Là một nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, tôi đã điều trị cho nhiều trẻ em và người lớn có hành vi thách đố - gần như đủ các kiểu rối loạn, từ rối loạn chức năng cho đến rối loạn hành vi. Đối với bệnh nhi, một số trường hợp tôi thích điều trị là những em mà tôi gọi là những đứa trẻ thiếu linh hoạt. Đây có thể là những đứa trẻ cực kỳ sáng dạ và năng động trên nhiều phương diện. Chúng có khả năng xuất sắc trong việc học tập và ghi nhớ các thông tin mới - những thông tin đó cứ như được khắc vào não chúng. Tuy nhiên, việc ghi nhớ thông tin cũng là căn nguyên gây ra những khó khăn của những đứa trẻ này. Vì các mối liên hệ nhận thức được hình thành quá vững chắc nên cũng rất khó thay đổi. Một khi những đứa trẻ này trải nghiệm một điều gì đó, thì điều đó phải là như vậy: một khuôn mẫu được hình thành và trẻ rất khó điều chỉnh để thích ứng với các thay đổi dù rất nhỏ. Những đứa trẻ kém linh hoạt mà tôi gặp thường bám vào những cấu trúc chặt chẽ, quy trình cố định và những điều dễ dự đoán. Chúng phải tới nhà hàng mà mình chọn, mặc trang phục theo cách mình thường mặc, ngồi đúng chỗ mình thường ngồi trong lớp. Khi xảy ra chuyện không mong muốn, chúng sẽ không thể xử lý được. Tôi gọi chúng là những đứa trẻ “cần biết trước”, ngược với những đứa trẻ “tùy cơ ứng biến”. Chúng nhìn nhận thế giới theo tiêu chuẩn đen hoặc trắng, tốt hoặc xấu, theo cách của chúng hoặc không theo cách nào khác, và không có gì ở giữa.
Một trong những đứa trẻ thiếu linh hoạt mà tôi từng điều trị là Susan, mười một tuổi. Đó là cô bé mang tính cách đặc trưng của người Mỹ, thích chơi khúc côn cầu và thường gửi hình đội của mình cho tôi xem vào mỗi mùa giải. Cha mẹ của Susan miêu tả cô bé là một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ, có năng lực và rất thông minh - một đứa trẻ rất tuyệt vời trên hầu hết mọi phương diện. Trước đây cô bé chưa từng có vấn đề nghiêm trọng về hành vi. Theo lời mẹ của Susan, “Khoảng 85% thời gian, con bé rất được yêu mến và nổi bật. Nó là nữ hoàng trên sân chơi, một tay bơi và trượt tuyết cừ khôi, một vận động viên thể dục dụng cụ xuất sắc và một vận động viên khúc côn cầu rất giỏi”. Trong 15% thời gian còn lại, Susan rơi vào những cơn giận dữ. “Cứ như có cái công tắc nào vừa bật lên vậy”, cha cô bé nói với tôi. “Con bé sẽ la hét hoặc đánh em của nó. Nó cũng làm vậy với mẹ. Nó sẽ hét lên, 'Con ghét mẹ! Mẹ không có quyền ra lệnh cho con! Đừng nhìn con! Đừng động vào con!'”.
Trong thế giới của hành vi thách đố, những cơn thịnh nộ nghe có vẻ tồi tệ đó thật ra chỉ là chuyện nhỏ. Susan không phải là một đứa trẻ bạo lực. Cô bé không tự tổn hại bản thân, cũng không làm hại người khác. Cô bé hành xử đúng mực ở trường. Thành thật mà nói, cô bé không phải là một ca khó điều trị.
Trong vài tuần đầu làm việc với nhau, chúng tôi đã có tiến triển trong việc giúp cha mẹ Susan hiểu cách cô bé nhìn nhận vấn đề và cách nhìn nhận đó đã dẫn đến các hành vi thách đố của cô bé như thế nào. Susan có vẻ thích các buổi trị liệu, và chúng tôi đã tạo dựng được một mối quan hệ trị liệu rất tốt. Một điều tích cực là cha mẹ cô bé rất yêu thương con và sẵn sàng làm tất cả để giúp con gái mình.
Thế rồi vào ngày đầu tiên Susan vào trung học, cha mẹ cô bé gọi đến và nói họ cần gặp tôi vì Susan đang bị khủng hoảng. Tôi đã sắp xếp lịch để có thể gặp cô bé ngay sau bữa trưa hôm đó. Nhưng như vậy vẫn không đủ sớm. Tôi vừa ra ngoài mua bữa trưa thì nhận được tin nhắn có vẻ hốt hoảng từ văn phòng: “Khách hàng có hẹn lúc một giờ chiều đã tới rồi. Họ cần gặp anh ngay!”
Tôi chạy về văn phòng và thấy Susan đang kích động. Cha cô bé đang ghìm cô bé lại, còn mẹ cô bé thì đang giữ đôi giày của con. Mẹ của Susan giải thích là bà phải giữ đôi giày để cô bé không lao qua cửa kính và chạy mất. “Susan, có chuyện gì vậy cháu?”, tôi hỏi. Cô bé không chịu nói gì với tôi. Điều này thật khác thường. Chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhau rồi kia mà.
Phải mất khoảng hai mươi phút chúng tôi mới có thể giúp cô bé bình tĩnh trở lại bằng cách áp dụng các kỹ thuật mà tôi sẽ mô tả sau ở phần nội dung về cách ứng phó với người đang gặp khủng hoảng. Susan vẫn không nói gì, nhưng cô bé viết ra các từ và cụm từ lên giấy. Trong khi đó, cha mẹ cô bé kể lại chuyện đã xảy ra. Susan không muốn đi học, còn cha mẹ thì cố bắt ép cô bé đến trường. Ngay cả người ông mà Susan yêu quý cũng không thể dỗ được cô bé. Susan đã bỏ chạy và khi được đưa về nhà thì cô bé nói nó muốn tự sát. Chuyện này hoàn toàn không bình thường. Susan có thể thường xuyên có những vấn đề nhỏ về khả năng kiềm chế cơn giận, nhưng cô bé chưa từng có hành vi “bùng nổ” hay có ý muốn tự sát. Chuyện gì đang xảy ra?
Thì ra trong một chuyến cắm trại qua đêm vài tuần trước, Susan đã bị chứng đau nửa đầu nghiêm trọng nhưng không thể liên lạc với cha mẹ qua điện thoại. Trải nghiệm này khiến cô bé bị sang chấn tâm lý. Giờ đây, như đã khẳng định qua những từ ngữ mình viết ra, cô bé không muốn đi học vì vô cùng sợ hãi khi nghĩ đến cảnh bị một cơn đau nửa đầu kinh khủng khác và không biết phải tìm gặp ai hay phải làm gì. Cô bé sợ mình sẽ lại lên cơn hoảng loạn giống như lần đi cắm trại, sẽ lại bị các học sinh khác dòm ngó và nghĩ là cô bé có vấn đề.
Khi biết được những lý do này, tôi thấy mọi thứ trở nên hoàn toàn hợp lý. Như những gì tôi và cha mẹ của Susan đã biết, cô bé gặp khó khăn với các kỹ năng nhận thức liên quan tới sự linh hoạt. So với những đứa trẻ khác, Susan cần nhiều thông lệ, kế hoạch và sự dễ đoán hơn. Và khi thiếu các yếu tố này, cô bé sẽ dễ gặp vấn đề. Như những đứa trẻ thiếu linh hoạt khác, Susan đặc biệt gặp khó khăn với giai đoạn chuyển đổi, khi mà những khuôn mẫu có sẵn không còn áp dụng được và cô bé buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Ngày đầu tiên học trung học chính là một tình huống như vậy, và Susan gặp rắc rối với chuyện này là hoàn toàn dễ hiểu. Mọi thứ ở trường trung học đều khác với những gì cô bé đã quen thuộc: bạn bè mới, tủ đựng đồ cá nhân mới, thời khóa biểu mới, thầy cô mới, ngay cả tòa nhà cũng mới - tóm lại là mọi thứ đều mới. Nếu lại bị đau nửa đầu, cô bé không biết phải làm gì. Cô bé không có quy trình, không có kế hoạch để làm theo. Susan quá chán nản và lo lắng tới mức không biết phải bày tỏ cảm giác của mình với cha mẹ như thế nào. Cô bé chỉ có thể bùng phát. Còn cha mẹ của cô bé, những người lẽ ra có thể can thiệp để giúp đỡ, thì không biết phải làm gì.
Suốt nhiều năm qua, cha mẹ của Susan đã lý giải cơn thịnh nộ của cô bé như một cách để cô bé đạt được điều mình muốn. Đa số các bậc phụ huynh có lẽ cũng đưa ra kết luận tương tự. Giống với cha mẹ của Susan, họ có thể đã xử lý hành vi của con mình bằng cách trừng phạt, vạch ra giới hạn và “dạy con một bài học”. Nhưng trong trường hợp của Susan, rõ ràng cô bé không nổi giận vì muốn vậy. Những lo lắng khi học trong một ngôi trường mới toanh và khả năng bị đau nửa đầu ở ngôi trường đó đã gắn chặt vào nhận thức của Susan, và gia đình càng ép buộc cô bé tới trường thì em càng bùng phát cơn giận lớn hơn. Cha mẹ của Susan có ý định tốt đẹp, nhưng họ đang cố thúc ép đứa con thiếu linh hoạt của mình làm một việc mà cô bé không có khả năng thực hiện. Và vì thiếu kỹ năng nhận thức để xử lý tình huống đó, đứa trẻ thiếu linh hoạt đó đã đưa ra một giải pháp và làm điều duy nhất mà nó có thể làm: nó bùng phát cơn giận.
Không theo khuôn phép thì bị phạt
Xã hội chúng ta có một lối suy nghĩ thâm căn cố đế về cách hành xử. Chúng ta gần như luôn cho rằng hành vi bắt nguồn từ ý chí, rằng con người hành xử một cách có ý thức và có chủ đích. Khi có người cư xử không đúng đắn, chúng ta nghĩ họ cố tình làm vậy. Kết quả là khi các cá nhân trong bất kỳ thể chế xã hội nào hành xử vượt giới hạn hoặc có hành vi sai trái vào bất kỳ lúc nào, những người có trách nhiệm quản lý thường phản ứng bằng cách trừng phạt các hành vi xấu đó. Khi bạn còn là một đứa trẻ, cha mẹ bạn có từng rút ngắn thời gian xem ti-vi của bạn hoặc cắt tiền tiêu vặt khi bạn không ngoan hay không? Đa số các bậc cha mẹ đều làm vậy. Khi bạn tiếp tục có hành vi không phải phép, họ có thể sẽ gia tăng mức độ thưởng - phạt. Họ cũng cho bạn thêm quyền lợi khi bạn cư xử đúng mực.
Kỷ luật học đường cũng tương tự. Chúng ta mặc định là bọn trẻ cư xử không đúng mực tại trường vì chúng cố tình làm vậy để hoặc có được điều gì đó (ví dụ như để được chú ý đặc biệt), hoặc thoái thác làm điều gì đó (chẳng hạn như để không phải làm bài tập hoặc không phải trở lại lớp học sau giờ nghỉ giải lao). Trong những năm học đầu, giáo viên thường áp dụng hình phạt cách ly ngắn hạn. Họ được dạy là khi bị cách ly khỏi bạn bè đồng trang lứa, trẻ sẽ dùng thời gian đó để suy ngẫm về sai phạm của bản thân, chúng sẽ cảm thấy thật tệ vì bị tách khỏi bạn bè và bị phạt, từ đó sẽ cố gắng cư xử tốt hơn. Tương tự, khi trẻ lớn hơn, nhà trường áp dụng biện pháp đình chỉ và đuổi học nhằm cách ly những đứa trẻ ngỗ nghịch cũng như để dạy chúng một bài học. Theo thống kê, đây là các hình phạt phổ biến nhất tại các trường học ở nước Mỹ. Tôi cũng bổ sung là các hình phạt này thường được áp dụng nhiều hơn đối với trẻ khuyết tật và trẻ em da màu.(2) Hệ thống giáo dục của chúng ta cho rằng con người cố tình hành xử tồi tệ, và chúng ta mặc định rằng cách sửa chữa hành vi đơn giản là tạo ra động lực phù hợp.
Khi trẻ thật sự hành xử sai trái và trở nên không thể kiểm soát, chúng ta chuyển chúng khỏi các ngôi trường chính thống và đưa chúng vào các trường trị liệu hoặc các trung tâm điều trị, và cuối cùng là các cơ sở cải tạo thanh thiếu niên. Về sau, chúng ta giam giữ chúng trong các nhà tù dành cho người trưởng thành (tôi sẽ đề cập thêm về quá trình này, một quá trình được gọi là “con đường từ nhà trường tới nhà tù”). Những cơ sở này cũng thường vận hành theo nguyên tắc thưởng - phạt. Tại một số tiểu bang ở Mỹ, luật quy định các mức phạt rất cụ thể cho các hành vi vi phạm của những bệnh nhân hoặc người đang bị giam giữ tại các trung tâm cải huấn. Ví dụ, tại một số cơ sở tôi đã tới làm việc, hành vi nói dối cán bộ, cãi lệnh hay thiếu tôn trọng người khác có thể bị phạt bằng các hình thức như rút đặc quyền, phải đi ngủ sớm, cách ly hoặc lao động thêm giờ. Cán bộ có thể thưởng các hành vi tốt bằng cách cho thêm đặc quyền như được thêm giờ xem ti-vi, thêm thời gian chơi thể thao và ngủ muộn hơn. Các vi phạm nghiêm trọng, như sở hữu vũ khí hay đe dọa cán bộ sẽ bị mức phạt nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bị xếp vào một chương trình hạn chế, hoặc thậm chí bị chuyển tới một cơ sở khác.
Bệnh nhân tại hầu hết các bệnh viện tâm thần khác cũng được điều trị theo cách tương tự. Gần như mọi dịch vụ chăm sóc tại các bệnh viện tâm thần ở Mỹ đều được thực hiện trong một hệ thống kỷ luật chặt chẽ có tên gọi là hệ thống điểm và cấp độ, hệ thống tích điểm thưởng hoặc các hệ thống quản lý dự phòng.(3) Cơ sở điều trị sẽ ghi nhận tiến triển của quá trình điều trị bằng cách xác định những cấp độ khác nhau mà bệnh nhân có thể đạt được. Nếu hành xử tốt, bệnh nhân sẽ được lên cấp độ cao hơn, nhận được nhiều đặc quyền hơn (thời gian xem ti-vi, các bộ phim được xem, suất ăn đặc biệt, các chuyến thăm nhà, v.v.). Khi bệnh nhân duy trì cấp độ cao nhất trong thời gian đủ dài, cơ sở điều trị sẽ cho họ xuất viện. Nhưng nếu bệnh nhân cư xử tệ, họ sẽ trượt xuống các cấp độ thấp hơn và bị mất đặc quyền. Chúng ta cho rằng biện pháp thưởng và phạt này sẽ khuyến khích các bệnh nhân tâm thần cư xử tốt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cho rằng người ta hành xử không tốt là do thiếu ý chí. Chúng ta nghĩ con người ta cư xử tệ vì họ muốn làm vậy.
Tuy nhiên, những điều này không phù hợp với những người mắc chứng rối loạn cảm xúc và hành vi nghiêm trọng. Các doanh nghiệp, chính phủ và toàn bộ các quốc gia triển khai phương pháp này với nỗ lực định hình hành vi. Bạn ký được một hợp đồng béo bở hoặc đạt chỉ tiêu đề ra? Sếp có thể sẽ khen thưởng hoặc thăng chức cho bạn. Bạn không tuân thủ quy trình hoặc lại nhận thêm một đánh giá kém về hiệu quả công việc? Sếp có thể đẩy bạn xuống vai trò thực tập sinh, giáng chức hoặc thậm chí là sa thải bạn. Chính phủ cố gắng khuyến khích các hành vi “tốt” (như đi học đại học và tiết kiệm cho giai đoạn hưu trí) bằng cách đưa ra các hình thức thưởng như chính sách ưu đãi thuế. Họ ngăn các hành vi “xấu” (như gây ô nhiễm hoặc vi phạm các quy định tại nơi làm việc) bằng cách áp các mức thuế cao hơn, thẳng tay trừng phạt hoặc khởi tố. Trong chính sách ngoại giao, chúng ta áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia cố tình vi phạm luật pháp quốc tế, và thưởng các quốc gia có hành vi tốt bằng cách dỡ bỏ trừng phạt, cho họ các đặc quyền thương mại và quyền tham gia các cuộc họp có chụp ảnh với tổng thống của chúng ta.
Chúng ta khăng khăng cho rằng nếu thiết lập được các biện pháp xử lý thích hợp, cho người vi phạm biết lợi ích của việc hành xử đúng đắn và cái giá của hành xử sai trái, họ sẽ đưa ra các lựa chọn tốt hơn và điều chỉnh cách cư xử của mình. Chúng ta có thể truy nguyên lối tư duy này từ Kinh Thánh, từ vị Chúa đầy lòng hận thù trong ngũ kinh Mô-sê, người đã đưa ra những hình phạt tàn nhẫn đối với Những đứa con của Israel vì những hành động xấu xa của chúng. Gần đây hơn, khoa học hành vi thế kỷ 20 dường như đã xác nhận sự khôn ngoan của các hình thức thưởng phạt. Khi thí nghiệm với chuột, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng bằng cách áp dụng hình thức thưởng phạt, họ có thể khuyến khích hoặc ngăn chặn các hành vi đơn giản.(4) Hành vi của con người cũng chỉ là vấn đề xưa cũ của lựa chọn có ý thức và tự do ý chí - không hơn.
Bài học từ những đứa trẻ “hư”
Tuy nhiên, nếu cách suy nghĩ này sai thì sao? Nếu con người không hành xử sai vì họ muốn vậy, mà vì họ thiếu kỹ năng để cư xử khác đi thì sao? Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, phần lớn các nghiên cứu về tâm lý học thần kinh đã bác bỏ lập luận cho rằng hành vi kém là một lựa chọn, đồng thời khẳng định kỹ năng quyết định hành vi tốt. Trên thực tế, các nghiên cứu về thần kinh học đã xác định hàng chục kỹ năng cơ bản và cụ thể mà việc thiếu hoặc gạt bỏ chúng sẽ gây ra các hành vi thách đố hay hành vi “tồi tệ”.
Điều thú vị không kém là bạn không cần khoa học chứng minh mới có thể hiểu chính kỹ năng - chứ không phải ý chí - mới là yếu tố quan trọng quyết định hành vi. Trong những năm cuối trung học, khi lần đầu tiên quan tâm tới tâm lý học, tôi có cơ hội làm việc tại khoa tâm thần dành cho trẻ em tại một bệnh viện. Cơ sở khép kín này nhận trẻ em vào những chương trình ngắn hạn khi chúng có nguy cơ làm hại bản thân hoặc người khác. Vốn dĩ ban đầu tôi chỉ cần ở đó và quan sát, tuy nhiên khoa này đang cực kỳ thiếu nhân viên nên các nhân viên y tế đã nhờ tôi hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân theo những cách mà tôi chưa từng nghĩ tới, mà nói thẳng ra là chưa bao giờ được học.
Trong tuần làm việc đầu tiên, khi tôi cùng các nhân viên y tế đang giám sát bệnh nhân trong sân chơi thì một cậu bé mười hai tuổi - mà tôi gọi là Jason - đã bộc phát cơn giận. Tôi chạy tới hỗ trợ trong khi các nhân viên khác cố gắng làm cho cậu bé bình tĩnh lại. Jason thoát khỏi sự kìm kẹp và làm một điều không ai nghĩ tới: cậu bé đá tôi một cú và phun nước bọt vào mặt tôi. Người hướng dẫn của tôi tại bệnh viện khi đó đã chứng kiến những gì xảy ra. Anh nói, “Chờ đã, để tôi chỉ cậu cách xử lý tình huống này”.
Anh tóm lấy Jason, xoay người cậu bé lại và chỉ cho tôi cách khống chế. Anh vòng cánh tay quanh người Jason, tạo thành một thế trói tay. Đồng thời anh đứng giữa hai chân của Jason để tránh cú “đá hậu” của cậu bé.
Cơn bộc phát của Jason và cảnh khống chế đầy bạo lực đã khiến tôi có phần nhụt chí. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tham gia. Vài giờ sau, Jason lại lên cơn kích động và bị khống chế lần nữa. Jason đã thật sự mất kiểm soát, vì vậy các nhân viên y tế buộc phải đưa cậu bé vào phòng cách ly và úp mặt cậu bé xuống sàn nhà lạnh lẽo. Một nhân viên y tế ngồi lên lưng Jason để giữ cậu bé nằm xuống, sau đó họ ra hiệu cho tôi giữ chặt chân cậu bé. Tôi làm vậy trong vài phút, và chuyện này không dễ chịu chút nào. Jason la hét, gào khóc, vặn vẹo, nhổ nước bọt và chửi rủa chúng tôi thậm tệ.
Chẳng mấy chốc thằng bé đã đuối sức và ngủ lịm trên sàn. Chúng tôi cũng kiệt sức. Tôi nhận ra mình đang giằng co giữa những cảm xúc trái ngược. Tôi cảm thấy khó chịu và hổ thẹn vì đã tham gia hỗ trợ - đối với tôi, hành động đó có vẻ quá thô bạo, không thích hợp và sai trái, như thể tôi đang khiến bệnh nhân phải chịu thêm đau đớn. Mặt khác, tôi cảm thấy được truyền sức mạnh khi có khả năng góp sức cho một việc vô cùng quan trọng nào đó. Tôi không nói với các nhân viên khác về suy nghĩ mâu thuẫn của mình. Họ là các chuyên gia, và tôi nghĩ dù rất đau đớn nhưng khống chế Jason là hành động cần thiết hoặc hữu ích. Chúng tôi chỉ làm việc phải làm.
Suốt bốn mươi phút lái xe về nhà vào buổi tối hôm đó, tôi cảm thấy thật tệ. Chúng tôi đã làm gì vậy? Việc giam giữ đứa trẻ tội nghiệp này có giúp gì cho nó không? Chẳng phải tôi đã nhiều lần nghe nói về việc cậu bé có tiền sử bị ngược đãi thể chất và xâm hại tình dục bởi những người lớn to khỏe hay sao? Không có cách nào khác sao?
Sáng hôm sau, tôi gạt những mối nghi ngại này qua một bên và đến chỗ làm. Lúc đi dọc hành lang, ngang qua căn phòng yên tĩnh, tôi thấy Jason ngồi trong đó. Khi nhìn thấy tôi, cậu bé liền chửi thề. Dù rất muốn nhưng tôi đã không phản ứng lại. Tôi chỉ đi tiếp. Vài giờ sau, tôi lại nhìn thấy Jason và chuẩn bị tinh thần nhận lấy mấy lời nói tục của cậu bé. Thật ngạc nhiên là cậu bé đã tiến về phía tôi với vẻ mặt đáng thương. “Này, xin lỗi anh vì những gì em đã nói. Em không cố ý đâu. Đôi khi em cứ lên cơn điên như vậy đó. Em cũng không biết tại sao nữa.”
Tôi sững sờ. Mãi đến hôm nay tôi vẫn nổi da gà khi nghĩ đến câu chuyện này. Vào khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu bi kịch mà Jason đang phải chịu đựng, cái bi kịch mà tất cả chúng tôi, những người nắm quyền xung quanh cậu bé, đã cho phép diễn ra. Jason đã nói những lời thật tồi tệ với tôi và những người khác, kháng cự chúng tôi và khiến chúng tôi cảm thấy thật kinh khủng. Bởi vậy không ai trong chúng tôi muốn tới gần cậu bé trong vòng bán kính ba mét. Vậy mà Jason vẫn không thể kiềm chế được. Cậu bé mất kiểm soát. Cậu bé không biết phải làm sao. Cậu bé chỉ có thể nói lời xin lỗi sau khi mọi chuyện đã xảy ra. Bản thân Jason mới chính là người mong muốn không phải trải qua một cơn kích động như thế này nhất.
Tôi không thể hình dung Jason đã cảm thấy như thế nào, hẳn là kinh khủng lắm khi phải sống trong cảnh tách biệt với mọi người xung quanh, trong khi bản thân cậu bé không hề muốn hành xử như vậy hoặc không hiểu tại sao mình cư xử như vậy. Đó là lúc tôi bắt đầu nghi ngờ rằng các quan điểm truyền thống của chúng ta về nguyên nhân con người hành xử lệch lạc đã sai rồi. Con người thay đổi nếu họ có khả năng thay đổi, chứ không phải nếu họ muốn, và chúng ta cần xét tới điều này khi giúp họ. Nhân viên y tế ở bệnh viện này có thể “sửa chữa” hành vi của Jason theo ý họ bằng các lần giam giữ, cách ly và sử dụng các hình phạt khác, nhưng không biện pháp nào có hiệu quả. Do thiếu kỹ năng, Jason đã mắc kẹt với các hành vi tồi tệ, còn bệnh viện cũng bế tắc vì không biết xử lý ra sao. Nhân viên y tế đã làm hết sức mình, và các cơ sở điều trị giống bệnh viện này cũng vậy. Tất cả chúng ta đều nỗ lực hết mình để xử lý những gì cuộc sống mang lại bằng cách vận dụng các kỹ năng và thông tin có sẵn. Nếu chỉ được trang bị biện pháp thưởng phạt truyền thống để giải quyết các hành vi thách đố, chúng ta thường sẽ không đạt được kết quả như mong đợi.
Lý do thật đằng sau việc "bất tuân"
Để giúp các bậc cha mẹ thoát khỏi suy nghĩ thông thường đồng thời đánh giá đúng về quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí, tôi thường yêu cầu họ phân tích kỹ hơn tình huống đứa trẻ không chịu làm bài tập về nhà. Tại sao đứa trẻ không chịu làm bài tập? Các bậc cha mẹ sẽ nói, “Rõ ràng quá mà - vì nó không muốn!”. Nhưng nếu lập luận như vậy thì có nghĩa là đứa trẻ nào làm bài tập về nhà là vì chúng muốn thế, có đúng vậy không? Bạn có thấy đứa trẻ nào hào hứng làm bài tập khi chúng có thể làm việc khác, ví dụ như chơi game hoặc nhắn tin cho bạn bè không? Hãy tin tôi, hiếm có đứa trẻ nào thích làm bài tập về nhà. Đa số những đứa trẻ không muốn làm bài tập nhưng vẫn làm, một số khác không muốn làm và nhất định không làm. Nhóm trẻ thứ hai không làm bài tập vì chúng thiếu kỹ năng này hoặc kỹ năng khác - các kỹ năng cần thiết để ngồi yên, không bị xao lãng, hiểu được hậu quả của việc không làm bài tập về nhà và thật sự hoàn thành bài tập. Sự không tuân thủ hiếm khi là vấn đề muốn hay không muốn làm một việc nào đó (xem bài Xem xét lại hành vi “tốt” sau đây).
XEM XÉT LẠI HÀNH VI “TỐT”
Trong hai mươi bốn giờ qua, bạn có làm điều gì khiến bạn cảm thấy không vui hay khó chịu, như dậy sớm đi làm hoặc phải chịu đựng một giờ kẹt xe để đón con hay không? Tại sao bạn làm vậy? Rõ ràng là bạn không muốn dậy lúc bốn giờ ba mươi sáng hay lái xe như bò trên đoạn đường cao tốc dài ngoằng. Động lực nào đã thúc đẩy bạn? Có phải do ai đó giơ một phần thưởng trước mắt bạn hay dọa phạt bạn hay không? Hay đó là nhờ những thôi thúc khác bên trong bạn, ví dụ như muốn con mình vui, cảm thấy tự hào về chúng, mong muốn hoàn thành công việc đúng hạn, hoặc khao khát được kết nối với mọi người thông qua công việc của mình? Điều gì thật sự khiến bạn sẵn lòng thực hiện một hành động nào đó? Nếu suy nghĩ thật kỹ, nhiều khả năng bạn sẽ nhận ra rằng bạn không hành động vì một động lực nào đó bên ngoài bắt bạn phải làm. Thay vào đó, bạn làm vậy vì ở một mức độ nào đó, bạn cảm thấy một động lực nội tại, và vì bạn có một số kỹ năng tư duy - chẳng hạn như kỹ năng tư duy liên quan đến tính tự chủ, tiếp nhận quan điểm, hoặc khả năng suy nghĩ thấu đáo về hệ quả của các hành động của mình - từ đó bạn có động lực thực hiện các hành động mà có thể bạn không thật sự thích.
Lý lẽ tương tự cũng áp dụng cho hành vi của người lớn. Tại sao một số nhân viên có thể dành hàng giờ để lướt mạng xã hội trong giờ làm việc buồn chán của mình trong khi vẫn biết là không được làm vậy? “Vì họ muốn”, chúng ta thường sẽ nói vậy, như khúc dạo đầu cho bài khiển trách. Nhưng một số ít nhân viên (nếu có) chấp nhận làm công việc nhàm chán của mình chứ không kết nối với bạn bè trên mạng xã hội. Một số có thể “kiêng” Facebook, và đó là vì họ có khả năng, trong khi đó những đồng nghiệp có ý thức tuân thủ kém hơn không làm được điều này. Để hiểu được nhóm sau, chúng ta phải đặt vấn đề là những người thể hiện hành vi thách đố bị thiếu các kỹ năng hay năng lực nào.
Khi ngẫm nghĩ những lời giải thích khác mà nhiều người đưa ra cho các hành vi thách đố, chúng ta nhận thấy chúng có vẻ hợp lý. Chúng ta có thể nói, “À, anh ấy chỉ muốn được chú ý thôi”. Ai mà không muốn được chú ý chứ? Và tại sao ai đó lại cư xử tệ để thu hút chú ý nếu anh ta có kỹ năng làm được điều đó theo cách tích cực hơn? Điều này không hợp lý - dĩ nhiên trừ khi cá nhân này không thể dễ dàng cư xử tốt. Tương tự, người ta sẽ nhìn cách hành xử không đúng của ai đó và nói, “Thà gây tai tiếng để được chú ý còn hơn là không được chú ý”. Thật vớ vẩn. Tất cả những người tôi đã gặp đều thà không được chú ý còn hơn là tự mang thiệt vào thân bằng cách giận dữ hay xa lánh người khác.
Người ta cũng nói, “Mike chỉ muốn làm theo cách của anh ấy. Anh ấy muốn kiểm soát”. Hãy chỉ cho tôi ai đó thích làm theo cách người khác - tôi đã nghĩ vậy khi hỏi xem ý họ là sao. Họ đáp, “Anh ấy cố hết sức để đạt được điều anh ấy muốn”. Tất cả chúng ta đều nỗ lực để thỏa mãn nhu cầu của mình, chỉ là một số người làm điều đó một cách thông thạo và khéo léo hơn người khác. Hoặc họ sẽ nói, “Mike là một kẻ thao túng. Anh ta là chuyên gia thao túng”. Khi ai đó tố người khác là chuyên gia thao túng, tôi nói với họ là nếu người đó thật sự là một chuyên gia thao túng, anh ấy sẽ làm tốt đến mức họ sẽ không biết là mình bị thao túng. Thay vào đó, người này đang cư xử kém vì anh ấy không có khả năng đạt được điều mình muốn mà không làm cho những người xung quanh phải tức giận. Tất cả chúng ta đều muốn làm theo cách của mình! Chỉ là một số người trong chúng ta gặp khó khăn hơn trong việc xử lý điều đó mà thôi.
MỘT SỐ LÝ LẼ “CÙN” CHÚNG TA THƯỜNG DÙNG ĐỂ LÝ GIẢI HÀNH VI THÁCH ĐỐ
Những lý lẽ sau đây vừa thiếu chính xác vừa không hữu ích (vì chúng không cho chúng ta hướng hành động để giải quyết hành vi đó). Bạn có thấy chúng quen thuộc không? Bạn có từng suy nghĩ hoặc dùng những lời này để nói về ai đó không?
“Anh ấy chỉ muốn được chú ý.”
“Cô ấy chỉ muốn làm theo cách của mình.”
“Anh ấy chỉ muốn kiểm soát.”
“Anh ta là kẻ thao túng.”
“Anh ta có thái độ rất tệ.”
“Cô ấy lựa chọn sai rồi.”
“Anh ta sẽ không chịu hợp tác.”
“Cô ấy mắc bệnh tâm thần.”*
“Cô ấy là con nuôi đấy.”*
“Nó là con của tên nghiện rượu.”*
“Cô ấy có chồng là kẻ ưa ngược đãi.”*
* Những phát ngôn có thể chính xác nhưng không hữu ích.
Cuối cùng, người ta sẽ coi thường những ai có hành vi thách đố bằng cách nói, “Cô ta đã có những lựa chọn tệ hại”. Khi nói như vậy, họ ngầm cho rằng người có hành vi thách đố đã cân nhắc các phương án lựa chọn của mình, phóng chiếu chúng vào tương lai và nói: “Hành động này sẽ là một lựa chọn tốt. Hành động kia sẽ là một lựa chọn tồi. Tôi nên làm sao? Tôi sẽ làm theo lựa chọn tồi”. Điều này gần như không bao giờ diễn ra trong tâm trí của người đưa ra các lựa chọn tệ hại. Thay vì vậy, có thể cô ấy đang loay hoay với lối tư duy cần thiết để đánh giá các lựa chọn, đưa ra các phương án thay thế và dự đoán hệ quả có thể xảy ra. Cô ấy cũng có thể thiếu các kỹ năng cần thiết để thực hiện hành vi mà cô ấy sẽ phải làm nếu đưa ra “lựa chọn đúng”. Cách nghĩ kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi giúp chúng ta không tập trung vào những lý giải bế tắc mà chuyển sang những gì chúng ta có thể thật sự thay đổi.
Mô hình thay đổi
Đến lúc này, bạn có thể xem xét lập luận của tôi và phản bác, “Lập luận kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi nghe có vẻ đúng đối với các hành vi tồi tệ thông thường, nhưng đối với những hành vi phạm tội nghiêm trọng, rõ ràng là thủ phạm cố tình gây hại”. Thật ra, ngay cả những tội ác nghiêm trọng nhất cũng được nhìn nhận như một vấn đề của kỹ năng chứ không phải ý chí. Nếu dành thời gian nói chuyện với tội phạm, bạn sẽ nhận ra đa số họ phạm tội vì muốn giải quyết nỗi lo to lớn nào đó nhưng lại không thể nghĩ được cách tốt hơn. Khi bạn có đủ tiền mua thức ăn thì thật dễ để khuyên người ta đừng ăn cắp. Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người ăn bữa nay lo ngày mai, có lẽ bạn sẽ thay đổi cách nghĩ của mình. Những cá nhân này thường cần các kỹ năng nhận thức thật mạnh mẽ để giải quyết vấn đề, vượt qua trở ngại hoặc xử lý những tình huống éo le mà họ gặp phải. Nếu thiếu các kỹ năng này, họ sẽ phạm luật và thường gây hại. Có rất ít người muốn phạm luật. Chủ yếu là họ không thể tìm được giải pháp nào tốt hơn.
Nhiều năm trước tôi từng phỏng vấn một thanh niên trong trại cải tạo. Anh đã bắn người và đang trong quá trình bị xét xử tội giết người bất thành. Tôi đã phạm sai lầm khi hỏi anh ta nghĩ gì vào lúc kéo cò súng. Người thanh niên chồm lên, dí sát mặt vào mặt tôi và nói, “Này, đó là câu hỏi ngu ngốc nhất tôi từng nghe đấy”.
“Ừm, được thôi”, tôi nói. “Anh có thể cho tôi biết tại sao đó lại là câu hỏi ngu ngốc nhất anh từng nghe chứ?”
Anh ta nghiêng người lại gần tôi hơn nữa. Tim tôi đập loạn. “Anh nghĩ nếu lúc đó tôi mà nghĩ được gì thì tôi sẽ kéo cái cò súng chết tiệt đó à?”
Khoảnh khắc đó đã dạy cho tôi một bài học tương đương với những gì tôi đã học được trong hai năm cao học. Dĩ nhiên lúc đó anh ta đã không suy nghĩ gì hết. Nếu có suy nghĩ thì anh ta đâu có kéo cò súng. Anh thanh niên này cũng giống với hầu hết những người phạm tội khác - anh biết phân biệt đúng và sai, anh ta biết hậu quả của việc bắn người. Nhưng phần thông minh của trí não của anh ta (ở đây nói tới vỏ não trước trán) đã “bãi công” vào thời điểm đó, và anh đang hoạt động theo sự chỉ đạo của phần não thấp hơn nhiều, đó là phần não điều khiển bản năng đánh-hay-chạy của chúng ta. Không có hình phạt nào có thể ngăn anh ta có hành vi hung bạo. Do đó, anh ta cần cải thiện kỹ năng kiểm soát các cơn kích động và kiềm chế nóng giận - hoặc theo cách gọi của các chuyên gia là các kỹ năng tự kiềm chế và điều tiết cảm xúc.
Có vẻ con người thường cố ý hành xử sai, nhưng đó là vì chúng ta được dạy diễn giải các vi phạm theo cách đó. Đó cũng là do chúng ta thất vọng. Cho dù chúng ta đóng vai trò là cha mẹ, giáo viên, người quản lý, cai tù hay bất kỳ một nhân vật có quyền hành nào, các hành vi thách đố có thể khiến chúng ta vô cùng thất vọng. Trong nhiều trường hợp, người vi phạm khiến chúng ta cảm thấy đau đớn. Khi bị cuốn vào tình huống đó, chúng ta không thể xâu chuỗi các lý lẽ phức tạp để giải thích cho hành động của người phạm tội. Chúng ta cảm thấy không được tôn trọng, tồi tệ và quá sức chịu đựng. Ý thức về quyền hành của chúng ta bị thách thức. Chúng ta muốn chỉ trích và dạy cho kẻ phạm tội “một bài học” - và chúng ta thường làm vậy. Chúng ta đáp trả và kết tội. Khi cả cộng đồng đều thất vọng, chúng ta thấy một phản ứng tương tự, đó là báo cảnh sát và yêu cầu quan tòa thực thi luật pháp và thẳng tay trừng trị tội phạm. Trớ trêu thay, đúng là chúng ta muốn dạy người khác, nhưng không phải là dạy một bài học, mà là dạy họ kỹ năng tư duy.
Chúng ta có quyền cảm thấy thất vọng, sợ hãi và giận dữ. Đây là những cảm xúc hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng cảm xúc cản trở lý trí và sự đánh giá của chúng ta. Hẳn là bạn cũng từng chứng kiến trong đời sống cá nhân rằng người đang có tâm trạng không tốt thì không thể đánh giá tình huống một cách khách quan và đưa ra các giải pháp thực tế. Hãy nhớ lại lần gần đây nhất mà bạn cảm thấy bực mình mà xem. Có lẽ đó là lần gã tài xế đáng ghét nào đó cắt ngang đầu xe bạn. Hoặc khi một đồng nghiệp nói với sếp điều gì đó không hay về bạn. Lúc đó bạn có suy nghĩ bình tĩnh không? Bạn có đưa ra được giải pháp thiết thực nào có thể “sống sót” qua được ngày mai không (tức là khi bạn thức dậy vào ngày mai và đang trong trạng thái bình tĩnh, giải pháp đó có còn được xem là thích hợp)? Hay là bạn lớn tiếng đáp trả? Hãy thành thật xem nào!
Công kích người vi phạm bằng cách kết tội họ, nói rằng họ cố ý làm sai và trừng phạt họ một cách thô bạo có thể xoa dịu bạn trong chốc lát, nhưng không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta sẽ có được giải pháp mang tính xây dựng hơn nhiều nếu giả định là ai đó đang gặp khó khăn với các kỹ năng cơ bản, và bắt đầu giải quyết từ đó. Thường thì việc thiếu hụt kỹ năng mới chính là vấn đề. Nếu nhận định này sai thì bạn cũng chẳng mất gì nhiều. Ngược lại, nếu bạn phạm sai lầm khi mặc định người khác có những ý định tồi tệ, bạn sẽ mất nhiều. Như chúng ta sẽ thấy rõ hơn ở phần sau, biện pháp trừng phạt truyền thống có nhiều nhược điểm nghiêm trọng, bao gồm cả một thực tế không thể làm ngơ, đó chính là chúng đơn giản là không hiệu quả.
Những người hoài nghi tranh luận rằng một số người thật sự suy nghĩ kỹ càng và cố ý thực hiện hành vi xả súng cũng như các hành vi phạm tội khác. Các vụ tàn sát kinh hoàng được lên kế hoạch từ trước khiến cho các cộng đồng dân cư Mỹ nổi giận có vẻ như đã được thực hiện theo cách này, cũng như các vụ tấn công gây ra bởi các tín đồ ISIS và các nhóm khủng bố khác. Trên thực tế, dù những hành động tàn bạo thương tâm không kể xiết này vẫn đang diễn ra, nhưng cần phải nói là rất hiếm khi người ta cố tình hung hăng chỉ đơn thuần vì họ muốn vậy - hiếm hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.(5) Trong phần lớn các trường hợp, các hành động phạm tội là hậu quả của các phản ứng tồi tệ của người phạm tội trước những cơn giận dữ của bản thân (hay còn được gọi là sự hung hăng do phản ứng), hoặc do thiếu các kỹ năng nhận thức cơ bản. Thậm chí sự hung hăng mang tính chủ động của người có khả năng kiểm soát tốt cơn bốc đồng cũng có thể là hậu quả của việc thiếu hụt những kỹ năng như thay đổi quan điểm và cảm thông. Tuy nhiên, giống với hầu hết các thể chế khác, hệ thống pháp luật hình sự của chúng ta tự hài lòng với việc chỉ cần lý giải động cơ là đủ.
Nhiều năm trước đây, khi tôi và đồng nghiệp, Tiến sĩ Ross Greene,(6) bắt đầu làm việc trong hệ thống cải huấn ở vùng ngoại ô tiểu bang Maine, chúng tôi đã trình bày phương pháp kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi cho một trong những cán bộ quản lý ở đây. Đó là một người đàn ông to cao, tóc hoa râm và theo chủ nghĩa hoài nghi. Ông coi chúng tôi như hai gã “công tử” sống trong tháp ngà, mặc áo vá khuỷu tay thời trang từ Harvard tới, và ông nói rõ rằng ông tin cách thích hợp để xử lý các thanh thiếu niên phạm tội là tình yêu cứng rắn. Ông lý giải, “Mấy thứ về kỹ năng mà các anh nói có thể có ích đối với vài đứa trẻ ở đây, có lẽ hai hoặc ba trong số một trăm đứa. Nhưng đa số bọn trẻ ở đây mắc hội chứng rối loạn nhân cách chống xã hội. Đơn giản là chúng sẽ không phản ứng lại, và chúng sẽ lợi dụng anh nếu anh cho chúng cơ hội. Các anh không thể thay đổi chúng”.
Mặc dù có nhiều nghi ngại, vị cán bộ quản lý này vẫn sẵn sàng thử cái mới. Vậy là ông và đồng nghiệp đã làm việc cùng chúng tôi để áp dụng phương pháp kỷ luật có vẻ mềm mỏng hơn và chú trọng hơn vào kỹ năng của chúng tôi. Năm năm sau, tình trạng tái phạm tại cơ sở cải huấn của họ đã giảm rõ rệt, và người đàn ông đầy hoài nghi ngày nào nay đã trở thành một tín đồ đích thực của phương pháp mới. Khi được hỏi việc tập trung vào kỹ năng có thật sự hiệu quả không, ông sẽ đáp, “Đôi khi tôi gặp phải một đứa trẻ thật sự mắc hội chứng rối loạn nhân cách chống xã hội, nhưng chỉ khoảng hai hoặc ba trong số một trăm đứa thôi”. Đó là một sự thay đổi ngoạn mục. Người lãnh đạo này đã có nhận thức cao hơn về tính phức tạp của hành vi xấu, cảm thông và thấu hiểu những người phạm tội hơn rất nhiều, và trên hết, ông đã làm việc hiệu quả hơn nhiều. Ông nhận ra hầu như tất cả hành vi thách đố đều phát sinh từ một trục trặc nào đó về mặt kỹ năng chứ không phải động lực. Điều đó có nghĩa là gần như mọi hành vi đều có thể thay đổi được nếu bạn giúp người khác xây dựng các kỹ năng họ thiếu.
Ví dụ này cho thấy quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi không chỉ là một phương pháp kỷ luật khác bên cạnh các biện pháp kỷ luật vẫn được áp dụng trước giờ. Nó là sự thay đổi lối tư duy, một sự thay đổi về cơ cấu có thể áp dụng cho hành vi của bất kỳ ai trong bất kỳ tình huống nào, dù đó là con cái, đồng nghiệp, hàng xóm, vợ hay chồng của bạn. Thay vì trách cứ người vi phạm và phán xử họ, chúng ta sẽ cố gắng ngẫm nghĩ về các mối lo âu của họ và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của hành vi xấu. Chúng ta cũng thúc đẩy bản thân gác cảm xúc cá nhân sang một bên và trở nên ôn hòa hơn, lý trí hơn khi xử lý các hành vi chúng ta không ưa thích. Tôi nhắc lại là logic ở đây rất đơn giản: người ta sẽ thay đổi nếu có khả năng thay đổi. Vấn đề không phải là người ta có sẵn sàng thay đổi hay không, mà là họ có khả năng thay đổi hay không. Trở ngại khiến họ không làm tốt không phải là thiếu nỗ lực hay động lực, mà là thiếu kỹ năng cần thiết để hiểu và giải quyết vấn đề. Không một ai có hành vi xấu lại thích làm điều tồi tệ hơn điều tốt đẹp. Do đó, thay vì dựa vào phần thưởng và hình phạt, hãy xác định cụ thể xem kỹ năng nào đang thiếu hụt và bắt đầu khắc phục những điều đó, nhằm mang lại sự thay đổi lâu dài và có ý nghĩa.
Người ta sẽ thay đổi nếu họ có khả năng thay đổi
Nhìn nhận hành vi thách đố như một dạng khiếm khuyết năng lực học tập
Ông của tôi, người đã một trăm lẻ hai tuổi tại thời điểm tôi viết quyển sách này, có nhiều câu cách ngôn phong phú từ thời thơ ấu tại Tupelo, Mississippi. Một trong các nhận định sâu sắc của ông mà tôi ưa thích là, “Nếu chúng ta đặt cho con chó một cái tên, dần dần nó sẽ đáp lại khi được gọi bằng cái tên đó”. Nếu bạn nói với người có hành vi sai trái là họ thật tệ hại - ví dụ như lười biếng, sống không mục đích, cố tình gây khó dễ và đáng bị phạt - họ sẽ bắt đầu tin như vậy, và họ sẽ bắt đầu có bộ dạng, cách nói năng và hành động như một kẻ lười biếng, sống không mục đích, cố tình gây khó dễ và đáng bị phạt. Họ sẽ mất hết động lực thay đổi hay cải thiện. Tuy nhiên, nếu bạn nói với người hành xử sai trái rằng ai cũng đều phải nỗ lực khắc phục một điều gì đó, chúng ta đều gặp khó khăn với những kỹ năng tư duy nhất định nào đó để ứng phó với cuộc sống thường nhật, thì người đó sẽ không cảm thấy nản lòng và sẽ không nản lòng. Họ sẽ nhìn thấy một con đường rộng mở trước mắt, cảm thấy lạc quan về việc có khả năng thay đổi để cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.
Trong nhiều thập kỷ, chúng ta từng phán xét những đứa trẻ gặp khó khăn khi học các môn ở trường, chẳng hạn như môn đọc hiểu và toán học. Chúng ta từng nói với chúng là chúng thật lười biếng và sống không mục đích, và chúng ta từng thưởng hoặc phạt chúng để khơi dậy động lực của chúng. Tương tự, khi gặp những người dễ kích động, bốc đồng và thiếu tập trung, chúng ta gạt bỏ họ như những “con cừu đen” và áp dụng các hình thức kỷ luật theo thông lệ. Trong cả hai trường hợp trên, chúng ta đều đã đánh mất các thế hệ người trẻ tuổi khi khiến họ luôn mang trong mình cảm giác thất bại, tin rằng mình là kẻ lười biếng, ngu ngốc, khó dạy và hoàn toàn tồi tệ.
Ngày nay, như chúng ta đều biết, rất nhiều người trong nhóm người kể trên mắc chứng khó đọc, tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder - ADHD) và các dạng khiếm khuyết năng lực học tập khác bắt nguồn từ chức năng của não bộ. Những đứa trẻ này đang nỗ lực hơn bạn bè đồng trang lứa để học hoặc hoạt động bình thường - chúng khao khát thành công. Thế nhưng chúng ta lại trừng phạt chúng vì cho rằng chúng có vấn đề về động lực. Vì áp dụng các biện pháp kỷ luật truyền thống, chúng ta đã tiếp nhận một vấn đề - mà ở đây chính là sự thiếu hụt kỹ năng tư duy - và khiến cho nó trở nên trầm trọng hơn. Tôi chắc chắn một số độc giả của quyển sách này đã hiểu từ kinh nghiệm bản thân rằng thật khó khăn khi là một học sinh nỗ lực hơn người để thành công mà vẫn bị đối xử như chưa nỗ lực đủ.
Thay vì phán xét về hành vi thách đố, hãy bắt đầu nhìn nhận đúng bản chất của nó: một dạng khiếm khuyết năng lực học tập, và nó thật sự tồn tại, giống như chứng khó đọc vậy. Trong khi người khác gặp khó khăn với việc đọc hoặc tập trung chú ý, những người có hành vi thách đố gặp khó khăn với các kỹ năng như kỹ năng linh hoạt, kiểm soát cảm xúc trong lúc khó khăn và giải quyết vấn đề. Giống những người mắc chứng khó đọc hoặc ADHD, người có hành vi thách đố thường nỗ lực hơn người khác để thích ứng và hành xử đúng đắn, và họ thất bại chẳng qua là do họ không có kỹ năng. Tôi biết điều này vì tôi đã gặp hàng trăm người như vậy trong quá trình làm việc của mình. Tôi cũng cộng tác với rất nhiều chuyên gia tại trường học, nhà tù, sở cảnh sát và trong các chương trình trị liệu, những người chuyên ứng phó với hành vi thách đố ở trẻ em và người lớn, và chúng tôi luôn có thể truy ra nguồn gốc của các hành vi thách đố là do thiếu hụt các kỹ năng cơ bản. Cuối cùng, tôi đã thấy các nghiên cứu khoa học chứng minh sự thiếu hụt các kỹ năng cũng như các khác biệt cơ bản trong sự phát triển não bộ chính là thứ kích hoạt các hành vi thách đố.
Không chỉ nên được xem như một dạng khiếm khuyết khả năng học tập, hành vi thách đố còn có thể được xem như một dạng chậm phát triển. Bạn có từng nuôi nấng hay đơn giản là có thời gian ở bên một đứa trẻ hai, ba tuổi nào không? Nếu có thì bạn đã biết không có đứa trẻ nào ở độ tuổi này lại cư xử đúng đắn như chúng ta mong muốn. Ở tuổi lên hai, bọn trẻ có thể hành xử rất khủng khiếp. Chúng đá, đánh, la hét, chạy lung tung. Chúng lăn ra sàn và gào thét. Toàn bộ “thảm kịch” này xảy ra vì những đứa trẻ mới chập chững đi này không có bất kỳ kỹ năng nào trong số những kỹ năng tôi đã đề cập: kỹ năng linh hoạt, kiểm soát cảm xúc trong lúc khó khăn và giải quyết vấn đề. Bạn không muốn dùng phương pháp thương lượng với những đứa trẻ này đâu. Chỉ cần hơi bị kích động là chúng đã gào lên. Còn sự linh hoạt hả, quên đi nhé! Khi chúng bị tách ra khỏi các thói quen sinh hoạt thông thường, “thảm kịch” sẽ lại xảy ra.
Hầu hết trẻ em ở độ tuổi lên sáu cư xử tốt hơn trẻ mới biết đi, hầu hết trẻ em ở độ tuổi mười bốn cư xử tốt hơn trẻ lên sáu, và hầu hết những đứa trẻ mười tám tuổi sẽ cư xử tốt hơn những đứa mười bốn tuổi. Đó là vì khi những đứa trẻ này lớn lên, thường thì các kỹ năng trong lĩnh vực giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc và sự linh hoạt cũng phát triển cùng với quá trình phát triển não bộ. Tuy nhiên, ở một số người, các kỹ năng này không phát triển theo tiêu chuẩn thông thường. Những đứa trẻ này có thể đã mười lăm tuổi nhưng lại có khả năng kiểm soát cảm xúc của một đứa trẻ lên năm. Chúng có thể hai mươi tuổi nhưng chỉ có kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ tám tuổi. Hoặc đó có thể là những người hoàn toàn trưởng thành và đang ở độ tuổi năm mươi nhưng kỹ năng linh hoạt của họ chỉ như trẻ mười tuổi. Con người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể gặp khó khăn vì chậm hoặc kém phát triển các kỹ năng nhận thức, và việc xây dựng kỹ năng thì không bao giờ là quá muộn.
Nhìn nhận hành vi thách đố như một dạng khiếm khuyết hay chậm phát triển không chỉ giúp người ta cảm thấy tốt hơn về bản thân mà còn thay đổi cách suy nghĩ của những người có quyền hạn về vai trò và phản ứng của mình khi đương đầu với những cách cư xử sai trái. Thay vì cố gắng thay đổi động lực của người vi phạm, chúng ta có thể bắt đầu giúp họ hiểu tại sao họ gặp khó khăn và sau đó giúp họ xây dựng kỹ năng để có thể hành xử tốt hơn trong tương lai. Chúng ta có thể đánh giá họ thiếu những kỹ năng nào và dùng phương pháp phù hợp với từng cá nhân để hướng dẫn những kỹ năng đó cho họ. Quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi giúp chúng ta biết cảm thông hơn. Thay cho mô hình vũ lực có thể uốn nắn cứng nhắc, chúng ta có thể áp dụng một mô hình mới mà trong đó chúng ta đảm nhiệm vai trò của một người hợp tác hỗ trợ, người thầy và người hướng dẫn.
Tôi đã lập luận rằng nhiều lý giải thông thường về hành vi thách đố không tuân theo một logic nào. Nhưng khi diễn giải các hành vi thách đố như một dạng khiếm khuyết năng lực học tập, chúng tôi nhận ra là các cách giải thích khác cũng có phần đúng, nhưng thiếu tính thực tiễn. Ví dụ, những người sếp, các bậc cha mẹ, giáo viên, người phân xử và những nhân vật có quyền hạn khác có thể bao biện cho các hành vi thách đố bằng cách lưu ý rằng người vi phạm là con nuôi, đang bị sang chấn tâm lý, hoặc mẹ anh ta uống rượu lúc mang thai anh ta. Các cách giải thích như vậy tuy có thể chính xác nhưng lại không cho chúng ta biết cách giúp đỡ người vi phạm. Chúng không giúp chúng ta tìm được giải pháp.
Hãy đưa các lý giải này vào một bài trắc nghiệm mà tôi gọi là “trắc nghiệm giấy quỳ”. Bạn hãy chọn một khoảng thời gian bất kỳ và sử dụng câu gợi ý sau: “Trong… tháng, chúng ta hy vọng anh ấy/chị ấy sẽ cải thiện…”. Hãy điền lý giải của bạn vào chỗ trống và xem câu này thế nào. “Trong sáu tháng, tôi hy vọng chị ấy sẽ cải thiện hội chứng rối loạn do nhiễm rượu từ trong bụng mẹ.” Nghe có vẻ không hữu ích gì mấy. Tương tự, một người có thể là con nuôi và do đó gặp khó khăn với vấn đề quá lệ thuộc về mặt cảm xúc, nhưng biết được điều này cũng không giúp bạn đưa ra cách giải quyết nào để cải thiện vấn đề vào lúc này. Hiện tại chúng ta có làm gì thì cũng không thể thay đổi tình huống. Đây không phải là một thông tin có ích về mặt lâm sàng.
Việc nhìn nhận các hành vi thách đố như một dạng khiếm khuyết hoặc chậm phát triển năng lực học tập thật sự đã qua được “bài trắc nghiệm giấy quỳ”. Ví dụ, nếu chúng ta phân tích một người và phát hiện người này không thể giữ bình tĩnh khi bực mình, chúng ta có thể bắt đầu giúp anh ta xây dựng kỹ năng đó, tương tự như việc xây dựng cơ bắp tại phòng tập thể hình. Nếu nỗ lực và luyện tập chăm chỉ, người vi phạm sẽ cải thiện trong sáu tháng. Nếu tiếp tục luyện tập, họ sẽ có nhiều tiến bộ hơn nữa trong sáu tháng tiếp theo. Việc lý giải hành vi của người vi phạm như hậu quả của khiếm khuyết năng lực học tập cũng đúng như việc diễn giải nó như một sang chấn tâm lý tuổi thơ dai dẳng hoặc do chứng rối loạn thai nhi, nhưng phương pháp này hiệu quả hơn nhiều. Nó hướng chúng ta tới các hành động rõ ràng mà chúng ta có thể thực hiện để thay đổi, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người có hành vi sai lệch đều có thể thay đổi.
Cuối cùng, việc xem các hành vi thách đố là một dạng khiếm khuyết hoặc chậm phát triển năng lực học tập - theo quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi - là một phương pháp nhân văn hơn nhiều. Nó buộc bạn nhìn nhận một sự thật: những người có hành vi tồi tệ thường là những người nỗ lực nhiều hơn đa số những người khác. Họ đã mang nặng nhiều tổn thương, và họ thật sự không cần phải chịu đựng thêm nỗi đau đớn và sự sỉ nhục mà biện pháp trừng phạt truyền thống gây ra - đặc biệt là khi việc trừng phạt không hề hiệu quả.
Nếu bạn vẫn tin là con người có thể thay đổi nếu họ thật sự muốn, thì tôi có câu chuyện này muốn kể với bạn. Cô bé Jennifer tám tuổi là con cả trong một gia đình khá giả ở ngoại ô thành phố Boston. Cô bé bắt đầu gặp khó khăn trong việc đọc, cũng như gặp các vấn đề với việc tổ chức và lên kế hoạch - thứ mà chúng ta gọi là khiếm khuyết chức năng điều hành của não bộ. Khi lên lớp ba, bốn và năm, bài vở trở nên khó hơn và cô bé phải rất gắng sức để hoàn thành bài tập về nhà. Vô cùng khó chịu với tình cảnh đó, cô bé bắt đầu nổi nóng - cãi nhau với anh chị em trong nhà, không tôn trọng thầy cô giáo ở trường, v.v.
Giáo viên của Jennifer cho rằng cô bé muốn mọi việc phải theo ý mình và đang cố gây chú ý, thế nên họ phản ứng theo cách duy nhất mà họ biết. Họ thẳng tay trừng phạt, đưa cô bé vào chương trình can thiệp hành vi ở trường, trong đó bao gồm các biện pháp xử phạt khi cô bé cư xử không đúng và khen thưởng khi cô bé ngoan. Jennifer hành xử ngày càng tệ, và bây giờ chúng ta đã hiểu lý do: các kỹ năng cơ bản của cô bé không hề được cải thiện, và trên hết, cô bé còn phải chịu đựng gánh nặng của các biện pháp can thiệp lẽ ra phải mang tính hỗ trợ nhưng trên thực tế chỉ khiến cô bé cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân.
Cha mẹ của Jennifer đưa cô bé tới gặp tôi. Cô bé không muốn nói nhưng có thể viết ra suy nghĩ của mình. Đây là những gì cô bé đã nguệch ngoạc bằng bút lông mực đỏ: “Đầu óc cháu ngu dốt (nguyên văn). Cháu phạm những lỗi ngớ ngẩn. Cháu làm mọi thứ gối tung (nguyên văn). Cháu luôn gây lộn xộn, tự làm mình đau và phá hỏng mọi chuyện”. Đây không phải một đứa trẻ cố tình gây chuyện, không phải là một chuyên gia thao túng hay một kẻ chỉ muốn làm theo ý mình. Đây là một đứa trẻ đang đau đớn, một đứa trẻ muốn làm tốt nhưng không thể. Sự tự tin của Jennifer suy sụp vì cô bé không có khả năng đáp ứng kỳ vọng của những người xung quanh, và cũng vì những thông điệp tiêu cực mà cha mẹ và thầy cô vô tình gửi đến cô bé qua việc xem hành vi của cô bé là cố ý. Nguy cơ thường thấy là Jennifer cuối cùng sẽ bỏ cuộc và không còn cố gắng thay đổi hành vi của mình nữa. Cô bé sẽ tự nhủ, “Có lẽ những người lớn này nói đúng. Có lẽ mình chưa thật sự nỗ lực. Có lẽ mình đúng là lười biếng. Bởi vì có lý do nào khác khiến họ phải cố gắng khích lệ mình cơ chứ?”. Nếu bạn đặt cho con chó một cái tên, dần dần nó sẽ đáp lại khi được gọi bằng cái tên đó. Ở tuổi lên tám, cô bé này đã đáp lại “cái tên” mà nó được gán cho.
Mỗi lần đọc lại những lời của Jennifer, tôi lại có cảm giác kích động muốn truyền đi thông điệp kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi. Những đứa trẻ đáng thương này nghĩ mình là đứa trẻ “ngu ngốc” và “làm mọi thứ rối tung”. Chúng tin đó hoàn toàn là lỗi của chúng. Bạn có thể hình dung được cảm giác này kinh khủng thế nào không? Phải mất cả đời mới xóa bỏ được nhận thức như vậy về bản thân. Những người như Jennifer không phải là người xấu. Cũng như tất cả chúng ta, họ có những kỹ năng cần mài giũa. Không may cho họ là những kỹ năng cần thiết mà họ đang thiếu đó tạo ra các hành vi vi phạm và khiến chúng ta hiểu sai về họ.
Từ “trẻ có vấn đề” tới “lớp trưởng”
Khi chúng ta thay đổi lối tư duy và nhìn nhận các hành vi thách đố như sự thiếu hụt kỹ năng, những điều đáng kinh ngạc sẽ xảy ra. Bạn còn nhớ cô bé Susan trong đầu chương này chứ? Trong trường hợp của Susan, cha mẹ cô bé đã ngưng sử dụng biện pháp kỷ luật thông thường để buộc cô bé đi học. Thay vào đó, khi nhận ra vai trò của sự thiếu linh hoạt trong nhận thức của cô bé, chúng tôi đã tìm được cách giúp cô bé phát triển các kỹ năng tư duy linh hoạt. Tôi đã phối hợp cùng hiệu phó, chuyên viên tư vấn và cố vấn tâm lý của nhà trường để tìm hiểu điều gì có thể trở thành động lực khiến Susan hành động, liệt kê các kỹ năng linh hoạt mà cô bé thiếu và ghi nhận cách một số tình huống nhất định kết hợp với sự thiếu linh hoạt khiến cô bé “bùng nổ” như thế nào. Giải pháp này gồm hai phần. Đầu tiên, chúng tôi cần lập các kế hoạch để đối phó với các tình huống bất ngờ cho những lúc Susan bị chứng đau nửa đầu. Bằng cách này, cô bé cảm thấy yên tâm đến trường vì biết rõ mình phải làm gì khi bị đau đầu. Khi có một quy trình để bám vào, cô bé không bị hoảng sợ. Thứ hai, chúng tôi cần tìm cách giúp cô bé dần dần xây dựng kỹ năng linh hoạt để giảm thiểu nguy cơ phát sinh các vấn đề về hành vi trong tương lai khi cô bé gặp các tình huống mới trong cuộc sống.
Chúng tôi đã thực hiện cả hai phần của giải pháp này. Chúng tôi đã cùng Susan vạch ra một kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ vô cùng chi tiết, trong đó ghi rõ là cô bé có thể nhờ ủy viên thư ký của trường nếu tái phát chứng đau nửa đầu. Để Susan không phải bối rối trước mặt bạn bè, thư ký trường sẽ không đặt cho cô bé bất kỳ câu hỏi nào. Khi bị đau đầu nửa đầu, cô bé đau tới mức không thể nói năng rành mạch và tự cảm thấy ngại ngùng về những lời mình nói. Nhân viên thư ký sẽ đưa Susan đến phòng tư vấn, nơi cô bé được sử dụng điện thoại để liên lạc với mẹ mà không bị hỏi gì hết. Chúng tôi cũng xác định người mà Susan sẽ gọi nếu không thể liên lạc được với mẹ, cũng như thời gian cô bé sẽ đợi để xem cơn đau đầu có giảm không trước khi nhà trường cho cô bé nghỉ học về nhà. Tất cả những điều này được ghi ra giấy và Susan là đồng tác giả. Bằng cách này, cô bé cảm thấy dễ chịu hơn khi đến trường.
Đối với phần hai của giải pháp này, chúng tôi không cần thực hiện một quá trình hoàn toàn mới. Cách tốt nhất để người có hành vi sai lệch xây dựng các kỹ năng mà họ thiếu là được thực hành giải quyết vấn đề trong thực tế. Khi có vấn đề nảy sinh, cha mẹ, giáo viên, người cố vấn và những người có thẩm quyền có thể cùng với các cá nhân này vạch ra giải pháp thay vì chỉ đơn giản áp đặt ý muốn lên họ. Quá trình phân tích để giải quyết vấn đề giúp xây dựng các kỹ năng mới và thật sự hình thành các kết nối mới trong não bộ. Trong trường hợp của Susan, để bắt đầu xây dựng kỹ năng, cô bé cần tham gia lập các kế hoạch ứng phó với việc bất ngờ mà nhà trường chuẩn bị cho cô bé. Khi lập kế hoạch, cha mẹ, giáo viên và người quản lý trong trường không áp đặt các điều kiện, và Susan cũng vậy vì cô bé đang luyện tập kỹ năng linh hoạt. Đó là quá trình cho-và-nhận mà trong đó Susan chỉ cải thiện một chút khả năng chấp nhận rằng sự việc sẽ sai lệch so với những gì được hằn sâu trong đầu cô bé. Đó là cách chúng ta xây dựng kỹ năng: từng chút một, với sự hướng dẫn và hỗ trợ của người có thẩm quyền.
Sau vài tuần, chúng tôi đã giúp Susan quay lại trường học. Sau vài tháng, chúng tôi đã có thể giúp cô bé hoàn toàn đón nhận việc đi học ở trường và học khá tốt. Cô bé hoàn tất năm đầu tại trường trung học mà không có vấn đề lớn nào về hành vi. Sáu tháng sau, khi đang học năm thứ hai thì gia đình cô bé chuyển tới California. Nếu có sự kiện nào có thể làm phiền lòng một đứa trẻ gặp vấn đề với tính linh hoạt thì đó chính là việc chuyển nhà tới đầu kia của đất nước. Nhưng nhờ nỗ lực mà Susan và gia đình đã thực hiện để xây dựng kỹ năng và vạch ra phương án xử lý cho cô bé, cô bé đã thích ứng tốt. Khoảng một năm sau, cha mẹ Susan liên lạc với tôi và cho biết cô bé đã được bầu làm lớp trưởng.
Nhìn nhận hành vi thách đố của Susan theo quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi đã giúp chúng tôi tìm ra cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Tất cả chúng tôi đã học được cách cảm thông nhiều hơn, hợp tác tốt hơn và linh hoạt hơn (và trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy giáo viên thường trở nên cảm thông hơn khi hiểu về sự thiếu hụt kỹ năng của học sinh chứ không chỉ biết về các hành vi thách đố của học sinh đó).(7) Chúng tôi đã học cách xây dựng các kỹ năng nhận thức cơ bản thay vì áp thêm một hình phạt hay đưa ra thêm một phần thưởng. Chúng tôi đã học cách quay về với ý nghĩa nguyên sơ của từ kỷ luật. Chúng ta rất thường sử dụng từ này tương đương với hình phạt, thế nhưng ý nghĩa nguyên thủy của kỷ luật rất khác. Nó có nghĩa là “dạy dỗ”. Hãy thay đổi cách chúng ta nghĩ về kỷ luật. Hãy quay trở lại với nghĩa gốc của từ này, cho dù vấn đề là ở trường học, nơi làm việc, hoặc trong gia đình với những đứa trẻ hay người bạn đời. Trong chương sau, tôi sẽ giới thiệu với bạn khá nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy vì sao chúng ta nên thay đổi cách nghĩ về “kỷ luật”.