C
ứ bước vào bất kỳ bảo tàng nghệ thuật lớn nào là bạn sẽ phải đối mặt với vô số phòng trưng bày: Lưỡng Hà, Ai Cập cổ đại, Hy Lạp cổ đại, Đế chế La Mã, châu Âu thời Trung cổ, châu Âu hiện đại. Mỗi phòng trưng bày chứa đầy những tạo tác tuyệt đẹp và khi đi qua chúng theo trình tự, bạn có thể vạch ra sự phát triển của nền văn minh. Sau đó, bạn có thể lang thang sang một khu khác nếu thích và vào các phòng trưng bày theo chủ đề các vùng đất như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đây là xu hướng tìm hiểu về lịch sử thế giới của chúng ta – như những nền văn minh rời rạc tự phát triển theo thời gian.
Bây giờ, hãy hình dung một dạng bảo tàng khác, một kiểu bảo tàng được sắp xếp duy nhất theo kỷ nguyên. Chẳng hạn như, bạn có thể dạo qua một phòng trưng bày và nhìn thấy một đồng xu denarius bạc của La Mã, một đồng xu bằng đồng thiếc từ thời Hán của Trung Quốc và một đồng tiền in dập từ Đế chế Maurya của Ấn Độ. Bạn sẽ thấy ngay rằng ba nền văn minh lớn ấy đang trải qua những thay đổi quan trọng tương tự nhau cùng một lúc, bất chấp khoảng cách địa lý quá lớn giữa chúng: Mỗi nền văn minh đã trở thành một đế chế, và mỗi nền văn minh ấy đang vận hành một nền kinh tế dựa trên tiền xu. Hoặc bạn có thể vào một phòng trưng bày về giai đoạn đầu thời Trung cổ, vài thế kỷ sau đó, rồi nhìn thấy các thánh vật và các tàn tích kiến trúc của Kitô giáo, Hồi giáo và Phật giáo. Tất cả chúng sẽ đưa ra một sự thật sống động rằng cùng một thời gian trong lịch sử, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đã lan tỏa, thiết lập vững chắc dọc theo các mạng lưới thương mại kết nối Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Địa Trung Hải. Việc này sẽ mô tả một chân dung chính xác hơn về thời kỳ lịch sử này, rằng châu Âu và châu Á vốn luôn luôn kết nối với nhau.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ toàn cầu hóa là một hiện tượng riêng biệt của thế giới hiện đại, rằng công nghệ và ngành hàng không đã mở ra một kỷ nguyên mới nơi các xã hội khép kín cuối cùng cũng có thể kết nối với nhau. Nhưng nếu vậy thì tại sao Khổng Tử, Socrates và Đức Phật lại nói về những vấn đề triết học tương tự nhau vào cùng thời điểm hai ngàn năm trăm năm trước, dù ba vị sống ở những địa điểm hoàn toàn khác biệt, cách nhau rất xa và nói những ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt? Thực tế là những phát kiến, công nghệ và ý tưởng vốn đã di chuyển khắp toàn cầu trong một thời gian rất dài. Sự căng thẳng và chuyển động sôi động trong lục địa Á - Âu đã xác định phần lớn lịch sử của nó. Khổng Tử, Socrates và Đức Phật đã phản ứng rất tương đồng với những chất xúc tác xã hội.
Để hiểu tại sao tranh luận triết học lại nổi lên và tại sao những nhà tư tưởng này lại tập trung vào những vấn đề giống nhau như vậy, chúng ta phải hiểu được nền văn hóa sôi nổi và đầy sức sống nơi họ sống và phát triển các tư tưởng.
Người châu Âu thế kỷ 19 không phải những người đầu tiên nghĩ mình đang tách khỏi quá khứ và tạo ra một thời đại hoàn toàn mới. Những đợt bùng nổ tương tự đã xảy ra liên tục trong suốt lịch sử loài người. Một trong những đợt quan trọng nhất xảy ra trên khắp lục địa Á – Âu vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Trong một cơn chuyển mình mang tính cách mạng của lịch sử, các xã hội quý tộc thời đại đồ đồng đã thống trị lục địa Á - Âu suốt hai ngàn năm, vốn chuyển giao quyền lực và của cải theo quy chế cha truyền con nối, bắt đầu vỡ vụn. Khi các nhà nước này sụp đổ, những hình thức thử nghiệm chính trị mới ra đời – từ chế độ dân chủ cấp tiến ở Hy Lạp đến các bộ máy quan lại và những hệ thống pháp luật ở Trung Quốc. Những hình thức quản lý nhà nước mới mẻ này đã giúp nuôi dưỡng sự khởi đầu của di động xã hội. Và giữa những biến đổi xã hội to lớn mà các nhà nước này tạo nên, các tổ chức tôn giáo gắn liền với các nền văn hóa quý tộc trước đó cũng sụp đổ theo.
Vì lẽ đó, các phong trào tôn giáo và triết học đã nảy nở mạnh mẽ khắp lục địa Á - Âu. Ở Hy Lạp cổ đại, đây là thời của Socrates, Plato và Aristotle, cũng như Pythagore và Orphics. Ở Ấn Độ, nó dẫn đến sự xuất hiện của Kỳ Na giáo* và quan trọng nhất là sự xuất hiện của Đức Phật. Và ở Trung Quốc, đây là thời của Khổng Tử, Mạnh Tử và các phong trào triết học, tôn giáo khác mà chúng ta sẽ gặp gỡ trong cuốn sách này. Tất cả đều cực kỳ hiện đại. Và tất cả đều suy ngẫm về những vấn đề xuất hiện khi một trật tự xã hội bị phá vỡ: Đâu là cách tốt nhất để điều hành một nhà nước? Làm thế nào xây dựng một thế giới đích thực nơi mọi người đều có cơ hội phát triển? Làm sao để tôi sống cuộc đời của mình? Tất cả họ đều vật lộn với những vấn đề rất giống chúng ta.
* Tức đạo Jaina, một tôn giáo của Ấn Độ ra đời cùng thời với Phật giáo, được sáng lập bởi Mahavir (540 TCN – 468 TCN). Triết lý và phương thức thực hành của đạo Jaina dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn.
Thời đại Trục kéo dài cho đến khi hình thành các đế chế khổng lồ khắp lục địa Á - Âu những thế kỷ trước Công nguyên cuối cùng. Đáp lại các đế chế này, một loạt tôn giáo cứu rỗi đã lan rộng khắp Á - Âu trong những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên: Kitô giáo, Mani giáo**, Phật giáo Đại thừa, Đạo giáo, và sau nữa là Hồi giáo. Trong vòng vài thế kỷ, ở nhiều vùng của lục địa Á - Âu, đặc biệt là châu Âu, thời kỳ thử nghiệm triết học và tôn giáo này chấm dứt sau sự sụp đổ của các đế chế và quay lại thiết chế quý tộc.
** Mani giáo (hay còn gọi Minh giáo, Mạt Ni giáo, Mâu Ni giáo), là một tôn giáo cổ của Iran, do Mani (216 – 277), người Ba Tư sáng lập vào khoảng thế kỷ 3, được truyền bá theo hai hướng Đông - Tây, cực thịnh một thời, có ảnh hưởng sâu rộng.
Những thay đổi xã hội của Thời đại Trục dẫn đến những sự phát triển tương tự nhau trên một khu vực địa lý rộng lớn. Không có bằng chứng nào cho thấy Khổng Tử, Đức Phật và các triết gia Hy Lạp có biết gì về nhau, càng không nói đến biết về tư tưởng của nhau. Tuy nhiên, vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, những phong trào triết học lớn ở các vùng cách xa nhau của lục địa Á - Âu lại thống nhất trong niềm tin rằng thế giới phải thay đổi.
Trong suốt phần lớn thời đại đồ đồng, hầu hết mọi người đều hiểu rõ không có khả năng nào để thay đổi quỹ đạo cuộc đời họ, nhưng sự tăng trưởng di động xã hội lúc này đã gieo mầm cho suy nghĩ rằng cái gì dành cho một số người thì cũng có thể và nên dành cho tất cả mọi người, không chỉ cho thiểu số.
Đồng thời, người ta hiểu rằng mình đang sống trong giai đoạn đại khủng hoảng văn hóa. Thời kỳ được đánh dấu bằng chiến tranh liên miên, đặc biệt là ở Hy Lạp, miền bắc Ấn Độ và bình nguyên Hoa Bắc – cũng là khu vực có nhiều phong trào triết học và tôn giáo lớn xuất hiện sau đó. Ở những vùng đất này, có một cảm giác tràn lan rằng con người đã lạc lối và đã từ bỏ các quy tắc ứng xử cho phép họ sống trong sự lễ độ giản đơn. Nhà thơ Hy Lạp Hesiod đã nắm bắt được các đặc tính của thời đại, than thở rằng ông đang sống trong thời kỳ mà các mối quan hệ đã đổ vỡ: cha con bất hòa, con không quan tâm đến cha mẹ già, anh em đánh nhau, và người ta thoải mái “tán dương bạo lực”.
Giữa lòng cuộc khủng hoảng văn hóa này, các phong trào tôn giáo và triết học bắt đầu nổi lên. Nhiều người có liên quan rút khỏi xã hội và tạo nên các cộng đồng thay thế dựa trên cơ sở cự tuyệt bạo lực. Những người khác nhấn mạnh vào việc vượt hẳn khỏi thế giới sụp đổ trên trái đất bằng cách tưởng tượng một thế giới cao hơn bên kia.
Các phong trào phát triển ở bình nguyên Hoa Bắc cũng tập trung vào việc tạo ra các thế giới thay thế. Nhưng đối với họ, giải pháp không phải là rút khỏi xã hội hay tìm kiếm những cảnh giới cao hơn, siêu việt hơn, mà phải tạo ra những thay đổi trong chính những mẫu hình của cuộc sống thường nhật.
Những sự phát triển đặc thù đã dẫn đến sự tập trung vào cõi trần thế này. Ở bình nguyên Hoa Bắc, một phản ứng trước sự sụp đổ của các xã hội theo chế độ cha truyền con nối của thời đồ đồng là sự hình thành những nhà nước mới do giới trí thức thuộc tầng lớp ngay dưới tầng lớp quý tộc điều hành, những người này lên nắm quyền nhờ vào công trạng thay vì được định đoạt chức tước dựa vào dòng dõi. Ngày càng có nhiều người cố công học tập với hy vọng giành được một vị trí trong những bộ máy quan lại mới này và nâng cao địa vị bản thân trong cuộc sống. Khi được học hành, họ trở nên bất mãn sâu sắc với thế giới đương thời và bắt đầu trăn trở về việc sống sao cho khác đi. Hầu hết các phong trào tôn giáo và triết học mới ở Trung Quốc thời kỳ này có thành viên là các nhân vật từ tầng lớp trí thức đang lớn mạnh.
Chẳng hạn như Khổng Tử. Triết gia vĩ đại này sống trong giai đoạn suy tàn của triều đại lớn cuối cùng thuộc thời đồ đồng, triều đại nhà Chu. Nhà Chu là một dòng họ quý tộc hùng mạnh, khẳng định được vị thế của mình với các dòng họ lớn khác nhờ sở hữu Thiên mệnh. Ở Trung Quốc cổ đại, Thượng đế được coi là vị thần sẽ ban cho dòng dõi có đức nhất thời bấy giờ nhiệm vụ cai trị dân chúng cho đến khi nào họ vẫn còn giữ được phẩm hạnh. Đó là một thời đại rất giống châu Âu trước thế kỷ 19, khi các dòng dõi quý tộc lớn cai trị bằng cách tuyên bố họ có quyền thiêng liêng.
Trong giai đoạn cuộc đời Khổng Tử, những dòng họ quý tộc đầy thế lực này đã mất đi quyền lực. Bản thân nhà Chu đã suy tàn, nhưng các gia tộc khác cũng vậy. Thế nên không ai có thể bước lên để tuyên bố mình là người mới được “phụng thiên thừa vận”.
Chính trong khoảng trống chính trị tiếp đó, những nhân vật như Khổng Tử xuất hiện nổi bật. Ông giữ vài chức quan nhỏ và về sau trở thành thầy dạy học, tập trung dạy dỗ một thế hệ mới những người cũng đang tìm kiếm những chức tước ấy.
Ngày nay, khi nghĩ về Khổng giáo***, chúng ta thường liên tưởng đến hệ thống phân tầng xã hội cứng nhắc, những vai trò phân theo giới tính nghiêm ngặt và nhấn mạnh việc xử sự đúng đắn một cách bảo thủ – ấn tượng đó một phần dựa trên việc diễn giải lại những giáo lý này về sau. Nhưng chân dung của Khổng Tử trong Luận ngữ lại không phải là một người đang cố gắng kiểm soát mọi người, cũng không chút gì giống một trong những người đang cố gắng tạo ra một hệ tư tưởng cố kết. Trái lại, chúng ta thấy một nhân vật đang cố gắng tạo ra những thế giới mà ở đó con người có thể thịnh vượng. Những thế giới ấy được xây dựng ở đây, ngay lúc này, thông qua cách chúng ta tương tác với mọi thứ xung quanh.
*** Hay còn gọi là Nho giáo.
Khổng Tử cho rằng một kỷ nguyên hưng thịnh vĩ đại của loài người đã từng tồn tại vào thời kỳ đầu nhà Chu, khoảng năm trăm năm trước thời của ông. Ông xem đây là giai đoạn được cai trị bởi những người biết tự tu tự dưỡng, trở thành con người đạo đức, và nói chung là đã thành công trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn quanh mình. Ông cố tìm con đường để làm điều tương tự: Tạo ra một thế giới nơi học trò của ông có thể phát triển, với hy vọng một số trong những học trò đó có thể tạo ra một trật tự xã hội lớn hơn, để dân chúng cũng có thể sống đời phồn thịnh.
Mọi triết gia chúng ta gặp trong cuốn sách này đều giống với Khổng Tử. Mỗi người đều nổi lên từ sự tôi luyện trong cơn quá độ này. Mỗi người đều phản đối xã hội mình đang sống và tích cực trù tính những cách sống mới mẻ, thú vị. Mỗi người đều tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi người đều có tiềm năng phát triển như nhau.
Quá trình rèn luyện của các nhà tư tưởng này đã khiến họ trở nên cực kỳ thực tế và cụ thể. Đó là lý do vì sao khi đặt câu hỏi chất vấn xã hội, họ có xu hướng không tập trung vào ngay những câu hỏi trừu tượng lớn lao. Thay vào đó, họ đặt câu hỏi: Vì sao thế giới của chúng ta lại thành ra thế này, chúng ta có thể làm gì để thay đổi nó? Từ những câu hỏi thực tế này mới xuất hiện những khám phá đầy cảm hứng về tiềm năng trở nên tuyệt vời và tốt đẹp của mỗi người.