ông chỉ thay đổi sau khi hiểu được dòng chảy của nước và chuyển dời nó một cách tự nhiên.
Ý nghĩa của câu chuyện không phải là chúng ta nên để yên cho nước muốn chảy sao thì chảy, giống như chúng ta không nên để yên cho các hạt mầm tiềm năng của mình muốn mọc sao thì mọc. Câu chuyện nói rằng chúng ta phải học cách vua Vũ dịch chuyển dòng nước. Chúng ta phải giống như một người nông dân đang trồng cấy trên cánh đồng. Một nông dân năng động và suy nghĩ cẩn thận. Người nông dân ấy phải chọn đúng vị trí, nhổ cỏ dại, lật đất lên và bón phân cho đất, gieo hạt các loại cây mà anh ta biết là sẽ mọc sum suê trong kiểu khí hậu cụ thể đó. Sau đó, anh ta chăm sóc cánh đồng của mình, làm cỏ, nuôi dưỡng cây trồng bằng nước và đảm bảo chúng có đủ ánh sáng mặt trời. Nhưng thậm chí công việc vẫn chưa chấm dứt ở đó. Nó sẽ liên tục không ngừng. Anh ta phải làm hàng rào để ngăn thú hoang và chuyển đổi cây trồng tùy vào tính chất thay đổi của đất. Anh ta cũng phải rất nhạy cảm với thời gian và nhịp độ: biết khi nào nên thay đổi và khi nào nên chờ đợi. Trong cuộc sống, chúng ta cần liên tục phản ứng nhanh với các hoàn cảnh khi chúng mới xuất hiện, giống như một người nông dân cảnh giác với các tình huống ảnh hưởng đến cánh đồng của anh ta vậy.
Tích cực không có nghĩa là cố xông xáo ngăn dòng nước đang chảy. Thay vào đó, phải là lợi dụng việc nước có xu hướng chảy xuống để chế ngự dòng nước đó. Như Mạnh Tử đã nói:
“Sở ố ư trí giả, vị kỳ tạc dã. Như trí giả nhược Vũ chi hành thủy dã, tắc vô ố ư trí hĩ. Vũ chi hành thủy dã, hành kỳ sở vô sự dã.”********
(Chỗ đáng ghét của kẻ trí là sự xuyên tạc của họ. Nếu kẻ trí cũng giống như vua Vũ trị thủy thì không có ai không thích kẻ trí. Vua Vũ khai thông nước chảy đã tiến hành thuận tự nhiên.)
******** Sách Mạnh Tử, chương 8, bài 26.
Tích cực nghĩa là tạo điều kiện tối ưu và ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể nảy sinh. Nó có nghĩa là đặt nền móng cho sự thay đổi. Hãy xem mình như là người nông dân, thay vì nghĩ về việc mình là ai, rồi sắp xếp các mục tiêu xung quanh đó. Khi đó mục tiêu của bạn sẽ trở thành đặt nền móng để phát triển nhiều mối quan tâm và các khía cạnh của bản thân bạn một cách có hệ thống.
Hầu hết chúng ta đều có những thú vui và sở thích mà cuối tuần hay những khi rỗi rãi chúng ta thường theo đuổi. Chúng ta thường chẳng nghĩ đến những thứ đó có liên quan với việc tìm ra những gì chúng ta muốn làm với đời mình. Tuy nhiên, đặt nền móng nghĩa là việc gì đó đơn giản như sắp xếp thời gian để tham gia vào các hoạt động nói về các khía cạnh khác nhau của bản thân mà bạn muốn phát triển: tham gia lớp học nếm rượu vang, học vẽ màu nước hoặc ôn lại vốn tiếng Pháp từ thời trung học của bạn mỗi tuần một lần ở một lớp trao đổi ngôn ngữ. Bằng việc chủ động tạo ra cơ hội trong đời cho tất cả các khả năng của bạn, rồi luôn ở trong tâm thế cởi mở và sẵn sàng hồi đáp, bạn giống như một người nông dân đang chuẩn bị mảnh ruộng để cây trồng của mình có thể sum suê tươi tốt.
Khi bạn dành chỗ cho sở thích, các cơ hội sẽ mở ra cho bạn. Bạn có thể biết được rằng bạn thích làm việc với đôi tay của mình, nhưng thích làm đồ mộc hơn là vẽ tranh. Hoặc bạn quyết định rằng tiếng Pháp không phải là thứ dành cho bạn, nhưng bạn muốn khám phá các nền văn hóa khác bằng cách làm gia sư cho những người nhập cư tại thư viện, việc này có thể cuối cùng sẽ dẫn đến những thứ khác: bạn mới, một chuyến đi nước ngoài, một sự thay đổi nghề nghiệp trong tương lai. Khi hồi đáp với sự thay đổi sở thích theo thời gian, bạn sẽ không bị kìm hãm, bạn có thể dễ dàng thay đổi cuộc sống và lịch trình của mình để phát triển.
Thay vì đi sâu vào suy nghĩ tôi có thể trở thành bất cứ điều gì tôi muốn, cách tiếp cận mà bạn đang thực hiện là tôi không biết mình có thể trở thành gì. Bạn không biết điều này có thể đưa bạn đến đâu; bạn không thể biết được vào lúc này. Nhưng những gì bạn biết được về bản thân và những gì khiến bạn phấn khích sẽ không phải là những thứ trừu tượng; nó sẽ là những kiến thức rất cụ thể sinh ra từ kinh nghiệm thực tế. Dần dần, bạn sẽ mở ra những con đường mà bạn không thể tưởng tượng nổi, trong số đó xuất hiện những lựa chọn mà trước giờ bạn chưa từng thấy. Và dần dần, bạn sẽ thật sự trở thành một người khác.
Bạn không thể trù liệu mọi thứ trong cuộc đời mình sẽ diễn ra thế nào. Nhưng bạn có thể nghĩ đến việc tạo ra các điều kiện để mọi thứ có thể di chuyển theo các chiều hướng nhất định: các điều kiện cho phép khả năng phát triển đa dạng. Làm được như vậy, bạn sẽ không chỉ là một người nông dân. Bạn còn là kết quả của công việc đồng áng ấy. Bạn trở thành thành quả lao động của chính mình.
Mệnh và tính bất khả đoán của cuộc đời
Dù bạn có làm gì để cuộc sống của mình luôn cởi mở và thuận lợi, thì mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Bạn có thể nộp đơn vào một công việc, cố hết sức trong các buổi phỏng vấn nhưng vẫn bị từ chối ở vòng cuối cùng. Bạn có thể dốc hết chân tình vào một mối quan hệ, chỉ để rồi đổ sông đổ bể. Bạn có thể sắp xếp nghỉ việc sáu tháng để đi du lịch, chỉ để rồi phát hiện ra cha bạn đang bị bệnh nặng và bạn cần hủy chuyến đi của mình để dành thời gian cho cha trong những ngày tháng cuối cùng. Đây là kiểu thế giới mà Mạnh Tử hình dung ra, rất khác với thế giới của những người theo phái Mặc Tử.
Trong thế giới của Mạnh Tử, mệnh (命 - ming) là một khái niệm phổ biến. Mệnh được dịch theo nhiều cách khác nhau như Thiên mệnh (mệnh lệnh của Trời), số mệnh hay định mệnh. Nhưng đối với Mạnh Tử, đó là một thuật ngữ nói đến sự ngẫu nhiên trong cuộc sống: các sự kiện, cả tốt lẫn xấu, đều xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Mệnh giải thích rằng những vận may (như cơ hội làm việc) và bi kịch (như cái chết) sẽ xảy ra bất kể chúng ta có kế hoạch hay dự định gì đi nữa.
Chúng ta biết mệnh. Những người tài bị sa thải và không thể tìm được một công việc khác. Người ta yêu quyết định rời bỏ chúng ta mà chẳng biết vì sao. Những người bạn tốt đột ngột qua đời, để lại những đứa con thơ đau khổ. Đồ đệ yêu quý của Khổng Tử chết thảm khi còn rất trẻ********. Mạnh Tử, như bạn cũng nhớ, đã phải trải qua một khủng hoảng cá nhân lớn vào cuối đời, khi vua nước Tề lợi dụng ông. Ông đã cố gắng chấp nhận sự thật là chúng ta không thể kiểm soát các sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến mình. Những kế hoạch tốt nhất, những quyết định được suy tính cẩn trọng nhất cũng không bao giờ có thể đảm bảo sẽ vượt qua được những sự kiện ngẫu nhiên, đôi khi vô cùng bi thảm.
******** Tác giả đề cập đến Nhan Uyên, người đồ đệ được Khổng Tử coi trọng và kỳ vọng sẽ kế nghiệp mình. Nhan Uyên qua đời khi chỉ mới 32 tuổi.
Khi chúng ta cho rằng thế giới ổn định, nó sẽ dẫn chúng ta đến một trong hai con đường được thừa nhận về mặt văn hóa: niềm tin, hoặc vào định mệnh, hoặc vào tự do ý chí. Một người tin vào định mệnh có thể nghĩ rằng bất cứ điều gì xảy ra thì có nghĩa là nó phải xảy ra, do định mệnh hay một vị thần nào đó sắp đặt; người đó sẽ cố gắng chấp nhận những con đường mà vũ trụ đã an bài. Một người tin vào tự do ý chí sẽ nghĩ rằng họ kiểm soát được số mệnh của mình và có thể gặp phiền muộn khi để bản thân vướng phải những bi kịch. Khi đối mặt với thất bại trong sự nghiệp, ly dị hoặc cái chết, họ có thể sụp đổ dưới những cảm giác trách nhiệm, hoặc họ có thể tỏ ra kiên định và tiến lên càng nhanh càng tốt. Tất cả những điều trên đều là những phản ứng thụ động bởi vì họ phủ nhận tính bất khả đoán của cuộc sống.
Nhưng Mạnh Tử đã nói về mệnh như sau:
“Chất cốc tử giả, phi chính mệnh dã.”********
(Chết trong xiềng xích là không đúng mệnh.)
******** Sách Mạnh Tử, chương 13, bài 2.
Chết trong xiềng xích kìm kẹp có nghĩa là không phản ứng đúng với những điều xảy đến với chúng ta. Nghĩa là chúng ta để cho những điều xảy ra kiểm soát phản ứng của mình. Cho dù chúng ta để các bi kịch phá hủy bản thân hay chấp nhận những gì đã xảy ra, cả hai phản ứng này đều tương đương với việc đứng dưới một bức tường sắp đổ rồi nói rằng chết vì tường đổ là số mệnh của bạn.
Có một cách phản ứng khác cho phép chúng ta định hình mệnh của bản thân và tạo nên tương lai của chính mình. Như Mạnh Tử đã nói với chúng ta:
“Thị cố, tri mệnh giả, bất lập hồ nham tường chi hạ. Tận kỳ đạo nhi tử giả chính mệnh dã.”********
(Một người thực sự hiểu mệnh thì không đứng dưới một bức tường sắp đổ. Thực hiện rốt ráo đạo của mình mà chết, đó là mệnh chính đáng.)
******** Sách Mạnh Tử, chương 13, bài 2.
Sống trong một thế giới thất thường nghĩa là chấp nhận rằng chúng ta không sống trong một vũ trụ ổn định về đạo đức, một vũ trụ mà người ta luôn luôn được tưởng thưởng vì những gì họ làm. Chúng ta không nên phủ nhận rằng có những bi kịch thực sự luôn có thể xảy ra. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng nên luôn luôn sẵn sàng chờ đợi những điều bất ngờ và học được cách xử lý bất cứ điều gì xảy ra với mình. Nếu làm được vậy, thì ngay cả khi bi kịch có xảy ra, chúng ta cũng có thể bắt đầu chấp nhận thế giới là không thể đoán trước và không thể định đoạt một cách hoàn hảo. Và đây chính là chỗ ẩn náu của lời dự báo về một thế giới thất thường: nếu thế giới của chúng ta thực sự liên tục bị phân mảnh và bất khả đoán, nghĩa là chúng ta phải liên tục cải thiện một điều gì đó. Chúng ta có thể đi vào từng tình huống với quyết tâm trở thành con người tốt nhất có thể, không phải vì những gì chúng ta sẽ thu được từ đó, mà chỉ đơn giản là để gây ảnh hưởng khiến những người xung quanh chúng ta trở nên tốt hơn bất kể kết quả có ra sao. Chúng ta có thể tu dưỡng những mặt tốt hơn của mình và đối mặt với thế giới không thể đoán trước này, biến đổi nó trên đường ta qua.
Đó là một tầm nhìn rất khác so với việc đặt ra những câu hỏi to tát như “Tôi là ai?”, “Tôi nên hoạch định đời mình thế nào?”. Thay vào đó, chúng ta cố gắng liên tục thay đổi mọi thứ ở cấp độ nho nhỏ hằng ngày, và nếu thành công, chúng ta sẽ có thể xây dựng những cộng đồng to lớn xung quanh, nơi mọi người sẽ có thể thịnh vượng. Và ngay cả khi đó, chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng. Công việc của chúng ta – cải thiện bản thân và người khác để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn – là không bao giờ kết thúc.
Khi đối mặt với số mệnh, chúng ta không nên cảm thấy suy sụp hay chỉ đơn thuần nhìn vào khía cạnh tươi sáng. Sự sùng bái suy nghĩ tích cực khiến chúng ta tin chắc rằng dù có lâm vào hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa thì rồi tất cả đều sẽ được giải quyết. Nhưng điều nguy hiểm với vị thế đó là nó khiến chúng ta trở nên thụ động. Chúng ta không thể kiểm soát mọi việc xảy ra, nhưng chúng ta có một lựa chọn để hành động: tránh xa bức tường sắp đổ, để phản ứng với mệnh của chúng ta và định hình tương lai của chúng ta theo đó.
Mệnh không chỉ nói đến những bi kịch xảy ra với chúng ta. Nó cũng nói đến những điều tốt đẹp; những cơ hội bất ngờ, những thời cơ không biết trước để làm điều gì đó chúng ta yêu thích, cơ hội gặp gỡ ai đó sẽ thay đổi quỹ đạo cuộc đời ta. Khi bạn bám quá sát một kế hoạch, bạn có nguy cơ bỏ lỡ những điều như vậy. Rồi một buổi sáng nào đó bạn thức dậy và cảm thấy mình đang bị cuốn theo một cuộc sống khá lắm cũng chỉ bằng một phần nhỏ của con người mà bạn từng nghĩ mình phải trở thành vào thời điểm ấy.
Khi chúng ta từ bỏ được suy nghĩ rằng có những hướng dẫn rõ ràng và một thế giới ổn định, thì cái còn lại chính là tâm - trí dẫn đường cho chúng ta. Tâm - trí là tất cả những gì chúng ta có, và chúng ta phát triển nó mỗi ngày thông qua các mối quan hệ với những người mà chúng ta tiếp xúc. Nó giúp ta cảm nhận mọi thứ một cách chính xác, đặt nền tảng để phát triển và hành động với những gì chúng ta có. Khi làm được như vậy, con người mà bạn nghĩ là bản thân mình sẽ bắt đầu thay đổi. Bạn sẽ tìm thấy những phần khác của bản thân mà bạn không biết là có tồn tại. Thế giới mà bạn từng nghĩ là ổn định bắt đầu trông giống như một thế giới vô hạn những khả năng.