Đó là tuần lễ thứ hai của kỳ nghỉ hè và Vicki cảm thấy có lỗi - chưa gì cô đã trông chờ tới cuối tháng khi cô con gái mười tuổi của cô, Becca, sẽ đi cắm trại. Becca cũng không vui gì. Nhiều ngày qua con bé rầu rĩ đi quanh nhà, càu nhàu rằng nó rất buồn chán và chẳng có gì để làm. Con bé không có nhiều bạn bè, và nó đã giết thời gian bằng cách ngấu nghiến mấy quyển sách mượn từ thư viện.
Ngày hôm đó, Becca mò tới máy tính của nó, mặc dù cha con bé đã tước đi quyền lợi này để phạt một hành vi không đúng của nó. Như Becca lý luận, hình phạt này chẳng đáng kể. Cha mẹ nói nó bị cấm không được chơi trò chơi trên máy tính - đó là trò chơi trực tuyến giết thời gian của nó. Hôm nay nó nảy ra một ý khác trong đầu. Vì đã chán trò chơi trực tuyến tạo và chăm sóc thú cưng ảo, cô bé đã tìm ra một trang web dành cho người dùng cao cấp hơn (và có lẽ lớn tuổi hơn nó nhiều) và dường như đòi hỏi người dùng phải có trình độ cỡ lập trình máy tính. Đây không phải là chơi, Becca nghĩ bụng. Đây là một việc nghiêm chỉnh. Nó đang thiết kế một trò chơi.
Khi Vicki phơi xong quần áo và đi lên lầu, cô đã tức giận trước trò ranh mãnh của con gái. Cô quát tháo Becca và bắt nó vào phòng vì đã không tuân thủ hình phạt trước đó. “Nhưng đây không phải là trò chơi!”, Becca hét lên. “Con đang tạo ra một thứ mới mà!”
“Con có thôi biện hộ đi không, Becca”, Vicki nói, quá nản vì con gái cô luôn tìm cách lách mọi quy định mà cô đề ra.
Becca giậm chân đi về phòng và nằm phịch xuống giường. “Mẹ thật quá đáng. Làm sao con hoàn thành trò chơi mà con đang thiết kế đây?”
Sau một giờ giận dữ, Becca rời khỏi phòng, tới phòng sinh hoạt chung và tỉnh bơ bật ti-vi. Mẹ nó chưa nói gì về ti-vi cả. Vô tình cô bé bấm vào một nút trên bảng điều khiển và dò xuống đường dẫn, rồi nó thấy màn hình hiển thị “Chế độ kiểm soát dành cho phụ huynh”. Đây chính xác là cái mình cần, con bé nghĩ. Sao lúc nào cha mẹ cũng thích kiểm soát thế nhỉ? Becca làm theo hướng dẫn cho tới khi được yêu cầu nhập mã kiểm soát quyền xem ti-vi. Cô bé nhập mã. Bây giờ thì tới lượt cha mẹ phải cần cô bé cho phép để làm gì đó.
Buổi tối hôm đó, Vicki phát hiện ti-vi đã bị khóa. “Becca!”, cô gào lên. “Lần này con làm gì nữa vậy? Con khóa ti-vi đấy à?”
Sau mười phút cãi vã, Vicki đã buộc con bé mở khóa ti-vi. “Trời ơi, cứu con”, cô tự nhủ. “Làm sao những phụ huynh khác có thể chịu được bọn trẻ lúc chúng nghỉ hè cơ chứ!”
Hành vi thách đố là một vấn đề lớn cho các bậc cha mẹ và những đứa trẻ. Đây là lý do hàng đầu khiến bác sĩ nhi chuyển trẻ em tới khoa dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Thật may là phương pháp CPS đã chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm các hành vi thách đố. Theo lời nhiều phụ huynh nói với chúng tôi, đây là phương pháp duy nhất có tác dụng sau khi phương pháp truyền thống thất bại. Tuy vậy, phương pháp CPS không chỉ có tác dụng với trẻ em. Quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi giúp cha mẹ hiểu con mình theo cách mới, làm dịu các xung đột và mở đường cho các mối quan hệ bền chặt hơn. Khi cha mẹ áp dụng phương pháp CPS vào tình huống hàng ngày, họ tránh được cách tư duy dùng-chung tồn tại trong phần lớn những kiến thức nuôi dạy con và cùng tham gia với con trong quá trình xây dựng kỹ năng được thiết kế riêng cho trường hợp của họ. Nếu bọn trẻ đã có đủ kỹ năng cơ bản để hành xử đúng, họ sẽ giúp chúng hình thành các kỹ năng giải quyết vấn đề tinh vi hơn như cảm thông, đón nhận quan điểm của người khác, linh hoạt và sáng tạo, để chuẩn bị cho chúng thành công khi trưởng thành. Quá trình này cũng kích thích các dạng động lực sâu sắc hơn, thúc đẩy con của họ tìm kiếm và theo đuổi đam mê. Cuối cùng, phương pháp CPS giúp chúng ta nuôi dạy một thế hệ những đứa trẻ không chấp nhận quan điểm chân lý thuộc về kẻ mạnh đã hằn sâu trong các khuôn mẫu nuôi dạy con cái truyền thống, thay vào đó là thế hệ những đứa trẻ nỗ lực giải quyết các tranh chấp một cách hợp tác và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Một phương pháp đã được chứng minh
Như đã đề cập ở phần mở đầu quyển sách, phương pháp CPS lần đầu tiên được phát triển như một biện pháp can thiệp mà các bậc cha mẹ có thể tự sử dụng ngoài quá trình trị liệu. Những phụ huynh đầu tiên mà chúng tôi hướng dẫn phương pháp này rất nhiệt tình với CPS và cách phương pháp này phát huy hiệu quả đối với những đứa con có hành vi thách đố của họ. Với mong muốn kiểm chứng các kết quả này, chúng tôi đã tổ chức và hỗ trợ để tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu nhằm thử nghiệm tính hiệu quả của phương pháp CPS tại nhà. Kết quả thật khó tin. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Consulting and Clinical Psychology, (1) đội ngũ của chúng tôi đã tập hợp một nhóm năm mươi em ở độ tuổi trung học cơ sở. Đây là những em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thách thức chống đối mà triệu chứng bao gồm sự cố tình không vâng lời. Những đứa trẻ này cũng có các dấu hiệu rối loạn trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực.
Chúng tôi điều trị cho mỗi em cùng gia đình của các em theo một hoặc hai phương pháp được lựa chọn ngẫu nhiên. Một trong các phương pháp đó là liệu trình mười tuần trị liệu cơ bản để giúp trẻ kiểm soát hành vi. Theo phương pháp này, các gia đình được tìm hiểu cách giải thích thông thường về hành vi thách đố. Họ cũng được học về các biện pháp kỷ luật truyền thống bao gồm cách sử dụng thời gian cấm túc cũng như dùng nhãn dán, thẻ tích điểm v.v. để theo dõi hành vi của trẻ và xác định thưởng phạt. Cách điều trị còn lại là hướng dẫn sử dụng phương pháp CPS trong một thời gian trung bình là mười một tuần lễ. Các gia đình được học về khái niệm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi và về ba kế hoạch căn bản để xử lý vấn đề. Họ cũng có cơ hội thực hành Kế hoạch B trong các tình huống xung đột.
Tôi và đồng nghiệp là những nhà trị liệu thực hiện phương pháp CPS. Bên cạnh đó còn có những người quan sát độc lập sẽ xem băng thu âm các buổi trị liệu để đảm bảo chúng tôi đang điều trị đúng cách. Một phần của cuộc thử nghiệm là chúng tôi thực hiện hàng loạt các bài trắc nghiệm trước và sau các buổi trị liệu để đo độ tích cực trong tương tác của các bậc phụ huynh với con mình, và mức căng thẳng mà họ cảm thấy. Chúng tôi cũng cho các trị liệu viên và các bậc cha mẹ hoàn thành các khảo sát thông thường, xem xét cách họ cảm nhận về thay đổi hành vi của trẻ kể từ khi gia đình bắt đầu các cuộc trị liệu. Các nhà trị liệu điền các mẫu khảo sát ngay sau khi kết thúc đợt điều trị, cha mẹ thì thực hiện việc này bốn tháng sau đó.
Theo đánh giá của các bậc cha mẹ lẫn các nhà điều trị, những đứa trẻ có cha mẹ tham gia huấn luyện phương pháp CPS đã cải thiện hành vi một cách đáng kể. Bốn tháng sau đợt điều trị, 80% số trẻ em có gia đình được đào tạo CPS đã cho thấy những cải thiện hành vi tuyệt vời, so với 44% gia đình được hướng dẫn phương pháp thông thường. Các kết quả tương tự cũng được ghi nhận trong những công trình nghiên cứu công khai khác. Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển thực hiện khoảng sáu đến mười khóa học về CPS cho cha mẹ của mười bảy học sinh trung học cơ sở mắc chứng rối loạn thách thức chống đối. Ngay sau cuộc can thiệp này lẫn sáu tháng sau đó, tất cả các em trong nhóm đã giảm mạnh các hành vi liên quan tới chứng rối loạn này. Trẻ em cũng giảm những biểu hiện liên quan tới hội chứng tăng động giảm chú ý.(2) Khi được hướng dẫn cho các nhóm phụ huynh, phương pháp CPS cũng chứng minh hiệu quả tương đương.(3)
Qua nhiều năm, chúng tôi đã ghi nhận những kết quả tương tự trong nhiều trường hợp khác, nơi có những người chịu trách nhiệm quản giáo trẻ em và thay thế vai trò của phụ huynh trong một chừng mực nào đó. Tại trường học, chúng tôi giúp giảm đáng kể việc sử dụng biện pháp kỷ luật truyền thống như giam giữ, đình chỉ học và đuổi học. Chúng tôi cũng chứng kiến sự cải thiện ấn tượng trong môi trường làm việc của nhân viên trường học: giảm căng thẳng và thương tích trong quá trình làm việc. Chẳng hạn, tôi và đồng nghiệp hướng dẫn phương pháp CPS cơ bản cho toàn bộ năm ngàn ba trăm nhân viên an ninh trường học của Sở Cảnh sát New York trong tuần lễ cuối cùng trước khi năm học mới bắt đầu. Vào thời gian đó, CPS là một trong những sáng kiến và thay đổi đạo luật được thừa nhận bởi các trường học của Thành phố New York. Trong năm học sau đó, số vụ bắt giữ trong các trường học giảm 58% so với năm trước đó. Số lượng thư triệu tập phát ra giảm 67%, số lượng báo cáo về các vụ phạm tội lớn giảm 20%, báo cáo về các vụ tội phạm bạo lực giảm 39%.(4)
Chúng tôi cũng chứng kiến kết quả tương tự tại một số trường học trên khắp đất nước. Tại một trường học ở Colorado, một nghiên cứu thí điểm đã cho thấy sự căng thẳng của giáo viên giảm đáng kể sau khi họ được huấn luyện về phương pháp CPS, và các giáo viên áp dụng phương pháp này chính xác nhất là những người giảm căng thẳng đáng kể nhất. Một số trường thiết kế đặc biệt cho trẻ em có hành vi thách đố cũng cho thấy việc giam giữ, số ca đình chỉ và cách ly đều giảm mạnh; thậm chí, trong một số trường hợp, nhu cầu sử dụng các biện pháp kỷ luật này gần như đã được loại bỏ hoàn toàn. Một trường học tại tiểu bang New York không chỉ có số lượng học viên bị đình chỉ giảm, mà tỷ lệ học viên chuyên cần còn tăng 48%. Ngoài ra, các trường học khác cũng báo cáo rằng giáo viên đã tự tin hơn về năng lực làm việc cũng như cải thiện mối quan hệ với học sinh.(5)
Tại các cơ sở điều trị bệnh tâm thần và các nhà tù thanh thiếu niên, chúng tôi đã sử dụng phương pháp CPS để giảm đáng kể các hành vi tự gây thương tích, giảm hoặc hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng biện pháp giam giữ hoặc phòng cách ly để kiểm soát hành vi. Sau khi thực hiện phương pháp CPS tại khoa nội trú bệnh nhân tâm thần trẻ em tại Đại học Yale, các vụ cách ly bệnh nhân giảm từ bốn trăm hai mươi ba xuống còn một trăm ba mươi ba vụ một năm, các vụ giam giữ giảm từ hai trăm sáu mươi ba xuống còn bảy vụ trong một năm.(6) Sau một năm CPS được thực hiện tại đây, Bệnh viện Tâm thần Ohio đã giảm 95% nhu cầu sử dụng phòng giam và loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng phòng cách ly. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, vốn rất cao tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần, đã giảm xuống còn dưới 3% một năm. Tại Nova Scotia, Canada, một chương trình điều trị nội trú có mười hai giường bệnh cho thanh thiếu niên đã đạt được mức giảm 69% các vụ cách ly trong giai đoạn sáu tháng sau khi áp dụng CPS, và giảm 78% sau bốn mươi tháng áp dụng CPS.(7) Trong một công trình nghiên cứu năm năm tại khoa điều trị nội trú tâm thần bệnh nhân vị thành niên của Bệnh viện Tiểu bang New York, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các vụ bạo lực (là các vụ đòi hỏi sử dụng giam giữ do các bệnh nhân gây hại cho nhau và nhân viên y tế phải gọi nhân viên an ninh) giảm từ một trăm tám mươi hai vụ vào năm 2008 (thời điểm trước khi thực hiện CPS) xuống còn tám mươi sáu vụ vào năm 2012.(8)
Trong những năm gần đây, toàn bộ hệ thống chăm sóc đã đi theo phương pháp CPS. Tiểu bang Oregon bắt đầu đưa CPS vào sử dụng thông qua Ủy ban Sức khỏe Tâm thần và Chứng nghiện của bang. Hiện nay, hầu như mọi chi nhánh hỗ trợ cho trẻ em có hành vi thách đố tại tiểu bang này đều sử dụng một hình thức nào đó của phương pháp của chúng tôi. Hơn năm mươi chương trình đã thực hiện một cách toàn diện phương pháp này, bao gồm hệ thống cải huấn thanh thiếu niên và hầu như mọi chương trình trị liệu nội trú và cư trú. Như một bằng chứng khác cho thấy sự thay đổi bền vững mang tính hệ thống ở Oregon, giờ đây tiểu bang này đã ban hành một đạo luật hành chính yêu cầu mọi cơ sở điều trị sức khỏe tâm thần trẻ em phải sử dụng các phương pháp có “sự hợp tác để giải quyết các vấn đề của thanh thiếu niên”.
Cuối cùng, phương pháp CPS cũng đã chứng minh thành công tại các cơ sở giam giữ thanh thiếu niên, nơi có những đứa trẻ khó trị nhất. Một số cơ sở pháp lý giam giữ thanh thiếu niên tại Bắc Mỹ cũng đã thực hiện CPS. Trong một báo cáo không được công bố của Trung tâm Phát triển Thanh thiếu niên Mountain View tại Maine, tỷ lệ các vụ hành hung và sử dụng vũ lực đã giảm 50%, thời gian cách ly giảm hơn 89% sau khi nhân viên y tế được đào tạo cách sử dụng phương pháp CPS. Tỷ lệ tái phạm giảm sâu. Năm 2003, 60% phạm nhân đã tái phạm trong vòng một năm kể từ ngày được phóng thích, trong khi đó, vào năm 2008, sau khi CPS được đưa vào thực hiện, chỉ còn 15% số phạm nhân tái phạm. Số nhân viên nộp đơn đòi bồi thường do thương tích cũng giảm hẳn.(9)
Niềm tin sai lầm về sự nhất quán
Phương pháp CPS hữu ích đối với các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm làm việc với trẻ em có hành vi thách đố vì một số lý do như sau. Đầu tiên, CPS cho phép cha mẹ có được một phương pháp tùy biến để xử lý các vấn đề hành vi của trẻ. Hầu hết các bậc cha mẹ nghĩ rằng họ phải nuôi dạy những đứa con (nếu họ có nhiều hơn một đứa con) theo cách giống nhau, hoặc là họ nên áp dụng các hình thức kỷ luật cho con cái của mình giống như cách bạn bè, hàng xóm, các thành viên trong gia đình áp dụng cho con cái. Họ cho rằng các anh chị em ruột sẽ lợi dụng bất kỳ sự không nhất quán trong các hình thức kỷ luật, hoặc oán giận nếu cha mẹ không đối xử với mỗi đứa con theo cách giống hệt nhau - phương pháp cá nhân hóa bị coi là không công bằng. Hơn nữa, các bậc cha mẹ thường tới gặp tôi và than thở rằng họ cần phải thống nhất biện pháp để có thể nuôi dạy con một cách nhất quán.
Niềm tin sai lầm về sự nhất quán này, theo cách gọi của tôi, là vô ích. Nếu bạn nuôi dạy mỗi đứa con theo cách giống nhau, tôi đảm bảo với bạn rằng không có đứa trẻ nào nhận được những gì nó cần. Nghiên cứu cho thấy trẻ em có những khác biệt đáng kể về tính cách, tính khí, ngay cả khi chúng có chung gien di truyền và lớn lên trong môi trường cơ bản giống nhau.(10) Như chúng ta đã thấy, kỹ năng nhận thức của trẻ em rất khác nhau, do các khác biệt cơ bản trong quá trình phát triển não bộ. Một số đứa trẻ có thể gặp khó khăn với các kỹ năng linh hoạt, kỹ năng giao tiếp, hoặc kỹ năng xã hội, và thậm chí có những đứa trẻ có vấn đề về nhiều lĩnh vực kỹ năng khác nhau. Các quyết định và phương pháp nuôi dạy con hiệu quả đối với đứa trẻ này có thể không có tác dụng đối với đứa trẻ khác, kể cả khi chúng là anh chị em ruột.
Nếu áp dụng một phương pháp nuôi dạy cho tất cả những đứa trẻ, sẽ không có đứa nào nhận được những gì nó cần.
Đối với các bậc cha mẹ có nhiều con, mục tiêu nuôi dạy con không nên là sự nhất quán và công bằng. Mục tiêu của bạn nên là chọn các phương pháp và đưa ra các quyết định phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng đứa trẻ. Phương pháp CPS gợi ý cho các bậc cha mẹ xác định mặt mạnh và mặt yếu cụ thể của mỗi đứa trẻ trong năm nhóm kỹ năng cơ bản mà tôi đã đề cập trong Chương 2, cũng như lưu ý những lĩnh vực mà trẻ gặp khó khăn. Do thiếu hụt các kỹ năng cơ bản, một đứa trẻ có hành vi thách đố có thể gặp khó khăn với một số tình huống phổ biến hàng ngày, trong khi anh chị em ruột của nó lại không bị như vậy. Khi một tình huống khó khăn nảy sinh, người cha hay mẹ có thể quyết định xử lý xung đột bằng cách dành thời gian để giải quyết vấn đề với đứa trẻ bộc lộ hành vi thách đố và xây dựng kỹ năng cho nó. Trong trường hợp đó, cha mẹ sẽ sử dụng Kế hoạch B với đứa trẻ. Với đứa trẻ là anh chị em ruột, cha mẹ có thể sử dụng Kế hoạch A, mặc dù phương pháp này có các điểm bất lợi, vì đứa trẻ này đã có kỹ năng cần thiết để thỏa mãn mong đợi của cha mẹ. Trong các tình huống xung đột khác có sự tham gia của đứa trẻ gây rối, cha mẹ có thể quyết định rằng việc xây dựng kỹ năng chưa phải là ưu tiên. Trong trường hợp đó, cha mẹ có thể lựa chọn Kế hoạch A một cách chiến lược (khẳng định quyền hạn tại chỗ), hoặc Kế hoạch C (xử lý tình huống đứa trẻ muốn vào lúc này). Một người cha hay mẹ đang vội đưa con đi tập bóng đá có thể sử dụng Kế hoạch A ngay lúc này để bắt đứa trẻ tắt ti-vi và sẵn sàng đi. Nếu đứa trẻ xin phép ăn sô-cô-la trước bữa tối ba mươi phút, cha mẹ có thể áp dụng Kế hoạch C và cho phép trẻ làm vậy. Bất kể chọn kế hoạch thực hiện thế nào, họ có thể đưa ra quyết định cho mỗi đứa trẻ dựa trên nhu cầu độc nhất của bản thân đứa trẻ đó.
Như chúng ta đã thấy, các cuộc thảo luận theo Kế hoạch B hướng tới tính độc nhất của mỗi đứa trẻ bằng cách chú tâm tới những điểm yếu cụ thể mà trẻ bộc lộ. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc, bước hai của Kế hoạch B (trong đó cha mẹ thể hiện sự quan tâm) có thể gây ra những khó khăn to lớn. Lúc này, phụ huynh sẽ cần trở về bước đầu tiên một cách tự nhiên để làm dịu đứa trẻ bằng sự cảm thông và trấn an, giúp hình thành trong trẻ kỹ năng điều tiết cảm xúc cơ bản. Khi kỹ năng này được cải thiện, các phần khác của cuộc đối thoại theo Kế hoạch B có thể trở thành một điểm mấu chốt để giúp cha mẹ bắt đầu khắc phục các kỹ năng khác nhau. Bằng cách đó, cuộc đối thoại theo Kế hoạch B giúp trẻ luyện tập các kỹ năng cụ thể và đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất vào bất kỳ lúc nào. Trong quá trình khám chữa bệnh, chúng tôi nhận thấy các cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B có thể rất khác nhau, tùy vào từng đứa trẻ, cho dù điểm mấu chốt của vấn đề xung đột (chẳng hạn không làm bài tập về nhà hoặc không chịu đi ngủ đúng giờ) có thể giống nhau.
Cần nhiều lòng trắc ẩn hơn cho những đứa trẻ có hành vi thách đố và cả cha mẹ chúng
Bên cạnh những lợi ích thiết thực của quy trình CPS, quá trình thay đổi lối tư duy mà phương pháp này mang lại còn có một số lợi ích khác cho cha mẹ của những đứa trẻ có hành vi thách đố. Thông thường, những đứa trẻ bị cho là khó dạy lại rất giỏi ở một số lĩnh vực khác nhau. Giống như Becca, cô bé có nhận thức kém linh hoạt và phát triển trước tuổi mà chúng ta gặp ở phần đầu chương, chúng có thể là những đứa trẻ nhạy cảm, có những thế mạnh đặc biệt ở các lĩnh vực như nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, toán học hay thể thao. Chúng có thể có nhận thức mạnh mẽ về đúng - sai và dễ xúc động trước sự bất công. Chúng có thể là những đứa trẻ yêu động vật, đầu bếp, người tranh luận giỏi hoặc yêu thích kịch nghệ. Có lẽ bạn sẽ nghĩ đến từ năng khiếu, cũng có thể là nghệ sĩ hay lập dị, hoặc đơn giản chỉ là đặc biệt có tài.
Cho dù những đứa trẻ này có các ưu điểm đó, hành vi thách đố của chúng vẫn là một vấn đề. Chúng có thể dễ mất bình tĩnh vì những chuyện nhỏ nhặt. Cuộc đời có thể không diễn ra theo dự định của chúng, hay chúng không đạt được tiêu chuẩn hoàn hảo do chính mình đặt ra trong việc học hay bất kỳ việc nào khác. Chúng có thể từ chối thử làm những việc mà mình không thể nhanh chóng thành thạo, vì chúng nhìn thế giới chỉ với hai màu trắng hoặc đen. Một số đứa trẻ trong số đó có thể gặp khó khăn trong việc kết bạn hoặc duy trì tình bạn. Trong nhiều trường hợp, chúng đơn giản là cảm nhận quá sâu sắc và khó kiểm soát cảm xúc.
Phụ huynh của những đứa trẻ có hành vi thách đố thường thấy kiểu hành xử bất tuân của con mình là một sự đánh đố. Họ tự hỏi tại sao đứa trẻ này giỏi nhiều thứ như thế nhưng lại lắm chuyện đến thế. Quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi đưa ra một câu trả lời thuyết phục. Khi nói tới phát triển kỹ năng, các ưu điểm của trẻ cũng có thể chính là khuyết điểm của trẻ, và những chênh lệch nhận thức này có thể kích thích các vấn đề hành vi. Chúng ta thường nghĩ về những đứa trẻ theo cách phân loại chúng thành các nhóm như “thông minh”, “tài năng” hoặc “có khiếu thể thao”, mặc dù chính sự phát triển nhận thức không đồng đều hoặc không đồng bộ mới là thứ mà những đứa trẻ thường gặp phải. Khi não bộ và năng lực của trẻ phát triển vượt bậc ở một phương diện nào đó, thì ngay cả các chức năng bình thường hoặc các hoạt động trên mức trung bình ở các phương diện khác cũng đều bị mất cân đối, khiến trẻ khó tương thích với thế giới bên ngoài. Đối với đa số chúng ta, ưu điểm lớn nhất cũng chính là khuyết điểm tồi tệ nhất. Chúng ta có thể tán dương những đứa trẻ vì tính kiên trì, đồng thời cũng chau mày trước sự lì lợm của chúng. Những bậc cha mẹ có hiểu biết về sự phức tạp của quá trình phát triển nhận thức, cũng như cách xử lý nó, thường sẽ có được sự điềm tĩnh, thoải mái và tự tin, đồng thời biết chính xác cách thức để giúp trẻ thành công.
Các ưu điểm của trẻ cũng có thể chính là khuyết điểm của trẻ.
Khái niệm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi còn giúp các bậc cha mẹ có con có hành vi thách đố giảm bớt cảm giác tội lỗi mà nhiều người trong số họ thường có. Khi gặp những đứa trẻ cư xử tệ, và khi cho rằng chúng làm vậy là có chủ ý, người ta thường đổ lỗi cho cha mẹ chúng không có hình thức kỷ luật đủ nghiêm. Khi trẻ có hành vi hư hỏng, chúng ta nghĩ là do chúng bị nuông chiều, hoặc do chúng nghĩ là chúng sẽ không bị phạt khi làm vậy, vì cha mẹ chúng không nghiêm khắc. Cha mẹ của những đứa trẻ có hành vi thách đố cảm thấy dằn vặt với suy nghĩ này, tự trách mình quá thụ động, dễ dãi hoặc không kiên định.
Trên thực tế, những lý giải trên là không chính xác và thiếu công bằng. Những đứa trẻ có hành vi thách đố rất khó dạy - sự thật là vậy. Cha mẹ của những đứa trẻ này có vẻ thụ động và dễ dãi với con, nhưng thái độ này không gây ra hành vi xấu. Những người cha người mẹ đó có thể vẫn đủ năng lực nuôi dạy một đứa trẻ dễ bảo hơn. Tôi không thể kể hết những bậc phụ huynh mà tôi đã gặp trong phòng khám, những người có nhiều con, trong đó một đứa thì rất ngỗ ngược, đứa kia lại rất ngoan. Hành vi thách đố của những đứa trẻ khó bảo khiến phụ huynh có vẻ mất phương hướng.
Giải pháp không phải là phán xét cha mẹ, những đứa trẻ, hay bất kỳ ai. Tâm lý học và tâm thần học đã gây bao tổn hại khi quy lỗi cho cha mẹ vì những vấn đề mà sau này chúng ta mới hiểu ra là không phải lỗi của họ. Bạn có thể cảm thấy khó tin, nhưng cuối những năm 1980, xã hội chúng ta thậm chí còn có một thuật ngữ để chỉ những người mẹ lạnh lùng, những người mẹ bị chúng ta quy trách nhiệm gây ra chứng tự kỷ ở trẻ em. Chúng ta từng gọi họ là “những bà mẹ tủ lạnh”. Tương tự, vào đầu thế kỷ 20, chúng ta quy kết chứng tâm thần phân liệt ở trẻ em là do “sự bảo bọc thái quá kết hợp với sự chối bỏ của người mẹ” và nói về họ như “những bà mẹ gây ra chứng tâm thần phân liệt”. Các nghiên cứu sau này đã vạch trần lý thuyết này, và một nhà bình luận đã gọi đây là “sai lầm đáng thất vọng, còn hơn cả sự hổ thẹn”(11). Không, giải pháp không phải là đẩy trách nhiệm cho những người không có lỗi, mà chính là cung cấp cho các bậc làm cha mẹ kiến thức và công cụ họ cần để giúp con mình luyện tập các kỹ năng tư duy. Phương pháp CPS làm được điều này và giúp các bậc cha mẹ cảm thấy mình có năng lực nuôi dạy tốt các con của mình.
Cuối cùng, quan điểm kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi giúp các bậc cha mẹ dễ cảm thông với con hơn và xây dựng mối quan hệ cha mẹ - con cái tích cực hơn, lành mạnh hơn. Khi hiểu là những đứa con gây rối không kiểm soát được các hành vi của chúng - vì chúng thiếu kỹ năng để làm theo các yêu cầu của chúng ta - cha mẹ có thể nhìn nhận hành vi xấu của trẻ không phải là biểu hiện của sự bất tuân, mà là sự thể hiện những đấu tranh nội tại của chúng. Một người cha từng chia sẻ với một đồng nghiệp của tôi là sau khi học về phương pháp CPS, ông nhận thấy cách phản ứng “độc đoán, theo Kế hoạch A” của mình không có tác dụng. Hai đứa con trai của ông không những không hình thành được các kỹ năng chúng cần để kiểm soát hành vi, mà còn cảm thấy mình không được lắng nghe hay không có sự kết nối với ông như với một người cha. Ông nói, “Tôi nhận ra những gì tôi tưởng (về phương pháp nuôi dạy con của mình) là mạnh mẽ, quyết đoán và chặt chẽ… hóa ra lại là một mô hình thiếu sự cảm thông hoặc quan tâm đến nhu cầu của chúng”. Sau này ông đã quyết tâm học cách cảm thông hơn với các con và nhu cầu của chúng.
Việc thay đổi lối tư duy có thể chuyển đổi thái độ của cha mẹ, ngay cả thái độ đối với những đứa trẻ cư xử cực kỳ kém hoặc thường nổi loạn. Chắc bạn còn nhớ Jamison Booker ở Chương 3, đứa trẻ cư xử tồi tệ tới mức đã khiến cho gia đình nó “như sống trong địa ngục”, theo cách nói của Marlene, mẹ cậu bé. Sau sáu tháng học và luyện tập theo phương pháp CPS, hành vi của Jamison đã thay đổi, dẫu con đường vẫn còn dài. Tuy vậy, Bob, cha của cậu bé, đã nói với tôi và đồng nghiệp của tôi rằng việc hiểu ra Jamison không cố ý cư xử xấu xa mà cậu bé chỉ đang gặp khó khăn do thiếu kỹ năng đã tạo ra một khác biệt. Trước đây, Bob từng cảm thấy “tức giận và thất vọng”, thường tự nhủ, “Chết tiệt, tại sao thằng nhóc này lại không thể tuân theo quy định hay làm theo chỉ dẫn?”, nhưng giờ đây phần lớn nỗi giận dữ đó đã tiêu tan. Bob và vợ thấy “buồn cho Jamison vì đó không phải lỗi của nó. Thằng bé tội nghiệp chỉ không biết phải làm thế nào để xử lý mọi việc trong cuộc sống theo nhiều cách khác nhau”. Bob ước tính mức độ căng thẳng của anh liên quan tới Jamison giảm khoảng ba phần tư so với trước khi gia đình được học về phương pháp CPS. Đây không phải là một khác biệt ghê gớm, nhưng là một bước tiến đáng kể nếu xét theo mức độ tuyệt vọng mà gia đình này từng trải qua. Bob thừa nhận rằng Jamison cần thời gian để “cài đặt lại các nơ-ron thần kinh”. Trong thời gian đó, Bob và Marlene đã học được cách kiên nhẫn hơn và “không coi hành vi của Jamison là một sự công kích cá nhân”, và không “diễn giải hành động của nó như sự đối đầu trực tiếp”. Chúng tôi thường thấy mức độ căng thẳng của cha mẹ giảm ngay cả trước khi các hành vi thách đố được cải thiện, đơn giản là vì cha mẹ đã có thể nhìn nhận hành vi của con dưới góc độ yêu thương hơn.
Giúp những đứa trẻ “bình thường” phát triển
Phương pháp CPS có thể mang lại lợi ích cho các bậc cha mẹ đang phải ứng phó với những hành vi vô cùng tồi tệ, nhưng nếu bạn là phụ huynh của những đứa trẻ phát triển bình thường hay dễ điều chỉnh thì sao? Bạn có thể hưởng lợi gì từ việc sử dụng phương pháp CPS không? Câu trả lời là một sự khẳng định chắc nịch: có. Giống những đứa trẻ có hành vi thách đố cùng lứa tuổi, những đứa trẻ “dễ điều chỉnh” cũng có những mặt mạnh và mặt yếu xét đến khía cạnh kỹ năng. Nhưng trong khi đứa trẻ gây rối có thể gặp khó khăn nghiêm trọng trong một số tình huống hàng ngày, đứa trẻ phát triển bình thường chỉ gặp khó khăn với một hay hai lĩnh vực, và với mức độ tối thiểu. Con trai của bạn không thi trượt, nhưng bạn băn khoăn không biết nó có thể chuyên tâm hơn nữa không. Con gái của bạn có thể rất ngoan ở trường, nhưng bạn ước giá bạn không phải đốc thúc nó ra khỏi giường mỗi sáng. Hoặc bạn có thể hài lòng với sự phát triển tổng thể của con, nhưng bạn thấy hơi lo về chuyện chúng chọn món ăn.
Bất kể mối bận tâm của bạn là gì, phương pháp CPS cho bạn biết bạn có ba lựa chọn: cố khiến con bạn phải làm theo cách của bạn (Kế hoạch A), tạm thời theo cách của nó (Kế hoạch C), hay cùng hợp tác để đưa ra giải pháp (Kế hoạch B). Nếu có nảy sinh xung đột liên quan tới lĩnh vực bạn cho là có vấn đề, bạn có thể lựa chọn sử dụng Kế hoạch B để giải quyết một cách bền vững, đồng thời củng cố quan hệ của bạn với con và xây dựng kỹ năng cho con. Hay bạn có thể quyết định trong trường hợp cá biệt này rằng con bạn không hề gặp khó khăn đến thế và bạn không phải chú tâm đặc biệt tới các kỹ năng cơ bản của nó. Nếu đơn giản là chỉ muốn con vâng lời, và con bạn có đủ kỹ năng để thực hiện, bạn có thể quyết định áp đặt ý muốn của mình lên con. Một phương án khác là bạn gác lại mong muốn của mình và xử lý vấn đề vào lúc khác.
Có thể bạn sẽ tự hỏi không biết cha mẹ của những đứa trẻ giỏi thích ứng có thật sự cần phương pháp CPS không. Suy cho cùng thì những đứa trẻ này có kỹ năng tương đối khá, và những vấn đề về kỷ luật mà chúng gặp phải cũng không đặc biệt nghiêm trọng. Vậy cha mẹ có thể giải quyết các xung đột nảy sinh chỉ đơn giản bằng cách khẳng định ý muốn của mình thôi không? Họ có thể làm vậy, nhưng tôi sẽ nói với các bậc cha mẹ rằng họ sẽ mất một cơ hội to lớn trong việc xây dựng kỹ năng. Khi trẻ đã biết nghe lời, chúng có thể dễ dàng tham gia một cuộc đối thoại theo Kế hoạch B. Qua việc lắng nghe mối bận tâm của cha mẹ, bày tỏ những lo lắng của bản thân và cùng động não tìm giải pháp, trẻ có thể phát triển nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề tinh tế hơn mà chúng sẽ cần để thành công trong thế giới của người lớn sau này.
Chúng ta, những người trưởng thành, cũng phải tuân theo những người có quyền hạn. Chúng ta cần có khả năng giữ bình tĩnh khi xảy ra xung đột với sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng. Chúng ta cần điều chỉnh cảm xúc của mình, chứng tỏ sự linh hoạt trong chừng mực nào đó, và trong nhiều trường hợp là làm những gì được yêu cầu. Thế nhưng công sở trong nền kinh tế hậu công nghiệp ngày nay đòi hỏi nhiều hơn thế. Nhân viên và người quản lý trong hầu hết các tổ chức đều phải hợp tác với người khác mỗi ngày để giải quyết các vấn đề trong công việc. Cho dù đó là chuẩn bị cho một chiến dịch quảng cáo, sắp xếp một cuộc biện hộ pháp lý cho thân chủ, đàm phán một thương vụ bất động sản, hay đề ra một giải pháp công nghệ thông tin thông minh cho một khách hàng khó tính, đa số người trưởng thành đều phải làm việc trong một đội ngũ với những người khác và xử lý các xung đột khi chúng nảy sinh.
Để nổi trội trong môi trường như vậy, bạn cần có khả năng tập trung lắng nghe những gì người khác nói và hiểu mối lo ngại của họ. Bạn phải có khả năng truyền đạt quan điểm của mình và thương lượng các giải pháp mà các bên cùng chấp nhận. Bạn phải có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách linh hoạt nhằm tạo ra những giải pháp sáng tạo. Đa số chúng ta không nắm vững các kỹ năng đó trên ghế nhà trường, vì trường học không dạy những kiến thức nâng cao về giải quyết vấn đề. Các bậc phụ huynh cũng không thực hành các kỹ năng này với các con. Bằng cách tham gia vào các cuộc trò chuyện theo Kế hoạch B, những đứa trẻ thật sự có cơ hội luyện tập những kỹ năng này và từ từ nắm vững chúng. Bằng cách sử dụng Kế hoạch B với những đứa trẻ có khả năng điều chỉnh tốt, chúng ta giúp trẻ nâng cao kỹ năng và được trang bị đủ khi trưởng thành.
Những bậc cha mẹ hoài nghi tính hiệu quả của phương pháp CPS thường sẽ nói với tôi, “Kế hoạch B nghe rất tuyệt, nhưng sự thật là ngoài kia vẫn là thế giới của Kế hoạch A. Anh phải cứng rắn. Anh phải biết cách dùng luật. Khi dạy Kế hoạch B cho bọn trẻ, anh đang khiến chúng phải đối mặt với thực tế một cách thô bạo”. Nghe qua thì điều này có vẻ đúng. Viên cảnh sát sẽ không cố gắng hiểu quan điểm và thông cảm với con bạn khi bắt nó dừng xe vì chạy quá tốc độ. Sếp của nó cũng sẽ không làm vậy, khi nó lại đi làm muộn. Tôi đồng ý với các ông bố bà mẹ hoài nghi rằng thỉnh thoảng thì đây là thế giới của Kế hoạch A. Có những thời điểm chúng ta phải có kỹ năng tuân theo mong muốn của người khác và làm người khác tuân theo mong muốn của chúng ta. Nhưng những thời điểm như vậy chỉ chiếm 1% cuộc đời của chúng ta. 99% còn lại là thế giới của Kế hoạch B. Bạn phải là một người cộng tác tốt, một người đồng cảm, một người giải quyết vấn đề để lèo lái cuộc đời thành công. Kế hoạch B xây dựng những kỹ năng này trong đứa trẻ (và cả cha mẹ chúng nữa).
Động lực thành công
Xây dựng kỹ năng không phải lý do duy nhất để chúng ta áp dụng phương pháp CPS với những đứa trẻ có khả năng điều chỉnh tốt. Những người lớn thành công nhất ngoài kia, những người có sự nghiệp và cuộc sống riêng thành công, không chỉ có kỹ năng giải quyết vấn đề hơn người, mà họ còn có động lực để thành công. Họ không cần phần thưởng hay hình phạt để bắt mình làm việc cật lực. Họ có động lực nội tại khích lệ bản thân. Chẳng phải tất cả chúng ta đều mong muốn con mình phát triển động lực nội tại đó sao?
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng buộc một người hành xử theo cách nào đó bằng cách thưởng phạt làm suy giảm đáng kể động lực nội tại của họ trong việc hành xử theo cách đó.(12) Ví dụ, việc lạm dụng phần thưởng khiến con người trở nên quá quan tâm tới phần thưởng mà ít quan tâm tới mục tiêu mà bạn muốn họ theo đuổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy cách hiệu quả nhất để nuôi dưỡng động lực nội tại của người khác, bao gồm cả trẻ em, là cho họ tinh thần làm chủ hoàn cảnh của mình và tinh thần kết nối với những người xung quanh. Kế hoạch A, thưởng phạt truyền thống, không hề nuôi dưỡng những yếu tố này. Bạn lấy đi nhận thức về quyền lực, quyền tự quản và tự kiểm soát bằng các nỗ lực thao túng hành vi của họ, bạn cũng không xây dựng sự kết nối đồng cảm với con cái trong quá trình này. Rõ ràng bạn không nuôi dưỡng lòng cảm thông vì bản thân bạn không thể hiện điều này trong quá trình áp đặt thưởng phạt.
Ngược lại, Kế hoạch B nuôi dưỡng mối liên kết cảm thông mạnh mẽ giữa cha mẹ và con cái. Việc để trẻ tham gia vào việc tạo ra giải pháp sẽ truyền cho chúng tinh thần làm chủ và tự quản. Khi trở thành những người có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn, trẻ cảm thấy mình đủ năng lực và muốn nỗ lực nhiều hơn. Chúng sẽ cảm thấy ngày càng hiệu quả hơn, làm chủ được vùng hoạt động của mình, có thôi thúc tham gia với người khác và thế giới bên ngoài. Được xây dựng dựa trên cơ sở kỹ năng chứ không phải ý chí quyết định hành vi, Kế hoạch B nuôi dưỡng cả kỹ năng lẫn động lực nội tại mạnh mẽ để chúng ta học hỏi và trưởng thành.
QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ CÁCH NUÔI DẠY CON
• “Tôi muốn kiểm soát con mình để chúng tôn trọng tôi và hiểu được tôn ti trật tự.”
• “Trẻ con dễ hư hỏng lắm, nếu ta cho chúng một, chúng sẽ đòi mười.”
• “Thế giới chẳng dễ dàng gì. Tôi muốn trang bị cho con những thứ cần thiết để nó không đầu hàng trước gian khổ.”
• “Nếu tôi không tức giận nữa thì tức là tôi cũng không còn kỳ vọng đối với con mình.”
• “Con cái thắng thì cha mẹ thua.”
Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với những đứa trẻ “bình thường”
Cha mẹ của những đứa trẻ bình thường có thể xây dựng quan hệ cha mẹ-con cái khắng khít hơn bằng cách sử dụng phương pháp CPS và Kế hoạch B. Brooke và chồng cô, Matt, có hai con, trong đó Thomas mười ba tuổi và là một đứa trẻ dễ uốn nắn. Hồi mười hai tuổi, Thomas xin cha mẹ cho về nhà sau giờ học mà không cần có người lớn trông nom thay vì ở lại trường để tham gia chương trình buổi chiều. Brooke và Matt đồng ý, miễn là Thomas sử dụng thời gian một cách có trách nhiệm và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong nhà. Họ không muốn cậu bé về nhà và chơi trò chơi điện tử cả buổi chiều. Họ muốn Thomas dẫn chó đi dạo, một việc mà cậu bé không thích.
Vào một ngày tháng Chín nóng nực, Matt trở về nhà và thấy dây xích chó không được đặt vào đúng chỗ mà vẫn nằm ở vị trí anh đã để lúc sáng trước khi đi làm. Anh đoán Thomas đã không dắt chó đi dạo. Matt tức giận và lớn tiếng với Thomas. “Hôm nay con không dắt chó đi dạo. Cha biết là con đã không dắt chó đi dạo!”
“Con có mà!”, Thomas hét lên.
Sau vài lần đóng sầm cửa, cuộc xung đột kết thúc. Một lúc sau, Brooke tới nói chuyện với Thomas. Lúc đầu cô thiên về việc giảng cho thằng bé về hành vi nói dối, nói cho nó biết lẽ ra nó chỉ cần thừa nhận với cha là nó không dắt chó đi dạo và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Thay vì vậy, cô hít một hơi thật sâu và quyết định không tập trung vào việc thằng bé nói dối. Cô sẽ sử dụng Kế hoạch B và cố đi tới một giải pháp về vấn-đề-dắt-chó-đi-dạo.
Cô nói, “Thomas, hình như có vấn đề gì đó với việc dắt chó đi dạo sáng nay. Có chuyện gì vậy?”.
“Trời nóng quá ạ”, Thomas đáp.
“Mẹ hiểu rồi. Có điều gì đó khiến con không thích dắt chó đi dạo khi trời nóng. Con nói thêm cho mẹ biết được không?”
“Không phải, mẹ ạ, không phải là con không thích. Bác sĩ thú y nói là nếu con chạm tay vào mặt đường nhựa và cảm thấy quá nóng thì chó cũng cảm thấy quá nóng khi đặt chân lên đó. Khi con cảm thấy mặt đường nóng thì nó đã là quá nóng cho chó rồi.”
Brooke mở to mắt. “Ồ, chờ chút, vậy là con không dắt chó đi dạo là vì mặt đường quá nóng sao?”
“Con có dắt chó đi dạo, đại loại thế. Con dẫn nó ra sân sau và cho nó chạy nhiều vòng quanh sân cỏ để nó không phải đi trên mặt đường nóng.”
“À. Mà không cần dùng dây xích.”
“Dạ, vì con đã đóng cổng rồi. Vậy thì tại sao con phải buộc dây xích cho nó chứ?”
Nếu Brooke áp dụng biện pháp kỷ luật thông thường, cô có thể đã không bao giờ biết được lý do thật sự vì sao Thomas không dùng dây xích chó. Cô và Matt có thể đã áp một hình phạt, gây ra sự phẫn uất và có lẽ sẽ dẫn tới các vấn đề kỷ luật sau này. Bằng cách kìm lại ý muốn khẳng định quyền hạn của mình, Brooke đã có thể biết được thông tin giá trị từ con. Cô chia sẻ, “Hóa ra không phải là tôi có một đứa con nói dối. Mà thật ra tôi có một đứa con rất có trách nhiệm và biết linh hoạt để tự giải quyết vấn đề”.
Trong trường hợp này, Brooke không cần phải hoàn thành ba bước của một cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B. Cô chỉ đi vào cuộc trò chuyện một cách tự nhiên. Cô kết luận, “Đó là ngày tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà phương pháp CPS đã mang lại cho tôi đó chính là phương pháp này đã giúp tôi thay đổi ngôn ngữ nói chuyện giữa tôi và con. Bằng cách nói chuyện với thằng bé, mặc định là mọi chuyện đều đang diễn biến theo cách tích cực nhất, tôi thường tránh được các xung đột thường xuyên, phổ biến giữa những đứa trẻ vị thành niên và cha mẹ chúng”.
Thời gian qua đi, Brooke tiếp tục sử dụng Kế hoạch B với Thomas. Cô nhận ra rằng các cuộc trò chuyện giải quyết vấn đề giữa hai mẹ con không chỉ cho cô cái nhìn sâu sắc về bản chất hành vi của con mà còn cho phép cô bắt đầu đề cập tới nhiều đề tài khác mà nhiều bậc cha mẹ không thể thảo luận với những đứa con tuổi vị thành niên của mình. Một lần nọ, Matt lo lắng về việc Thomas thường xuyên nhắn tin vào ban đêm. Trong khoảng vài tuần, nó có thói quen cắm đầu vào điện thoại trong giờ ăn tối và suốt nhiều giờ sau đó. Một cuộc nói chuyện Kế hoạch B đã giúp anh biết là Thomas đang cố giúp một cô bạn gái ở trường, người vừa mới chia tay với bạn trai nên đang cảm thấy rất cô đơn và không có ai để tâm sự. Chuyện này dẫn tới một cuộc nói chuyện mà Brooke gọi là “một cuộc nói chuyện mỹ mãn khó tin”. Trong cuộc nói chuyện này, cô và Thomas thảo luận một số vấn đề nhạy cảm, như hành động tự tử và chứng rối loạn ăn uống. Brooke nhớ lại, “Hai tuần sau Thomas kể là cô bạn kia đã khá hơn và đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đây là điều mà có lẽ nếu không có cuộc trò chuyện kia thì nó sẽ không bao giờ đả động với tôi”.
Cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B đã giúp Brooke mở ra một cánh cửa để bước vào “thế giới nội tâm” của con trai cô và hiểu các mối bận tâm của nó. Và theo lời Brooke, điều đặc biệt tuyệt vời là cánh cửa này ngày càng dễ mở hơn. Trong một số trường hợp, Brooke thậm chí không cần khởi đầu câu chuyện theo Kế hoạch B, vì bản thân Thomas đã bắt đầu áp dụng phương pháp CPS rồi. Có một lần, Brooke đồng ý cho Thomas sử dụng tiền tiết kiệm để mua một bộ trò chơi điện tử Xbox. Vào ngày mua, Thomas hỏi mẹ xem nó được phép mua trò chơi nào. Bạn nó thích chơi một số trò và nó cũng muốn được chơi với các bạn qua mạng Internet. Gia đình đã có một máy chơi điện tử khác, và từ lâu trong nhà có quy định là Thomas và em gái không được chơi các trò chơi bạo lực. Brooke nhắc con về quy định này và nghĩ câu chuyện kết thúc ở đó. Một giờ sau, Thomas lại gần và tỏ ra muốn nói chuyện với mẹ. Cậu bé nói, “Thôi được, mẹ lo ngại điều gì khi con chơi trò chơi bắn súng?”.
Brooke không nhịn được cười vì thằng bé lại sử dụng phương pháp CPS với cô. Cô không hề biết Thomas nắm bắt phương pháp này tốt đến vậy. Cô bày tỏ sự lo ngại của mình: cô không muốn con mình trở nên vô cảm với cảnh máu me và bạo lực, cô cũng không muốn em gái thằng bé nhìn thấy hay nghe thấy tiếng của trò chơi. Vì đã đoán được mối lo ngại đầu tiên của mẹ, Thomas trước đó đã tìm hiểu về các trò chơi mình thích trên Internet và tìm được một công cụ cài đặt cho phép nó chơi game với bạn nhưng làm mờ đi các cảnh máu me bạo lực. Brooke nhớ lại, “Thằng bé đã đưa ra một lập luận thuyết phục rằng trò chơi này là một trò về chiến tranh và chiến lược, khác với việc trở nên vô cảm trước các hành động bạo lực vô nghĩa”.
Brooke thừa nhận Thomas đã giải quyết được mối lo ngại đầu tiên của cô. Đối với mối lo ngại thứ hai, Thomas hỏi liệu nó có thể mua bộ trò chơi nếu nó hứa sẽ chỉ chơi khi em gái vắng nhà, không ở gần đó hoặc đang đeo tai nghe hay không. Brooke đồng ý rằng điều này có vẻ hợp lý. “Vì lo ngại của thằng bé là nếu không có trò chơi này, nó sẽ hạn chế khả năng kết nối với bạn nó, mà nó lại rất muốn kết nối với những người bạn này. Dường như nó đã dẫn chúng tôi đi qua quá trình tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người. Công việc của tôi đã hoàn tất.”
Trải nghiệm của Brooke với Thomas đã cho thấy sự tiến bộ to lớn mà những đứa trẻ bình thường có thể làm được trong quá trình phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề qua việc thường xuyên nói chuyện theo cách của Kế hoạch B. Brooke đã đưa Thomas lên ngang tầm với mình, và cậu bé chứng tỏ khả năng ứng phó tốt. Quá trình giải quyết vấn đề trở thành một sân chơi chung, một cơ hội để các bên nói về các vấn đề khó khăn và thiết lập mối quan hệ cộng tác tốt đẹp dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Thay vì coi những kỳ vọng của mẹ là vô căn cứ hay “ngớ ngẩn”, Thomas đã nỗ lực hiểu chúng, theo đúng cách mẹ đã làm với cậu. Cuộc sống gia đình chẳng phải lúc nào cũng suôn sẻ và vui vẻ - các xung đột vẫn nảy sinh và mọi người cần thời gian và nỗ lực để giải quyết chúng. Nhưng quá trình giải quyết vấn đề đưa Thomas và mẹ lại gần nhau. Bất kỳ một bậc cha mẹ nào có con ở độ tuổi vị thành niên cũng có thể nói với bạn rằng đó quả là một kỳ tích. Với những bậc cha mẹ lo lắng rằng bọn trẻ sẽ lợi dụng Kế hoạch B, hãy ghi nhớ: bạn không thể sử dụng Kế hoạch B “cho” một ai đó, bạn chỉ có thể sử dụng cùng với họ. Miễn là bạn bày tỏ rõ ràng các mối lo ngại của mình và đảm bảo giải pháp đưa ra có thể giải quyết các mối lo đó, con của bạn sẽ không thể lợi dụng Kế hoạch B.
Các mối quan hệ lành mạnh ở bất kỳ dạng nào cũng dựa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau. Mặc dù bạn có thể nuôi dạy con ổn thỏa theo Kế hoạch A truyền thống với những đứa trẻ dễ dạy, những đứa trẻ này có thể vẫn cảm thấy không được thấu hiểu. Thường thì những nỗi lo, suy nghĩ, cảm xúc của chúng bị chôn sâu - chúng học cách đè nén những điều đó để tuân theo ý muốn của bạn. Tệ hơn nữa, chúng thường tính tới mối quan tâm hoặc thỏa mãn nhu cầu của mình theo các cách lén lút, trái đạo đức, nguy hiểm hoặc phi pháp. Trong quá trình thực hành Kế hoạch B, bạn đang cho trẻ biết rằng quan điểm của chúng là rất quan trọng với bạn. Bạn đang hỗ trợ và dẫn dắt chúng học những kỹ năng mới. Kết quả tất yếu của quá trình này là một mối quan hệ vững chắc và mang tính hỗ trợ, điều làm cho con của bạn cảm thấy được trao quyền và được thấu hiểu.
Kế hoạch B cho cha mẹ: nhập môn vắn tắt
Nếu bạn đang gặp khó khăn với một đứa trẻ có hành vi thách đố, mời bạn hãy thử nghiệm Kế hoạch B. Bạn áp dụng đúng như mô tả ở Chương 4, chủ động xử lý những vấn đề hành vi tái diễn thường xuyên và chủ động trong các tình huống cần giúp một người nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cũng như giải quyết vấn đề tại chỗ. Quan trọng là bạn không cần cảm thấy quá ràng buộc vào các quy tắc khi áp dụng Kế hoạch B. Đó là một quá trình chặt chẽ, nhưng bạn không nên coi nó như một kịch bản đơn giản sử dụng không cần động não. Hãy hiểu các bước và các kỹ thuật cũng như nguyên lý đằng sau, nhưng cũng thoải mái tùy chỉnh cho phù hợp với môi trường ở nhà. Đặc biệt là hãy điều chỉnh cho phù hợp với một thực tế là bạn đang tương tác với một đứa trẻ chứ không phải một người lớn. Hãy sử dụng ngôn ngữ mà trẻ có thể hiểu được, và thu xếp cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B theo cách có thể dẫn dắt đứa trẻ tham gia một cách tích cực.
Ví dụ, trước khi bắt đầu Kế hoạch B Chủ động với con, bạn có thể suy nghĩ và lập kế hoạch trước để thực hiện đúng lúc con đang bình tĩnh và sẵn sàng, và bạn cũng vậy. Trong nhiều trường hợp, tốt nhất là nói chuyện theo Kế hoạch B khi trẻ đang trong trạng thái phải ngồi yên, khi chúng ta không phải giao tiếp bằng ánh mắt, và khi có một vài hoạt động cũng như chuyển động diễn ra để khiến trẻ phân tâm nhưng không thu hút quá nhiều sự chú ý của trẻ, để trẻ vẫn có thể theo dõi câu chuyện. Với đứa trẻ này, có thể đó là lúc đang trong phòng tắm; với đứa khác có thể là vào một buổi tối khi bị kẹt đâu đó; với một đứa trẻ khác nữa thì có lẽ vào sáng sớm trên đường chở nó đi học hoặc khi chơi ném bóng.
Khi bắt đầu Kế hoạch B Chủ động, hãy cẩn thận không đặt đứa trẻ vào thế phòng thủ. Đây là một thực tế đáng buồn, nhưng khi chúng ta tiếp cận để nói với con về điều gì đó, hầu hết những đứa trẻ sẽ lập tức cảm giác là chúng đã làm sai điều gì đó. Kinh nghiệm đã dạy cho bọn trẻ rằng thế nào chúng cũng nhận được một bài thuyết giảng, nếu không thì tiếp theo cũng là Kế hoạch A. Vì vậy, có lẽ bạn sẽ cần làm quá lên một chút, nhất là lúc đầu, để cho trẻ thấy rằng bạn chỉ hy vọng hiểu được mối quan tâm hay quan điểm của nó chứ không phải để la mắng hay trừng phạt.
Để có một khởi đầu tốt đẹp với Kế hoạch B, hãy bắt đầu bằng một nhận định trung lập, chẳng hạn “Có vẻ thử cái mới là một chuyện hơi khó”, “Mẹ nhận thấy dạo này con khó ngủ, và hình như con thích chơi điện tử vào giờ ngủ”, hoặc “Hình như con rất khó chịu khi phải mang giày?”. Hãy để ý rằng những nhận định này không phải là về hành vi chúng ta muốn ngăn chặn (chẳng hạn, “Mẹ nhận thấy con giấu trò chơi điện tử và không nói thật với cha mẹ”), và cũng không đưa ra những giả định (chẳng hạn, “Có vẻ con nghĩ là cha mẹ không được bảo con phải làm gì”).
Một khi đã đưa ra vấn đề với thái độ trung lập, hãy yêu cầu con bạn nói cho bạn biết mối lo ngại của nó. Chẳng hạn, “Có chuyện gì vậy?”, “Hãy nói mẹ nghe về điều đó xem nào” hoặc “Mẹ tự hỏi không biết có điều gì xảy ra”. Như chúng ta đã thấy, điều quan trọng là không vội vàng trong bước đầu tiên này, và nên sử dụng bốn công cụ cảm thông được mô tả trong Chương 4: đặt các câu hỏi có tính chất làm sáng tỏ, đưa ra các phỏng đoán khéo léo về mối lo ngại của người kia, thực hành lắng nghe có phản hồi và trấn an. Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên ấn tượng trước cách các ông bố bà mẹ ngạc nhiên khi biết các mối lo ngại hay quan điểm của con mình. Có một số ví dụ như sau: một học sinh trung học khăng khăng rằng cậu không nên vào lớp danh dự, không phải vì cậu không thể kham nổi chương trình học ở lớp này, mà vì cậu chỉ muốn sinh hoạt giữa “những đứa trẻ bình thường” để mọi người không nghĩ cậu lập dị. Hay một đứa trẻ có mùi cơ thể rất nặng làm bạn bè tránh xa - hóa ra cậu có tắm rửa đàng hoàng, sử dụng lăn khử mùi, mặc quần áo sạch sẽ, nhưng cậu không dùng xà phòng khi tắm vì cậu không muốn dùng cục xà phòng mà người khác đã dùng để chà vào người mình.
Làm sao mà cha mẹ biết được những điều này? Bạn không thể biết được trừ khi bạn hỏi và sử dụng các công cụ này để đặt nhiều câu hỏi khơi gợi. Điều này không có nghĩa là tất cả các mối lo ngại đều khó nhận ra. Có những mối lo ngại rất rõ ràng, chẳng hạn con bạn muốn ăn gì đó trước bữa ăn tối, và bạn biết đã ba giờ đồng hồ rồi nó chưa ăn gì. Kỹ năng bày tỏ mối lo ngại, nhu cầu và suy nghĩ của con bạn giúp xác định mức độ khó hay dễ của việc thực hiện quá trình này. Hãy nhớ rằng khi tương tác với trẻ nhỏ, bạn có nhiều cách để truyền đạt nhu cầu và mối quan tâm. Bạn có thể làm việc này thông qua các trò chơi, sử dụng các nhân vật, vẽ tranh, dựng nên những câu chuyện, hay bất kỳ hình thức sáng tạo nào bạn có thể nghĩ ra và được trẻ hưởng ứng.
Lấy ví dụ một đứa trẻ có thể giao tiếp tương đối tốt. Cô bé Michaela tám tuổi đã “mượn” một trong những chiếc điện thoại thông minh của cha mẹ trước khi đi ngủ. Cô bé không thừa nhận là đã lấy và giấu chiếc điện thoại dưới gối. Mẹ của Michaela thấy hành vi này thật khó giải thích và rất phiền. Cô quyết định nói về vấn đề này bằng cách sử dụng Kế hoạch B. Hãy chú ý cách mẹ của Michaela bám sát theo bốn công cụ và cuối cùng đã xác định được mối bận tâm của con gái.
Mẹ: Cha mẹ nhận thấy đây không phải là lần đầu tiên con giấu điện thoại của cha mẹ. Đừng lo, con không gặp rắc rối gì đâu. Cha mẹ biết hẳn phải có lý do chính đáng nào đó. Con cho cha mẹ biết nhé? (nêu nhận định với thái độ trung lập, sau đó trấn an và đặt câu hỏi)
Michaela: Con không biết ạ.
Mẹ: Nào, hãy suy nghĩ thêm một chút nhé. Mẹ chắc phải có một lý do quan trọng nào đó. (trấn an thêm)
Michaela: Con không biết thật mà.
Mẹ: Con không gặp rắc rối mà. Mẹ chỉ muốn hiểu thêm thôi. (trấn an thêm nữa)
Michaela: Con xin lỗi. Con sẽ không làm thế nữa được không ạ?
Mẹ: Thôi nào, mẹ không muốn con ngưng làm vậy mà không hiểu vì sao con đã làm. Có phải vì con thấy buồn chán vì không có việc gì làm không? (trấn an, tiếp theo là phỏng đoán)
Michaela: Con không biết.
Mẹ: Hay chỉ là con thật sự thích mấy trò chơi mà con chơi trên điện thoại hơn là mấy trò trên iPod của con? (phỏng đoán)
Michaela: Đại khái vậy, nhưng không hẳn thế ạ.
Mẹ: Đại khái gì? Con thích trò chơi trên máy điện thoại của mẹ hơn à? (lắng nghe có phản hồi)
Michaela: Không hẳn thế ạ.
Mẹ: Được rồi, có vẻ thú vị rồi đây. Vậy là có lẽ con thích trò chơi trên máy điện thoại của mẹ hơn, nhưng con không chắc đó là lý do con giấu điện thoại của cha mẹ. Mẹ cứ tự hỏi vì sao lại thế. (thêm lắng nghe có phản hồi, và thêm một câu hỏi)
Michaela: Con đã nói con không biết mà!
Mẹ: Hãy nhớ là con không gặp rắc rối. Thật sự đấy. Hay là con chỉ đơn giản muốn giấu điện thoại của cha mẹ dưới gối? (thêm trấn an và thêm câu hỏi)
Michaela: Con nghĩ vậy.
Mẹ: Tại sao lại như vậy? (hỏi tiếp)
Michaela: Nó làm con dễ ngủ ạ.
Mẹ: Vậy là điện thoại của cha mẹ giúp con dễ ngủ? Tại sao vậy? (lắng nghe có phản hồi và đặt câu hỏi)
Michaela: Vì con sẽ dùng nó khi không ngủ được.
Mẹ: Vậy ý con là nếu con không ngủ được thì điện thoại giúp con có việc để làm à? (lắng nghe có phản hồi và đặt câu hỏi)
Michaela: Không phải ạ. Vì khi có điện thoại dưới gối thì đầu óc con sẽ có chuyện gì đó vui vẻ để nghĩ tới nếu có những suy nghĩ đáng sợ xuất hiện.
Có thể việc này không dễ dàng, nhưng với một chút kiên nhẫn, mẹ của Michaela đã sử dụng bốn công cụ để nhận biết mối bận tâm của con gái. Đến lúc này, nhiều bậc cha mẹ sẽ bắt đầu đưa ra các gợi ý làm thế nào để giải quyết vấn đề. Hãy khoan làm điều này vội. Bạn chỉ sẵn sàng đi tiếp sang bước hai của Kế hoạch B khi con bạn đã bình tĩnh lại, khi bạn đã hiểu rõ mối lo ngại cụ thể của con mình, và khi bạn đã có thể hình dung ra các giải pháp khả thi (nhưng cũng đừng vội nói ra!). Đôi khi bạn có thể đi tiếp khi đã hiểu được điều gì đó mới mẻ qua cuộc thảo luận, như mẹ của Michaela đã làm. Còn nếu không thể thì bạn cũng đừng lo lắng. Giải pháp của bạn có thể không hiệu quả, và bạn luôn có thể bắt đầu lại để xem bạn có hiểu đúng mối lo của con bạn không. Trong ví dụ trên đây, một khi mẹ của Michaela đã hiểu rằng con gái giấu điện thoại của cô dưới gối là để có cái xua đi những suy nghĩ sợ hãi, cô sẵn sàng đi tiếp sang bước hai của Kế hoạch B, đó là chia sẻ mối quan tâm của cô.
Vậy bạn truyền đạt suy nghĩ của mình như thế nào? Đây là lời khuyên của tôi: hãy làm điều này một cách đơn giản và ngắn gọn. Trước khi tiến hành cuộc nói chuyện theo Kế hoạch B về một vấn đề tái diễn nhiều lần, hãy hỏi bản thân: mối quan tâm thật sự của mình là gì? Tại sao mình muốn con mình hành động khác đi? Đa số những mối bận tâm của cha mẹ đều xoay quanh một hoặc một vài lĩnh vực trong số bốn lĩnh vực sau: sức khỏe, an toàn, học hành, hoặc hành vi của trẻ ảnh hưởng tới người khác thế nào. Nếu bạn khó xác định mối bận tâm của mình, hãy cố gắng xem lại bốn phạm trù này. Nếu đã xác định được mối bận tâm của mình, bạn có thể diễn tả nó bằng ngôn ngữ cụ thể hơn. Theo quan sát của chúng tôi, làm sáng tỏ một chi tiết nào đó có thể giúp cha mẹ tìm được nhiều giải pháp tiềm năng trong quá trình lý giải một vấn đề.
Trong ví dụ trên đây, mẹ của Michaela sẽ muốn tự hỏi bản thân trước khi bắt đầu Kế hoạch B: tại sao mình không muốn Michaela giữ điện thoại của mình vào giờ ngủ? Câu trả lời hiển nhiên là cô không muốn con mình tự tiện lấy đồ và còn nói dối về điều đó. Nhưng có thể hữu ích hơn nếu mẹ của Michaela dành chút thời gian để tự tìm hiểu kỹ hơn về mối lo ngại của bản thân: nếu Michaela hỏi mượn điện thoại, liệu mình có thấy ổn để con bé giữ điện thoại vào giờ ngủ không? Có lẽ không. Vì có thể mẹ của Michaela cũng muốn dùng điện thoại. Cũng có thể cô lo rằng chơi trò chơi trên điện thoại sẽ làm cho con mình thức khuya quá. Vậy thì mối quan tâm của mẹ của Michaela không chỉ là muốn con bé thành thật với mẹ. (Và trên thực tế, tôi sẽ cũng lập luận rằng việc nỗ lực hiểu mối quan tâm của Michaela và giải quyết vấn đề theo cách hai bên cùng thỏa mãn này rất có thể sẽ đưa tới kết quả là cô bé trở nên dễ hợp tác hơn trong tương lai.)
Đừng trông đợi con mình sẽ đón nhận mối quan tâm của bạn ngay từ lúc mới bắt đầu cuộc trò chuyện. Trên thực tế, con bạn có thể nói là nó chẳng quan tâm tới những chuyện quan trọng đối với bạn. Không sao: đó là mối quan tâm của bạn, không phải của nó. Bạn và con bạn chỉ cần xem xét mối quan tâm của người kia. Vậy nên, nếu con bạn nói, “Con không quan tâm đến việc thức khuya. Con có mệt đâu!”, bạn có thể đáp, “Con có thể không quan tâm đến việc thức quá khuya, nhưng mẹ thì có đấy. Đó là một phần công việc của mẹ. Điều con quan tâm là có việc gì đó hay ho để làm mỗi khi thấy sợ, đúng không? Và điều thật sự quan trọng là bất cứ giải pháp nào mà mẹ con mình cùng thảo luận với nhau cũng là để giúp con tránh được cảm giác này”.
Hãy để ý cách mẹ của Michaela phản ứng trước việc Michaela chẳng đếm xỉa tới lo ngại của cô: nhắc lại tầm quan trọng của mối quan tâm của con gái. Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết những đứa trẻ như Michaela trở nên phòng thủ và dứt khoát từ chối vì vào giây phút cha mẹ chúng chia sẻ sự lo lắng cũng là lúc bọn trẻ ngờ rằng mối quan tâm của chúng bị hạ thấp. Mối quan tâm của cha mẹ thường cao hơn mối quan tâm của con cái - đây là điều mà trẻ con đã học chấp nhận một cách khó khăn. Bởi vậy, trẻ sẽ cảnh giác khi chỉ mới thoáng nghe về mối lo lắng của cha mẹ. Nhưng với phương pháp CPS, mối lo ngại của cả hai bên đều quan trọng và đều đáng lưu tâm. Vậy nếu con bạn bức xúc và phản ứng khi mới nghe về mối quan tâm của bạn, bạn phải thể hiện rõ là bạn không quên mối quan tâm của nó bằng cách quay về bước cảm thông.
Một khi bạn thực hiện xong bước thứ hai của Kế hoạch B, thì đây là lúc chuyển sang giai đoạn động não tìm giải pháp. Hãy đề nghị con bạn thử đưa ra giải pháp trước. Tất nhiên nếu con bạn không đưa ra được giải pháp nào, hãy bắt đầu đưa ra vài gợi ý thăm dò nếu bạn có ý hay. Chỉ cần đảm bảo là bạn cho con một cơ hội. Bọn trẻ rất thường đáp lại lời gợi ý bằng câu “Con không biết” sau chưa đầy nửa giây suy nghĩ. Hãy nhắc lại rằng con nên dành thời gian suy nghĩ và đưa ra vài ý tưởng. Nếu nó không thể, hãy cùng trao đổi suy nghĩ với nó. Bằng cách đó, con bạn sẽ có thể nghe được cách bạn suy nghĩ ra giải pháp và học hỏi từ đó.
Khi bạn đang đánh giá các ý tưởng và cùng nhau quyết định chọn ý tưởng nào, hãy đi chậm lại và khuyến khích con cùng suy nghĩ. Hãy ghi nhớ các vấn đề chúng ta đã thảo luận ở Chương 4: liệu giải pháp đề xuất này có tác dụng với con bạn không? Nó có tác dụng đối với bạn không? Nó có làm nảy sinh các mối lo khác hay gây ra các vấn đề khác không? Dù bạn tin hay không thì giải pháp thật sự không quan trọng bằng khả năng thỏa mãn “thử nghiệm giấy quỳ tím này”. Nếu con bạn là người đưa ra giải pháp thì không còn gì bằng.
Trong kịch bản chúng ta đang theo dõi, giai đoạn động não tìm giải pháp có thể diễn ra như sau:
Mẹ: Mẹ chắc là phải có cách nào đó để con không phải sợ vào ban đêm và không phải thức khuya, cha mẹ không mất đồ, mà con thì có thể thành thật với cha mẹ. Con có ý gì không?
Michaela: Con không biết ạ.
Mẹ: Con hãy suy nghĩ thêm xem. Đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết. Có thể phải suy nghĩ thật sự. Nhưng mẹ nghĩ chúng ta có thể cùng nhau đưa ra một cách nào đó. (cho Michaela một cơ hội, không cho cô bé từ chối, thể hiện thái độ lạc quan và trấn an)
Michaela: Con không biết.
Mẹ: Được rồi. Nào, chúng ta cùng nghĩ nhé. Con có nghĩ ra món đồ nào khác làm con vui mà cha mẹ không cần dùng không?
Michaela: Có ạ.
Mẹ: Là gì vậy?
Michaela: iPad của cha.
Mẹ: Được đấy, đó là một ý. Chúng ta cùng tính nhé. (kiên nhẫn ghi nhớ là cần giúp Michaela thực tập thay vì chỉ đưa ra ý tưởng ngay) Cách này có ổn cho con không? (thực hiện phép “thử quỳ tím”)
Michaela: Có ạ!
Mẹ: Thế có ổn cho cha mẹ không nhỉ?
Michaela: Có ạ!
Mẹ: Nào, hãy xem nhé. Mẹ nghĩ chúng ta cần hỏi cha xem cha có cần iPad không. Nhưng chuyện con thức khuya là thế nào nhỉ? (vẫn đang giúp Michaela thử nghiệm giải pháp)
Michaela: Con không làm thế nữa đâu! Con hứa!
Mẹ: Được rồi, mẹ biết là con sẽ cố không thức khuya nữa, nhưng đôi khi các trò chơi hay quá tới nỗi con khó mà dừng lại. (giúp Michaela thử về tính khả thi của giải pháp để khỏi rơi vào mơ tưởng hão huyền)
Michaela: Con có ý này! Hay là mẹ lên kiểm tra xem con có còn dùng iPad nữa không?
Mẹ: Mẹ nghĩ là mẹ có thể làm được. Nhưng nếu lúc đó con vẫn đang chơi, lúc đó ta sẽ phải làm sao?
Michaela: Vậy mẹ có thể nhắc con cất đi, còn con sẽ cố ngủ.
Mẹ: Thế còn vụ-nói-thật thì sao? Con có nghĩ con có thể luôn trung thực về mọi việc và không giấu cha mẹ không?
Michaela: Dạ!
Mẹ: Mẹ nghĩ chúng ta sẽ thử làm vậy nếu con thật sự nghĩ cách này ổn.
Michaela: Cách này ổn mẹ ạ!
Mẹ: Mẹ đoán vậy. Mẹ hy vọng nếu mẹ con mình cùng nhau giải quyết như thế này để ổn cho cả con và cha mẹ thì con sẽ không cần nói dối với cha mẹ nữa. Nhưng nếu cách này không hiệu quả, mẹ hứa con sẽ không gặp rắc rối gì đâu. Chỉ cần chúng ta cùng nhau suy nghĩ và tìm cách khác. Được không con?
Michaela: Được ạ! Vậy chúng ta sẽ thử chứ mẹ?
Mẹ: Được thôi, nếu cha đồng ý với cách này. Rồi xem mọi chuyện thế nào và chúng ta có thể nói chuyện lại nhé.
Giờ thì mẹ của Michaela đã hoàn thành nhiệm vụ bằng Kế hoạch B vì cô và con gái đã đi đến một giải pháp xử lý được mối quan tâm của cả hai bên, một giải pháp khả thi và không gây ra các vấn đề khác. Họ cũng có kế hoạch dự phòng. Hãy để ý cách mà mẹ của Michaela kết thúc Kế hoạch B bằng đề nghị trở lại vấn đề này nếu giải pháp hiện tại không phát huy tác dụng. Một giải pháp thất bại lại là một cơ hội để học hỏi. Dù sao thì cũng không có nhiều vấn đề phức tạp được giải quyết ngay từ lần thử đầu tiên.
Nếu giải pháp của Michaela và mẹ cô bé hiệu quả, ai sẽ là người thắng cuộc trong kịch bản này? Cả hai. Có ai thua không? Không có ai. Mẹ của Michaela đã đồng thời hoàn thành một số mục tiêu. Cô duy trì được các mong đợi của mình đối với con, giảm hành vi thách đố, tăng cường mối quan hệ có ích với con, giải quyết được một vấn đề lặp đi lặp lại để nó không tái diễn và giúp Michaela xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề. Khá tuyệt vời đúng không?
Khi tôi trình bày Kế hoạch B cho các bậc cha mẹ và minh họa bằng các kịch bản giống kịch bản này, các ông bố bà mẹ thường kêu rằng cuộc sống thật bận rộn và không phải lúc nào họ cũng có thể dừng lại để làm cả ba bước. “Tôi có phải thương lượng tất cả những chuyện vụn vặt không?”, họ hỏi, như thể Kế hoạch B sẽ biến những đứa trẻ thành các luật sư bé nhỏ. Tôi phải giải thích rằng phương pháp này có tên gọi Phương pháp Giải quyết vấn đề thông qua hợp tác (CPS), không phải là Phương pháp Cùng thương lượng. Bạn không phải giải quyết mọi vấn đề. Bạn chỉ phải giải quyết các vấn đề đã trở nên khó khăn. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện Kế hoạch B ở bất kỳ đâu, thường chỉ mất vài phút. Xe ô-tô là một nơi tuyệt vời để thực hiện Kế hoạch B. Vì bạn và con không nhìn vào mắt nhau, con bạn sẽ ít có xu hướng cảm thấy bạn đang đặt con vào tình thế phòng thủ. Hãy nhớ rằng Kế hoạch B sẽ giải phóng thời gian của bạn.
Một số cha mẹ gặp khó khăn khi học Kế hoạch B. Họ từng được nuôi dạy theo cách nghiêm khắc, quyền hành, cách tư duy theo Kế hoạch A (hầu hết chúng ta đều vậy), nên sẽ khó dứt bỏ và đi theo một quy trình nhấn mạnh sự cảm thông, lắng nghe và giải quyết vấn đề. Nhưng một khi cha mẹ học thêm về Kế hoạch B, họ thường bắt đầu nhiệt tình với việc sử dụng nó. Trải qua sự chuyển đổi lối tư duy này, họ coi Kế hoạch B hơn cả một cách tiếp cận mềm mỏng. Trong đại đa số các trường hợp, họ thấy phương pháp này mang lại các kết quả ấn tượng hơn rất nhiều.
Nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối
Kế hoạch B mang lại một loạt các lợi ích cho cha mẹ. Trong ngắn hạn, cha mẹ và con cái học được cách giải quyết vấn đề tích cực hơn, hiệu quả hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn. Mối bất hòa dịu đi và các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn. Trong dài hạn, trẻ em cải thiện hành vi. Chúng cảm thấy tốt hơn về bản thân, có động lực nội tại và phát triển mối quan hệ gần gũi với cha mẹ hơn. Nhưng còn có một lợi ích thậm chí còn sâu sắc hơn, lợi ích mà chúng ta thấy được từ câu chuyện Brooke khi thấy con trai tự mình triển khai Kế hoạch B.
Bằng cách thực hành Kế hoạch B với con, chúng ta dạy cho chúng một phương cách khác để nhìn nhận về vấn đề quyền hạn và giải quyết vấn đề. Chúng ta cũng dạy cho chúng lối tư duy cơ bản với lòng trắc ẩn và tinh thần cộng tác. Khi cha mẹ thực hành phương pháp CPS với con cái, những đứa trẻ hiểu rằng những mối lo ngại, khao khát, hy vọng và lo lắng của mình cũng quan trọng như của cha mẹ, cho dù chúng không có quyền hành như họ. Chúng hiểu rằng con người có thể cùng nhau giải quyết vấn đề theo cách cùng xem xét các mối quan tâm của nhau và không tạo ra “người thắng” hay “kẻ thua”. Chúng học được rằng những người có quyền hạn có thể cùng lúc vừa mạnh mẽ vừa giàu lòng trắc ẩn. Ngoài ra, chúng cũng học được rằng mỗi chúng ta đều có những khó khăn riêng về kỹ năng, và ai cũng đang trong quá trình hoàn thiện bản thân.
Xã hội chúng ta chưa làm tốt việc tạo ra những con người biết hợp tác để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Kết quả là trong những thập kỷ gần đây, chúng ta trở nên ít cảm thông hơn. Người lớn cảm thấy ít kết nối với nhau, và lối tư duy theo chủ nghĩa cực đoan, chia rẽ và chân lý thuộc về kẻ mạnh thống trị cuộc sống. Hiếm khi chúng ta chịu mời đối tượng mà mình đang xung đột cùng ngồi lại để tìm hiểu các mối bận tâm của nhau, để tìm ra một giải pháp thỏa mãn cả đôi bên. Là những người cha người mẹ, chúng ta có cơ hội thay đổi điều này. Chúng ta có thể nuôi dưỡng thế hệ những đứa trẻ nhìn nhận về quyền lực và giải quyết xung đột theo cách hiệu quả và giàu lòng trắc ẩn hơn. Con cái chúng ta đang quan sát chúng ta. Chúng đang chú ý chúng ta hành xử thế nào khi nảy sinh xung đột. Trong vai trò người cha người mẹ, chúng ta muốn dạy con điều gì?