"L
ý Kế Mai, nữ, dân tộc Hán. Sau khi chạy chữa bệnh tình nhưng không qua khỏi, đã từ trần vào hồi 20 giờ ngày 20 tháng 9 năm 2010, tại thôn Tọa Ngưu, hưởng thọ sáu mươi tuổi.
Lý Kế Mai sinh năm 1950, là người từ nơi khác đến. Được gả đến thôn Tọa Ngưu, năm 1984, bà sinh được một cậu con trai, sinh thời là một nông phụ, cuộc đời không có biến cố gì lớn.
Lễ truy điệu sẽ được cử hành vào 10h30 sáng ngày 27 tháng 9 tại nhà của Lý Kế Mai.
Trưởng thôn Tọa Ngưu, Trương Phú Thủy.
Kính báo.”
Đây là một tờ cáo phó báo tin buồn, lúc nhận được tin, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi lã chã.
Lý Kế Mai là mẹ của tôi, bà sinh sống tại thôn Tọa Ngưu. Mặc dù nơi đó là quê hương của tôi nhưng chỉ vì một lệnh cấm mà từ lúc sinh ra đến giờ tôi chưa từng được bước chân vào thôn.
Nhà chúng tôi không có bạn bè thân thích nào, chỉ có duy nhất mẹ và người con trai độc đinh là tôi, thậm chí tôi còn chẳng biết cha mình là ai.
Còn lệnh cấm kia được bắt nguồn từ một câu chuyện có liên quan đến mẹ tôi.
“Hai mươi bảy năm trước, có một ông cụ khoảng sáu mươi được đưa vào mộ Khâu Tử, con cái ông ta đưa cơm trăm ngày, mỗi ngày lại xếp thêm một viên gạch, tầng tầng lớp lớp. Trăm ngày sau, mộ Khâu Tử cứ thế mà thành, hình dạng như cái mâu (mũ chiến). Từ đó con cái ông ta dừng việc đưa cơm.
Đáng lẽ ông cụ được chôn trong mộ Khâu Tử sẽ đói rét mà chết, nhưng một năm sau, trong ngôi mộ đó lại vọng ra tiếng trẻ con khóc nỉ non.
Một vị khách đi ngang qua nghe thấy âm thanh kỳ lạ bèn báo cho trưởng thôn. Trưởng thôn dẫn người đến nơi, quả nhiên nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Ông ta lập tức sai người phá mộ Khâu Tử ra, sau khi mộ được phá thì thấy một nam một nữ. Người nam chính là ông cụ sáu mươi tuổi đã chết, cơ thể trần như nhộng, không có gì che đậy, còn người nữ là một người đàn bà khoảng hơn ba mươi tuổi, bà ta mặc áo liệm của ông cụ, ôm một bé trai trắng trẻo mũm mĩm trong lòng.
Trưởng thôn và dân làng thấy vậy lấy làm kinh hãi, đều nói người phụ nữ kia là do hồ ly tinh biến thành, đã quyến rũ ông cụ rồi thông dâm, sinh ra một tên nghiệt chủng, sau đó định dùng gậy đánh chết người phụ nữ và bé trai. Nhưng đúng lúc đó có một vị đạo sĩ đi ngang qua nơi này, thấy người đàn bà và bé trai kia đáng thương bèn rủ lòng từ bi gieo quẻ tính. Cuối cùng, ông nói với trưởng thôn, người phụ nữ kia không phải hồ ly tinh, đứa bé trai cũng không phải nghiệt chủng, nếu muốn bảo vệ cho thôn làng được bình an thì đừng đánh chết hai người họ, chỉ cần đuổi bé trai kia ra khỏi thôn, giữ người đàn bà kia ở lại thì thôn làng sẽ bình an vô sự, hơn nữa còn được hưởng mưa thuận gió hòa.
Trưởng thôn và dân làng cũng tin là thật, bèn bắt người đàn bà kia đưa thằng bé đi còn mình thì ở lại. Người phụ nữ không thể phản kháng, đành phải nghe theo. Đứa bé được giao cho một người ngoài thôn chăm sóc, thỉnh thoảng bà sẽ bớt thời gian đến thăm nó.
Chớp mắt đã hai mươi năm trôi qua, bé trai đã trưởng thành, tên là Viễn Dương.”
Người phụ nữ trong câu chuyện đó chính là mẹ tôi, Lý Kế Mai, còn đứa bé trai trong câu chuyện chính là tôi, Trương Viễn Dương. Họ của tôi được đặt theo họ của dân trong thôn Tọa Ngưu, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình phải tên là Lý Viễn Dương mới đúng.
Dù sao đến cha mình là ai tôi còn chẳng biết, sao có thể lấy họ Trương được?
Còn câu chuyện kể về mẹ tôi, tôi cũng chỉ coi như truyện cổ tích. Tôi không tin mẹ lại sinh ra mình trong mộ cùng với một ông cụ, dù sao chuyện đó cũng quá hoang đường.
Tôi cũng đã từng hỏi mẹ chuyện đó có thật hay không, nhưng mẹ chưa từng trả lời, lúc nào cũng thần thần bí bí, như có bí mật gì không thể cho người khác biết vậy.
Cho dù thân thế của mình khá thê thảm nhưng tôi chưa bao giờ oán trách, đồng thời cũng rất cảm kích mẹ đã nuôi tôi nên người.
Mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, chứ nếu là người bình thường có lẽ đã không chịu nổi mà tự tử trước những lời nói đàm tiếu năm đó từ lâu rồi. Nhưng để nuôi sống tôi, mẹ chẳng màng đến những chuyện hoang đường quanh mình, chỉ cần cù làm ruộng, khổ cực cả đời để đổi lấy cơm no áo ấm cho tôi.
Giờ nghe tin mẹ qua đời, tôi đau buồn khôn xiết, lần đầu tiên có suy nghĩ muốn trở lại quê hương!
Khi còn sống, câu mà mẹ thường dặn dò tôi nhiều nhất chính là “Đừng quay lại thôn Tọa Ngưu, vĩnh viễn không được quay lại...!”
Đây cũng là nguyên nhân tại sao tôi không về thôn Tọa Ngưu từ khi sinh ra đến giờ.
Nhưng giờ mẹ tôi đã qua đời, dù thế nào tôi cũng phải quay về nhìn bà lần cuối. Đây là trách nhiệm cơ bản nhất của người làm con!
Khi tôi nói chuyện mình muốn quay lại thôn Tọa Ngưu với người duy nhất mà mình quen ở trong thôn, Trương Tứ Cân, cậu ta giật mình, thảng thốt nói: “Gì hả? Cậu định về thôn? Không được, không được, cha tôi bảo tôi từng giây từng phút đều phải nhắc nhở cậu, nhất định không được quay về thôn Tọa Ngưu, nếu không sẽ xảy ra chuyện lớn đó!”
Trương Tứ Cân là người thôn Tọa Ngưu, rời thôn từ khi mới mười tám, sau đó theo tôi lăn lộn ngoài xã hội. Chúng tôi thân thiết với nhau hơn bất cứ ai.
Con người cậu ta khá nghĩa khí, đối xử với tôi như người thân ruột thịt, tờ cáo phó này cũng là cậu ta lén mang đến cho tôi xem. Về nguyên tắc thì tờ cáo phó này không thể cho tôi thấy bởi vì người trong thôn không muốn cho tôi biết bất cứ chuyện gì liên quan đến mẹ, bọn họ chỉ hận sao tôi không biến mất luôn.
Nếu không nhờ Trương Tứ Cân trượng nghĩa thì có lẽ tôi còn không biết tin mẹ mình đã qua đời.
Thấy Trương Tứ Cân ra sức khuyên mình đừng về, tôi bèn nói: “Cậu đừng khuyên tôi nữa, có nói gì tôi cũng phải trở về. Tôi không thể để mẹ cô đơn rời bỏ thế gian này được, bà ấy là người thân duy nhất của tôi, tôi phải ở bên cạnh bà, tiễn bà đoạn đường cuối cùng!”
Vẻ mặt Trương Tứ Cân vô cùng lưỡng lự, cứ nhìn tôi định nói lại thôi, cuối cùng cậu ta nói chắc nịch: “Không được, cậu không được về, tôi không đồng ý! Nếu cậu còn là bạn thân của tôi thì phải nghe tôi, nhất định đừng có quay lại! Nếu như cậu muốn nhắn gì cho mẹ, tôi sẽ nhắn giúp cậu...”
Nghe đến đây, tôi không khỏi giật mình, câu này của cậu ta là có ý gì? Cậu ta có thể chuyển lời cho mẹ tôi?
Hình như Trương Tứ Cân cũng phát hiện ra mình lỡ lời, lập tức sửa lại: “Pì pì pì, tôi nói nhầm, ý tôi là cậu muốn làm gì cho mẹ mình tôi cũng có thể làm thay được, ví dụ như túc trực bên linh cữu mẹ cậu, đưa tang, hạ táng, vân vân...”
Tôi không nói gì, chỉ nhìn Trương Tứ Cân đăm đăm, đã nhận ra có gì đó không đúng. Theo lẽ thường, Trương Tứ Cân căn bản không phải là người như vậy, giờ cậu ta rất hoảng hốt, tôi cảm giác chắc chắn cậu ta đang giấu mình chuyện gì đó!
Để buộc cậu ta nói ra, tôi bèn tiến tới, ấn mạnh lên vai Trương Tứ Cân, nhìn chằm chằm vào mắt cậu ta: “Tứ Cân, nếu cậu còn coi tôi là anh em thì đừng vòng vo nữa. Nói cho tôi biết, cậu còn chuyện gì giấu tôi?!”
“Tôi, tôi không có gì giấu cậu cả...”
Trương Tứ Cân chưa nói hết câu đã chột dạ cúi đầu, không dám nhìn mặt tôi, ấp a ấp úng nói không nên lời.
Thấy cậu ta như vậy, tôi càng khẳng định suy đoán của mình, bèn đánh bài tình cảm đe dọa: “Nếu cậu không chịu nói thì thôi cũng được. Phải rồi, tình anh em của chúng ta cũng kết thúc luôn ở đây đi, dù sao tôi cũng chẳng muốn kết giao với một kẻ tệ bạc, đến chuyện đại sự của mẹ bạn mà cũng giấu diếm nữa!”
Quả nhiên, Trương Tứ Cân bị câu này của tôi kích động, đột nhiên ngẩng đầu lên, hoảng hốt thanh minh: “Viễn Dương, tôi, tôi, tôi... không phải tôi...”
“Nếu cậu không nói là tôi đi thật đấy.” Tôi buông cậu ta ra, xoay người dợm bước đi.
“Đừng, tôi nói, tôi nói.” Sắc mặt Trương Tứ Cân lúc xanh lúc tím, cuối cùng vẫn phải nói thật: “Thực ra mẹ cậu chưa qua đời, chẳng qua là bà ấy đã đến tuổi sáu mươi, theo quy định của thôn chúng ta... sáu mươi sẽ được đưa vào mộ Khâu Tử.”