Hãy thực hiện thử thách này với bạn bè khi bạn có dịp tụ tập với họ. Hãy viết xuống năm con số ngẫu nhiên từ 0 tới 9. Đọc chậm các con số này cho bạn bè cùng nghe - chẳng hạn như “8, 6, 9, 4, 2”. Hãy đề nghị bạn bè đọc lại các con số theo thứ tự mà bạn vừa đọc. Họ có làm được không? Nhiều khả năng là họ làm được, ngay cả khi đã uống một vài ly rượu cũng thế. Nhưng đây mới là lúc thú vị: hãy chơi lại trò này một lần nữa, bạn cũng đọc cho họ một dãy năm số mới, chỉ là lần này hãy yêu cầu họ đọc lại dãy số đó theo thứ tự ngược lại. Họ có làm được không? Có lẽ một số người sẽ làm được. Nhưng liệu họ có làm được với một dãy bảy chữ số bất kỳ không? Hoặc mười chữ số?
Tôi thực hiện bài tập này với các khán giả của mình trong các khóa huấn luyện và quá trình đó luôn khiến tôi ngạc nhiên. Tôi thấy mọi người nhăn mặt, nhắm mắt, cố gắng thực hiện nhiệm vụ đơn giản này. Họ đưa tay vẽ những con số vào không khí để ráng ghi nhớ các con số và thứ tự của chúng.
Các nhà tâm lý học gọi bài tập này là bài kiểm tra dãy số, họ dùng nó để đo khả năng chú ý và ghi nhớ ngắn hạn (working memory) của con người.(1) Các nhà tâm lý học từng cho rằng đa số người trưởng thành có thể tiếp thu và ghi nhớ khoảng năm thứ trong tâm trí cùng một lúc. Sau này họ đã điều chỉnh lại và khẳng định một người trưởng thành bình thường có thể tiếp thu và ghi nhớ đồng thời bảy khái niệm (có thể là những từ ngữ, con số hoặc nhiệm vụ, v.v.).(2) Số điện thoại ngày nay có mười đến mười một chữ số và hầu hết mọi người đều cảm thấy vô cùng khó nhớ. Tuy nhiên, đa số chúng ta có thể dùng mẹo để nhớ lại dãy số điện thoại. Nếu đã nhớ được mã vùng thì chúng ta chỉ còn phải ghi nhớ khoảng tám yếu tố - bảy con số chính của số điện thoại và một mã vùng.
Bài tập với dãy số có vẻ là một trò chơi đơn giản, nhưng ý nghĩa của nó hơn thế nhiều. Chúng ta không sử dụng khả năng tập trung và ghi nhớ ngắn hạn chỉ để nhớ các số điện thoại, mà còn dùng nó để hỗ trợ các hoạt động khác trong cuộc sống thường nhật. Khi không có khả năng chú ý và ghi nhớ tốt, chúng ta sẽ gặp rắc rối với cha mẹ, sếp và những người có quyền hạn khác. Nếu bạn là một đứa trẻ có trí nhớ ngắn hạn rất hạn chế dựa theo kết quả của bài kiểm tra dãy số (ví dụ bạn chỉ có thể nhớ ba số một lần) thì bạn sẽ rất căng thẳng để ghi nhớ một mệnh lệnh, chẳng hạn như “Lên lầu và lấy ba-lô. Trở xuống nhà. Nhớ khóa cửa và đừng quên áo khoác, sau đó gặp mẹ ngoài sân”. Nếu là một người trưởng thành, bạn sẽ khó nhớ nổi những lời yêu cầu như thế này, “Tôi cần bản báo cáo đó vào cuối ngày. Nhớ dùng giấy cardstock vì nó cần được in trên giấy dày như vậy. Tôi không muốn một bản báo cáo in hai mặt, được chứ? Và tôi muốn cách dòng đơn. À, tôi cũng cần nhận được bản báo cáo đó qua email trước bốn giờ chiều”.
Bài kiểm tra dãy số này chỉ là một trong nhiều bài kiểm tra mà các nhà tâm lý học dùng để đánh giá cái mà chúng ta gọi là các kỹ năng nhận thức thần kinh. Đây là các kỹ năng tư duy liên quan tới các lĩnh vực tổng quát như tính linh hoạt, kiềm chế nóng giận và giải quyết vấn đề. Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các bài kiểm tra như Bài kiểm tra hiệu ứng màu sắc và từ ngữ Stroop (Stroop Color and Word Test, được dùng để đánh giá khả năng kiểm soát cơn bốc đồng) và Bài kiểm tra tên gọi Boston (Boston Naming Test, đánh giá khả năng thông thạo ngôn ngữ) để nghiên cứu các kỹ năng nhận thức thần kinh ở trẻ em và người trưởng thành.(3)
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số người có các kỹ năng này cao hơn nhiều so với mức trung bình, một số khác lại có kỹ năng này thấp hơn đáng kể so với mức trung bình. Họ còn phát hiện ra một điều khác: những người thường xuyên có hành vi thách đố thường gặp khó khăn trong việc phát triển một hoặc một số các kỹ năng này, và người có hành vi thách đố trầm trọng nhất là người gặp nhiều trở ngại với nhiều (hoặc tất cả) kỹ năng nhận thức thần kinh. Nói cách khác, các nhà khoa học đã xác định từ lâu điều mà đại đa số chúng ta đã bỏ qua trong cuộc sống thường nhật: kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi là nền tảng lý giải cho hầu hết các hành vi xấu.
Trong giai đoạn cuối những năm 1980, các nhà nghiên cứu ở Luân Đôn tập trung một nhóm những đứa trẻ bốn tuổi mà cha mẹ chúng đánh giá là khó bảo, và họ cũng tạo một nhóm đối chứng gồm những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không có khó khăn về hành vi. Họ triển khai các bài kiểm tra nhận thức thần kinh để đánh giá các kỹ năng liên quan tới chức năng vận hành: khả năng kiểm soát sự bốc đồng, khả năng chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khác nhau và khả năng ghi nhớ thông tin (trí nhớ ngắn hạn). Những đứa trẻ “khó bảo” kém hơn nhiều trong việc kiểm soát cơn bốc đồng, mặc dù khả năng chuyển đổi nhiệm vụ và trí nhớ ngắn hạn của chúng tốt ngang nhóm đối chứng.(4)
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã khảo sát một trăm tám mươi hai học sinh lớp một và hai để xem các em xử lý cảm xúc thành thạo đến mức nào. Cụ thể, họ đánh giá xem những đứa trẻ này có khả năng tiếp nhận các trạng thái cảm xúc ở mức nào, chúng có xu hướng tiếp nhận cảm xúc nào đó tốt hơn các cảm xúc khác hay không và chúng có khả năng trải nghiệm cảm xúc của người khác (sự cảm thông) sâu sắc đến đâu. Khi phân tích các dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy những đứa trẻ không thành thạo nhiều kỹ năng xử lý cảm xúc có xu hướng hành xử hung hăng (theo báo cáo của giáo viên).(5) Đây chỉ là hai trong vô số các nghiên cứu cho thấy cùng một hiện tượng: các đối tượng thể hiện hành vi thách đố thường đạt kết quả tệ hơn rất nhiều trong những nhiệm vụ liên quan đến nhận thức thần kinh.(6)
Căn nguyên của hành vi xấu
Nếu đã có nhiều nghiên cứu như vậy và các kết quả nghiên cứu cũng rất ủng hộ quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi, tại sao các hình thức kỷ luật truyền thống vẫn được áp dụng rộng rãi? Điều này thật khó tin: trong lĩnh vực này, thực tế diễn ra hoàn toàn khác với những gì khoa học chứng minh - cứ như khoa học không tồn tại vậy. Hãy tưởng tượng nếu hầu hết mọi người, ngay cả những người được cho là có nhận thức tốt về sức khỏe, tiếp tục hút thuốc ngay cả khi có rất nhiều nghiên cứu khẳng định việc hút thuốc lá là rất có hại.
Tôi cho rằng một phần lý do chúng ta xem hành vi là vấn đề của ý chí là vì các nhân vật có thẩm quyền không biết đến cách nghĩ nào khác. Nếu bạn là một bậc phụ huynh, giáo viên hoặc người quản lý, các công cụ chính mà bạn có để xử lý hành vi xấu là biện pháp thưởng phạt lỗi thời thông thường. Nếu các biện pháp này không còn dùng được, làm thế nào bạn có thể xử lý một người không làm theo những gì bạn mong muốn? Như đã đề cập trong chương trước, hành vi xấu có thể khơi dậy phản ứng cảm xúc trong bản thân người có quyền hành. Thật khó chịu khi chúng ta muốn công kích và trừng phạt hành vi đó, nhưng chúng ta không thể hình dung ra cách xử lý nào khác.
Chúng ta cũng tiếp tục nghĩ hành vi xấu là vấn đề ý chí chứ không phải kỹ năng, vì nhiều người không biết về những lý giải khoa học cho vấn đề này. Mặc dù các nghiên cứu về nhận thức thần kinh đã tồn tại nhiều thập kỷ, nhưng gần như chúng chỉ là những mảng rời rạc trong các công trình nghiên cứu khoa học chứ không phải là những gì phần lớn độc giả có thể dễ tiếp cận và hiểu được. Các nhà nghiên cứu trong cùng lĩnh vực thường không biết tới các công trình nghiên cứu của nhau. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu có thể thực hiện các thử nghiệm đối với các kỹ năng tư duy khi nghiên cứu hội chứng tăng động giảm chú ý ADHD, trong khi vài nhà nghiên cứu khác làm vậy khi đang tìm hiểu về các kỹ năng xã hội hoặc kỹ năng tiết chế cảm xúc. Đây là những nghiên cứu riêng rẽ, tồn tại trong những tháp trí tuệ riêng rẽ. Do đó, tuy bằng chứng về kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi đã được tích lũy từ lâu, nhưng không mấy ai nhìn được bức tranh toàn cảnh và công bố các tác động của nó.
Tôi bắt đầu chú ý đến bức tranh toàn cảnh của kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi vào những năm 1990, khi đang chuẩn bị dự tuyển chương trình cao học. Để có thêm kinh nghiệm thực tế và tăng giá trị cho bộ hồ sơ của mình, tôi đã làm việc tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts trong vai trò một trợ lý nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Joseph Biederman, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về hội chứng ADHD. Vào thời gian đó, nhờ các nghiên cứu của Tiến sĩ Biederman, giới tâm thần học mới bắt đầu chính thức coi ADHD là một bệnh lý. Y học ghi nhận rất ít về bệnh trạng này, và nhiều người vẫn nghĩ những người mắc hội chứng ADHD cố tình cư xử tồi tệ chứ không phải đang chịu đựng một trong các chứng rối loạn thần kinh. Tiến sĩ Biederman và nhóm nghiên cứu của ông lúc đó đang cố gắng xác định liệu có phải những đứa trẻ mắc hội chứng ADHD cũng bị các chứng rối loạn tâm thần khác hay không, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu, rối loạn thách thức chống đối (thường xuyên có các hành vi thù địch hay thách thức), các chứng rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, các vấn đề về nói năng và ngôn ngữ, v.v. Nếu ADHD thật sự giống với các dạng rối loạn khác thì điều này có ảnh hưởng tới việc người điều trị nên chọn cách trị liệu nào.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã thu thập một nhóm mẫu các gia đình có trẻ bị chẩn đoán mắc hội chứng ADHD và một nhóm mẫu ngẫu nhiên các gia đình trong cộng đồng không có con mắc chứng ADHD, sau đó chúng tôi đối chiếu các yếu tố như các khác biệt về điều kiện kinh tế xã hội, độ tuổi và giới tính.(7) Công việc của tôi và các đồng nghiệp là thuê chiếc ô-tô Honda Accord và rong ruổi khắp Massachusetts để phỏng vấn các gia đình. Chúng tôi muốn xem những đứa trẻ trong mỗi nhóm mẫu có mắc các chứng rối loạn khác hay không và đối chiếu kết quả giữa hai nhóm. Khi tới một ngôi nhà nào đó, chúng tôi không biết mình sẽ phỏng vấn một gia đình có con mắc hay không mắc hội chứng ADHD vì các nhân viên nghiên cứu không được biết trước thông tin này để tránh tình trạng thành kiến ảnh hưởng tới kết quả. Tuy vậy, chúng tôi đã tự chơi trò đoán kết quả dựa vào mức độ lộn xộn của ngôi nhà (thứ cho thấy các vấn đề về tổ chức và hoạch định) hoặc xem phụ huynh trong nhà có vẻ gặp khó khăn với các nỗ lực duy trì sự chú ý hay không (ADHD có yếu tố di truyền rất mạnh).
Mỗi tuần một lần, chúng tôi hoàn thành khảo sát và đến văn phòng gặp các nhà tâm lý trị liệu trẻ em trong đội ngũ của bác sĩ Biederman để báo cáo kết quả phỏng vấn. Chúng tôi đánh giá các triệu chứng hành vi và cảm xúc của từng đứa trẻ. Tôi không ngạc nhiên khi biết những đứa trẻ mắc ADHD cũng có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về hành vi. Ngược lại - và đây là điểm quan trọng - những đứa trẻ bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn chống đối thách thức cũng có tỷ lệ mắc các dạng rối loạn khác cao hơn rất nhiều, chẳng hạn rối loạn nói năng hay ngôn ngữ, rối loạn khí sắc, v.v. Trên thực tế, rất khó tìm thấy một đứa trẻ thường xuyên có hành vi xấu mà không mắc một vấn đề nào khác. Trong thuật ngữ chuyên môn, chúng tôi gọi đây là sự xuất hiện đồng thời nhiều chứng bệnh tâm thần, sự cùng tồn tại các chứng rối loạn.
Mặc dù khi đó tôi mới tốt nghiệp đại học và chưa biết về các công trình nghiên cứu thần kinh học hiện có, tôi đã thắc mắc xem phải lý giải tập hợp những tình trạng khác nhau này như thế nào. Có lẽ các vấn đề về hành vi và tâm lý khác nhau mà những đứa trẻ này gặp phải đã bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt nhiều kỹ năng khác nhau. Lấy ví dụ một đứa trẻ có vấn đề về hành vi và chậm phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ (nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện nhiều trẻ như vậy). Các kỹ năng nói và diễn đạt gắn liền với khả năng kiểm soát sự nóng giận trong cuộc sống thường ngày cũng như khả năng giải quyết vấn đề. Nếu bạn là một đứa trẻ tám tuổi không thể diễn đạt những điều khiến mình khó chịu hoặc không thể hiểu những gì người khác đang truyền đạt với mình, bạn chỉ có thể có kỹ năng của một đứa trẻ lên ba trong việc nhờ người khác hỗ trợ giải quyết vấn đề. Các tình huống xung đột trở nên khó khăn hơn nhiều. Trong khi những đứa trẻ tám tuổi khác có thể thích nghi khi sự việc không diễn ra theo ý mình, thì bạn lại phản ứng bằng cách nổi giận. Người lớn có thể xem đó là vấn đề về hành vi, trong khi chúng đơn giản chỉ là hậu quả của việc yếu kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp.
Theo dấu các kỹ năng
Gần mười năm sau, tôi tốt nghiệp cao học và may mắn được cùng làm việc với Tiến sĩ Ross Greene, người lúc đó đang phát triển một phương pháp trị liệu mới cho trẻ có vấn đề về hành vi. Tiến sĩ Greene đã tìm cách tóm tắt các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực của chúng tôi một cách ngắn gọn và thực tiễn. Nền khoa học hàng chục thập kỷ qua - với hàng trăm nghiên cứu về đủ kiểu người được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới - đã chứng minh những người có vấn đề hành vi bị thiếu ít nhất một trong năm kỹ năng chính thuộc các nhóm sau: kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, kỹ năng chú ý và ghi nhớ ngắn hạn, kỹ năng làm chủ cảm xúc và tự tiết chế, kỹ năng nhận thức linh hoạt và kỹ năng tư duy xã hội.(8) Tiến sĩ Greene đã xuất bản một quyển sách có tựa đề The Explosive Child, và suốt những năm sau đó, ông và tôi đã tìm hiểu xem những kỹ năng này ảnh hưởng như thế nào đến hành vi thách đố qua quá trình khám chữa bệnh cho các gia đình và trong các tổ chức khác nhau.
Chúng tôi đã rút ra được những kết luận gì? Hãy cùng xem xét từng nhóm một.
Kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp: ý nghĩa của “không quan tâm”
Kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp rất cần thiết để chúng ta ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống và hành xử đúng đắn.(9)Không có gì quá ngạc nhiên khi đa số những đứa trẻ mắc một số chứng rối loạn ngôn ngữ nhất định nào đó cũng gặp phải các vấn đề tâm thần và khó khăn trong hành vi.(10) Hãy lấy những đứa trẻ trong “độ tuổi lên hai khủng khiếp” làm ví dụ minh họa. Những đứa trẻ hai tuổi cư xử tệ thì có thể giao tiếp ở mức nào? Rõ ràng là không tốt mấy. Kết quả là chúng không thể tham gia vào các cuộc thương lượng, thậm chí là các cuộc thương lượng đơn giản nhất, để giải quyết xung đột. May thay, phần lớn những đứa trẻ lên bốn, sáu hay tám tuổi thường có kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp tốt hơn để giải quyết vấn đề. Có lẽ đây là lý do chúng ta không có cái gọi là “tuổi lên tám khủng khiếp”.
Cả trẻ em lẫn người trưởng thành có trở ngại về ngôn ngữ và giao tiếp có thể rất dễ tức giận khi không thể diễn đạt được những lo lắng của mình. Đôi khi sự khó chịu này dẫn tới các hành vi bộc phát, nhưng nó cũng có thể gây ra cái mà người trưởng thành coi là hành vi gây hấn thụ động. Người có hành vi gây hấn thụ động thường sẽ nhìn chằm chằm vào bạn mà không nói năng gì, trông họ có vẻ bướng bỉnh và từ chối phản ứng. Trên thực tế, có thể họ muốn đáp lại nhưng không thể tìm được từ ngữ thích hợp hoặc đơn giản là họ xử lý từ ngữ chậm chạp hơn người khác. Trong quá trình công tác, tôi đã thấy đôi khi những đứa trẻ lớn (và một số người trưởng thành) khỏa lấp sự thiếu hụt kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp của mình bằng cách nói những câu như “Chuyện này thật vớ vẩn!”. Họ không thật sự nghĩ chuyện đó là vớ vẩn, họ chỉ ứng phó với việc thế giới không cho họ đủ thời gian để xử lý chuyện gì đó bằng lời nói rõ ràng. Họ đã học được là sẽ dễ dàng hơn khi cứ nói qua loa rằng ai đó hay cái gì đó thật vớ vẩn.
Tôi từng có một bệnh nhân tuổi vị thành niên và cậu bé đó hay nói “Cháu không quan tâm” mỗi khi tôi cố gắng kéo nó tham gia một cuộc nói chuyện. Ví dụ tôi sẽ nói, “Này, chú nghe nói hôm qua có chuyện gì đó xảy ra ở trường, cháu kể cho chú biết được không?”.
Nó cáu kỉnh nhìn tôi và nói, “Cháu không quan tâm chuyện đó”.
“Có thể cháu không quan tâm, nhưng chúng ta vẫn cần tìm hiểu chuyện này. Chú muốn đảm bảo là mình hiểu được quan điểm của cháu, nên cháu cứ nói cho chú nghe xem rốt cuộc là có chuyện gì thế.”
“Cháu đâu có quan tâm chú cần gì.”
Đây là kiểu nói chuyện điển hình của cậu bé này - cũng chính là lý do cha mẹ cậu bé đưa nó tới gặp tôi. Suốt nhiều tháng liền tôi đã không thể hiểu có chuyện gì đang xảy ra với nó. Sự cự tuyệt của cậu bé khiến tôi khó chịu, nhưng tôi cố gắng thực hành những gì tôi thường khuyên người khác và tập trung vào việc xác định những khó khăn về kỹ năng mà cậu bé gặp phải. Cuối cùng, tôi tự hỏi có phải cậu bé có vấn đề với ngôn ngữ và giao tiếp hay không, dù chưa có chẩn đoán chính thức nào cho thấy điều đó. Một hôm nọ tôi đã nói với cậu bé trong phòng khám, “Khi chú hỏi có điều gì xảy ra với cháu thì cháu thấy như thế nào? Ví dụ như khi đó cháu nghĩ gì?”.
Cậu bé ngồi im lặng một lúc, tỏ vẻ suy ngẫm và nói, “Cháu bắt đầu nghĩ về điều chú hỏi”.
“Ừ. Vậy tại sao không bao giờ cháu nói ra điều đó?”
Cậu bé nhún vai, “Cháu không biết”.
“Cháu nói là cháu không quan tâm.”
(Ngừng một chút) “Ừm, cháu không thật sự có ý đó đâu.”
“Nếu cháu không có ý đó thì tại sao cháu lại nói thế?”
(Ngừng một chút) “Để kết thúc cuộc trò chuyện ạ.”
Tôi tiếp tục đặt câu hỏi theo hướng này và phát hiện nguyên nhân cậu bé không muốn nói chuyện với cha mẹ, thầy cô và người khác là vì không ai cho nó đủ thời gian để xử lý thông tin. Không phải họ mất kiên nhẫn nên hối thúc hoặc thiếu cảm thông với cậu bé, mà họ chỉ cho rằng nó đang từ chối trả lời. Sau đó, tôi đề nghị cậu bé kể lại chuyện đã xảy ra hôm trước, và tôi đã kiên nhẫn chờ đợi. Chúng tôi ngồi im lặng trong bốn mươi lăm giây thì cậu bé mới trả lời. Đó là khoảng thời gian tưởng như dài vô tận trong một cuộc trò chuyện. (Bạn có thể tự thử mà xem: hãy im lặng suốt bốn mươi lăm giây sau khi ai đó đặt cho bạn một câu hỏi.) Tuy nhiên, sau bốn mươi lăm giây đó, cậu bé đưa ra một câu trả lời có suy nghĩ rõ ràng. “Cháu không quan tâm” chỉ là cách né tránh. Điều cậu bé thật sự muốn nói là, “Chắc chắn người này sẽ không cho mình đủ thời gian để xử lý điều ông ta vừa hỏi và trình bày câu trả lời của mình. Vậy nên cứ kết thúc luôn cho rồi”.
Các bệnh nhân có kỹ năng xử lý ngôn ngữ chậm khác mà tôi từng điều trị có vẻ hoàn toàn tảng lờ những gì cha mẹ, thầy cô và những người có trách nhiệm quản lý hỏi hoặc nói với chúng. Một người mẹ có thể yêu cầu con mình, “Charlie, ăn cơm nào!”. Khi nghe điều đó, Charlie có thể tự nghĩ: À, mẹ muốn mình đi ăn cơm. Sau đó nó nghĩ: À, nghĩa là mẹ muốn mình tắt ti-vi. Sau đó nó lại nghĩ: Nhưng mình đã xem chương trình này được hai mươi phút rồi. Mình muốn xem nốt xem kết quả thế nào.
Khi Charlie nghĩ xong mấy điều này thì mười giây đã trôi qua. Mẹ cậu bé đang theo dõi xem cậu bé có nghe lời hay không, và khi không thấy điều gì xảy ra, bà cho rằng cậu bé không chịu trả lời, đang tỏ ra khó chịu hoặc không thèm nghe. Bà nổi cáu và lao vào phòng để lấy cái điều khiển ti-vi. Nhưng Charlie không hề cố tình gây chuyện. Nó chỉ không thể xử lý từ ngữ, và do đó cũng không thể nói ra suy nghĩ của mình nhanh như những gì mọi người kỳ vọng.
KỸ NĂNG NGÔN NGỮ VÀ GIAO TIẾP
• Hiểu các chỉ thị và hướng dẫn bằng lời nói.
• Hiểu và theo dõi được các cuộc nói chuyện.
• Diễn đạt các lo lắng, nhu cầu và suy nghĩ bằng lời nói.
• Có khả năng nói cho người khác biết những phiền muộn của mình.
Kỹ năng chú ý và ghi nhớ ngắn hạn: bí mật của một văn phòng bừa bộn
Nhóm thứ hai, kỹ năng chú ý và ghi nhớ ngắn hạn, bao gồm các kỹ năng khác nhau như kỹ năng chú ý, ghi nhớ ngắn hạn, khả năng ngắt kết nối với sự xao lãng, khả năng lập kế hoạch và tổ chức. Quyển Driven to Distraction (tạm dịch: Tránh xao lãng trong công việc - Làm thế nào để tập trung và tăng năng suất) của Tiến sĩ Edward M. Hallowell và Tiến sĩ John J. Ratey là một trong những quyển sách đầu tiên miêu tả tầm quan trọng của khả năng duy trì sự tập trung khi cần và những khó khăn một số người gặp phải với kỹ năng này.(11) Kỹ năng tập trung và các kỹ năng liên quan, thường được biết đến như các chức năng vận hành, có quan hệ tương hỗ với nhau. Do đó, khi một người gặp khó khăn với một trong số những kỹ năng này - ví dụ như kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn - thì nhiều khả năng là các kỹ năng tổ chức của họ cũng yếu. Các kỹ năng này đan bện vào nhau. Tiến sĩ Joseph Biederman, người từng hướng dẫn tôi, gọi đây là “nguyên tắc con gián” - nghĩa là khi đã có một thì sẽ có nhiều. Đây không phải là hình ảnh đẹp nhất, nhưng nó là một ẩn dụ thích hợp.
Dù sao đi nữa, hãy trở lại vấn đề kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn. Chúng ta đã biết kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn giúp chúng ta ghi nhớ các số điện thoại, nhưng hãy nhớ lại chuyện gì xảy ra mỗi khi bạn thực hiện một cuộc trò chuyện đơn giản. Bạn có thể gặp một người bạn ở cửa hàng tạp hóa và dừng lại để chào. Trong khi người bạn đó nói, bạn tự nhủ: Để mình nghe xem người này nói gì. Bạn có thể không hứng thú với điều cô ấy nói nhưng bạn vẫn chú ý lắng nghe (đây là một kỹ năng). Khi cô ấy nói tiếp, bạn cũng nghĩ tiếp: Được rồi, mình nghĩ gì về điều người này nói? Và bạn tiếp tục suy nghĩ: Mình có thể hoặc nên nói gì về suy nghĩ của mình dành cho điều mà mình nghĩ là người này đang nói? Rồi bạn cũng có thể nghĩ: Mình nghĩ người này sẽ đáp lại điều mình nói hoặc làm dựa trên điều mình nghĩ cô ấy đang nói?
Có rất nhiều điều cần được suy nghĩ cùng một lúc. Trong cuộc sống thường nhật, tâm trí chúng ta hoạt động nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. Do đó, nếu bạn yếu các kỹ năng vận hành của não bộ, như kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn và chú ý chẳng hạn, thì bạn rất có thể gặp khó khăn trong việc tham gia những cuộc trò chuyện bình thường nhất.(12)
Một nhóm kỹ năng khác có vai trò vô cùng quan trọng đối với hành vi là kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn. Đôi khi các cặp vợ chồng cãi nhau vì sự bừa bộn trong nhà. Thường thì người ngăn nắp và trật tự sẽ than phiền về xu hướng bừa bộn của vợ hay chồng của mình. Khi nghiên cứu sâu về vấn đề này, tôi nhận thấy người bừa bộn hơn thường thiếu kỹ năng lập kế hoạch hoặc tổ chức. Họ không phải “tiện tay” để đồ vật lung tung. Thường là họ chật vật với những kỹ năng cần thiết để dọn dẹp và duy trì tình trạng gọn gàng ngăn nắp. Nếu bạn yêu cầu một người có kỹ năng tổ chức cao dọn dẹp phòng làm việc, họ sẽ tiến hành nhiệm vụ một cách logic, bắt đầu bằng những việc lớn và làm tiếp từ đó. Đầu tiên, họ sẽ dọn những chồng giấy tờ trên sàn vì biết rằng sau khi làm vậy thì việc dọn dẹp sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn yêu cầu một người thiếu các kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức dọn dẹp phòng làm việc, họ có thể đạp lên chồng giấy tờ, nhảy lên ghế, với lên một cái kệ và bắt đầu lau bụi các bức tranh ở góc cao nhất bên phải. Nói cách khác, họ không biết cách sắp xếp, tổ chức và thực hiện một nhiệm vụ đơn giản như dọn dẹp một căn phòng.
Trong các thí nghiệm về tâm lý thần kinh, những sự khác biệt về hành vi trong cuộc sống hàng ngày này được thể hiện như những khác biệt về não bộ. Bài trắc nghiệm hình vẽ phức hợp Rey-Osterrieth (Rey–Osterrieth complex figure test) yêu cầu người tham gia nghiên cứu kỹ một hình vẽ phức tạp gồm nhiều dạng hình học khác nhau. Những người có kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức tốt thường sẽ nhìn và ghi nhớ hình dạng chung trước, sau đó họ sẽ ghi nhận các chi tiết xung quanh nó. Những người kém kỹ năng này thường nhìn thấy các chi tiết nhưng không thể nhìn ra bức tranh toàn cảnh. Khi được yêu cầu nhớ lại hình vẽ, họ không thể mô tả cấu trúc tổng quát. Họ chỉ có thể chỉ ra các chi tiết ngẫu nhiên và rời rạc. Hãy tưởng tượng một người như vậy sẽ làm thế nào nếu bạn giao cho anh ấy một vấn đề học thuật phức tạp hoặc một nhiệm vụ kinh doanh để giải quyết. Anh ấy sẽ trở nên mất phương hướng và nản chí. Nhiều khả năng là hiệu quả công việc của anh ấy sẽ rất tệ.
KỸ NĂNG CHÚ Ý VÀ GHI NHỚ NGẮN HẠN
• Kiên trì thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì sự chú ý.
• Thực hiện mọi việc theo thứ tự logic hoặc trật tự có sắp xếp.
• Theo dõi thời gian thực hiện, đánh giá đúng lượng thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
• Suy nghĩ đồng thời nhiều ý nghĩ hoặc ý tưởng khác nhau.
• Duy trì sự tập trung trong các hoạt động.
• Bỏ qua các tiếng động, con người hay các kích thích không liên quan khác; ngắt kết nối với các sự việc khi cần.
• Xem xét các phương án lựa chọn khác nhau để đưa ra các giải pháp cho một vấn đề.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc và tự tiết chế: tại sao lớp học thể dục không hiệu quả?
Nhóm thứ ba, kỹ năng làm chủ cảm xúc và tự tiết chế, bao gồm khả năng quản lý hoặc tự kiểm soát bản thân và cảm xúc.(13) Một người xử lý cảm giác thất vọng và những cảm xúc nặng nề khác tốt đến mức nào? Cảm xúc của họ có vọt từ zero tới sáu mươi trong nháy mắt không? Các nghiên cứu đã cho thấy người có khả năng điều tiết cảm xúc kém thường “suy yếu về nhận thức” - họ không thể suy nghĩ rõ ràng. Khi bị tấn công bởi một cơn bão cảm xúc không thể kiểm soát, họ sẽ rơi vào các cơn thịnh nộ khủng khiếp hoặc những lần giận dữ đáng sợ.(14) Không có gì bất ngờ khi họ cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề. Suy cho cùng, tiết chế cảm xúc là quá trình đòi hỏi rằng một khi trải qua một cảm xúc không dễ chịu (báo hiệu có vấn đề cần giải quyết), bạn nhanh chóng dằn cảm xúc đó nhằm kích hoạt vỏ não (vùng “thông minh” của não bộ, phụ trách tư duy lý trí) để có thể suy nghĩ rõ ràng. Bước thứ hai này là thử thách của những người gặp khó khăn với kỹ năng điều tiết cảm xúc. Theo các nhà tâm lý học, những người này trở nên rối loạn điều tiết - một từ hoa mỹ cho tình trạng “thay đổi tâm trạng nhanh chóng”.
Trong nhóm tự tiết chế này có một kỹ năng rất quan trọng: kỹ năng kiểm soát cơn bốc đồng, hay còn gọi là khả năng dừng lại và suy nghĩ trước khi hành động. Để hiểu rõ tầm quan trọng của kỹ năng kiểm soát cơn bốc đồng, hãy nhắm mắt và nghĩ đến những chuyện xảy ra hôm qua. Hãy tưởng tượng xem chuyện gì xảy ra khi bạn suy nghĩ hay thực hiện ngay những điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí mình. Việc hình dung này nghe có vẻ thú vị, nhưng cũng khá đáng sợ. Ngay cả một tương tác nhỏ nhất giữa hai người cũng đòi hỏi sự kiểm soát liên tục những thôi thúc của bản thân. Nếu không có khả năng kiểm soát này, thế giới chúng ta sẽ trở thành một nơi khác hẳn, vì thật may là chúng ta thường không làm theo sự thôi thúc đầu tiên mà mình có trong bất kỳ tình huống nào. Một số người hành động theo cảm giác thôi thúc đầu tiên vì họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân. Một trong những bệnh nhân vị thành niên của tôi từng chia sẻ, “Cháu thật sự không biết mình nghĩ gì cho tới khi cháu nói to điều đó ra”. Thật kinh khủng. Cậu bé này không thể ngăn mình nói hay làm điều đầu tiên nó có thôi thúc muốn làm. Tôi không biết bạn thì sao, nhưng tôi thật sự không bao giờ muốn ai biết những suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi đâu!
Một trong những điều trớ trêu đáng buồn nhất đối với những người có kỹ năng kiểm soát cơn bùng nổ cảm xúc kém là họ có xu hướng bị nhận nhiều hình phạt hơn bất kỳ ai. Tại sao lại trớ trêu? Bởi vì để các hình phạt hoặc phần thưởng phát huy tác dụng, người ta cần kiểm soát tốt các thôi thúc của bản thân trước đã. Hình phạt chỉ có thể giúp người ta điều chỉnh hành vi khi họ có khả năng kiểm soát thôi thúc để tận dụng hình phạt đó. Lần sau, họ phải có khả năng dừng lại, nhớ lại hình phạt mình đã trải qua lần trước và quyết tâm hành xử khác trong lần này. Những người có vấn đề về kiểm soát cơn bốc đồng thường bị mắc kẹt trong vòng xoáy các hành vi tồi tệ và các hình thức phạt lặp đi lặp lại - mà chuyện này không dẫn tới bất kỳ kết quả tốt đẹp nào.
Một số người lại gặp khó khăn với một kỹ năng tự điều tiết khác: khả năng điều chỉnh mức độ bị kích thích cảm xúc và sinh lý.(15) Ví dụ bạn đang ngồi họp trong phòng. Các đồng nghiệp kỳ vọng bạn ngồi yên và tập trung chú ý. Nếu sếp của bạn nói, “Chúng ta hãy nghỉ mười phút”, mọi người sẽ kỳ vọng bạn di chuyển, nói chuyện và tham gia trò chuyện với những người khác trong phòng. Nói cách khác, bạn cần tỏ ra được khuấy động hơn trước đó. Nhưng nếu bạn có vấn đề với việc thay đổi giữa các trạng thái kích thích khác nhau thì sao? Khi hết giờ nghỉ giải lao và cần nghiêm túc trở lại cuộc họp, bạn không thể điềm tĩnh và ngồi yên, bấy giờ đồng nghiệp của bạn có thể xem bạn là kẻ gây rối.
Trường học gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý những đứa trẻ không thể dễ dàng điều chỉnh mức độ bị kích thích. Tôi từng quan sát một giờ học thể dục có năm mươi học sinh, và người giáo viên thể dục tội nghiệp đã cố gắng quản lý học trò bằng cách tách chúng thành hai nhóm. Một nửa ở lại khu vực khán đài, nửa còn lại xuống sân tập. Khi giáo viên thể dục thổi còi báo hiệu, hai nhóm sẽ đổi chỗ cho nhau. Những học sinh có khó khăn trong việc điều chỉnh mức độ kích thích giờ đây phải ngồi yên lặng ở khu vực khán đài sau khi vừa mới tham gia một trận bóng ném sôi nổi. Chúng đã rất phấn khích, kích động, đầy năng lượng, nhưng bây giờ chúng phải điềm tĩnh lại. Bạn nghĩ chuyện này có hiệu quả không? Giáo viên thể dục đã làm điều duy nhất ông cảm thấy mình có thể: ông chuyển những đứa trẻ này tới phòng giám thị. Hình phạt dành cho chúng là không được nghỉ vào giờ giải lao, khoảng thời gian duy nhất chúng có thể “giải phóng” sự hiếu động của mình một cách chính đáng. Thật đáng buồn, những học sinh bị tước quyền nghỉ giữa giờ lại là những đứa trẻ cần giờ nghỉ đó nhất. Mọi người trong tình huống này đều bị thiệt hại - giáo viên, những học sinh có kỹ năng yếu và những học sinh khác - tất cả, bởi vì một kiến thức lỗi thời và biện pháp được sinh ra từ kiến thức này.
KỸ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC VÀ TỰ TIẾT CHẾ
• Suy nghĩ lý trí, ngay cả khi đang chán nản.
• Kiểm soát sự khó chịu theo cách phù hợp với lứa tuổi.
• Kiểm soát sự lo lắng theo cách phù hợp với lứa tuổi.
• Kiểm soát sự thất vọng theo cách phù hợp với lứa tuổi.
• Suy nghĩ trước khi phản ứng; cân nhắc kết quả hay hậu quả của hành động của mình.
• Có khả năng điều chỉnh mức độ kích động theo yêu cầu của tình huống (bình tĩnh lại sau giờ nghỉ hoặc sau khi chán nản, ngủ/ thức, ngồi yên trong giờ họp hay trong các bữa ăn).
Kỹ năng tư duy linh hoạt: khi bài học về cướp biển không hề thú vị
Sam có xu hướng nổi giận kèm bạo lực khi cảm thấy khó chịu. Một lần nọ, cậu bé tới lớp và thấy thầy giáo đã xếp những cái bàn thành hình một con tàu hải tặc. Khi các học sinh khác vào lớp, thầy giáo giải thích là cả lớp sẽ đóng vai cướp biển. Đa số học sinh đều phấn khích và nhanh chóng bắt tay vào những hoạt động buổi sáng như thường lệ. Chỉ có Sam là không. Cậu bé hỏi chuyện gì đang xảy ra. Thầy giáo trả lời, “Chúng ta sẽ học về cướp biển. Thú vị lắm đúng không?”.
“Bàn của em đâu ạ?”
“Đừng lo, Sam”, thầy giáo nói. “Thầy đã kê bàn của em ngay góc kia để em có thể tới đó dễ dàng”.
Sam lắc đầu. “Đó không phải là bàn của em.”
Thầy giáo mỉm cười. “Đúng mà. Nó ngay kia kìa.”
“Không, không phải.”
Bắt đầu từ lúc đó, sự đối đầu trở nên tồi tệ. Có chuyện gì xảy ra vậy? Hóa ra, cũng giống Susan trong chương trước, Sam bị thiếu kỹ năng trong nhóm thứ tư, các kỹ năng liên quan tới sự linh hoạt nhận thức hoặc khả năng điều chỉnh cách tư duy. Đa số mọi người có thể dễ dàng đi lệch khỏi những khái niệm đã hình thành trong tâm trí mình từ trước. Họ có thể tư duy theo nhiều sắc thái khác nhau thay vì chỉ là đen và trắng. Một số người khác thì cứng nhắc hơn nhiều. Họ là những người có xu hướng làm theo nguyên tắc và chú tâm vào chi tiết thay vì bức tranh toàn cảnh. Họ ủng hộ tính dễ đoán, thông lệ và những gì mang tính cố định. Họ cảm thấy khó chịu khi cuộc sống chuyển động theo hướng mới hoặc không thể lường trước. Họ là những người “cần biết trước”, ngược với những người “tùy cơ ứng biến”. Bàn của Sam không còn ở vị trí thường lệ, vì vậy đối với cậu bé, đó không còn là cái bàn của nó.
Tôi cũng gọi những đứa trẻ này là “một lần là mãi mãi”, vì khi nhìn thấy hay nghe thấy điều gì đó một lần, chúng ngay lập tức hình thành một khuôn mẫu bất biến trong tâm trí về điều đó. Cũng như chúng ta nghĩ thế giới vận hành theo các luật lệ và quy trình rõ ràng, nhưng thực tế thì chúng ta sống trong những “sắc xám” nhiều hơn, đó là những ngoại lệ so với luật lệ. Chẳng hạn, bất chấp đã định giờ bắt đầu và giờ kết thúc một cuộc họp, giới hạn tốc độ lái xe, hầu hết các cuộc họp không bắt đầu đúng giờ, và hầu hết mọi người đi vượt tốc độ cho phép. Những sự vi phạm nhỏ này khiến những người có tư duy thiếu linh hoạt nổi điên.
Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên kết giữa tư duy thiếu linh hoạt và các hành vi sai trái.(16) Các chứng rối loạn phổ tự kỷ và khiếm khuyết khả năng học hỏi những gì không được diễn đạt rõ ràng bằng lời đều có đặc điểm tư duy thiếu linh hoạt, và ít nhất hai phần ba trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể hiện các khó khăn về hành vi.(17)Tuy nhiên điều này không chỉ áp dụng cho trẻ em, và bạn không cần được chẩn là “có bệnh” mới “có vấn đề”. Bạn có vấn đề khi bạn có vấn đề! Rất nhiều người tôi từng làm việc cùng có vấn đề về tư duy thiếu linh hoạt mà không có một chẩn đoán cụ thể nào khẳng định điều đó. Không có gì khó hiểu khi tư duy thiếu linh hoạt có thể dẫn tới bực tức và hành vi thách đố.
Thông thường, kỹ năng tư duy linh hoạt yếu có thể gây ra “tư duy tệ hại”, theo cách gọi của Tiến sĩ Aaron Beck, người sáng tạo ra liệu pháp nhận thức. Chúng ta khiến bản thân bực bội khi nhận thức về thực tế một cách sai lầm. Chúng ta cá nhân hóa các từ ngữ hay hành động, chúng ta bi kịch hóa, chúng ta khái quát quá mức, và tất cả những điều này kích thích cảm xúc. Một sáng nọ bạn có thể làm đổ cà phê lên khắp người. Một phản ứng tích cực, lành mạnh có thể là, Ôi trời, thật là một khởi đầu tệ hại, nhưng điều này không có nghĩa là cả ngày của mình tiêu rồi. Một người có tư duy thiếu linh hoạt khó có thể phản ứng như vậy. Vì tư duy theo hướng đen hoặc trắng, được ăn cả ngã về không, người này vướng vào kiểu tư duy tiêu cực. Họ có thể tự nhủ, Khỉ thật, ngày hôm nay tiêu rồi. Hỏng bét rồi. Cuộc sống này thật đáng ghét. Làm đổ cà phê chỉ là một điểm dữ liệu trong cả một ngày, nhưng một người có tư duy thiếu linh hoạt, chỉ tập trung vào chi tiết mà không thấy bức tranh toàn cảnh, sẽ không thể nhận thức được điều đó. Thật không may, nếu bạn cho rằng một ngày của bạn bị hỏng ngay từ khởi điểm, ấn tượng này rất có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Những người có kỹ năng tư duy thiếu linh hoạt thường sa lầy trong đủ kiểu suy nghĩ tiêu cực do những thất bại hay thử thách họ đã trải qua. Đối với họ, nói điều gì đó không phù hợp với bạn học ở trường và sau đó cảm thấy lúng túng có thể trở thành, Ôi trời, ai cũng ghét mình, họ sẽ công kích mình. Mình thật ngu ngốc. Hoàn thành không tốt một bài thuyết trình cho đội ngũ kinh doanh có thể trở thành, Mình hồi hộp quá. Mình không thể làm được việc này. Tại sao mình lại hồi hộp thế? Lẽ ra mình phải nói được trước đám đông giống như mọi người chứ. Một số người có kỹ năng tư duy thiếu linh hoạt còn có thể phát triển kiểu “tư duy mắc kẹt”, kẹt cứng trong một suy nghĩ, khao khát, kế hoạch hay mong muốn nào đó. Không gì có thể giũ ý nghĩ đó khỏi tâm trí. Họ bị ám ảnh với vấn đề đó, và hậu quả là các hành vi thách đố diễn ra.
KỸ NĂNG TƯ DUY LINH HOẠT
• Xử lý được giai đoạn chuyển đổi; dễ dàng chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.
• Có khả năng nhìn thấy nhiều sắc thái khác nhau chứ không chỉ suy nghĩ trắng hoặc đen.
• Tư duy theo hướng giả thiết; có thể hình dung những khả năng khác nhau.
• Ứng phó được với những biến thiên trong các nguyên tắc, thông lệ và kế hoạch ban đầu.
• Xử lý được những điều khó đoán, khó hiểu, không chắc chắn và khác thường.
• Có khả năng thay đổi từ ý tưởng, giải pháp hoặc kế hoạch ban đầu.
• Tính tới các yếu tố tình huống có thể làm thay đổi kế hoạch (chẳng hạn, “Nếu trời mưa thì chúng ta có thể phải hủy cuộc hẹn”).
• Diễn giải thông tin chính xác/tránh khái quát hóa quá đáng hoặc cá nhân hóa (chẳng hạn, tránh nói “Mọi người sẽ công kích mình”, “Không ai ưa mình cả”, “Anh lúc nào cũng đổ lỗi cho tôi”, “Thật bất công”, “Mình thật ngốc”, hay “Mọi sự không bao giờ suôn sẻ đối với mình”).
Kỹ năng tư duy xã hội: lý do Jeff kể quá nhiều chuyện đùa
Một bệnh nhi mà tôi trị liệu bị ám ảnh với các thẻ bài Pokémon. Cậu bé sẽ ập vào phòng làm việc của tôi và hỏi, “Chú có muốn chơi Pokémon không?”. Cậu bé không quan tâm để ý xem có chuyện gì đang diễn ra xung quanh. Nếu để ý, cậu bé đã hỏi chơi Pokémon lúc đó có phù hợp không. Nếu tôi đồng ý chơi, nó sẽ ngồi bệt xuống sàn và bày hết các thẻ bài ra. Sau đó nó sẽ ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên cạnh và bắt đầu cắm cúi tự chơi với các thẻ bài. Tôi có thể đi ăn trưa và quay lại sau bốn mươi lăm phút và thấy nó vẫn đang chơi mà không nhận ra sự vắng mặt của tôi.
Đứa bé này gặp khó khăn với nhóm kỹ năng cuối cùng, đó là kỹ năng tư duy xã hội. Mặc dù chúng ta đều có thể gặp rắc rối trong các tình huống xã hội nếu có vấn đề với bất kỳ kỹ năng nào đã được nhắc đến ở trên (hãy nghĩ về vai trò của kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn trong các cuộc trò chuyện), kỹ năng tư duy xã hội vẫn là thứ chúng ta đặc biệt cần có để hành xử phù hợp khi tương tác với người khác.(18) Nhóm này có những kỹ năng cơ bản như làm thế nào để bắt chuyện với ai đó, giao tiếp bằng ánh mắt thế nào, làm sao để biết ai đó có quan tâm đến những điều bạn đang nói không, cách chào hỏi người khác, v.v. Những người thiếu các kỹ năng này có thể khó thực hiện những việc mà đối với chúng ta là dễ như bỡn: chia sẻ, tham gia sinh hoạt nhóm, bắt đầu một cuộc nói chuyện, thay phiên nhau nói, nhận ra khi nào một cuộc trò chuyện trở nên nhàm chán, điều khiển độ cao và âm lượng giọng nói.
Việc thiếu các kỹ năng tư duy xã hội có thể làm phát sinh những hành vi gây khó chịu, mang tính phá hoại hoặc thù địch.(19) Tôi từng làm việc với một tù nhân tên Jimmy trong một cơ sở cải huấn. Anh ấy có quan hệ khá tốt với một nhân viên canh gác. Tuy nhiên, mỗi khi anh nhân viên này vào ca làm việc, Jimmy thường chào anh ta bằng cách nói lớn, “Ê, gã chết tiệt! Thật vui khi gặp anh, thằng khốn ạ!”. Anh nhân viên cảm thấy lúng túng. Mối quan hệ của anh và Jimmy có vẻ tốt. Jimmy luôn tới gặp anh khi có vấn đề. Chúng tôi đã phát hiện ra Jimmy gặp khó khăn với việc chào hỏi, khó khăn hơn những gì chúng tôi nghĩ. Chúng ta chào hỏi mọi người theo nhiều cách khác nhau, tùy vào hoàn cảnh xã hội. Đa số mọi người không gặp khó khăn gì trong việc đánh giá hoàn cảnh và điều chỉnh lời nói hay hành động cho phù hợp. Jimmy vui khi gặp anh nhân viên gác tù nhưng không biết cách chào hỏi thân thiện mà không khiến các bạn tù khác bực tức và đánh cho một trận vì cho rằng đó là hành động tỏ ra lấy lòng người gác tù. Sự tương tác xã hội tinh tế này nằm ngoài khả năng của Jimmy.
Các kỹ năng tư duy xã hội phức tạp khác có thể khiến một số người khổ sở bao gồm kỹ năng mà các nhà tâm lý học gọi là “nhìn nhận vấn đề theo quan điểm khác”. Để tương tác tốt với người khác, bạn phải có khả năng hiểu hành vi của bạn tác động đến người khác như thế nào và họ nhìn nhận bạn ra sao, đồng thời bạn cũng phải biết tôn trọng quan điểm của người khác, nhất là khi quan điểm của họ khác quan điểm của bạn. Tất cả những điều này lại đòi hỏi khả năng đọc và hiểu cảm xúc của người khác. Trên thực tế, con người chủ yếu dựa vào sự phản hồi để sống hòa hợp trong thế giới. Chúng ta nói và hành động, sau đó chúng ta thăm dò môi trường xung quanh để xem người khác nhìn nhận chúng ta như thế nào. Chúng ta cũng đọc và diễn dịch các tín hiệu được phản hồi. Dựa vào các phản hồi đó, chúng ta có thể điều chỉnh lời nói và hành vi cho phù hợp hơn với các mục tiêu mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân khiến vòng phản hồi này bị đứt đoạn. Một số người có vòng phản hồi không vận hành bình thường và không tiếp nhận bất kỳ dữ liệu nào về suy nghĩ của người khác. Họ có vẻ lạnh lùng và xa cách vì cách cư xử của họ khiến người khác cảm thấy họ không quan tâm. Các cá nhân này thật ra có thể rất nồng nhiệt và giàu lòng cảm thông - họ chỉ không tiếp nhận và hiểu được các tín hiệu về nhận định của người khác.
Bạn có nhớ về cậu bé tuổi vị thành niên mà tôi điều trị không, cậu bé nói là không biết mình nghĩ gì cho tới khi nói to điều đó ra? Tôi gọi cậu bé là DeJaun. Không chỉ có khả năng kiểm soát cơn bùng nổ cảm xúc kém, DeJaun còn thiếu các kỹ năng tư duy xã hội, và khiếm khuyết này khiến vòng phản hồi của cậu chỉ kích hoạt trong một thời gian ngắn. DeJaun rất dí dỏm và thường bật ra những câu nói đùa giữa giờ học. Khi những đứa trẻ khác cười rộ lên, DeJaun sẽ đứng lên và bắt đầu trình diễn một màn độc thoại. Thầy giáo thấy hành động này của cậu gây mất trật tự kinh khủng, và sau một lúc thì bọn trẻ trong lớp cũng nhận thấy vậy. Chúng sẽ quay lưng, tỏ thái độ với DeJaun và yêu cầu cậu ngưng đùa. Nhưng DeJaun không biết làm thế nào để ngưng vì vòng phản hồi của cậu chỉ hoạt động tại thời điểm ban đầu, khi cậu thấy các bạn trong lớp (và thầy giáo!) cười. DeJaun đóng vòng phản hồi lại sau vài giây và ngừng thu thập dữ liệu, do đó cậu không thể biết được người khác đang nhận định như thế nào về cậu, và cậu không thể diễn giải chính xác những phản hồi mà người khác đang truyền đạt trong lúc cậu nói. DeJaun tin là mọi người trong lớp học vẫn đang hồi đáp tích cực với những câu chuyện đùa của cậu, dù thực tế không phải thế. Trong thế giới của chúng ta, những DeJaun này thường được miêu tả là người không biết điểm dừng. Làm sao bạn biết khi nào là đủ và nên dừng lại? Vòng phản hồi của bạn sẽ cho bạn biết!
KỸ NĂNG TƯ DUY XÃ HỘI
• Chú ý các tín hiệu giao tiếp ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ.
• Diễn dịch chính xác các tín hiệu giao tiếp không lời (như nét mặt hoặc giọng nói).
• Bắt chuyện với bạn bè; tham gia các nhóm bạn theo cách phù hợp.
• Thu hút sự chú ý một cách phù hợp.
• Hiểu hành vi của mình ảnh hưởng tới người khác như thế nào.
• Hiểu mình đang thể hiện ra sao hoặc được người khác nhìn nhận như thế nào.
• Thông cảm với người khác; tôn trọng quan điểm của người khác.
Phân tích sự thiếu hụt kỹ năng
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao một số người gặp khó khăn với các kỹ năng nhận thức thần kinh còn những người khác lại không. Nguyên nhân nào gây ra sự thiếu hụt kỹ năng? Đó là do bẩm sinh hay do môi trường? Câu trả lời là cả hai. Theo các nghiên cứu, yếu tố di truyền có những ảnh hưởng rõ ràng, nhưng yếu tố môi trường cũng có vai trò nhất định - đặc biệt là sự căng thẳng lặp đi lặp lại suốt thời thơ ấu. Khi trải qua các cú sốc như bị bạo hành gia đình, xâm phạm thân thể, xâm hại tình dục hoặc thường xuyên bị áp lực vì đói nghèo, trẻ có thể phải gánh chịu các tác động rất độc hại và chậm phát triển não bộ.(20) Điều này gây ra sự chậm phát triển kỹ năng. Sự căng thẳng độc hại và thường xuyên có thể gây ra nhiều khác biệt sinh học trong sự hình thành não bộ mà chúng ta có thể quan sát được qua ảnh chụp cắt lớp não bộ.(21) Khi so sánh ảnh chụp não bộ của một đứa trẻ mới biết đi có sức khỏe tinh thần bình thường với ảnh chụp não bộ của một đứa trẻ mới biết đi bị tổn thương tinh thần, bạn sẽ thấy có sự khác biệt rõ ràng. Não của đứa trẻ bình thường cho thấy các hoạt động ở phần vỏ não trước trán, nơi chịu trách nhiệm cho nhiều kỹ năng tư duy cao cấp mà tôi đã nhắc đến trước đó. Trong ảnh chụp não bộ của đứa trẻ bị tổn thương, vùng này tối một cách đáng ngại.
Người bạn kiêm đồng nghiệp của tôi, Tiến sĩ Bruce Perry, thành viên thâm niên ở Viện Sang chấn Tâm lý Trẻ em tại Houston, Texas, là một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề tác động của sang chấn tâm lý thời thơ ấu lên sự phát triển não bộ.(22) Theo ông, những đứa trẻ phải đương đầu với căng thẳng thường xuyên sẽ thích nghi với môi trường bằng cách kích hoạt phản ứng đánh-hay-chạy. Chúng sử dụng các phần não bộ phía dưới - cuống não và hạch hạnh nhân - để phản ứng với cả các sự kiện không hề mang tính đe dọa. Theo thời gian, chúng có xu hướng kích hoạt ngay phản ứng đánh-hay-chạy khi phải đối mặt với những kích thích từ bên ngoài. Chúng ở trong tình trạng bị kích thích cao độ, luôn cảnh giác và sợ hãi, luôn trong tư thế đối đầu với các mối đe dọa. Thông tin thường không bao giờ tới được phần của não bộ liên quan tới chức năng nhận thức bậc cao - phần vỏ não trước trán. Hệ quả là những đứa trẻ này không thể xây dựng và sử dụng các chức năng nhận thức thần kinh như những đứa trẻ bình thường. Theo lời Perry, “Một đứa trẻ có bộ não thích nghi với một môi trường hỗn loạn, những điều khó đoán, những mối đe dọa và căng thẳng thì không thích hợp với sân chơi và lớp học hiện đại”.(23) Khi lớn lên, những đứa trẻ này thường không thích nghi được với môi trường làm việc hiện đại hoặc trường đại học, và gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ ổn định và lành mạnh.
Tuy nhiên, bạn đừng cho rằng kiểu tổn thương tâm lý này là hiếm gặp. Nghiên cứu về Các trải nghiệm có hại của thời thơ ấu (The Adverse Childhood Experiences - ACE)(24) đã khảo sát hơn mười bảy ngàn thành viên của Tổ chức Duy trì Sức Khỏe (Health Maintenance Organization - HMO) về các trải nghiệm như bạo lực thể chất và tinh thần, bị bỏ bê; chứng kiến bạo lực gia đình, có cha mẹ ly thân hoặc ly hôn; có cha hoặc mẹ mắc bệnh tâm thần, gặp các vấn đề về lạm dụng chất kích thích hoặc cảnh tù tội. Khoảng hai phần ba số người được khảo sát báo cáo rằng họ từng có ít nhất một trải nghiệm có hại như vậy vào thời thơ ấu, và 87% số người báo cáo có một trải nghiệm như vậy cũng nói rằng họ có thêm ít nhất một trải nghiệm có hại thời thơ ấu. Trên thực tế, cuộc nghiên cứu cho thấy càng có nhiều các trải nghiệm có hại thời thơ ấu, bạn sẽ càng có nhiều vấn đề về sức khỏe, xã hội và hành vi trong suốt cuộc đời mình.
Mặc dù sang chấn tâm lý và sự căng thẳng độc hại chắc chắn làm ngưng trệ sự phát triển trí não và gây khó khăn cho những kỹ năng nhất định, sự chậm phát triển não bộ cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân khác. Bất kỳ ai cũng có thể có khó khăn với một số kỹ năng nhất định - thiếu hoàn toàn, chậm phát triển hoặc kém phát triển. Tất cả chúng ta có thể mạnh hơn ở một số lĩnh vực nhận thức và yếu hơn ở các lĩnh vực khác, nhưng đa số chúng ta không quá yếu một kỹ năng nào đó đến mức gặp khó khăn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, những người thường xuyên bị căng thẳng có nhiều khả năng bị thiếu hụt kỹ năng trầm trọng, điều này cản trở họ hành xử như mong đợi của người khác, hoặc theo lời các nhà tâm lý học, họ không thể hành xử theo kiểu “thích nghi” để xử lý các tình huống mới phát sinh.
Cách những người có trách nhiệm chăm sóc và quản lý đối xử với những người thiếu hụt kỹ năng có thể làm tăng ảnh hưởng của những thiếu hụt này. Bản thân các bậc cha mẹ, người quản lý và các cặp vợ chồng có thể thiếu hụt kỹ năng nào đó làm ảnh hưởng tới cách họ phản ứng với sự thiếu hụt kỹ năng của người khác. Tùy vào điểm yếu của bản thân, người ta có thể kết hợp cách hành xử của bản thân với điểm yếu của người khác và khiến hành vi trở nên tệ hơn.(25) Chẳng hạn, khi cả phụ huynh và đứa con đều kém về tư duy linh hoạt, các cuộc tranh cãi có thể dễ dàng nảy sinh và bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. Khi cả người quản lý lẫn nhân viên đều khó đón nhận quan điểm của người khác, sự hiểu lầm và thiếu cảm thông có thể khiến mối quan hệ công việc của họ không thể đứng vững. Mỗi bên đều vô thức đi ngược lại nhu cầu của người kia. Đương nhiên chuyện tương tự có thể xảy ra giữa những đôi yêu nhau và những người trong bất kỳ dạng quan hệ nào khác.
“Dậy đi làm” thật sự đòi hỏi điều gì?
Thật sự rất khó hiểu khi các nhà nghiên cứu về nhận thức biết rất rõ về các kỹ năng này như vậy mà con người và các tổ chức vẫn coi hành vi là vấn đề của ý chí. Khoảng cách giữa thần kinh học và thực tế hàng ngày này càng đáng kinh ngạc hơn khi chúng ta biết là khái niệm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi đúng như thế nào về mặt trực giác. Trong các lần diễn thuyết của mình, tôi yêu cầu mọi người trong khán phòng mô tả một việc nào đó họ không muốn làm nhưng vẫn làm. Sẽ luôn có ai đó trả lời, “Thức dậy lúc sáu giờ sáng vào một ngày mưa lạnh để đi làm trong khi bản thân hoàn toàn không thích chút nào”.
Tôi sẽ hỏi lại rằng nhưng tại sao anh ấy vẫn làm vậy.
“Vì tôi không muốn mất việc”, người đó sẽ nói.
Tuy thoạt nhìn thì điều này có vẻ là một hành động đơn giản để tránh hình phạt, nhưng tôi sẽ giải thích cho nhóm tham gia thấy rằng đây là một ví dụ điển hình của việc kiểm soát sự bốc đồng - một người không muốn đi làm nhưng đã cưỡng lại ham muốn được “nướng” trên giường và phải thức dậy vào lúc sáu giờ sáng. Quyết định đi làm trong hoàn cảnh này cũng liên quan tới kỹ năng phóng chiếu vào tương lai và đánh giá các ảnh hưởng mà hành động của mình có thể gây ra - khả năng bị đuổi việc. Đây chính là kỹ năng vận hành của não bộ mà chúng ta thường gọi là “dự đoán”.
Một người khác có thể nói, “Tôi thường cảm thấy nằm trên giường rất thích và dễ chịu, nhưng tôi phải vượt qua cảm giác đó, phải thức dậy và bắt đầu ngày mới”.
Tôi quan sát thấy người này đang vận dụng kỹ năng tự điều chỉnh của mình. Cô ấy phải điều chỉnh mức độ hoạt động của mình từ “ngủ không màng thế giới” sang “thức dậy và hoạt động”.
Một người khác nữa có thể nói, “Tôi làm công tác tư tưởng cho bản thân để thức dậy. Tôi tự nhủ là sau khi dậy tôi sẽ mở vòi sen và tắm dưới làn nước ấm dễ chịu, chuyện đó luôn khiến tôi muốn tỉnh dậy”. Tôi giải thích rằng người này không chỉ nghĩ xa, mà còn suy nghĩ linh hoạt và đa dạng hơn. Thay vì chọn thái độ cực đoan và bi kịch hóa tình huống (“Hôm nay là một ngày hoàn toàn tồi tệ. Trời lại còn mưa. Đây sẽ là một ngày tồi tệ chưa từng có!”), người này nhìn nhận khó khăn của một ngày mưa nhưng cũng biết hai mươi bốn giờ tiếp theo không được định trước là đáng sợ đến thế - tắm táp dưới làn nước ấm áp có thể làm một ngày trở nên tươi đẹp hơn.
Những cá nhân trong tất cả những trường hợp trên cũng sử dụng kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp để giải quyết vấn đề. Họ tự nói chuyện về các vấn đề đó trong tâm trí để đưa ra các giải pháp giúp họ có cách hành xử thích nghi và ra khỏi giường.
Do đó, lựa chọn thức dậy hoặc không thể thức dậy không phải chủ yếu là vấn đề của ý chí. Thứ chúng ta nghĩ là lý trí thật sự đòi hỏi sự huy động các năng lực cụ thể trong năm nhóm mà chúng ta đã nhắc tới. Mỗi phút giây trong mỗi ngày, chúng ta đang áp dụng các kỹ năng nhận thức để hoạt động trong thế giới này, và thường thì chúng ta làm vậy một cách vô thức. Nếu bạn thiếu kỹ năng trong một hay nhiều nhóm đó, hoặc nếu bạn kém các kỹ năng đó, có thể bạn không ra khỏi giường, và bạn sẽ phải gánh hậu quả. Bạn sẽ có cách cư xử mà mọi người xung quanh cho là phá hoại, khiến người khác khó chịu, không mang lại lợi ích, phạm pháp hoặc đơn giản là sai trái.
Trừng phạt không phải là cách xử lý hành vi sai trái. Xây dựng kỹ năng mới là cách giải quyết. Đó chính là tin tốt lành nhất. Chúng ta có thể cải thiện kỹ năng của một người, hay thậm chí là xây dựng chúng từ con số không, bất kể sự yếu kém của họ là do di truyền, căng thẳng kinh niên hoặc vấn đề gì khác. Hành vi của mọi người là có thể thay đổi, nếu bạn nhìn nhận vấn đề theo cách kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi. Trong quá trình này, chúng ta có thể hiện thực hóa và củng cố tư duy phát triển, điều mà theo lập luận của Tiến sĩ Carol Dweck là rất có ích cho việc cải thiện hành vi và hiệu quả công việc.(26) Trong phần sau của quyển sách này, tôi sẽ trình bày một phương pháp đơn giản để xử lý các vấn đề về hành vi qua việc xây dựng kỹ năng. Đó là phương pháp mà hàng chục ngàn người đã áp dụng và đạt được kết quả ấn tượng. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu được cơ hội mà sự điều chỉnh phương pháp kỷ luật mang lại. Khi bỏ qua những gì nhiều thập kỷ nghiên cứu khoa học đã chứng minh là đúng, chúng ta đã lãng phí hàng tỷ đô-la và gây ra những nỗi đau tinh thần không thể kể thành lời. Nếu có thể sửa chữa cách xử lý vấn đề hành vi, chúng ta sẽ cải thiện hiệu quả làm việc của các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời giúp xây dựng một xã hội an toàn hơn, lành mạnh hơn và giàu tình thương hơn.
Trừng phạt không phải là cách xử lý hành vi sai trái.
Xây dựng kỹ năng mới là cách giải quyết vấn đề này.