Biến xung đột nhân viên thành cơ hội
NGUỒN GỐC - CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA MÔ HÌNH
Năm 1970, Ken Thomas và Ralph Kilmann – hai giáo sư của Đại học Pittsburgh – đã phát triển và công bố mô hình “Thomas Kilmann Conflict Mode Instrument – TKI” (Công cụ giải quyết xung đột). Mô hình TKI dựa trên nghiên cứu lý thuyết trước đó của Robert Blake và Jane Mouton vào những năm 1960.
Trước đó, theo nhà sinh vật học Walter Bradford Cannon (1871-1945), đồng thời là giáo sư và chủ tịch khoa Sinh lý học tại Trường Y Harvard, khi một xung đột xảy ra về mặt sinh lý, con người có hai phản ứng kinh điển là “chiến hay chạy” (fight- or-flight). Phản ứng “chiến hay chạy” (cũng được gọi là phản ứng tăng nhạy cảm quá độ, hoặc phản ứng căng thẳng cấp tính) là một phản ứng sinh lý xảy ra khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn.
Theo giáo sư tâm lý học Aamodt, xung đột là phản ứng tâm lý và hành vi đối với nhận thức rằng một người khác đang ngăn cản người đó đạt được mục tiêu, đồng thời lấy đi quyền hành xử của người đó theo một cách cụ thể hoặc vi phạm những kỳ vọng của mối quan hệ.
Mô hình Thomas-Kilmann được sử dụng rộng rãi trong quản trị nhân sự trên thế giới. Đặc biệt được sử dụng trong việc giải quyết các xung đột trong nhóm để nâng cao hiệu quả làm việc. Các xung đột về lợi ích trong đàm phán giữa người bán và người mua. Mô hình TKI được xây dựng dựa trên hai yếu tố.
• Sự quyết đoán (Assertive): Yếu tố này đo lường mức độ một người cố gắng thỏa mãn mong muốn nhu cầu của bản thân.
• Sự hợp tác (Cooperative): Yếu tố này đo lường mức độ một người cố gắng thỏa mãn mong muốn của người khác.
Khi hai yếu tố trên tăng dần cường độ từ thấp lên cao thì phương pháp giải quyết xung đột có sự khác nhau. Phương pháp giải quyết xung đột này dựa trên mối quan hệ giữa người với người. Dựa trên nền tảng là tập trung vào nhu cầu của bản thân – hướng về bản thân hay là tập trung vào cố gắng thoả mãn nhu cầu của người khác.
Từ hai yếu tố trên, hai tác giả xây dựng và đề xuất ra năm phong cách giải quyết xung đột hiệu quả nhất.
1. Lảng tránh (Avoiding)
2. Nhượng bộ (Accommodating)
3. Thỏa hiệp (Compromising)
4. Cạnh tranh (Competing)
5. Hợp tác (Collaborating)
MÔ HÌNH - KHUNG CÔNG VIỆC THỰC TẾ
Để giải quyết xung đột hiệu quả, tác giả lần lượt giới thiệu ba mô hình để các chủ doanh nghiệp và nhà quản lý tham khảo và ứng dụng vào thực tế. Việc ứng dụng ba mô hình này sẽ đi từ mô hình phản ứng tự nhiên đến các mô hình mang tính điều chỉnh hành vi để áp dụng cho doanh nghiệp của mình nhằm biến xung đột thành cơ hội.
Mô hình 1: Mô hình phản ứng “chiến hay chạy” của Cannon
Trong mô hình này, Cannon miêu tả hành vi của con người dựa vào hai phản ứng mang tính tâm sinh lý là chiến và chạy. Mô hình này dựa trên “sức mạnh của chúng ta với đối phương”. Nếu mạnh hơn đối phương, chúng ta có xu hướng chiến đấu để đạt mục tiêu. Phản ứng này có thể dựa trên quan sát của các con thú có sức mạnh ở trong rừng như hổ, sói, những con vật thường có xu hướng chiến đấu. Ở trường hợp đối lập, khi ở thế yếu hơn đối phương, chúng ta có xu hướng “bỏ chạy” để bảo vệ lợi ích của mình. Phản ứng này có thể quan sát các con thú yếu thế hơn như hươu và nai, chúng có xu hướng bỏ chạy khi gặp đối phương mạnh như hổ, báo, sư tử.
Mô hình này ứng dụng trong doanh nghiệp như thế nào? Với những doanh nghiệp lớn, thương hiệu công ty mạnh, nguồn lực công ty mạnh, thì chủ doanh nghiệp và các quản lý thường ở thế mạnh hơn nhân viên. Các nhà quản lý có xu hướng dùng phong cách “chiến đấu”, tấn công nhân viên để đạt mục tiêu. Giải pháp thông thường là gây sức ép, tạo áp lực để đạt mục tiêu đặt ra. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn lực còn hạn chế, thương hiệu chưa có thì để thu hút và giải quyết xung đột với các hợp đồng lớn, các đối tác lớn, chiến lược được doanh nghiệp đưa ra thường là “chạy”.
Mô hình 2: Mô hình thiền định để giải quyết xung đột
Mô hình này dựa trên sự cải tiến của mô hình “chiến hay chạy”. Mô hình “chiến hay chạy” dựa trên đánh giá tương quan sức mạnh của cá nhân và đối phương để đưa ra phản ứng tức thời. Mô hình thiền định dựa trên sự “tĩnh tâm” để đánh giá đúng thực trạng, bản chất tình hình thực tế trước khi đưa ra giải pháp và tình huống xung đột. Mô hình này có tính ưu việt là xóa bỏ hai rào cản lớn trong giải quyết xung đột. Một là sự sợ hãi của bản thân xuất phát từ định kiến quá khứ và sự tưởng tượng về tương lai. Hai là nhận định tình hình thực tế “như chúng đang là” và từ đó đưa ra được giải pháp tối ưu.
Để áp dụng mô hình này trong doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý cần có “một khoảng thời gian trống”, tạo khoảng cách cần thiết giữa “xung đột” và “giải pháp”. Cách giải quyết tốt nhất là không làm gì cả cho đến khi nhận ra bản chất vấn đề đang gặp phải. Khi có một khoảng thời gian trống cần thiết giữa “xung đột” và “giải pháp”, chủ doanh nghiệp và nhà quản lý có thể đưa ra được các phương án tối ưu.
Mô hình 3: Mô hình 4F của Laconte’s
Mô hình này dựa trên hai yếu tố then chốt là: mức độ hấp dẫn hay mức độ cự tuyệt; và mức độ gắn kết hay mức độ rời bỏ. Từ đó Laconte’s gợi ý có bốn cách xử lý xung đột có thể hiệu quả. Mô hình này dựa trên sự phát triển cụ thể và có tính ứng dụng cao hơn của mô hình 1 và mô hình 2. Mô hình này đưa ra bốn cách giải quyết xung đột hiệu quả.
1. Chiến đấu (Fight): Cách này hiệu quả khi những vấn đề xảy ra thuộc mục tiêu sống còn của doanh nghiệp, là những vấn đề quan trọng và khẩn cấp cần giải quyết ngay.
2. Rời bỏ (Flight): Cách này hiệu quả khi đối mặt với những vấn đề không gấp và không quan trọng trong doanh nghiệp.
3. Đóng băng (Freeze): Cách này hiệu quả với các vấn đề chưa gấp, chưa gây tổn hại cho doanh nghiệp và cá nhân tức thì. Cần thời gian để nghiên cứu kỹ hơn thực trạng và đưa ra giải pháp tối ưu.
4. Đối mặt (Face): Cách này hiệu quả với các sự việc, vấn đề quan trọng, doanh nghiệp và nhà quản lý đã có sự nghiên cứu thực tế đầy đủ và chính xác, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp đặt ra.
Mô hình 4: Mô hình năm phương pháp giải quyết xung đột của TKI
Hai tác giả Ken Thomas và Ralph Kilmann đưa ra năm phương pháp để giải quyết xung đột hiệu quả.
• Lẩn tránh (Avoiding): Cách này dựa trên nhận thức cho rằng trong một số trường hợp thì bỏ qua là một giải pháp và mọi việc sẽ ổn. Nếu nhìn về mặt hiện tượng thì cách này có vẻ hơi “vô trách nhiệm” vì không làm gì để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, mô hình cũng chỉ ra rằng đây là cách phù hợp khi tính quyết đoán và tính hợp tác của cá nhân ở mức độ thấp. Cách giải quyết xung đột này hiệu quả với những vấn đề không phải mục tiêu của doanh nghiệp, với các cá nhân không xác định có mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp.
• Chấp nhận (Acommodating): Cách này dựa trên nhận thức rằng “hy sinh lợi ích ngắn hạn sẽ được lợi ích trong dài hạn”. Mô hình này hiệu quả khi mức độ hợp tác cao và tính quyết đoán thấp. Với các vấn đề không phải mục tiêu chính của mình trong khi đối phương lại có nhu cầu cao về việc này thì cách chấp nhận là phù hợp và hiệu quả. Cách này cũng hiệu quả trong trường hợp lấy được tình cảm và sự ủng hộ ban đầu của đối phương. Sau đó khi điều kiện thuận lợi, có thể sử dụng phương pháp khác để đạt được mục tiêu cá nhân.
• Cạnh tranh (Competing): Cách này dựa trên nhận thức là phải đạt được mục đích bằng bất kỳ giá nào. Mô hình phù hợp khi tính quyết đoán cao và tính hợp tác thấp. Với các vấn đề thuộc mục tiêu sống còn của doanh nghiệp, tính cấp bách cao thì cách này giúp đạt được mục tiêu của doanh nghiệp khi xung đột xảy ra. Tuy nhiên, cách này sẽ gây tổn hại cho các mối quan hệ, thường gây nên sự không hài lòng hoặc xung đột. Vì vậy, sau khi áp dụng cách này, các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp cần có các hoạt động xoa dịu, mang tính “khôi phục lại mối quan hệ”.
• Thỏa hiệp (Compromising): Cách này dựa trên nhận thức “muốn có thì phải cho đi”, là sự cân bằng cần thiết giữa tính quyết đoán (chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân) và tính hợp tác (chỉ quan tâm đến lợi ích người khác). Đây là cách cân bằng giữa sự hy sinh và sự ích kỷ, là điều cần thiết trong các mối quan hệ lâu dài. Cách này thường hiệu quả với các vấn đề mà hai bên đều quan tâm, lợi ích bên này sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích bên kia. Hai bên đảm bảo đạt được lợi ích của mình thì cũng phải chấp nhận mất mát một phần trong giải quyết xung đột.
• Hợp tác (Collaborating): Cách này dựa trên nhận thức “win – win” trong giải quyết xung đột, đề cao tính quyết đoán nhưng cũng coi trọng tính hợp tác. Đây là cách đầu tiên nên áp dụng trong bất kỳ xung đột nào để tạo ra môi trường giải quyết tốt nhất. Để áp dụng được cách này đòi hỏi hai bên phải có sự lắng nghe để hiểu đối phương cần gì, muốn gì. Đồng thời, phải có khả năng trình bày tốt để phía bên kia hiểu mình cần gì và muốn gì. Dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu của hai bên, các giải pháp thứ ba được khuyến khích để hai bên đều đạt mục tiêu. Stephen Covey gọi giải pháp để giải quyết xung đột hiệu quả này là “Giải pháp thứ 3” (The third alternatives).
TÓM TẮT CHƯƠNG
Giải pháp dành cho doanh nghiệp của bạn
Để giải quyết xung đột hiệu quả, các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý và các nhân viên khi làm việc trong một nhóm hoặc một tổ chức cần áp dụng được cả bốn mô hình trên. Theo quan điểm của tác giả, hãy bắt đầu bằng cách hợp tác, rồi căn cứ vào thực tế để điều chỉnh các cách khác cho phù hợp dựa trên:
1. Mục tiêu
2. Sức mạnh đang có
3. Mối quan hệ cần duy trì