C
hẳng lẽ không còn cách nào khác tốt hơn sao?
Đã bao nhiêu đêm rồi anh nằm trằn trọc với những nghĩ suy giằng xé trong lòng...
Chẳng lẽ không thể nào cứu vãn được cuộc hôn nhân này nữa sao?
Anh ngồi đó, một mình một bàn trong góc quán cà-phê, trầm tư theo làn khói thuốc cùng tiếng nhạc xập xình.
Đâu phải anh không cố gắng? Anh đã cố, rất cố để gìn giữ cái gia đình mình chỉ mới xây dựng được hơn một năm này. Con trai anh tính đến nay mới được bốn tháng tuổi thôi mà...
Cơ sự là vì đâu?
Rít một hơi thuốc ngập sâu vào lồng ngực, anh dần hồi tưởng lại.
Anh và vợ yêu nhau đâu phải ngày một ngày hai rồi vội vã lấy như một số cặp thời buổi bây giờ. Tính ra cũng ngót nghét gần mười năm yêu đương mặn nồng chứ nào phải ít! Anh yêu vợ, không gì có thể chối cãi được. Không yêu thì không thể quen nhau lâu đến vậy. Thế còn vợ anh, cô ấy có yêu anh không?
Sao lại không? Mười năm tuổi xuân của cô đã dành cả cho anh rồi còn gì. Anh quyết định làm đám cưới cũng vì lẽ ấy. Người ta chẳng bảo thời gian là thử thách tốt nhất dành cho những người đang yêu đó sao?
Đã yêu nhau lâu dài và sâu đậm, vượt qua bao nhiêu thử thách như thế mà vẫn không thể cùng nhau đi trọn cuộc đời này được ư?
“Bạc đầu răng long” chỉ có trong chuyện kể chứ chẳng còn tồn tại giữa đời thực này?
Anh rít thêm một hơi thuốc nữa, bất giác mắt dừng lại nơi vật đang nằm gọn gàng trên ngón áp út bàn tay trái của anh kia.
Một cảm giác xúc động tột độ dâng lên trong anh. Lâu nay, nó vẫn luôn nằm ở nguyên đó: Chiếc nhẫn cưới này đây. Chưa một lần anh tháo nó ra. Ngay cả khi hai vợ chồng bắt đầu sống li thân từ hai tháng trước...
Anh đăm đăm nhìn nó. Vất vả lắm hai vợ chồng mới đeo được lên ngón tay cho nhau cặp nhẫn cưới... vợ anh, liệu cô ấy có còn đeo nhẫn không?
Nhẫn...
Tại sao thành vợ thành chồng rồi lại phải đeo nhẫn? Thì đó vốn dĩ là một thủ tục lệ thường lâu nay đã luôn như thế mà! Có đám cưới nào lại không có sự hiện diện của đôi nhẫn cưới đâu.
Anh nhớ lại mình từng khấp khởi mừng lo biết bao nhiêu khi lồng vào tay vợ chiếc nhẫn cùng một cặp với cái anh đang đeo này.
Mừng lo là vì từ khoảnh khắc đó, anh đã mang trên vai trách nhiệm của một người chồng và tương lai là một người cha. Nhẫn cưới chính là tượng trưng cho mối giao kết, ràng buộc, xác tín giữa vợ và chồng. Từ nay, anh là chồng và cô là vợ. Từ nay, trên ngón áp út, vật bằng kim loại này cho cả thế giới biết rằng anh và cô đã có gia đình.
Đeo vào rồi, để bây giờ lại muốn tháo ra sao?
Nhẫn...
Tại sao vật này lại được gọi là nhẫn?
Hình như có lần anh từng nghe ai đó bảo rằng chẳng phải tự dưng người ta lại gọi như thế. Nhẫn ở đây chính là nhẫn nại, kiên nhẫn. Trong quan hệ vợ chồng, làm sao tránh khỏi những phút giây cơm không lành canh không ngọt. Vợ chồng đối với nhau khi ấy cần phải làm gì?
Chồng giận thì vợ bớt lời.
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê...
Nhẫn...
Hóa ra, lâu nay anh đã quên mất điều quan trọng đang hiện hữu sờ sờ ngay trên ngón tay mình. Vợ chồng xung đột cãi vã dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất, đã bao giờ anh chịu dừng lại đôi ba giây ngẫm nghĩ tại sao? Đã khi nào anh chịu yên lặng để lắng nghe vợ mình? Đã lúc nào anh đặt mình vào vợ để cảm thông cho cô chưa? Hay anh để cơn giận làm chủ, chỉ muốn giành phần thắng khi cái tôi đã lên cao ngút trời. Chẳng ai chịu ai, nhường ai. Mâu thuẫn không được giải quyết mà kéo dài thêm những vết nứt sâu trong lòng mỗi người. Khoảng cách cứ thế càng rộng ra, đẩy vợ chồng mỗi lúc một xa nhau.
Cơ sự đến ngày hôm nay, lỗi tại ai?
Anh hay vợ?
Anh lại rít thêm một hơi thuốc nữa rồi thở hắt ra làn khói trắng mịt mờ nhưng chẳng thể quẳng đi nỗi buồn vẫn đang ngự trị sâu trong tâm hồn.
Nhẫn...
Con trai anh vẫn còn quá nhỏ...
Giá mà anh chịu nhớ ra và làm theo sớm hơn câu nói muôn đời vẫn đúng của cổ nhân:
Nhẫn một chút sóng yên gió lặng,
Lùi một bước biển rộng trời cao.
Lưu Quang Minh