Tại một khóa học do tôi hướng dẫn năm 2015, một học viên giơ tay xin phát biểu. Ông đang ở độ tuổi năm mươi, từ tốn và có dáng vẻ như một giáo sư. Qua ánh mắt tập trung cao độ và giọng nói ngập ngừng, trông ông có vẻ không vui. Tôi tự hỏi lý do là gì. Trước đó tôi đang nói về “sức mạnh ý chí” và các nhược điểm của biện pháp kỷ luật truyền thống - buổi nói chuyện cho tới lúc đó không có gì đặc biệt gây xúc động.
Ông nói, “Con trai tôi mười bảy tuổi. Tôi rất mừng vì mình tham dự khóa học này, nhưng tôi cũng cảm thấy thật tệ. Giờ đây tôi nhận ra là suốt bao năm qua tôi đã hiểu nhầm con mình”.
Tôi cố trấn an ông bằng cách nói rằng mọi việc sẽ ổn thôi. Không ai trong chúng ta là những bậc cha mẹ hoàn hảo.
“Không, anh không hiểu đâu”, ông nói, miệng run run đầy đau khổ. “Giờ đây khi đã hiểu nguyên nhân thật sự gây ra những hành vi tồi tệ của nó, tôi nhận ra rằng mình đã làm cuộc sống của nó khổ sở suốt bao năm vì liên tục phạt nó và khiến nó cảm thấy tệ hại về bản thân. Suốt nhiều năm.” Ông lắc đầu, khuôn mặt xanh xao và đưa mắt nhìn chằm chằm xuống sàn nhà.
“Ông luôn có thể bắt đầu điều chỉnh từ bây giờ”, tôi đề xuất.
Ông thở dài và lắc đầu. “Tôi không biết nữa. Tôi nghĩ có lẽ đã quá muộn rồi.” Ông dừng lại trong giây lát để kìm nước mắt. “Có lẽ tôi đã hủy hoại con mình.”
Tôi không nghĩ người cha này đã “hủy hoại” con mình bằng cách rèn luyện con theo các phương pháp truyền thống. Nhưng cốt lõi của điều ông nói là đúng. Các hình thức kỷ luật truyền thống thật sự gây ra tổn hại vô cùng lớn đối với trẻ em, những người nhận các hình phạt. Hãy nghĩ đến những năm tháng mà con của người đàn ông này đã trải qua khi phải chịu đựng hết hình phạt này đến hình phạt khác, ngay cả khi nó đã cố gắng hết sức. Hàng triệu trẻ em đang phải trả những cái giá khủng khiếp chỉ vì chúng ta phớt lờ các kiến thức khoa học về hành vi thách đố. Nhưng không phải chỉ những đứa trẻ phải trả giá, mà còn cả những người vợ, người chồng, gia đình, các tổ chức và cả xã hội nói chung. Chúng ta tự hỏi tại sao các tổ chức ở Mỹ lại gặp nhiều khó khăn, tại sao người lao động ở cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân lại căng thẳng và không hạnh phúc, tại sao ngân sách nhà nước không bao giờ đủ. Có nhiều nguyên nhân gây ra những sự bất thường đó, nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất mà chúng ta đã bỏ qua, đó là vì chúng ta vẫn áp dụng biện pháp kỷ luật theo thông lệ. Ngay cả những tính toán sơ bộ nhất cũng cho thấy các hình thức thưởng phạt truyền thống đang gây tốn kém hàng chục tỷ đô-la, có thể còn nhiều hơn. Chúng ta có một cơ hội lớn để cải thiện xã hội bằng cách thay đổi cách phản ứng đối với các hành vi thách đố của người khác. Trước khi xem xét phí tổn của tổ chức công hoặc các doanh nghiệp tư nhân phải bỏ ra, hãy cùng tìm hiểu về cái giá về mặt con người mà những đứa trẻ và gia đình của chúng phải trả.
“Giá mà tôi chưa từng sinh ra nó!”
Bạn sẽ làm gì nếu con bạn, đứa trẻ nhỏ bé mà bạn đã từng hân hoan chào đón sự ra đời của nó, bắt đầu hành xử như một con quái vật? Bob và Marlene Booker có thể nói cho bạn biết về tình cảnh đó. Họ bắt đầu nhận ra các vấn đề về hành vi của con trai, Jamison, khi thằng bé mới hai tuổi rưỡi. Ghen tị với em trai Charles của mình, Jamison cào mặt em tới chảy máu, thằng bé cũng nổi cơn thịnh nộ và phá hỏng những món đồ chơi ưa thích của mình.
Khi lớn hơn, Jamison trở nên hung hăng hơn, thường quát tháo khi mọi việc không như ý và kích động dữ dội trước những yêu cầu có vẻ nhỏ nhặt của cha mẹ. “Nó dứt khoát không chịu đeo kính”, Marlene cho biết. “Nó đã đập vỡ hơn ba mươi cặp kính rồi. Nó nhìn tôi, chửi thề và bẻ cái kính làm đôi.” Tại thời điểm tôi viết quyển sách này, Jamison mười ba tuổi và đã đập vỡ mọi thứ trong nhà, bao gồm hai chiếc ti-vi màn hình phẳng, vô số điện thoại di động và cửa kính của lò nướng. Nó ăn trộm tiền, đạp thủng tường và làm hư hỏng nhà bằng sơn xịt. Có lần vì quá giận trước hành vi của Jamison, bà của nó đã chửi thẳng mặt nó là đồ quỷ tha ma bắt.
Gia đình Booker không hề xem nhẹ hành vi của Jamison. Trước đó, họ đã sử dụng các hình phạt thông thường như cấm túc khi nó sai hoặc thưởng khi nó ngoan. Các biện pháp này không có tác dụng. “Bất cứ khi nào cố áp dụng hình thức thưởng phạt, chúng tôi đều cảm thấy dường như thằng bé không thể hiểu được”, Marlene nói. “Bị cấm túc nhưng nó không bao giờ ngồi yên lấy một lần. Chưa bao giờ nó tự nguyện về phòng của mình. Nếu chúng tôi bắt nó vào đó, nó sẽ phá hoại căn phòng, nó quá giận dữ. Khi mở cửa ra thì chúng tôi thấy phòng của nó như một bãi chiến trường.”
Với mong muốn tìm kiếm giải pháp, lúc Jamison lên ba tuổi, gia đình Booker đã đưa cậu bé đến gặp một nhà trị liệu. Việc này không có tác dụng gì. Trong những năm sau đó, gia đình này đã đưa con tới gặp các bác sĩ tâm thần, các chuyên gia tâm lý và cả điều trị nội trú - đủ loại chuyên gia, mỗi người trong số họ chủ trương sử dụng một hình thức thưởng phạt truyền thống nào đó. Không phương pháp nào có hiệu quả. Marlene nhớ lại, “Thằng bé nằm ngoài khả năng điều trị của mọi chuyên gia. Nó không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của họ. Đơn giản là nó không chịu hợp tác”. Sau mỗi lần gặp các nhà trị liệu, cách cư xử của Jamison chỉ trở nên đáng sợ hơn và mất kiểm soát hơn. Mỗi tuần nó sẽ lên bốn hay năm cơn kích động. Nó không chịu đánh răng, không chịu ăn các món tốt cho sức khỏe, không chịu làm bất kỳđiều gì cha mẹ nó muốn nó làm. Jamison hoàn toàn không thể kiểm soát được.
Các vấn đề về hành vi thường xuyên và thường trực này gây ra tổn thương tâm lý cho cả gia đình Booker. Bob và Marlene tự trách bản thân vì tình trạng này, tự hỏi mình đã làm gì sai. Marlene trở nên lo lắng, trầm cảm và phải trị liệu. Cô suy sụp vì những cơn bùng nổ liên tục của Jamison đến mức phải nghỉ việc để lo liệu việc ở nhà. “Tôi không đi làm nữa vì tôi không còn sức ngồi họp sau khi phải ứng phó với những đợt tấn công của Jamison hoặc những lúc nó ở trong bệnh viện. Tôi không thể vừa đi làm vừa làm mẹ, giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn để rồi về nhà và thấy một bãi chiến trường.” Toàn bộ trải nghiệm này “quá sức chịu đựng, tồi tệ hơn mọi thứ trên đời và là thứ gây kiệt quệ nhất. Không có giải pháp nào đối với một đứa trẻ như vậy. Không có nút tạm dừng, không có những kỳ nghỉ cuối tuần để ngơi nghỉ”.
Với tất cả những náo loạn đó trong gia đình, Marlene cũng không thể duy trì được cuộc sống xã hội của mình. Cô mệt mỏi tới mức không thiết tha ra ngoài ăn uống với bạn bè. Ngay cả đi dạo với bạn bè cũng khó khăn vì điều duy nhất cô nói là về con trai của mình, mà cô lại không muốn trở thành một kẻ than vãn hoặc khiến mọi người mất vui.
Hôn nhân của cô cũng gặp nhiều áp lực nghiêm trọng. Marlene từng là trụ cột nuôi cả gia đình, thế nên việc cô không thể đi làm đã khiến cuộc sống gia đình trở nên chật vật. Tiền bạc trong nhà đều để dành điều trị cho Jamison, do đó đi du lịch là điều không thể, và họ phải nhờ bà con họ hàng giúp đỡ thêm. Khi Bob về tới nhà sau giờ làm, anh và Marlene không thể tận hưởng thời gian thảnh thơi bên nhau. Luôn có một xung đột mới nào đó xảy ra, hoặc họ phải giải quyết hậu quả của các xung đột trước đó. Hai vợ chồng không phải lúc nào cũng thống nhất về cách xử lý hành vi của Jamison. Vì ở nhà cả ngày với bọn trẻ nên Marlene cảm nhận toàn bộ gánh nặng mà hành vi thách đố của Jamison gây ra, và cô có xu hướng thẳng tay trấn áp. Trong khi đó thì Bob có thể gạt mọi chuyện qua một bên, vì anh đi làm cả ngày và về nhà là để tận hưởng khoảng thời gian chất lượng hơn với các con - những đứa trẻ vô cùng vui mừng được gặp cha.
Hai vợ chồng thậm chí không thể đi ăn tối riêng với nhau mà không lo lắng về Jamison. Có một lần nọ khi họ ra ngoài, Jamison trở nên giận dữ vì cha mẹ đi vắng đến mức nó đã trốn người trông trẻ và ra khỏi nhà, đi bộ về hướng nhà hàng để tìm họ. Người trông trẻ sợ tới mức không làm việc cho gia đình họ trong một năm trời.
Tất cả những hỗn loạn trong nhà cũng ảnh hưởng tới em trai của Jamison. Bé Charles bị anh trai bạo hành suốt nhiều năm, bị đánh, đấm và đá. Theo lời Marlene, sau khi trải qua tất cả những điều này, “Charles không muốn liên quan gì tới Jamison”. Nó ngượng ngùng trong giao tiếp xã hội vì Jamison, không biết phải giải thích với bạn bè thế nào về người anh đang điều trị trong bệnh viện tâm thần.
Marlene tổng kết lại cuộc sống gia đình bằng những lời lẽ ảm đạm nhất. Cô diễn tả cuộc sống đó như “địa ngục trần gian”, và mặc dù biết thật khủng khiếp khi nói ra điều này, đôi lúc cô thấy mình “muốn giết Jamison”. “Hậu quả tai hại của những cơn bùng nổ của nó là tôi không thể thôi nghĩ rằng giá mà chúng tôi chưa từng sinh ra nó. Tôi nghĩ: Làm sao chúng tôi có thể vượt qua chuyện này? Tôi nói với chồng, ‘Em căm ghét nó’. Thằng bé đã và vẫn đang hủy hoại cuộc sống của chúng tôi. Nó là lý do khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên khổ sở và bất hạnh như thế này.”
Leo Tolstoy đã mở đầu quyển tiểu thuyết Anna Karenina của ông như thế này, “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách của riêng họ”.(1) Dù bạn có đồng ý với quan điểm này hay không thì vẫn có một sự thật: trong rất nhiều gia đình bất hạnh, các hình thức thưởng phạt thông thường thật sự đã làm tăng thêm nỗi đau đớn và bất hạnh. Tôi đã thấy bằng chứng củng cố quan điểm này không chỉ qua câu chuyện gia đình Booker mà còn qua hàng trăm trường hợp tôi đã gặp trong quá trình làm việc. Quan sát tình trạng này ở trẻ em và các gia đình giúp chúng tôi hiểu nó xảy ra thế nào trong rất nhiều các hoàn cảnh khác, cũng như với con người ở mọi độ tuổi.
Trong rất nhiều gia đình bất hạnh, các hình thức thưởng phạt thông thường thật sự đã làm tăng thêm nỗi đau đớn và bất hạnh.
Khi trẻ em trong những gia đình này cư xử không đúng, các bậc cha mẹ thường sẽ rút lại phần thưởng nào đó và áp dụng một hình phạt. Họ cắt tiền tiêu vặt hoặc không cho phép trẻ chơi game. Họ bỏ luôn những ngày chơi cùng bọn trẻ. Các biện pháp này không khắc phục sự thiếu hụt các kỹ năng cơ bản, thứ gây ra hành vi thách đố. Thay vào đó, chúng khiến tình trạng trầm trọng hơn hoặc làm trẻ khó chịu, từ đó càng khiến hành vi thách đố leo thang. Ngay cả nguy cơ bị phạt hoặc mất phần thưởng cũng có thể khiến trẻ trở nên hung hăng và ngang ngạnh hơn. Khi hành vi xấu của chúng leo thang, các bậc cha mẹ trở nên giận dữ hơn. Họ phản ứng mạnh hơn, áp các biện pháp khắt khe hơn. Động thái này gây ra môi trường xung đột thường xuyên ở nhà, đôi khi đẩy các bậc phụ huynh vào tình trạng không thể kiềm chế được bản thân. Họ tức giận tới mức “bùng nổ”. Hoặc họ đầu hàng, bó tay chịu trận trước một tình huống mà họ cảm thấy không thể giải quyết.
Những tổn hại mà hình thức kỷ luật truyền thống gây ra cho mối quan hệ cha mẹ - con cái đã đủ tồi tệ, nhưng như câu chuyện của nhà Booker cho thấy, đó chỉ là khởi đầu. Hành vi thách đố đẩy cả gia đình vào tình trạng căng thẳng, bao gồm anh chị em ruột của đứa trẻ có vấn đề về hành vi. Khi một đứa trẻ “lên cơn” và cha mẹ chúng phản ứng theo cách thông thường, kết cuộc thường là họ phải huy động rất nhiều nguồn lực tài chính và tâm sức để giải quyết vấn đề đó. Những đứa trẻ có kỹ năng tốt hơn trong gia đình cũng chịu áp lực phải cư xử “đúng chuẩn” để giúp cuộc sống gia đình diễn ra bình thường. Chúng thường cảm thấy bị bỏ bê, như thể cả nhà chỉ xoay quanh đứa trẻ gây rối kia và nhu cầu của chúng không được ưu tiên bằng. Khi các xung đột phát sinh, chúng sẽ để mặc người anh chị em có hành vi thách đố hành xử theo cách của họ trong chốc lát.
Dần dần, anh chị em trong nhà sẽ trở nên tức giận và căm ghét nhau, nhưng những cảm xúc này rất khó biểu đạt rõ ràng. Hậu quả là chúng mang theo những cảm xúc đó trong mình, thường là một cách vô thức. Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã thấy những đứa trẻ này gặp phải các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống và những triệu chứng tương tự. Những vấn đề này có khuynh hướng kéo dài đến tuổi trưởng thành. Cha mẹ chúng cảm thấy có lỗi vì không ngăn chặn được các vấn đề này. Như tôi nói với các bậc cha mẹ, đó không phải là lỗi của họ. Họ đã giải quyết các hành vi thách đố theo cách tốt nhất có thể, áp dụng những biện pháp mà tri thức thông thường cho là đúng. Họ không biết là các biện pháp kỷ luật truyền thống thường không có hiệu quả.
Ngoài anh chị em ruột của đứa trẻ có hành vi thách đố, cha mẹ chúng cũng phải chịu đựng nhiều hậu quả nghiêm trọng do áp dụng biện pháp kỷ luật thông thường. Tôi đã gặp nhiều trường hợp các bậc cha mẹ phải bỏ việc hoặc chuyển sang công việc có thu nhập thấp hơn và ít áp lực hơn nhằm ứng phó với hành vi sai lệch triền miên của con, thứ không bao giờ có thể cải thiện dù họ đã sử dụng các hình thức thưởng phạt. Giống như nhà Booker, họ là những phụ huynh có thiện chí nhất nhưng cũng vô tình trở thành nạn nhân của lối tư duy truyền thống thiếu hiệu quả và sai hướng. Chúng ta cần tìm ra những giải pháp tốt hơn cho những người này và con cái của họ. Phương pháp thưởng phạt gây ra quá nhiều tổn hại cho các gia đình.
Thẳng đường tới thất bại
Cái giá của các hình thức kỷ luật truyền thống tại trường học và các cơ sở phục vụ trẻ em khác cũng nghiêm trọng không kém trong các gia đình. Khoảng 90% trẻ em thích nghi tương đối tốt ở trường. Số còn lại, những đứa trẻ bị gọi là nổi loạn, thì thường xuyên tiếp xúc với hệ thống kỷ luật của trường học. Khi trẻ cư xử sai trái tại trường, vấn đề thường bắt đầu từ rất sớm - từ tuổi nhà trẻ, thậm chí là từ mẫu giáo. Thay vì khắc phục sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản cho trẻ tại thời điểm đó, giáo viên lại được đào tạo để áp dụng các hình thức thưởng phạt. Cũng giống như trong gia đình, vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sau đó, những “đứa trẻ có vấn đề” này sẽ sớm bị đuổi khỏi trường mẫu giáo, không phải chỉ một lần mà lặp đi lặp lại nhiều lần. Số trẻ em bị đuổi khỏi trường mẫu giáo hàng năm thật sự nhiều đến mức đáng kinh ngạc.(2)
Khi những đứa trẻ này lớn hơn, chúng tiếp tục nhận các hình phạt thông thường - giam giữ, đình chỉ và đuổi học. Trường học lập ra các Chương trình Giáo dục Cá nhân hóa (Individualized Education Program - IEP) dành riêng cho những đứa trẻ này, phân bổ nguồn lực đặc biệt để giúp xử lý các vấn đề về hành vi của chúng. Họ phân công nhân viên hỗ trợ những đứa trẻ này, hoặc chuyển chúng vào các lớp tự học dành riêng cho những đứa trẻ có khó khăn về hành vi. Chương trình IEP có bao gồm các kế hoạch cải tạo, nhưng những kế hoạch này không nhất thiết - và thường là không - giải quyết được các kỹ năng cơ bản. Thường thì những kế hoạch này chỉ cố gắng cải thiện động lực của trẻ bằng cách sử dụng hệ thống thưởng phạt, như bảng đánh dấu hoặc hệ thống thang bậc. Nói cách khác, những đứa trẻ này lại trải qua các hình thức kỷ luật cơ bản giống với những gì chúng đã trải qua trước đây, chỉ khác là nghiêm khắc hơn và giám sát chặt chẽ hơn. Theo thời gian, những đứa trẻ này trở nên tức giận và tách biệt khỏi trường học. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Chúng bị đẩy ra khỏi cộng đồng hết lần này tới lần khác, bị đối xử như những kẻ vi phạm vì các hành vi sai trái mà chúng không thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Chúng sẽ thay đổi nếu có khả năng. Nhưng vấn đề là chúng không có khả năng đó.
Khi những phương án này thất bại, mà thường thì chúng đều thất bại, trường học đưa những đứa trẻ này vào các trường trị liệu đặc biệt hoặc các cơ sở trị liệu nội trú. Giá mà hành trình của những đứa trẻ gây rối có thể chấm dứt tại đây, nhưng thực tế thì không. Như tôi đã đề cập, những đứa trẻ có vấn đề về hành vi thường phạm tội và có kết cục là bị đưa vào hệ thống các cơ sở cải huấn thanh thiếu niên. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này chính là các biện pháp kỷ luật mà chúng ta áp dụng. Nếu các hình thức thưởng phạt thông thường thật sự hiệu quả, những trường hợp như vậy phải ngày càng giảm đi. Nhưng rõ ràng, số trường hợp bị đình chỉ học lại đang tăng lên ở nhiều địa phương. Trong khoảng thời gian từ 1974 đến 2006, số ca đình chỉ học tại Mỹ đã tăng gấp đôi, chủ yếu do các chính sách không khoan nhượng khắc nghiệt.(3) Đó là một thảm kịch: các nghiên cứu hàn lâm đã ghi nhận sự liên quan giữa việc đình chỉ học và sự suy giảm chất lượng học, bỏ học giữa chừng và nguy cơ gia tăng các hoạt động tội phạm, tù giam, càng củng cố đường dẫn từ-trường-học-tới-nhà-tù.(4) Khi những đứa trẻ gây rối trở thành người lớn, chúng sẽ phạm tội nhiều hơn và “tốt nghiệp” tại hệ thống cải tạo dành cho người lớn.
Hãy nghĩ về mối nguy hại mà đường dẫn này gây ra. Hàng triệu trẻ em sẽ lầm đường lạc lối, bị thúc đẩy bởi hệ thống kỷ luật không hữu hiệu. Tuy nhiên, không chỉ những đứa trẻ này phải trả giá. Khi trẻ thường xuyên hành xử xấu tại trường học, chúng cản trở quá trình học tập của những đứa trẻ hành xử tốt trong trường, và điều này làm tăng gánh nặng trên vai thầy cô lên gấp nhiều lần. Hành vi phá hoại là nguyên nhân hàng đầu gây ra căng thẳng của giáo viên và là “điềm báo” số một về việc giáo viên bỏ việc sớm tại Mỹ.(5) Nhiều giáo viên tài năng cảm thấy tức giận và kiệt sức bởi những hành vi thách đố này tới mức họ bỏ việc và tìm việc trong các lĩnh vực khác.(6)
Hãy lấy câu chuyện của một giáo viên để minh chứng cho điều này. Ở tuổi hai mươi ba, Sam đã có bằng thạc sĩ ngành sư phạm và dạy các môn khoa học xã hội tại một trường tư ở South Bronx, New York. Sam nhớ lại, “Tôi được trao cho một cuốn giáo trình và một đám trẻ, và rõ ràng là tôi phải quản lý hành vi của lớp của mình vì tôi thật sự không thể phụ thuộc vào ban giám hiệu”.(7) Ngay từ ngày đầu tiên Sam đã phải thường xuyên đương đầu với các hành vi tồi tệ của học sinh, như chửi thề, cãi lại giáo viên, cãi lộn, ẩu đả và sử dụng điện thoại gây mất trật tự. Sam không biết phải làm gì khác ngoài việc bắt đầu tống những đứa trẻ gây mất trật tự ra khỏi lớp và đưa chúng tới phòng hiệu trưởng. Tình trạng đó vẫn tiếp diễn và các vấn đề ngày càng tồi tệ hơn. “Suốt năm đầu tiên đó, hầu như ngày nào tôi cũng khóc”, cô nhớ lại. “Tôi căm ghét khoảng thời gian đó.”
Suốt năm năm sau đó, Sam dạy tại các trường khó nhằn khác tại Thành phố New York. Ngoài các vấn đề hành vi hàng ngày, cô còn gặp một số trường hợp ẩu đả giữa các học sinh. Một lần nọ, một cậu học trò giận dữ đã ném bàn và ghế của nó ngay trong lớp học. Một lần khác, cô phải can ngăn một vụ đánh nhau giữa hai nam sinh to con hơn cô. Một lần khác nữa, cô phải tách hai nữ sinh đang cãi nhau và giật tóc nhau. Tồi tệ nhất là khi Sam cảm thấy bị các nhóm học sinh đe dọa, hoặc khi cô phải đi một mình từ trường tới ga tàu điện ngầm vào buổi tối và lo sợ bị trả thù.
May mắn thay, Sam chưa bao giờ là nạn nhân của hành vi bạo lực. Cô dần dần kiểm soát tốt hơn lớp học của mình và trở nên thích dạy học hơn. Các cuộc trị liệu hàng tuần giúp cô xử lý một số điều cô chứng kiến. Tuy nhiên, chuyện giảng dạy chưa bao giờ là dễ dàng, và một phần căng thẳng đến từ việc phải bỏ nhiều công sức để soạn giáo án hoàn hảo. Do phải đối mặt với quá nhiều hành vi thách đố, cô cảm thấy áp lực phải giữ cho bọn trẻ luôn vui vẻ để chúng bình tĩnh và tập trung học. “Tôi cảm thấy mỗi ngày mình luôn phải vui vẻ và hào hứng từ sáng tới tối”, cô nói. Vào buổi tối, cô về nhà, thắp nến, nằm xuống trường kỷ, đắp chăn và cố sạc lại năng lượng. Cô không còn sức để làm bất cứ việc gì khác.
Cuộc sống của cô đã rất khó khăn, nhưng một số đồng nghiệp của cô còn mệt mỏi hơn nữa. Họ hoàn toàn đổ gục, cho đến một ngày họ rời khỏi trường và không bao giờ quay lại. Sam nhận định đó là “một tổn thất nặng nề cho những đứa trẻ. Sau đó chúng sẽ có giáo viên dạy thế trong hai tháng, rồi nhà trường tuyển được một giáo viên khác, rồi mọi thứ lại bắt đầu rơi vào tình trạng thầy trò cùng thua”.
Cuối cùng, các vấn đề về hành vi của học sinh cũng quá sức chịu đựng của Sam. Mặc dù yêu thương bọn trẻ và cố gắng nhiều cách để giúp chúng, cô cũng muốn có một gia đình riêng của mình, và rõ ràng cô không thể vừa duy trì việc dạy học trong một môi trường khó khăn như vậy vừa có thể tận hưởng một cuộc sống vui vẻ bình thường ở nhà. Tất cả các đồng nghiệp của cô đều có chung cảm giác đó. Tại ngôi trường nơi cô làm việc, cứ tám mươi giáo viên thì chỉ có một người có con. Trong thời gian ở trường, cô chứng kiến khoảng hai mươi lăm giáo viên nghỉ việc do không chịu nổi áp lực, hoặc do họ thấy công việc này sẽ khiến họ khó khăn nếu muốn có một cuộc sống gia đình lành mạnh.
Hành vi thách đố không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân các giáo viên mà còn khiến cả trường tụt dốc. Hiệu trưởng của một trường trung học ở Brooklyn, New York nhớ lại trường của bà đã chật vật thế nào suốt nhiều năm trời với “một tỷ lệ nhỏ các học sinh có hành vi mà chúng tôi không thể kiểm soát cũng như không thể hiểu nổi”. Trường đã nỗ lực hết sức có thể với phương án duy nhất là áp dụng biện pháp kỷ luật truyền thống: “Khi gặp những tình huống đó, chúng tôi luôn hồi hộp không biết mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp hay trở thành nỗi kinh hoàng… Mỗi cơn bùng nổ, mỗi sự leo thang, mỗi lần đình chỉ đều làm cho chúng tôi cảm thấy thất bại và nhụt chí”.(8) Giống như các nhân viên ở nhiều trường khác, các nhân viên trong khoa của bà cảm thấy họ đang bị các hành vi thách đố khống chế. Do mất quá nhiều thời gian để kỷ luật học sinh, cả thầy và trò đều chẳng còn bao nhiêu thời gian cho việc dạy và học. Tất cả mọi người đều bị tổn hại.
Kỷ luật, trừng phạt - và các tổn thất
Cho tới giờ, chúng ta mới chỉ bàn về các tổn thất liên quan tới con người của biện pháp kỷ luật truyền thống. Các phí tổn về kinh tế cũng nặng nề không kém. Thậm chí nếu chỉ có 10% trẻ em có các vấn đề về hành vi thì tỷ lệ này cũng tương đương với hàng triệu em. Một khu học chính điển hình tốn ít nhất bốn mươi ngàn đô-la một năm cho việc cung cấp dịch vụ ngoài địa phận cho một học sinh duy nhất có hành vi thách đố thường xuyên. Khoảng 10% đến 15% số học sinh “có vấn đề” (chẳng hạn như các em có vấn đề tâm thần nghiêm trọng) cần những dịch vụ này, bất kể nhà trường sử dụng hệ thống kỷ luật nào. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta có thể giúp được đại đa số các học sinh này nếu biết cách lưu tâm tới tình trạng thiếu hụt các kỹ năng cơ bản của chúng. Mỗi năm, có đến hàng tỷ đô-la bị tiêu tốn cho các biện pháp kỷ luật không hiệu quả. Chúng ta cũng hãy xem xét chi phí tuyển dụng và thuê giáo viên mới khi các giáo viên hiện hữu nghỉ việc, hay chi phí sử dụng hàng chục nghìn nhân viên an ninh trường học và cảnh sát ở trường (chỉ riêng Thành phố New York đã có hơn năm ngàn năm trăm nhân viên an ninh trường học, mà nếu để đứng riêng sẽ tạo thành một lực lượng cảnh sát lớn thứ ba ở Mỹ).
Phí tổn của việc áp dụng kỷ luật truyền thống có thể được thấy rõ trong chặng đường từ-trường-học-tới-nhà-tù, tại các cơ sở chịu trách nhiệm quản giáo trẻ gây rối khi chúng còn nhỏ và lúc đã trưởng thành. Hành vi của những đứa trẻ này thường khiến chúng trở thành bệnh nhân nội trú trong các bệnh viện tâm thần, và các cơ sở điều trị bệnh tâm thần tiêu tốn hàng ngàn đô-la cho thuốc men và biện pháp khống chế mỗi bệnh nhân nội trú ngang bướng.(9) Hành động khống chế bệnh nhân thường gây thương tích cho bệnh nhân và nhân viên y tế, có một số trường hợp thậm chí còn dẫn tới tử vong. Vì lý do này, các chính quyền bang đã vào cuộc và cố gắng làm giảm tần suất sử dụng biện pháp khống chế của các tổ chức điều trị. Điều này mang lại nhiều tiềm năng trong việc tiết kiệm chi phí. Một cơ sở điều trị tầm trung mà chúng tôi nghiên cứu đã phải thực hiện một ngàn ba trăm lần khống chế bệnh nhân trong một năm với chi phí ước tính là ba trăm năm mươi đô-la mỗi vụ, chưa tính thời gian tiêu tốn của nhân viên. Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể giảm một ngàn vụ mỗi năm bằng cách xem hành vi thách đố là do thiếu kỹ năng chứ không phải thiếu ý chí. Cơ sở này sẽ có thể tiết kiệm được ba trăm năm mươi ngàn đô-la mỗi năm. Trên thực tế, họ thật sự đã tiết kiệm được số đó. Bằng cách chuyển đổi các biện pháp kỷ luật tại cơ sở này, chúng tôi đã giảm được một ngàn vụ khống chế bệnh nhân trong một năm. Nếu điều tương tự có thể diễn ra ở khắp các cơ sở trên toàn quốc, chúng ta có thể tiết kiệm được hàng tỷ đô-la chi phí.(10)
Một nghiên cứu được công bố rộng rãi đã xem xét chi tiết mức tiêu tốn của một cơ sở điều trị nội trú cỡ nhỏ (ba mươi giường bệnh) tại Westborough, Massachusetts, khi áp dụng biện pháp khống chế bệnh nhân và số tiền mà cơ sở này tiết kiệm được khi áp dụng sáng kiến của tiểu bang nhằm giảm thiểu số lần khống chế. Nghiên cứu này cũng xét tới thời gian tiêu tốn của nhân viên trong mỗi vụ trấn áp bệnh nhân mất kiểm soát, cũng như chi phí thuốc men. Nghiên cứu này không tính đến các chi phí liên quan như thương tích cho nhân viên y tế và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, cũng như không định lượng các chi phí liên quan tới nhu cầu giám sát bệnh nhân sau một vụ áp chế.
Nghiên cứu nói trên đã cho thấy cơ sở này đã giảm được số lần khống chế bệnh nhân từ ba ngàn chín trăm chín mươi mốt vụ xuống còn ba trăm bảy mươi ba vụ trong giai đoạn ba năm. Điều này đồng nghĩa với tổng chi phí tiết kiệm được là hơn một tỷ đô-la một năm. Tình trạng bệnh nhân tái phạm cũng giảm mạnh, còn tỷ lệ nhân viên nghỉ việc giảm 80%. Số ngày nghỉ việc của nhân viên do thương tích giảm 98%, số đơn bồi thường bảo hiểm cho người lao động giảm 29% và chi phí y tế do thương tích giảm 98%.(11)
Tại các trung tâm tạm giam và nhà tù, phí tổn cho biện pháp kỷ luật truyền thống cũng không hề nhỏ hơn. Tội phạm tái phạm là một vấn đề lớn đối với hệ thống luật pháp hình sự. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Pew, gần 50% tội phạm quay trở lại nhà tù trong vòng ba năm từ ngày phóng thích. Mặc dù ngân sách nhà tù tăng mạnh (năm 2011, cả nước Mỹ tiêu tốn năm mươi hai tỷ đô-la cho các nhà tù), tỷ lệ tái phạm không hề giảm xuống.(12) Một nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho thấy 75% tù nhân sẽ bị còng tay áp giải trở lại “trong vòng năm năm kể từ ngày phóng thích”.(13) Tỷ lệ tái phạm như vậy gửi đi một bản cáo trạng dành cho biện pháp kỷ luật truyền thống. Nhà tù được cho là nơi giúp con người hoàn lương. Việc tù nhân tiếp tục quay trở lại cho thấy các hình thức thưởng phạt mà nhà tù sử dụng không giải quyết được sự thiếu hụt các kỹ năng cơ bản của người tù.
Trong phạm vi quản thúc của nhà tù hay trung tâm cải tạo thanh thiếu niên, việc sử dụng hình thức thưởng phạt và không tính tới yếu tố kỹ năng có vẻ hoàn toàn ổn. Khi tù nhân hành xử không đúng, bạn có thể ngay lập tức kìm họ lại, và trong những tình huống thái quá thì bạn có thể nhốt họ vào xà lim. Bạn có thể nghĩ mình “đang dạy tù nhân một bài học”, cho họ một động lực mạnh mẽ để không bao giờ hành xử tồi tệ nữa. Hành vi tồi tệ của người tù “đã được điều chỉnh”. Nhưng điều gì xảy ra khi người tù đó ra khỏi nhà giam? Không ai mang còng số tám theo sau họ và sẵn sàng tống giam họ. Họ vẫn thiếu các kỹ năng cơ bản như trước đó, thứ đã khiến họ phải vào tù. Họ vẫn không thể thích nghi hơn đối với các vấn đề nảy sinh, bất kể họ có mong muốn duy trì tự do cho mình đến mức nào đi nữa. Hệ thống pháp luật hình sự trở thành một cái cửa xoay, đến mức vài nhân viên quản lý tại một số cơ sở cải huấn tôi từng nói chuyện đã đùa ác về điều này. Họ nói với tù nhân, “Tạm biệt. Hẹn sớm gặp lại”. Thật không may, đúng là họ có thể sẽ gặp lại.
Theo kết quả một nghiên cứu năm 2012 tại bốn mươi tiểu bang, tổng phí tổn của các nhà tù là ba mươi chín tỷ đô-la, với chi phí bình quân cho một tù nhân là hơn ba mươi mốt ngàn đô-la mỗi năm.(14) Nếu có thể giảm tỷ lệ tái phạm chỉ 10% bằng cách thay đổi phương pháp kỷ luật truyền thống mà hầu hết các nhà tù đều sử dụng, chúng ta có thể tiết kiệm hàng tỷ đô-la. Và chúng tôi có đủ lý do để nghĩ rằng chúng ta có thể cắt giảm nhiều hơn 10%. Tại một cơ sở mà tôi sẽ đề cập sau, chúng tôi đã có thể giảm tỷ lệ tái phạm xuống 50% trong vòng năm năm bằng cách áp dụng các biện pháp thay thế cho biện pháp kỷ luật truyền thống.
Hậu quả xã hội to lớn
Ngoài các tổn thất liên quan tới con người, biện pháp kỷ luật truyền thống còn gây ra nhiều tổn thất to lớn hơn cho xã hội và trực tiếp ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Nơi làm việc là một ví dụ điển hình. Đa số các doanh nghiệp áp dụng hình thức thưởng phạt để khuyến khích hành vi mong muốn (làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn chẳng hạn) và ngăn chặn hành vi không mong muốn (ví dụ như làm việc riêng trong giờ làm việc). Hiếm có doanh nghiệp nào thực hiện những bước để khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng cơ bản của nhân viên. Các hành vi thách đố vẫn dai dẳng hoặc trở nên tồi tệ hơn, dẫn tới xung đột liên miên giữa các thành viên trong cùng bộ phận và rút cạn sinh khí của môi trường làm việc.
Một tổn hại rõ ràng của tình trạng xung đột triền miên là hiệu quả lao động. Như đề cập trong phần giới thiệu của quyển sách, tôi đã định nghĩa chung hành vi thách đố là hành vi chúng ta không thích hoặc việc không thể hành xử không theo cách chúng ta mong muốn. Tại nơi làm việc, tập hợp con của hành vi thách đố là những hành vi khiếm nhã như nói tục, ngôn ngữ cơ thể hoặc các biểu hiện thô lỗ khác. Theo kết quả một cuộc khảo sát trên tám trăm người lao động, 48% trong số họ “cố tình giảm nỗ lực làm việc” khi đụng phải thái độ bất lịch sự, 48% làm việc ít thời gian hơn, và 2/3 trong số họ có hiệu suất lao động giảm. Các nhà quản lý cũng không thoát được, vì cứ có người xử sự thô lỗ thì họ là người phải phản ứng. Một nghiên cứu cho thấy các nhân viên quản lý và giám đốc điều hành tại các công ty lớn sử dụng bảy tuần trong một năm để “sửa chữa các mối quan hệ của nhân viên hoặc giải quyết hậu quả của những hành vi khiếm nhã”.(15) Bạn cũng có thể đoán là người quản lý hiếm khi giải quyết vấn đề này bằng cách cố gắng xây dựng kỹ năng cho nhân viên.
Bất kỳ phép tính nào về phí tổn kinh tế mà hành vi thách đố gây ra cho các doanh nghiệp cũng đều nhanh chóng đưa ra những con số khổng lồ. Cuộc khảo sát tám trăm người lao động đề cập ở trên cũng phát hiện rằng đại đa số (78%) những người tham gia khảo sát chịu đựng các hành vi khiếm nhã nơi làm việc “nói rằng cam kết của họ với doanh nghiệp bị suy giảm”, gần một nửa “cố tình giảm thời gian làm việc”, và hơn 10% “nói rằng họ bỏ việc vì bị đối xử khiếm nhã”.(16) Mở rộng nghiên cứu ra toàn bộ nền kinh tế, các con số này cho thấy mức phí tổn có thể lên tới hàng tỷ đô-la dưới dạng giảm năng suất và mất người lao động. Ngoài ra, chúng ta phải tính cả hàng tỷ đô-la bị mất khi người lao động bị nản chí, không muốn gắn bó với công ty và bị căng thẳng vì phải trải nghiệm hành vi thách đố nơi công sở; hàng tỷ đô-la phát sinh do tác động mà tình trạng căng thẳng từ hành xử khiếm nhã gây ra cho sức khỏe của người lao động (Mỗi năm xã hội tốn khoảng một trăm chín mươi tỷ đô-la để khắc phục hậu quả y tế vì tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc).(17)
Ngay cả các con số khổng lồ này cũng chưa nói hết những tổn hại mà hành vi thách đố gây ra. Trong quyển sách xuất bản năm 2009 về sự khiếm nhã tại nơi công sở, tác giả Christine Pearson và Christine Porath viết:
“Tác động thực tế của sự khiếm nhã không còn có thể đo đếm bằng tiền. Làm sao có thể đếm được những tổn hại do tỷ lệ người lao động nghỉ việc tăng lên, sự chia rẽ trong đội nhóm xuất hiện, các hành vi tốt bị suy giảm, thanh danh của doanh nghiệp hoặc cá nhân bị mất đi?… Tình trạng đối xử khiếm nhã nơi công sở không chỉ gây ra sự bất tiện nho nhỏ cho hàng triệu người lao động tại Mỹ, mà ngày nay tình trạng này là một trong những nguyên nhân gây thất thoát kinh tế đáng kể nhất cho các doanh nghiệp Mỹ, một căn bệnh có thể phòng ngừa được và đang cần được giải quyết.”(18)
Hãy nhớ rằng hành vi khiếm nhã chỉ là một tập hợp con của hành vi thách đố mà tôi đang mô tả. Các đồng nghiệp có thể hành xử lịch thiệp nhưng vẫn làm phiền người khác và gây xung đột. Họ có thể trở nên lấn lướt, quên giờ họp, loay hoay mãi vẫn không thể hoàn thành công việc đúng hạn, hoặc không thể tiếp nhận các tín hiệu xã hội cơ bản và cư xử vụng về (nhưng không thô lỗ hay mang tính xúc phạm). Phí tổn thật sự của hành vi thách đố có thể vượt xa các phí tổn gây ra do sự khiếm nhã nơi công sở. Vì không giải quyết được hành vi thách đố mà còn làm gia tăng kiểu hành vi này, biện pháp kỷ luật thông thường khiến căn bệnh này trở nên tồi tệ hơn.
Xét xa hơn môi trường công sở, biện pháp kỷ luật thông thường ăn mòn các mối quan hệ xã hội và sự giao tiếp lịch thiệp nói chung. Hệ thống thưởng phạt định hình cuộc đời chúng ta từ thời thơ ấu tới tuổi trưởng thành, định hình cách chúng ta hành xử và suy nghĩ. Chúng ta trở nên quen với việc nhận thức hành vi tồi tệ như sản phẩm mà người ta cố ý làm ra. Khi ai đó vi phạm nguyên tắc nào đó, chúng ta muốn trừng trị và khẳng định ý chí của mình. Chúng ta không quen dành thời gian để hiểu quan điểm của người vi phạm hoặc nguyên nhân đằng sau lối hành xử của họ. Cho dù đó là sự trừng phạt của cha mẹ đối với con cái, giáo viên với học trò, người quản lý với nhân viên, xã hội đối với tội phạm hay chính phủ đối với các địa phương có vấn đề, thì thứ thắng thế ở đây chính là thái độ chân lý thuộc về kẻ mạnh. Chúng ta sở hữu năng lực thưởng và phạt, và chúng ta mù quáng khẳng định ý chí của mình. Những nhân vật hoặc các nhóm lớn hơn và có quyền lực hơn sẽ áp đặt giải pháp, dạy cho bên yếu thế hơn “một bài học” để họ phải uốn nắn hành vi.
Thái độ chân lý thuộc về kẻ mạnh hầu như không bao giờ là cách tốt nhất để giải quyết xung đột. Những đối tượng nhận hình phạt cảm thấy bị tước quyền công dân. Vì bị nhận quá nhiều “bài học”, họ cảm thấy mình bất lực và không được lắng nghe. Tuy trông họ có vẻ phục tùng, nhưng ẩn đằng sau là nỗi giận dữ và phản kháng chất chứa. Hậu quả là tình trạng căng thẳng và bạo lực chúng ta đọc được hàng ngày: những vụ xả súng trong trường học, những kẻ cực đoan vỡ mộng gieo rắc hành vi khủng bố, xung đột vũ trang giữa các quốc gia bất hòa. Quan điểm của tôi là đừng phủ nhận hay bác bỏ lòng cảm thông mà tất cả chúng ta cần có đối với các nạn nhân của hành vi thách đố. Khi một kẻ sát nhân tấn công, khi một quốc gia xâm lược một quốc gia khác, khi một kẻ bắt nạt ra tay thì những điều này thật sai trái và gây nhiều tổn thương. Nhưng bằng cách vội vàng trừng trị các quốc gia, nhóm người và các cá nhân vi phạm, chúng ta không lắng nghe họ để hiểu lý do gì đã khiến họ nổi giận. Chúng ta không những không tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các hành vi không mong muốn - việc chúng ta cần làm để giải quyết - mà còn gieo rắc thêm hành vi tồi tệ trong tương lai. Chúng ta đang làm hư hại các mối dây ràng buộc trong xã hội, thứ làm cột trụ cho xã hội con người ở mọi cấp độ.
Suy nghĩ chân lý thuộc về kẻ mạnh hầu như không bao giờ là cách tốt nhất để giải quyết xung đột.
Chúng ta cũng đang khiến thế hệ sau thêm tin rằng con người cư xử tồi tệ vì họ muốn thế, rằng cách giải quyết tranh chấp là áp đặt ý muốn của mình. Lần sau, khi con bạn tỏ thái độ, bạn hãy nghĩ về phản ứng của mình. Nếu bạn nổi giận và giáng xuống chúng một hình phạt, bạn đang dạy con rằng đây là cách người có quyền cần làm khi đương đầu với khó khăn. Hình phạt của bạn không giải quyết được vấn đề. Điều nó có thể làm là dạy cho con bạn rằng khi chúng lớn lên, to hơn và mạnh hơn, thì cuối cùng chúng sẽ có cơ hội áp đặt ý muốn của chúng lên người khác, trừ khi chúng có thể tìm được những người yếu thế hơn mình trong lúc chờ để trở nên mạnh hơn.
Kế hoạch A đã lỗi thời
Tôi không có ý định khiến những người có quyền hạn cảm thấy tồi tệ về bản thân. Ý định của tôi là tìm cách thuyết phục họ thử một phương pháp khác hiệu quả hơn. Như tôi và các đồng nghiệp đã phát hiện ra, con người ở độ tuổi nào cũng có khả năng thay đổi bằng cách tránh xa hệ thống thưởng phạt phản tác dụng, thay vào đó là tập trung xây dựng các kỹ năng cơ bản. Chúng tôi đã tiếp nhận những đứa trẻ mười bảy tuổi cứng đầu, nhiều năm ra vào các trung tâm cải huấn, và chúng tôi đã có thể cải thiện đáng kể hành vi của những đứa trẻ này bằng cách phát triển các kỹ năng của chúng. Ở tất cả các nhà tù và bệnh viện tâm thần, chúng tôi đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phạm khi loại bỏ nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp như áp chế và phòng cách ly.
Các bậc cha mẹ, giáo viên, đồng nghiệp, nhân viên cảnh sát, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các lãnh tụ chính trị đã làm tốt nhất những gì họ có thể với các công cụ kỷ luật có sẵn. Họ đã thử cái mà chúng tôi gọi là Kế hoạch A. Giờ là lúc thử một điều mới, một điều hoàn toàn khác và đã được chứng minh là hiệu quả.
Bây giờ là lúc thử Kế hoạch B.