Cậu bé Adam (đây không phải tên thật của cậu bé) mười hai tuổi, có tiền sử bị tổn thương tâm lý tồi tệ nhất tôi từng gặp. Khi còn là một đứa bé chập chững đi, cậu đã chứng kiến mẹ bị ngược đãi bởi cha đẻ của cậu, và sau đó là bởi bạn trai của bà. Cha mẹ đẻ của thằng bé và bạn trai của mẹ nó đã bỏ bê nó, ngược đãi tinh thần nó, trói tay thằng bé bằng băng keo dày và còng số tám, dùng chai đánh vào đầu thằng bé, khóa trái thằng bé trong phòng trong thời gian dài. Mặc dù nhân viên xã hội không biết chắc, nhưng họ nghi ngờ Adam cũng bị xâm hại tình dục.
Và như bạn có thể đoán được, sang chấn tâm lý căng thẳng triền miên này đã hủy hoại Adam. Càng lớn, thằng bé càng trở nên phá phách và cư xử bạo lực, chống lại người khác và chống lại cả bản thân mình. Khi còn ở trường trung học, cậu đã bị tống vào nhà nuôi dưỡng dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cha mẹ nuôi của cậu ở đó không thể kiểm soát nổi cậu, vì vậy chính quyền bang lại gửi cậu tới một nhà nuôi dưỡng khác, rồi nhà khác nữa. Cậu được cho nhập viện. Và rồi lại nhập viện nữa. Cuối cùng, cậu được đưa tới một cơ sở điều trị nội trú dành cho trẻ em có hành vi vô cùng tồi tệ. Đây là trạm cuối dành cho Adam. Không có phương án điều trị nào khác cho những đứa trẻ như Adam. Trong thời gian ở cơ sở này, cậu phá hoại đồ đạc, đánh, đá người khác, tự gây đau đớn cho mình bằng cách đập đầu vào tường, tự làm mình ngạt thở và tự tử. Các chuyên gia tâm lý chẩn đoán cậu mắc một số chứng rối loạn bao gồm rối loạn thách thức chống đối và rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhân viên chăm sóc hàng ngày đã mô tả cậu như một người bị ám ảnh và bị tra tấn. Cậu rơi vào trạng thái điên cuồng nhiều lần trong một ngày và bị cho vào phòng giam giữ nhiều lần trong một tháng.
Đến khi tôi được biết về Adam thì cậu đã được các nhân viên ở cơ sở điều trị nội trú kê đơn thuốc, điều trị bằng một loạt các biện pháp truyền thống và trị liệu phản hồi sinh học thần kinh như đề cập tại Chương 7. Họ cũng đang bắt đầu sử dụng Kế hoạch B với cậu. Kể từ khi bắt đầu với Kế hoạch B, hành vi của cậu có cải thiện đôi chút, nhưng cậu còn cả chặng đường dài trước mắt. Cậu đã trở nên quá sợ hãi và không tin vào những người có quyền hạn, và sợ con người nói chung, đến mức cậu rất khó có thể giải quyết các vấn đề một cách hợp tác, ngay cả với những nhân viên đầy thiện ý. Một trong những nhóm kỹ năng mà cậu gặp vấn đề có liên quan tới thiếu linh hoạt nhận thức, tư duy theo kiểu đen-và-trắng. Khi cuộc đời không như ý thì cậu nổi giận, lên cơn cuồng nộ. Điều này có lý: cuộc sống của cậu đã quá hỗn loạn trong thời gian quá dài, đến mức cậu phải cố gắng lấy lại một chút cảm giác về sự kiểm soát trong khả năng của mình. Nhưng như chúng ta đã biết, thần kinh học có một giải thích khác thỏa đáng hơn. Tất cả các căng thẳng kinh niên cậu đã trải qua rất có thể đã khiến cho não của cậu chậm phát triển.
Sau một thời gian kể từ khi Adam được điều trị bằng CPS, tôi có cơ hội xem một đoạn video, trong đó cậu bé tham gia vào một cuộc nói chuyện kiểu Kế hoạch B. Trước đó, Adam muốn đi chân trần vì cậu thấy như vậy thoải mái hơn. Các nhân viên điều trị e rằng cậu có thể giẫm vào các vật nhọn và bị viêm nhiễm. Khi không được đi chân trần, Adam đã nổi cơn giận dữ tới nỗi cậu bị tống giam. Vì vậy, một nhân viên điều trị gọi cậu tới để cố giải quyết vấn đề. Trong video, Adam trông rất sợ hãi và vô cùng bối rối khi phải ngồi đối diện với một người có quyền hạn. Điều này rất khó nhận ra, vì ngoài mặt, cậu có vẻ bình tĩnh. Nhìn gần hơn, bạn sẽ thấy mép môi và bàn tay cậu bé giật giật, hai chân vung lên vung xuống liên tục. Đứa trẻ tội nghiệp này đã trải qua quá nhiều điều, quá mất lòng tin vào người lớn. Nó sợ hãi.
Khi nhân viên điều trị hỏi Adam về mối lo ngại của nó, anh đã phát hiện ra rằng Adam muốn đi chân đất đơn giản là vì nó không thấy thoải mái khi mang vớ. Anh nhân viên điều trị nói rõ điều anh lo lắng về các tác động an toàn và vệ sinh của việc đi bộ bằng chân trần. Sau đó anh bắt đầu quy trình suy nghĩ giải pháp. Nhưng vì mới sử dụng Kế hoạch B nên anh đã đi nhầm bước. Thay vì hỏi Adam nghĩ là có thể làm gì để đáp ứng mối quan tâm của cả hai bên, anh lại nói: “Vậy cháu nghĩ chúng ta cần làm gì để cháu cảm thấy thoải mái khi mang vớ?”. Tuy không nhận ra nhưng anh đã hướng về việc áp đặt giải pháp mong muốn của mình: buộc Adam phải mang vớ. Trong thời điểm đó, anh đang thực hiện Kế hoạch A trá hình Kế hoạch B.
Ồ, khỉ thật! Tôi nghĩ bụng khi nghe câu hỏi của anh nhân viên điều trị. Chúng tôi đã cố thực hiện một cuộc trị liệu nhất quán cho Adam. Chúng tôi cố giúp cậu bé phát triển các mối quan hệ mới, lành mạnh và tin cậy hơn với những người có quyền hạn. Chúng tôi đã tới rất gần với sự tiến bộ. Thế mà nhân viên này lại mắc sai lầm. Adam, sau cuộc nói chuyện này, sẽ mất lòng tin hơn vào người có quyền hạn. Cậu bé sẽ học được rằng ngay cả anh nhân viên tỏ ra dễ thương và đầy vẻ quan tâm kia, người đã lắng nghe những lo ngại của cậu, vẫn sẽ áp đặt ý chí của anh ấy lên cậu. Trong mắt cậu, người nhân viên này cũng chẳng khác gì những người lớn khác trong cuộc đời cậu, những người bảo cậu phải làm gì và sẽ nhẫn tâm trừng phạt nếu cậu không làm theo. Những khó khăn của Adam sẽ tiếp tục và cậu sẽ hành xử ngày càng tồi tệ hơn.
Nhưng thật đáng mừng, điều đó đã không xảy ra. Khi xem đoạn video, tôi ngạc nhiên khi thấy Adam bối rối trước câu hỏi của anh nhân viên điều trị. Thay vì trả lời thẳng, đầu hàng trước yêu cầu ngầm của anh nhân viên - rằng cậu phải mang vớ - cậu bé trả lời như thể anh nhân viên vừa đưa ra lời mời cậu hợp tác có lưu tâm đến mối lo của cả hai bên và anh chưa hề cố bắt cậu theo giải pháp của anh. Adam nói, “À, chú có thể cho cháu mang dép lê”. Đó là một khoảnh khắc đẹp tuyệt. Đứa trẻ này, người đã rất quen với Kế hoạch B, đang nói với nhân viên điều trị, “Nào, xem này, điều chú vừa nói thật ra là Kế hoạch A đấy. Để cháu cho chú giải pháp ổn cho cả hai chúng ta nhé”.
Qua các cuộc nói chuyện theo kiểu Kế hoạch B trước đó, Adam đã tiếp thu khái niệm rằng trong quá trình giải quyết vấn đề, cậu có thể diễn đạt mối lo lắng của mình và nhân viên điều trị chắc chắn sẽ lắng nghe cậu. Vì vậy, khi một người có quyền hạn không hẳn lắng nghe theo cách họ nên làm trong một cuộc nói chuyện kiểu Kế hoạch B, Adam đã có thể nhận ra và lái cuộc nói chuyện trở lại theo hướng cùng nhau giải quyết vấn đề.
Mỗi khi tiếp xúc với những đứa trẻ có hành vi thách đố, tôi luôn cảm thấy vô cùng đau buồn. Những câu chuyện của chúng luôn là bi kịch. Nhưng trong những khoảnh khắc thoáng qua thế này, tôi nhận thức được sự khác biệt Kế hoạch B có thể mang lại. Những đường dẫn truyền thần kinh mới đã được thiết lập trong bộ não đầy chấn thương của Adam. Niềm tin đã hình thành. Các mối quan hệ mới hiệu quả hơn với những người có quyền hạn đã đâm rễ. Tuy vậy, Adam sẽ còn cần thêm rất nhiều những khoảnh khắc thế này để phục hồi từ những gì cậu bé đã trải qua. Cậu còn cần nhiều năm cùng giải quyết vấn đề, có thể cả các cuộc trị liệu khác. Có thể các vết thương không bao giờ hoàn toàn khép miệng, nhưng hy vọng vẫn còn. Hãy suy nghĩ về điều này: một người lớn muốn buộc một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý khủng khiếp phải mang vớ, nhưng đứa trẻ đó không giận dữ phản ứng lại. Thay vào đó, nó đã đóng góp một ý tưởng có thể làm hài lòng mọi người. Một giải pháp sáng tạo. Một ý tưởng mà nó tự nghĩ ra. Đó là nó sẽ mang dép lê.