N
ếu chúng tôi nói với bạn rằng chơi một trò trốn tìm đơn giản với một đứa trẻ bốn tuổi có thể thay đổi đáng kể tất cả các mối quan hệ của bạn, thì cũng dễ hiểu nếu bạn cảm thấy nghi ngờ. Nhưng sự thật là khi bạn chơi trò ấy – khi bạn rón rén nhón chân ra khỏi cánh cửa tủ để em bé có thể dễ tìm được bạn hơn, khi em bé cười to sung sướng vì phát hiện ra bạn và khi bạn nhiệt tình chơi với em hết lần này đến lần khác – bạn không chỉ đang tham gia vào một trò chơi vô tư, mà bạn và đứa trẻ ấy đang tham gia vào một lễ nghi bằng cách đảm nhận các vai trò khác với bình thường, một lễ nghi cho phép bạn dựng lên một thực tại mới.
Điều này nghe có vẻ dị thường vì chúng ta có xu hướng nghĩ về lễ nghi như một cái gì đó cho ta biết mình phải làm gì, chứ không phải là một thứ có tính biến đổi. Nhưng một chuỗi tư tưởng kinh điển, khởi đầu từ Khổng Tử, đã dẫn đến một cách nhìn hoàn toàn mới về vai trò chính xác của lễ nghi.
Khổng Tử, sống từ năm 551 đến năm 479 trước Công nguyên, là triết gia lớn đầu tiên trong truyền thống Trung Quốc. Tầm ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài của ông không xuất phát từ những tư tưởng vĩ đại mà từ những tư tưởng dễ nhầm tưởng là đơn giản – những tư tưởng đảo ngược mọi hiểu biết của chúng ta về việc hiểu chính mình và hòa thuận với người khác.
Hãy xem một đoạn trong thiên thứ 10 của Luận ngữ, một tập hợp những đối thoại và chuyện kể do các đồ đệ của Khổng Tử biên soạn sau khi ông qua đời:
“Tịch bất chánh, bất tọa”*
(Chiếu trải không ngay ngắn, ngài chẳng ngồi.)
* Luận ngữ, thiên thứ 10, bài 9.
Đây là một câu khác:
“Thực bất ngữ”**
(Khi ăn, không đàm luận.)
** Luận ngữ, thiên thứ 10, bài 8.
Không hoàn toàn như bạn chờ đợi phải không? Có phải những câu này dường như quá bình thường với một trong những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại?
Những đoạn này chẳng phải là ngoại lệ. Luận ngữ đầy những chi tiết cụ thể, vụn vặt về những gì Khổng Tử đã làm và nói. Chúng ta có thể biết Khổng Tử nâng khuỷu tay cao bao nhiêu. Chúng ta có thể biết khi bước vào một căn phòng, ông nói chuyện với những người khác nhau như thế nào. Chúng ta có thể tường tận Khổng Tử hành xử như thế nào trong bữa tối.
Bạn hẳn sẽ thắc mắc làm sao những điều đó có thể mang bất kỳ ý nghĩa triết học nào. Bạn có thể muốn dò dẫm hết cuốn sách để tìm cho ra những đoạn Khổng Tử nói điều gì đó thực sự sâu sắc. Nhưng để hiểu điều gì khiến cho Luận ngữ trở thành một tác phẩm triết học vĩ đại, chúng ta cần xem cách Khổng Tử xử sự trong các bữa ăn. Chúng ta cần biết ông làm những gì trong một ngày bình thường. Lý do khiến những khoảnh khắc ngày thường trở nên rất quan trọng là vì, như chúng ta sẽ thấy, chúng chính là phương tiện để chúng ta có thể trở thành những con người khác biệt và tốt đẹp hơn.
Lập trường như vậy là rất hiếm hoi trong phạm trù triết học. Nếu bạn dự một lớp triết học bất kỳ hoặc đọc một tác phẩm triết học nào đó, bạn sẽ thấy triết gia nhảy ngay vào những câu hỏi lớn như: Chúng ta có tự do ý chí không? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Kinh nghiệm có mang tính khách quan không? Đạo đức là gì?
Nhưng giáo lý của Khổng Tử lại tiếp cận theo hướng ngược lại. Thay vì bắt đầu với những câu hỏi triết học lớn lao, ông đặt ra câu hỏi nền tảng, sâu sắc mang tính đánh lừa sau:
Bạn sống cuộc đời mình như thế nào trong ngày thường?
Đối với Khổng Tử, mọi thứ đều bắt đầu với câu hỏi này, câu hỏi về những điều nhỏ nhặt nhất. Và không như những câu hỏi lớn lao, khó nắm bắt, đây là câu hỏi mà tất cả chúng ta đều có thể trả lời.
Thế giới phân mảnh
Chúng ta thường nghĩ về những người sống trong các nền văn hóa truyền thống như những người tin vào một kiểu trật tự hài hòa nào đó lệnh cho họ phải sống như thế nào và ban cho họ một vai trò xã hội mà họ buộc phải gánh vác. Đây chắc chắn là cách mà nhiều người phương Tây nghĩ về Trung Quốc. Nhưng sự thật là nhiều triết gia Trung Quốc thực sự nhìn thế giới rất khác: Họ cho rằng thế giới bao gồm một chuỗi vô tận những cuộc gặp gỡ phân mảnh, lộn xộn.
Thế giới quan này bắt nguồn từ quan niệm cho rằng tất cả các khía cạnh của đời sống con người đều bị chi phối bởi cảm xúc, bao gồm cả những tương tác vô tận giữa người với người đang diễn ra. Tính tự mệnh xuất ***, một trước tác từ thế kỷ 4 trước Công nguyên mới được phát hiện gần đây, đã dạy rằng:
*** Năm 1993, trong cuộc khai quật một ngôi mộ cổ ở thôn Quách Điếm, nơi từng là kinh đô cuối cùng của nước Sở (676 – 278 TCN), thuộc tỉnh Hồ Bắc ngày nay, người ta đã phát hiện ra một lượng lớn thẻ tre ghi chép các văn bản cổ. Niên đại của ngôi mộ này được xác định vào khoảng giữa thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 3 TCN. Trong 804 thẻ tre được tìm thấy, có chứa văn bản cổ nhất từng được biết đến của Đạo Đức Kinh, một chương của Kinh Lễ, và một số văn bản không xác định được tác giả, nhiều đoạn ghi chép về Nho giáo và Đạo giáo lần đầu được biết tới. Các thẻ tre này được gọi là Quách Điếm Sở Giản (郭店楚簡), sau khi được phục hồi nguyên trạng đã được dịch sang tiếng Trung Quốc hiện đại và xuất bản rộng rãi. Tính tự mệnh xuất (性自命出), tức bản tính con người từ mệnh mà ra, là một phần của Quách Điếm Sở Giản.
Hỉ nộ ai bi chi khí, tính dã. Cập kỳ hiện ư ngoại tắc vật thủ chi dã****.
(Năng lượng của vui, giận, buồn đau từ tính mà ra. Chúng phát lộ ra ngoài là do người khác khơi gợi.)
**** Tính tự mệnh xuất, bài số 1.
Tất cả các sinh vật sống có thiên hướng, hay khuynh hướng, phản ứng với mọi thứ theo những cách nhất định. Giống như một bông hoa vốn có thiên hướng ngoảnh về phía mặt trời, chim và bướm có thiên hướng bay đi tìm hoa, con người cũng có những thiên hướng của riêng mình. Thiên hướng của chúng ta là phản ứng với người khác dựa trên cảm xúc.
Thường thì chúng ta còn không nhận thấy cảm xúc của mình liên tục bị lôi ra ngoài như thế nào. Nhưng cảm xúc của chúng ta luôn dao động không ngừng tùy theo đối tượng mà chúng ta gặp. Chúng ta trải qua một sự việc hài lòng, thế là ta cảm thấy vui; chúng ta gặp phải một chuyện kinh khủng nào đó, rồi thì ta cảm thấy sợ hãi. Một mối quan hệ độc hại khiến ta cảm thấy tuyệt vọng, một cuộc cãi vã với đồng nghiệp khiến ta cáu tiết, sự ganh đua với một người bạn khuấy lên cảm giác ghen tị. Chúng ta phát hiện mình gặp phải một số cảm xúc nào đó thường xuyên hơn những cảm xúc khác và cách phản ứng của chúng ta khi đó trở thành thói quen kiểu mẫu.
Cuộc sống diễn ra thế này: Người ta gặp nhau hết lần này đến lần khác, phản ứng bằng vô số cách và liên tục dao động cảm xúc. Không ai có thể thoát khỏi điều này, dù là một đứa trẻ chơi trên sân hay là lãnh đạo của một cường quốc. Mỗi sự kiện của con người được định hình bởi thế giới cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm. Nếu cuộc sống của con người bao gồm những lần va chạm với nhau liên miên không dứt và phản ứng một cách thụ động, chúng ta sẽ sống trong một thế giới phân mảnh, trong đó chúng ta bị những sự kiện khác nhau vùi dập không ngừng.
Nhưng tất cả không phải là vô vọng: Chúng ta có thể cư xử tinh tế hơn trong những cuộc gặp gỡ bất tận này và tạo ra các túi trật tự. Bài T ính tự mệnh xuấtlập luận rằng chúng ta nên cố gắng chuyển từ trạng thái đơn thuần phản ứng ngẫu nhiên với mọi thứ theo cảm xúc (qing – tính) sang trạng thái phản ứng đúng phép tắc, hay “những cách phản ứng tốt hơn” (yi – nghĩa):
Đãi tập nhi hậu điện… thủy giả cận tình, chung giả cận nghĩa.*****
(Chỉ thông qua rèn luyện chúng ta mới có thể phản ứng đúng đắn… Thuở sơ sinh, người ta phản ứng bằng cảm xúc; nhưng cuối cùng, người ta phản ứng bằng phép tắc.)
***** Tính tự mệnh xuất, bài số 1.
Trau dồi các phép tắc không có nghĩa là bỏ qua hay kiểm soát cảm xúc. Cảm xúc là cái khiến chúng ta trở thành con người. Nó đơn giản có nghĩa là giáo hóa cảm xúc để chúng ta tiếp thu những cách ứng xử tốt đẹp hơn nhằm đối đáp với người khác. Những cách ứng xử tốt đẹp hơn ấy trở thành một phần trong con người chúng ta. Khi học được cách ứng xử tinh tế, chúng ta có thể bắt đầu đối đáp với mọi người bằng những gì chúng ta đã trau dồi, thay vì bằng phản ứng cảm xúc tức thời. Và chúng ta thực hành việc tôi luyện này thông qua các lễ nghi.
Phong tục và lễ nghi
Hầu hết chúng ta đều có những “lễ nghi” nhất định. Dù đó là một tách cà phê buổi sáng, bữa tối với gia đình, một tối thứ Sáu hẹn hò lứa đôi, hay cõng lũ trẻ đi một vòng trước khi ngủ, thì chúng ta cũng luôn coi những khoảnh khắc này là thứ quan trọng bởi vì chúng ban cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa, một sự tiếp diễn, và gắn kết chúng ta với những người thân yêu.
Khổng Tử đồng ý rằng tất cả những khoảnh khắc này đều có khả năng là những lễ nghi. Nhưng trong những lời dạy của mình, ông đã chỉ ra chi tiết những gì chúng ta nên xem là các lễ nghi và lý do vì sao chúng lại quan trọng.
Hãy thử xem xét một hành động đơn giản mà tất cả chúng ta đều thực hiện nhiều lần trong ngày:
Bạn gặp một người bạn.
- Này, dạo này sao rồi?
- Khỏe lắm! Anh thì sao?
Hành động nhanh gọn này gắn kết hai bạn trong một khoảnh khắc trước khi tiếp tục công việc dang dở.
Hay khi đồng nghiệp của bạn giới thiệu bạn cho ai đó: “Rất vui được biết anh”, bạn bắt tay anh ta rồi cả hai cùng vui vẻ trò chuyện về thời tiết, về mọi thứ xung quanh hay về một số sự kiện trên tin tức gần đây.
Hay khi bạn gặp một người bạn thân ở cửa hàng tạp hóa. Hai bạn dừng xe đẩy và trao nhau một cái ôm thật ấm áp. “Dạo này ra sao? Còn tụi nhỏ khỏe chứ?”. Các bạn trò chuyện một chút về cuộc sống, một cuộc trao đổi ngắn nhưng rất sôi nổi, rồi hẹn nhau đi uống cà phê trước khi mỗi người đi mỗi hướng.
Chúng ta sử dụng những lời chào khác nhau, hỏi những câu hỏi khác nhau và sử dụng những tông giọng khác nhau khi nói chuyện với những người khác nhau. Những điều này chúng ta thường làm một cách vô thức. Chúng ta khéo léo điều chỉnh hành vi, nhân xưng và từng từ ngữ chúng ta sử dụng, tùy thuộc chúng ta đang nói chuyện với một người bạn thân, một người quen, một người mới gặp, mẹ ruột, cha vợ, sếp, gia sư, hay giáo viên piano của các con. Chúng ta điều chỉnh cách nói chuyện theo người mà chúng ta đang trò chuyện cùng vì chúng ta đã biết rằng đây là điều phù hợp về mặt xã hội. Và vì suốt ngày chúng ta gặp gỡ những người khác nhau, trong những tình huống khác nhau, nên mọi thứ chúng ta làm cũng thay đổi liên tục.
Tất nhiên, bất kỳ triết gia nào cũng nhận biết được người ta sử dụng các kiểu chào hỏi và tông giọng khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng ít ai có suy nghĩ rằng điều này mang ý nghĩa triết học.
Đó chính là điểm khác biệt của Khổng Tử. Ông bắt đầu bằng quan sát rằng nếu chúng ta dành phần lớn thời gian không ngủ trong ngày để làm những việc này, thì về mặt triết học, đó chính xác là nơi chúng ta cần bắt đầu. Chúng ta cần tự hỏi tại sao mình lại thực hiện những hành động như vậy. Những hành vi nho nhỏ ấy gọi là tục lệ, tức là những quy ước mà xã hội đã quy định chúng ta phải tuân theo. Nhưng ít nhất một vài trong số những quy ước này có thể được biến thành các lễ nghi, một thuật ngữ mà Khổng Tử định nghĩa theo một cách mới mẻ và khơi gợi.
Con người là những sinh vật có thói quen. Chúng ta trở nên quen thuộc với việc thực hiện những điều nhỏ nhặt này – nép sang một bên để một người lạ đi qua, đeo cà vạt trong một buổi phỏng vấn xin việc – và chúng ta làm như vậy một cách vô thức.
Ngay cả khi chúng ta không nhận thức được mình đang làm gì, thì những việc làm này cũng tạo một ảnh hưởng tích cực nào đó. Nếu chúng ta cảm thấy tâm trạng hơi buồn bã, việc dành chút thời gian để chào hỏi người khác có thể làm gián đoạn một chu kỳ cảm xúc tiêu cực. Nếu gặp gỡ ai đó từng có mâu thuẫn với mình, chúng ta có thể chia sẻ một khía cạnh khác, đời thường hơn về bản thân và trong giây lát phá vỡ hình mẫu bất đồng. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi đó, chúng ta trải qua những mối quan hệ khác nhau với những người xung quanh.
Nhưng trong cuộc sống, nếu chúng ta thực hiện hầu hết các quy ước xã hội một cách máy móc, chúng sẽ đánh mất khả năng trở thành những lễ nghi có thể thay đổi chúng ta một cách sâu sắc. Chúng chẳng làm được gì nhiều để giúp chúng ta trở thành người tốt đẹp hơn.
Để giúp bản thân thay đổi, chúng ta phải nhận thức được rằng việc thoát khỏi những cách tồn tại thông thường chính là điều giúp chúng ta có thể phát triển các khía cạnh khác nhau của bản thân. Lễ nghi, theo nghĩa của Khổng giáo, có khả năng biến đổi vì trong một khoảnh khắc chúng cho phép chúng ta trở thành người khác. Chúng tạo ra một thực tại thay thế ngắn ngủi mà sẽ đưa chúng ta trở lại cuộc sống thường ngày với đôi chút biến đổi. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, chúng ta đang sống trong một thế giới “như thể”.
Thế giới “như thể”
Ở Trung Quốc cổ đại, người ta xem con người là một khối những yếu tố mâu thuẫn – những cảm xúc trái ngược nhau, những nguồn năng lượng hỗn loạn, những linh hồn hỗn độn – những thứ mà họ cố công rèn luyện cả đời. Nhưng vào thời khắc lâm chung, những năng lượng nguy hiểm nhất của một người – tất cả nỗi tức giận và phẫn uất của người này khi phải ra đi trong khi những người thân yêu của anh tiếp tục sống – sẽ bị phóng thích và ám ảnh những người sống. Do đó, người ta tin rằng thế giới đầy những linh hồn người quá cố, có vẻ ghen tị với những người còn sống. Cái chết cũng đem đến điều tồi tệ nhất trong những người còn sống: nỗi buồn khủng khiếp, sự hỗn loạn và sự giận dữ không thể lý giải.
Để chiến đấu với tất cả những năng lượng tiêu cực không thể kiểm soát này, người ta đã phát triển các hành vi lễ nghi, mà quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên. Mục đích là để biến những linh hồn nguy hiểm thành những bậc tiên tổ nhân từ. Thịt của một con thú, thường là heo, sẽ được đặt lên một cái chậu lễ bằng đồng và được nấu bằng một đống lửa trước mặt gia đình tại nơi thờ cúng. Gia đình sẽ gọi những linh hồn về hưởng làn khói thơm bốc lên từ thịt. Khi cho hương hồn hưởng những lễ vật này, người sống hy vọng sẽ nhân tính hóa được họ, đưa họ trở về gia đình và thuyết phục các hương hồn đó ở lại với vai trò một bậc tổ tiên nhân đức ngự ở cõi trên.
Sau khi lễ nghi kết thúc, vị tổ tiên rốt cuộc lại trở về nguyên trạng là một linh hồn giận dữ đầy ám ảnh, và lễ nghi sẽ phải lặp lại nhiều lần nữa.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử đã được hỏi về việc thờ cúng tổ tiên. Ông nói rằng lễ nghi này là hoàn toàn cần thiết, nhưng dù các linh hồn có tham gia hay không thì cũng chẳng có gì khác. “Tế như tại, tế thần như thần tại” ****** (Tế tổ tiên như tổ tiên ở trước mặt, tế thần như thần ở trước mặt), ông nói. Điều quan trọng là tham gia đầy đủ nghi lễ: “Ngô dữ bất tế, như bất tế” (Nếu không đích thân tham gia vào lễ cúng tế, thì cúng tế cũng như không cúng tế) *******.
****** Luận ngữ, thiên thứ 3, bài 17.
******* Luận ngữ, thiên thứ 3, bài 12.
Nhưng nếu những linh hồn thậm chí còn không tất yếu có mặt, thì tại sao phải thực hiện lễ nghi như thể họ đang ở đó?
Trong cuộc sống, mối quan hệ giữa người chết và người sống không hoàn hảo và đầy bất trắc, giống như mối quan hệ giữa những người sống với nhau. Một người cha có thể nghiêm khắc, nóng nảy và không biết cách thể hiện tình cảm; con cái của ông ta chắc hẳn sẽ tỏ ra chống đối và nổi loạn. Những căng thẳng chưa được giải quyết này sẽ ám ảnh người sống một cách đau đớn hơn nếu chẳng may người cha qua đời, nghĩa là mọi khả năng giảng hòa đã hết. Nhưng lễ nghi, nếu được thực hiện tốt, sẽ đưa chúng ta ra khỏi thế giới rắc rối của các mối quan hệ con người và tạo ra một không gian mới, không gian lễ nghi, trong đó các mối quan hệ lý tưởng có thể được tôi luyện. Trong không gian này, những linh hồn ám ảnh của tổ tiên sẽ hành xử đúng đắn và làm phúc cho người sống. Người sống bây giờ cư xử như thể họ là những hậu duệ chân chính của các bậc tổ tiên. Sự giận dữ, ghen tị và phẫn uất giữa người sống và người chết dần chuyển thành một mối quan hệ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Với Khổng Tử, lễ nghi rất cần thiết bởi những điều nó làm được cho những ai thực hiện nó. Việc đặt câu hỏi liệu những lễ nghi này có thật sự ảnh hưởng được đến người quá cố hay không chính là đã không nắm được trọng điểm. Các thành viên gia đình cần phải cúng tế là bởi việc hành động như thể các bậc tổ tiên đang hiện diện sẽ mang lại sự thay đổi trong chính bản thân họ.
Lễ nghi cũng làm thay đổi cảm xúc của những người sống dành cho nhau. Một cái chết luôn gây ra những thay đổi trong mối quan hệ giữa những người còn sống. Một cuộc ganh đua ngấm ngầm từ thời thơ ấu giữa hai anh em bùng lên trở lại; một đứa con trai ương ngạnh bỗng dưng trở thành chủ gia đình trên danh nghĩa, gây bất an cho những người khác. Tuy nhiên, trong lễ nghi, tất cả đều phải đóng vai mới của mình trong gia đình như thể không có gì bất hòa xảy ra cả.
Sức mạnh của lễ nghi nằm ở chỗ nó khác biệt rõ rệt đến mức nào so với thế giới thực. Bây giờ thử xem xét một biến thể của lễ nghi, mà trong đó ba thế hệ trao đổi vai trò cho nhau. Một đứa cháu trai sẽ là hiện thân cho người ông quá cố của nó, trong khi người cha sẽ là hiện thân cho nó. Mỗi hậu duệ còn sống được đặt vào chính góc nhìn của người thường có quan hệ căng thẳng nhất với mình ở thế giới đời thật.
Đây rõ ràng là một thế giới đóng vai “như thể”: Những người tham gia không thể nhầm lẫn vai mà họ đang đóng với bất cứ vai trò nào họ vốn mang trong đời thực; một người cha không phải đang được huấn luyện để trở thành con của con trai mình. Nhưng thông qua lễ nghi này, người sống sẽ không chỉ phát triển một mối quan hệ khác với người đã khuất, mà những người ở lại cũng sẽ được đưa vào các mối quan hệ mới.
Tất nhiên, lễ nghi nào cũng đến hồi kết. Các thành viên gia đình bước ra khỏi không gian lễ nghi, và vào khoảnh khắc đó, họ lại trở về thế gian ô trọc. Cuối cùng, sự hòa thuận mong manh ấy thêm một lần nữa sụp đổ. Anh chị em cãi vã, họ hàng chống đối nhau, cha con thì vẫn bất hòa.
Đây là lý do tại sao các gia đình phải lặp đi lặp lại lễ nghi. Sự hòa thuận mong manh có thể sụp đổ tan tành một khi họ rời nơi thờ cúng, nhưng dần dần, khi thực hiện các lễ nghi hết lần này đến lần khác và tái tạo những kết nối lành mạnh, thì sự cải thiện trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ dần được thể hiện rõ hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Lễ nghi không nói cho ta biết phải cư xử ra sao trong thế giới thực. Thế giới trật tự hoàn hảo trong một lễ nghi không bao giờ có thể thay thế cho thế giới bất toàn của các mối quan hệ ngoài đời thực. Nó vận hành là nhờ mỗi người tham gia đóng một vai khác với vai trò của mình trong cuộc sống thường ngày. Sự “bẻ gãy” thực tại đó chính là chìa khóa cho phép những người tham gia bắt đầu tác động đến các mối quan hệ của họ. Việc một người cha đóng giả làm con trai mình giúp ông hiểu được con và giúp ông trở thành một người cha tốt hơn, một con người tốt đẹp hơn.
Hiến sinh động vật và xoa dịu những linh hồn nghe có vẻ xa vời với cuộc sống thế kỷ 21 của chúng ta, nhưng giá trị của các lễ nghi thì vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta cũng bị những bóng ma ám ảnh: những người thân cáu kỉnh mà chúng ta không bao giờ hòa thuận được; những ác cảm mà chúng ta dường như không thể rũ bỏ; quá khứ mà chúng ta không thể quên đi.
Chúng ta có xu hướng phản ứng theo thói quen, khuôn mẫu. Chúng có thể là những quy ước và phong tục xã hội mà chúng ta làm theo không cần suy nghĩ, như việc chào hỏi hoặc giữ cửa mở cho người khác. Chúng có thể là những thói quen mà chúng ta thậm chí còn không nhận thấy, chẳng hạn như tiếng ậm ừ chúng ta hay phát ra mỗi khi nói chuyện điện thoại với anh/chị/em của mình, hoặc khuynh hướng im lặng khi buồn thay vì nói rõ nhu cầu của mình. Nhưng chúng ta vẫn làm những việc như vậy mọi lúc mọi nơi. Một số kiểu mẫu rất tốt, và một số thì không hẳn. Nếu chúng ta luôn luôn “làm cho đúng” với con người mình và cư xử dựa theo điều đó, chúng ta sẽ mắc kẹt trong những hành vi cũ kỹ, không bao giờ tha thứ và hạn chế tiềm năng biến đổi của bản thân.
Nhưng chúng ta đã biết cách để phá vỡ các kiểu mẫu này.
Ví dụ, khi đến thăm nhà một người bạn, với tư cách người ngoài, chúng ta sẽ nhận ra những thói quen và hành động nho nhỏ của họ: bữa ăn sáng ngày Chủ nhật là bánh kếp, hay cái cách họ chào buổi sáng với nhau bằng những cái ôm. Chúng ta để ý đến những lễ nghi này là vì chúng mới mẻ với chúng ta. Khi quan sát, hoặc thậm chí tham gia vào chúng, chúng ta làm vậy với ý thức rằng mình sẽ không mang những nghi lễ đó vào cuộc sống của chính mình.
Khi chúng ta đi du lịch, việc thoát khỏi những thói quen hằng ngày có thể cho phép chúng ta phát triển các khía cạnh mới của bản thân. Và khi quay về, chúng ta sẽ cảm nhận được ảnh hưởng còn sót lại của những thay đổi đó.
Vậy thì tại sao chúng ta lại làm theo các khuôn mẫu mọi lúc mọi nơi? Có lẽ là do việc xây dựng có chủ ý những khoảnh khắc lễ nghi trong cuộc sống “thực” gây cảm giác giả tạo.
Nhưng những khoảnh khắc đóng vai “như thể” đó có thể dẫn đến sự dịch chuyển rất lớn.
Cùng quay lại trò chơi trốn tìm với đứa trẻ bốn tuổi mở đầu chương. Trò chơi ấy nuôi dưỡng mối quan hệ bằng cách nào? Trò chơi là một lễ nghi “như thể”. Nó cho phép một sự thay đổi vai trò: Đứa trẻ, bình thường rất yếu đuối, thông qua trò chơi sẽ trở thành một người mạnh mẽ, thắng được người lớn bằng cách tìm thấy anh ta. Người lớn tham gia trò chơi với việc trở thành một người vụng về ngớ ngẩn đến mức chẳng thể tìm nổi chỗ trốn đàng hoàng. Tất nhiên, đứa trẻ cũng hiểu rằng người lớn biết nó có thể nhìn thấy anh ta, nhưng một phần của lễ nghi là họ đang chơi như thể đứa trẻ có thể khôn lanh hơn người lớn.
Sự đảo ngược vai trò này đã phá vỡ khuôn mẫu thông thường của họ. Đứa trẻ được trải nghiệm cảm giác về thẩm quyền mà nó sẽ nhớ mãi kể cả khi trò chơi đã kết thúc. Người lớn, thường là người không thể sai lầm (ít nhất là trong mắt một đứa trẻ), giờ đây đóng vai một người có thể sai lầm và dễ bị công kích. Anh ta không thật sự trở thành một người lớn ngớ ngẩn, nhưng sự đảo lộn vai trò giúp anh ta phát triển những khía cạnh đôi chút khác biệt và phức tạp hơn về bản thân mà anh cũng có thể mang theo vào những tình huống khác, những khía cạnh như: trạng thái dễ bị công kích, sự kết giao, tính khinh suất và khả năng buông bỏ quyền lực.
Chìa khóa cho người chơi là ý thức được rằng họ đang giả vờ; rằng họ đang cùng nhau bước vào một thực tại thay thế, trong đó họ tưởng tượng ra những mặt khác của bản thân. Nếu họ có thể làm điều này, thì những trải nghiệm như chơi trò trốn tìm không chỉ giúp nuôi dưỡng một mối quan hệ vui vẻ và tôn trọng nhau hơn, mà những khoảnh khắc ấy tích lũy dần dần theo thời gian cũng sẽ định hình nên kiểu người mà họ sẽ trở thành. Những lễ nghi lặp đi lặp lại này sẽ phát triển các khía cạnh của từng người để cuối cùng củng cố những mối quan hệ khác trong cuộc sống của cả người lớn và đứa trẻ.
Các lễ nghi “như thể”
Tại sao chúng ta nói “Làm ơn” và “Cảm ơn”?
Ba thế kỷ trước, toàn bộ xã hội châu Âu và các mối quan hệ xã hội vẫn được xác định bằng hệ thống tôn ti cha truyền con nối. Nếu một người nông dân nói chuyện với một lãnh chúa, anh ta sẽ sử dụng những thuật ngữ cung kính nhất định, còn nếu một người quý tộc nói chuyện với một nông dân, thì anh ta sẽ sử dụng các thuật ngữ hoàn toàn khác.
Khi những khu chợ bắt đầu phát triển ở các thành phố, mọi người thuộc các tầng lớp khác nhau bắt đầu tương tác theo những cách mới. Các lễ nghi được phát triển, trong đó người mua và người bán có thể hành động như thể họ bằng vai phải lứa, bất kể họ là ai. Trao nhau những lời “Làm ơn” và “Cảm ơn” là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà những người tham gia có thể trải nghiệm một mối quan hệ mang vẻ bình đẳng.
Chúng ta cũng thực hiện lễ nghi như thể này. Hãy tưởng tượng cả nhà bạn đang ăn tối, và con (hoặc cháu) của bạn yêu cầu: “Cho con muối”. Nếu đứa bé còn quá nhỏ, thì bạn cũng hiểu rằng nó chưa học được những cách nói tế nhị trong xã hội, nên bạn có thể nói: “Được rồi, nhưng con phải nói sao…?”, hay “Từ kỳ diệu đó là gì ta?”. Có thể đứa trẻ không trả lời được chính xác ngay, nên bạn phải nhắc nó lần nữa: “Con phải nói gì nào?”. Rồi bạn nhắc tới nhắc lui cho tới khi nó nói: “Làm ơn cho con muối”, thì bạn mới đưa hũ muối cho nó và dẫn dắt nó nói cảm ơn.
Tại sao chúng ta phải làm vậy dù đứa trẻ thể hiện rõ rằng nó nghĩ cái trò đố chữ tới lui này thật lố bịch? Vì đây là cơ hội để nó tham gia vào một lễ nghi, trong đó nó sẽ hành động như thể nó đang hỏi xin điều gì đó từ một người ngang hàng. Bạn không làm vậy để lập trình cho đứa trẻ hành động theo một cách nhất định; mà bạn đang huấn luyện để nó hiểu được việc hỏi xin điều gì đó từ một đồng loại là như thế nào và ý nghĩa của việc thể hiện lòng biết ơn.
Nếu đứa trẻ học về sự trao đổi chỉ như một hành động học vẹt, thì nó đã không tiếp thu tốt. Tất nhiên, lúc đầu, đó là một hành động học vẹt, một trong nhiều hành động mà đứa trẻ được xã hội hóa để thực hiện khi lớn lên. Nhưng khi lặp lại hết lần này đến lần khác, đứa trẻ sẽ bắt đầu thấy được lý do. Nó cũng hiểu được cách để điều chỉnh mọi thứ. Nó thấy cách mọi người phản ứng với những lời “Làm ơn” và “Cảm ơn” của nó, cũng học được rằng khi nào thì chỉ nói những từ này là đủ và khi nào thì phải nói những từ khác nữa, hoặc phải thay đổi giọng điệu, nhấn âm thế nào để đạt hiệu quả tốt hơn.
Thật ra, bằng trực giác, trẻ em hiểu lễ nghi tốt hơn hầu hết người lớn. Chúng nhận ra rằng giá trị của lễ nghi nằm ở chỗ nó không có thật. Thử hình dung một đám trẻ đang chơi một trò chơi tưởng tượng. Một đứa giả vờ làm viên cảnh sát bảo vệ một cửa hàng chống lại băng cướp, những đứa còn lại đóng vai cướp. Chúng huơ huơ súng, nấp sau những tấm nệm và bắn nhau, hết lần này đến lần khác. Bọn trẻ không nghĩ cuộc đấu súng này bạo lực theo cách nghĩ của một người lớn. Đối với chúng, đấu súng chỉ là một trò chơi – tách biệt với thế giới thực. Chúng hoàn toàn nhận thức được rằng đây là giả vờ, và chúng lặp đi lặp lại trò chơi bởi vì nó cho phép chúng bước ra khỏi cuộc sống và mài giũa những khía cạnh khác nhau của bản thân: Chúng học được cách kiềm chế nỗi sợ hãi và lo lắng, hoặc cách đóng vai một người cứu nguy và một người hùng, tất cả đều diễn ra trong một môi trường an toàn mà chúng tự tạo ra.
Nếu cha mẹ chúng ta có từng kể về ông già Noel khi chúng ta còn nhỏ, thì đó cũng là một nghi thức “như thể”. Các gia đình cùng tham gia vào thực tại rằng ông già Noel sẽ chui xuống từ ống khói với một túi đồ chơi lớn. Trong những tuần lễ trước Giáng sinh, trẻ em viết thư, ghi ra những món chúng muốn được tặng và được truyền động lực để cư xử sao cho tử tế nhất. Vào đúng đêm Giáng sinh, người ta sẽ đặt một đĩa bánh quy và một ly sữa gần cây thông Noel. Người lớn và những đứa trẻ lớn hơn cảm thấy được thúc đẩy phải làm gì đó để giữ cho truyền thuyết này tiếp diễn cho đám trẻ con và tạo ra một bầu không khí vui vẻ. Ông già Noel có thật hay không không quan trọng. Điều quan trọng là hành vi của họ sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn, và cả nhà xích lại gần nhau hơn.
Sinh hoạt kiểu đóng vai “như thể” là điều mà tất cả chúng ta đều làm khi còn nhỏ, và rồi ít nhiều bị bỏ đi khi chúng ta lớn lên và tin rằng mình cần phải cư xử thực tế hơn. Nhưng người lớn chúng ta cũng có một số không gian lễ nghi. Hãy hình dung ra văn phòng của một chuyên gia trị liệu, nơi người ta đến để nói về những rắc rối của mình trong một khoảng thời gian. Dù nhiều người cho rằng khoảng thời gian ấy rất có ích vì nó giúp chúng ta dần khám phá ra mình thực sự là ai, thì dưới góc nhìn của Khổng giáo, lợi ích to lớn hơn là chúng ta đã thiết lập được một không gian lễ nghi về thực tế, trong đó chúng ta đảm nhận các vai trò giả định mà mình không thể đóng ngoài đời thật. Hoạt động trị liệu giúp phá vỡ các khuôn mẫu chi phối cuộc sống và cho phép chúng ta dựng lên những cách thức rất khác để liên hệ với người khác, thông qua những tương tác giữa nhà trị liệu và bệnh nhân.
Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ lại rơi vào những khuôn mẫu cũ khi bước ra khỏi văn phòng của nhà trị liệu. Vậy nên chúng ta mới đi trị liệu hằng tuần, đôi khi trong nhiều năm và tiếp tục thực hiện việc phá vỡ những khuôn mẫu cũ. Nhờ sự lặp lại này, chúng ta dần dần phát triển những cách tương tác mới và cuối cùng xây dựng nên một bản thân khác, tốt đẹp hơn nhiều.
Chúng ta đánh giá cao khái niệm chân thật, nhưng thực tế là con người trong các mối quan hệ mật thiết lại luôn xây dựng nên những thực tại mới bằng những lời nói dối trắng trợn : “Em là tuyệt nhất”, “Không có gì đáng lo đâu”, “Em là đầu bếp giỏi nhất trên đời”. Một trong những câu nói dối phổ biến nhất trong số này là: “Anh/Em yêu em/anh”. Các cặp đôi có thói quen nói câu này chắc hẳn không cảm thấy yêu người kia trọn vẹn từng giây mỗi ngày. Họ gần như chắc chắn phải có nhiều cảm giác phức tạp với chồng/vợ/người yêu của mình lúc này lúc khác. Nhưng có một lợi ích lớn hơn khi nuôi dưỡng mối quan hệ thông qua những lễ nghi như vậy, đó là chúng cho phép người ta thoát khỏi thực tại và bước vào một không gian nơi mà họ như thể thật sự yêu nhau trọn vẹn từng khoảnh khắc. Tại thời điểm họ thể hiện tình yêu của mình theo một cách thức đóng vai “như thể”, họ thực sự đang yêu như vậy.
Hãy nghiền ngẫm thiên thứ 10 của sách Luận ngữ với những giai thoại về thói quen hằng ngày của Khổng Tử. Ông không trải chiếc chiếu của mình ngay ngắn chỉ vì ông thích mọi thứ trông gọn gàng, mà bởi ông hiểu rằng những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt như sắp xếp chỗ cho mọi người ngồi cùng mình sẽ tạo ra một môi trường khác biệt có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến họ. Những thói quen của chúng ta trong bữa tối cũng tương tự như lễ nghi trải chiếu ngày xưa: Khi sắp xếp bàn ăn, có lẽ là trải các tấm lót chén đĩa và khăn ăn hay thậm chí thắp nến, là chúng ta bước ra khỏi cuộc sống thường ngày và tạo ra một thực tại thay thế cho bản thân và những người cùng ăn tối với mình. Ngay cả nếu ngày hôm đó thật căng thẳng, nhiều xung đột đã xảy ra, thì cũng không cần ai phải tuyên bố: “Được rồi, đến lúc ngừng chiến rồi, giờ hãy thư giãn đi”. Nghi lễ bàn ăn tối đơn giản là tạo ra một quãng xả hơi cho phép mọi người chuyển sang một chế độ khác.
Nhưng những khoảnh khắc chúng ta tham gia vào các nghi lễ theo phương pháp Khổng giáo như vậy lại bị phản đối. Bị giam hãm bởi ý thức phải cư xử một cách chân thực, chúng ta hiếm khi cho phép mình hành động “như thể”. Nó khiến người ta cảm thấy giả tạo; như trò trẻ con. Tuy nhiên, Khổng Tử có thể chỉ rõ chúng ta mâu thuẫn như thế nào khi chống lại các lễ nghi vì nghĩ rằng chúng bảo chúng ta nên làm gì, trong khi lại vô thức làm theo quá nhiều quy tắc và quy ước xã hội. Khi không nhìn thấy được giá trị khả hữu của các lễ nghi thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta, thì cuối cùng chúng ta cũng thực hiện chúng theo kiểu nhớ vẹt. Chúng ta đang dần trở thành người máy.
Một số người đã nhận ra sự nguy hiểm của điều này. Ở vài trường đại học, những tổ chức tiên phong như Ask Big Questions sẽ có người hướng dẫn sinh viên cách tự định vị bản thân, tạo ra một bầu không khí chân thật và diễn đạt quan điểm của họ để khi các cuộc tranh luận được đẩy lên cao trào (chẳng hạn như tranh luận về cách thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông) không bị biến thành một trận choảng nhau đầy tiếng la hét. Trong hoàn cảnh đó, các sinh viên thật ra đã được dạy các lễ nghi khi đối thoại, dù chúng có vẻ giả tạo và thảo mai: làm thế nào để đặt câu hỏi, ngừng lại lắng nghe, và phát biểu làm sao để mở ra một không gian gắn kết và cầu tiến thay vì phòng thủ và cứng nhắc. Bằng cách này, họ được cung cấp phương tiện để tạo ra một thế giới “như thể” nơi họ có thể thoát ra khỏi những khuôn mẫu mà họ đã có thể mắc phải (như nói năng thật hùng hồn và đầy cảm xúc), hành động nhã nhặn và gắn kết với nhau tốt hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dợm chân bước ra khỏi giai đoạn học vẹt mà rất nhiều người đang bị mắc kẹt? Giống như đứa trẻ đang học nói “Làm ơn” và “Cảm ơn”, giống như những sinh viên đang học cách vận dụng một thái độ khác để cởi mở bản thân với những ý tưởng đầy thách thức, chúng ta sẽ thấy được giá trị của tất cả những thực tại thay thế này; của việc trải nghiệm sự căng thẳng giữa cách mọi thứ diễn ra với gói trật tự mà chúng ta tạo ra. Trong suốt cuộc đời, chúng ta tự rèn luyện bản thân để phát triển những cách gắn kết tốt hơn với mọi người.
Đây có thể là một cách nghĩ dường khác lạ để suy nghĩ về lễ nghi hoặc sự thay đổi nói chung. Nhìn chung, hình mẫu về lễ nghi của chúng ta thường vẫn dựa trên những buổi lễ như rửa tội, đám cưới, tốt nghiệp: các lễ nghi mà trong đó chúng ta chuyển từ trạng thái này (sinh vật đầy tội lỗi, người độc thân, học sinh) sang một trạng thái khác (người có đức tin, vợ/chồng, người đã tốt nghiệp). Có một trạng thái trước và một trạng thái sau, thông qua lễ nghi đó, chúng ta được biến đổi.
Khổng Tử đưa ra một quan điểm rất khác về sự biến đổi, nó không tập trung vào sự kiện hoành tráng và kịch tính mà vào những khoảnh khắc nho nhỏ lặp đi lặp lại. Giống như nói câu: “Anh/em yêu em/anh”, những khoảnh khắc “như thể” đó tạo ra những khoảnh khắc kết nối suốt cả ngày, được tích lũy dần dần, nhưng không kém phần kịch tính, theo thời gian.
Bản thân dễ uốn nắn
Trước khi có thể biến đổi thông qua các lễ nghi “như thể”, chúng ta phải từ bỏ ý niệm về “con người thật”.
Hãy chân thành. Hãy ngay thẳng. Hãy thành thật với chính mình. Những câu khẩu hiệu của thời hiện đại luôn khuyến khích chúng ta nhìn vào nội tâm. Chúng ta cố gắng khám phá xem mình là ai rồi ghì chặt lấy cái chúng ta nhìn ra được.
Điều nguy hiểm là những gì chúng ta khám phá ra chỉ là một lát cắt về con người mình tại một thời điểm và không gian cụ thể. Chúng ta đọc sách tu thân, thiền tập, viết nhật ký, rồi tự chẩn đoán và gắn nhãn cho mình: Mình là một linh hồn tự do. Mình là một người nóng nảy. Mình là một kẻ mộng mơ. Mình sợ sự thân mật. Hồi nhỏ mình phải chuyển chỗ quá nhiều nên bây giờ mình mới nhút nhát khi gặp người lạ. Mình có nhiều mối quan hệ đổ vỡ là do mối quan hệ lạnh nhạt của mình với cha. Khi cứ ôm ghì lấy những khuôn mẫu này, chúng ta đã cho phép chúng trở nên cứng nhắc. Sự gán nhãn đã bắt đầu xảy ra từ thời thơ ấu: Đứa này chăm học lắm; đứa kia tính khí thất thường. Những nhãn dán này xui khiến hành vi và những quyết định của chúng ta, và chúng trở thành lời tiên đoán tự hoàn thành. Kết quả là, quá nhiều người một hôm thức dậy và cảm thấy bị mắc kẹt trong định nghĩa quá chật hẹp về bản thân.
Những gì người phương Tây chúng ta coi là con người thật thực ra chỉ là những khuôn mẫu phản ứng liên tục với mọi người và với thế giới; các khuôn mẫu ấy được xây dựng theo thời gian. Ví dụ, bạn có thể nghĩ, mình chính là kiểu người dễ nổi nóng. Nhưng trái lại, nhiều khả năng bạn trở thành kiểu người dễ tức tối vì những điều nhỏ nhặt là do cách bạn tương tác với mọi người trong nhiều năm, chứ không phải do thực tế bạn là một người như vậy. Khi trung thành với một “con người thật”, cuối cùng bạn đi đến chỗ cụ thể hóa những thói quen cảm xúc tiêu cực.
Nhớ lại lời dạy trong Tính tự mệnh xuất, giống như thế giới phân mảnh này, chúng ta cũng chia thành nhiều mảnh. Thay vì nghĩ về mình như là một con người đơn độc, thống nhất, đang cố gắng tự khám phá bản thân bằng cách suy ngẫm về chính mình, chúng ta có thể nghĩ về mình như là những mảng cảm xúc, tính khí, ham muốn và những đặc điểm phức tạp thường lôi kéo chúng ta theo những cách trái ngược và khác hẳn nhau. Khi nghĩ được như vậy, chúng ta sẽ trở nên dễ uốn nắn. Chúng ta sẽ tránh được nguy cơ tự đóng khung mình trong một khoảnh khắc nào đó.
Cách tiếp cận Khổng giáo là ghi nhận các khuôn mẫu của bạn rồi tích cực thay đổi chúng. Dần dần phá vỡ các khuôn mẫu đó – tức là, kìm nén tiếng thở dài mỗi khi bố bạn bắt đầu sa đà vào một trong những khuynh hướng chính trị của ông (mặc dù bạn phát bực lên được); hoặc ra cửa đón vợ đi làm về (dù bạn thích dán mắt vào cái máy tính hơn) – sẽ cho phép những khía cạnh khác của bạn lộ diện. Dần dần, bạn tiếp thu được một lối cư xử mang tính xây dựng hơn trong thế giới, thay vì bị những phản ứng cảm xúc vô kỷ luật dẫn dắt. Từng chút một, bạn phát triển các phần của bản thân mà ngay cả bạn cũng chưa từng biết đến và bạn bắt đầu trở thành một người tốt hơn.
Việc phá vỡ các khuôn mẫu giúp chúng ta nhận ra rằng người khác cũng có thể uốn nắn được. Có thể bạn đã có một xung đột nào đó với mẹ của mình. Mẹ bạn không tán thành những lựa chọn cuộc đời của bạn, và bà nói những lời chì chiết khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Đến mức chỉ nghĩ đến việc nói chuyện với mẹ thôi cũng khiến bạn thấy phát khùng rồi, và giờ bạn hoàn toàn tránh giáp mặt với mẹ. Bạn biết rằng nội dung cuộc trò chuyện sẽ cứ lặp đi lặp lại, ý nghĩ đó khiến bạn thấy vô vọng.
Trong hầu hết các trường hợp như thế, vấn đề giữa bạn và mẹ không phải là hai mẹ con không hợp tính hay mẹ cứ thích hạch tội bạn. Vấn đề là cách giao tiếp của bạn bị rơi vào một khuôn mẫu. Mẹ và bạn bị đóng khung trong các vai của mình: bà là người mẹ hay lải nhải, còn bạn là đứa con cứng đầu cứng cổ. Cả hai đều chẳng vui vẻ gì với điều này, nhưng lại không nhìn thấy lối thoát nào.
Lối thoát chính là phải nhận ra được mình đã rơi vào một lối mòn, nhưng bạn có thể thay đổi nó. Hãy nhớ rằng mẹ bạn không phải cứ như vậy mãi hay không thay đổi được. Bà cũng là một con người phức tạp và đa diện. Hãy nghĩ xem bạn có thể làm hoặc nói gì để khơi gợi những bộ mặt khác của mẹ ra, rồi cư xử như thể bạn đang nói chuyện với những bộ mặt đó của mẹ. Mẹ bạn hay cằn nhằn và gây áp lực cho bạn, nhưng bà cũng có mong muốn dưỡng dục con cái hoặc ít nhất là cảm thấy rằng mình đang dưỡng dục con. Bạn phải làm sao để thay đổi nội dung hay giọng điệu để gợi lên bộ mặt người mẹ muốn dưỡng dục con cái đó? Làm được như vậy, bạn sẽ giúp mẹ sống với một vai khác: một người mẹ chu đáo luôn muốn ở bên cạnh con mình.
Phản ứng thẳng thừng của bạn có thể là phản đối ngay: “Nhưng chuyện đó chẳng thực tế chút nào. Tôi thật sự không cảm thấy như vậy”. Tại sao bạn phải thay đổi hoàn toàn hành vi của mình để gợi lên một khía cạnh khác của mẹ mình và tỏ ra rộng lượng trong khi bạn đang cảm thấy bực bội chứ? Điều này xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng chúng ta nên đáp lại một cái tôi “thâm tâm” nào đó. Chúng ta luôn luôn thay đổi. Vậy thì chúng ta sẽ hành động theo cái khuôn mẫu mà mình kẹt vào trong thời điểm này, hay theo hướng giúp chúng ta mở ra cả một bầu trời khả năng?
Không có cái gì gọi là khám phá con người đích thực trong chính chúng ta hay ở người khác. Nhà tâm lý học, triết gia William James (1842 – 1910)********từng viết rằng: “Một người có nhiều cái tôi xã hội bằng với số người mà anh ta quen biết” – một phát biểu mang màu sắc Khổng giáo đến ngạc nhiên. Mỗi chúng ta có vô số vai trò thường xuyên xung đột nhau, mà lại không có quy tắc nào có thể cho chúng ta biết phải định hướng chúng ra sao. Chỉ có thực hành các lễ nghi mới giúp chúng ta học được cách làm điều đó.
******** William James là nhà triết học, nhà tâm lý học hàng đầu nước Mỹ thế kỷ 19. Ông là nhà giáo dục đầu tiên mở lớp dạy về tâm lý học ở Mỹ, ông được coi là cha đẻ của tâm lý học nước Mỹ. Về triết học, ông là người đóng góp quan trọng nhất cho trường phái triết học thực dụng.
Những hành vi theo khuôn mẫu và thói quen học vẹt của chúng ta – chứ không phải các lễ nghi – mới là cái thật sự xui khiến cuộc đời chúng ta và cản trở sự quan tâm của ta đến người khác. Nhưng khi thực hành các lễ nghi “như thể” giúp phá vỡ những khuôn mẫu này trong đời, chúng ta sẽ có được khả năng cảm nhận cách ứng xử tốt với những người xung quanh. Điều này mới là quan trọng. Nó được gọi là nhân (ren), hay nhận thức về lòng tốt.
Tầm quan trọng của đức nhân
Các môn đồ của Khổng Tử thường yêu cầu ông định nghĩa về đức nhân. Mỗi lần, và với mỗi người ông trả lời mỗi khác, tùy theo tình huống. Đó là bởi vì đức nhân trong Khổng giáo không phải là thứ bạn có thể định nghĩa một cách vắn tắt. Nó là khả năng đáp ứng tốt với người khác; sự phát triển một tri giác cho phép bạn cư xử theo những cách tốt đẹp với những người xung quanh và nhìn thấy những mặt tốt của chính họ.
Mọi thứ chúng ta làm đều thể hiện hoặc làm giảm đức nhân. Bạn hẳn đã từng trải qua cảm giác không khí trong phòng thay đổi đột ngột ra sao khi ai đó xông vào. Nhưng bạn có thể không nhận ra cái cau mày từ một người xa lạ, khi bạn đang bách bộ trên phố, ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Cái nhíu mày thoáng qua đó có thể tạo ra ảnh hưởng tiềm thức đến tâm trạng của bạn và dẫn đến một loạt các phản ứng. Và suốt cả ngày hôm đó, bạn không phải là người duy nhất bị thay đổi vì cái nhíu mày đó. Những người mà bạn tiếp xúc cũng chung số phận vì chịu tác động của bạn.
Để hiểu mức độ ảnh hưởng của chúng ta đến người khác, hãy thử điều chỉnh một số hành vi điển hình của bạn. Xem điều gì xảy ra khi bạn trừng mắt với người bạn thân, hồ hởi chào vị giám đốc lầm lỳ trong thang máy, hoặc đặt ba lô của bạn lên chiếc ghế trống kế bên trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm. Rồi sau đó thử hành động khác đi: mở cửa giùm cho một người lạ, nhắn tin cho một người bạn đang gặp trục trặc trong một mối quan hệ, nhẹ nhàng giúp bà của bạn bước qua mặt đất đóng băng. Để ý xem tất cả những thay đổi này ảnh hưởng đến bạn và những người xung quanh như thế nào.
Khổng Tử sẽ không định nghĩa đức nhân; ông muốn các môn đồ của mình biết rằng chúng ta phải cảm nhận đức tính đó trong tất cả những tình huống biến đổi khác nhau, để hiểu ý nghĩa của việc thể hiện đức nhân. Chúng ta đều cảm nhận được nó, và một khi đã nhận ra nó, chúng ta có thể phát triển nó hơn nữa.
Thể hiện đức nhân
Làm thế nào để giúp một người bạn vượt qua một thời điểm khó khăn?
Với nhiều nhà đạo đức, đây có vẻ không phải là một câu hỏi quan trọng. Họ có xu hướng tập trung vào các vấn đề chung chung mà chúng ta có thể tính toán một cách lý tính theo những hướng rộng hơn. Họ thường chọn các ví dụ, như thí nghiệm về chiếc xe goòng mà chúng tôi đã nhắc đến trong phần giới thiệu, tách biệt hoàn toàn khỏi những rắc rối của cuộc sống hằng ngày – những thí nghiệm tư duy mà mục tiêu duy nhất là để giải quyết một vấn đề đã được xác định rõ thông qua sự nghiền ngẫm của lý trí. Ở dạng thuần túy nhất, thí nghiệm về chiếc xe goòng không có chỗ cho những thứ mơ hồ như quyết định của bạn sẽ thay đổi thế nào nếu một trong năm người là mẹ của bạn, hoặc nếu cả năm đều là trẻ em. Các nhà đạo đức học sẽ nói rằng nếu bạn để những yếu tố như vậy ảnh hưởng đến quyết định của mình thì thực ra bạn không phải là một người lý tính; bạn đang cho phép cảm xúc che phủ phán đoán đạo đức của bạn.
Triết gia người Đức Immanuel Kant (1724 – 1804) đã suy ngẫm về những tình thế này. Ông lập luận rằng bất kể trong tình huống nào, bạn cũng nên hành động như thể hành động của bạn có thể trở thành một quy luật phổ quát cho bất kỳ ai.
Để minh họa điều này, Kant đưa ra thí nghiệm tư duy như sau: Giả sử một người đàn ông vô tội đang ẩn trốn trong nhà bạn. Một tên sát nhân đang lùng giết anh ta gõ cửa nhà bạn, hỏi rằng anh ta có trong nhà không. Bạn nên nói dối để cứu người đàn ông vô tội ấy, hay nên nói sự thật?
Câu trả lời nổi tiếng của Kant là bạn phải luôn luôn nói thật, vì huấn thị không nói dối là tuyệt đối và không nên thay đổi theo tình huống. Trọng tâm trong bài tập trí tuệ của ông là lập luận rằng bối cảnh của tình huống không có liên quan. Ngay cả trong một tình huống hiển nhiên mà bất kỳ ai cũng sẽ nói dối (như chính Kant đã thừa nhận) như vậy, thì nói dối vẫn là điều sai trái.
Từ quan điểm của triết học Kant thuần túy, một câu hỏi như “Làm thế nào để giúp đỡ người bạn gặp khó khăn?” sẽ không bao giờ được coi là điểm khởi đầu hữu ích cho một suy ngẫm đạo đức. Nó liên quan đến quá nhiều vấn đề lộn xộn: những phức tạp trong khó khăn của người bạn, cô ấy dễ tổn thương như thế nào và có ai quanh cô đang ủng hộ cô, tiền sử giải quyết khủng hoảng của cô, những cảm xúc đối lập của những người khác liên quan đến tình huống đó.
Tuy nhiên, đối với Khổng Tử, kịch bản “người bạn gặp rắc rối” chính xác là loại ví dụ thúc đẩy chúng ta phải suy nghĩ về hành vi đạo đức. Khổng Tử không chỉ có thể nói rằng tất nhiên bạn phải nói dối để cứu người đàn ông vô tội, vì bạn cần suy nghĩ về toàn bộ tình huống chứ không chỉ về một huấn thị đạo đức phổ quát kiểu như “Nói dối là sai”. Mà ông còn gần như chắc chắn tin rằng khi tước bỏ bối cảnh với tất cả các chi tiết phức tạp như vậy, Kant đã khiến thí nghiệm tư duy của mình cơ bản là thành vô dụng.
Việc cố gắng xây dựng các quy luật trừu tượng, phổ quát để hướng dẫn chúng ta chẳng những không thích đáng mà còn nguy hiểm. Bởi vì nó ngăn trở chúng ta học cách vật lộn với sự phức tạp trong các tình huống. Nó che lấp hiểu biết của chúng ta trong cách thể hiện đức nhân.
Khổng Tử có thể sẽ nhắc nhở chúng ta rằng có một điều duy nhất chúng ta có thể làm, chỉ một điều duy nhất thôi, để giúp một người bạn đang gặp rắc rối: đưa cảm giác của bạn vào tình huống đó để hiểu khó khăn thật sự người bạn đang gặp phải là gì. Mỗi tình huống là một trường hợp độc nhất và nó lại còn liên tục thay đổi; những thay đổi đó có thể xuất phát từ mọi thứ, từ việc người bạn kia có ngủ đủ giấc hay không cho đến cách mà bạn phản ứng khi cô ấy chia sẻ những khó khăn của mình với bạn. Cách bạn đọc tình huống, khả năng nắm bắt bức tranh toàn cảnh, khả năng thấu hiểu tất cả những yếu tố phức tạp đã đưa người bạn kia đến tình cảnh cụ thể này chính là cái sẽ giúp bạn hồi đáp bằng đức nhân. Bạn sẽ hiểu liệu người bạn của bạn cần một ai đó đóng vai trò can thiệp nhiều hơn (“Bạn phải chấn chỉnh lại cuộc sống của mình đi”), hay cô ấy cần một người bạn tâm tình điềm tĩnh, biết cảm thông (“Như thế hẳn là khó khăn lắm”), hay liệu có ích hơn chăng khi bạn lẳng lặng pha cho cô ấy một tách trà hoặc đề nghị thu quần áo khô vào cho cô ấy.
Hầu hết chúng ta đều biết tất cả những điều này, ở một mức độ nào đó. Nhưng theo quan điểm của Khổng giáo, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Chúng ta có thể hiểu rằng không có những quy chuẩn để chúng ta biết chính xác phải làm gì khi bước vào thế gian hỗn loạn, tung hứng với vô số vai trò, cảm xúc và kịch bản. Quy chuẩn duy nhất là đức nhân. Đối với Khổng Tử, trau dồi và thể hiện đức nhân là cách duy nhất để trở thành một con người đạo đức.
Tạo ra và biến đổi các lễ nghi
Khổng Tử thường bị đóng khung hình ảnh là một người theo chủ nghĩa truyền thống cứng nhắc, người đã yêu cầu các môn đồ phải sống cả đời theo các quy ước xã hội và gắn với các vai trò cụ thể. Nhưng cho đến giờ, rõ ràng những điều ông dạy là trái ngược. Khi chúng ta thực hiện các lễ nghi và đạt tới ý thức về đức nhân, chúng ta trở nên trái ngược hoàn toàn với sự cứng nhắc. Các lễ nghi không chỉ giúp chúng ta khỏi mắc kẹt vào trong bất kỳ vai trò nào, mà việc rèn luyện bản thân trong các lễ nghi còn có nghĩa là học cách biết được khi nào và làm thế nào để tạo ra hoặc thay đổi chúng.
Trên thực tế, Tính tự mệnh xuất chỉ cho chúng ta biết rằng các nghi lễ bắt nguồn chính từ cách này. Trong khởi thủy của nền văn minh nhân loại, người ta đã trải qua những khoảnh khắc khi mà, giữa những cuộc chạm trán hỗn loạn và tiêu cực diễn ra khi người ta va vào nhau, thì mọi thứ thực sự đã diễn ra tốt đẹp (Hãy nghĩ về một cái gì đó đơn giản kiểu như hỏi xin thứ gì thay vì cứ chộp lấy nó, hoặc giúp đỡ một người bạn đang chật vật hơn là phớt lờ anh ta). Người ta đã để ý đến tác động tích cực của những cuộc chạm trán này và bắt đầu lặp lại, cuối cùng chúng trở thành lễ nghi. Dần dần, con người đã phát triển một loạt các danh mục lễ nghi để hướng dẫn họ cách cư xử tốt với nhau và dạy các thế hệ tương lai cũng làm như vậy.
Chúng ta cũng tạo ra và thay đổi các lễ nghi. Hãy tưởng tượng rằng bạn bước vào phòng và nhìn thấy vợ mình trông có vẻ lo lắng về điều gì đó. Trước đây, bất cứ khi nào bắt gặp cô ấy ở trong tình trạng này, bạn sẽ ngồi xuống bên cạnh và khuyến khích cô ấy nói ra. Cho cô ấy không gian bày tỏ cảm xúc luôn luôn là lễ nghi đã được thiết lập.
Nhưng một quan điểm Khổng giáo sẽ nhấn mạnh đến những điểm phức tạp: nghĩa là, trong tình huống cụ thể này, cần hiểu được hiện giờ cô ấy cần kiểu quan tâm nào. Có thể bạn nhận ra rằng làm một điều gì đó khác – như im lặng ôm chặt cô ấy – mới là điều tốt nhất với cô lúc này, bởi vì bạn cảm nhận được điều cô ấy cần nhất hiện giờ chính là được trấn an bởi sự có mặt của bạn. Nếu làm như vậy, bạn đã tạo ra một lễ nghi mới. Bạn làm một việc mới mẻ, hoàn toàn có chủ đích, dựa trên kinh nghiệm về các lễ nghi mà vợ chồng bạn đã sử dụng trước đó, dựa trên sự thấu hiểu vợ mình và khả năng đọc tình huống của bạn. Nếu điều này hiệu quả, thì đến lượt cô ấy cũng sẽ phản ứng khác đi, rồi điều này sẽ dần trở thành một lễ nghi giữa hai bạn. Bạn đã thay đổi các lễ nghi trước đó và tạo ra một lễ nghi mới. Và khi làm vậy, bạn đã tạo ra một thực tại mới cho cả hai: một thực tại mà trong đó bạn đã tạo ra một sự kết nối tốt hơn.
Nếu thành công trong việc liên tục thể hiện đức nhân, thì chúng ta sẽ được gì từ đó? Đôi khi, các môn đồ của Khổng Tử đã hỏi ông những câu tương tự. Thực tế, họ đã hỏi liệu ông có cho rằng chúng ta sẽ được tưởng thưởng khi chết đi nếu làm nhiều điều tốt cho người khác không. Câu trả lời của ông rất đơn giản:
“Vị tri sinh, yên tri tử.”********
(Chưa hiểu được sự sống – sao hiểu được sự chết?)
******** Luận ngữ, thiên thứ 11, bài 11.
Câu trả lời của Khổng Tử không nói đến việc chúng ta nên hay không nên tin vào lai thế. Đúng hơn là, ông nhấn mạnh rằng chúng ta nên tập trung vào những gì có thể làm, ở đây và ngay lúc này, để khơi lên những điều tốt đẹp nhất từ những người xung quanh.
Mặc dù Khổng Tử không tập trung vào hạnh phúc của cá nhân, nhưng ông lại vô cùng thân thuộc với niềm hạnh phúc sâu sắc đến từ việc phấn đấu trở thành một con người tốt đẹp hơn. Khi được hỏi về bản thân, ông đáp:
“Kỳ vi nhân dã, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí vân nhĩ.”********
(Đấy là người phát phẫn [giận] đọc sách [tìm hiểu đạo lý] đến nỗi quên ăn, khi tìm được rồi thì vui đến quên sầu, chẳng biết tuổi già đã đến.)
******** Luận ngữ, thiên thứ 7, bài 18.
Tu dưỡng bản thân để vun bồi cho một thế giới tốt đẹp hơn
“Khắc kỷ phục lễ vi nhân.”********
(Khắc kỷ [thắng chế tư dục] mà trở về lễ [đạo lý] thì là đức nhân.)
******** Luận ngữ, thiên thứ 12, bài 1.
Nghĩ lại lịch sử hình thành lễ nghi “Làm ơn” và “Cảm ơn”. Cái tưởng như chỉ là một thay đổi nhỏ từ nhiều thế kỷ trước rốt cuộc đã trở thành một phần của cái lớn lao hơn. Một thế giới mới bắt đầu phát triển, thế giới mà mọi người có thể hình dung ra đối xử với nhau như những người bình đẳng thì sẽ thế nào, rồi trải nghiệm trong giây lát cái cảm giác cư xử ngang hàng với nhau. Và dần dần, chúng ta đã trở thành một xã hội nơi người ta đại thể tin tưởng rằng tất cả mọi người nên bình đẳng.
Chúng ta có xu hướng tin rằng để thay đổi thế giới, chúng ta phải nghĩ lớn. Khổng Tử có thể không chống lại quan điểm này nhưng hẳn ông cũng nói rằng: Cũng đừng bỏ qua những điều nhỏ. Đừng quên nói “Làm ơn” và “Cảm ơn”. Thay đổi sẽ không xảy ra nếu mọi người không thay đổi cách cư xử của mình, và họ sẽ không thay đổi được cách cư xử nếu không bắt đầu với những việc nhỏ.
Khổng Tử đã dạy rằng chúng ta chỉ có thể tu dưỡng đức nhân thông qua các lễ nghi. Tuy nhiên, chỉ khi sống với đức nhân, chúng ta mới ý thức được khi nào thì nên sử dụng các lễ nghi và làm sao để thay đổi chúng. Điều này có thể nghe luẩn quẩn, và nó đúng thật như thế. Chính vòng lặp này tạo nên sự sâu sắc trong tư tưởng của Khổng Tử. Không có khuôn khổ đạo đức hay luân lý nào vượt qua nổi bối cảnh và sự phức tạp trong cuộc sống con người. Tất cả những gì chúng ta có là một thế giới hỗn độn mà ở đó chúng ta làm việc và cải thiện bản thân. Những nghi thức như thể bình thường này là phương tiện để chúng ta hình dung ra những thực tại mới và dần xây dựng nên những thế giới mới. Cuộc sống của chúng ta bắt đầu trong ngày bình thường và lưu lại trong ngày bình thường. Chỉ trong ngày bình thường, chúng ta mới có thể bắt đầu tạo ra những thế giới thực sự tuyệt vời.