“Nói cho tôi biết thì tôi sẽ quên.
Dạy tôi thì tôi có thể nhớ.
Cho tôi tham gia thì tôi sẽ học được.”
- Ben Franklin
Tại một trường trung học khắt khe nhất nước, một học sinh đang cãi vã với nhân viên bảo vệ của trường. Cô nữ sinh đã rời khỏi trường nhưng phải quay lại để lấy thẻ xe buýt để quên trong tủ đồ cá nhân. Nhân viên bảo vệ không cho cô gái vào vì như vậy là đi ngược lại quy định của nhà trường (quy định này nhằm không cho bọn trẻ mang các vật cấm vào trường). Cô gái giận dữ. “Thật vớ vẩn. Cho cháu vào. Cháu phải lấy thẻ xe buýt.” Nhân viên bảo vệ yêu cầu cô gái không được nói chuyện với ông kiểu đó. “A, vớ vẩn!”, cô nói. “Ông là cái thá gì vậy? Ông chỉ là một tên bảo vệ quèn thôi.” Nhân viên bảo vệ không thể chấp nhận cách hành xử này. Ông đề nghị cô gái nên đi đi vì ông sẽ không cho cô qua cổng. Cô gái vẫn cố đẩy người bảo vệ sang bên và khi bị ông tóm lấy, cô thúc cùi chỏ vào ông. Người bảo vệ gọi ứng cứu và bắt cô gái vì hành vi hành hung. Cô bị còng tay dẫn đi.
Các tình huống như vậy xuất hiện hàng ngày tại các trường học trên khắp cả nước. Nhân viên an ninh trường học phải xoay xở với các tình huống cực kỳ khó khăn do những học sinh có tính cách không ổn định gây ra, họ cũng được đào tạo rất ít về cách xử lý. Hậu quả là học sinh bị bắt giữ và đưa vào con đường từ-trường-học-tới-nhà-tù. Các nhân viên an ninh đã cố gắng hết sức, nhưng hãy nghĩ xem chúng ta có thể đào tạo họ một cách phản ứng khác như thế nào. Hãy lấy nhân viên bảo vệ nói trên làm ví dụ. Trước tiên, ông đã có thể làm cô nữ sinh bình tĩnh lại bằng cách thông cảm với hoàn cảnh của cô và cho biết ông sẵn sàng giúp. Bất chấp những lời khó nghe của cô gái, ông đã có thể nói, “Chú hiểu. Cháu vừa đi ra và bỏ quên thẻ. Ai mà chẳng có lúc sơ sót như vậy. Giờ thì cháu cần thẻ để về nhà. Đừng lo. Chú sẽ giúp cháu. Được chứ? Chúng ta sẽ tính cách nhé”. Lúc này, người bảo vệ đã có thể biểu hiện lo ngại của mình, “Kẹt một nỗi chú không được phép để mọi người vào trường. Đây là quy định, và nếu linh động cho cháu thì chú có thể sẽ mất việc đấy”. Có thể lúc này cô nữ sinh sẽ lại bực mình, người bảo vệ có thể làm cô bình tĩnh lại bằng cách nói thế này, “Chú biết chúng ta sẽ tính cách được mà. Chú thật sự muốn giúp cháu lấy thẻ xe buýt”. Sau đó, có thể ông sẽ bàn với cô nữ sinh để cùng tìm ra giải pháp. “Làm sao để lấy được thẻ xe buýt cho cháu mà chú vẫn không phá luật nhỉ? Cháu có ý gì không?”
Sau một hồi suy đi tính lại, nhân viên bảo vệ và nữ sinh kia đã có thể cùng nhau đưa ra một giải pháp. Đó có thể là một sự sắp xếp sáng tạo thỏa mãn cả hai bên nhưng không bên nào phải thỏa hiệp. Chẳng hạn, một người bạn còn ở trong trường có thể giúp lấy thẻ xe buýt và mang ra cho cô gái. Hoặc một nhân viên bảo vệ khác có thể lấy cho cô.
Nếu nhân viên bảo vệ phản ứng theo cách này thì cả ông lẫn cô nữ sinh đã có thể nói rõ các lo lắng của mình. Người bảo vệ đã có thể làm tròn nhiệm vụ, giữ vững quyền hạn của mình và tuân thủ quy định. Cô gái thì lấy được thẻ xe buýt và không bị bắt giữ, tránh được các sang chấn tâm lý, tránh được các rắc rối liên quan và hồi kết ở trại cải huấn. Cô gái đã có thể thiết lập được mối quan hệ tốt với người bảo vệ, và như chúng ta cũng sẽ thấy, cô lẽ ra đã có thể có cơ hội thực hành kỹ năng như kiềm chế cơn tức giận, linh hoạt, điều tiết cảm xúc và giải quyết vấn đề. Các kỹ năng này lẽ ra có thể được phát huy trong thời gian ngắn và hai người có thể đưa ra một giải pháp phù hợp.
Vậy thì biện pháp thay thế hiệu quả cho các hình thức thưởng phạt là gì? Tôi và các đồng nghiệp hướng dẫn cho mọi người một phương pháp mang tên Phương pháp Giải quyết vấn đề thông qua hợp tác (Collaborative Problem Solving - CPS), phương pháp mà Tiến sĩ Ross Greene đã nhắc đến lần đầu tiên trong quyển The Explosive Child và chúng tôi đã cùng nhau xây dựng trong quyển Treating Explosive Kids (tạm dịch: Ứng xử với những đứa trẻ nổi loạn ).(1) Phương pháp CPS có một phần nội dung về triết lý, hay cách tư duy, cũng như một phương pháp thực tế để giải quyết vấn đề mà chúng tôi gọi là Kế hoạch B.(2) Phần nội dung về phương pháp giải quyết vấn đề là một cuộc nói chuyện có bố cục chặt chẽ như tôi đã trình bày trên đây, một quy trình giải quyết vấn đề. Phương pháp này giúp hai bên có vị thế bình đẳng, mỗi bên có thể nói rõ ràng quan điểm của mình và cùng hợp tác để tìm ra giải pháp. Thay vì áp đặt quyền hạn của mình, các bậc cha mẹ, giáo viên, cảnh sát và những người khác có thể xử lý một cách cảm thông hơn với những người thuộc sự chăm sóc của họ, giúp những người này rèn luyện và phát triển kỹ năng bằng cách mời họ tham gia tìm giải pháp. Nếu Kế hoạch B nghe có vẻ không thực tế, bạn cũng nên biết rằng những cuộc nói chuyện như vậy cũng xảy ra khắp nơi trên thế giới, trong đủ mọi bối cảnh với những con người có hành vi khó đối phó nhất. Tôi sẽ cung cấp một số ví dụ và trình bày các dữ liệu về kết quả ấn tượng của phương pháp CPS trong các chương sau.
BA PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ VẤN ĐỀ CÙNG NGƯỜI KHÁC
• “Kế hoạch A” = Áp đặt ý chí của bản thân.
• “Kế hoạch B” = Cùng nhau giải quyết vấn đề.
• “Kế hoạch C” = Tạm gác lại mong muốn của mình.(3)
Kế hoạch B không “mềm mỏng”
Lần đầu nghe về Kế hoạch B, các bậc cha mẹ, giáo viên, nhà điều hành, nhân viên cảnh sát và những người khác theo trường phái kỷ luật truyền thống thường phản đối với lý do là phương pháp này quá mềm mỏng. “Anh chỉ để cho mọi người làm điều họ muốn thôi”, họ nói. Họ gạt tay ra vẻ chê bai và nói, “Anh không thể làm vậy. Những người này sẽ trèo lên đầu lên cổ anh. Chúng sẽ nhai nhừ anh và nhổ toẹt ra đấy!”.
Kế hoạch B hoàn toàn không phải là từ bỏ kỳ vọng của bạn. Trong Kế hoạch B, bạn tích cực theo đuổi các mong muốn và giải quyết mối lo ngại của mình, nhưng bạn thực hiện điều đó không phải bằng cách áp đặt giải pháp của bạn. Bạn đưa ra một yêu cầu: “Max, dọn phòng đi”, hay “Alicia, tôi cần bản đánh giá đó vào cuối ngày”. Khi có người không tuân thủ, bạn sẽ lựa chọn cách thực hiện một cuộc đối thoại có cấu trúc chặt chẽ và mang tính hợp tác. Bạn nói rõ những mối lo ngại của mình và yêu cầu người không tuân thủ kia cùng bạn tính toán một giải pháp phù hợp với nhu cầu của cả hai bên.
Nhiều người đã sai lầm khi kiên quyết yêu cầu ai đó làm một việc gì đó bằng biện pháp kỷ luật truyền thống. Họ mặc định Kế hoạch B không thể đưa ra một yêu cầu kiên quyết. Từng có một huấn luyện viên người Ottawa, Canada, tới thăm gia đình tôi ở Boston. Chúng tôi mời cô và gia đình ra hồ bơi. Con gái tôi chạy vòng vòng quanh hồ bơi, tôi la con bé, “Paige, đừng chạy nữa!”. Cô huấn luyện nhìn tôi, mỉm cười và nói, “Ồ, ngài Kế hoạch A đây rồi!”. Tôi lắc đầu, “Thật ra đó không phải là kiểu kỷ luật truyền thống. Đó là yêu cầu con bé không chạy vòng quanh hồ bơi thôi. Còn bây giờ, nếu nó không nghe thì cô mới thấy tôi có dùng Kế hoạch B hay không”. Ngay từ đầu, bạn có thể cứng rắn khi truyền đạt mong muốn của mình. Đôi khi bạn cần cứng rắn. Điều đó phù hợp với Kế hoạch B. Nếu sau khi bạn đã nói rõ mong muốn của mình mà không được đáp ứng thì đó là thời điểm quyết định. Bạn sẽ áp đặt ý muốn của mình và dọa phạt? Hay bạn nói lên quan điểm của mình và cùng người kia hợp tác để tìm ra giải pháp?
Tại các cơ sở cải tạo, nhân viên ở đó sẽ luôn hỏi tôi, “Nếu tôi thực hiện Kế hoạch B, họ sẽ học được cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình thế nào?”. Tôi trả lời bằng cách lưu ý rằng Kế hoạch B không phải là miễn trách nhiệm của người gây rối đối với hành động của họ. Ngược lại, bạn nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ. Làm việc với một người để đưa ra giải pháp cùng thỏa mãn đôi bên không phải là một điều dễ dàng. Kế hoạch B là một công việc khó khăn và người vi phạm sẽ phải cam kết thực hiện. Dưới góc độ này, thưởng phạt rõ ràng là biện pháp mềm yếu hơn. Bằng việc tự đưa ra giải pháp, bạn miễn cho người gây rối tham gia tìm giải pháp. Bằng cách áp biện pháp kỷ luật thông thường, tất cả những gì người vi phạm phải làm là thụ động nhận một loạt các hậu quả. Không có cách nào mạnh mẽ hơn để nhắc nhở ai đó phải chịu trách nhiệm bằng cách nói, “Anh phải tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề mà anh gây ra, để nó không lặp lại nữa”.
Áp dụng Kế hoạch B
Như vừa gợi ý, Kế hoạch B mang lại giải pháp lâu dài đối với hành vi thách đố - phương pháp này giúp con người xây dựng các kỹ năng tư duy cơ bản trong quá trình cùng nhau giải quyết vấn đề. Trước khi xem xét điều này có đúng không, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về Kế hoạch B và làm thế nào để áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả nhất. Trong tình huống ở đầu chương này, nhân viên bảo vệ đã phản ứng theo Kế hoạch A, nhằm buộc cô gái phải làm theo giải pháp của ông. Đây là cách hầu hết các cá nhân và tổ chức viện tới trong các tình huống xung đột. Kế hoạch A là một bài học theo quan điểm chân lý thuộc về kẻ mạnh. Nó tạo ra động lực ngoại tại cho hành vi tốt nhưng không thể truyền được động lực nội tại - động lực làm tốt nảy sinh khi con người cảm thấy mình độc lập, được trao quyền, yêu thích việc mình làm và kết nối với người khác. Khi áp dụng vào những người gặp khó khăn với kỹ năng, Kế hoạch A còn đổ thêm dầu vào lửa cảm xúc và thường làm leo thang hành vi thách đố.
Nếu nhân viên bảo vệ quyết định phớt lờ lời lẽ bất nhã của cô nữ sinh và để cô vi phạm nội quy, ông có thể đã thực hành Kế hoạch C. Trong Kế hoạch C, một người quyết định rút lại yêu cầu hay mong muốn ngay vào lúc sự việc diễn ra. Kế hoạch C không phải nhượng bộ. Đó là một lựa chọn chiến lược. Một người lựa chọn Kế hoạch C đặt ưu tiên chọn vấn đề nào để giải quyết vì họ nhận ra là không thể giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc. Bằng cách để gác lại một số vấn đề hay những mong muốn chưa đạt được trong khi giải quyết các vấn đề ưu tiên hơn vào lúc này, chúng ta có thể giảm được một số các hành vi thách đố. Trong tình huống người thật việc thật này, nếu nhân viên bảo vệ sử dụng Kế hoạch C thì ông vẫn đảm bảo đang làm đúng bổn phận của mình, vì ông là người quyết định điều gì cần xử lý và điều gì thì không. Ông đã có thể đơn giản quyết định rằng lúc này không phải là lúc thích hợp nhất để giải quyết vấn đề, và việc cho nữ sinh đó trở vô trường dẫu có rủi ro nhưng đáng làm.
Điểm then chốt của phương pháp CPS chính là Kế hoạch B, một cuộc nói chuyện qua đó những người trong cuộc cùng hợp tác để giải quyết vấn đề một cách thực tế và làm hài lòng cả đôi bên. Kế hoạch B bao gồm ba bước cơ bản:
• Bước 1: Cảm thông - làm rõ các mối bận tâm của họ
• Bước 2: Chia sẻ mối quan tâm lo lắng của mình
• Bước 3: Khuyến khích người kia cùng động não để đưa ra một giải pháp vừa thực tế vừa thỏa mãn cả hai bên
Trong phiên bản thứ hai của tình huống này, trước tiên nhân viên bảo vệ thông cảm với cô gái bằng cách khẳng định rằng ông hiểu quan điểm của cô. Ông hiểu cô gái đang trải qua điều gì và tại sao cô khó chịu. Một khi đã giúp cô gái bình tĩnh bằng sự cảm thông của mình và trấn an cô rằng ông sẽ không áp đặt giải pháp của ông, ông bày tỏ mối bận tâm của mình: “Chú không được phép cho người vào. Đây là quy định, và nếu linh động giải quyết cho cháu, chú có thể sẽ mất việc”. Khi mối bận tâm của cả hai bên đã được thể hiện rõ ràng, ông sẽ tiếp tục hợp tác với cô nữ sinh để cùng nhau tìm giải pháp khả thi. “Làm sao để lấy được thẻ xe buýt cho cháu mà chú vẫn không phá luật nhỉ? Cháu có ý gì không?” Sau một hồi thảo luận và hợp tác, cả hai cùng đi tới một giải pháp mà rất có thể từ đầu không ai nghĩ tới.
Điểm chính của phương pháp CPS là không chỉ sử dụng Kế hoạch B tại thời điểm xảy ra xung đột. Mà hơn thế, phương pháp này giúp bạn nhận ra rằng khi bạn có vấn đề với ai đó - khi ai đó không đáp ứng mong đợi của bạn, hay trong mắt bạn họ đang hành xử không đúng - thì bạn có ba phương án lựa chọn. Bạn không cần phải lập tức áp đặt quyền hạn của mình. Trong trường hợp đó, bạn sẽ sử dụng Kế hoạch A. Phương án này cho phép bạn áp đặt giải pháp của mình, nhưng cũng cần nhớ là nó không làm giảm hành vi thách đố, không giúp xây dựng kỹ năng cơ bản, tạo ra hoặc khôi phục một mối quan hệ có ích.
Sẽ có những lúc bạn chỉ muốn giữ sự bình tĩnh thì Kế hoạch C có thể hợp lý, và bạn có thể chủ động chấp nhận giải pháp của đối phương. Kế hoạch C sẽ giúp giảm hành vi thách đố vào lúc này, nhưng bạn cũng không xây dựng được các kỹ năng cơ bản và vun đắp cho một mối quan hệ chắc chắn và có ích. Bạn cũng không nói ra được các mối quan tâm lo lắng của mình trong tình huống trước mắt.
Nếu bạn mong muốn đạt được những giải pháp bền vững và giúp người kia xây dựng kỹ năng cần thiết để họ có thể đáp ứng kỳ vọng của bạn trong tương lai, Kế hoạch B là phương án duy nhất. Ngoài ra, nếu muốn xây dựng một mối quan hệ hữu ích với người khác, hãy sử dụng Kế hoạch B.
Bạn cũng có thể sử dụng Kế hoạch B để “hạ nhiệt” một cuộc khủng hoảng trong lúc nóng giận, như trong ví dụ về an ninh trường học trên đây. Ban đầu Tiến sĩ Greene gọi đây là Kế hoạch B Khẩn cấp.(4) Nhưng để ngăn các vấn đề đang xảy ra hay các vấn đề có thể dự đoán giữa bạn và ai đó một cách có chiến lược,(5) thì phương án được chuộng hơn chính là triển khai cái mà ông gọi là Kế hoạch B Chủ động. Trong trường hợp chọn Kế hoạch B Chủ động, đầu tiên bạn sẽ nghĩ xem bạn muốn xử lý những vấn đề nào và theo trật tự nào. Điều này giúp bạn bắt đầu một cách có chừng mực, thể hiện các mối quan tâm của bạn theo cách khiến người kia quan tâm và bạn có thể linh hoạt hơn. Một khi quá trình này đã có cơ sở vững chắc, bạn có thể tiến lên và giải quyết các vấn đề khó khăn hơn (chẳng hạn như các vấn đề xảy ra thường xuyên hơn mà bạn không có nhiều khả năng thay đổi kỳ vọng của mình).
Điều quan trọng là bạn phải thực tế về thời điểm sử dụng Kế hoạch B và khi nào bạn có thể cần quay trở lại với phương án áp đặt quyền hạn (Kế hoạch A). Khi có vấn đề về sự an toàn trước mắt và tình huống có nguy cơ vượt quá tầm tay, bạn có thể cần sử dụng Kế hoạch A. Một nhân viên an ninh tại trại giam dành cho thanh thiếu niên mà chúng tôi từng làm việc, người ban đầu đã phản đối nhưng sau đó đã trở thành người ủng hộ Kế hoạch B, từng nói thế này, “Nếu đứa trẻ vẫn chịu nói chuyện thì tôi vẫn còn sử dụng Kế hoạch B”. Ý ông là đứa trẻ có thể xách một cái ghế kim loại, giơ nó lên cao và có vẻ muốn đập nó vào đầu ông, nhưng nếu đứa trẻ vẫn còn nói chuyện thì ông vẫn sẽ không gọi ứng cứu hoặc cố áp chế. Ông sẽ cố gắng xoa dịu đứa trẻ bằng lời nói, trấn an nó rằng ông sẽ không áp đặt ý muốn của mình lên nó.
Tôi thấy điều này thật tuyệt vời, nhưng thành thật mà nói, tôi không biết mình có làm giống vậy trong tình huống tương tự không. Cho dù một đứa trẻ hay một người trưởng thành vẫn còn đang chịu nói chuyện không có nghĩa tôi không nghĩ tới khả năng quay lại Kế hoạch A. Trong các tình huống như vậy, không có gì xấu hổ khi sử dụng Kế hoạch A, và đôi khi sẽ có người cảm ơn bạn vì bạn đã lựa chọn như vậy. Bạn cần để dành Kế hoạch B cho một ngày khác, khi những cái đầu đã thôi bốc hỏa và tất cả đều có thể nói chuyện một cách điềm tĩnh và lý trí hơn.
Hiểu để giải quyết vấn đề
Kế hoạch B nghe có vẻ đơn giản - chỉ có ba bước - nhưng lại có một số sắc độ cần chú ý. Khi bạn sử dụng Kế hoạch B và bắt đầu một cuộc nói chuyện với ai đó, hãy thực hiện đúng trình tự các bước. Albert Einstein từng nhận xét rằng “sự trình bày chính xác vấn đề thường quan trọng hơn cách giải quyết vấn đề”. Điều này đúng trong khoa học và cũng đúng khi giải quyết các vấn đề thường nhật. Đừng vội đi tới bước ba - bước động não để tìm ra giải pháp. Hãy dành thời gian để trình bày rõ ràng vấn đề bằng cách hoàn tất tốt hai bước đầu. Tiến sĩ Greene nhắc nhở chúng ta hãy định nghĩa vấn đề “đơn giản là hai mối quan tâm chưa hòa hợp”.(6) Vậy để trình bày rõ ràng vấn đề, bạn cần dành thời gian tìm hiểu mối quan tâm của cả hai bên.
Nếu bạn tiếp cận ai đó để cố giải quyết vấn đề, người kia thường sẽ cho rằng ý định thật sự của bạn là bắt anh ta làm theo điều bạn muốn. Giả định này thường phát sinh nhiều nhất khi trong một mối quan hệ có tồn tại sự khác biệt quyền lực, và bạn, người nắm nhiều quyền lực hơn, đang chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện. Nếu bạn bắt đầu bằng cách đi thẳng vào mối lo ngại của bạn, rõ ràng bạn đang khẳng định giả định này. Với người kia, cuộc nói chuyện sẽ giống Kế hoạch A. Kết quả là họ sẽ trở nên phòng thủ, hoặc như một phản ứng thường thấy khi có sự khác biệt quyền lực, họ sẽ “tắt máy”. Theo thuật ngữ chuyên môn, chúng tôi gọi trường hợp thứ hai là rối loạn phục tùng phân ly: suy tính và nói những gì bạn nghĩ người nắm quyền muốn nghe.
Bằng cách cảm thông và làm rõ những mối lo ngại của đối phương ngay từ đầu, bạn làm cho họ hiểu là cuộc trò chuyện này không giống những trải nghiệm trước đó của họ - bạn đang rất cố gắng để hiểu các mối lo ngại của họ và giải quyết vấn đề đang diễn ra. Chỉ cần lắng nghe và làm rõ những suy nghĩ của đối phương thì bạn đã có thể tạo ra bầu không khí ôn hòa, mở đường cho bước tiến triển kế tiếp. Nhiều người nghĩ sự cảm thông là điều gì đó mà bạn bày tỏ với người khác. Trên thực tế, sự cảm thông chính là “thấu hiểu”. Để hiểu, bạn phải đặt câu hỏi, suy ngẫm những điều mình nghe được, đưa ra những phỏng đoán dựa theo kinh nghiệm, kiên nhẫn và cố gắng kín đáo xem xét những giải pháp mà đối phương đề xuất để hình dung phần nào mối lo ngại mà họ chưa nói ra. Chỉ khi đã làm rõ mối lo ngại của đối phương thì chúng ta mới bày tỏ mối lo ngại của mình. Vì đây là một quá trình hợp tác, nên chính tổ hợp các mối quan tâm lo lắng là thứ tạo ra vấn đề hoặc trở ngại mà các bạn đang gặp phải. Sau khi hoàn thành hai bước này thì cả hai bên mới xúc tiến bước thứ ba: động não tìm giải pháp.
Trình tự của các bước trong Kế hoạch B phù hợp với những phát hiện của thần kinh học về sự vận hành của não bộ. Não xử lý thông tin theo trình tự từ dưới lên. Bạn cần xử lý các phản ứng thô sơ hơn trước khi sử dụng đến vùng não lý trí hơn. Nếu không làm đúng trình tự này, bạn sẽ thất bại. Quá trình cảm thông vận hành trước tiên tại cấp độ của cuống não - vùng thô sơ nhất của não bộ, nơi giúp con người điều hòa cảm xúc. Phần não giữa - nơi có hệ thống đường biên não (hệ limbic) và giúp con người liên hệ với người khác - sẽ tham gia khi một cá nhân cảm nhận sự cảm thông của người khác. Phần não này cũng được sử dụng trong bước hai, khi một cá nhân nghe được quan điểm của người khác. Bước cuối cùng, bước hợp tác để đi tới giải pháp, có sự tham gia của phần vỏ não trước trán, vùng lý trí của não bộ. Trình tự sẽ diễn ra như sau: điều hòa, liên hệ, lý luận. Bạn không thể yêu cầu não bộ thực hiện các bước này một cách lộn xộn - bạn không thể tiếp cận vỏ não trước trán nếu không đi qua cuống não và não giữa.(7) Nếu thực hiện Kế hoạch B mà tôi đề ra, bạn sẽ không phạm phải sai lầm đó.(8)
Hãy nghĩ Kế hoạch B giống như nhiệm vụ sơn một căn phòng. Bạn có thể nôn nóng và nhảy tới công đoạn cuối cùng, đó là quét sơn lên tường. Nhưng nếu bạn không chậm lại và thực hiện các khâu chuẩn bị trước, thành phẩm sẽ không như ý. Chẳng thích thú gì khi phải di dời đồ đạc, trải tấm hứng sơn trên sàn, dán băng keo dọc các gờ tường, chà nhám bề mặt tường, v.v., nhưng sự chuẩn bị này giúp cho quá trình sơn tường diễn ra sau đó được suôn sẻ. Đối với Kế hoạch B, phần việc cùng nhau tìm giải pháp cho vấn đề sẽ dễ dàng nếu trước đó bạn nỗ lực làm tốt hai bước đầu tiên. Trên thực tế, hầu hết thời gian của bạn sẽ được dành cho các Bước 1 và 2. Chúng ta có thể muốn nhanh chóng tìm ra giải pháp, vì thiện ý muốn giúp đỡ hoặc vì sức ép thời gian. Điều quan trọng là ta cần kiềm chế việc nói ra những giải pháp khả dĩ cho đến khi đã bày tỏ và thấu hiểu mối bận tâm của nhau.
Bước 1: Cảm thông
Trong ba bước, bước cảm thông có thể đặc biệt khó. Đa số chúng ta gặp khó khăn với kỹ năng phức tạp này, hoặc đơn giản là không vận dụng trọn vẹn kỹ năng của mình trong lúc nóng nảy, vì vỏ não của chúng ta “đình công”. Thật không dễ cảm thông với một đứa trẻ gào lên và chửi tục vào mặt bạn, hay đứa trẻ đang lên cơn thịnh nộ và đạp rầm rầm vào vách tường. Cũng rất khó có thể cảm thông với một người ngại bày tỏ cảm xúc vì họ sợ Kế hoạch A, hoặc một người không thể bày tỏ cảm xúc vì thiếu kỹ năng.
Đứng ở vị thế một người có quyền hạn cũng có thể gây bất lợi cho bạn. Trong nhiều trường hợp, những người có quyền hạn được đào tạo để nói hay hành xử theo cách khẳng định tầm quan trọng và quyền lực của họ. Hãy cứ nghĩ về các vị quan tòa ngồi trên bục cao hơn người khác và khoác chiếc áo choàng đen trang trọng. Hay hãy nghĩ về giọng nói lạnh lùng kẻ cả mà nhiều nhân viên cảnh sát được đào tạo để sử dụng. Nếu bạn áp dụng Kế hoạch A, những cái bẫy quyền lực đó có thể hữu dụng. Nếu bạn đang cố khích lệ ai đó bày tỏ những lo âu của họ để bạn có thể thấu hiểu thì những bẫy quyền lực này thật độc hại. Sự khác biệt về quyền lực vốn dĩ rất hay gây trở ngại và khiến người ta đi sai đường. Chúng ta nghĩ chúng sẽ khiến người khác phục tùng, nhưng trên thực tế, chúng chỉ gây ra điều mà tôi đã từng mô tả, đó là sự phục tùng thiếu kết nối, thậm chí là giả tạo.
Theo thời gian, trong quá trình tham gia vào rất nhiều cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B và xem xét hàng trăm cuộc nói chuyện khác do người khác ghi lại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi đã phát hiện ra rằng khi thực hiện bốn điều - và chỉ bốn điều thôi - trong quá trình thực hiện bước cảm thông, chúng ta sẽ hiểu tốt nhất về mối bận tâm của người khác, để có thể thông cảm với họ ngay cả khi chúng ta ở vị thế người nắm quyền. Thứ nhất, đặt nhiều câu hỏi có tính chất làm sáng tỏ vấn đề. Thứ hai, nếu các câu hỏi của bạn không đi tới đâu, hãy đánh bạo đưa ra một số phỏng đoán về điều đang làm người kia khó chịu. Thứ ba, hãy luyện tập lắng nghe có phản hồi (chẳng hạn, nhắc lại điều đối phương vừa nói theo cách diễn đạt của mình nhằm làm rõ ý - đừng chỉ lặp lại nguyên văn). Thứ tư, trấn an đối phương rằng bạn chỉ đang muốn hiểu quan điểm của họ chứ không hề muốn áp đặt ý muốn của bạn.
Hai phương pháp đầu tiên giúp khơi gợi thông tin. Hai phương pháp sau giúp đối phương bình tĩnh lại, từ đó giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những thông tin mà bạn sẽ rất khó biết được nếu họ đang bực tức và nghi ngờ động cơ của bạn. Để thực hiện tốt bước cảm thông, hãy thường xuyên áp dụng bốn công cụ này, chú ý lắng nghe thật cẩn thận. Chúng tôi gọi đây là lắng nghe chủ động, nghĩa là lắng nghe để thấu hiểu thay vì để phản ứng.
Ví dụ bạn là một giáo viên và lớp học của bạn đang yên lặng thực hiện giờ tự học thì một nữ sinh nói chuyện và khiến các học sinh khác xao lãng. Bạn có thể hỏi, “Có chuyện gì vậy? Tại sao em không làm bài?”.
“Vì chuyện này thật ngớ ngẩn. Em ghét nó”, cô nữ sinh có thể nói vậy.
Có thể bạn cảm thấy tức giận và muốn cắt ngắn cuộc nói chuyện, hoặc giải thích là chuyện này chẳng có gì ngớ ngẩn. Cô nữ sinh không muốn tiếp tục đối thoại, và bạn có hỏi nữa cũng không mang lại kết quả gì. Hoặc, với mong muốn tỏ ra thấu hiểu, bạn có thể nói, “Được rồi, em có thể nghĩ nó ngớ ngẩn. Cô hiểu điều này. Nhưng cô sẽ cho em biết tại sao việc này lại quan trọng”. Nghe có vẻ thông cảm không? Không hề. Trong trường hợp này, bạn đã ngừng lắng nghe và áp đặt quan điểm của mình, dù là theo cách nhẹ nhàng. Chúng tôi gọi cách này là “cảm thông cho có”. Thay vì dành thời gian để xem xét và lắng nghe đối phương bộc bạch, bạn thản nhiên chuyển sang cảm thông rồi nhanh chóng tiếp tục trở về mối quan hệ tiêu chuẩn giữa người có quyền hạn và người có ít quyền hạn hơn.
Đừng cắt ngắn hoặc thực hiện qua loa bước cảm thông. Thay vào đó, hãy sử dụng bốn công cụ nói trên để từ từ gợi mở cho người kia bày tỏ các mối lo ngại của họ. Khi cô nữ sinh nói, “Em ghét nó”, bạn có thể phản ứng bằng cách dẫn cô bé ra hành lang để những học sinh khác không bị xao lãng, và nói, “Được rồi, cô nghe em đây. Em nói em ghét chuyện này. Em ghét gì trong chuyện này?”. Đó chính là lắng nghe để thấu hiểu, đưa ra một câu hỏi có tính chất làm sáng tỏ. Hãy tiếp tục với cô bé, dù thái độ của nó khiến bạn bực mình. Hãy thử dẫn dắt cô bé đưa ra cách nhìn nhận của nó. Hãy phát tín hiệu là bạn đang nghiêm túc và quan tâm tới cô bé. Điều này xoa dịu cô bé, và một khi nó bình tĩnh, những vùng não phụ trách lý trí của nó có thể tham gia hoạt động.
Giả sử cô bé vẫn không nhượng bộ hoặc vẫn ngoan cố, nó có thể nói, “Em không nói chuyện với cô. Em làm gì kệ em”. Khi đó bạn sẽ làm gì? Cô bé im lặng sau khi nói ra điều này, vậy chúng ta sẽ phải trở lại với một trong các công cụ xoa dịu: trấn an. Bạn có thể nói, “Em biết đấy, em sẽ không gặp rắc rối nào mà. Chuyện này không phải vậy. Cô dám chắc phải có lý do khiến em không muốn làm bài tập. Cô chỉ muốn hiểu lý do là gì thôi”. Cách trấn an như vậy giúp điều hòa cảm xúc của đối phương ở mức độ cuống não, điều này có thể đặc biệt cần thiết nếu trước đó bạn chưa từng thực hành Kế hoạch B với đứa trẻ này bao giờ (cần thời gian để xây dựng lòng tin và quan hệ). Khi cô bé có vẻ bình tĩnh hơn, bạn có thể lại đưa ra một câu hỏi, thậm chí có thể phỏng đoán: “Cô nhận thấy đôi khi em tự làm bài tập khá nhanh, rồi lại thấy chán khi phải ngồi chờ cho các bạn làm xong. Em có nghĩ là khi em làm bài xong, em khó lòng ngồi yên, vì vậy thay vì làm ngay từ đầu thì em lại quyết không làm luôn không?”.
Bước cảm thông thật sự chỉ là thực hiện vai trò một người thám tử giỏi. Đặt câu hỏi, tìm hiểu, trong lúc đó xoa dịu và trấn an đối phương. Bước này chủ yếu tập trung vào việc mở đầu câu chuyện một cách trung lập để lôi kéo đối phương tham gia, từ đó giúp bạn có thể lấy được các thông tin cần thiết. Tất nhiên, thời điểm tệ nhất để giải quyết một vấn đề có thể đoán trước là ngay lúc nó xảy ra lại. Sau khi xung đột qua đi, bạn sẽ có nhiều cơ may để lấy thông tin hơn.
Một lần tôi có dịp huấn luyện cho các vị quan tòa của tòa án dành cho thanh thiếu niên và gia đình tại Thành phố New York. Khi tôi hướng dẫn họ về Kế hoạch B và nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận trung lập khi bắt đầu một cuộc trò chuyện, một trong những vị quan tòa có vẻ mặt nghiêm nghị và đầy hoài nghi cắt ngang, “Chờ chút. Để tôi nói rõ điều này. Anh muốn tôi ngồi trên ghế quan tòa trong phòng xử án và nói mấy thứ đại khái như, ‘Này, tôi nhận ra rằng đây là lần đầu tiên anh ở đây, tôi cho anh hai lựa chọn giữa nhà tù và phục vụ cộng đồng, và có vẻ anh chọn phục vụ cộng đồng nhưng anh lại không tuân thủ. Có chuyện gì vậy?’”. Tất cả các vị quan tòa khác phá lên cười.
Tôi trả lời, “Thật ra, đó chính xác là điều tôi muốn ông hỏi. Nếu có thể thực hiện điều này không phải với thái độ mỉa mai chế giễu, ông có thể lấy được một số thông tin có ích”. Phải thừa nhận là tôi có chút bực mình.
Tôi tiếp tục giải thích rằng việc cố gắng làm cho bị cáo mở lời là rất đáng giá, vì các thông tin mà họ cung cấp có thể mang tính quyết định. Bị cáo có thể lựa chọn giữa nhà tù và phục vụ cộng đồng, và ban đầu anh đã chọn phương án thứ hai, cũng là lựa chọn của bất kỳ ai có đầu óc tỉnh táo. Tuy nhiên, do bị cáo không tuân thủ phương án đó nên bây giờ anh phải đối mặt với nhà tù. Nếu không thể hiểu lý do thì chúng ta sẽ không bao giờ giúp bị cáo giải quyết vấn đề theo hướng tốt hơn. Không tuân thủ phương án đề ra là một lựa chọn cực kỳ tệ, nhưng chắc chắn bị cáo có những mối lo ngại nghiêm trọng nào đó (chẳng hạn như vấn đề di chuyển) và sự thiếu kỹ năng (chẳng hạn như kỹ năng lập kế hoạch) nên mới gây ra chuyện này. Nếu chúng ta có thể tiếp cận với các mối lo ngại đó và xây dựng kỹ năng mà không cần đánh đổi bằng kỳ vọng của mình, chúng ta có thể đi tới các giải pháp tốt hơn cho tất cả các bên.
Điều này cũng đúng cho các hành vi thách đố chúng ta bắt gặp từ con cái, vợ chồng, đồng nghiệp, sếp - bất kỳ ai. Đúng vậy, hành vi là không thể chấp nhận, nhưng người đang hành xử sai có thể đang có những mối lo, một khó khăn to lớn nào đó, hoặc vấn đề về kỹ năng khiến họ hành động như vậy. Tất cả chúng ta đều đang làm tốt nhất có thể với những kỹ năng mình có. Nếu họ làm không tốt, chúng ta cần đi chậm lại, tìm hiểu và xác định các mối lo ẩn sâu bên dưới. Hãy tìm hiểu và sẵn sàng cho những điều bất ngờ.
BỐN CÔNG CỤ CẢM THÔNG
• Đặt câu hỏi mang tính chất làm sáng tỏ.
• Đưa ra các phỏng đoán về lý do khiến người kia khó chịu.
• Thực hành lắng nghe để thấu hiểu.
• Trấn an người kia rằng bạn không cố áp đặt ý muốn của bạn lên họ.
Bước 2: Chia sẻ mối bận tâm của bạn
Vào cuối bước thứ nhất của Kế hoạch B, bước cảm thông, người kia trong cuộc đối thoại sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn và được thấu hiểu hơn. Sau đó, và chỉ sau đó, bạn có thể chia sẻ mối quan tâm của bạn. Nếu bạn đang chủ động thực hiện một cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B về một vấn đề tái diễn, bạn có thể dành thời gian trước cuộc nói chuyện để suy nghĩ và làm sáng tỏ mối lo ngại của mình, thậm chí lên kế hoạch những điều mình định nói. Nếu bạn đang áp dụng Kế hoạch B trong một tình huống bất chợt nảy sinh hoặc trong lúc khủng hoảng, hãy đảm bảo bạn nói rõ mối lo của mình chứ đừng vội đề xuất giải pháp. Hãy nói cho người kia biết điều gì khiến bạn lo lắng. Có thể bạn lo lắng về sức khỏe, an toàn, việc học hành, tình trạng cảm xúc của họ. Có thể đó là do tác động của hành vi của người đó tới một ai khác. Bất kể là trường hợp nào, hãy dò tìm manh mối. Hãy cho đối phương cơ hội hiểu quan điểm của bạn. Hãy cụ thể nhất có thể.
Lời lẽ bạn dùng cũng quan trọng. Đừng tiếp nối bước cảm thông bằng cách nói, “Tôi hiểu anh rồi, nhưng…”. Điều này chỉ củng cố cho suy nghĩ rằng mối quan tâm mà bạn đang nêu ra quan trọng hơn mối quan tâm của người kia. Để Kế hoạch B có hiệu quả, quan điểm của hai bên phải được đặt ở thế bình đẳng. Do đó, bạn hãy nói, “Tôi hiểu ý anh. Anh đang nói là… (lặp lại lời người kia vừa nói). Và đây là điều tôi lo lắng. Đây là điều khiến tôi bận tâm lúc này”. Đừng nói “Tôi hiểu rồi, nhưng…”, mà hãy nói, “Tôi hiểu rồi , và…”.
Đừng lo lắng nếu việc bạn bày tỏ quan điểm của mình khiến đối phương trở nên xúc động hơn, hoặc ngược lại, khiến họ trở nên im lặng. Điều này là bình thường, và nó bắt nguồn từ nỗi lo sợ của người kia rằng việc bạn nói ra nỗi lo của bạn sẽ khiến nỗi lo của họ không còn quan trọng nữa. Hãy quay trở lại bước cảm thông và trấn an người kia rằng bạn chưa hề quên mối lo ngại của họ. Hãy điều tiết cảm xúc của họ trước khi tiếp tục tiến lên phần não cao cấp hơn. Nếu đối phương không chia sẻ với mối lo của bạn thì cũng đừng lo lắng - họ không cần phải làm vậy. Họ chỉ cần nhìn nhận mối quan tâm của bạn thôi.
Bước 3: Động não để đưa ra giải pháp
Khi bạn đã thể hiện quan điểm của mình và đối phương vẫn tương đối bình tĩnh, bạn đã hoàn thành bước thứ hai. Lúc này, bạn sẽ có hai mối quan tâm. Không phải là hai tập hợp các giải pháp, mà là hai tập hợp các mối quan tâm. Lúc này bạn có thể chuyển tới bước ba và cũng là bước cuối cùng: cùng hợp tác để tìm ra một giải pháp thỏa mãn cả hai bên. Sẽ có ích nếu bắt đầu động não bằng cách lặp lại cả hai tập hợp các mối quan tâm để hai bên cùng hiểu rõ bạn đang cố gắng làm gì. Sau đó, hãy cố kiềm chế và yêu cầu người kia đưa ra giải pháp trước. Bạn có thể nói, “Tôi dám chắc phải có điều gì đó chúng ta có thể nghĩ tới sao cho mối bận tâm của cả anh lẫn của tôi đều được xem xét”. Nhân viên bảo vệ trong tình huống trên có thể gợi ý cho cô nữ sinh bằng cách nói, “Chắc hẳn phải có cách lấy được thẻ xe buýt cho cháu mà không phải vi phạm quy định. Cháu có ý gì không?”. Cho đối phương cơ hội đầu tiên để động não là điều quan trọng, vì điều này giúp họ ý thức về việc làm chủ quá trình và giải pháp. Ngoài ra, nó còn cho họ cơ hội xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề.
Cũng có thể là người kia vẫn không đưa ra ý tưởng nào. Trong trường hợp này, bạn có thể trấn an họ bằng cách nói: “Không sao đâu. Cháu đừng lo. Nếu cháu không có ý kiến gì, chú cá là chúng ta có thể nghĩ ra điều gì đó. Để chú nghĩ xem có cách gì không”. Nhưng nếu đối phương thật sự đưa ra một ý tưởng và đó là một ý tưởng tồi thì sao? Bất kể chất lượng của ý tưởng của họ thế nào, hãy đón nhận nó một cách nghiêm túc. Bạn có thể đáp lại bằng cách nói, “Đó cũng là một cách. Chúng ta sẽ cùng thảo luận xem sao”. Sau đó hãy cùng phân tích ý tưởng đó, đánh giá xem nó có hiệu quả cho mỗi bên không, nó có thực tế và khả thi không. Nếu đi theo giải pháp đã đề xuất thì bạn có tạo ra khó khăn mới nào không?
Nếu cô nữ sinh đang muốn lấy thẻ xe buýt nói, “Hãy cho cháu vào để lấy thẻ xe buýt! Chuyện này thật ngớ ngẩn”, bạn có thể nói, “Đó là một ý, cháu đi lấy thẻ. Nếu cháu lấy được thẻ thì được việc cho cháu rồi. Rồi chú cho cháu vào, và dù cháu nghĩ điều này có ngớ ngẩn hay không thì cháu cũng đã vi phạm nội quy. Việc của chú là tuân thủ nội quy, vậy thì cách này lại không ổn cho chú. Để xem. Chú nghĩ mình có thể tính cách nào đó ổn thỏa cho cả hai chúng ta. Chắc chắn chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để cháu lấy được thẻ xe buýt và chúng ta không phải vi phạm quy định. Cháu có ý tưởng nào nữa không?”. Bằng cách dành thời gian để nêu ra các lập luận, bạn đang làm mẫu cách sử dụng các dạng kỹ năng như cảm thông, tiếp nhận quan điểm, tư duy linh hoạt, kiểm soát cơn bốc đồng và điều hòa cảm xúc.
Khi tiếp tục theo cách này, bạn và đối phương sẽ đưa ra được các giải pháp tích cực và cùng nhau phân tích. Trong trường hợp thẻ xe buýt, hoặc nhân viên bảo vệ hoặc cô gái có thể đưa ra các ý tưởng như “Chúng ta có thể nhờ một người bạn thân của cháu lấy thẻ giúp không?”, hoặc “Không biết một người bảo vệ khác có thể lấy cho cháu được không?”, hoặc “Có thể chúng ta sẽ nhờ một nhân viên bảo vệ khác dẫn cháu vào lấy”. Điểm mấu chốt là cùng đi tới một giải pháp có tính tới mối lo ngại của cả hai bên. Hơn thế nữa, đó là tham gia vào quá trình cùng hợp tác để giải quyết vấn đề. Quá trình này là cách các kỹ năng cơ bản được hình thành - các kỹ năng vận hành của não bộ như đưa ra giải pháp cho vấn đề và dự đoán (thử nghiệm các ý tưởng trước khi hành động), các kỹ năng giao tiếp, điều hòa cảm xúc, v.v. Chính quá trình này là thứ tạo ra phép màu.
Trong suốt quá trình thực hiện bước động não, hãy suy nghĩ tích cực và khơi gợi niềm tin rằng khi hợp tác với nhau, các bạn sẽ đưa ra được một giải pháp tốt đẹp và hợp lý cho cả đôi bên. Hãy chắc chắn rằng bạn đã nỗ lực hết sức để đảm bảo mối lo ngại của người kia và của bạn đều được quan tâm. Ngoài ra, hãy suy nghĩ về bất kỳ ý tưởng nào người kia đưa ra. Tìm cách để kết hợp chúng, mở rộng, điều chỉnh và xây dựng dựa trên bất kỳ ý tưởng nào. Một khi đã đi tới một giải pháp thực tế và thỏa mãn cả hai bên, cũng như một kế hoạch để đi tiếp, thì bạn đã xong việc - bạn đã hoàn tất Kế hoạch B.
Bản thân quá trình là thứ tạo ra phép màu
Xây dựng kỹ năng thông qua Kế hoạch B
Bạn có thể tự hỏi: phương pháp CPS có thật sự xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề không. Trên thực tế, phương pháp này có giúp xây dựng kỹ năng. Đội ngũ nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và các cộng sự đã có được nhiều bằng chứng thu được dựa trên kinh nghiệm thực tiễn chứng minh rằng phương pháp CPS giúp trẻ em xây dựng các kỹ năng cơ bản. Trong một cuộc nghiên cứu, chúng tôi đã đánh giá sự phát triển kỹ năng ở hàng trăm trẻ em tham gia phương pháp CPS như một phần trị liệu ban ngày ở Trung tâm Trẻ em Crossroads tại Ottawa, Canada. Chúng tôi so sánh những đứa trẻ này với hàng ngàn trẻ em khác tại Ontario, những đứa trẻ nhận được dịch vụ trị liệu tương tự nhưng không phải CPS. Những đứa trẻ tham gia CPS với người lớn đã có những tiến bộ đáng kể về triệu chứng và chức năng. Các phân tích bổ sung cho thấy sự cải thiện kỹ năng tự điều tiết (kiểm soát cơn bốc đồng) và kỹ năng linh hoạt nhận thức có liên quan tới các cải thiện lâm sàng.(9) Ngoài ra, chúng tôi nhận ra rằng phương pháp CPS thay đổi cách người lớn nghĩ về trẻ em, điều này ảnh hưởng tới cách họ tương tác với chúng.
Có vẻ kỳ lạ khi nghĩ là thực hiện cuộc trò chuyện Kế hoạch B tốt cho quá trình xây dựng kỹ năng hơn so với thực hiện nhiệm vụ trong phòng trị liệu, trong một nhóm điều trị kỹ năng hoặc sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nhưng sự thật đúng là như vậy. Tách con người ra khỏi cuộc sống thường nhật để đào tạo cho họ các kỹ năng mà họ phải sử dụng trong cuộc sống hàng ngày là điều vô nghĩa. Các lớp học về kỹ năng kiểm soát cơn giận chính là ví dụ hoàn hảo. Những lớp học này tập hợp những người có các vấn đề về điều tiết cảm xúc và dạy cho họ biết phải làm gì khi giận dữ - như thể họ chưa từng biết những điều này. Thử thách không nằm ở chỗ biết phải làm gì, mà là tiếp cận vùng lý trí của não bộ vào lúc nóng giận để có thể áp dụng những gì bạn đã biết. Cách vượt qua những khó khăn của việc kiểm soát cơn giận là giúp người đó luyện tập cách kiểm soát cảm xúc trong lúc nóng giận. Để làm được điều đó, bạn cần hiện diện khi người đó nóng giận, giúp họ dằn xuống những phản ứng cảm tính đủ để họ có thể suy nghĩ một cách lý trí. Bạn cần thực hành điều này lặp đi lặp lại, ngày này sang ngày khác, để não của họ có thể hình thành các đường dẫn truyền thần kinh mới.
Các nhà nghiên cứu về thần kinh học nhắc đến tính khả biến đặc trưng của não bộ để giải thích cách các kỹ năng được hình thành. Để thay đổi mạng lưới nơ-ron thần kinh, bạn phải kích hoạt mạng lưới nơ-ron thần kinh thực tế đó.(10) Nhưng các hoàn cảnh nhân tạo không vận dụng các mạng lưới nơ-ron thần kinh thực tế tham gia vào quá trình áp dụng các kỹ năng cụ thể. Bạn cần tình huống thực tế cho việc này. Kế hoạch B giúp con người thực hành kỹ năng trong chính các môi trường họ cần áp dụng nó, và quan trọng là nó làm được điều này bằng những tình huống nhỏ và cần thiết mà các nhà nghiên cứu về thần kinh gọi là sự căng thẳng tích cực. Bạn không thể thay đổi phản ứng của một người đối với sự căng thẳng mà không kích hoạt phản ứng của họ đối với sự căng thẳng. Điều khó là làm cách nào để tạo căng thẳng cho não bộ một cách an toàn, không gây sang chấn tâm lý. Sự căng thẳng lành mạnh có mức độ vừa phải, dễ đoán và có kiểm soát - chính xác là điều Kế hoạch B có thể mang lại. Bằng cách áp dụng Kế hoạch B lặp đi lặp lại suốt cả ngày để xử lý các tình huống xung đột cụ thể, người nắm quyền hoặc người chăm sóc có thể đem lại những liều lượng căng thẳng nhỏ, dần dần tạo thành những đường dẫn truyền thần kinh mới trong não bộ con người.
Kế hoạch B còn mang lại những ích lợi trong việc xây dựng kỹ năng. Khi tham gia vào một cuộc nói chuyện theo kiểu Kế hoạch B, con người không chỉ xây dựng mỗi lần một kỹ năng. Như chúng ta quan sát trong kịch bản trên đây, họ xây dựng nhiều kỹ năng cùng lúc. Hiếm khi chúng ta cần vận dụng chỉ một kỹ năng duy nhất. Thay vào đó, chúng ta phải đồng thời áp dụng một loạt các kỹ năng với nhau trong đời sống thực tế. Hơn thế, Kế hoạch B tự động xây dựng chính xác các kỹ năng cần được chú ý nhất. Nếu một người có kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp tốt, họ sẽ không gặp vấn đề gì trong việc diễn đạt mối lo ngại của mình. Phần liên quan đó của cuộc nói chuyện theo cách Kế hoạch B sẽ diễn ra trôi chảy. Khi tới bước hai của cuộc nói chuyện, lúc họ phải lắng nghe và đánh giá đúng mối lo ngại của bạn, họ có thể gặp nhiều khó khăn hơn, có lẽ do kỹ năng tiếp nhận quan điểm và thông cảm với người khác không phải là điểm mạnh của họ. Lẽ dĩ nhiên, cuộc nói chuyện sẽ mắc kẹt tại đây, làm cho cả hai đều phải chậm lại và rèn luyện kỹ năng này nhiều hơn. Nói cách khác, Kế hoạch B cung cấp một sự đánh giá tự nhiên và gián tiếp về kỹ năng của một người. Thay vì một lần “huấn luyện” chung chung, quá trình cùng nhau giải quyết vấn đề đưa ra một phương pháp được xây dựng để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng người tham gia.
Khi tôi trình bày về Kế hoạch B cho một số người, họ thường băn khoăn điều gì sẽ xảy ra nếu những người có quyền hạn (cha mẹ, giáo viên, người quản lý, các nhà trị liệu, nhân viên cảnh sát, v.v.) tham gia cuộc nói chuyện theo mô hình Kế hoạch B trong khi bản thân họ cũng thiếu kỹ năng. Điều đó có làm hỏng chuyện không? Tin xấu là rất nhiều trong số những người có quyền hạn thật sự có vấn đề về kỹ năng. Tin tốt là những người có quyền hạn cũng thực hành kỹ năng trong quá trình thực hiện Kế hoạch B. Nếu bạn có xu hướng dễ nổi nóng, có lẽ bạn cần rèn luyện thêm kỹ năng điều tiết cảm xúc. Hoặc có thể kỹ năng tư duy xã hội của bạn yếu hơn bạn tưởng - bạn không hiểu bạn để lại ấn tượng gì hay có thể tác động đến người khác ra sao. Kế hoạch B mang tính hợp tác sâu sắc nhất. Những người tham gia không chỉ đang hợp tác đưa ra giải pháp cho các vấn đề cụ thể, mà họ còn hợp tác cải thiện kỹ năng tư duy cần thiết để giải quyết các xung đột.
Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy những bằng chứng thực nghiệm rằng theo thời gian, những bậc cha mẹ sử dụng Kế hoạch B với con của mình cũng đã phát triển các kỹ năng thông cảm. Các nhà nghiên cứu theo dõi bốn mươi hai gia đình có con nhỏ (độ tuổi từ ba tới mười hai), trước đó đã trải qua chương trình mười hai tuần thực hiện phương pháp CPS tại nhà. Hai tới ba lần mỗi tuần, một nhân viên xã hội, người đã được đào tạo về phương pháp này, tới nhà và quan sát tương tác giữa các thành viên trong những gia đình này, hướng dẫn cho họ Kế hoạch B và đưa ra những lời khuyên về cách áp dụng phương pháp CPS. Trước và sau mỗi đợt trị liệu, các nhân viên xã hội đánh giá bọn trẻ cư xử tốt ra sao, chúng sử dụng các kỹ năng chức năng điều hành tốt thế nào, các vị phụ huynh bị căng thẳng thế nào. Phụ huynh cũng điền các mẫu khảo sát trước và sau đợt điều trị cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ cảm thông của họ cũng như các biến số liên quan tới phương pháp CPS. Kết quả gợi ý rằng các khó khăn về hành vi trong những đứa trẻ đã giảm đáng kể, một phần do chúng phát triển các kỹ năng thuộc chức năng điều hành tốt hơn. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có nhiều tiến bộ đáng kể trong khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác. Kế hoạch B đã xây dựng kỹ năng của họ chứ không chỉ cho con của họ.(11)
Con người có xu hướng học nhanh hơn trong bối cảnh các mối quan hệ.
Kế hoạch B còn mang lại một lợi ích khác: dạy các kỹ năng trong bối cảnh của mối quan hệ. Bạn không thể thay đổi một kiểu quan hệ nếu không tham gia vào các tương tác của mối quan hệ đó. Ngoài ra, kết quả của một số nghiên cứu về thần kinh học cho thấy con người có xu hướng học nhanh hơn trong bối cảnh các mối quan hệ. Trên thực tế, tất cả những bước phát triển bản thân lành mạnh đều xảy ra trong bối cảnh các mối quan hệ tương tác với nhau. Nếu loại bỏ bối cảnh mối quan hệ này (chẳng hạn như bằng cách để cha mẹ bỏ bê con cái), bạn sẽ làm ngưng trệ sự phát triển não bộ. Lấy một ví dụ ít nghiêm trọng hơn, nếu hỏi một đứa trẻ ở độ tuổi đi học rằng nó thích lớp học nào, bạn sẽ thường thấy câu trả lời liên quan nhiều hơn tới giáo viên và phong cách dạy hơn là nội dung thực tế của bài học. Những giáo viên giỏi thường vun đắp mối quan hệ với học sinh khi cùng tham gia với chúng trong các hoạt động thực tiễn, và những mối quan hệ như vậy giúp bài học tự hình thành trong não bộ. Với Kế hoạch B, con người thực hành các kỹ năng dựa trên trải nghiệm, thông qua một cuộc đối thoại có tác dụng như phương tiện xây dựng mối quan hệ. Kế hoạch A, như chúng ta đã thấy, khiến các mối quan hệ đổ vỡ. Khi con người cùng nhau giải quyết vấn đề thông qua Kế hoạch B, họ thiết lập được lòng tin và sự thấu hiểu. Kỹ năng sẽ được hình thành nhanh chóng và vững chắc hơn.
Nếu bạn muốn học cách chơi một tác phẩm của Bach trên đàn piano, cách để học các kỹ năng phức tạp cần có không phải là ngồi trong lớp học và nghe ai đó giảng bài, cũng không phải thực hiện các bài tập mô phỏng tác phẩm của Bach. Cách học chính là thật sự chơi bản nhạc với sự có mặt của giáo viên piano. Bạn sẽ loay hoay ở vài đoạn nhạc khó, giáo viên sẽ cho bạn ý kiến phản hồi cần thiết ngay lúc đó. Bạn sẽ tập đi tập lại, nhận được nhiều lời chỉnh sửa hơn. Theo thời gian, bạn phát triển mối quan hệ với giáo viên. Các đường dẫn truyền thần kinh mới được hình thành trong não bộ. Bạn phát triển các kỹ năng cần thiết. Và bạn chơi bản nhạc đó tốt hơn.
Ben Franklin từng nói, “Bảo tôi làm, tôi sẽ quên ngay. Dạy tôi, tôi có thể nhớ. Cho tôi tham gia, tôi sẽ học được”. Sự tham gia này chính là thứ bị loại trừ trong biện pháp kỷ luật truyền thống và là thứ được Kế hoạch B cho phép diễn ra. Điều này không có nghĩa là Kế hoạch B xây dựng các kỹ năng hay sửa chữa các mối quan hệ một cách tức thời. Quá trình này đòi hỏi thời gian và luyện tập. Một số kỹ năng được hình thành dễ dàng hơn các kỹ năng khác, phụ thuộc vào độ phức tạp của kỹ năng và mức độ thiếu hụt kỹ năng ban đầu. Khi làm việc với những người có khó khăn trong việc diễn đạt mối lo ngại của mình, chúng ta có thể dạy cho họ kỹ năng ngôn ngữ căn bản trong vài tuần luyện tập lặp đi lặp lại. Sau đó, một người thường hay nổi giận sẽ có thể nói những điều như “Tôi cần nghỉ ngơi một chút”, hay “Lúc này tôi không thể nói về chuyện đó”. Một kỹ năng khó xây dựng hơn nhiều là kỹ năng cảm thông - khả năng xem xét quan điểm của người khác. Kỹ năng này cần hàng tháng, đôi khi hàng năm luyện tập chăm chỉ, lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Nhưng có công mài sắt, có ngày nên kim.
Như tôi đã chứng kiến trong quá trình làm việc của mình, chúng ta thậm chí có thể xây dựng các kỹ năng với các bệnh nhân gặp nhiều khó khăn tới mức ban đầu họ không thể tham gia một cách hiệu quả vào các cuộc đối thoại theo Kế hoạch B. Tôi đã làm việc với vô số bệnh nhân, chẳng hạn như bệnh nhân mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, những người gặp khó khăn bởi sự kém linh hoạt nghiêm trọng. Khi bạn thực hiện bước động não của Kế hoạch B với họ, họ không đưa ra được bất kỳ ý tưởng nào để giải quyết vấn đề trước mắt, bất kể bạn nói nhiều lần với họ thế nào hoặc nói ra sao đi nữa. Trong các trường hợp này, chúng ta cần tạo bước đệm gợi ý để giúp hình thành kỹ năng. Trong hầu hết trường hợp, sau cùng chúng ta sẽ thấy được sự tiến bộ.
Chẳng hạn, đôi khi chúng ta giúp các bệnh nhân thiếu kỹ năng linh hoạt bằng cách cho họ một nền tảng cơ bản để họ có thể dễ dàng sử dụng để giải quyết vấn đề. Chúng ta nói với họ rằng có ba phương pháp cơ bản để giải quyết vấn đề: thỏa hiệp, yêu cầu giúp đỡ và thử làm điều gì đó theo cách mới.(12) Chúng ta giúp họ triển khai theo nền tảng này trong các tình huống người thật việc thật để khuyến khích tư duy sáng tạo các giải pháp cụ thể hơn.
Một bé gái mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ mà tôi từng điều trị - ở đây tôi gọi cô bé là Shawna - đã thể hiện ba phương pháp này bằng hình ảnh. Khi chúng tôi cần cùng nhau giải quyết một vấn đề mà không nghĩ ra ý tưởng nào, cô bé sẽ sử dụng những hình ảnh này như một gợi ý thị giác. Cô bé thể hiện yêu cầu giúp đỡ bằng một cái xô vì cách này hiệu quả trong rất nhiều tình huống: đó là một cái xô to trong đó cô bé có thể ném nhiều vấn đề vào đó. Thỏa hiệp được thể hiện qua hình ảnh giỏ đựng trứng Phục sinh, vì “khi người ta thỏa hiệp, ai cũng vui. Như thế thật hay. Đó là lý do có những thứ đẹp đẽ nhiều hoa văn trong này”. Cô bé thể hiện việc thử làm theo cách khác bằng hình ảnh cái thùng rác vì cô “ghét cái đó”. Vì có vấn đề với tư duy linh hoạt nên cách này đặc biệt khó đối với cô bé.
Trong các buổi trị liệu, tôi dẫn dắt Shawna đi theo ba cách này để cùng nhau giải quyết vấn đề theo Kế hoạch B. Khi không thể đưa ra một ý tưởng nào, tôi sẽ chỉ vào bức tranh và nói, “Hãy xem lại các phương án này nhé. Chúng ta có thể nhờ giúp đỡ được không? Nếu cần thì ta phải hỏi ai? Chúng ta làm việc đó bằng cách nào?”. Sau đó chúng tôi sẽ khám phá phương án thỏa hiệp. “Một sự thỏa hiệp sẽ như thế nào nhỉ? Liệu nó có hiệu quả không?” Nếu phương án thỏa hiệp không khả thi, chúng tôi sẽ xem xét xem làm thế nào để cô bé có thể giải quyết được vấn đề theo cách khác. Chúng tôi đã cùng nhau luyện tập theo nền tảng này nhiều tới nỗi cô bé đã tiếp thu và tự thực hiện để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình. Các cuộc nói chuyện với cô bé theo Kế hoạch B đã trở nên dễ dàng hơn, thậm chí còn giúp cô bé hình thành nhiều kỹ năng hơn về sau.
Có các kỹ thuật khác giúp khắc phục nhiều vấn đề về tư duy không linh hoạt của các cá nhân bị khuyết kỹ năng ở mức nghiêm trọng. Khi thực hiện Kế hoạch B với một người cực kỳ cực đoan và nhìn thế giới bằng hai màu đen trắng, tôi thường dạy kỹ năng linh hoạt bằng cách cố tình thách thức hay “tô xám” các phạm trù nhận thức của họ. Tôi sẽ thực hiện việc này bằng cách mượn một kỹ thuật của Aaron Beck, cha đẻ của liệu pháp nhận thức, và thách người kia cùng xem xét dữ liệu một cách khách quan.
Chẳng hạn một đứa trẻ nói với tôi rằng nó ghét hết mọi người ở trường. Tôi sẽ hỏi lại, “Cháu ghét hết mọi người luôn sao?”.
“Đúng vậy ạ.”
“Ồ, vậy là cháu ghét mọi người. Cháu nói ‘ghét’ là có ý gì?”
“Họ rất ngốc và vô dụng. Họ còn quá phiền phức nữa.”
Tôi sẽ tiếp tục gợi mở vấn đề. “À, chú nghĩ biết đâu đôi khi cũng có người không quá phiền phức thì sao nhỉ. Chú cũng không biết nữa. Cháu nghĩ sao?”
Sau khi nhẹ nhàng thúc đẩy cô bé thiếu linh hoạt bằng cách này, tôi yêu cầu cô bé suy nghĩ xem làm thế nào để xác định sự thật nằm ở đâu, đồng thời vẫn cho thấy là phiên bản sự thật của cô bé có khả năng đúng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, cô bé rốt cuộc cũng thừa nhận đúng là có ít nhất một người, thậm chí hơn một người, không quá phiền phức. Từng chút từng chút một, qua các cuộc nói chuyện như vậy, ngay cả những người có tư duy vô cùng thiếu linh hoạt cũng trở nên linh hoạt hơn một chút. Họ học cách nhìn thế giới với gam màu xám, thay vì chỉ có đen và trắng. Các cuộc nói chuyện theo phương pháp Kế hoạch B trở nên dễ dàng hơn, giúp họ xây dựng được không chỉ một kỹ năng trong tương lai.
Một trong những ưu điểm của phương pháp xây dựng kỹ năng theo Kế hoạch B là để giúp ai đó phát triển một kỹ năng nào đó, bạn không cần phải chỉ ra cho họ biết là họ thiếu kỹ năng đó. Họ không cần đồng ý hay thừa nhận là họ yếu ở một lĩnh vực nào đó, và họ cũng không cần quyết tâm nỗ lực xây dựng kỹ năng. Tất cả những gì họ cần làm là sẵn sàng giải quyết vấn đề một cách hợp tác, theo cách có lợi cho họ và cho bạn. Quá trình xây dựng kỹ năng được “chèn” vào quá trình này - dành cho tất cả các bên tham gia.
Ghi nhớ những điều tích cực
Trở về đầu những năm 2000 khi chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển phương pháp CPS, tôi đã trị liệu cho một thanh niên mà tôi gọi là Brendon. Đó là một thanh niên thông minh, được sinh ra trong gia đình trung lưu và có học vấn cao. Brendon mắc một chứng bệnh hiếm gặp khiến da cậu rất dễ bầm tím. Nếu trượt ngã, cậu sẽ bị bầm tím, bắt đầu chảy máu và cần được ghép da cũng như tiến hành các biện pháp điều trị khác. Tất cả những điều này thật khó lòng chịu đựng và hủy hoại lòng tự trọng của cậu. Cậu bắt đầu đi lại với đám trẻ hư ở trường, hút chất gây nghiện và trễ nải bài vở. Cha mẹ cậu phản ứng bằng Kế hoạch A - tước bỏ mọi quyền lợi, cấm túc và dọa gửi cậu vào một chương trình trị liệu ở vùng xa xôi hẻo lánh, tất nhiên là phải dùng đến vũ lực, nếu cần.
Tôi đã cố gắng hết sức để giúp cha mẹ cậu duy trì quan điểm thông cảm và tin rằng Brendon đã rất nỗ lực, rằng cậu bé thiếu kỹ năng chứ không phải thiếu ý chí. Trong các buổi trị liệu, tôi đã chỉ cho Brendon và gia đình cậu cách thực hiện Kế hoạch B. Trong lúc đó, tôi cũng vận động cha mẹ Brendon tránh sử dụng Kế hoạch A và cho Kế hoạch B cơ hội phát huy tác dụng. Tôi e rằng việc dọa đưa Brendon đi trị liệu ở vùng xa xôi hẻo lánh để khiến cậu sợ hãi sẽ chỉ gây chấn thương tâm lý cho cậu chứ không mang lại lợi ích gì. Brendon cũng đã bảo đảm với tôi rằng cậu không còn hút cần sa nữa. Cậu khẳng định cha mẹ không hiểu cậu và buộc tội sai cho cậu.
Trong thời gian diễn ra những căng thẳng và kịch tính này, có một lần tôi đưa Brendon tới văn phòng của mình để nói chuyện riêng. Tôi nói rằng tôi tin tưởng cậu. “Nếu những gì cháu nói là sự thật thì chú muốn giúp cháu. Chú muốn thanh minh cho cháu.”
Brendon cam kết, “Cháu hứa đó. Cháu đang nói thật mà. Cháu không còn hút nữa”. Ngay lúc đó, cậu xoay mình trên ghế, và từ túi cậu rơi ra một gói cần sa lớn. Tôi không thể tin nổi. Và phải thừa nhận là tôi đã bực mình. Brendon đã nói dối tôi trong nhiều tuần. Tôi đã cố giúp nó, đứng về phía nó, và trong suốt thời gian này nó đã không tôn trọng tôi.
Không lâu sau đó, mẹ của Brendon một mình đến văn phòng gặp tôi. Bà hoàn toàn tuyệt vọng, không biết phải làm gì với con mình nữa. Bà vừa khóc vừa nói, “Tôi không muốn phải xa nó, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nó từng là một đứa trẻ đáng yêu biết dường nào, tôi không thể tin nó lại trở nên tồi tệ thế này”. Bà cho tôi xem một tấm ảnh khi cậu bé chỉ mới ba hay bốn tuổi. Đó là một tấm ảnh đã cũ sờn trong đó cậu bé đang nằm say ngủ trên băng ghế sau của xe hơi. Trông cậu như một thiên thần, một đứa trẻ bé bỏng dễ thương nhất trần đời. Mẹ cậu nói tiếp, “Anh thấy chưa, ngày trước nó có phải là đứa khủng khiếp thế này đâu. Bây giờ nó quá khác. Nó không còn là nó nữa. Không còn vẻ dễ thương nào nữa. Và tất cả là lỗi của chúng tôi. Chúng tôi là những người tốt, có những giá trị tốt, nhưng chắc chắn chúng tôi đã làm sai điều gì rồi”.
Tôi nhìn bức ảnh hồi lâu, lòng ngập tràn xúc động. Khi đó các con tôi còn nhỏ, con trai lớn của tôi đang ở cùng độ tuổi với cậu bé trong ảnh. Brendon từng giống con trai tôi, đầy hy vọng, đầy triển vọng, giàu lòng yêu thương, biết quan tâm, dễ thương và đáng yêu. Thật kinh khủng và đáng buồn là nó không còn như vậy nữa. Tôi tự nhủ chúng tôi phải tìm được điều tốt trong Brendon. Vì bên trong cậu thanh niên khó bảo và đáng sợ hiện tại vẫn còn đứa trẻ tuyệt vời trong bức ảnh này. Tôi biết chắc điều này. Và thế là tôi lấy lại tinh thần để tiếp tục làm việc với Brendon. Vì nhận thấy Brendon gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát lo lắng và thất vọng, cũng như dự đoán hậu quả về hành động của mình, chúng tôi hỗ trợ cậu xây dựng những kỹ năng này.
Tôi thường nghĩ về khoảnh khắc này mỗi khi dạy về Kế hoạch B và làm việc với những đứa trẻ gây rối. Thật khó khi làm việc với những người có hành vi khiến chúng ta bối rối, bực tức hay thậm chí là lúc nào cũng thể hiện sự khó chịu với chúng ta. Rất khó có thể kéo họ lại gần, nghe họ nói và cùng làm việc với họ để giải quyết vấn đề, khi mà thật sự những gì chúng ta muốn làm là trừng phạt họ. Thường thì họ nói với chúng ta rằng họ không muốn hợp tác với chúng ta - thực tế là họ hét vào mặt chúng ta những lời như vậy, còn chêm thêm vài câu chửi tục. Tuy vậy, nếu chúng ta vẫn nhớ về đứa trẻ ngây thơ bên trong thì việc đồng hành với họ sẽ trở nên dễ dàng hơn một chút. Trong những lần thất vọng với Kế hoạch B, tôi thường nghĩ về Brendon và bức ảnh đó. Tôi nhớ về triết lý đã dẫn đường cho tôi - kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi - và cảm thấy được truyền cảm hứng để mạnh mẽ và tiếp tục nỗ lực.
Tôi không dám chắc có phải Kế hoạch B đã tạo nên sự khác biệt ở Brendon hay không. Tôi chỉ biết cậu bé đã tốt nghiệp trung học, vào đại học và đang sống tốt. Mặc dù cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng cậu đã tìm được cách bình tĩnh ứng phó. Có lẽ Kế hoạch B đã đóng một vai trò nào đó, vì sau rất nhiều năm, rất lâu sau khi tôi không còn gặp Brendon nữa, mẹ cậu tới văn phòng làm việc của tôi vào dịp lễ Tạ ơn và tặng tôi một ổ bánh hồ đào sô-cô-la bà mới nướng. Tôi chưa bao giờ cho bà một liều thuốc thần với phương pháp CPS, nhưng tôi đã cho bà nhiều phương án lựa chọn khác thay cho biện pháp thông lệ mà chúng ta vẫn thường sử dụng để xử lý hành vi thách đố. Tôi đã chỉ cho bà làm thế nào để xây dựng kỹ năng cho con, đồng thời cũng là cho bản thân bà, không phải bằng cách trừng phạt nó, tống khứ nó đi, mà kéo nó lại gần hơn, cho nó vị thế bình đẳng để giải quyết vấn đề. Tôi đã cho bà biết là bà có một phương án khác ngoài Kế hoạch A - phương pháp vốn không hề giúp giải quyết vấn đề mà còn khiến mối quan hệ của mẹ con họ có nguy cơ bị hủy hoại. Tôi mang đến cho bà một phương pháp thật sự tạo ra những kết quả có ý nghĩa - qua từng tình huống một, từng kỹ năng một và từng đứa trẻ một. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét những kết quả này, khám phá xem điều gì xảy ra khi các bậc cha mẹ của những đứa trẻ thậm chí ương ngạnh nhất áp dụng phương pháp CPS ở nhà.