Không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội quan sát bộ não của mình và xem nó hoạt động thế nào. Mùa hè năm 2016, tôi đã có cơ hội đó. Tôi và vài đồng nghiệp bay tới Atlanta để thăm một phòng thí nghiệm điện não đồ định lượng (quantitative EEG) được quản lý bởi Youth Villages, một nhà cung cấp các dịch vụ dành cho thanh thiếu niên trên khắp đất nước. Điện não đồ định lượng, gọi tắt là qEEG, là một công nghệ vận hành bằng máy vi tính để ghi lại các xung điện tại một số vùng đặc biệt của não bộ. Chúng ta có thể ghi nhận các xung điện đó dưới dạng các đường lượn sóng ngắn trên một biểu đồ, và chúng ta cũng có thể phân tích nó bằng máy vi tính để xác định các mô thức của xung điện và mô tả chúng bằng bản đồ não bộ nhiều màu. Như vậy, các xung điện này hé lộ cho chúng ta biết sự vận hành của các vùng não bộ, cũng như các mối quan hệ qua lại của chúng.
Các nhà tâm lý học thường triển khai qEEG để giúp trẻ em và sử dụng nó như một phần của một phương pháp trị liệu có tên gọi là rèn luyện phản hồi sinh học thần kinh. Những đứa trẻ có tình trạng như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) được cho chơi video game trong lúc được kết nối với một màn hình đo điện não đồ (trẻ được đội một chiếc mũ chụp sọ được đặt cẩn thận và gắn các thiết bị cảm biến). Khi chơi game, trẻ sẽ thấy các hoạt động của não chúng được hiển thị theo thời gian thực trên màn hình vi tính. Bằng cách học kiểm soát hoạt động của não qua kỹ thuật thở và thư giãn, chúng có thể chơi trò chơi tốt hơn và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo thời gian, các nhà tâm lý học cho rằng họ có thể rèn luyện cho não làm việc tốt khi làm những điều họ yêu thích, như chơi video game chẳng hạn.
Chúng tôi tới Atlanta vì tổ chức Think:Kids của chúng tôi đang khảo sát xem có thể sử dụng qEEG để đánh giá các tiến triển trong việc áp dụng CPS để thay đổi bộ não của những đứa trẻ có thể hiện hành vi thách đố. Bước vào phòng thí nghiệm, tôi và đồng nghiệp thấy mình được ở trong một môi trường thư giãn dễ chịu. Ánh sáng nhẹ, tiếng nhạc êm dịu, mùi hương liệu dễ chịu tỏa trong không khí. Các phòng nghiên cứu nhỏ chạy dài theo vòng ngoài của tòa nhà. Tôi thề là tôi đã nghĩ mình sắp được mát-xa (mà tôi sẽ vui vẻ đón nhận sau một chuyến đi dài từ Boston). Thay vì vậy, tôi thấy bốn hay năm đứa trẻ - chúng sống trong khu điều trị nội trú - nối nhau đi vào để tiếp nhận bài tập phản hồi sinh học thần kinh. Tất cả bọn chúng đều rất phấn khích. Một bé gái bảy tuổi trong số đó đã để chúng tôi quan sát khi cô bé ngồi xuống một cái ghế và được kết nối tới máy đo điện não đồ. Họ đội lên đầu cô bé một cái mũ có gắn nhiều điện cực. Họ dùng một kim tiêm cỡ lớn để bơm chất dịch trong mờ vào những lỗ nhỏ trên mũ. Chất dịch này là chất dẫn truyền để giúp các điện cực thu được tín hiệu của các xung điện trong não bộ.
Cô bé bắt đầu trải qua bài luyện tập. Suốt năm phút, cô bé ngồi thoải mái, mắt mở, trong khi kỹ thuật viên thực hiện đo điện não đồ trong trạng thái nghỉ. Quá trình quét được tiếp tục khi cô bé được yêu cầu nhắm mắt trong năm phút tiếp theo. Trong lúc đó, kỹ thuật viên quay sang tôi và cho tôi xem bản quét não của những đứa trẻ thực hiện trước và sau các đợt tập luyện phản hồi sinh học thần kinh. Anh chỉ vào đám rối của các vạch đen trong các bản quét và cho tôi biết đứa trẻ liên quan có tiền sử sang chấn tâm lý nghiêm trọng và hiện đang có các triệu chứng của ADHD. Các vạch đen biểu thị các vùng não bộ có hoạt động quá mức, các xung điện “bay” lung tung một cách không kiểm soát.
Tôi rất ấn tượng. “Ồ, thật là hay”, tôi nói.
“Này, có lẽ anh sẽ muốn thử quét não mình đấy.”
Tôi liếc nhìn cô bé lúc nãy, người vừa mới hoàn thành bài tập của mình, rồi quay sang nhìn đồng nghiệp của tôi và các nhân viên ở đây. “Tất nhiên rồi!”
Cô bé đứng dậy, còn tôi thì ngồi xuống chiếc ghế đó. Kỹ thuật viên đội mũ lên đầu tôi và bơm chất dẫn truyền. Tôi ngồi thả lỏng trên ghế, nhưng khi kỹ thuật viên chuẩn bị bắt đầu quá trình quét, phải thừa nhận là tôi cảm thấy hơi bất an. Đồng nghiệp của tôi và nhân viên phòng thí nghiệm đứng đó quan sát. Chúng tôi sắp khám phá được điều gì về não của tôi?
Suốt mười phút sau đó, kỹ thuật viên thực hiện đo điện não đồ trong trạng thái nghỉ, yêu cầu tôi mở mắt, sau đó nhắm mắt. Sau đó, anh cho tôi xem bản in quét não của tôi. Nhìn qua các hình ảnh trên bản quét, anh nói, “Về tổng thể thì anh có chức năng điều tiết cảm xúc khá tốt”. Tốt, tôi nghĩ, gật gù tỏ vẻ tự mãn với đồng nghiệp của mình. Kỹ thuật viên lại chỉ vào hình ảnh tại cột ở rìa phải, thứ hai từ dưới lên - một đám rối sậm màu - và nói, “Ồ, đây này. Hình như não anh hoạt động thái quá đấy. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái gì như thế này!”.
“Não hoạt động thái quá hả?”
Anh nhìn chằm chằm vào bản dữ liệu. “Ừ. Anh nhìn vào các hoạt động đó kìa. Nếu như bình thường thì dựa vào kết quả này tôi sẽ nghi là anh bị chứng ADHD nghiêm trọng, nhưng các phần khác của bản quét lại không phù hợp với chứng này. Về cơ bản, não của anh đang bị dội hàng tấn thông tin cùng một lúc.” Anh ấy liếc về các đồng nghiệp của tôi. “Mấy anh chàng này có từng nói là họ ước gì anh có thể chậm chậm lại một chút không?”
Một đồng nghiệp của tôi bật cười. Tôi nghe điều này nhiều lắm rồi. Bạn bè và gia đình luôn bảo tôi phải chậm lại, thư giãn, bớt suy nghĩ và hãy tập trung vào thời điểm hiện tại. Trong công việc, các đồng nghiệp của tôi thường góp ý về chuyện có vẻ cũng liên quan - sự xao lãng của tôi. Họ thấy rằng trong các cuộc họp, tôi thường chỉ chú ý được vài phút rồi bắt đầu loay hoay nhắn tin, kiểm tra thư điện tử. Tôi đã giải thích là tôi không có ý bất lịch sự. Tôi thật sự rất chú ý nghe họ nói, nhưng đồng thời tôi cũng chú ý tới năm hay sáu thứ khác. Thường thì tôi có khả năng đó, dẫu đôi khi tôi cũng có quên một vài ý mà đồng nghiệp đưa ra. Tôi chỉ cảm thấy vô cùng khó để làm từng việc một, mà lại là một việc trong thời gian dài. Tôi không thể ngồi yên lâu hơn một vài phút. Tôi sẽ trở nên bồn chồn không yên.
Kết quả quét não khẳng định những gì tôi trải qua không phải là sự xao lãng. Tôi thật sự chú ý. Nhưng vì tốc độ hoạt động của não khiến tôi cũng đồng thời chú ý tới những tác nhân kích thích khác. Có thể tôi muốn tập trung vào những điều ai đó đang nói vì tôi thấy hay, nhưng đồng thời tôi cũng phải đấu tranh với đủ thứ suy nghĩ khác đang “nhảy múa” trong đầu. Nói theo thuật ngữ chuyên môn thì kết quả quét não đã cho thấy một khiếm khuyết trong kỹ năng xử lý thông tin của tôi, đó là khả năng của tôi trong việc chú ý tới một nguồn thông tin duy nhất có thể bị lấn át bởi tất cả các thông tin mà tôi tiếp nhận. Mặt khác, não hoạt động thái quá cũng có ích cho tôi, bởi vì nó giúp tôi có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Tôi thường hoàn thành được nhiều việc hơn so với khi làm từng việc một.
Đó quả là một sự khai sáng và không quá căng thẳng khi so sánh những dữ liệu não của tôi với những phản hồi của đồng nghiệp. Tôi rời phòng thí nghiệm với suy nghĩ là tôi không muốn thay đổi cấu trúc não bộ của mình, mặc dù tôi cũng ước gì mình có thể điều chỉnh nó trong các tình huống mà tôi nên tập trung vào những gì người khác đang nói. Tôi cũng ước gì có thể khiến não hoạt động chậm lại vào những lúc tôi không cần phải làm gì mà chỉ cần nghỉ ngơi và thư giãn. Nói cách khác, có những kỹ năng tôi cần xây dựng cho mình.
Vài tuần sau, khi đã trở lại Boston, tôi thấy mình suy nghĩ nhiều hơn về sự kiện đo điện não đồ và ý nghĩa của nó. Mặc dù đã dành cả sự nghiệp của mình để nói chuyện với người khác về các chức năng nhận thức, tôi chưa từng hiểu rõ các mặt mạnh và mặt yếu trong chức năng nhận thức của mình. Suốt bao năm qua, tôi đã tự phê bình bản thân vì tính đãng trí, về việc không luôn lắng nghe và vì thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Tôi biết những xu hướng này làm phiền người khác, và tôi cảm thấy rất tệ về chuyện đó. Tôi đã cố gắng để đi chậm lại và tập trung vào hiện tại. Tuy vậy, điều này vẫn rất khó và tôi rất thường xuyên thất bại. Sau khi đo điện não đồ, tôi cảm thấy tốt hơn về bản thân. Tôi nhận thức được rằng hành vi của mình không phải là cố ý. Nhưng khi đó tôi chưa hiểu những hành vi này phản ánh một số kỹ năng còn yếu của tôi cũng như cách não bộ của tôi vận hành. Giờ đây, nhờ lần quét điện não đồ, tôi đã hiểu.
Tôi cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp xem bản quét điện não đồ. Sau khi nhìn hình ảnh, nghe cách giải thích của kỹ thuật viên, họ cũng hiểu hơn về hành vi của tôi. Trong mắt họ, tôi không còn là một người không đủ quan tâm để có thể chú ý lắng nghe. Bây giờ họ đã hiểu tôi muốn ngồi yên và chú ý nghe một cuộc đối thoại duy nhất, nhưng vì cấu trúc não của mình, việc đó đối với tôi khó hơn đối với những người khác rất nhiều. Những người quanh tôi không hề thích các hành vi của tôi hơn so với trước đó, nhưng ít nhất họ cũng có thể cảm thông hơn. Sự thay đổi về cách nhìn nhận đó đã tạo ra một sự khác biệt tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Nó giúp cải thiện các mối quan hệ của tôi.
Các chương trước nói về lợi ích của CPS trong các tình huống mà trong đó những người có quyền hạn đương đầu với các hành vi thách đố. Chúng ta đã biết các bậc cha mẹ, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở điều trị tâm thần, nhân viên an ninh trường học và những người sếp có thể làm tốt thế nào nếu họ chịu khó lắng nghe, cảm thông và hợp tác thay vì áp đặt ý chí của mình lên những người yếu thế hơn. Tuy vậy, phương pháp này có tính ứng dụng trong phạm vi rộng lớn hơn nhiều, mở rộng vào mọi ngóc ngách của cuộc sống của chúng ta. Lập luận của tôi là chúng ta cần dành nhiều lòng trắc ẩn hơn với những người làm chúng ta tổn thương bởi các hành vi của họ, nhưng bạn cũng đừng quên lòng trắc ẩn đối với bản thân mình. Khi nhận thức được kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi, chúng ta có thể ngừng trách cứ bản thân vì những hành vi của chính mình, hành vi mà chúng ta cũng không ưa, cũng như những trải nghiệm mà chúng ta khó lòng chấp nhận. Hơn thế nữa, Kế hoạch B giúp chúng ta kiểm soát xung đột với những người chúng ta không có quyền hạn chính thức, bao gồm người yêu hay chồng vợ, bạn bè, hàng xóm, và thậm chí những người hoàn toàn xa lạ. Không chỉ là một phương pháp để sử dụng trong công việc và quá trình nuôi dạy con, CPS có thể giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với nhau hàng ngày, thậm chí hàng phút. Suy cho cùng thì đó là cách tương tác với thế giới, một phương pháp có kỷ luật rõ ràng để giải quyết mọi kiểu hành vi thách đố trong mọi hoàn cảnh.
Đừng quên thể hiện lòng trắc ẩn đối với bản thân mình.
Nhìn nhận bản thân theo cách khác
Mặc dù bản đo điện não đồ giúp tôi có cái nhìn lành mạnh hơn về hành vi của bản thân, nhưng bạn không cần tiếp cận với công nghệ này mới có thể áp dụng cách tư duy kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi cho bản thân. Có nhiều cách đơn giản hơn để nhận biết các kỹ năng nhận thức thần kinh của bạn - biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Hãy thử làm một bản đánh giá kỹ năng mà bạn có thể tự thực hiện.
Bên dưới là danh sách các kỹ năng nhận thức thần kinh cơ bản đã được mô tả ở Chương 2. Đó là những kỹ năng chúng tôi sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts để đánh giá khi áp dụng CPS. Những tiêu chí này đã được xác nhận qua thực nghiệm bởi đội ngũ nghiên cứu và đánh giá của chúng tôi; chúng tôi biết đây là một cách đánh giá chính xác và đáng tin cậy. Nó giúp đánh giá các kỹ năng giải quyết vấn đề của một người một cách nhanh chóng, đơn giản và không tốn kém.(1)Hãy dành thời gian để đọc qua danh sách này và đánh giá bản thân tại từng mục. Hãy đánh giá kỹ và trung thực nhất có thể.
Bảng tổng kết các kỹ năng tư duy
Bạn có nhận ra những kỹ năng đặc biệt mạnh hay yếu của mình không, hay bạn chỉ thấy những khác biệt nhỏ? Bạn có mạnh hơn hay yếu hơn ở một số kỹ năng nhất định hay không? Để bổ sung cho các đánh giá của bản thân, hãy kiểm tra kết quả với vài người mà bạn tin tưởng và họ cũng biết rõ về bạn. Bạn nên chọn những người mà bạn tin rằng sẽ cho bạn những ý kiến phản hồi hữu ích một cách quan tâm và cảm thông. Họ có phát hiện ra những điểm yếu mà có thể bạn đã bỏ sót không? Họ có thể chỉ ra những tình huống mà bạn đã bộc lộ điểm yếu này và gây ra vấn đề không? Bạn cũng nên nhờ họ nêu ra các điểm mạnh của bạn.
Bây giờ hãy nhìn vào danh sách của bạn. Hãy xem xét các ý kiến phản hồi bạn nhận được từ những người khác, khoanh tròn những kỹ năng bạn có khó khăn. Đây chính là những kỹ năng còn yếu của bạn. Chỉ cần hiểu những điều này đã có thể giúp bạn nghĩ khác về cuộc sống của mình, như nó đã giúp tôi. Hãy hỏi bản thân xem trong chừng mực nào, hay trong các hoàn cảnh nào các khó khăn về mặt kỹ năng này cản trở bạn đạt được mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho bản thân, hay đáp ứng yêu cầu của người khác đối với bạn. Có cách nào để những khó khăn này cũng mang lại lợi ích gì đó cho bạn hay không? Xin nhắc lại một lần nữa, các khó khăn về kỹ năng liên quan tới việc “não hoạt động quá mức” của tôi đã gây ra các xung đột với người khác, nhưng chúng cũng giúp tôi trong công việc. Bạn có thể gặp tình huống như vậy.
Tất nhiên, bạn cũng nhận thấy một số khó khăn về kỹ năng rõ ràng là đang gây bất lợi cho bạn. Chúng có thể đã gây đủ kiểu khó khăn cho bạn trong quá khứ. Chúng cũng có thể khiến bạn trả giá bằng những mối quan hệ hoặc cơ hội nghề nghiệp. Có thể bạn đã trách cứ bản thân suốt nhiều năm vì những hành vi liên quan tới các kỹ năng này. Chẳng phải thật dễ chịu sao khi nhận thấy rằng những hành vi gây bất lợi của bạn thật ra chỉ phản ánh những khác biệt trong não bộ dưới hình thức những thiếu hụt kỹ năng? Bạn không phải là người xấu. Bạn đơn giản chỉ là một người có những kỹ năng cần phải cải thiện. Tất cả chúng ta đều như vậy.
Bạn không phải là người xấu.
Bạn đơn giản chỉ là một người có những kỹ năng cần phải cải thiện.
Tất cả chúng ta đều như vậy.
Hãy chia sẻ những hiểu biết mới được khám phá về hành vi của bạn với người thân và bạn bè. Hãy cho họ biết bạn nhận thức được những khó khăn về kỹ năng của mình, và họ không nên nghĩ bạn cố tình tỏ ra thiếu tôn trọng, gây tổn thương hay làm họ bực mình bằng hành vi của bạn. Nhưng hãy đừng dừng ở đó. Hãy chọn một vài nhóm kỹ năng để cải thiện. Nếu những kỹ năng này có vẻ hữu ích trong một số hoàn cảnh và có hại trong những hoàn cảnh khác, hãy cố gắng phát triển chúng trong những hoàn cảnh sự thiếu hụt nó thường gây ra các vấn đề cho bạn.
Tôi nhận thấy xu hướng làm nhiều việc cùng lúc của mình đặc biệt phiền toái khi đi ăn với bạn bè và mọi người muốn tôi tập trung vào một cuộc đối thoại duy nhất. Vì vậy trong hoàn cảnh đó, tôi có thể tập cách cất điện thoại đi và tập trung, dù việc làm này khiến tôi không thoải mái lắm. Vấn đề then chốt trong việc xây dựng kỹ năng, như chúng ta đã biết, là luyện tập kỹ năng trong tình huống người thật việc thật. Mỗi lần làm vậy, tôi cố gắng làm lâu hơn, không cố lôi điện thoại ra và loay hoay - đây là một thử thách căng thẳng tích cực có thể chấp nhận được. Tôi cũng có thể cho những người bạn cùng trong bữa tối biết rằng tôi đang cố gắng cải thiện kỹ năng này, để họ không cảm thấy bị xúc phạm khi tôi chạm tới ngưỡng chịu đựng của mình, trở nên bồn chồn và quay trở lại với thói quen làm nhiều việc cùng lúc của mình. Còn tốt hơn nữa, tôi có thể cho bạn bè của mình biết rằng tôi chỉ cần đi tới đi lui một chút để làm dịu đầu óc đang hoạt động quá mức. Nếu tôi thể hiện bản thân theo cách này trong các tình huống mà tôi thấy đầy thách thức (tình huống người khác đòi hỏi cách hành xử mà kỹ năng của tôi không đáp ứng được), tôi sẽ tiến bộ hơn từng chút một.
Đối với bất kỳ khó khăn nào về hành vi, hãy chú ý tới tình huống mà các điểm yếu của bạn gây ra trở ngại. Có cách nào bạn có thể luyện tập kỹ năng của mình trước không? Chẳng hạn, nếu bạn biết bạn yếu về quản lý thời gian, và bạn có một loạt các cuộc phỏng vấn việc làm chắc chắn đòi hỏi bạn phải tới đúng giờ, bạn có thể cố gắng luyện kỹ năng này một cách có ý thức ở nhà cùng với người thân và bạn bè thân thiết. Hãy xem xét các tình huống ở nhà mà trong đó bạn phải đúng giờ và việc không làm được điều đó có thể gây ra xung đột, sau đó hãy luyện tập để khắc phục điểm yếu của mình. Bằng cách đó, khi tới lúc phỏng vấn thì bạn sẽ có khả năng xử lý tốt hơn.
Tương tự như vậy, nếu bạn biết mình yếu ở một kỹ năng nào đó, bạn có thể chuẩn bị trước giải pháp cho nó. Nói cách khác, bạn có thể tự thực hiện Kế hoạch B! Nếu bạn khó quản lý thời gian, vậy hãy lên một kế hoạch xem bạn sẽ thu xếp việc đó thế nào trong một tháng đầy những cuộc phỏng vấn. Có thể bạn sẽ giảm bớt các cuộc hẹn khác trong tháng đó, thậm chí ít hơn nữa trong cùng ngày có hẹn phỏng vấn. Có lẽ bạn nên để thêm chuông báo trên điện thoại để nhắc mình khi đã xong việc khác, để bạn có thể sẵn sàng đi tới cuộc phỏng vấn của mình. Nếu giống một người bạn của tôi, bạn có thể đặt mục tiêu tới sớm hơn một giờ trước cuộc phỏng vấn. Bằng cách này, nếu bạn có bị muộn nửa giờ do quản lý thời gian không chuẩn, bạn vẫn có thể có mặt ở nơi hẹn trước thời hạn và vẫn có nửa giờ để thảnh thơi đầu óc, thư giãn và tập trung.
Một sự kết hợp giữa nhận thức, rèn luyện, thích nghi và giải quyết vấn đề có thể giúp xử lý các khó khăn về kỹ năng theo thời gian. Nhưng cơ bản nhất, nó có thể giúp bạn tư duy khác đi về hành vi thách đố của bản thân. Nếu bạn coi hành vi thách đố của bạn là một khiếm khuyết về tính cách, là điều bạn không thể khắc phục, bạn sẽ thấy tồi tệ về bản thân và bạn sẽ không làm gì để khắc phục. Bạn sẽ đơn giản là đầu hàng, tiếp tục theo lối cũ lâu nay bạn vẫn thế. Nhưng nếu bạn nhìn nhận hành vi thách đố của bạn theo đúng bản chất của nó - là những kỹ năng cần cải thiện - thì bạn sẽ đặt bản thân vào vị thế sẵn sàng sửa chữa các mối quan hệ với người khác và phát triển bản thân.
Thay đổi cách nhìn nhận người khác
Ted gặp vợ anh, Michelle, khi cả hai ở giữa độ tuổi hai mươi.(2) Họ có với nhau một cô con gái tên Angie. Ted muốn có thêm con, còn Michelle mặc dù rất thích làm mẹ nhưng quyết định rằng một đứa là đủ - cô không muốn có một gia đình đông con. Khi Angie lớn lên, quan hệ của Ted với Michelle trở nên tệ đi. Anh trở nên sùng đạo hơn. Còn Michelle, vốn là người vô thần, lại càng tin tưởng vào niềm tin của bản thân. Theo nhận định của Ted, anh trở nên “truyền thống và bảo thủ hơn”, trong khi vợ anh lại càng ngày càng theo tư tưởng tự do hơn. Theo thời gian, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. “Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều cố thủ trong cái tôi của mình”, Ted nói. “Chúng tôi bế tắc. Mối quan hệ của chúng tôi đã sụp đổ theo cách nào đó.” Sau mười bốn năm chung sống, khi Michelle ba mươi chín tuổi, hai người chia tay. Thỏa thuận ly hôn cho phép hai người cùng nuôi dưỡng Angie.
Trong nhiều trường hợp, ly hôn có thể không phải là sự kết thúc xung đột mà là sự khởi đầu của một giai đoạn xung đột mới căng thẳng hơn. Các cặp đôi kéo nhau vào những cuộc chiến cay đắng, lê thê và tốn nhiều tiền của để thuê luật sư. Hai người có thể có một cuộc chia tay trong tức giận và tổn thương, gia đình bị hủy hoại và của cải tiêu tán. Câu chuyện của Ted lại khác. Mặc dù anh và Michelle không hẳn là bạn bè sau khi chia tay, nhưng cả hai đều cam kết nuôi dưỡng con gái trong một môi trường yên bình và văn minh nhất có thể. Đó là một cách suy nghĩ thông minh: các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã khẳng định từ lâu rằng công cụ dự báo tốt nhất về sự trưởng thành của trẻ không phải là cha mẹ chúng ở với nhau hay ly hôn, mà là ở cách họ xử lý các xung đột với nhau. Ted và Michelle thống nhất việc giải quyết ly hôn khá nhanh gọn và không tốn kém qua việc suy ngẫm nghiêm túc về vấn đề. Sau đó, họ tập trung vào cuộc sống của mình và nuôi dạy con. Điều này không dễ dàng gì, nhưng sau hai năm, Ted đi bước nữa. Anh đã có bạn gái mới và cảm thấy thanh thản khi nghĩ về thất bại của cuộc hôn nhân cũ. Quan hệ của anh với Angie rất gắn bó. Cô bé cũng khỏe mạnh, hạnh phúc và học giỏi ở trường.
Khả năng chấp nhận cuộc ly hôn và điều chỉnh để sống lành mạnh sau ly hôn như Ted đã làm đòi hỏi sự nỗ lực lớn. Khi mới chia tay, anh bắt đầu trải nghiệm những cơn hoảng loạn. Lần đầu tiên trong đời, anh tìm tới bác sĩ trị liệu và dùng thuốc. Các biện pháp trị liệu này đã giúp ích nhiều, nhưng anh cũng chỉ ra một yếu tố hữu ích khác: CPS. Ted đã học về phương pháp CPS trong quá trình làm việc với những đứa trẻ có hành vi thách đố tại một trung tâm điều trị nội trú, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ tới việc áp dụng nó khi các cuộc xung đột với vợ trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, anh nhận ra rằng khái niệm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi và hệ thống ba kế hoạch giúp anh rất nhiều. Nó làm cho anh có thể hiểu thất bại của cuộc hôn nhân theo cách tích cực hơn. Anh cũng có cách nhìn nhận cảm thông hơn với thất bại của vợ cũng như của bản thân.
Ted nhớ về những lần chật vật với một số kỹ năng trong những năm cuối của cuộc hôn nhân, phần lớn là liên quan tới khả năng linh hoạt, điều tiết cảm xúc và tiếp nhận quan điểm. Theo lời anh nói với tôi, anh đã trở nên cố thủ một cách cứng nhắc với niềm tin của mình, anh cũng trở thành nạn nhân của ham muốn áp đặt giải pháp của mình lên các vấn đề. Anh thường xuyên đòi hỏi mọi việc phải theo cách của mình. Trong khi đó anh lại khó kiểm soát tính khí. Ở nhà lúc nào anh cũng cáu kỉnh và phản ứng khó chịu khi vợ không đáp ứng yêu cầu của anh. Trong nhiều năm, anh khó lòng hiểu được quan điểm của vợ. Giờ đây, khi nhìn lại khiếm khuyết về kỹ năng của bản thân và thấy nó đã góp phần gây ra căng thẳng giữa vợ chồng anh như thế nào, Ted đã không còn giận Michelle nữa. Mâu thuẫn của họ không phải hoàn toàn do lỗi của cô. Chính anh đã góp phần vào đó - không phải vì anh là người tồi tệ, mà bởi vì, như nhiều người khác, anh yếu một số kỹ năng nhất định. “Tất cả chúng ta đều mong muốn làm tốt”, Ted nói. “Trẻ con hay những người đàn ông bốn mươi lăm tuổi cũng vậy thôi.”
Nhận thức của Ted về kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi cũng giúp xoa dịu sự tức giận và bất mãn, vì nó cũng khiến anh có cái nhìn khác về hành vi của vợ cũ. Cô ấy không cố ý làm anh tổn thương bằng những hành vi của mình, cũng giống như anh vậy. Khi nhìn lại, Ted nhận ra vợ anh mắc chứng trầm cảm kinh niên, và hẳn là cô cũng gặp khó khăn với kỹ năng cảm thông và đón nhận quan điểm của người khác. Khi phải đương đầu với tính khí cứng nhắc của anh, đôi lúc cô cũng phải tức giận và nổi điên. Thật dễ hiểu khi cô không còn tin cậy anh nữa và coi anh không phải là một “đồng đội” tốt. Giờ đây Ted đã nhận ra, những người vợ hay chồng sẽ thay đổi nếu họ có thể. “Michelle muốn làm tốt mọi việc, nhưng đôi khi cô ấy gặp trở ngại.” Hơn thế, khi Michelle có hành xử gây tổn thương hồi hai người còn là vợ chồng, cô ấy đã cố giải quyết những mối bận tâm chính đáng, dù hành động của cô không mấy hiệu quả. Ted nhớ lại, “Giờ thì tôi hiểu cô ấy có những lý do cho quyết định của mình. Đơn giản là cô ấy có quan điểm khác về cách nuôi dạy con”. Với cách hiểu này, Ted thấy không còn lý do nào để duy trì sự tức giận và bất mãn với Michelle về những gì đã diễn ra giữa họ. Họ đã cố gắng làm tốt bằng những kỹ năng họ có.
Những người vợ hay chồng sẽ thay đổi nếu họ có thể.
Khả năng cảm thông thay vì tức giận của Ted đối với vợ đã dẫn tới một quan hệ suôn sẻ và tích cực hơn giữa họ trong hiện tại. Tuy không còn sống với nhau, họ vẫn cùng nhau nuôi dạy Angie. Mâu thuẫn vẫn có lúc nảy sinh. Thay vì vội vã làm theo Kế hoạch A, Ted tiếp cận vợ cũ trên tinh thần cảm thông và hợp tác hơn. Không phải lúc nào anh cũng sử dụng Kế hoạch B theo đúng bài bản, mà anh cũng không cần làm vậy thì mới ít xung đột hơn với vợ cũ. Anh chỉ cần nghĩ về khái niệm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi để cùng tìm ra một giải pháp xử lý được mối bận tâm của cả hai người. Nếu Ted có hối tiếc điều gì thì đó chủ yếu là anh đã không tương tác một cách hợp tác với Michelle khi họ sống với nhau. Anh đã nghĩ biết đâu hai người có thể đã không trượt khỏi đời nhau xa và nhanh như vậy. Anh cảm thấy bây giờ anh có ý thức hơn nhiều so với trước đây, và cũng dễ dàng chấp nhận những hạn chế ở người khác hơn, cả người lớn lẫn trẻ con. Như anh nói, “Trong con người chúng ta có ánh sáng và có bóng tối. Chúng ta phải chấp nhận rằng mình là con người thay vì chống đối điều này”. Thái độ này giúp anh thiết lập một quan hệ lành mạnh, suôn sẻ và hạnh phúc hơn với bạn gái mới của mình.
Câu chuyện của Ted gợi ý rằng CPS có thể giúp chúng ta chuyển đổi không chỉ cách chúng ta nhìn nhận bản thân mà cả cách chúng ta lý giải hành động của người khác. Nếu bạn đang xung đột với người khác, hoặc nếu bạn đang ôm nỗi oán giận dài lâu với người khác, hãy nghiền ngẫm về khái niệm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi. Hãy nghĩ về một người nào đó trong đời đã từng làm tổn thương bạn, thậm chí làm cho bạn đau đớn. Hãy suy nghĩ về quan điểm của họ. Có kỹ năng nào trong danh sách trên đây mà họ đã từng (hay vẫn còn) đang chật vật với chúng hay không? Hãy suy ngẫm về điều này. Cái gì đã từng là (hay vẫn còn đang là) mối bận tâm chính của họ? Nếu mâu thuẫn của bạn đang tiếp diễn, liệu có cách nào đi tới một giải pháp dung hòa cả mối bận tâm của bạn lẫn của họ không?
Nếu bạn thấy mình chán nản với nhiều người xung quanh mình, tôi có một bài tập khác có thể giúp ích. Hãy nghĩ về ba hay bốn người gần gũi nhất với bạn. Họ có thể là bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp của bạn. Với mỗi người này, bạn hãy liệt kê ba hành vi gây khó chịu hoặc phiền toái nhất của họ, những hành vi gây ra căng thẳng hay xung đột lặp đi lặp lại. Có thể đó là khuynh hướng muốn giám sát mọi chuyện của mẹ bạn, thói quen tới muộn của em trai của bạn, xu hướng nổi đóa của người bạn thân nhất của bạn, hoặc thói đôi khi chỉ biết nghĩ cho bản thân của con trai của bạn. Đối với mỗi hành vi này, hãy rà theo danh sách kỹ năng nói trên và cố gắng xác định những khiếm khuyết về kỹ năng có liên quan tới mỗi hành vi. Dành thời gian vào việc này sẽ giúp bạn hiểu khái niệm trừu tượng kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi và làm nó trở nên cụ thể hơn. Lần tới khi gặp hành vi thách đố, bạn sẽ nhớ lại những khó khăn về kỹ năng mà bạn đã nhận ra qua những cá nhân này. Mặc dù vẫn còn cảm thấy bực mình, bạn sẽ thấy những cảm giác này nhanh chóng qua đi. Bạn sẽ thấy mình nhanh chóng chuyển qua trạng thái bình tĩnh, cảm thông và thương cảm.
Tất nhiên, quan trọng là bạn cần có những kỳ vọng thực tế. Tôi không nói rằng việc áp dụng kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi có mức độ dễ hoặc khó như nhau đối với những người trong cuộc đời bạn. Một số quan hệ hay tình huống có thể gây cảm xúc nặng nề hơn một số quan hệ hay tình huống khác. Chúng ta có thể coi các mối quan hệ trong cuộc sống và các khía cạnh cuộc sống là liên tục biến đổi. Tại đầu này, có thể cảm xúc bị dồn nén. Ở cực kia, có thể là mối quan hệ hay tình huống căng thẳng. Ngay cả khi đã có lối tư duy kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi bám rễ vững vàng, chúng ta vẫn khó có thể thương cảm hay cảm thông với những người làm chúng ta tổn thương, những người gây cho chúng ta những cảm xúc tiêu cực sâu sắc. Trong khi nghĩ về những người trong cuộc đời bạn và những hành vi thách đố của họ, hãy cân nhắc xem bạn đặt họ ở đâu trong sự biến đổi liên tục này. Chỉ cần bạn có thể cảm thông hơn một chút với người khuấy động cảm xúc căng thẳng nhất trong bạn, thì đó đã là tiến bộ.
Giải quyết vấn đề trong mối quan hệ ngang hàng
Ngoài việc giúp chúng ta thương cảm và cảm thông hơn, cũng như xử lý được các trải nghiệm khó khăn trong cuộc sống, CPS còn mang đến cho chúng ta một cách giải quyết xung đột nảy sinh giữa những người mà chúng ta không có quyền hạn chính thức. Hầu hết các mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống thường nhật không có sự phân chia quyền lực. Bạn hay hàng xóm của bạn không có quyền hạn với nhau. Bạn cũng không có quyền hạn với vợ hay chồng mình, với bạn bè, người quen, với nhân viên dịch vụ khách hàng tại ngân hàng, hay những người xa lạ bạn tình cờ gặp trên đường. Bạn có thể cảm thấy chịu ơn những người này, hay ngược lại, nhưng quan hệ này ngang hàng về quyền hạn hoặc không có sự khác biệt rõ rệt. Mặc dù các chương trước của quyển sách này trình bày việc sử dụng Kế hoạch B trong các tình huống liên quan đến người có quyền hạn, nhưng Kế hoạch B cũng có tác dụng tương đương trong các tình huống quan hệ ngang hàng.
Các tình huống xung đột rất thường xảy ra trong các mối quan hệ ngang hàng - trong các vụ xô xát trên đường, vợ chồng cãi nhau về việc nhà, cãi vã với nhân viên phục vụ hay thực khách khiếm nhã và thiếu tôn trọng trong nhà hàng. Khi những tình huống này xảy ra, thật khó nén cảm xúc để nói chuyện bình tĩnh, có lý, hay giải quyết vấn đề. Tôi đã dành cả đời để dạy và suy nghĩ về Kế hoạch B, nhưng đôi khi ngay cả tôi cũng cảm thấy chuyện này thật khó.
Vậy bạn sẽ làm gì? Hãy thử áp dụng Kế hoạch B Khẩn cấp. Ví dụ bạn đang trên đường về nhà sau một ngày dài làm việc. Bạn sống trong một tòa nhà chung cư ở một khu phố đông đúc trong thành phố và chỗ đậu xe thì hiếm. Khi vừa rẽ vào con phố nhà mình, bạn nhìn thấy một chỗ đậu xe trống, cách tòa nhà bạn chỉ vài bước chân. Tuyệt vời! Vậy là bạn không cần phải khệ nệ xách các túi đồ mà bạn mua ở tiệm tạp hóa trên đường về đi một quãng quá xa. Bạn nhấn chân ga và bẻ lái vào ô đậu trước khi ai đó chiếm mất chỗ. Bạn tắt máy, gửi một tin nhắn trả lời trên điện thoại và ra khỏi xe. Chính lúc đó, bạn nhìn thấy người phụ nữ sống ở cuối dãy nhà. Bà ấy đứng bên cạnh chiếc xe còn đang nổ máy, má đỏ ửng. “Tôi đang đợi lấy ô này!” Thật hả? Bạn không cho là thế. Bạn đã nhìn quanh rồi và không có xe nào đợi cả. Bạn muốn có ô đậu xe này, nhưng cũng không muốn mất lòng hàng xóm.
Nếu cảm thấy chuyện này bất công, bà hàng xóm có thể tức giận và mất kiểm soát. Bà ấy đang suy nghĩ bằng vùng não bộ thấp thay vì bằng vỏ não. Do trạng thái mất kiểm soát rất dễ lây lan, bạn cũng có thể phản ứng lại tương tự. Nếu bạn vượt qua được thôi thúc này, dù chỉ một chút thôi, và nhớ tới yếu tố đầu tiên của Kế hoạch B trong tình huống khá “nóng” này, bạn có thể mang lại cảm giác bình tĩnh. Chẳng mấy chốc cả hai người sẽ có nhiều khả năng giải quyết được vấn đề hơn.
Các nhà thương thuyết chuyên xử lý các cuộc bắt giữ con tin sẽ nói với bạn rằng điều cuối cùng bạn muốn làm trong tình huống khủng hoảng là áp đặt giải pháp, vì điều này chỉ thêm dầu vào lửa, càng làm tăng nguy cơ bùng nổ xung đột. Thay vì vậy, họ sẽ cố gắng thiết lập quan hệ với kẻ bắt giữ con tin thông qua lòng cảm thông. Một trang web của cảnh sát đưa ra lời khuyên dưới đây cho các nhân viên thi hành luật pháp trong tình huống có con tin bị bắt giữ:
“Trong nhiều trường hợp, toàn bộ lý do cho các tình huống bắt giữ con tin là để [kẻ bắt giữ con tin] có thể 'đưa ra chính kiến' hoặc 'kể câu chuyện của bản thân'. Tốt thôi. Nếu đó là điều anh ta muốn, hãy để cho anh ta tự do thể hiện sự tức giận và thất vọng của mình, nhưng đừng để anh ta mặc sức buông lời chửi rủa, vì như vậy có thể khiến anh ta mất kiểm soát hơn. Thay vì vậy, điều chỉnh cách nói và nội dung nói theo hướng xoa dịu.”(4)
Trong các tình huống bắt giữ con tin, cảnh sát cố gắng điều tiết cảm xúc. Về cơ bản, họ tuân thủ theo nguyên tắc 3R: điều tiết (regulate), thiết lập quan hệ (relate) trước khi đưa ra lý lẽ thuyết phục (reason).
Nếu một tình huống quá kích động mà bạn hay người kia không thể đạt được thỏa thuận qua ba bước của Kế hoạch B, vậy thì bạn đừng cố gắng thực hiện các bước này một cách hệ thống và trọn vẹn. Khi nói tới điều tiết cảm xúc, điều cốt lõi của Kế hoạch B là sự cảm thông. Thay vì ăn nói cộc lốc với hàng xóm hay quát tháo bằng những lời lẽ thô tục, hãy làm họ dịu xuống bằng cách lắng nghe có phản hồi và trấn an. Đừng nghĩ đến các bước còn lại, cũng đừng nghĩ tới hai công cụ cảm thông “đặt câu hỏi” và “phỏng đoán” nhiều may rủi. Những công cụ này khơi gợi thông tin nhưng không có tác dụng điều tiết cảm xúc. Mục tiêu của bạn lúc này đơn giản là điều tiết cảm xúc mà thôi.
Trở lại với tình huống của bạn. Khi đối diện với sự tức giận vì bạn đã “chiếm” ô đậu xe của bà hàng xóm, hãy nhắc lại suy nghĩ của bà ấy bằng cách nói, “À, tôi hiểu ý chị. Chị nghĩ chị đã giành trước chỗ này, nhưng rồi tôi lại đậu xe vào đây”. Hoặc bạn có thể đưa ra lời trấn an, “Ồ, tôi thật sự lấy làm tiếc. Tôi không có ý chiếm ô của chị. Điều này thật tệ. Chị đang định đậu xe thì bỗng dưng đã có người đậu trước”. Nếu người hàng xóm nói điều gì đó thô lỗ hoặc thô tục với bạn, bạn có thể đáp lại, “Nghe này, tôi biết chị bực mình. Chị không cần phải chửi thề. Tôi hiểu tại sao chị bực mình”.
Nếu bạn bực đến nỗi không thể nghĩ đến việc trấn an và lắng nghe có phản hồi, thì chí ít hãy nhớ lại lý lẽ cơ bản của cuốn này: Kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi. Con người không muốn hành xử tồi tệ. Nếu họ không hành xử tốt, chẳng qua vào lúc đó họ không thể hành xử tốt. Người hàng xóm này, người muốn lấy chỗ đậu xe của bạn, có thể đang cư xử tồi, và điều này không thể chấp nhận được. Nhưng hẳn phải có lý do quan trọng nào đó khiến bà ấy hành động như vậy, có thể đó là những lý do chẳng liên quan gì tới bạn.
Trong một số tình huống bất ổn mà bạn không bị mất kiểm soát, bạn có thể sử dụng Kế hoạch B Khẩn cấp. Một lần khi ra ngoài ăn tối, tôi gặp một cặp đôi đang lớn tiếng với nhau trên đường. Người đàn ông như thể đang chuẩn bị đánh bạn gái của mình. Tôi chạy tới, đứng chắn giữa hai người và bảo người phụ nữ chạy đi. Khi người phụ nữ chạy xuống phố, người đàn ông quát tôi, “Cô ta chẳng tốt lành gì! Cô ta mà dám quay lại thì tôi sẽ đập cho một trận!”. Vì người này nhỏ con hơn tôi, tôi không cảm thấy anh ta đáng sợ. Tôi tự nhủ, Mình có vài phương án. Kế hoạch C không được. Nhất định mình sẽ không ngồi yên khi có người bị hành hung. Nếu sử dụng Kế hoạch A, mình sẽ dọa cho hắn phục tùng. Mặc dù có thể thoát nhưng mình không thích kiểu này lắm.
Và tôi đã chọn Kế hoạch B Khẩn cấp. Tôi có thể sử dụng phương án này vì tôi không phải là người trong cuộc xung đột, vì vậy tôi không mất kiểm soát. Tôi suy nghĩ rất rõ ràng, và kết quả là tôi đã giúp làm dịu một tình huống có thể gây nguy hiểm và bạo lực. Một người mất kiểm soát không thể điều chỉnh người khác. Thế nhưng nếu sự mất kiểm soát rất dễ lây, thì thật may là sự kiểm soát cũng vậy.
Tôi nói với anh ấy, “Thôi nào. Tôi không biết cô ấy đã gây chuyện gì, nhưng nghe có vẻ tệ lắm thì phải. Anh nói cho tôi nghe xem. Có chuyện gì vậy?”.
Người đàn ông dứ nắm đấm. “Anh không tin được bọn đàn bà đâu”.
“Vậy là cô ấy đã làm gì à?”
“Đơn giản là anh không thể tin bọn họ được.”
“Anh nói anh không thể tin được cô ấy hả? Tôi hiểu ý anh rồi.”
Tôi không hề đồng tình với thói ghét phụ nữ lộ liễu này, nhưng tôi cố gắng trấn an anh ta và phản hồi lại điều anh ta nói theo cách không thỏa hiệp giá trị và niềm tin của bản thân. Sau hồi lâu nói chuyện, cuối cùng anh ta cũng bình tĩnh lại. Tôi nhìn thấy người phụ nữ kia và thấy chị cũng đã bình tĩnh lại. Chị đã có được sự giúp đỡ cần thiết. Việc của tôi là người ngoài cuộc cũng hoàn tất.
Khi cảm xúc không dâng cao, bạn có thể sử dụng Kế hoạch B trong các mối quan hệ ngang hàng để giải quyết vấn đề, như trường hợp một người có quyền hạn thường làm khi xử lý hành vi thách đố. Lấy ví dụ bạn và vợ hay chồng bạn đang cãi nhau về việc sẽ đi nghỉ ở đâu. Bạn thì muốn đi cùng gia đình bạn. Vợ bạn thì lại muốn đi cùng gia đình cô ấy. Điều sẽ xảy ra trong hầu hết các trường hợp khi nảy sinh các xung đột như thế này là các cặp đôi sẽ cố gắng thỏa hiệp để đưa ra một giải pháp. Năm nay họ đi nghỉ với gia đình bên này, năm sau sẽ đi nghỉ với gia đình bên kia. Sự sắp xếp như vậy nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó không làm thỏa mãn cả hai. Năm nào cũng sẽ có một người vui còn người kia thì không vui bằng. Sự sắp xếp này không phải là một giải pháp hai bên cùng thỏa mãn vì nó không giải quyết mối quan tâm của cả hai bên. Nó chỉ là một sự thỏa hiệp.
Trong tình huống này, và nhiều tình huống khác nảy sinh trong cuộc sống thường nhật, việc thỏa hiệp là một cách giải quyết tương đối dễ, nhưng nó khiến cả hai bên cảm thấy không hài lòng, đó là nói đến trường hợp lạc quan nhất. Các cặp đôi, bạn bè và những người trong mối quan hệ lâu dài có xu hướng sử dụng biện pháp thỏa hiệp như một cách cho qua chuyện. Một lần, khi còn tư vấn cho các cặp đôi, tôi làm việc với một cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong đời sống tình dục. Người chồng muốn làm tình nhiều hơn, trong khi người vợ thì ít ham muốn tình dục và lại thích gần gũi về cảm xúc hơn. Một vấn đề kinh điển phải không? Để giải quyết chuyện này, hai vợ chồng đã lên một lịch phức tạp khi nào họ sẽ làm tình, nhưng không được thường xuyên như người chồng muốn, lại không được thưa như người vợ muốn. Cách này đã đè vấn đề xuống được một thời gian, nhưng bạn có nghĩ rằng cả hai vợ chồng thấy nhu cầu thật sự của mình được giải quyết không? Bạn có nghĩ rằng mỗi người trong số họ cảm thấy người kia đã dành thời gian để nỗ lực, công nhận và thấu hiểu nhu cầu của mình không? Thật dễ để thỏa hiệp, nhưng trừ khi giải pháp thỏa hiệp phản ánh một quá trình hợp tác, nếu không chúng sẽ không tồn tại được lâu. Những giải pháp thỏa hiệp này cũng không cho phép các bên trong mối quan hệ đi tới một mức độ thấu hiểu, tôn trọng và tin tưởng nhau.
Như ví dụ cuối cùng này gợi ý, thực hiện các cuộc nói chuyện hợp tác theo kiểu Kế hoạch B với vợ, chồng, bạn bè và những người khác trong cuộc đời bạn có thể là một việc khá khó khăn. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể cần phải xoáy vào một chủ đề nhạy cảm. Hãy nghĩ xem bạn có thể khơi vấn đề này thế nào để nó không có vẻ đáng ngại. Trong lúc đi dạo chăng? Hoặc khi hai người trên đường đi làm về? Như bạn đã thấy trong cách chúng tôi làm việc với trẻ em, quan trọng là phải suy nghĩ về điều bạn định nói trong cuộc nói chuyện. Thực hiện Kế hoạch B trong khi ngồi nhìn nhau chằm chằm sẽ khiến cuộc nói chuyện gặp nhiều trở ngại. Nói chuyện khi cơ thể chuyển động sẽ hiệu quả hơn nhiều. Một nghiên cứu thần kinh học đã chứng minh rằng các chuyển động lặp đi lặp lại, theo nhịp điệu, theo mẫu nhất định - như đi bộ, đi xe đạp, leo núi, làm việc nhà, hay thậm chí là ăn uống - có thể giúp điều tiết phần cuống não và mở rộng vỏ não để xử lý thông tin tốt hơn. Trong quân đội, các tân binh được học điều lệnh trong khi đi hành quân là có lý do. Việc hành quân có tác dụng xoa dịu và điều tiết, đồng thời nó cũng giúp mở vỏ não - vùng thông minh và lý trí của não bộ.
Bên cạnh đó, hãy nhớ sử dụng ngôn ngữ có cân nhắc, thận trọng để không đề cập đến vấn đề theo hướng kích thích phản ứng cảm xúc. Nếu bạn là người chồng đang cố gắng thực hiện cuộc trò chuyện Kế hoạch B với vợ về chuyện chăn gối, chắc chắn bạn sẽ không muốn bắt đầu câu chuyện bằng một nhận định chung chung như “Anh rất lo ngại về quan hệ của chúng ta”, vì như vậy sẽ khiến người vợ cảm thấy lo lắng và choáng ngợp. Thay vào đó, hãy cố gắng thảo luận về một vài khó khăn cụ thể nào đó, chẳng hạn như “Hình như có sự căng thẳng nào đó mỗi khi chúng ta chuẩn bị đi ngủ. Có vẻ có điều gì đó khó nói về chuyện khi nào chúng ta làm tình. Em có nhận thấy thế không? Em nghĩ sao?”.
Khi cố gắng tìm hiểu mối bận tâm của người bạn đời, bạn có thể ngạc nhiên khi khám phá ra một thông tin khó đón nhận nào đó. Ví dụ, người bạn đời của bạn có thể nói, “Em vẫn thấy anh hấp dẫn và em cũng thích làm tình, nhưng chỉ là, em không biết nữa, kiểu như em bị cụt hứng vậy đó”. Phản ứng tự nhiên của bạn - một con người bình thường - là cảm thấy tổn thương và phản ứng theo cách tự vệ. Có thể bạn sẽ nói, “Em cụt hứng? Ý em là anh chán ngắt sao?”. Hoặc bạn lo sợ rằng mối quan hệ có thể sắp sụp đổ, bạn sẽ nói, “Tuyệt! Vậy là đam mê bốc hơi rồi? Vậy chúng ta sẽ thế nào?”. Hãy ngưng cách nói này ngay. Hãy nhớ rằng mọi phản ứng kiểu này sẽ khiến bạn không có khả năng lắng nghe một cách cảm thông. Bạn chỉ đang phát biểu quan điểm của mình một cách bức xúc và tức tối, thay vì lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của người bạn đời.
Một trong những bi kịch tồi tệ khi cho phép mình phản ứng là bạn đã bỏ lỡ cơ hội tìm ra thông tin giá trị. Thay vì phản ứng trước phát biểu của vợ rằng làm tình với bạn là “chán ngắt”, hãy để cô ấy nói cụ thể về ý đó bằng cách phản hồi lại điều bạn vừa nghe và đặt câu hỏi làm rõ vấn đề. Bạn có thể nói, “Em bị mất hứng à? Nói anh nghe xem. Em cụt hứng vì cái gì? Vì anh à? Hay vì chuyện chúng ta làm trên giường à?”. Dĩ nhiên, không dễ dàng làm điều này khi bạn nghe được một thông tin khó chịu, vì vậy, hãy bám chặt vào các công cụ trong bước cảm thông của Kế hoạch B. Đặt câu hỏi, phỏng đoán, lặp lại những gì bạn nghe, trấn an. Theo cách này thì bạn sẽ không thể đi lệch đường. Thậm chí có thể bạn phát hiện ra rằng vấn đề không như bạn nghĩ. “Không, em không cụt hứng vì anh đâu”, vợ của bạn có thể nói vậy. “Em đã nói em vẫn thấy anh hấp dẫn mà. Em cụt hứng là vì chúng mình cứ làm liền trong khi em chưa cảm thấy đủ gần gũi”.
Bây giờ thì bạn đã có cơ hội để hiểu hơn rồi. “Thôi được, vậy ý em ‘mình cứ làm liền’ nghĩa là sao? Thế em thích làm thế nào?”
Có thể vợ của bạn sẽ đáp lại rằng cô ấy chỉ muốn có thêm thời gian nói chuyện, âu yếm với nhau hoặc ra ngoài ăn tối. Vậy giờ đây bạn đã có thể nhắc lại mối quan tâm của cô ấy: “Được rồi, nếu anh hiểu đúng, em nói rằng em vẫn quan tâm tới anh, em vẫn muốn chúng ta làm tình với nhau, nhưng em cụt hứng vì cách chúng ta làm tình, và em muốn chúng ta làm cách mới để cảm thấy yêu nhau trước đã phải không?”.
Vì đây là Kế hoạch B Chủ động, có thể bạn cần dành chút thời gian trước khi nói chuyện để dự đoán trước một số những mối bận tâm chung chung mà người bạn đời của bạn có thể đưa ra. Bằng cách này, nếu cô ấy cảm thấy khó nói, bạn có thể đẩy cuộc nói chuyện đi tiếp bằng cách gợi mở các phỏng đoán. Trong kịch bản này, bạn có thể nói, “Được rồi, em thấy khó diễn đạt điều em lo ngại về đời sống tình dục của chúng ta. Để anh hỏi em điều này: có liên quan gì tới cân nặng của anh không? Hay là gần đây em cảm thấy bản thân không còn gợi cảm nữa?”. Nhưng đừng đi xa hơn nữa trong việc dự đoán. Đừng cắt giai đoạn. Điểm mấu chốt là hãy lắng nghe tích cực và cởi mở nhất có thể.
Cũng như với trẻ em, giải quyết vấn đề với người lớn thường không hiệu quả ngay từ lần đầu. Đôi khi bạn phải thực hiện Kế hoạch B nhiều lần để hiểu rõ mối bận tâm của người kia và điều chỉnh các giải pháp. Kế hoạch B rất tốn công, nhưng nó tốt hơn nhiều so với cách nhiều cặp đôi làm trong tình huống này. Nói chung, điều mà bạn bè, hàng xóm láng giềng và những người khác trong các mối quan hệ ngang hàng thường làm đơn giản là tránh né vấn đề. Những người trong mối quan hệ không nói về những gì khiến họ bận tâm, vì việc nói thẳng ra có vẻ rất đáng sợ. Khi người ta thật sự nói về những điều đó, họ thường không tạo được tiến triển và thường đồng ý thỏa hiệp. Hoặc họ không thể đi tới bất kỳ thỏa hiệp nào, và xung đột tiếp tục nảy sinh. Mỗi bên đưa ra một giải pháp mong muốn và các bên đấu tranh, không bao giờ đạt tới một giải pháp cùng thỏa mãn, rồi họ trở nên càng ngày càng bức xúc và tức giận hơn. Mối quan hệ sẽ trở nên tồi tệ. Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta nói chuyện thấu đáo về các vấn đề theo cấu trúc chặt chẽ của Kế hoạch B. Bằng cách hợp tác, hai người trong một mối quan hệ ngang hàng có thể tạo ra một giải pháp hợp lý, thỏa mãn và có ý nghĩa cho tất cả các bên.
Kế hoạch B: Luôn sẵn sàng khi bạn cần
Cô đồng nghiệp Linda của tôi đã sử dụng CPS và Kế hoạch B trong công việc được bảy năm thì nghe một tin khủng khiếp: cha của cô bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối. Ông chỉ còn sống được năm tháng. Linda (đây không phải tên thật của cô) và các em của cô rất thân thiết và dành nhiều thời gian bên nhau. Tuy vậy, lúc này căng thẳng nảy sinh trong gia đình. Sau cuộc hôn nhân kéo dài ba mươi năm với mẹ của Linda, người nay đã qua đời, cha cô tái hôn với Tracy. Cả Linda lẫn các em cô đều không có quan hệ tốt với Tracy. Giờ đây, khi cha bệnh, họ bắt đầu tranh cãi với Tracy về nhiều vấn đề liên quan tới việc chăm sóc cha và việc họ có thể lui tới thăm ông như thế nào. “Chúng tôi rất yêu cha”, Linda giải thích. “Cảm xúc của mọi người đang rất căng thẳng. Chúng tôi muốn tới thăm cha thường xuyên hơn mà Tracy lại ngăn cản chuyện đó.”
Mặc cho tiên lượng ban đầu, cha của Linda đã có thể sống thêm hai năm trước khi qua đời vì chứng ung thư. Trong giai đoạn này, chính Linda phải là người gánh trách nhiệm thương lượng để giải tỏa tình trạng căng thẳng trong gia đình. Trong vai trò chị cả, cô là chỗ dựa cho cả gia đình, hay là “phụ huynh bất đắc dĩ” - theo cách cô gọi. Những buổi họp mặt gia đình diễn ra tại nhà cô, và các em cô thường đồng ý với phần lớn các quan điểm của cô. Tuy vậy, đóng vai trò phụ huynh thật sự là một việc rất mệt mỏi vì các em cô không nhìn nhận quan điểm của mẹ kế, dù chỉ là một chút. Như Linda kể lại, cô đã có một “giai đoạn vô cùng thử thách” khi phải dựa vào Kế hoạch B.
Linda phải dùng tới Kế hoạch B trong rất nhiều trường hợp, bao gồm cả lúc bệnh tình của cha cô trở nặng. Ông nhiều lần bị ngã và việc đi tắm trở nên rất khó khăn. Các em cô quyết định là họ không thể giữ ông an toàn và thoải mái ở nhà. Cha cô trước đó có nói ông mong muốn ở nhà càng lâu càng tốt. Trong một cuộc nói chuyện hai người theo Kế hoạch B với cha, Linda cho ông cơ hội thể hiện mối bận tâm về việc muốn ở nhà. Sau khi gợi mở những suy nghĩ của cha, Linda hiểu rằng điều ông thật sự quan tâm là duy trì giá trị của bản thân. Linda cũng bộc bạch về những lo lắng của chị em cô: họ không thể chăm sóc ông được nữa vì Tracy không muốn họ tham gia, mà khu họ ở lại không có dịch vụ chăm sóc tại gia. Họ đã giữ ông ở nhà lâu nhất có thể, nhưng vấn đề là thời gian.
Một giải pháp đã được đưa ra thảo luận: nếu cha quan tâm đến việc duy trì giá trị của bản thân, trong khi mấy chị em lại quan tâm về sự an toàn và thoải mái của ông, cả hai mối lo ngại này có thể được xử lý tốt nhất bằng cách chuyển ông tới một cơ sở chăm sóc. Linda nhớ lại, “Khi biết được những lo ngại của chị em tôi, cha tôi đã hiểu ra điều gì là cần thiết. Sau đó chúng tôi nói về việc làm cho tuần lễ cuối cùng ở nhà của ông vui và ý nghĩa nhất có thể, thay vì cứ phải lo lắng về căn bệnh. Ông đã hiểu rằng nếu cứ ở nhà thì ông không thể duy trì được giá trị mà ông muốn nữa. Chúng tôi cần một nơi có trang bị đầy đủ cho ý nguyện đó. Thế là chúng tôi bắt đầu bàn về cách chuyển cha tới cơ sở chăm sóc sao cho ổn thỏa nhất có thể”.
Cấu trúc của Kế hoạch B cho Linda một điểm tựa. Như chúng ta đã học được khi làm việc với trẻ em, một người càng bị tổn thương thì càng tìm kiếm những gì có kiểm soát, có cấu trúc chặt chẽ và dễ đoán khi tương tác với người khác. Đối với chúng ta, những người chưa từng trải qua sang chấn tâm lý, nhu cầu kiểm soát xuất hiện khi chúng ta đối mặt với các tình huống khó chịu và có khả năng gây tổn thương. Nhờ có sự hỗ trợ của Kế hoạch B, Linda có thể tập trung trong các cuộc nói chuyện khó khăn mà không phải lo câu chuyện sẽ đi tới đâu, vì cô biết bước tiếp theo là gì.
Nói một cách rộng hơn, phương pháp này giúp Linda tự tin hơn trong việc kiểm soát suốt hai năm thử thách. Bất kỳ điều gì xảy ra cho cha cô, bất kỳ điều gì các em cô và mẹ kế của cô có thể phản ứng, cô đều biết rằng mình có thể xử lý. “Với Kế hoạch B, ngay cả nếu người ta bị kẹt trong xung đột, chẳng hạn không thể diễn đạt rõ ràng mối bận tâm của mình, thì bạn vẫn có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch. Bạn có thể không đạt được mọi thứ trong cuộc nói chuyện đầu tiên, nhưng bạn biết bạn có thể trở lại vấn đề. Bạn có công cụ bạn cần.”
Các em của Linda không hiểu về Kế hoạch B nhưng họ luôn cảm kích cách làm của cô. Khi bệnh tình của cha tiến triển, họ bày tỏ sự biết ơn với Linda vì đã xử lý các tình huống quá tốt. Bất kỳ lúc nào có vấn đề nảy sinh, họ lại nhờ Linda giúp vì họ tin cô có thể giải quyết được cốt lõi vấn đề. Sau khi cha qua đời, họ vẫn tiếp tục sử dụng phương thức này. Em gái của Linda thậm chí còn hỏi cô xem có thể sử dụng CPS để giúp chồng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên của nhóm anh ấy hay không.
Càng áp dụng Kế hoạch B trong các tình huống khác nhau và với nhiều đối tượng khác nhau, bạn càng thực hiện nó hiệu quả hơn. Chúng ta đã thấy những đứa trẻ sử dụng Kế hoạch B thành thạo thế nào khi chúng bắt đầu tự mình áp dụng cách tiếp cận này với cha mẹ để giải quyết vấn đề. Người lớn nhận ra rằng họ có nhiều công cụ để giải quyết vấn đề hơn, những công cụ mà họ có thể áp dụng suốt đời, ngay cả trong những tình huống cực kỳ khó khăn mà họ sẽ không xử lý được nếu không có các công cụ này. Hãy dành thời gian thực hành CPS trong các tình huống xung đột hàng ngày, và bạn sẽ sẵn sàng sử dụng nó vào bất kỳ lúc nào bạn cần. Thay vì cảm thấy choáng ngợp trước xung đột và không biết phải làm gì, bạn sẽ có cả các nguồn lực và sự tự tin để tiến lên, ngay cả khi những người xung quanh bạn không thể làm được điều đó.
Dần dần, bạn thậm chí có thể học để áp dụng Kế hoạch B để phòng ngừa xung đột. Khi trở về nhà sau một chuyến công tác, tôi thường thấy các con của mình đã dành sẵn cả mớ yêu cầu cho tôi. “Con làm cái này được không? Con lấy cái này được không? Chúng ta đi tới đây được không?” Thường thì khi cha mẹ đối diện với các yêu cầu như vậy, họ rất dễ đáp lại theo bản năng: “có” hoặc “không”. Tuy vậy, nói “không” thường sẽ nhanh chóng đặt cha mẹ vào tình huống phải thực hiện Kế hoạch B Khẩn cấp nếu đứa trẻ không có kỹ năng xử lý sự thất vọng (nói “có” cũng có thể dẫn tới kết quả tương tự nếu một đứa trong số chúng lại đặt hy vọng vào một kế hoạch khác). Vì Kế hoạch B đã trở thành một thói quen của tôi tại thời điểm này, cách tôi thường làm là trì hoãn quyết định và đi vào bước đầu tiên của Kế hoạch B, đó là yêu cầu thông tin. Ngay cả khi muốn nói không, tôi cũng sẽ nói, “Cha chưa biết. Các con cho cha thêm thông tin xem nào. Có chuyện gì vậy?”.
Con tôi thích cách tiếp cận này vì chúng hiểu yêu cầu cung cấp thông tin của tôi có thể đưa tới kết quả là một câu trả lời “có”. Chúng nhìn nhận tôi như một người có thái độ cởi mở, chúng vui vì chúng có cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, chúng cũng biết rằng tôi vẫn có thể nói không, nhưng dẫu thế nào thì chúng cũng được lắng nghe. Quá trình này tốn thời gian, cũng như tôi phải suy nghĩ về vấn đề một cách điềm tĩnh và hiểu rủi ro ở đây là gì. Nếu sau khi nghe lý lẽ của con mà tôi vẫn còn lo ngại, tôi có thể tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề. Sau đó chúng tôi có thể tìm hiểu các phương án giải quyết được mối bận tâm của cả hai bên. Trong toàn bộ quá trình này, tôi luôn sẵn sàng với phương án A và C nếu đó là điều tôi muốn và cần làm sau khi hiểu hơn về tình thế.
Hầu hết chúng ta không tự nhiên phản ứng lại các yêu cầu trên tinh thần giải quyết vấn đề một cách cảm thông và hợp tác. Chúng ta thường để cảm xúc chi phối phản ứng của mình. Rất khó cho qua cảm xúc, nhưng nếu bạn thực hành tốt Kế hoạch B và cách giải quyết vấn đề qua hợp tác, bạn sẽ dần dần tập cho bản thân cách phản ứng này. Bạn sẽ tự nhiên phản ứng một cách cởi mở hơn, thể hiện mong muốn hiểu quan điểm của người kia và tiếp nhận nó một cách khách quan hơn.
Chúng tôi gọi cách này là Kế hoạch B Tự phát. Khủng hoảng chưa nảy sinh - cảm xúc chưa bùng nổ, vậy chưa cần phải dùng Kế hoạch B Khẩn cấp. Bạn cũng không sử dụng Kế hoạch B Chủ động để xử lý một vấn đề tái diễn hay một vấn đề dự báo trước. Thay vì vậy, bạn sử dụng Kế hoạch B một cách tự phát ngay lúc đó, để khám phá vấn đề trước khi chúng phát triển thành một xung đột thật sự. Kế hoạch B Tự phát không dễ thực hiện như Kế hoạch B, vì bạn không có đủ thời gian để tập trung các suy nghĩ hay lên kế hoạch nói chuyện ở đâu và khi nào. Nó không khó như Kế hoạch B Khẩn cấp, vì không có vấn đề nào đang bùng nổ, và bạn cũng không phải điều tiết cảm xúc đang dâng trào của đối phương. Theo cách nào đó, Kế hoạch B Tự phát là phương án quan trọng nhất trong cuộc sống thường nhật của bạn, vì nó cho bạn một phương cách tin cậy để giải quyết một vấn đề to lớn trước khi nó leo thang. Nếu bạn tăng cường sử dụng Kế hoạch B Tự phát, dần dần bạn sẽ thấy mình tránh được rất nhiều xung đột. Bạn sẽ không phải dùng Kế hoạch B Khẩn cấp và Kế hoạch B Chủ động nhiều nữa. Bạn và những người trong cuộc đời của bạn vẫn sẽ có bất đồng ở những vấn đề nhất định, nhưng bạn đã xây dựng được cho mình một nhịp điệu giải quyết vấn đề. Bạn sẽ giao tiếp với nhau nhiều hơn để tìm ra giải pháp hợp tác, mà thường thì bạn sẽ không nhận ra là mình đang làm điều đó.
KẾ HOẠCH B KHẨN CẤP, KẾ HOẠCH B TỰ PHÁT VÀ KẾ HOẠCH B CHỦ ĐỘNG
Kế hoạch B Khẩn cấp: Giải quyết vấn đề ngay thời điểm nóng giận. Kiểm soát khủng hoảng. Hạ nhiệt.(5)
Kế hoạch B Tự phát: Sử dụng Kế hoạch B ngay tại chỗ để khám phá các vấn đề chưa trở thành khủng hoảng. Đây là một cách duy trì sự cởi mở và phòng ngừa các vấn đề phát triển nhanh.
Kế hoạch B Chủ động: Sử dụng Kế hoạch B để phòng ngừa - không phải tại thời điểm nóng giận - nhằm xử lý vấn đề tái diễn hay các vấn đề có thể dự báo trước.(6)
Tôi không gợi ý rằng bạn nên sử dụng Kế hoạch B Tự phát đối với mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Một số vấn đề có thể giải quyết nhanh gọn với “có” hay “không”. Tuy nhiên, bạn có thể thấy rằng khi bạn nói có hay không quá nhanh, có một số vấn đề không được giải quyết thấu đáo. Sau này, bạn có thể chọn trì hoãn đưa ra quyết định trong các trường hợp này và chuyển sang sử dụng Kế hoạch B Tự phát. Ngoài ra, bạn không nên kỳ vọng là mình có thể ngay lập tức sử dụng Kế hoạch B Tự phát cho tới khi bạn đã thực hành nhiều với Kế hoạch B Chủ động. Bạn cần thành thạo tới mức không cần suy nghĩ về các bước và cách triển khai chúng. Lúc đó bạn mới có cảm giác khi nào thì dùng Kế hoạch B Tự phát để ngăn chặn vấn đề, khi nào thì không. Sự cảm thông và mong muốn được nghe về mối bận tâm của người khác sẽ đến với bạn một cách tự nhiên.
Đừng làm tổn thương nhau thêm
Ngày 26 tháng Hai, năm 2012, George Zimmerman, cư dân vùng Florida, đã bắn chết Trayvon Martin, một thiếu niên người Mỹ gốc Phi mười bảy tuổi và không có vũ khí. Sau cuộc nổ súng, một làn sóng những người Mỹ trẻ tuổi giận dữ vì sự bất bình đẳng chủng tộc tại Mỹ đã thành lập một phong trào mang tên Black Lives Matter(tạm dịch: Sinh mạng của người da đen đáng được coi trọng). Một nhà hoạt động xã hội ở thời kỳ đầu của phong trào, một người đàn ông có tên Bobby Constantino, đã đi bộ từ Boston tới Florida để biểu thị sự phản đối. Trong cuộc đi bộ này, Bobby đã ghé thăm các em học sinh lớp hai của một lớp học ở Boston, lúc đó các em đang học về sự phản đối và thay đổi xã hội. Khi Constantino gợi ý những đứa trẻ và giáo viên tham gia đi bộ tuần hành cùng anh, một đứa trẻ có tên Martin Richard kêu to, “Cháu cũng muốn tham gia!”, đồng thanh cùng một số các nhà hoạt động xã hội tương lai đang đứng cùng cậu trong lớp. Trước khi tuần hành, bọn trẻ làm biểu ngữ mang các thông điệp tẩy chay bạo lực. Biểu ngữ của Martin viết: “Đừng làm tổn thương nhau thêm. Hòa bình”.(10)
Thật đau buồn, Martin đã chết trong cuộc tấn công khủng bố tại Cuộc đua ma-ra-tông Boston vào năm 2013. Sau cái chết của cậu bé, tấm ảnh Constantino chụp biểu ngữ của em đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Tổng thống Obama lúc đó đã trân trọng nhắc đến tấm ảnh trong bài phát biểu xúc động gửi tới người dân Boston không lâu sau vụ đánh bom. Kể từ đó, hình ảnh này thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội và nhiều nơi khác như một biểu tượng hòa bình. Sau cuộc tấn công khủng bố năm 2015 làm rúng động thành phố Paris, chị gái của Martin, Jane Richard, người cũng mất một chân trong cuộc đánh bom, cũng làm ra một hình ảnh tương tự, lần này với các chữ hình khối hộp màu sắc ấn tượng và dịch ra tiếng Pháp. Khi được đăng tải trên Facebook, hình ảnh này đã nhận đươc hàng ngàn lượt thích, chia sẻ và những lời phản hồi chân thành.(11) Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, người ta đã gắn hashtag #NoMoreHurtingPeoplePeace (Đừng làm tổn thương nhau thêm. Hòa bình) trên Twitter để phê phán ngôn ngữ gây chia rẽ của Donald Trump, cũng như để thể hiện sự đau buồn và tức giận sau các vụ xả súng và các hành động khủng bố khác.
Câu chuyện về Martin không chỉ cho thấy tầm quan trọng của hòa bình và lòng trắc ẩn, mà cả sức mạnh đáng ngạc nhiên của những đứa trẻ đều có thể dẫn dắt chúng ta. Theo lời cha mẹ của Martin, “Trẻ em là những người có khả năng kết nối bẩm sinh - trên sân chơi, tại bàn ăn, trong lớp học - và mọi hành động tử tế đơn giản của chúng có thể tạo thành một khác biệt lớn”.(12) Quyển sách này cũng nhìn nhận khả năng kết nối của những đứa trẻ. Những đứa trẻ có hành vi thách đố nhất thế giới giúp chúng ta phát hiện ra sự thất bại mang tính hủy hoại trên diện rộng của biện pháp kỷ luật truyền thống. Chúng giúp chúng ta hiểu nguyên nhân thật sự gây ra hành vi thách đố, chúng cũng giúp chúng ta nắm bắt các phương pháp giải quyết xung đột tốt hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn mỗi khi xung đột nảy sinh. Học hỏi từ những đứa trẻ có hành vi thách đố và những khám phá khoa học mới nhất, chúng ta có thể làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân đạo hơn và phồn vinh hơn.
Tuy vậy, vượt qua các phương pháp truyền thống lẫn những tương tác có thứ bậc nghĩa là phải vượt qua một thử thách quan trọng, một thử thách mà biểu ngữ nổi tiếng của Martin đã thể hiện. Đừng để bất kỳ ai bị tổn thương nữa - kể cả những người có hành vi khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Giống như tội ác, tội lỗi và những căn bệnh xã hội khác, các biện pháp kỷ luật thông thường và nguyên tắc đạo đức khắc nghiệt của nó cũng gây tổn thương cho con người. Nếu như việc hành xử nghiêm khắc đã giữ cho chúng ta an toàn hơn trong một thời gian dài, có lẽ chúng ta có thể nhìn nhận các mối nguy hại mà hành xử này gây ra như một cái giá cần thiết phải trả cho sự tốt đẹp chung. Thế nhưng trong đa số các trường hợp, việc hành xử khắt khe không làm cho chúng ta an toàn hơn. Dù theo bất kỳ tiêu chí nào thì đó vẫn là một thất bại không dò được đáy. Để có cuộc sống bình yên hơn, chúng ta phải xây thêm những chiếc cầu nối, không phải chỉ với những người chúng ta thích mà với cả những người có vẻ muốn gây hại cho ta.
Có vẻ muốn - đó là vấn đề then chốt. Khi phân tích điều này, bạn sẽ thấy những kẻ phạm tội, những đứa trẻ nổi giận tại trường hoặc những đứa con tức giận với cha mẹ hầu như không bao giờ làm những điều này từ ý định hiểm ác. Họ làm vậy vì họ không biết cách nào khác, và vì họ gặp khó khăn với các kỹ năng giải quyết vấn đề. Có được những kỹ năng này có thể giúp những người này hành xử hiệu quả hơn và phù hợp hơn. Vì vậy, hãy trân trọng tưởng nhớ những nạn nhân như Martin Richard và đảm bảo tương lai của những đứa trẻ đang trưởng thành hôm nay bằng cách mở rộng tâm trí và tấm lòng trước những người chúng ta có mâu thuẫn. Theo tinh thần của Martin, hãy đón nhận những người này, vì họ và cũng vì chúng ta. Như hàng ngàn bậc cha mẹ, giáo viên, nhân viên an ninh trường học và nhân viên y tế, những người đã triển khai CPS, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên về những điều chúng ta có thể làm được.