T
heo “Truyện huyện Mưu Bình” được biên soạn năm 1936, quyển số mười “Mộ đá triều Nguyên” có đoạn: “Huyện chúng ta có nhiều mộ đá, dùng đá tảng đắp thành, cao chừng một trượng, hình dáng như mâu (mũ giáp của võ sĩ thời cổ), tục gọi là mộ Mâu Tử... Dựa theo niên hiệu thì thấy hầu hết đều được xây dựng từ thời nhà Nguyên, trong đó có một số ngôi là đầu thời Minh.”
Loại mộ này bắt nguồn từ thời nhà Nguyên.
Dân gian truyền rằng: Thời cổ xưa, người đến hoa giáp (60 tuổi) mà chưa chết sẽ được con cháu đưa vào mộ đá theo tục lệ, đưa cơm chống đói, đến ngày thứ 60 là có thể dừng cơm, người nào hiếu thảo nhất cũng không đưa được quá 100 ngày...
Mộ Khâu Tử chẳng qua là một ngôi mộ dành cho người sống, đến ngày nào đó, nếu không còn ai đưa cơm, người trong mộ sẽ phải chết vì đói.
Trương Tứ Cân nhắc đến mộ Khâu Tử lại khiến tôi nhớ đến câu chuyện đồn thổi về mẹ mình, một ông cụ bị đưa vào mộ, sau một năm thì mẹ tôi được phát hiện ở trong đó, còn sinh ra tôi.
Không ngờ truyền thuyết này lại là thật, mộ Khâu Tử thực sự tồn tại!
Tôi tin Trương Tứ Cân không lừa mình, bởi vì cậu ta chưa bao giờ nói dối tôi.
Nếu vậy thì dù thế nào tôi cũng phải quay về thôn một chuyến, ai biết mẹ tôi có bị nhốt sống vào trong mộ thật hay không? Nếu đúng như vậy, tôi nhất định phải cứu bà ra.
Mộ Khâu Tử là tàn dư của mê tín phong kiến, không kẻ nào được phép lợi dụng mê tín để giết chết mẹ tôi!
Tôi đẩy Trương Tứ Cân sang bên, giận dữ lao ra ngoài cửa.
Trương Tứ Cân đuổi theo, nôn nóng hỏi: “Viễn Dương, cậu định đi đâu? Cậu định làm gì hả?”
“Cứu mẹ tôi!”
“Đừng, cậu không cứu được đâu, những người già đến sáu mươi mà chưa chết đều phải đưa vào mộ Khâu Tử...”
Tôi dừng lại, nhìn Trương Tứ Cân, lạnh giọng chất vất: “Tứ Cân, cậu nói thật đi, nếu trong nhà cậu có người đến sáu mươi, cậu có nỡ trơ mắt nhìn họ bị bỏ đói chết trong mộ hay không?”
Con người là sinh vật có tình cảm, máu thịt, không ai có thể tuyệt tình tới vậy!
Trương Tứ Cân bị tôi nói vậy, viền mắt lập tức ngấn lệ, cắn răng nói: “Ông bà tôi mất sớm, còn chưa đến sáu mươi đã chết bệnh, cha mẹ tôi thì giờ vẫn chưa đến sáu mươi... Tôi chưa trải qua chuyện giống cậu hiện giờ, nhưng nếu quả thực ngày đó đến, tôi nghĩ, tôi sẽ... tôi sẽ đưa cơm cho họ trăm ngày, làm trọn đạo hiếu.”
Đưa cơm trăm ngày, làm trọn đạo hiếu?
Thế giới quan của tôi thực sự đã bị cậu ta lật đổ.
Không phải là nên ngăn cản đám người ngu muội kia đưa người sống vào mộ ư? Vì sao Trương Tứ Cân lại có suy nghĩ đưa cơm trăm ngày, lấy cái danh mỹ miều “làm trọn đạo hiếu” cơ chứ? Đó không phải là trọn đạo hiếu, mà là điên rồ!
Tôi chỉ thẳng vào Trương Tứ Cân, tức giận tuyên bố: “Trương Tứ Cân, tôi đúng là bị mù mới quen biết cậu!” Nói rồi tôi bỏ đi, không nghe cậu ta khuyên can gì nữa.
Tên khốn kiếp này thực sự khiến tôi cảm thấy thất vọng vô cùng!
Ra khỏi cửa, tôi thấy ven đường có một chiếc taxi bèn bước lên xe bảo tài xế đưa về thôn Tọa Ngưu, thị trấn Thu Phong, huyện An Khê. Nhưng tài xế vừa nghe vậy đã sững người.
Nơi chúng tôi đang ở là trong thành phố, muốn đến huyện, rồi về thôn phải đi bao xa đây?
Tôi nói yên tâm, bao nhiêu tiền tôi cũng trả.
Thế mà gã tài xế lại đuổi cổ tôi xuống xe, còn mắng thêm: “Đồ thần kinh, xa như vậy có ma mới đưa cậu đi!” Dứt lời gã ta nhấn ga phóng đi thẳng.
Tôi tức nổ phổi, co chân đạp cái thùng rác bên cạnh, mắng to: “Mẹ nó, thời buổi này còn có người chê tiền à?”
Không biết có phải ông Trời nghe thấy hay không, mà bỗng nhiên có một chiếc taxi cũ đỗ lại trước mặt tôi, cửa kính xe hạ xuống, một người đàn ông đeo kính, mặc chiếc áo cộc tay màu xanh đã bị giặt đến bạc thếch, đeo một đôi găng tay trắng, nhìn tôi mỉm cười: “Xin hỏi, cậu muốn bắt xe à?”
Tôi đang nổi nóng nên chỉ thuận miệng hỏi anh ta một câu: “Có chạy về nông thôn không?”
“Chạy, lên xe đi.” Người đàn ông kia hòa nhã đáp.
Tôi sửng sốt giây lát rồi nhanh chóng mở cửa ghế sau ngồi vào xe, báo địa chỉ của thôn Tọa Ngưu.
Lúc này bên tai tôi bỗng vang lên giọng nói ngọt ngào của một cô bé: “Anh ơi.”
“Hả?”
Tôi nhìn quanh trong xe, không thấy cô bé nào bèn lắc lắc đầu, chắc tức đến độ nghe nhầm rồi.
Lúc này, người đàn ông kia đã khởi động máy, chiếc xe chầm chậm chuyển bánh, bỗng anh ta cất tiếng: “Chúng ta là đồng hương đấy, tôi cũng là người ở thị trấn Thu Phong, ở ngay thôn Nhượng Lâm, cách thôn Tọa Ngưu không xa đâu.”
Tôi vừa nghe vậy lập tức trở nên hào hứng: “Ông anh, vậy là chúng ta thật sự có duyên rồi!” Thực ra trong lòng tôi đang nghĩ, như vậy sẽ không sợ tài xế lạc đường, nếu dùng GPS thì không biết ngày nào tháng nào mới về đến thôn Tọa Ngưu được.
Người đàn ông kia vừa lái xe vừa cười tiếp lời: “Tôi cũng lâu chưa về thôn, vừa hay chuyến này không những dễ dàng kiếm được một món tiền, còn được về nhà một chuyến.”
Tôi nhớ đến chuyện mộ Khâu Tử, không kìm được hỏi thăm: “Ông anh, anh sống ở thôn Nhượng Lâm bao lâu rồi?”
Người này nghe vậy, chìm vào hồi ức: “Tôi sống ở đó từ nhỏ, hồi bé còn cùng đám trẻ chạc tuổi xuống sông bắt cá... Hơn hai mươi tuổi tôi mới rời thôn, lên thành phố kiếm sống, tính đi tính lại cũng phải hơn mười năm rồi chưa về.”
Sống hơn hai mươi năm ở làng mà hơn mười năm rồi chưa quay về? Tôi không khỏi đánh hơi được chút kì lạ, ông anh này chắc chắn có chuyện gì đó!
Tôi lập tức nghe ngóng tiếp: “Anh sống ở đó hơn hai mươi năm, chắc cũng biết thôn Tọa Ngưu chúng tôi có một tập tục, những người già sáu mươi tuổi sẽ bị đưa vào mộ Khâu Tử, anh thấy chuyện này thế nào?”
Tốc độ xe của người đàn ông đột nhiên tăng nhanh, có lẽ là vì kích động, không cẩn thận giẫm phải chân ga.
Giọng anh ta hơi run rẩy: “Tập tục đáng sợ kia không chỉ có ở thôn Tọa Ngưu các cậu đâu, thôn Nhượng Lâm chúng tôi và mấy thôn khác cũng vướng phải thứ tục lệ quái đản đó.”
Tôi nhíu mày, quả nhiên truyền thuyết là thật, tập tục mộ Khâu Tử thực sự tồn tại.
Tôi suy nghĩ một chút, tâm trạng vô cùng khó chịu: “Không có cách nào tránh được tập tục này ư? Người già cứ đến sáu mươi là phải vào mộ chờ chết à?”
Người đàn ông kia nhỏ giọng đáp: “Cách tránh nói có thì cũng có, mà nói không thì cũng không. Tôi từng nghe được một câu chuyện, thôn Nhượng Lâm từng có một gia đình, ông cụ nhà đó sắp đến tuổi sáu mươi, chuẩn bị phải đưa vào mộ Khâu Tử rồi, vì muốn bảo vệ ông ấy nên người nhà đó đã đưa ông cụ ra nước ngoài, rời khỏi đất nước này.”
Tôi mở to mắt tò mò: “Sau đó thì sao?”
Anh ta đã lái xe chậm lại, giọng nói có chút bi ai: “Sau đó ông ấy thành công tránh được chuyện bị đưa vào mộ Khâu Tử, nhưng rồi không hiểu tại sao, con cái của ông ta cứ từng người một chết dần chết mòn.”
Lòng hiếu kỳ của tôi bị khơi dậy: “Ông ấy có mấy người con, bọn họ chết thế nào?”
Người đàn ông kia đáp: “Ông ấy có một người con trai, hai người con gái. Con trai không biết phấn đấu, cuộc sống coi như cũng miễn cưỡng an ổn, còn hai người con gái thì được gả vào nhà giàu, nhờ vậy ông cụ đó mới có cơ hội ra nước ngoài. Nửa tháng sau khi ông ấy xuất ngoại, cô con gái cả nhảy lầu tự sát. Chưa đầy một tháng sau, cô con gái út lại vì xích mích với chồng mà bị anh ta dùng dao chém chết. Còn về phần đứa con trai thì cùng năm đó, khi đi đón con gái từ nhà trẻ về, anh ta cũng gặp tai nạn xe cộ, lao vào cột điện, cây cột đè cả người cả xe, bị điện giật chết.”
Tôi nghe mà lạnh toát sống lưng, câu chuyện này quá đáng sợ, chỉ mong đây là câu chuyện mà tài xế bịa ra để kéo dài cuộc trò chuyện. Có điều thấy anh ta chốc chốc lại im lặng, giọng nói đầy thương cảm như có chuyện kỳ lạ đó thật, hơn nữa có vẻ anh ta còn quen biết với người trong chuyện.
Bầu không khí trong xe trầm mặc lúc lâu, tôi mới chậm rãi thở hắt ra: “Vậy ông cụ kia thì sao? Sau đó thế nào?”
Người đàn ông cười một tiếng, nói: “Tôi cũng muốn biết, nhưng ông ấy sống một mình ở nước ngoài, không có con cái, lẻ loi đơn độc, không ai biết ông ấy ra sao. Tôi đoán giờ chắc ông ấy sống cũng không tệ lắm, dù gì cuộc sống ở nước ngoài cũng tốt hơn trong nước nhiều mà.”
Tôi nghi ngờ hỏi: “Vậy nên câu chuyện này có liên quan đến tập tục mộ Khâu Tử ư?”
Tài xế một tay vịn tay lái, tay còn lại đẩy cặp kính, anh ta nhìn tôi qua gương chiếu hậu, nói: “Tin thì là có, còn không tin thì là không. Nghe đồn mộ Khâu Tử không chỉ là một tập tục mà còn là một lời nguyền, nếu có người cố gắng muốn thoát khỏi lời nguyền này thì sẽ bị vận gở quật ngược lại, con cái ông cụ kia cũng vì cố gắng giúp ông ấy chạy trốn mà bị vận vào người, nên mới chết hết trong một năm như vậy.”
Lời nguyền?
Tôi còn đang suy ngẫm, lại liếc qua gương chiếu hậu, bỗng nhiên lại nhìn thấy bên cạnh chỗ mình ngồi có một cô bé ôm một con gấu bông.